Tập Cận Bình và Cách Mạng Văn hóa 2.0 Ảnh minh họa : Một chương trình truyền hình giải trí ngày 05/06/2021 tại một nhà dân đón khách du lịch ở làng Zhaxigang, vùng tự trị Tây Tạng. AP - Mark Schiefelbein
Hàng loạt quy định mới chỉnh đốn tư tưởng cách mạng, thuần phong mỹ tục và « thần tượng » được áp dụng ở Trung Quốc trong những tháng gần đây. Một số người nổi tiếng bỗng dưng « bốc hơi » khỏi mạng xã hội. Nhiều nam sao Hàn và Trung Quốc « yểu điệu » bị loại khỏi màn hình từ ngày 02/09/2021.
Theo một hướng dẫn thực hiện của Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc, biện pháp này là nhằm « nhấn mạnh đến văn hóa truyền thống Trung Quốc, văn hóa Cách mạng và văn hóa xã hội chủ nghĩa ».
Với tất cả những sự kiện trên, phải chăng đảng Cộng Sản và Nhà nước Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa mới ?Chí ít đây là cụm từ được một số trang thông tin nhắc đến. Tờ The Guardian của Anh và Bloomberg của Mỹ so sánh những biện pháp thắt chặt hiện nay như « một cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ 2 ». Trang Nikkei Asia đặt câu hỏi liệu « Cách mạng Văn hoá 2.0 » sẽ xảy ra ?
Cỗ máy kiểm duyệt đã được áp dụng trên phương diện văn hóa, giải trí và gần đây nhất là ngành giáo dục, cụ thể là học sinh tiểu học ? Một quy định, được ban hành vào ngày 30/08, chỉ cho phép trẻ em chơi trò chơi điện tử ba tiếng một tuần, chia đều vào ba ngày cuối tuần từ 20 giờ đến 21 giờ (thay vì 1,5 giờ mỗi ngày trước đây). Các công ty trò chơi điện phải áp dụng quy định mới và phải có hệ thống xác nhận để bảo đảm các quy định được thực thi. Tương tự đối với các cửa hàng trò chơi điện tử, đồng thời nhiều cửa hàng còn ghi thêm « Toàn xã hội lo cho sự tăng trưởng lành mạnh của thiếu niên ».
Và chỉ vài ngày sau, « tư tưởng Tập Cận Bình » được đưa vào giảng dạy ngay từ cấp 1 bắt học sinh phải thuộc lòng những câu nói của « Bác Tập » trong sách đạo đức. Đây là cách để « đảng thắt chặt chi phối nền giáo dục », theo trang Nikkei Asia. Thế nhưng, chính một nguồn tin trong đảng Cộng Sản Trung Quốc nhận định với báo mạng Nhật Bản rằng « giáo dục ý thức hệ liên quan chặt chẽ đến một người cụ thể được coi là gần như là tôn thờ cá nhân. Viễn cảnh quay lại thời Cách mạng Văn hóa thật kinh hoàng ». Còn theo trang Bloomberg, đây là cách nhào nặn những trí óc non trẻ theo hệ tư tưởng đúng đắn, để không bị sao nhãng vì những hoang tưởng trên mạng.
Áp dụng kiểm duyệt đối với lĩnh vực văn hóa, giải trí được cho là xuất phát từ những lo sợ nào ?Sự kiện gần đây nhất liên quan đến văn hóa, giải trí là Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc loại khỏi sóng truyền hình mọi « thần tượng nam » có dáng hình yểu điệu, trang điểm, đeo khuyên tai như con gái (sissy idols). Thực ra ngay từ năm 2019, truyền hình Trung Quốc đã tiến hành kiểm duyệt sao nam « yểu điệu » khi làm mờ tai của các nam ca sĩ đeo khuyên tai. Đối với chế độ Bắc Kinh, trào lưu ngoại lai có sức ảnh hưởng này, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đang « biến giới trẻ Trung Quốc thành một thế hệ gà mái ướt át ».
Nhìn xa hơn, Bắc Kinh không muốn K-Pop hay J-Pop và những giá trị mà hai trào lưu này lan tỏa, cắm rễ ở Trung Quốc. Mạng xã hội Weibo khóa 21 tài khoản fanclub sao Hàn, trong đó có Lisa (Blackpink) và Jimin (BTS), dù đại sứ Trung Quốc ở Seoul trấn an biện pháp mới « không nhắm cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào ». Dịch Dương Thiên Tỉ (Jackson Yee) và Tiểu Quỷ (Xiao Gui), hai trong số những ca sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc bị truyền thông Nhà nước chỉ trích, từng thừa nhận là chịu ảnh hưởng từ các nhóm nhạc Hàn Quốc như BTS.
Nữ tiến sĩ Tiểu Ninh Lộ (Xiaoning Lu), chuyên gia về tương tác giữa các lĩnh vực văn hóa và chính trị ở Trung Quốc thuộc Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Á, Đại học Luân Đôn (Anh), giải thích với đài France 24 là chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng « các nghệ sĩ phải thể hiện là không thể chê trách vào đâu được vì văn hóa đóng vai trò trọng tâm để định hướng xã hội trong chủ nghĩa xã hội ».
Một nam nghệ sĩ có dáng người ẻo lả có lẽ là một hình mẫu « xấu » cho giới trẻ vì « các nhà lãnh đạo sợ rằng nếu như nam giới trở nên quá yểu điệu, điều đó tạo cảm giác Trung Quốc là một nước chỉ có người yếu đuối không cạnh tranh được với các đối thủ », theo nhận định với trang South China Morning Post của nhà nghiên cứu Tống Canh (Song Geng) thuộc đại học Hồng Kông.
Về tôn thờ thần tượng - xu hướng của giới trẻ, phải chăng bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc không muốn giới trẻ sùng bái bất kỳ cá nhân nào khác ngoài chủ tịch Tập Cận Bình ? Về hình thức, các cơ quan chính thống lên án bầu không khí « độc hại », « chửi rủa lẫn nhau » giữa các fanclub. Tuy nhiên, chính fan economy (tạm dịch : nền kinh tế trong cộng đồng người hâm mộ của một nghệ sĩ) mới là đích nhắm trong chiến dịch làm trong sạch do chính phủ tiến hành từ tháng 05/2021 do lo sợ « vuột khỏi tầm kiểm soát ».
Thực vậy, theo The Paper, một trang thông tin gần với chính quyền Bắc Kinh, được France 24 trích dẫn, fan economy được thẩm định lên đến 20 tỉ đô la trong năm 2022 gồm sản phẩm phái sinh, quà tặng và những cuộc thi khác được tổ chức quanh những ngôi sao. Đây là điều khiến « chính quyền khó chịu », theo nhà nghiên cứu Tiểu Ninh Lộ vì « những ngôi sao này đã làm giầu trên lưng người hâm mộ » mà « không làm được gì mang tính xây dựng ».
Sau mục tiêu « xóa nghèo » được phát động năm 2012, hoàn thành năm 2020, và hiện là « thịnh vượng chung » với việc giảm chênh lệch giầu-nghèo, thì việc loại sao yểu điệu, quá giầu lại càng có thêm tính chính đáng, như nhiều trường hợp liên tục bị phanh phui gần đây và « bốc hơi » khỏi mạng xã hội : Triệu Vy (Zhao Wei), Ngô Diệc Phàm (Kris Wu), Trịnh Sảng (Zheng Shuang)…
Những biện pháp « chỉnh đốn » này sẽ gây nên những hệ quả gì ? Ông Tập Cận Bình mượn chiến dịch « thịnh vượng chung » cho toàn xã hội để giảm bớt sức mạnh của số ít siêu giàu và các đại tập đoàn. Điều này cũng khiến các đại tập đoàn, các tỉ phú, triệu phú vội vã đua nhau ủng hộ tiền giúp chính sách giảm nghèo của Nhà nước. Tuy nhiên, trang Nikkei Asia cho rằng cách vận động doanh nghiệp bằng nỗi sợ và nghi kị chỉ dẫn đến nguy cơ hạn chế sự sáng tạo, đổi mới.
Tương tự như Mao Trạch Đông thời Cách mạng Văn hóa, ông « Tập đánh vào những nhà tư bản thực sự », chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, theo Bloomberg, trong đó có nhiều người là đảng viên như tỉ phú Mã Vân (Jack Ma) - nhà sáng lập Alibaba cũng có mối quan hệ với nhiều người nổi tiếng bị thanh lọc thời gian qua như diễn viên Triệu Vy. Gần đây, chính phủ cũng cho thấy ảnh hưởng khi lần lượt mời hai nhà khổng lồ công nghệ Tencent và Netease lên « nói chuyện ».
Nhưng đằng sau những biện pháp thắt chặt này còn được cho là nhắm đến các kẻ thù chính trị, theo trang Nikkei Asia, vì rất nhiều tên tuổi trong ngành công nghệ Trung Quốc có liên hệ với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Nếu Bắc Kinh nhắm vào giới nhà giầu và đẩy đất nước trở lại thời kỳ đen tối của lịch sử thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chững lại và sẽ làm hại cho sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình. Nhưng dường như đây không phải là mối bận tâm hiện nay của ông Tập nếu nhìn vào cách tiến hành chiến dịch.
Trang The Guardian thì quan ngại đến chiến dịch « chỉnh đốn » hiện nay ở Trung Quốc tác động đến toàn cầu vì Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Ngoài lý do kinh tế, còn là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc với phương Tây, cũng như « sự ưu việt » mà Bắc Kinh muốn thể hiện so với phương Tây, cũng như nhiều nước châu Á khác.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hồng Vệ Bảo (Hongwei Bao) thuộc đại học Nottingham, được The Guardian trích dẫn, cho rằng « chính quyền Bắc Kinh không thể ấn định mọi chuyện trong nước Trung Hoa ngày nay. Thời thế đã thay đổi ». Quá trình chuyển hóa xã hội trong nhiều thập niên qua đã làm thay đổi những tiêu chuẩn truyền thống và đã viết lại nhiều phần trong khế ước xã hội ngầm giữa nhà cầm quyền và người dân. Vì vậy, theo nhà nghiên cứu đại học Nottingham, « người dân không bao giờ từ bỏ hy vọng của họ ».
Theo RFI