III/ TÓM TẮT NỘI DUNG TRUYỆN “DẠ KÝ”
Môt đêm mùa thu mà thời tiết vẫn nóng như mùa hè. Đúng là đồ thời tiết lạc hậu. Phùng Cung và hai đứa con trai, đứa 4 tuổi, đứa hai tuổi nằm trong căn phòng rộng 12 mét vuông, mẹ hai đứa đang nằm bệnh viện. Căn phòng tuy quá nhỏ cho một gia đình bốn người nhưng lại là căn lớn nhất trong cái nhà ở số 135 Mai Hắc Đế, Hà Nội trong những thập niên 1960, 1970, chứa đến bẩy hộ gia đình. Hai đứa nhỏ đang sốt, mỗi đứa nằm gối đầu lên hai cánh tay của bố. Thế nằm của Phùng Cung giống như Chúa Ki Tô trên thập tự giá. Tê cứng, mỏi nhừ mà phải nằm chịu trận, sợ trở mình làm hai con thức giấc. Tai nghe những tiếng chửi thề từ những hộ chung quanh, những tiếng cầu khẩn van vái thần linh. Quả thực họ không tiến bộ văn minh chút nào, cần phải học tập nhiều. Bản thân chàng khắc phục được mọi khó khăn, tin tưởng trên sẽ có kế hoạch biến thành phố thành trong vắt như pha lê. Ai ai cũng phải có thái độ lạc quan cách mạng chứ. Vào thăm vợ cũng phải nói mọi sự đều tốt. Biết là mình nói láo nhưng có lẽ vẫn còn hơn nói thực. Bởi vì nếp văn hóa mới nó thế. Trong cõi đời bây giờ ai mà biết được mặt mũi những tên phù thủy giấu mặt, pháp thuật cao cường biến ma thành người, biến người thành ma. Đừng có mơ kiểu hủ nho “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” ; đời này chỉ có “ giai do tiêu chuẩn”. Một mình chàng lo cơm áo gạo tiền thuốc thang cho bốn mạng đã mệt lả còn sức đâu phấn đấu lên tiêu chuẩn.
Hai tay mỏi nhừ mà phải nằm im mong chờ giấc ngủ. Nửa thức nửa ngủ, vào trong mơ lúc nào không hay…Chập chờn theo dòng âm thanh của thời Cách Mạng Tháng Tám.
Toàn dân đang nô nức kỷ niệm đại lễ trong tiếng kèn thúc quân của “Tiến Quân Ca”….”Thề phanh thây..uống máu…”…
Trong vùng không gian màu sắc rực rỡ đỏ xanh vàng tím…buổi sáng , chàng thong thả bước đi trên một con đường mà chàng nhớ trước đây trải nhựa nhẵn nhụi bây giờ loang lổ nham nhở vết xe tăng. Tàn tích chiến tranh, “tất cả chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương quỷ dữ”.
Bức hoạt hình thứ nhất : Bỗng có bàn tay nào đập vào vai . Giật mình quay nhìn, hóa ra một người có vẻ quen mà không nhớ tên, một người anh em, theo lối nói của nhà văn Kim Lân. Lớn hơn chàng vài tuổi cả về đời lẫn văn nghệ, địa vị xã hội cũng cao hơn nhiều nhiều lắm. Chàng nghe anh ta lẩm bẩm tiếng gì như “đài vinh quang, đường vinh quang”.
Chàng đi theo anh ta ở một khỏang cách bằng chiều dài của một con chó.Bất ngờ nhớ dáng đi lon ton, lon ton của một hoạn quan…thế là nhớ luôn tên của anh ta. Anh ta xuất thân từ thành phố cảng, đậu tú tài, học vài năm trường luật, thời kháng chiến sau 1945 được giao công tác văn hóa “tuổi trẻ chức cao”. “Hình hài xếp loại đẹp giai, trông rất đàn ông, da ngăm ngăm, mũi cao, mày rậm, mắt sáng,râu quai nón-lúc nào cũng cạo nhẵn-khi chưa kịp cạo, râu hơi lờm sờm càng đẹp vẻ mày râu”……. Về mặt tính tình thì “hẹp hòi, ich kỷ, thù vặt đầy người”…Về tài năng thì “văn, thơ, kịch cọt, nhạc nhiếc,triết trủng,anh ta tự hào thập bát ban võ nghệ tinh thông”. Nhờ vậy anh ta leo lên hàng quyền cao chức trọng, lại quyến rũ làm hại bao phụ nữ đến độ “chị em có chồng con không xiêu nát nhà cửa cũng mang hận suốt đời. Kiêng nể cách mạng nên chị em không dám lên án anh ta là “tên Sở Khanh cách mạng” mà chỉ nhổ hơi nặng bãi nước bọt! Anh em trong làng văn nghệ đã phong tặng anh ta danh hiệu “ con chó dái đầu bảng” .
Tư cách con người như vậy nhưng anh ta vẫn ở vị trí quan to không biết có phải vì “văn thơ, kịch cọt của anh ta hợp khẩu vị” với lãnh đạo không ? Đêm nay thấy cái dáng điệu của anh ta , chàng nghĩ có thể nào anh ta đang nằm trong vị thế của Tứ Bất Tử hay không? Người được xếp vào hạng này phải dày công tu luyện đạo Mác Lê lắm. Nhưng chàng lại tự hỏi chủ nghĩa Mác Lê vốn là vô thần mà, sao gọi là đạo được ? “Ừ thì cứ cho là đạo vô thần đi! Đạo vô thần mà lại lắm phép lạ đến thế thì khiếp thật. Và đương nhiên anh ta phải là bực chân tu chính đạo”.
Quay nhìn lại không thấy anh ta đâu.
Bức hoạt hình thứ hai :
Trời ngả chiều . Chàng khát nước nhìn thấy cổng chùa trước mặt, bèn bước vào thầm nguyện xin được một chén “cam lồ thanh thủy”. Bỗng nghe tiếng chó tru từ đâu đó, rồi bốn phía đồng thanh hòa theo. Chàng hoảng hốt chưa biết chạy đâu, xoay nhìn quanh xem chủ của chúng là ai để thanh minh chàng chỉ vào chùa xin nước chứ không phải kẻ gian. Tuyệt nhiên không thấy bóng ai là chủ.
Đành bước vào chánh điện, chợt nghe tiếng lịch kịch phía sau, lại thấy ánh mắt các pho tượng bốn phương tám hướng dõi theo nhìn chàng . Quay hướng nào cũng thấy những ánh mắt bủa vây nhanh như chớp “ Tôi lạnh toát cả người ; tôi cố trấn tĩnh làm nhanh bản tự thuật trong đầu. Tôi vẫn biết đã là tự thuật là thành khẩn tự nhận tội lỗi là cốt lõi của vấn đề”. Chàng khép nép lùi bước theo lối cận thần chầu vua rồi đi ra.
Trong cơn khát nước bỗng nhìn thấy cái hồ nước sát tường, vội rảo bước nhìn vào. Ôi chao, hồ nước cạn queo; ở đáy góc trong có một con cá chết chỉ còn trơ bộ xương. Chàng bất giác nghĩ nước còn đâu mà mày còn nằm chờ ở đó. “Cá đã chết rũ xương trong môi trường thì còn biết thế nào mà lường được. Môi trường đang là cái lò sát sinh được ngụy trang chăng?”
Bức hoạt hình thứ ba:
Chàng vừa đi vừa nghĩ, bỗng có ai đá mạnh vào mông một cái. “Tôi lại giật mính quay lại. Chẳng phải ai xa lạ, anh bạn cao tuổi, nhà thơ già thiểu số”. Chàng để ý anh ta mang đôi giày vải do quân đội nước bạn Trung Hoa viện trợ. Hình như đôi giày có lắp máy tính điều tiết trong đó, khi đá giao hảo thì dù mạnh mà không đau, “còn ngược lại thì gấp ngàn vạn lần giày săng đá của lính Lê-dương?” Cái đá hồi nãy vào mông chàng khá mạnh nhưng không đau. Anh ta hất hàm nói với chàng ba câu: “Đã thành khẩn chưa ? Chưa được thành khẩn, phải đào sâu suy nghĩ, còn phải tự bộc lộ--Cũng tạm được, cũng có ít nhiều chuyển biến”
Cháng chợt nhớ lại lúc ở trong chùa nghe tiếng lịch bịch sau chánh điện, có lẽ anh ta nấp ở đó chăng mà điều khiển tiếng chó vây đan, những ánh mắt theo dõi ? “Cũng có thể do anh ta quen tin lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đo đánh giá sự gian ngay chăng?”
Thoáng cái anh ta bỏ chàng, tiến lên trước đi song song một người khác. Chàng lấy làm lạ sao lúc này anh ta lại cầm ngang một cái côn đầu đen đầu đỏ. Chàng biết loại côn đầu trắng đầu đỏ là côn của bọn công sai thời quân chủ phong kiến chuyên áp giải tù nhân. Còn loại côn anh ta cầm chàng không biết là gì.
Bức hoạt hình thứ tư:
Nhìn người đi cùng anh nhà thơ già thiểu số, chàng nhận ra ngay là quen. “Vóc dáng cao lớn, gầy , đen, tứ thời đầu húi móng lừa, tứ thời bận đồ nâu—kể cả khi bận com –plê cũng nâu—na ná một ông sư Cao Miên—đó là một nhà văn, nhà lý luận—lối lập luận thời thượng nhất—vừa mũi nhất—Anh em trong ngành văn học nghệ thuật nói vụng với nhau là “tên đầu bếp vụng nhưng được kẻ ăn khen ngon”
Nhà lý luận văn học này cũng cầm một cây côn nhưng giữa sơn vàng hai đầu đỏ.
Tất nhiên hai người cầm hai cây côn không phải để trang trí.
Bức hoạt hình thứ năm:
Hai người biến mất hút . Chàng một mình rẽ vào một ngã ba, đi một hồi mới thấy hoảng sợ. Cấm địa. Trước mặt chàng hiện lên một dãy tòa lầu son gác tía như một tòa hoàng cung từ dưới lên trên có chín bậc như truyện xưa kể . Hai hàng người quần áo đồng mầu, cầm côn đỏ ở hai bên tả hữu từ dưới sân rồng lên tới tận cửa son . Chàng không nhận ra người đứng đầu hàng bên tả. Nhưng người đứng đầu hàng bên hữu chàng nhận ra liền. Chính là ông anh đẹp giai chàng đã gặp lúc đầu. “Ông anh rất chững chạc, rất điệu, có vẻ điêu luyện nhất. Hẳn ông anh đang giữ chức chỉ huy bên cửa son.Cặp mắt trai lơ, hau háu, sung mãn! Lúc này tôi mới chợt nghĩ lại mấy chữ “vinh quang” mà tôi đã được nghe anh nói; hẳn là chốn này đây”.
Chàng nghĩ tiếp vô phận sự lảng vảng nơi đây coi chừng ăn đòn nên vội quay gót đi nhanh. Vưa đi vừa nghĩ “Như vậy là tôi đã được biết cái vỏ vinh quang, còn tất cả bên trong là như thế nào, ngữ tôi làm gì được biết. Tôi nghĩ “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Học cái gì? Khôn cái gì? Toàn là những điều không thực dụng, vô bổ”.
Bức hoạt hình thứ sáu:
Đột nhiên cảnh phố phường biến mất nhường chỗ cho cảnh núi rừng đèo dốc miền thượng du. “Hai bên rừng rậm rạp, tiếng chim hót đủ loại, nhiều nhất là vẹt và loài khướu bách thanh, hai loại này có nghề mà kiếm được vài cặp nuôi dạy làm mồi thì tuyệt vời”
Thoảng nghe ai ngâm câu thơ Quang Dũng : “Mai Châu mùa em thơm nếp côi”.
Nhìn quanh quất, quả là Quang Dũng thật, hỏi sao lại lạc tới chốn đèo heo hút gió này, nhà thơ tỏ vẻ buồn buồn : “Ở Tây Tiến về. Hôm nay sinh nhật mình! Mình muốn tìm bạn dự sinh nhật”.
Thế là tiệc sinh nhật bắt đầu với hai bạn thơ. Quang Dũng lấy ra mấy củ khoai lang và một bi đông méo mó đựng nước chè. Khoai lang thay bánh, nước chè thay rượu. Đây là tiệc sinh nhật của nhà thơ tài hoa sao ? Chàng nhìn bạn nghẹn ngào. Bỗng Quang Dũng rút trong túi ra một con dao chuôi đồng, nhổ nước bọt vào bàn tay, vừa liếc dao vừa khóc, mặt ràn rụa nước mắt. Anh ta giơ dao lên “Tao thiến mày….Đùa hả..,. tao thương mày, cho mày làm hoạn quan”. Nhà thơ họ Phùng kinh hoảng vùng chạy, nhà thơ Tây Tiến đuổi theo bén gót. Chạy một quãng xa muốn đứt hơi, ngoảnh lại không thấy Quang Dũng mà là một nữ du kích đang rượt theo sau. Kiệt sức, chàng quỵ xuống mặc cho số phận. Tỉnh lại thì chẳng thấy ai. Mệt nhưng đỡ đói đỡ khát nhờ vài miếng khoai, vài ngụm nước chè. Chàng chợt nhớ lại lời Quang Dũng “Khoai lang ăn nó dễ đi ỉa, nhuận tràng. Chè xanh mát ruột”.
Bức hoạt hình thứ bảy:
Quang cảnh trở lại với phố phường tấp nập. Nhìn kỹ thấy nhiều khách văn chương. Ồ, vì là thời thịnh văn chương mà. Cũng y như là thời thịnh anh hùng. Ra ngõ là gặp anh hùng, “Ngay nơi gia đình tôi đang ở cũng hàng chục Hùng, Hùng Sơn, Hùng Việt, Hùng Anh, Anh Hùng, thậm chí có cả Hùng Nhèm, Hùng Giẻ Rách v..v..”.
Trong cảnh bát nháo đó, chàng gặp nhà thơ Hoàng Cầm. “Một người bạn vong niên kể tuổi đời tuổi văn thơ cũng xứng đáng liệt vào hạng “liền anh” của tôi. Anh có dáng thư sinh nho nhã—nghe nói có đôi người phái đẹp chê anh là ẽo uột”. Anh lấy được một cô vợ sang đẹp nhưng là một phụ nữ nạ dòng. Có nhiều tiếng ong tiếng ve chê bai, thì anh bạn Tử Phác bênh Hoàng Cầm : “Ôi chà! Nạ dòng loại chúa như thế còn gấp triệu lần loại váy đụp lên ngôi—loại váy đụp đã lên ngôi thì khiếp lắm…được thôi mà”. Đương nhiên, cái lối nói này lạc hậu tầm cỡ quốc tế. Nên chỉ là nói vụng”.
Bức hoạt hình thứ tám:
Hoàng Cầm xin lỗi không mời chàng vào nhà chơi vì còn đang bận tập. Phùng Cung kinh ngạc hỏi tập tành gì bây giờ? Hoàng Cầm chỉ tay cho chàng nhìn phía kia có một bãi tập rộng mênh mông chung quanh có hàng rào kẽm gai; hai bên là những tòa biệt thự to lớn.
Có sáu bẩy hàng người đang tập theo sự hướng dẫn của hai vị giáo sư. Hoàng Cầm cho biết vị giáo sư cao đen là viện trưởng từng tốt nghiệp hệ Nam Hải, còn vị kia là nhà thơ già thiểu số giữ chức viện phó từng tốt nghiệp hệ Đông Phương. Chàng mù tịt chẳng hiểu gì.
Trong sân, giáo sư viện trưởng đang hướng dẫn một tốp. Ông thè cái lưỡi đỏ ra dài hàng trượng, quay nó uốn éo .“Cái lưỡi cứ ngoằn ngèo lượn như xiếc Trung Hoa múa lụa vậy”. Các học viên bắt chước thè lưỡi ra múa, nhưng không dài, không điêu luyện bằng thầy.
Vị giáo sư viện phó cũng dậy học viên của mình bằng đường lưỡi, nhưng chiêu pháp khác. Cái lưỡi của ông phóng ra thẳng cứng như cái dùi cao su, dài không kém viện trưởng.
“Cái lưỡi của vị phó giáo sư không múa liệng, mà cứ đập lên đập xuống, cái lối dẻo cứng.” Tốp học viên của ông cũng bắt chước thè lưỡi thẳng cứng đập lên đập xuống nhưng không nhuần nhuyễn bằng thầy.
Đột nhiên chàng thấy một người bước vào, “một người nhỏ thó,mắt hơi lé, nói giọng kim từ đâu đến”…. “ Hoàng Cầm nói nhỏ : “Thi hào, viện trưởng danh dự của viện”…… “Học viện múa lưỡi đấy!.”
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chàng không biết tại sao Hoàng Cầm lại được vào học cái viện đầy huyền bí này. Chàng thấy sờ sợ, khuyên Hoàng Cầm rút chân ra đừng tập tành làm gì, về nhà ngâm thơ còn sướng hơn. Hoàng Cầm lấm lét nhìn quanh, nói cậu đừng có xúi dại, tự mình rút ra thì chỉ có mất lưỡi lấy gì ngâm với vịnh.
Hoàng Cầm có vẻ trách Phùng Quán khiến ông không được nhận làm học viên chinh thức, vẫn là dự bị. Lý do ông nêu ra càng làm Phùng Cung rối như tơ vò, chả hiểu mô tê gì. Số là Phùng Quán tặng ông một cây ổi, trồng đến khi ra trái lại tỏa mùi thuốc phiện.
Thoáng chốc, sân tập múa lưỡi biến mất, chàng thấy mình đang ở trong vườn nhà Hoàng Cầm , quả nhiên ngửi mùi thuốc phiện.. Đang tính đi tiểu ở một chỗ do Hoàng Cầm chỉ thì cả Hoàng Cầm cả cây ổi biến mất. Trơ ra một khoảng sáng có một biển đề rõ ràng bằng vôi trắng “Cấm đái ở đây”.
Hóa ra chàng đang đứng trên một con đường quang đãng sạch sẽ sáng như pha lê!
Bức hoạt hình thứ chín:
Theo con đường pha lê mà đi riết thấy một cái chợ nửa tỉnh nửa quê. Chàng thấy nó hình như giống chợ Mơ, gần giống những chợ Chi Đông, Phúc Yên, chợ Nghệ Sơn Tây, chợ Rồng Nam Định. “Bụng bảo dạ : cả đến cái mặt chợ búa trên trần gian cũng cứ na ná giống nhau, huống hồ trăm, ngàn, vạn, mớ những cái khác, khiến người ta nhầm lẫn là phải”.
Lại một điều lạ, thấy một biển đề “Marche’ de Yên Thái”. Chàng nhận ra ngay đây là chợ Bưởi [ thuộc vùng Kẻ Bưởi, phía Tây thành phố Hà Nội, có làng Yên Thái]. Sao ở đây lại còn cái chữ của thực dân nhỉ ? Hay là người ta cố ý để như vậy cho dân ta nhớ đến dấu chân đô hộ một thời?
Từ xa xưa, chợ này nổi tiếng trong giới sành ăn về món bò thui đặc chủng. Tuy nhiên ngày nay, món bò thui không còn nữa, “Nhưng vì hy sinh cho một nền công nghiệp phát triển, bò bê cũng được đổi mới—từ thui sang lột”.
Bỗng có tiếng huyên náo trong khu hàng tôm hàng cá, khu chó mèo; chàng lét mắt nhìn thì thấy xuất hiện một giai nhân. Giai nhân nhún nhẩy điệu đàng trong trang phục khăn áo, quần, toàn bằng vải lĩnh bóng mướt, hàng thượng phẩm của làng Bưởi. Liên tưởng này khiến chàng giật mình, làng Bưởi quê nhà văn Tô Hoài. Ô hay! chẳng lẽ giai nhân này là Tô Hoài chăng? Chẳng lẽ nhà văn này đã đổi nghề viết văn thành nghề quảng cáo viên cho hãng dệt lĩnh làng Bưởi sao? Lạ hơn nữa, tay trái giai nhân còn xách một va ly cũng màu đen bóng. Chàng đoán chắc trong va ly toàn là sách dù bề ngoài làm nghề quảng cáo hàng hóa.
Thoáng cái giai nhân biến mất, chợ búa cũng biến mất. Trước mắt chàng là anh Tô Hoài thực, vì rõ ràng anh đang dắt theo con dế mèn, con dế mèn của anh từ mãi năm 1941. Chỉ lạ một điều con dế mèn này bây giờ to lớn bằng một con ngựa .Cả hai đang ngồi nghỉ mát bên gốc một cổ thụ. Trong khi con dế ăn cỏ, thì anh viết, viết và viết. Người ta nói anh viết nhanh lắm, mà sách anh thì bầy bán đầy ở những hiệu sách quốc doanh y như gạo ở cửa hàng mậu dịch vậy. Sản phẩm của anh đúng tiêu chuẩn thời đại : “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”…. “Và anh đã chiếm lĩnh một góc trong cái tam giác thơm : Tô Hoài—Lê Văn Trương—Hồ Biểu Chánh”.
Ngồi nghỉ một lúc lâu, anh đứng dậy dắt con dế mèn đến gần và nhảy lên lưng nó, nhưng “Anh cứ nhấp nhổm nhẩy mãi vẫn không qua lưng con dế mèn. Anh bị ngã.Chống tay ngồi dậy, nhìn trước nhìn sau xem có ai nhìn thấy không?”
Bức hoạt hình thứ mười:
Bỗng chàng lại thấy mình trở lại giữa chợ. Nhớ cái lúc nhìn thấy giai nhân từ khu bán chó mèo đi ra, “Tôi định rẽ hẳn vào dãy hàng chó xem người ta bán, mua, người ta khen chê
tướng mạo lũ chó má”. Chợt có ai dùng cùi tay huých nhẹ vào sườn, một cách thân thiện. Ngó lại hóa ra nhà thơ Lê Đạt. Chàng vẫn cảm phục Lê Đạt, một phần vì học lực của anh ta hơn chàng; trong khi chàng chỉ đỗ bằng Trung học, thì anh ta đã đỗ Tú Tài tây; có thời gian anh ta làm tới chức thư ký đặc biệt cho một lãnh đạo cao cấp; một phần vì tính tình anh ta sòng phẳng, ngay thẳng, đôn hậu.
Anh ta lại hay đãi chàng ăn phở. Hỏi tiền đâu ra, đáp vì bà cụ buôn bán chút đỉnh mới dấm dúi cho . Phùng Cung cười vì nghĩ rằng thời buổi này mà không biến báo cải thiện thêm thì chỉ có nước….Nhưng Lê Đạt hiểu lầm chàng chê việc buôn bán “thiếu trong sáng”, “Anh liền văng tục : “Chả thế lấy đéo đâu ra cho mày ăn”.
Hôm nay anh ta cũng rủ chàng ăn phở. Nhân tiện chàng hỏi ý kiến anh ta về Tô Hoài. Anh ta nói một cách thành thạo về cái khôn của nhà văn này, lắm mưu nhiều mẹo giữa cái chợ văn chương. Phùng Cung lại tiếc cho cái tài khôn ấy, “nếu anh không ủ một mưu mẹo gì cao hơn”
Bức hoạt hình thứ mười một :
Lê Đạt kéo chàng lên một bờ dốc có hàng hoa chậu cảnh. Chợt từ trong chậu cảnh hoa giấy mầu đỏ bước ra một người, tóc rẽ cánh phượng trên khuôn mặt chim, thường có thói quen che miệng khi cười, nách trái cặp một tập nhạc. Chàng nhận ngay là ai. “Lê Đạt quay đầu lại lắp bắp lên tiếng trước : Chào cụ Tiên “. Cụ Tiên chỉ cho chức Tiên chỉ trong làng phong kiến quân chủ xa xưa. Lê Đạt đùa giỡn kiểu này có ngày phải làm kiểm điểm đấy. Phùng Cung vẫn ngại nói chuyện với cụ Tiên vì biết cụ có kiêm một chức vụ gì đặc nhiệm. Tử Phác từng cảnh cáo chàng gặp cụ Tiên phải giữ mồm giữ miệng; “Vui vẻ đấy, nhưng lỡ miệng chuyện nọ xọ chuyện kia, cụ Tiên cho là phạm “tín điều”, “đẹt” cho một cái, mình toi mạng”
Bức hoạt hình thứ mười hai :
Phở chưa kịp ăn,bỗng một tràng đại bác rền vang. Người, vật náo loạn. Tiếng nổ long trời lở đất, kèm theo cuồng phong bão tố. Trên không trung, những đám mây ngũ sắc từ bắc phương đổ xuống, từ tây phương tràn về . “Tất cả gặp nhau, tụm lại, tạo nên một vòm trời đỏ như máu”. Chàng nhìn quanh, Lê Đạt và cụ Tiên biến đâu mất. Còn một mình chàng bơ vơ.
Thoắt cái, chàng thấy một ngọn tháp khổng lồ xuất hiện, trên chóp đỉnh có một tàn vàng chói lóe, bên cạnh là một lá cờ đại, xung quanh có cả ngàn lá cờ nhỏ đều màu đỏ rực.
“Từ cờ đại đến cờ nhỏ đều quay tròn. Diềm cờ không đính lụa kim tuyến mà là lưỡi câu thép ngoại. Cờ tạo gió, gió nhân thành bão. Thì ra do cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng như vậy.Tôi lạnh cả người, chờ sẵn một cái chết móc hàm”
Ngọn tháp càng ngày càng cao to ra. Nhìn kỹ hóa ra một tháp người từ chân lên đến đỉnh, người nọ cưỡi lên cổ người kia. “Ai ở trên đỉnh chót nhỉ? Tôi tự hỏi”
Bỗng cơ man nào là người từ chân tháp đổ ra vòng trong vòng ngoài, chạy như đèn kéo quân theo hướng cờ bay. Người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội cầm đủ loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại. Không hiểu tại sao chàng thấy mình ở vòng ngoài cùng cũng bị cuốn theo đèn kéo quân. Vòng trong cùng gần chân tháp thấy ông anh đẹp giai cầm một cái côn đỏ, có cả hai vị giáo sư viện trưởng viện phó dậy múa lưỡi; lại thấy cụ Tiên hai tay hai khẩu súng lục. Ô kìa có cả các ông anh Tô Hoài, Hoàng Cầm, Lê Đạt và nhiều văn hữu mà chàng đã gặp ở chiến khu Việt Bắc. “Các dòng người đều nhất loạt hướng tai lên đỉnh ngọn tháp nghe lệnh sang sảng “Kẻ thù phía trước! Kẻ thù phía trước!”. Giữa người nọ với người kia nhất tề giữ đúng khoảng cách một tầm lưỡi lê đâm trộm”.
Đêm đổ xuống. Chàng lấy làm lạ tại sao trong tay lại cầm một cái dùi gỗ bê bết máu. Ai đã dúi vào tay chàng ? Chàng nhận ra người đứng trước là thầy học cũ. “Tôi khẽ lên tiếng :Phải thầy Đoàn đây không? Thầy Đoàn giật mình , không dám ngoái đầu, không dám lên tiếng.Nước mắt tôi trào ra, cổ tôi nghẹn lại, tôi hỏi tiếp : “Cung đây, thầy còn nhận ra con không?Thầy Đoàn giật mình, co cổ lại. Thầy Đoàn biết mình đang ở vị trí kẻ thù của tôi!!!Tôi bàng hoàng. Tôi đang là kẻ thù của ai phía sau tôi đây?”.
Cơn hãi sợ làm chàng lảo đảo dẵm lên một bãi cứt, trượt chân ngã nhào, văng khỏi vòng hiểm họa. Đau nhưng sung sướng thoát nạn. Nhờ một bãi cứt. “Tôi nghĩ sau này tôi phải viết một bài “Cứt tụng” ( ca tụng cứt ). “Dù ai có chê bai cũng đành chịu vậy thôi.Trong đầu tôi mới xuất được một tứ : “Cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi; nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận”.
“Tôi nằm ngơi ; lúc này tôi mới nhận biết mình đang nằm trên đống máu—Máu chiến thắng kẻ thù đồng loại” . Chàng tự hỏi giờ này thầy Đoàn đang ở đâu, thầy là kẻ thù của ai phía sau? “Lòng tha thiết bằng an của tôi có lừa dối tôi không? Chiêm bao trong chiêm bao “.
Bỗng có tiếng thét từ trên đỉnh tháp “Bắt lấy nó! Bầm nát thằng đào ngũ!”
Từ đống cứt máu lẫn lộn, Phùng Cung vùng dậy chạy, đằng sau tiếng chân huỳnh huỵch đuổi. Đến bờ vực thẳm với ngàn vạn con rắn ngo ngoe phía dưới, sau lưng một tràng đạn rít lên xẹt qua tai, chàng nghé đầu tránh, trượt chân ngã nhào xuông vực, kêu lên một tiếng “Trời” và choàng tỉnh dậy. Một cơn ác mộng.
Hai cánh tay chàng bật mạnh lên khiến hai trẻ choàng tỉnh hoảng hốt ngơ ngác. Chàng trở về hiện thực : “ Từ vô thức tôi buột miệng : Dẫu sao thằng anh vẫn là anh thằng em”.
( Viết tại Hà Nội tháng 9-1959 ).
IV/ THỬ GIẢI MINH GIẤC MƠ “DẠ KÝ”
Trên đây chúng tôi chỉ xin tóm lược câu chuyện mà tác giả Phùng Cung gọi là một giấc mơ. Bài tóm tắt không thể nào diễn tả hết văn tài của ông, bởi vì từng chữ từng câu quấn kết với nhau như những sợi tơ trong một tấm vải dệt. Quí vị độc giả nên đọc toàn bộ từ đầu chí cuối mới thấy cách dùng những ám dụ khó hiểu để nói về một nhân vật, một cảnh tượng.
Qua một số câu trích, chúng ta có thể hình dung ra người bị tác giả nói móc, chửi xéo sẽ tức giận thế nào. Người đó hẳn sẽ chỉ vào mặt tác giả mà quát lên : quân xỏ lá, hỗn xược, đểu cáng, phản động. Thế mà những nhân vật là đối tượng nói móc của tác giả lại toàn là những người quyền cao chức trọng, thì làm sao ông tránh được số phận của Socrates.
Chúng tôi không đủ khả năng giải minh hết những tình tiết trong giấc mơ, chỉ xin làm rõ một vài điểm chính.
1/ Dựa theo phương pháp giải minh của bác sĩ Sigmund Freud
Bác sĩ S.Freud ( 1856-l939 ), cha đẻ của khoa Phân Tâm Học ( Psychoanalysis ), trong khi chữa trị những người bị tâm bệnh đã khám phá ra một cõi tâm vô thức là nguồn phát sinh bệnh. Một trong những phương pháp khám phá cõi vô thức nơi bệnh nhân là giải minh những giấc mơ do chính bệnh nhân kể lại. Rồi mở rộng ra với giấc mơ của những người bình thường, ông đi đến kết luận mọi giấc mơ đều là những thỏa mãn cho những ước muốn bị kiềm chế không được hay chưa được thỏa mãn trong đời sống hiện thực ( Wish Fulfillment ).
a/ Thí dụ giải minh một giấc mơ đơn giản:
Một nữ bệnh nhân của ông kể lại cô mơ thấy đứa cháu thứ hai của cô chết mà lòng cô dửng dưng không chút đau buồn, mà thực sự cháu vẫn khỏe mạnh vui chơi. Mỗi lần nhớ lại giấc mơ là cô cảm thấy bất an, lo lắng, như kẻ phạm tội .
Freud dùng phương pháp liên tưởng tự do, gợi cho cô nói ra tất cả những cảnh tượng nào có liên quan đến những tình tiết trong mơ : cái chết của đứa cháu thứ nhất, đám tang của cháu, mẹ cháu khóc như thế nào, gia quyến, bằng hữu đến phân ưu như thê nào…Thế là từ một giấc mơ ngắn kể lại lúc đầu, cô dần dần nhớ rộng ra bao nhiêu tình tiết liên quan làm hậu cảnh cho giấc mơ xẩy ra. Theo dòng liên tưởng tự động vô thức, cô kể hồi đó người yêu cô có đến chia buồn với cô; cả hai ngồi suốt đêm bên quan tài. Sau đó tình duyên trắc trở, hai người chia tay nhưng tình yêu của cô không phai nhạt. Mỗi lần nhớ lại cái đêm cùng người yêu gác quan tài là cô thấy hạnh phúc vô cùng.
Freud từ đó giải minh cho cô thấy giấc mơ về cái chết của đứa cháu thứ hai chỉ là một cảnh ngụy trang che giấu ước muốn thầm kín của cô là mong gặp lại người yêu. Vì thế thái độ của cô mới dửng dưng. Bệnh nhân bừng tỉnh, giải thoát khỏi cảm thức phạm tội, cô thấy thơ thới nhẹ nhàng. Giống như cô ngộ ra chân lý vậy.
b/ Phương pháp giải minh giấc mơ
Giấc mơ kể lại lúc đầu nếu viết lại hay ghi âm lại thì rất ngắn. Trong lúc điều trị, bác sĩ gợi ý dẫn dắt cho bệnh nhân liên tưởng tự do, thì nếu viết lại, bài viết sẽ dài gấp năm mười lần. Freud phân biệt hai nội dung mơ : bản đầu tiên gọi là nội dung mơ biểu hiện ; bản thứ hai gọi là nội dung mơ tiềm ẩn. Chính nội dung tiềm ẩn là cõi vô thức tăm tối chứa đựng những
ý nghĩ thầm kín, những ước muốn bị kiềm chế bởi một kháng lực mà ông đặt tên là lực kiểm duyệt.
Lực kiểm duyệt có thể là ý thức đạo đức nổi lên trong nội tâm chống lại hay kết án những ý nghĩ tội lỗi ; lực kiểm duyệt cũng có thể là những quy luật xã hội bên ngoài nhằm khống chế hay tiêu diệt những hành động gây rối loạn một trật tự nào đó. Freud lấy ví dụ cụ thể là cơ quan kiểm duyệt báo chí cắt bỏ những bài viết nào không hợp với chế độ cai trị. Lực kiểm duyệt cũng có thể là những tập tục văn hóa truyền thống kết án một số hành động nổi loạn của cá nhân, như tập tục Việt Nam xưa phạt những cô gái không chồng mà chửa như nàng thôn nữ Thị Mầu, hoặc tập tục người nữ che mạng trong văn hoá Hồi giáo.
Những ước muốn bị dồn nén bởi các lực kiểm duyệt luôn tìm cách trỗi dậy, tìm cách thỏa mãn trong giấc mơ khiến cho tâm bớt nặng nề. Có thể nói giấc mơ là liều thuốc làm quân bình tâm trí. Những ước muốn bị ức chế phải ngụy trang thành những cảnh mà lực kiểm duyệt nội tâm chấp nhân được.
Freud khám phá ra nhiều quy luật ngụy trang của giấc mơ. Nhưng đó là vấn đề thuộc chuyên môn, chúng tôi không đào sâu hơn. Chúng tôi chỉ dùng bốn tiêu chuẩn do Freud đề ra để thử giải minh giấc mơ DẠ KÝ : Nội Dung Mơ Biểu Hiện—Nội Dung Mơ Tiềm Ẩn—Liên Tưởng Tự Do ( tự do ở đây có nghĩa cứ nói ra những gì mình cảm mình nghĩ không để ý tới lực kiểm duyệt )—Ngụy Trang Trong Mơ--
2/ Tìm Hiểu Những Ước Muốn Bị Ức Chế Của Tác Giả “Dạ Ký”
Tác giả không còn sống để bác sĩ Phân Tâm Học đặt những câu hỏi dẫn dắt liên tưởng tự do. Vì thế những gì viết về giấc mơ này hoàn toàn chỉ có tính giả thuyết dựa trên một số tài liệu liên quan đến những tình tiết trong mơ. Giấc mơ mà tác giả kể lại chính là nội dung mơ biểu hiện, xuất hiện dưới hình thức một câu chuyện. Nội dung mơ tiềm ẩn là bao nhiêu biến cố trong đời tác giả trải qua cho đến khi viết truyện này vào tháng 9 năm 1959.
A/ Đoạn mở đầu:
Hai tình tiết mơ ( dream element ) quan trọng trong đoạn mở đầu là :
-câu hát “thề phanh thây uống máu…cùng tiến lên” trong quốc ca Tiến Quân Ca--
-con đường trải nhựa xưa kia bây giờ nham nhở vết xe tăng và ý nghĩ :
Tất cả chỉ là sự bày đặt của ma vương quỷ dữ”
Trong cõi vô thức ông chống lại mọi hình thức chiến tranh dù là xâm lược hay vệ quốc. Ước muốn đó đối với lực kiểm duyệt bên ngoài là mất lập trường, là phản động có thể bị án tử hình. Tác giả Thụy Khuê viết : “Tìm hiểu Phùng Cung là tìm hiểu dòng tư tưởng yêu nước đối lập với các quan niệm chính thống và đi ngược lại niềm tự hào dân tộc cố hữu nhưng là kim chỉ nam cho một dân tộc mới : sự chuyển giáo dục chiến tranh và giáo dục hận thù thành giáo dục hòa bình và giáo dục văn hóa” [sđd—trang 384].