logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 04/06/2019 lúc 11:28:37(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Trung Quốc thắt chặt an ninh và kiểm duyệt vào dịp 30 năm Thiên An Môn


UserPostedImage
Một cảnh sát bán quân sự đứng gác vào lúc công chúng chờ xem lễ thượng kỳ trên quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/2019. REUTERS/Stringer
Ngày này, cách đây đúng 30 năm, phong trào đòi tự do dân chủ "Mùa xuân Bắc Kinh" bị chính quyền dìm trong biển máu. Nhân ngày đánh dấu 30 năm vụ thảm sát, hôm nay 04/06/2019, Trung Quốc thắt chặt an ninh cao độ trên quảng trường Thiên An Môn. Ba mươi năm sau, cuộc đàn áp đẫm máu vẫn bị chính quyền Trung Quốc che đậy. Trên mạng internet, chủ đề cấm kỵ này bị kiểm duyệt gắt gao, đặc biệt vào dịp kỷ niệm như hôm nay. Mục đích là để sự kiện bị rơi vào quên lãng.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh cho biết thêm thông tin :
"Trên quảng trường Thiên An Môn, từ lâu nay, không còn những ông già đến thả diều, hay trẻ nhỏ chơi bóng, nhưng vẫn có các du khách. Để vào được quảng trường họ phải qua cửa an ninh có máy dò kim loại và phải xuất trình giấy tờ tùy thân.
Các nhà báo không được vào đó nếu không có giấy phép đặc biệt. Quảng trường Thiên An Môn rộng mênh mông với những hồn ma và bức chân dung Mao Trạch Đông như là một biểu tượng.
30 năm sau, vẫn là một sự im lặng tuyệt đối, chính quyền đã dọn sạch mọi dấu tích. Giờ đây, phần lớn giới trẻ Trung Quốc không biết đến người sinh viên một mình đứng chặn chiếc xe tăng giữa quảng trường năm đó.

Cũng như mỗi dịp mùng 4 tháng sáu hàng năm và nhất là dịp kỷ niệm 30 năm này thì môn thể thao của các cư dân mạng Trung Quốc chính là tìm cách luồn lách kiểm duyệt. Chẳng hạn họ đã ghép một loạt bộ chữ « Điền - 田» nối nhau trên hình tạo thành hình giống đoàn chiến xa.
Về phần báo chí chính thức thì im lặng tuyệt đối. Nếu các bạn muốn đăng bài trên mạng Vi Bác, nhà mạng sẽ thông báo « vì lý do kỹ thuật nên các bạn phải chờ ».
Hồng Kông – Đài Loan : Ký ức không bị lãng quên
Ở cách xa Bắc Kinh gần 2 nghìn km, người dân Hồng Kông hàng năm đến ngày kỷ niệm 4/6 vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc tập hợp tưởng niệm các nạn nhân của Thiên An Môn 1989. Tối nay, tại trung tâm thành phố, hàng nghìn người đã tham gia thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn. Hồng Kông cũng là nơi mà các thông tin về Thiên An Môn không bị kiểm duyệt. Ngoài Hồng Kông, kỷ niệm 30 năm Thiên An Môn cũng được tổ chức tại Đài Loan bằng một cuộc tập hợp tưởng niệm các nạn nhân.
Theo RFI

Sửa bởi người viết 05/06/2019 lúc 08:30:07(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

phai  
#2 Đã gửi : 04/06/2019 lúc 11:31:27(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Các nhà ly khai Trung Quốc nhìn lại Thiên An Môn 30 năm sau

UserPostedImage
Hàng trăm ngàn người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn ngày 17/05/1989.REUTERS/Ed Nachtrieb

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi những chiếc xe tăng của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc nghiền nát phong trào biểu tình phong trào đòi dân chủ của sinh viên Bắc Kinh, các nhà ly khai Trung Quốc nhìn lại sự kiện này như thế nào ? Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của một số người.
Trên đài RFI, nhà văn Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), một sinh viên từ Vũ Hán lên thủ đô tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, nhớ lại không khí lạc quan vào thời ấy :
« Sau vụ thảm sát, người ta cho đó là những sinh viên mơ đến nền dân chủ và chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản. Sự thật không phải như thế. Đa số sinh viên chỉ đòi những cải tổ. Chúng tôi đã tin rằng đảng, các lãnh đạo và nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn cải tổ chính trị, chứ không làm cách mạng.
Vào năm 1989, chúng tôi có phần nào lạc quan, vì đã có một cải tổ chính trị, đã có một cải tổ kinh tế rộng lớn. Kể từ những năm 1978-1979, Đặng Tiểu Bình đã từ bỏ chính sách của Mao Trạch Đông, ông ấy đã mở cửa Trung Quốc, đưa tư bản nước ngoài vào, cho phép người dân lập công ty.
Giới sinh viên chúng tôi nghĩ rằng một lãnh đạo Cộng Sản như Đặng Tiểu Bình đã tiến hành những cải tổ kinh tế triệt để, như vậy ông ấy có thể tiến hành luôn cải tổ chính trị. Thế mà cuối cùng ông ấy lại bắn vào sinh viên. Chẳng khác gì ông nội bắn vào những đứa cháu của mình. »

Là một trong những lãnh đạo phong trào Thiên An Môn cách đây 30 năm, nhà bất đồng chính kiến hiện sống lưu vong Ngô Nhĩ Khai Hy ( Wu’er Kaixi ) không giấu vẻ cay đắng :
« Vào năm 1989, chúng tôi đã rất hy vọng, nhưng rốt cuộc phong trào lại kết thúc với một vụ thảm sát. Trong 30 năm qua, tôi đã phải sống lưu vong, nhưng tôi không muốn mất hy vọng. Tuy vậy, thế hệ trẻ hiện nay rất khó mà huy động lực lượng để chiếm quảng trường Thiên An Môn một lần nữa, bởi vì trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã trở thành một trong những chế độ toàn trị và tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới.
Tôi lên án thế giới và nhất là phương Tây đã giúp cho Trung Quốc trở thành một chế độ như thế. Hiện nay ta có thể tự hỏi không biết nhân dân Trung Quốc có dám nổi dậy lần nữa hay không, nhưng ai cũng thấy là tình hình bây giờ khó khăn hơn rất nhiều. Phương Tây có lỗi một phần và lẽ ra phải thúc đẩy Trung Quốc đi theo con đường dân chủ.
Thế mà trong 30 năm qua, cộng đồng quốc tế lại đối xử với Trung Quốc như là với một chính phủ có trách nhiệm. Vào thời đó, chúng tôi nghĩ rằng, đối thủ của chúng tôi, tức nhà nước, sẽ chọn đi theo con đường đúng đắn. Chúng tôi tin tưởng như thế, chúng tôi tin tưởng như thế. Nhưng rất đáng buồn là chế độ này đã chọn phương án tệ hại nhất cho Trung Quốc. »
Về phần nhà thơ Liêu Diệc Vũ ( Liao Yiwu ), trả lời phỏng vấn RFI, ông đưa nhận định:
« Vụ thảm sát Thiên An Môn đã là điểm khởi đầu của mọi tiến triển của Trung Quốc trong 30 năm qua. Chính vì vậy mà rất cần nhớ lại sự kiện này. Chúng ta cần phải nhớ rằng vào lúc đó một viên tướng đã nói với Đặng Tiểu Bình điều này : "Giết 200 ngàn người sẽ mang lại cho chúng ta 20 năm ổn định".
Tôi nghĩ là ông đã hiểu quá rõ chế độ này và chúng ta cũng vậy, cũng cần phải hiểu điều đó. Rồi người dân và chính phủ đã thỏa thuận với nhau như thế này : các người có thể làm bất cứ điều gì, kể cả làm giàu, nhưng các người sẽ không có tự do ngôn luận, lẫn nhân quyền và dân chủ.
Nói như thế chẳng khác gì : Chúng tôi đã nổ súng và việc này là hoàn toàn đúng đắn. Cần phải đàn áp để duy trì chế độ hiện hành. Và đúng là chính phủ vẫn tiếp tục nghĩ như thế : Nếu không có vụ thảm sát Thiên An Môn, sẽ không có một đất nước Trung Quốc thịnh vượng, với những thành công kinh tế như hiện nay.
Tóm lại, phương Tây đã không thể xuất khẩu nền dân chủ của họ sang Trung Quốc, nhưng bây giờ có nguy cơ là Trung Quốc xuất khẩu chế độ toàn trị của mình sang các nước khác trên thế giới. »
"Trung Quốc tiếp tục chối bỏ Thiên An Môn, nhưng chúng tôi sẽ không để thế giới lãng quên", đó là đề tài một bài viết của ông Hà Tiểu Thanh ( Rowena Xiaqing He ) đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian ngày 03/06/2019. Hà Tiểu Thanh là tác giả cuốn sách “ Những người Thiên An Môn lưu vong : Những tiếng nói đấu tranh cho dân chủ ở Trung Quốc" (Tiananmen Exiles : Voices of the Struggle for Democracy in China)
Tác giả bài viết kể lại câu chuyện của Liane, một sinh viên từ Hồng Kông sang Bắc Kinh để ủng hộ các cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn. Vào đêm 03/06/1989, khi 200 ngàn binh lính Trung Quốc tàn sát những thường dân trong tay không một tấc sắt, Liane đang đứng kế bên Viện Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc, nằm ở một góc của quảng trường. Cô đã bất tỉnh sau khi không thể ngăn được một thanh niên liều chết xông về phía các binh lính. Người Liane dính đầy máu của thanh niên này.
Khi Liane tỉnh dậy, những người xung quanh định đưa cô lên xe cứu thương, nhưng khi biết rằng Liane không bị thương, một nữ bác sĩ tuổi trung niên bèn nắm tay cô và nói : “ Này cháu, cháu nên trở về Hồng Kông, cháu cần phải sống để nói cho thế giới biết rõ chính phủ của chúng tôi đêm nay đã đàn áp chúng tôi như thế nào."
Theo Hà Tiểu Thanh, do lúc đó công dân Hồng Kông còn được hưởng các quyền tự do trước khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cho nên người dân Bắc Kinh đã hy vọng là những người như Liane sẽ là nhân chứng dùm cho họ. Mà đúng như thế : Vào đêm hôm ấy, đa số người dân Trung Quốc cứ lo rằng máu đã đổ một cách vô ích.
Tác giả bài viết nhắc lại rằng, trong 30 năm qua, chế độ Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy nhà nước để xóa bỏ hoặc bóp méo ký ức về hai ngày 03 và 04/06. Ban lãnh đạo của thời kỳ hậu Thiên An Môn mô tả phong trào này là một âm mưu của phương Tây nhằm làm suy yếu và chia rẽ Trung Quốc, đồng thời biện minh cho cuộc đàn áp của quân đội là cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của đất nước.
Nhưng những người sống sót và gia đình các nạn nhân vẫn bác bỏ quan điểm chính thức nói trên. Chính vì vậy mà những người mẹ vẫn không được phép mở miệng để công khai khóc than cho con mình, và yêu cầu của họ đòi mở điều tra độc lập để khôi phục sự thật và công lý vẫn luôn bị khước từ.
Đối với Hà Tiểu Thanh, "di sản của Thiên An Môn không chỉ thuộc về Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc, mà là của cả thế giới. Nỗi khao khát tự do, công lý, sự thật của nhân loại là không biên giới. Cuộc đàn áp ngày 04/06 đã phá vỡ cái nền tảng chung đó của nhân loại. Chính vì vậy mà trong suốt ba thập niên qua, các thành phố lớn trên thế giới vẫn tưởng niệm sự kiện này."
Cũng trên nhật báo The Guardian, nghệ sĩ và cũng là nhà hoạt động chính trị Ngải Vị Vị ( Ai Weiwei ) thẳng thừng lên án phương Tây đồng lõa trong việc che giấu sự kiện Thiên An Môn trong 30 năm qua. Ông Ngải Vị Vị nhắc lại rằng 30 năm sau, vụ thảm sát này vẫn chính thức được gọi là « Sự cố Bốn tháng Sáu » và chính phủ sử dụng đủ mọi cách để trấn áp, bắt bớ và giam cầm bất cứ ai nói đến « Bốn tháng Sáu ».
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị nhấn mạnh : « Những gì xảy ra ngày 4 tháng 6 không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Đó không chỉ là một sự kiện đã xảy ra cách đây 30 năm. Sự bất công không có thời hạn. Nó vẫn ám ảnh chúng tôi và tác động đến suy nghĩ của chúng tôi cho đến khi nào công lý được thực thi. Nhưng dung thứ sự bất công và bóp méo thông tin là một hành động khuyến khích và đồng lõa. Chính sự dung thứ này khiến cho các chế độ toàn trị thoải mái vượt qua những lằn ranh đỏ. Đó chính là điều đã xảy ra sau sự kiện « Bốn tháng Sáu », khi phương tây viện cớ rằng xã hội Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ hơn sau khi trở nên giàu hơn. Trung Quốc nay đã trở nên thịnh vượng hơn và hùng mạnh hơn trên trường quốc tế, nhưng vẫn chưa phát triển thành một quốc gia dân chủ đa nguyên. Chế độ này vẫn tiếp tục bác bỏ mọi giá trị căn bản : công bằng xã hội, cạnh tranh bình đẳng và tự do. Tất cả chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho sự thất bại này. »
Theo RFI
phai  
#3 Đã gửi : 04/06/2019 lúc 11:33:21(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Thiên An Môn : 30 năm sau, chính quyền Trung Quốc vẫn sợ

UserPostedImage
Trên quảng trường Thiên An Môn ngày 16/05/2019.REUTERS/Thomas Peter

Cách nay 30 năm, cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp đẩm máu. Sự kiện chế độ huy động quân đội nổ súng vào thanh niên là bằng chứng đảng Cộng Sản Trung Quốc cố bám quyền lực bằng mọi giá và không dung thứ hay hoà giải với mọi khuynh hướng cải cách ở trong hay ngoài đảng. Ba mươi năm sau, họ vẫn còn nơm nớp lo sợ.
Kiểm duyệt mạng xã hội, câu lưu các nhà hoạt động nhân quyền, ngăn chận tự do thông tin : chính phủ Trung Quốc áp đặt một bức màn sắt nhân 30 năm vụ đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn. Tưởng niệm nạn nhân bị quân đội đàn áp đêm mùng 03 rạng sáng mùng 04 tháng sáu năm 1989 là một điều cấm kỵ tại Trung Quốc.
AFP đương cử hai trường hợp cụ thể xảy ra vào sáng nay : một phóng viên của hãng tin Pháp muốn đến quảng trường Thiên An Môn thu hình lễ thượng kỳ mỗi ngày đã bị công an chận lại. Một phóng viên khác thuê phòng khách sạn có cửa sổ nhìn ra quảng trường bị đổi phòng vào phút chót với lý do phải sơn sửa lại.
Ai cũng có thể là kẻ thù
Bầu không khí còn căng thẳng hơn vì năm 2019 không phải chỉ có sự kiện 30 năm Thiên An Môn, mà còn trùng hợp với sinh nhật 70 năm chế độ Cộng sản, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. Hàng loạt công dân bị xem là thuộc loại « nhạy cảm » bị đưa ra khỏi thủ đô. Trong số này có luật sư nhân quyền Phố Chí Cường, cựu giáo sư Đinh Từ Lâm, người phụ nữ đứng đầu hiệp hội các bà mẹ mất con trong vụ đàn áp 1989, nhà báo Cao Du, hay ông Bào Đồng, cựu thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, dù đã 86 tuổi, vẫn bị canh chừng 24 giờ trên 24 giờ.

Tuy huy động mọi biện pháp khống chế toàn diện, chính quyền Trung Quốc vẫn không yên tâm. Các phương tiện truyền thông hoàn toàn im lặng, trừ một bài trên Hoàn Cầu Thời Báo biện minh cho cuộc thảm sát, nhưng bằng tiếng Anh. Còn tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hoà ở Singapore, cũng để biện minh cho quyết định dùng vũ lực, không được loan tải hay trích dẫn tại Hoa lục.
Trong biến cố lịch sử phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, sinh viên và công nhân Trung Quốc hưởng ứng xu hướng cải cách trong đảng với hai nhân vật biểu tượng là tổng bí thư Hồ Diệu Bang và người kế nhiệm là Triệu Tử Dương. Cuối cùng là Hồ Diệu Bang bị cách chức và chết vì lên cơn đau tim. Triệu Tử Dương sau đó cũng bị phe Lý Bằng và Đặng Tiểu Bình cáo buộc « nhu nhược » và cách chức.
Theo nhận định của Bào Phác, con trai của nhà ly khai Bào Đồng, mà một thời là cánh tay mặt của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, sau cuộc đàn áp đẩm máu và truy bức đó, người dân Hoa lục không còn chấp nhận rủi ro xuống đường đòi dân chủ. Nhưng chế độ vẫn luôn cảm thấy bị đe dọa và không ngừng tăng cường các biện pháp khống chế xã hội.
Cả nước bị theo dõi
Một nhà tranh đấu có kinh nghiệm tù đày cho biết là đảng Cộng Sản tấn công vào bất cứ người nào bị xem là mối đe dọa cho chế độ. Xu hướng này tăng tốc kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hơn 200 luật sư và nhà hoạt động bị bắt trong năm 2015 là một bằng chứng.
Nạn nhân được quốc tế biết đến nhiều nhất là Lưu Hiểu Ba, người chủ xướng « Hiến chương 2008 », khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2010, chết vì bệnh ung thư gan vào năm 2017, vài ngày sau khi tạm ra khỏi nhà tù.
Biện pháp khống chế mới nhất là thiết lập mạng camera nhận diện và thu âm phát hiện quan điểm « trái luồng ».
Câu hỏi then chốt là chính sách trấn áp từ trong trứng nước có mang lại kết quả tuyệt đối hay không ? Trả lời Le Figaro, một giáo sư đại học Thanh Hoa, nguyên là sinh viên Thiên An Môn, e rằng Tập Cận Bình, với quy chế « hoàng đế mãn đời » sẽ tung ra một cuộc « cách mạng văn hóa » mới, lần này nhằm khống chế thành phần trí thức, học giả.
Trái lại, nhà hoạt động công đoàn Hàn Đông Phương, tị nạn ở Hồng Kông, tỏ ra lạc quan. Sự kiện trong năm 2017, hơn 50 sinh viên ban triết học Mác bị bắt giam vì tội đem « kiến thức » ra giúp công nhân  thành lập công đoàn là dấu hiệu cho thấy thế hệ trẻ ở Hoa lục không phải ai cũng bị khẩu hiệu « làm giàu trước đã » đánh lừa.
Theo RFI
phai  
#4 Đã gửi : 04/06/2019 lúc 11:36:02(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Thiên An Môn : Mỹ hoàn toàn thất vọng về nhân quyền tại Trung Quốc

UserPostedImage
Một xe cảnh sát trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 04/06/2019.REUTERS/Thomas Peter

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua, 03/06/19, phát biểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn mất hy vọng về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, 30 năm sau sự kiện Thiên An Môn. Ông Pompeo đồng thời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị và người Duy Ngô Nhĩ.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu đánh dấu ngày tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn cách nay 30 năm, ngoại trưởng Mỹ ca ngợi « phong trào biểu tình rất anh hùng » vẫn còn có tiếng vang trong lòng « những người yêu tự do trên thế giới ».
Ông Pompeo,nói thêm : « Trong những thập niên sau đó, Hoa Kỳ đã hy vọng rằng việc Trung Quốc hòa nhập với cộng đồng quốc tế sẽ dẫn đến một xã hội cởi mở, bao dung hơn. Thế nhưng, các hy vọng đó đã sụp đổ ». Ngoài ra, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhắc tới nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và tố cáo chính quyền Bắc Kinh « đang dần dần xóa bỏ phong tục, văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và Đạo Hồi ». Ông kêu gọi trả tự do cho bất kỳ ai bị bắt vì « mong muốn hành xử những quyền tự do cơ bản ».
Chính quyền Trung Quốc đã phản đối gay gắt phát biểu của ngoại trưởng Mỹ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng ông Pompeo chủ ý tấn công hệ thống chính trị, bôi nhọ tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Trung Quốc », và xét cho cùng thì « những phát ngôn lố bịch này sẽ bị ném bỏ vào thùng rác của lịch sử ». Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng đưa ra hàng loạt lập luận bác bỏ từng phát biểu của ông Pompeo, và cho rằng « nhân quyền tại Trung Quốc đang ở thời kỳ tốt nhất từ trước tới giờ ».
Theo RFI
phai  
#5 Đã gửi : 04/06/2019 lúc 11:39:02(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Thiên An Môn 30 năm sau

UserPostedImage
Quảng trường Thiên An Môn ngày 18 Tháng Năm, 1989, khi hàng ngàn sinh viên và công nhân biểu tình đòi tự do dân chủ. (Hình: Getty Images)
Một bức tượng của Lưu Hiểu Ba vừa được dựng lên tại Praha, thủ đô Cộng Hòa Tiệp, để kỷ niệm 30 năm cuộc tàn sát Thiên An Môn.
Lưu Hiểu Ba, nhà văn được giải Nobel Hòa bình, là một trong “Tứ Quân Tử,” những giáo sư đã tới ủng hộ, cố vấn cho các sinh viên tuyệt thực phản kháng và giúp tải thương khi xe tăng quân đội Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu bắn vào các sinh viên tay không, ngày 4 Tháng Sáu năm 1989
Cuộc tàn sát Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc. Cả thế giới kinh tởm hành động dã man này. Nhưng chế độ cộng sản vẫn từ chối không nhìn nhận tội lỗi.
Cộng sản Trung Quốc nay đã tỏ ra “ôn hòa” hơn, không gọi cuộc biểu tình, tuyệt thực của sinh viên và công nhân trong hai tháng của năm 1989 là “nổi loạn,” chỉ gọi là “hỗn loạn.” Một số cựu sinh viên, trong số 150 người trốn thoát nhờ một tổ chức sinh viên ở Hồng Kông, đã được trở về thăm quê hương.
Nhưng Trung Cộng vẫn không cho phép ai được biết sự thật về biến cố thảm khốc này, không bao giờ hối lỗi.
Một phóng viên đài BBC mới đi phỏng vấn nhiều người ở Trung Quốc, đưa cho họ coi đoạn phim chàng thanh niên tiến tới chặn xe tăng, nhưng hầu hết mọi người, nhất là giới trẻ, chưa thấy hình ảnh đó bao giờ. Đảng Cộng Sản sợ sự thật. Vì không ai có thể chấp nhận một chế độ đem xe tăng tới bắn vào những thanh niên vô tội. Những thanh niên này chỉ có một “tội” là chống đám cường hào tham nhũng đang đục khoét nước Trung Hoa.
Hồng Kông là nơi duy nhất trên thế giới còn kỷ niệm Thiên An Môn mỗi năm. Năm 2009 số người tham dự lên tới 150,000, các năm 2012, 2014 đã lên 180,000. Nhưng trong lục địa, những chữ như “phong trào sinh viên” hay tên “Triệu Tử Dương” đều bị kiểm duyệt khi đưa lên mạng.
Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) là Tổng Bí Thư năm 1989 và đã đi ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên. Ông đồng ý với nhu cầu chống tham nhũng họ nêu ra. Ông ta bị cất chức, rồi bị quản thúc đến lúc chết. Năm 1997, Triệu Tử Dương đã viết thư yêu cầu đảng cộng sản nói sự thật và chấm dứt buộc tội các sinh viên, “Nhân dân không bao giờ quên dù chúng ta cứ tiếp tục che đậy,” ông nói.
UserPostedImage
Ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc bước ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên, ngày 19 Tháng Năm, 1989. (Hình: Getty Images)

UserPostedImage

Nhưng Trung Cộng không thể nào cho người dân biết sự thật Thiên An Môn. Bởi vì công nhận sự thật đó có nghĩa là họ cũng đồng ý với các lý tưởng mà các sinh viên nêu lên: Tự Do và Dân Chủ. Lật ngược những lời vu cáo những sinh viên can đảm đó, hàng ngàn người đã chết, tức là đồng ý với lý tưởng của họ. Nghĩa là phải thay đổi chế độ, nhập vào trào lưu dân chủ hóa của thế giới. Sau đó, không thể nào đoán chuyện gì sẽ xảy ra!
Bởi vì chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc hiện nay cũng không khác chế độ Cộng Sản trước đây 30 năm: Độc tài Đảng Trị. Nhiều người giàu có hơn, nhưng tham nhũng còn tăng nhanh hơn Tổng Sản Lượng Nội Địa!
Nhưng sự thật Thiên An Môn sẽ làm lung lay hai thứ “cột trụ” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, là Đặng Tiểu Bình và Quân Giải Phóng! Đặng Tiểu Bình đang được tôn thờ như thần tượng! Quân đội cộng sản sẽ tự thấy nhục nhã khi người dân biết họ đã bắn chết hàng ngàn sinh viên tay không tấc sắt.
Đảng Cộng Sản biết rằng mở cửa cho tự do dân chủ tức là chịu có ngày đảng hết nắm quyền. Tập Cận Bình vẫn còn nhắc đi nhác lại cho các đảng viên nghe “Bài học Xô Viết sụp đổ” chỉ vì Gorbachev muốn thí nghiệm tự do dân chủ, dù với mục đích bảo vệ quyền hành của đảng.
Đảng Cộng Sản muốn xóa dấu vết của những vũng máu tại Thiên An Môn, nhưng người dân Trung Quốc không bao giờ quên. Mới tháng trước, một nhà tranh đấu, Trần Binh (Chen Bing) đã bị tuyên án ba năm rưỡi tù vì vào năm 2016 anh đã kêu gọi đồng bào tưởng nhớ Biến Cố Lục Tứ (Ngày 4 Tháng Sáu) bằng các nhãn hiệu gắn trên chai nước ngọt.
Nỗ lực xóa ký ức của ngày Lục Tứ có khi gây tai hại cho đảng Cộng Sản. Năm 2007 trên tờ Thành Đô Vãn Báo ở tỉnh Tứ Xuyên người ta thấy một trang quảng cáo với những lời ca ngợi hội “Các Bà Mẹ Thiên An Môn,” một tổ chức của các bà mẹ kiên cường hỏi “Các con tôi đâu rồi? Cho tôi biết sự thật!”
Một cô thư ký trong ban quảng cáo của tờ báo chịu đăng và nhận tiền quảng cáo. Vì cô chưa được nghe nói đến cuộc tàn sát đó bao giờ! Trong trường thầy cô không dậy, ở nhà bố mẹ không dám nói, báo chí không bao giờ đả động tới! Cô cứ tưởng Thiên An Môn là nơi xảy ra một vụ hầm mỏ sập đổ làm chết người, vào ngày 4 Tháng Sáu, và “Các Bà Mẹ Thiên An Môn” chỉ khiếu nại đòi bồi thường!
UserPostedImage
Hàng ngàn người Hong Kong thắp nến tưởng niệm biến cố Thiên An Môn. (Hình: Getty Images)
Guồng máy truyền thông dối trá của đảng Cộng Sản còn huấn luyện cho các thanh niên không biết gì về vụ thảm sát biết đặt câu hỏi ngược lại nếu có ai nhắc đến tội ác ngày 4 Tháng Sáu của đảng. Họ hỏi: “Các anh chị lại nghe đài, đọc báo Tây phải không? Làm sao anh biết đó là sự thật?” Miếng võ “Tin bịa đặt phản động” Fake News được sử dụng khắp nơi để che giấu sự thật! Nhiều người Trung Hoa đã sống, đã chứng kiến cuộc tàn sát, bây giờ cũng ngần ngại không muốn kể cho con cháu mình nghe!
Chiến dịch che giấu của Trung Cộng gây tai hại cho chính họ. Khi các thanh niên biết sự thật, qua mạng internet, họ sẽ thất vọng về đảng nặng nề hơn. Khi nhìn thấy cảnh tham nhũng, bất công còn đang diễn ra trước mắt, khi nhớ lại các sinh viên thời 1989 mang lý tưởng hào hùng như thế nào, giới trẻ Trung Quốc bây giờ sẽ xấu hổ khi thấy họ thật ra chỉ là phường “Giá áo, túi cơm,” chỉ lo cơm áo gạo tiền, không xứng đáng làm một người Trung Quốc!
Nhiều nhà tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc bây giờ vẫn chọn số điện thoại tận cùng bàng bốn con số “8964.” Họ có cách nhắc nhở lẫn nhau!
Dân Hồng Kông và Đài Loan được biết về “Biến cố Lục Tứ” sẽ không bao giờ tin tưởng vào những hứa hẹn của chế độ cộng sản Trung Quốc. Cựu tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou,) một người được coi là “thân Bắc Kinh trong vấn đề thống nhất,” cũng nói rằng việc thống nhất sẽ không thành nếu sự thật về vụ Thiên An Môn không được làm sáng tỏ.
Triệu Tử Dương trước khi chết có lần đã cảnh cáo đảng rằng chế độ độc tài bưng bít sự thật sẽ khiến cho chính nó không bao giờ được nghe nói sự thật, không thể tự thay đổi, từ đó sẽ tự hủy diệt.
Một chế độ như vậy không tạo được cơ hội cho sáng kiến, phát minh, là những điều kiện tối cần cho tiến bộ. Chế độ đó, trong 30 năm qua, đã càng ngày càng tham nhũng, lạm quyền nhiều và nặng nề hơn. Sẽ đến lúc người dân Trung Hoa thất vọng và họ sẽ đòi biết sự thật!

Ngô Nhân Dụng/Người Việt

Sửa bởi người viết 04/06/2019 lúc 11:42:11(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

phai  
#6 Đã gửi : 05/06/2019 lúc 08:18:16(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
30 năm: làm sao có thể quên!

UserPostedImage
Hình ảnh một sinh viên Trung Quốc hiên ngang đứng chặng đoàn xe tăng tại ngay quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng Sáu 1989 trở thành biểu tượng hùng hồn nhất cho sự bất khuất trước bạo lực.

Hôm nay là ngày 4 tháng Sáu, đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Hàng trăm ngàn người, và có lúc lên đến cả triệu, thuộc đủ mọi khuynh hướng khác nhau, biểu tình nguyên tháng Năm cho đến ngày 3 tháng Sáu 1989 để yêu cầu tự do hóa chính trị. Họ đòi hỏi dân chủ, mặc dầu phần lớn phong trào sinh viên lúc đó cũng không thật sự hiểu dân chủ là gì. Giáo sư Perry Link, một trong các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, cho rằng lúc đó dân chủ đối với hàng triệu người biểu tình này đơn giản chỉ là không bị chính quyền kiềm hãm như trước đến nay nữa (get off my back).
Nhưng sau thời kỳ thương lượng với sinh viên, Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp với nhau, giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, và họ đã tham khảo ý kiến Đặng Tiểu Bình để đi đến quyết định cuối cùng đối phó với biến sự này. Họ Đặng đã quyết định dùng vũ lực. Ông ra lệnh giải toán biểu tình trong vòng 24 tiếng kể từ đêm 3 tháng Sáu nhưng không muốn đổ máu. Lệnh này nghe thật mâu thuẫn, nhưng cấp quân đội muốn thực hiện thành công thì không còn cách nào khác là đàn áp thẳng tay, kể cả dùng xe tăng và bắn đạn thật vào người dân. Số người chết cho đến hôm nay không ai biết rõ con số chính thức. Theo BBC thì ước đoán khoảng 10 ngàn người bị giết theo tài liệu mới nhất của Anh quốc.
Điều đáng nói ở đây là ngày hôm sau, mặc dầu đoàn biểu tình bị đàn áp và giải tán gần như hoàn toàn, tinh thần đấu tranh vẫn bất diệt. Hình ảnh một sinh viên Trung Quốc hiên ngang đứng chặng đoàn xe tăng tại ngay quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng Sáu 1989 trở thành biểu tượng hùng hồn nhất cho sự bất khuất trước bạo lực.
Hơn hai tuần sau, theo giáo sư Andrew J. Nathan, một trong các chuyên gia Trung Quốc từng xuất bản tài liệu về biến cố Thiên An Môn trước đây với giáo sư Perry Link, cho biết ngày 19 đến 21 tháng Sáu năm 1989, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức cuộc họp mở rộng, bao gồm các lãnh đạo lão thành nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong đảng. Các thảo luận và phát biểu này đã bàn về biến cố Thiên An Môn và làm sao rút ra được các bài học quan trọng để không những tránh để lập lại một sự kiện tương tự trong tương lai, mà còn để hướng dẫn giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc trong thời gian tới. Những thảo luận này không chỉ điều hướng Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào mà còn cho Tập Cận Bình cũng như các thế hệ kế tiếp. Không mấy ai biết chi tiết bí mật về các phát biểu mật này cho đến thời gian gần đây. Nhà xuất bản tại Hồng Kông có tên New Century Press đã tiết lộ các tài liệu mật này, giúp làm sáng tỏ những gì đã xảy ra sau biến cố Thiên An Môn. Ba bài học cho các lãnh đạo Trung Quốc là: một, ĐCSTQ đã bị bao vây trường kỳ từ kẻ thù trong nước thông đồng với kẻ thù bên ngoài (thù trong giặc ngoài); hai, cải tổ kinh tế phải đứng ưu tiên đàng sau sự kỹ luật về ý thức hệ và sự kiểm soát xã hội; ba, đảng sẽ phải gục ngã trước kẻ thù nếu để cho nội bộ mình chia rẽ. Nathan cho biết các phát biểu này cho chúng ta nhìn thấy rõ các tính toán đàng sau một văn hóa chính trị độc tài qua hành động của họ, và hiểu được như thế thì sẽ không ngạc nhiên với những hình thức kiểm soát vô cùng phức tạp và xâm phạm đến các thế lực đấu tranh cho dân chủ hóa.
Như tôi đã từng trình bày trước đây, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa gì, và không có tư duy nào, về các quyền tự do căn bản của người dân, bởi văn hóa chính trị của họ không hề đề cao tự do chính trị cho cá nhân. Mọi thứ được nguỵ trang dưới chiêu bài tập thể, để rồi một hay vài nhân vật nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng nhất, kể cả quyền sinh sát bất cứ ai.
Một số các phát biểu từ phía bảo thủ này, còn gọi là phe diều hâu, là cực kỳ giáo điều và nhàm chán, chẳng dựa vào dữ kiện khoa học nào ngoài trừ sự bày tỏ lòng trung thành mù quáng với quyết định đàn áp thẳng tay phong trào sinh viên bằng bạo lực của Đặng Tiểu Bình và quan điểm của Thủ tướng phe bảo thủ Lý Bằng. Phần lớn đều bắt đầu phát biểu như một hình thức tuyên thệ sự trung thành của họ “Tôi hoàn toàn đồng ý với” hay “Tôi hoàn toàn ủng hộ” v.v… Nathan cũng nhận định rằng thật ra Triệu Tử Dương, tuy cấp tiến nhất trong đảng và phần lớn là người thi hành các chính sách đổi mới và cải tổ của Đặng Tiểu Bình, và ủng hộ phong trào sinh viên tại Thiên An Môn lúc đó, nhưng ông không bao giờ kêu gọi đa đảng, trước cũng như sau khi bị quản thúc. Họ Triệu chỉ kêu gọi đảng nên tin tưởng người dân, cho nên để giới truyền thông phản ảnh sự thật (hoặc ít ra nhiều hơn chút), thảo luận với sinh viên và các nhà phê bình khác, giảm bớt sự xiết chặt về xã hội dân sự, để cho các tòa án độc lập hơn, và để cho các nhà lập pháp độc lập hơn. Họ Triệu tin rằng làm như thế sẽ giúp cho đảng có chính nghĩa/đáng hơn, giúp cho độc đảng đứng vững hơn. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã đứng về phe diều hâu, là ngày hôm nay tuy làm cho đảng mạnh hơn về bề mặt hơn bao giờ hết kể từ thời Mao Trạch Đông, nhưng cũng rất dễ bể, mỏng manh.
Giáo sư Perry Link cũng có viết bài mới nhất về biến cố 4 tháng Sáu cách đây vài hôm. Ông đưa ra nhiều biện luận về lý do tại sao chúng ta nhớ về ngày này: những ánh sáng rực của lửa trên lưỡi lê; bản chất đích thực của ĐCSTQ; của những sự tồi tệ nhất xảy ra tại đó, và những điều tốt nhất thể hiện từ những con người khao khát thay đổi; nhớ, bởi vì nó là một cuộc tàn sát, không chỉ là đàn áp hay biến sự; chúng ta nhớ vì nó làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, bởi vì quyền lợi, theo nghĩa vật chất, được lãnh đạo ca tụng suốt ngày, trong khi quan tâm về mặt đạo đức, tinh thần cũng quan trọng không kém. Thật ra nó còn quan trọng hơn vật chất nhiều. Chúng ta nhớ ngày 4 tháng Sáu vì chính quyền Trung Quốc muốn chúng ta quên. Trên hết, giáo sư Link cho rằng chúng ta nhớ, vì những cú sốc trong đời đối với đầu óc con người sẽ tồn tại rất lâu (như điều tôi từng viết trên blog này).
100 năm về trước, người dân Trung Quốc đã căm phẫn vì quyết định của Hoa Kỳ thay vì trả tỉnh Shandong trước đó bị Đức đô hộ lại cho chủ quyền của Trung Quốc thì lại giao cho Nhật, gây lên làn sáng căm phẫn, dẫn đến Phong trào Ngũ Tứ, từ đó đưa đến sự hình thành ĐCSTQ hai năm sau. Chế độ này sẽ vẫn tiếp tục khai thác tinh thần dân tộc của họ bằng mọi hệ thống tuyên truyền cùng với sự bưng bít và bạo lực bằng mọi cách để đề cao tính chính nghĩa của họ, duy trì trật tự xã hội và trên hết để tiếp tục cầm quyền. Biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm đã là đề tài bị cấm kỵ hoàn toàn ở trong nước. Giới trẻ lớn lên mù mờ về biến cố này. Và chủ nghĩa dân tộc sẽ bị kích động trở lại để người Trung Quốc đứng về phía Tập Cận Bình và lãnh đạo chính trị của họ. Các mong muốn thay đổi chính trị trong nội bộ Trung Quốc sẽ càng khó khăn và thách thức hơn nhất là khi đối diện với các “mối đe dọa” từ bên ngoài, như cuộc thương chiến hiện nay, khi chế độ cầm quyền tìm mọi cách khai thác nó. Sẽ còn quá sớm để biết kết quả sau cùng ra sao. Rất có thể yếu tố quyết định sau cùng sẽ là ai kiên nhẫn hơn ai để chịu đựng các thất thiệt trước mặt cho mục tiêu đường dài.

Úc Châu, 04/06/2019
Phạm Phú Khải (VOA)
phai  
#7 Đã gửi : 05/06/2019 lúc 08:31:34(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Tưởng Niệm 30 Năm Tàn Sát Thiên An Môn

UserPostedImage
AFP/Getty Images

Một bó đuốc được giơ cao lên trong thời gian buổi thắp nến tại Công Viên Victoria Park hôm 4 tháng 6 năm 2019 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Có tới 180,000 người được cho là đã tham dự buổi thắp nến tại Hồng Kông hôm Thứ Ba trong dịp tưởng niệm 30 năm vụ tàn sát tại Thiên An Môn. Nhiều lễ tưởng niệm đã diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp thế giới vào ngày 4 tháng 6 để tưởng nhớ những người đã bị giết chết khi quận đội Trung Cộng đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ. 30 năm trước, Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc đã nổ súng và giết từ hàng trăm tới hàng ngàn người biểu tình tại Bắc Kinh sau khi hàng trăm ngàn học sinh và công nhân tập trung tại Quảng Trường Thiên An Môn nhiều tuần lễ để kêu gọi mở cửa chính trị rộng lớn hơn. Không ai biết chắc có bao nhiêu người đã bị giết chết khi TC tiếp tục kiểm duyệt bất cứ tin tức hay thảo luận nào về sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian tưởng niệm hàng năm.
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.189 giây.