Viết tiếp câu chuyện về blogger Ðiếu Cày Thông tin được những người bạn của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải tức blogger Ðiếu Cày đăng trên facebook, blog cá nhân theo lời kể của Nguyễn Trí Dũng, con trai Ðiếu Cày, đồng thời một vài báo, đài bên ngoài cũng đã nhanh chóng đưa tin:
Chiều ngày 2 Tháng Tám, Nguyễn Trí Dũng đã được vào trại giam thăm bố vỏn vẹn vài phút.
Blogger Ðiếu Cày. (Hình: Người Việt)Ðiếu Cày cho biết đã ngưng tuyệt thực từ ngày 27 Tháng Bảy sau khi một cán bộ cấp cao của VKSND Nghệ An vào tận trại giam gặp mặt và chấp nhận giải quyết đơn khiếu nại của anh về việc trại giam bắt anh ký giấy nhận tội, khi anh không nhận thì ra lệnh biệt giam 3 tháng.
Cuộc tuyệt thực sinh tử kéo dài hơn 1 tháng đã thành công và Ðiếu Cày gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã chia sẻ, ủng hộ anh và gia đình.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người đã dũng cảm tìm cách báo tin Ðiếu Cày tuyệt thực ra ngoài, đã bị trại giam kỷ luật nhưng hôm nay cũng được cho gặp vợ. Cả tù nhân Nguyễn Kim Nhàn cũng vậy.
Như thế là cả hai tù nhân kiên cường, bất khuất Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Xuân Nghĩa đều còn sống. Ðó là điều mọi người mong mỏi và vui mừng nhất.
Những thông tin ít ỏi ấy càng trở nên quý giá, kịp thời giữa hoàn cảnh những người tù bị cô lập, tình trạng sức khỏe của họ hoàn toàn bị bưng bít trong nhiều ngày qua.
Và sự thật về những hình ảnh, video clip mà báo CAND, đài VTV đưa tin “Ðiếu Cày không tuyệt thực” cũng đã rõ ràng trước ánh sáng.
Trước đó, từ nhà cầm quyền cho đến toàn bộ mạng lưới truyền thông báo, đài lề đảng đều hoàn toàn im lặng trước câu hỏi có hay không việc Ðiếu Cày tuyệt thực, nguyên nhân vì sao và tình trạng của anh thế nào.
Một phần bởi vì sức khỏe của Ðiếu Cày vốn dĩ kém hơn tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nhiều, sau hơn 5 năm tù đày trong điều kiện vô vùng khắc nghiệt. Và khác với Cù Huy Hà Vũ, cuộc tuyệt thực của anh chỉ được dư luận bên ngoài biết đến khi đã kéo dài sang ngày thứ 25.
Lúc đó anh đã rất yếu, đi phải có người dìu hai bên, ngồi còn không nổi như con trai anh tường thuật lại khi được vào thăm bố ngày 20 Tháng Bảy. Chính vì vậy, báo đài của đảng không thể làm một video clip bôi nhọ anh vẫn “béo khỏe” như đã làm với tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ.
Họ phải đợi đến ngày 29 Tháng Bảy khi anh đã ăn lại được vài ngày, tạm đi lại được để mà tung ra những bài báo như “Lật tẩy ‘chiêu tuyệt thực’ của Nguyễn Văn Hải” đăng trên báo CAND. Sau đó đến lượt đài Hà Nội, đài VTV đưa tin, hình ảnh tuyên bố Ðiếu Cày không tuyệt thực. Trong cái video clip đó họ cũng gán ghép rất nhiều điều không đúng với sự thật.
Từ câu chuyện này, rất nhiều điều “thú vị” đã tự bộc lộ ra.
Thứ nhất, điều kiện giam giữ tù nhân, đặc biệt tù nhân chính trị, hết sức tồi tệ trong các nhà tù lớn nhỏ ở Việt Nam là điều mà mọi người có thể đoán biết nhưng vẫn không sao hình dung hết được nếu không thật sự trải qua. Chỉ đôi khi những thông tin ít ỏi mới lọt ra bên ngoài.
Gần đây, từ vụ nổi dậy của tù hình sự tại trại giam Z30 A Xuân Lộc, Ðồng Nai vào Tháng Sáu cho đến những cuộc tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày, thanh niên Công Giáo Paul Trần Minh Nhật... phản đối cách hành xử tàn ác, nạn vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền trầm trọng của các quản giáo, cán bộ trại đối với tù nhân, thì vấn đề này lại được xới lên.
Thứ hai, cách hành xử, đối phó của nhà nước CSVN với dư luận trong và ngoài nước trước một sự kiện cụ thể, ví dụ như vụ Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ hay blogger Ðiếu Cày tuyệt thực, đã cho thấy khuôn mặt thật về họ nhiều hơn mọi bản cáo trạng, mọi lời tố cáo mà người dân có thể nghĩ ra.
Ðối với người tù chính trị đã hoàn toàn nằm trong tay họ, đang phải chịu đựng những bản án nặng nề, phi lý phi nhân nhất, tưởng như đã quá đủ, nhưng họ vẫn tiếp tục hành hạ, trừng phạt người tù ấy trong trại giam và sách nhiễu thân nhân họ bên ngoài.
Khi người tù không còn cách nào khác buộc phải đem chính sinh mạng của mình ra tuyệt thực đòi công lý, thì họ lại tìm mọi cách bưng bít thông tin, trây lì, né tránh dư luận... Cho đến khi không thể né tránh được nữa và người tù có nguy cơ mấp mé bên bờ vực cái chết, họ mới tạm lùi bước để người tù chấp nhận ăn uống trở lại.
Ðồng thời họ sử dụng mạng lưới truyền thông báo đảng để bôi nhọ, vu khống người tù, hòng gây hoang mang mất lòng tin cho mọi người bên ngoài.
Ðể “bảo vệ” cái chân dung đã quá lem luốc của chế độ trước người dân và trước thế giới, nhà cầm quyền không từ một thủ đoạn, trò bẩn nào.
Thật ra bản chất đảng và nhà nước Cộng Sản từ xưa đến nay vẫn vậy. Nhưng nếu trước đây, người miền Nam có lên tiếng về vô số thủ đoạn, sự dối trá mà đảng Cộng Sản đã tiến hành để lừa bịp thế giới, tạo tính chính danh và giành chiến thắng trong cuộc chiến hai miền bằng mọi giá, thì vẫn có những người thiên tả trên thế giới không tin. Và ít nhất, đa số dân miền Bắc lúc ấy không tin.
Nhưng bây giờ, bản chất của chế độ ngày càng bộc lộ quá rõ. Cũng như khả năng bịa đặt, vu khống, dựng chuyện bất chấp sự thật, đạo lý và pháp luật của hệ thống báo, đài lề đảng qua những câu chuyện như thế này, sẽ giúp cho nhận thức của người dân trưởng thành hơn.
Một người có suy nghĩ đều có thể tự đặt câu hỏi ai bịa đặt, ai bị lật tẩy qua những vụ việc này.
Nếu Ðiếu Cày không tuyệt thực, tại sao bao nhiêu ngày trước đó trại giam cứ lẩn tránh câu hỏi của gia đình, tại sao không công khai cho gia đình, báo đài quốc tế vào tận trại giam xem xét, đưa tin. Ðó là cách hành xử của bất cứ một nhà nước văn minh, chính danh nào khác.
Khi bài báo về vụ Ðiếu Cày không tuyệt thực được đưa lên, gia đình bạn bè đến chất vấn thì cả tổng biên tập, cả tay nhà báo viết bài đều lẩn như chạch. Nếu quả thật có bằng chứng Ðiếu Cày không tuyệt thực, nếu viết đúng với lương tâm, với sự thật, việc gì họ phải lẩn tránh?
Một điều rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam vẫn biết sợ dư luận trong và ngoài nước. Bởi vì vị thế của Việt Nam trên thế giới quá yếu, cả về kinh tế, quân sự, quốc phòng, lại không có đồng minh thực sự hỗ trợ khi cần.
Việt Nam không phải như Trung Cộng để có thể bất chấp dư luận, dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc nước nào có thể mua chuộc, dùng sức mạnh quân sự để hăm dọa, lấn lướt nước nào có thể lấn lướt. Mà ngay cả Trung Quốc cũng đang bị Mỹ và đồng minh bao vây, nói gì đến Việt Nam.
Ðối với người dân trong nước, Việt Nam cũng không được như Trung Quốc, đảng Cộng Sản Trung Quốc còn viện dẫn thành tựu về kinh tế trong mấy chục năm qua để mỵ dân. Trong khi đó, người dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ đủ thứ chuyện, xã hội như một cánh đồng cỏ khô dưới ánh nắng mặt trời chỉ một mồi lửa nhỏ là bùng cháy. Họ biết như vậy và không dại gì đẩy tới mức đó cả.
Trong cả hai cuộc đấu tranh tuyệt thực, Ðiếu Cày đều đã chiến thắng. Nhưng có lẽ gia đình, bạn bè, tất cả những ai quan tâm đến anh cũng đều không mong muốn anh lại phải một lần nữa đem chính sinh mạng của mình ra để đấu tranh.
Nếu các quản giáo, cán bộ trại và nhà cầm quyền nói chung không vi phạm pháp luật, không chà đạp nhân quyền những người tù một cách trầm trọng thì tù nhân đâu phải dùng đến biện pháp cuối cùng này. Và đã chắc gì trong những năm tháng tù đày còn lại, họ sẽ thôi nhũng nhiễu anh và các tù nhân lương tâm khác?
Ðối với những người bên ngoài cũng qua vụ này học thêm được nhiều điều để khôn ngoan, chủ động hơn trong những cuộc đấu tranh đấu trí tiếp theo với nhà cầm quyền, và cho phong trào dân chủ nói chung.
Sự kiên nhẫn của nhân dân đã đến giới hạn. Sự kiên nhẫn của thế giới dành cho nhà nước độc tài toàn trị Việt Nam cũng đã đến giới hạn. Ðiều này có lẽ trong chuyến công du đến Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Obama mới đây, bản thân ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang thấm thía hơn ai hết.
Nếu chưa thể cải cách nhanh chóng như Myanmar, chí ít cũng nên dừng tay lại, bớt đi những hành xử tàn ác, đê tiện với chính người dân của mình, như cách hành xử qua những vụ Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày vừa rồi chẳng hạn.
Song Chi
Theo báo Người Việt