Lòng Biết Ơn và Sự Biểu Hiện
Đã bao giờ bạn bắt gặp mình lúng túng không biết phản ứng thế nào khi được cảm ơn quá nồng nhiệt? Ngược lại có bao giờ bạn cảm giác ấp úng không biết nói thế nào để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc? Nếu câu trả lời là có, bạn hẳn cũng như tôi, vẫn còn “máu” Việt , chưa hoàn toàn suy nghĩ và ứng xử kiểu Mỹ, hoặc ít nhất là chưa hoàn toàn “Mỹ hóa” trong lĩnh vực đón nhận cũng như bày tỏ lòng biết ơn.
Nhớ lại hồi mới ra trường đi làm ở một công ty quảng cáo chuyên về các thị trường Á Châu, sếp lớn của tôi là một người Á Đông sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Ông ta thường làm việc ở văn phòng New York, thỉnh thoảng mới về văn phòng Los Angeles. Tất cả nhân viên cao thấp đều ngồi làm việc dưới nhà, bàn làm việc của ông trên lầu nhìn xuống thấy toàn bộ nhân viên phía dưới. Khi tôi được nhận vào công ty, toàn bộ bàn làm việc dưới nhà đều đã có người ngồi, người quản trị văn phòng lúc đó sắp xếp “đỡ” cho tôi ngồi trên lầu ở góc xéo với sếp lớn trong khi chờ dọn sang địa điểm mới. Vì vậy ông thường hay nhờ tôi những việc lặt vặt, chẳng hạn xuống nhà đưa khách của ông lên giùm khi ông đang bận điện thoại, hoặc xuống nhà lấy giùm ông những bản vẽ, làm copy, v.v… Cứ mỗi lần nhờ tôi việc gì, cuối ngày ông đều bước sang góc xéo bàn tôi và cảm ơn trịnh trọng. Mỗi lần như thế, tôi đều trả lời “It’s nothing.” (không có gì, thưa ông). Tôi trả lời như thế một phần vì tôi thật tình nghĩ ông không cần cảm ơn mình, một phần là dịch thẳng từ lối nói và cách nghĩ “không có chi” của người Việt.
Cho đến một hôm, trước khi lên đường về New York, Ông ghé bàn cảm ơn tôi đã góp một phần trong đề án đem lại khách hàng lớn cho công ty, tôi quen thói, trả lời “It’s nothing” (đâu có gì). Ông bỏ cặp sách ngồi xuống trước bàn, nhìn thẳng mặt tôi và nói: “It’s you are welcome”. Thấy tôi dương mắt nhìn không hiểu ý, ông lập lại, “You are welcome”, đó là câu trả lời hợp lý, không phải và không thể là “không có gì.” Sau đó ông giải thích việc có khách hàng mới này sẽ giúp công ty đạt được mức chỉ tiêu đồng thời giúp thuê mướn thêm đội ngũ sáng tạo gốc Việt, mở rộng thị trường tiếp thị Việt, dẫn đến kết quả dây chuyền đem ngân sách quảng cáo và sản phẩm đến cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ. Và vì vậy câu trả lời không phải là “It’s nothing.”, vì tôi xứng đáng được cảm ơn. Rồi ông đứng dậy cười chào bắt tay hỏi: Đồng ý?
Văn phòng LA mỗi lần có ông về là buổi họp đầu tuần thật hứng khởi. Ông hỏi thăm từng nhóm về tiến trình của từng dự án, mức thu chi và hướng phát triển của mỗi trương mục khách hàng, sau khi nghe mọi người trình bày tóm lược, ông luôn luôn chọn một vài điểm hoặc một vài cá nhân/nhóm để khen và cảm ơn thành tích nhóm đã đạt được. Tôi bắt đầu để ý thấy rõ có hai loại phản ứng khác biệt, một là từ các đồng nghiệp mang nhiều tính “Mỹ” hơn, hai là từ nhóm đồng nghiệp còn mang nhiều tính chất “Á”. Nhóm “Mỹ” luôn vui vẻ nhận lời khen đồng thời “được dịp” lớn miệng “khoe” thêm một số điều tốt họ đã làm hoặc chỉ đang dự định làm, trong khi nhóm “Á” thường chỉ lí nhí nói lời cảm ơn trong miệng, như thể không muốn người khác nghe họ đang nói gì.
Biểu lộ lòng biết ơn hay đơn giản nói lời cảm ơn thường xuyên là một đặc điểm tích cực trong văn hóa cư xử của người Mỹ. Người Mỹ không tiếc nói lời cảm ơn, và cũng không ngần ngại nhận lời cảm ơn. Chữ cảm ơn được sử dụng hàng ngày, người Mỹ trung bình nói chữ cảm ơn 2000 lần mỗi năm. Ngoài ra những lời như: “Mình nợ bạn nhé,” “Cảm ơn, mình nợ bạn lần này”, hay “Làm sao để tôi đền ơn bạn” cũng được sử dụng thường xuyên.
Khi được cảm ơn, người Mỹ trả lời “you are welcome” hay dịch nôm na sang tiếng Việt là “bạn cứ tự nhiên”, nghĩa là họ xác nhận tôi đã làm việc này cho bạn, và bạn cứ tự nhiên nhận, chứ không như người Việt, nghĩ rằng việc làm đó là chuyện nhỏ không đáng chi, không cần cảm ơn.
Cảm Nhận và Biểu Lộ Lòng Biết Ơn Khác Nhau
Ở Ý, ăn hết đĩa thức ăn trong bữa tiệc thể hiện lòng biết ơn đối với chủ nhà qua ngụ ý rằng thức ăn rất ngon. Trong khi ở Hồng Kông, để lại một chút trên dĩa thể hiện cảm xúc biết ơn tương tự với ngụ ý rằng thức ăn chủ nhà đãi rất nhiều, rất thịnh soạn. Sự tương phản văn hóa này trong “cách cảm ơn” rất rõ ràng; do văn hóa và lối giáo dục ảnh hưởng đến việc truyền đạt cảm xúc biết ơn.
Jonathan Tudge, giáo sư tại Đại học Bắc Carolina ở Greensboro, một chuyên gia nghiên cứu về sự khác biệt văn hóa qua cách thức biểu hiện và nhận thức về lòng biết ơn bắt tay vào chủ đề này khoảng mười năm trước. Gần đây, Tudge và các đồng nghiệp của ông đã công bố một loạt nghiên cứu về sự phát triển của lòng biết ơn ở trẻ em tại bảy quốc gia rất khác nhau: Hoa Kỳ, Brazil, Guatemala, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Họ tìm thấy một số điểm tương đồng giữa các nền văn hóa, cũng như một số điểm khác biệt—một cái nhìn chung sơ khởi cho thấy cách hướng tới lòng biết ơn của chúng ta có thể được định hình bởi các ảnh hưởng văn hóa, xã hội.
Đầu tiên, họ hỏi một nhóm trẻ em từ 7 đến 14 tuổi, “Ước muốn lớn nhất của em là gì?” và “Em sẽ làm gì cho người đã ban cho em điều ước đó?” Sau đó, họ nhóm các câu trả lời của bọn trẻ thành ba loại:
• Biểu lộ lòng biết ơn bằng lời nói: Nói lời cảm ơn theo một cách nào đó.
• Biểu lộ lòng biết ơn một cách cụ thể: Đáp lại bằng thứ mà các em thích, chẳng hạn như cho người đó một ít kẹo hoặc đồ chơi.
• Biểu lộ lòng biết ơn qua sự liên kết: Đáp lại điều gì đó bằng một sự gắn kết, chẳng hạn như tình bạn hoặc sự giúp đỡ qua lại.
Nói chung, như chúng ta suy đoán, trẻ em khi còn nhỏ ít có khả năng đáp lại bằng lòng biết ơn một cách cụ thể, nhưng làm điều này khi chúng lớn hơn. Những đứa trẻ nhỏ hơn và lớn hơn bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói với tỷ lệ tương tự nhau mặc dù có những ngoại lệ đối với những xu hướng này. Và khi trẻ lớn hơn, chúng thể hiện lòng biết ơn qua hành động cụ thể nhiều hơn ở Hoa Kỳ, so với Trung Quốc và Brazil.
Mặc dù có những điểm tương đồng liên quan đến tuổi tác, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các quốc gia. Nhìn chung, trẻ em ở Trung Quốc và Hàn Quốc có xu hướng đáp trả lòng biết ơn qua sự liên kết, trong khi trẻ em ở Hoa Kỳ nghiêng về việc biểu lộ lòng biết ơn một cách cụ thể. Trẻ em ở Guatemala—nơi thường nói “Tạ ơn Chúa” trong lời nói hàng ngày—đặc biệt thích thể hiện lòng biết ơn bằng lời nói.
Những khác biệt như vậy trong cách trẻ em đáp lại lòng tốt có thể tạo tiền đề cho cách chúng nói chuyện, hành động và cảm nhận khi lớn hơn—và nghiên cứu khác cho thấy rằng người lớn cảm ơn theo cách khác nhau trên toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu khác, các sinh viên đại học người Mỹ và Iran được hỏi rằng họ sẽ nói gì nếu nhận được các hình thức giúp đỡ khác nhau, chẳng hạn như ai đó giữ cửa chọ họ, mang hành lý cho họ, sửa máy tính hoặc viết cho họ một lá thư giới thiệu họ. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một số khác biệt giữa câu trả lời của sinh viên ở hai quốc gia.
Người Mỹ có nhiều khả năng đơn giản nói lời cảm ơn, khen ngợi người đó (Thí dụ: “Cảm Ơn. Bạn thật là lịch sự quá!”) hoặc hứa đáp trả (“Nếu bạn cần bất cứ điều gì, hãy cho tôi biết”) hơn người Iran. Thật vậy, nghiên cứu khác cho thấy rằng người Mỹ là những người thường nói lời cảm ơn sâu sắc, bày tỏ lòng biết ơn trong nhiều tình huống hàng ngày khi những người từ các nền văn hóa khác đơn giản là không làm như vậy.
Trong khi đó, các sinh viên Iran đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc ân là gì và liệu người trợ giúp của họ có địa vị cao hơn họ hay không (điều mà người Malaysia cũng tính đến). Cụ thể, việc họ có nhiều khả năng thừa nhận ân huệ (“Bạn đã làm cho tôi một ân huệ lớn”), họ xin lỗi (vì đã làm phiền đến người đó), hoặc cầu xin Chúa ban thưởng cho người đó là tùy vào địa vị của người đó.
Rõ ràng, lòng biết ơn được cảm nhận và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau—và dường như gốc rễ của những sự khác biệt này bắt nguồn từ thời thơ ấu. Người Việt từ nhỏ đã không được nuôi dưỡng trong những gia đình cha mẹ thường xuyên nói lời cảm ơn với nhau trước mặt con cái. Trong môi trường giáo dục hay ngoài xã hội cũng không đặt nặng lời cám ơn hay nhận thức về điều người khác làm cho mình, mà cho rằng đó là bổn phận “đương nhiên”, con cái tự động phải có hiếu với cha mẹ, anh chị em hẳn nhiên phải biết lo cho nhau; người vợ hẳn nhiên phải lo lắng cho chồng con. Một khi nhận thức được việc làm tốt người khác dành cho mình họ thường cũng không biết phải biểu lộ thế nào để không bị cho là khách sáo, thậm chí có thể gây xúc phạm.
Tương tự, bạn có thể xúc phạm những người bạn Ấn Độ của mình khi dùng chữ làm ơn và cảm ơn. Họ sẽ cho rằng "sử dụng những thuật ngữ như vậy với bạn bè là hành động hạ họ xuống địa vị của một người xa lạ đơn thuần. Vì đã là bạn bè hay người thân thì làm mọi thứ cho nhau; đó là điều đương nhiên và không có lý do gì để phải nói lời cầu xin hay cảm ơn.
Nhận Thức và Cách Thức Biểu Lộ Lòng Biết Ơn
Chúng ta đang ở trong tuần Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, đây là thời điểm tốt để suy ngẫm về việc sử dụng từ “cảm ơn” trong các nền văn hóa khác nhau. Từ lâu nay, tôi luôn mang ơn ông xếp cũ đã chỉ cho tôi cách tiếp nhận và thể hiện lòng biết ơn theo kiểu người Mỹ, sử dụng với phép lịch sự để thể hiện sự đánh giá cao của mình đối với điều gì đó đã được thực hiện cho mình, cũng như vui vẻ tiếp nhận lời cảm ơn của người khác hiểu rằng họ biết ơn hành động của mình dù nhỏ dù lớn.
Nhận thức và thể hiện lòng biết ơn ngoài những tác động tích cực còn là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tâm lý và có liên quan đến việc nâng cao cảm xúc tích cực, khả năng phục hồi quan hệ, kỹ năng đối phó tốt hơn và gia tăng hạnh phúc, theo các kết quả nghiên cứu (Sansone & Sansone, 2010 và Wood, Joseph, & Maltby, 2009). Những người nuôi dưỡng và tham gia một cách có ý thức việc thể hiện lòng biết ơn là những người kiên nhẫn hơn, đưa ra quyết định tốt hơn, phát triển các mối quan hệ tốt hơn và nhìn chung cảm thấy tích cực và lạc quan hơn về cuộc sống của họ so với những người không làm như vậy (Emmons & Stern, 2013).
Để nhận thức lòng biết ơn, đầu tiên là phải chú ý đến những gì mìnhđang có trong cuộc sống hoặc đã đến với cuộc sống của mình, dù nhỏ đến đâu. Hãy suy nghĩ về lý do tại sao mình nhận được điều này, ai đã đóng vai trò trong việc giúp mình đạt được những điều này và tại sao họ lại làm như vậy. Cảm nhận những cảm xúc tích cực khi nhận được điều gì từ người khác và kết nối chúng với món quà thực sự — lòng tốt, sự hào phóng hoặc tình cảm mà người khác đã dành cho mình. Sau cùng, làm một cái gì đó để bày tỏ sự đánh giá cao của mình về điều này/người này.
Ai đó đã nói “Cảm thấy biết ơn mà không bày tỏ cũng giống như gói một món quà mà không mang đi tặng.” Có thể không phải lúc nào chúng ta cũng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn dễ dàng, nhưng có một số cử chỉ đơn giản, cách thức căn bản và hiệu quả để biểu lộ mà không cần phải lúng túng.
Nói lời cám ơn
Lời nói có sức mạnh và là cách đơn giản nhất, trực tiếp nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người mà chúng ta lâu nay thường nhận từ họ và coi đó là điều hiển nhiên. Ở gần bên nhau, việc trực tiếp thể hiện sự đánh giá cao của mình về người đó bằng lời nói sẽ có hiệu quả, nếu không thể trực tiếp nói, hãy gọi điện thoại, gửi một tin nhắn, một e-mail. Thực hiện điều này sẽ làm một ngày của ai đó vui hơn.
Viết thư cảm ơn hoặc ghi chú
Dành thời gian suy nghĩ về những gì bạn đánh giá cao nhất về bạn bè, cha mẹ, người thân và viết tấm thiệp hay thư tay để bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của mình về người đó. Mặc dù việc nhận ra lòng biết ơn là một bước rất quan trọng – chỉ cần viết nó ra thôi cũng đủ khiến mình cảm thấy ấm áp trong lòng – và việc đọc bức thư đó còn đáng giá hơn thế rất nhiều.
3. Thể hiện lòng biết ơn thông qua cách thức sáng tạo
Không phải tất cả chúng ta đều có thể trở thành những nghệ sĩ tài năng, nhưng đó thực sự là suy nghĩ và nỗ lực bỏ ra. Thường thì những món quà tự làm có ý nghĩa nhất, một chút sáng tạo sẽ giúp ích làm người nhận cảm động.
4. Tặng quà tri ân
Khi chọn một món quà nhằm bày tỏ lòng biết ơn, hãy chọn những món quà có ý nghĩa hơn giá trị tiền tệ. Lòng biết ơn tự nó là một món quà nhưng tặng một món quà chu đáo, có ý nghĩa và liên hệ cá nhân để món quà đó được lưu giữ, trưng bày và trân trọng là điều thực sự đặc biệt.
5. Thăm viếng tri ân
Mặc dù bày tỏ lòng biết ơn bằng chuyến viếng thăm trực tiếp có thể là một bước lớn đối với một số người, nhưng cử chỉ cố gắng nói với ai đó rằng mình đánh giá cao về họ như thế nào và muốn dành thời gian cho họ cũng đủ để cả hai bên cảm nhận được lợi ích và ấm áp. Nếu không thể trực tiếp đến thăm, cũng có thể gửi tin nhắn thâu video.
6. Hỏi thăm và lắng nghe
Một trong những hành động biểu lộ đơn giản là tích cực lắng nghe những người thân yêu của mình một cách hiệu quả để cho họ thấy mình coi trọng họ. Đặt điện thoại xuống, chú ý và để tâm vào cuộc trò chuyện.
Tóm lại, lòng biết ơn và sự biểu lộ cảm xúc này cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân ở nhà, nơi làm việc và ngoài xã hội. Mối liên hệ giữa lòng biết ơn và hạnh phúc là đa chiều. Thể hiện lòng biết ơn gây ra những cảm xúc tích cực, chủ yếu là hạnh phúc, với cảm giác vui vẻ và hài lòng, lòng biết ơn cũng tác động đến sức khỏe và phúc lợi tổng thể của chúng ta.
Và sau cùng, lòng biết ơn không chỉ dành cho người khác, mà còn đối với bản thân và với mọi sự việc lớn nhỏ trong đời sống. Tùy theo cách suy nghĩ, chúng ta có thể phàn nàn vì bụi hồng có gai, hoặc vui mừng vì bụi gai có hoa hồng.
Chúc độc giả một mùa Lễ Tạ Ơn đầy lòng tri ân, và xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với quý vị, những độc giả, thân chủ, thân hữu đã đồng hành cùng Việt Báo trong những chặng đường suốt 30 năm qua.
Happy Thanksgiving!
Nina HB Lê