logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 29/12/2022 lúc 05:29:47(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.1)

UserPostedImage
Ảnh minh họa: Hướng dẫn viên Phùng Thị Hương đứng trên nơi gọi là ''Chuồng Cọp "ở Nhà tù Côn Đảo
Hoàng Đình NamAFP

Ba Sàm lý lịch xấu
Hai thế hệ ở tù
Xưa cha đòi độc lập
Thực dân đưa đi đày
Nay con muốn tự do
Cộng sản cho vào ngục
(Cha tù con tù, Ba Sàm, 2017)

Một năm qua đi, đất nước lại thêm rất nhiều “tù chính trị” mới, bị quốc tế chỉ trích (1), nhưng lại vẫn được tái cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Bằng tất cả những điều kiện thuận lợi hiếm có, tôi muốn thử điểm qua vài nét về một góc tăm tối nhất trong xã hội – nhà tù, xem nhân quyền ở đây ra sao khi so sánh với chế độ thực dân gần một thế kỷ trước; chế độ mà ta từng tố cáo nó dã man, còn mình thì sao.
“Tù chính trị”
Thời thực dân Pháp, rồi Việt Nam Cộng hòa, có không biết bao nhiêu tù nhân chính trị. Nhưng ở thời cộng sản hiện nay, khái niệm này không được chính quyền chính thức thừa nhận. Nghịch lý là trong mỗi nhà tù, thường có một khu dành riêng cho loại tù nhân này, nhưng người ta không biết đặt tên cho nó là gì, mà gọi theo kiểu không chính thức là “khu an ninh”, “khu giam riêng”, tách biệt hẳn với khu giam giữ chính, dành cho tù hình sự. 
Tới Trại 5, Thanh Hóa, tôi mới được chứng kiến rõ loại hình giam giữ này, được bắt đầu thực hiện trong khoảng hơn chục năm trước.
Tôi đề nghị gia đình gửi cho cuốn hồi ký về nhà tù thực dân của cha tôi, Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (2).
Mình đọc, cho anh em bạn tù đọc, để so sánh nó với nhà tù cộng sản nơi mình đang ở đây xem sao, cũng học ít nhiều kinh nghiệm tranh đấu của tiền bối.
Xin điểm qua một số chi tiết, chủ yếu tập trung vào đời sống tinh thần, vì điều kiện vật chất ở hai thời cách nhau gần thế kỷ là không dễ so sánh. Hay như thời nay với chúng tôi, hai người trong buồng giam suốt ngày bị theo dõi bằng 3 camera, nhưng thời Pháp thì đâu có được thiết bị này. Hoặc chế độ gia đình thăm nuôi, thời trước cũng không thể có, bởi được coi là thời chiến, rừng núi xa xôi hiểm trở, phương tiện đi lại vô cùng khó, đâu có thể đóng sổ, có chứng thực của chính quyền xã về quan hệ gia đình thì mới được thăm như ngày nay.
Thực dân
+ Biệt giam: Là chế độ giam giữ chỉ một, hai người một buồng, không được ra khỏi buồng giam. Nhưng tại Nhà đày thực dân nơi cha tôi ở, tù chính trị không bị như vậy. Trích hồi ký: “… Chiều tối, sau bữa cơm, trước khi tập trung vào các buồng ngủ là cặp đôi, cặp ba đi dạo, chuyện trò, huấn luyện chính trị, với những đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo thì là dịp hội ý, hội báo. Những ngày Chủ nhật biến thành sân bóng đá”.
+ Sách báo: “Sách báo cũng được chúng cung cấp một ít, phần nhiều thuộc loại tiểu thuyết hồi đó như Tiểu thuyết thứ bảy của Tự lực văn đoàn… , hai tờ báo Đông Pháp và Thanh nghị”.
+ Thuốc lá: Rõ ràng là được phép hút, “Người nào được gia đình gửi cho ít tiền thì tuy phải nộp cho Nhà đày giữ nhưng khi cần mua vặt như kẹo, bánh, thuốc lá (thuốc rê Ninh Hòa) … thì vẫn có thể mua được” (tr.23). “… người rít thuốc lá, nói chuyện phiếm, nhóm kia xúm lại đánh cờ tướng …” (tr.39).
+ Tổ chức: “Nhà đày có nhiều tổ chức công khai lo về đời sống vật chất và tinh thần … Người đứng đầu nhà bếp do toàn thể tù nhân sáu buồng bỏ phiếu.”
+ Bếp ăn: Do bếp được tù nhân quản lý, nên “đời sống tù nhân được đảm bảo ở chỗ không để chủ thầu ăn chặn dưới sự che chở của chúa ngục…”
+ Nhà ăn: “… nhà ăn (chứa được khoảng 300 người)…”
+ Y tế: “… mỗi tuần lễ một lần có bác sĩ ở bệnh viện tỉnh vào khám”.
+ Tăng gia: “Vườn rau hoàn toàn thuộc sở hữu của tù nhân, với một diện tích rộng hàng mẫu”.
+ Ăn Tết: “Cuộc duyệt binh chào cờ Việt Minh. Vào 8 giờ sáng ngày mồng một Tết, một đội quân áo quần xanh chàm, mới, được xếp thẳng nếp … hàng ngũ chỉnh tề chờ lệnh … tham gia duyệt binh độ 100 người, có đội ‘nhạc’ gồm chừng 20 người hát tập thể những bài ca cách mạng, như ’Cùng nhau đi hồng binh’ …”. Thật kinh ngạc! Và còn nhiều lắm những đoạn miêu tả cuộc duyệt binh, mà nay - với chế độ Tết cho tù chính trị Trại 5 - được đọc nó, thấy như thể trên … thiên đường. Ví như có cả đoạn kể về bà vợ viên chúa ngục người Pháp của Nhà đày còn vào ăn bữa Tết cùng, rồi ở lại chơi trò chơi cùng tù chính trị nữa.
UserPostedImage
Luật sư Lê Quốc Quân ra tòa ngày 18/2/2014 sau thời gian bị giam giữ. 
Ảnh AFP
Cộng sản
+ Biệt giam: Tới Trại 5, thấy trong “khu an ninh” toàn những buồng giam nhỏ 2 người, tôi khá ngạc nhiên khi biết hầu như mọi người không được tiếp xúc với người ở buồng khác, chỉ được ra khỏi buồng giam khi có gia đình tới thăm, khi làm việc với cán bộ. Chuyện Chủ nhật đá bóng trong sân Nhà đày như cha tôi kể, thật quá xa lạ.
+ Sách báo: Không có thư viện, càng không có chuyện Trại cấp cho sách theo kiểu của bọn thực dân. Gia đình phạm nhân gửi sách vào còn không được lưu hành đọc chung. Báo chỉ có tờ Nhân dân, bữa đực bữa cái. Anh em trong khu phải hoàn toàn nhờ vào báo chí do nhà gửi.
+ Thuốc lá: Mặc dù trong Nội quy trại chỉ cấm hút thuốc lá ở một số nơi công cộng (3), trong buồng giam, nhưng chúng tôi từ lâu mặc nhiên bị cấm hoàn toàn theo lệnh miệng. Trên thực tế, hiện tượng này cùng những loại “lệnh cấm bất thành văn” khác đã dung dưỡng hành vi tiêu cực trong cả cán bộ lẫn phạm nhân.   
 + Tổ chức: Đọc tới đoạn cha tôi kể các tù nhân chính trị được có các tổ chức dịch vụ công khai trong Nhà đày, thật khó tin. Ở Trại 5 này, cũng như mọi trại giam khác, các tổ nhóm tù nhân làm việc phục dịch chung đều do cán bộ Trại cắt cử, là tù hình sự, làm gì có chuyện hoang đường là phạm nhân, nhất là loại chính trị, được tự bầu nhau lên. Trại còn tỏ ra rất sợ tù chính trị tập trung nói chuyện, đến độ, khi tôi đấu tranh được ra lao động, họ cũng không cho tất cả 15 người ra một lúc, mà chỉ cho vài người ra, luân phiên.
+ Bếp ăn: Nhà bếp ở Trại 5 do một cán bộ trại quản lý, gồm một số tù hình sự, không có chuyện tù được tự quản như ở Nhà đày thực dân. Đây là nơi được cán bộ cũng như tù nhân coi là béo bở, có điều kiện thoải mái bớt xén trong tiêu chuẩn ăn và hàng hóa mua giúp phạm nhân. Đơn cử, một quả trứng gà tù nhờ trại mua cho có giá gần gấp ba ngoài thị trường.
Kể thêm để dễ so sánh chế độ ta tươi đẹp so với chế độ tàn ác của bọn thực dân Pháp ra sao, bằng một ví dụ nhỏ. Trong tiêu chuẩn thịt mỗi tuần được đôi ba bữa, tôi cứ thắc mắc tại sao luôn luôn là thịt kho khô khốc, nhạt toẹt. Một cậu tù hình sự quen thân cho biết, cán bộ quản lý bếp bắt tù làm bếp kho nhiều nước, nhưng đổ hết nước kho vào một cái can to, mỗi buổi chiều cuối giờ cán bộ xách can đem đi. Thế là mình phải vận dụng trí tưởng tượng xem cán bộ đem nó đi đâu.
Chuyện cán bộ tham nhũng các kiểu thì nghe kể cũng kha khá. Ví như nhiều phạm nhân, cả cán bộ trại cho biết, vị trưởng phân trại vừa về hưu có mấy khách sạn, cơ sở kinh doanh ngoài Sầm Sơn, chẳng hạn.        
+ Nhà ăn: Không những tù chính trị, mà cả tù hình sự ở Trại 5 cũng không có nhà ăn, mà phải ăn tại buồng giam. Đây cũng là một kiểu “cách ly” phạm nhân, làm cho đời sống ngục tù của họ thêm đơn độc. Nực cười là ngày nay có điều kiện vật chất gấp nhiều lần thời thực dân, mà khoản này lại thua xa đến vậy. Liệu trong ngân sách nhà nước có khoản tiền cho nhà ăn, vật dụng đi kèm hay không, để rồi nó được “biến hóa” đi đâu đó? Đây là một trong hàng trăm câu hỏi cho một nơi vô cùng sâu kín của xã hội đang đầy dẫy tiêu cực.
+ Y tế: Thật là có mơ mới được “bác sĩ ở bệnh viện tỉnh vào khám”, lại còn khám hàng tuần như ở Nhà đày thực dân, nghe quá hoang đường. Ở Trại 5, chúng tôi có khai bệnh tật gì thì họa may mới có y tá của phân trại gọi lên trạm xá khám. Cần lưu ý, việc có nhân viên y tế dân sự thăm khám (như ở Nhà đày) là rất quan trọng, vì họ hành xử thuần túy theo y đức, ít bị tâm lý khinh ghét của cai tù với tù nhân, không chịu sự quản lý của nhà tù (ngành công an, như ở Trại 5).
Thêm nữa, tôi còn cho là nhân viên y tế trong trại giam không nên mặc đồng phục như các cán bộ khác của trại, mà phải mặc trang phục y tế (cùng lắm chỉ nên đội thêm mũ hay đeo phù hiệu công an thôi). Không những nó đảm bảo vệ sinh, mà còn ít nhiều tác động tới tâm lý của cả phạm nhân và cán bộ trại giam.
+ Tăng gia: Trong khu giam riêng của chúng tôi, khuôn viên khoảng hai ngàn mét vuông, có một ít đất bỏ hoang, nhưng phạm nhân không được ra ngoài để trồng rau cải thiện như ở Nhà đày thực dân. Đôi lúc, anh em được ra làm việc là tranh thủ nháo nhào vơ vài cọng rau má về, bổ sung cho bữa ăn hàng ngày luôn toàn thứ như rau lợn.
+ Ăn Tết: Ở Trại 5, nếu không có bánh chưng, bữa ăn khá hơn chút, thì tù chính trị coi như không biết là có Tết. Tất cả vẫn trong phòng biệt giam.
Đến độ, hôm mùng hai Tết đầu tiên, tôi làm mấy câu thơ họa bài thơ chúc Tết của một bạn tù trong khu, chuyền qua nhiều buồng cho anh ta, nội dung tất cả đều rất “hiền lành”. Thế mà bỗng đâu rầm rập mấy cán bộ xông vào, tịch thu bài thơ. Thầm nghĩ, “Ái chà! Có 3 camera, lại thêm đôi ba ‘điệp viên’ cài cắm nữa có khác. Nhưng … các em bị hố rồi!” (Tưởng chúng tôi trao đổi kế hoạch … vượt ngục chăng?). Tôi làm đơn khiếu nại, tố là Tết đã không được ra vui Tết, chúc Tết nhau,… cán bộ cũng không vào chúc Tết, lại còn cư xử vô nguyên tắc như vậy, thật chẳng còn biết thế nào là truyền thống dân tộc nữa. Họ phải trả lại bài thơ, vị phó phân trại chủ trì việc này liền sau đó bị đổi đi phân trại khác.
Nay đọc cả trường đoạn của cha tôi kể về ngày Tết ở Nhà đày thực dân, mà xót xa cho người tù thời nay, nhưng lại xen lẫn buồn cười, mà chẳng hiểu tại sao mình cười. Không lẽ tôi cười cha tôi đã kể câu chuyện như hoang đường, để ca ngợi mình và các đồng chí tài giỏi trong đấu tranh mới có được như vậy, nhưng hóa ra lại ca ngợi bọn thực dân quá nhân đạo.

UserPostedImage
 Những người đòi trả tự do cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngoài phiên xử ông hôm 23/3/2016. AFP



Tranh đấu
Ở Trại 5, trong “khu giam riêng” chỉ có khoảng 15 phạm nhân, duy nhất tôi có điều kiện thuận lợi nhiều mặt để tranh đấu cho quyền lợi của anh em. Còn tất cả những người khác đều rất khó khăn, nhiều người gia đình trong miền Nam cả, mỗi năm ra thăm được một lần, người thì hoàn toàn không được thăm nuôi, hoặc người thân ở ngoài không có điều kiện hỗ trợ để tranh đấu. Vậy mình không làm gì thì thật đáng xấu hổ, thậm chí như phản bội lại niềm tin của mọi người ở bên ngoài. Thêm nữa, như đã viết trong bài trước (4), tôi coi việc đi tù là cơ hội để vạch ra những yếu kém, sai trái của ngành công an, trong lãnh địa mà cả xã hội hầu như không được biết.
Trong suốt hai năm rưỡi ở đây, tôi dần phát hiện rất nhiều bất hợp lý, vi phạm quy định pháp luật và thiếu nhân đạo, có những khía cạnh còn thua cả Nhà đày thực dân nơi cha tôi từng ở. Cùng với sự hỗ trợ hết mình của gia đình, người thân, bạn bè ở bên ngoài, của công luận thông qua mạng xã hội, truyền thông quốc tế, tôi đưa ra những kiến nghị với Trại để thay đổi, và họ cũng đã phải chấp nhận đáng kể.
Ngay cả hiện tượng có lẽ không thể có với một tù chính trị nào khác, là trong 2 năm rưỡi mà có tới 4 đoàn bạn học cũ đại học lần lượt vào thăm tôi. Đó là những tướng tá công an cựu sinh viên khóa D6, Học viện An ninh. Chuyện trò vui vẻ, chỉ toàn nhớ về thời sinh viên nội trú thôi, nhưng phía trại, kể cả trên Bộ, không thể không lo ngại ngộ nhỡ bạn bè tôi được nghe kể về điều kiện giam giữ khắc nghiệt, vi phạm pháp luật, chẳng hạn. Bạn M. còn đem cho một rổ trứng gà được bọc cẩn thận, khoe là gà vợ chồng tự nuôi trong nhà. Trước khi đoàn ra về lại còn được lãnh đạo trại chiêu đãi cơm thân mật, gửi mỗi người một … phong bì.
+ Biệt giam: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, ai cũng biết câu thơ đó. Thế nhưng, tù một mình một buồng thì còn khủng khiếp hơn nhiều. Họ quá cô đơn, và một khi muốn đấu tranh cho quyền lợi thì không có sự hỗ trợ tập thể. Về vật chất cũng khó hơn. Ở kiểu biệt giam đó cũng dễ phát sinh mâu thuẫn nếu có hai người (thực tế đã xảy ra nhiều), càng làm cho cuộc sống lao tù thêm khắc nghiệt.
Chẳng phải là chuyên gia tâm lý cũng có thể hiểu đây là một cách lặng lẽ đày ải áp chế thêm tinh thần người tù đến độ nào, mà nếu phân tích kỹ thì e lại bị chụp cho cái mũ “các thế lực thù địch” tố cáo chế độ nham hiểm, dã man đày ải tinh thần người tù.
Riêng về điều này, có thể nói Trại 5 nghiệt ngã hơn hẳn Nhà đày thực dân. Có lần nói chuyện với cán bộ, tôi bình luận là tại sao không xây một buồng giam chung, vừa đỡ tốn vật liệu xây dựng, đỡ tốn camera theo dõi, TV cấp cho từng buồng, cán bộ chỉ chống chế đó là quy chuẩn chung từ bộ đưa xuống.
Tôi đã chịu 2 năm rưỡi biệt giam, về đây phải chịu tiếp 2 năm rưỡi tương tự thế nữa thì cũng kinh, dù tôi không ngán, vì đã được “luyện” suốt 7 năm trước, hầu như chỉ một mình với blog Ba Sàm và có quá nhiều mối quan tâm hấp dẫn để quên đi thời gian, là đọc sách, làm thơ, nhiều thứ phải nhớ, nghĩ để tranh đấu với trại.
Đây là điều đầu tiên tôi kiến nghị Trại thay đổi: buổi sáng ra lao động trồng rau, vừa khỏe người, vừa có thêm rau xanh, buổi chiều ra vui chơi thể thao, chuyện trò với nhau.
Đề nghị này, cùng khoảng hai chục kiến nghị khác, tôi đều thông báo với gia đình mỗi lần thăm gặp, nhờ đưa lên mạng, báo đài quốc tế, đồng thời gửi đơn lên Bộ Công an. Khi họ chấp thuận kiến nghị, tôi cũng thông báo, ghi nhận thái độ cầu thị. Vì tôi hiểu, có những quy định của nội bộ ngành công an, công luận không biết, song cũng có những quy định ngầm riêng của Trại, trái với của bộ; vì vậy, người ta sẽ rất sợ thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài hoặc lên cấp trên.
Kết cục, sau một tháng có lẽ thỉnh thị trên, họp bàn, Trại đã chấp nhận cho chúng tôi ra ngoài hàng ngày. Một không khí hân hoan, nhưng vẫn khấp khởi lo trong phạm nhân, không biết áp dụng được bao lâu. Anh em bảo nhau khi ra phải tuyệt đối tuân thủ nội quy, kể cả lệnh miệng của cán bộ, tránh họ có cớ siết lại.
+ Thuốc lá: Đây cũng là một chủ đề thú vị, khá kịch tính. Tôi không hút thuốc lá nên thời gian đầu không để ý chuyện này, chỉ thấy các phạm nhân thì thụt hút trộm. Nhưng một hôm, bỗng nẩy sinh xung đột quanh vụ hút thuốc lào, từ đó tôi mới tìm hiểu.
Nội quy trại không cấm thuốc lá, thuốc lào, nhưng mặc định là phạm nhân không được hút. Tuy nhiên, trong khu giam riêng chúng tôi, có H., một phạm “tự giác” (tù hình sự được ra ngoài phục vụ) chuyên lo việc vặt, kiêm làm tai mắt cho cán bộ, lại được ngầm cho phép hút. Từ đây, anh ta có thể thao túng các phạm nhân khác. Tôi quyết định tấn công vào hiện tượng này. Một mặt, vạch ra tình trạng vụng trộm đó, một mặt, đề nghị Trại công khai cho phép phạm nhân hút, vì nội quy không cấm. Tôi báo gia đình gửi cho một tút thuốc lá, một cân thuốc lào, bảo là để cho bạn tù.
Trại loay hoay đối phó, tìm cách trì hoãn không trả lời đề nghị của tôi, nhưng cũng chấm dứt tình trạng vụng trộm. Suốt gần hai năm, tháng nào tôi cũng yêu cầu trả lời đề nghị về thuốc lá, đòi để tôi tặng bạn tù số thuốc gia đình gửi, nhưng họ cứ tảng lờ.
Cho tới ngày về, không có gì thay đổi. Tôi không đạt được yêu cầu về mặt công khai, nhưng lại thành công thực chất, vì tôi không ủng hộ chuyện cho phép hút thuốc trong trại. Tuy nó giúp cho người tù khuây khỏa nhiều, nhưng họ sẽ bị lệ thuộc vào cán bộ trại, dễ bị sai khiến, bị phân hóa. Người tù ngoài việc tranh thủ tự học, cũng cần tự rèn bản thân, sửa nhiều tính nết xấu.
+ Giải trí: Có được phương tiện giải trí như thể thao, âm nhạc trong tù thì thật vô giá, nhưng chúng tôi không hề có.
Tôi quyết định mở đầu bằng bóng bàn. Kiến nghị trại, trong anh em chúng tôi có mấy người chơi bóng khá, mà không thấy trại tổ chức môn này. Vậy không dám làm phiền tốn kém cho trại, tôi có bàn bóng ở nhà, xin phép đem vào dùng. Định kỳ có thể tham gia thi đấu giao hữu với phạm nhân khác. Trưởng phân trại hỏi cán bộ giáo dục chiếc bàn bóng duy nhất, nhưng đã hỏng. Họ quay ra quyết định xây cho chúng tôi một chiếc bằng xi măng, để ngoài sân khu giam riêng. Thôi thế cũng tốt rồi.
Tiếp đến, tôi nghĩ tới cầu lông, cầu đá, cờ tướng, cờ vua, cờ vây, đàn guitar, … Trại lại cấp cho cầu, vợt cầu lông, lưới, còn những thứ kia gia đình tôi đem vào. Thế là đủ cho một câu lạc bộ trong tù. Mỗi chiều ra chơi, chỉ 15 người nhưng đủ trò giải trí tùy ý.
Vui nữa là dần dần các cán bộ cũng không còn ái ngại, ngăn cách, cùng vào chơi bóng bàn, đá cầu với chúng tôi.
+ Thể thao, ca nhạc: Có điều kiện tập luyện rồi, tôi đề nghị được tham gia thi đấu thể thao chung trong trại, hoặc hội diễn văn nghệ, nhưng khoản này thì chỉ nhận được sự im lặng. Dễ hiểu là họ rất sợ chúng tôi tiếp xúc với tù hình sự.
+ Ăn Tết: Năm đầu tiên, 2017, Tết đến, thấy im ắng quá. Tôi nghe ngoài sân chung của phân trại, hình như có vui chơi thi đấu thể thao, nhưng bọn tù chính trị chúng tôi thì không được tham gia.
Hỏi cậu tù hình sự ở cùng (riêng tôi được “đặc cách” một người ở “kèm”), cậu ta cho biết, gần Tết còn có tổ chức cuộc gặp mặt cho một số đại diện phạm nhân với gia đình, có ăn uống, chuyện trò một buổi. Hỏi cán bộ quản giáo sao chúng tôi không được, chỉ nhận được im lặng.
Thế là tôi cũng đã liên tục đề nghị tù chính trị cũng được đối xử tương tự hình sự trong mỗi dịp Tết, nhưng cán bộ trại cứ lờ đi, chẳng có lý do gì. Chỉ có một thay đổi nhỏ, là mùng Một chúng tôi được ra cùng liên hoan với nhau trong phòng cán bộ, nay đã thành phòng sinh hoạt văn hóa, đọc sách. Có Tết, phó phân trại vào chúc Tết. Mấy ngày sau, sáng được ra chơi nhiều hơn.

Nguyễn Hữu Vinh (RFA)
______________

(1) Nhân quyền Việt Nam 2022: Không cải thiện, vi phạm nhân quyền leo thang
(2) Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (Nguyễn Hữu Khiếu, NXB Chính trị quốc gia, 2006).
(3) Thông tư 36/2011/TT-BCA, ngày 26 tháng 5 năm 2011
(4) 3694. Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”
(5) THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, ĐỒ VẬT VÀ LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN
(6) Diễn biến vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (liên tục cập nhật)

song  
#2 Đã gửi : 29/12/2022 lúc 05:36:11(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.2)

UserPostedImage
Ảnh minh họa: Một trại giam ở Hải Dương. Reuters

+ Sách báo: Khi mở blog Ba Sàm, tôi đặt tiêu chí KHAI DÂN TRÍ lên hàng đầu, thì với sách báo, đó cũng chính là nguồn vô giá hàng đầu. Với người tù lại quý giá hơn nữa. Những ai ở ngoài chưa có thói quen đọc, vào làm quen dần, một khi say mê thì thời gian trôi đi rất nhanh. Nó mặc nhiên sẽ “vô hiệu hóa” phần nào tình trạng biệt giam hiện tại. Cụ thế với tôi, không sợ biệt giam, thích được ở một mình một buồng là vì vậy. Tôi khuyên mấy anh em trẻ tranh thủ đọc, bằng câu: “Đừng để phí đời tù”.
Người cộng sản thế hệ cha tôi có câu “Nhà tù là trường học” quả rất hay, đúng. Không ít người tù chính trị, ở ngoài là những người tranh đấu cho dân chủ, đôi khi chỉ vì những bất bình chuyện riêng với chính quyền, hoặc kể cả vốn có tư tưởng, nhận thức tiến bộ, nhưng không thể không bị khiếm khuyết về kiến thức mọi mặt, vậy tại sao không tranh thủ thời gian yên tĩnh ở đây để mà tự học?
Một chuyện nhỏ nhưng quan trọng, liên quan điều kiện biệt giam và nhu cầu đọc sách. Thấy sở thích mỗi người mỗi khác trong sinh hoạt, dễ đụng chạm, nhất là xem TV, tôi nhắn gia đình mua cho một số bộ nút tai, chia cho mọi người. Thế là mình nút tai đọc sách, bạn tù xem TV thoải mái, không sinh mâu thuẫn khó chịu.
Từ Trại B14 chuyển đến, tôi đã có khoảng trăm cuốn sách, rất vui nghĩ đến đây chia sẻ với mọi người. Nhưng không, Trại chỉ cho tôi đọc riêng, rồi lại thay đổi, bắt đem ra cất vào tủ của căn phòng cán bộ, muốn đọc cuốn nào thì phải xin.
Tôi không chấp nhận, viết đơn đề nghị cho gia đình được đem giá sách vào, để ở phòng cán bộ, từ nay coi như phòng sinh hoạt chung, phạm nhân ra đó đọc, mượn về phòng, lên danh mục sách, ký tên đàng hoàng. Ai có sách mới, cùng đóng góp vào đó. Trong đơn và phản ánh với gia đình, tôi cũng tranh thủ “tố” thực trạng phân trại không có thư viện, ngoài một phòng làm việc có một giá sách lèo tèo vài cuốn. Đây sẽ có cú tạt nặng với trại nếu lộ ra ngoài.
Thế là, lại sau những bàn bạc, Trại quyết định đóng cho chúng tôi một giá sách, xếp vào tất cả sách của tôi vào, thêm một số của phạm nhân khác. Thư viện nhà tù theo kiểu nhà nước và … tù nhân cùng làm đầu tiên ra đời. Cán bộ, phạm hình sự “tự giác” cũng mượn đọc.
UserPostedImage
Giáo dân Công giáo đứng bên ngoài phản đối toà án xử những người Công giáo ở Hà Nội hôm 27/3/2009. AP

Vậy mà chưa hết chuyện.
Khi gặp gia đình, tôi nói rõ ý định sẽ thành lập thư viện trong nhà tù. Vì vậy, muốn thông báo với bạn bè, người thân quen xa gần, ai có điều kiện thì gửi cho thật nhiều sách. Sách tôi có sẵn ở nhà, gia đình mua thêm theo yêu cầu, rồi mọi người gửi cho, tặng đọc không kịp. Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức gửi cho hẳn hai thùng sách, đóng dấu kính biếu hẳn hoi.
Nhưng chỉ sau khoảng dăm tháng, hai hiện tượng lạ có vẻ như ngẫu nhiên, nhưng lại rất liên quan vụ thư viện trong nhà tù tôi rắp tâm thực hiện.
Tôi thấy báo đăng, truyền hình liên tục đưa về phong trào lập tủ sách trại giam do các trại phát động. Nhưng tôi hỏi cán bộ giáo dục, rằng Trại 5 này sao không thấy thư viện có thay đổi gì. Cán bộ im lặng.
Và bỗng nhiên, một lần gia đình thăm gặp, đầu năm 2018, chúng tôi được thông báo là Bộ Công an vừa có Thông tư quy định mỗi lần thăm gặp, phạm nhân chỉ được nhận tối đa 5 kg quà thôi (5).
Thật quá đáng! Từ bốn mươi năm trước, đi công tác các trại giam, tôi từng chứng kiến gia đình các tù nhân cải tạo, là cựu sĩ quan công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa, mỗi lần vào thăm đem theo cả kiện quà hàng chục cân. Suốt từ đó tới nay, đâu có bao giờ có quy định giới hạn. Trên thực tế, quà gia đình còn cho phép phạm nhân giúp đỡ nhau, người có đỡ đần người không; về phía Trại cũng đỡ lo sức khỏe phạm nhân trong khi điều kiện vật chất nhà nước có hạn. Ngoài đồ ăn, sách báo là món ăn tinh thần, trại đang không có để cung cấp, sao lại ngăn trở phạm nhân tự lo liệu? Họ đưa ra quy định đó nhằm mục đích gì? Ngay cả các cán bộ trại cũng thấy lạ và khó xử. Lúc đầu, họ còn cân kéo, rồi dần cũng lờ đi. Rõ là chẳng ai được lợi trong cái quy định này.
Tôi không thể tin nổi để khẳng định là người ta đã quá sợ cái phong trào lập thư viện trong nhà tù của tôi, nên đã bất chấp tất cả để đưa ra quy định đó. Rồi tưởng tượng, một lãnh đạo Bộ Công an, biết đâu đó sẽ phán: “Nguy quá! Thằng phản động Ba Sàm trong tù, mà câu kết với tay Chu Hảo bỏ Đảng ở ngoài, lại cả bọn Việt kiều phản động nữa, khuấy động phong trào này, khác gì nó bôi tro trát trấu vào mặt chế độ ta? Phải dẹp ngay!”
Mỗi lần được gia đình thăm gặp, cán bộ phải cử một phạm hình sự kéo một chiếc xe cải tiến đi theo tôi, để chở hộ quà gia đình đem lên. Trong đó, nào là cả tháng số báo Tuổi trẻ, nhiều báo chí khác, nào là trên chục cuốn sách đã nặng gần chục cân rồi. Thế mà bây giờ …
Khi sắp mãn án, tôi quyết định để lại toàn bộ sách của mình, gần 400 cuốn, cho riêng khu chính trị phạm. Sợ họ không thể quản lý được, bị tù hình sự hoặc cán bộ “mượn” bớt, tôi còn làm đơn đề nghị tặng riêng một số bạn tù, khuyên họ khi chuyển trại nên tặng lại người khác ở đây, để đảm bảo cho cái thư viện mini đó luôn nhiều sách.
+ Học tập pháp luật: Mới vào ít ngày, tôi được bạn tù cho biết phạm nhân mới là phải học tập pháp luật, nội quy trại. Trong mỗi buồng giam đều có gắn bản nội quy trại ở chỗ trang trọng. Thế mà ở đây lại không có. Tôi biết, cũng như ngoài xã hội thôi, nhà cầm quyền thường có xu hướng không cho dân được tiếp cận những quy định pháp luật, sợ họ biết rồi đấu tranh. Tôi đề nghị hai chế độ đó phải được thực hiện và họ không thể tránh né.
Trong buổi học pháp luật, tôi hỏi: “Thưa cán bộ, trong bản nội quy của Trại (áp dụng chung toàn quốc, ban hành kèm Thông tư của Bộ Công an), lại có câu phạm nhân phải ‘tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ trại giam’(3). Như vậy, nếu cán bộ có bắt phạm nhân làm những việc trái pháp luật, như đánh đập phạm nhân khác chẳng hạn, không lẽ cũng phải nghe theo?”. Cán bộ chịu, chỉ giải thích loanh quanh, rằng chúng tôi không bao giờ ra những mệnh lệnh kiểu đó. 
Trong những lần nhà tôi vào thăm, tôi nhờ về lên mạng tìm tất cả các văn bản liên quan thi hành án, ghi lại số, ngày ban hành, cho tôi biết. Thế rồi tôi làm đơn đề nghị trại cung cấp các văn bản đó. Không né được, họ phải thực hiện, đóng thành quyển có bìa cứng đàng hoàng.
Đến thế mà vẫn xảy ra một chuyện nực cười, rất trẻ con. Một phạm nhân phát hiện vài cuốn sách luật của tôi không còn thấy trên giá sách, hỏi không có ai đem về phòng cả. Chúng tôi tiến hành điều tra, thì phát hiện cậu H., phạm “tự giác” đã “thó”, đem về phòng mình giấu, theo lệnh trung tá G. phụ trách trinh sát kiêm quản giáo khu “giam riêng”. Tôi quyết làm lớn chuyện, đòi thay H. bằng người khác. Trung tá G. xuống nước, chấp nhận. Nhưng cuối cùng, họ chọn giải pháp không cử phạm tự giác vào phục vụ chúng tôi nữa, mà để chúng tôi tự lo cho nhau. Quá hay, bớt tai mắt chỉ điểm! Sau đó, G. cũng bị thay thế bằng trung tá H., tỏ ra ôn hòa hơn.
Chính vì được gia đình, rồi trại cung cấp một số văn bản liên quan thi hành án, tôi mới có điều kiện đưa ra những kiến nghị hợp lý, đúng luật, buộc họ phải chấp nhận.
Qua hai vụ việc dẫn đến phải thay đổi cán bộ nói ở trên, tôi lại nghĩ tội nghiệp cho cái trại này, họ thuộc bên cảnh sát, trông coi khu giam riêng này chỉ như việc “làm thêm” cho bên an ninh thôi, trong khi đối tượng chính trị và cách đối phó, với họ là rất xa lạ. Nay thêm loại như tôi nữa, họ túng túng vô cùng, động tí là phải thỉnh thị, hỏi ý kiến, sợ trách nhiệm.
UserPostedImage
Tù nhân lương tâm Trịnh bá Tư thụ án tại Trại 6, Thanh Chương Nghệ An


+ Học nghề: Trong Luật Thi hành án, cũng như các văn bản dưới luật, đều nêu rõ quyền lợi phạm nhân là được học nghề để khi mãn án có điều kiện hòa nhập xã hội. Thế nhưng trên thực tế, không như tù hình sự, tù chính trị ở đây thì hoàn toàn không có được quyền lợi đó.
Vì vậy, tôi đã kiến nghị cho phép tôi đóng góp máy vi tính, trực tiếp tổ chức dạy sử dụng máy và một số ứng dụng văn phòng cho anh em trong khu giam riêng. Để tránh phía Trại lo ngại về sự an toàn, đề nghị máy tính sẽ do Trại mua bằng tiền ký gửi của tôi, không kết nối Internet, khi dạy có cán bộ giám sát. Sau một thời gian xem xét, trại cử Tổ trưởng Giáo dục xuống làm việc, viện cớ có văn bản nào đó không cho phép. Tôi đề nghị cho biết văn bản nào, nội dung cụ thể, cán bộ hứa sẽ cung cấp, nhưng rồi … mất tăm.
+ TV: Có lần tôi kể với bạn bè, là trong tù, tôi một mình một TV màn hình phẳng SONY 32 inch, mọi người tròn mắt không tin. Nhưng đằng sau nó lại là chuyện khác.
Do Luật Thi hành án quy định mỗi phòng giam phải có một TV, nên phòng to hay nhỏ cũng vậy. Có điều, chẳng luật nào quy định chi tiết về chất lượng hình ảnh cả. Thế là, chúng tôi như được xem phim … âm bản, đến hàng chữ chạy bên dưới mỗi chương trình thời sự cũng không đọc nổi. Tôi nói với cán bộ, “Tôi được xem truyền hình từ trước 1975, nhưng chưa bao giờ thấy hình ảnh tệ như thế. Toét cả mắt! ”. Nên hàng ngày, tôi chỉ coi nó như cái radio, nghe thời sự thôi.
Lý do rất đơn giản cho chất lượng như vậy. Phân trại có tới ba chục buồng giam, phòng làm việc, tức là từng đó cái TV, nhưng chỉ có một ăng ten, vậy làm sao hình ảnh không tệ.
Tôi quyết định đấu tranh, vẫn theo cách nhẹ nhàng mà khó từ chối. Đề nghị cho tôi cùng các phạm nhân trong khu nộp tiền, nhờ trại mua cho riêng một ăng ten. Họ loay hoay đối phó, loay hoay chỉnh sửa ăng ten, vẫn không xong. Thế là lại phải thỏa hiệp, nhưng vẫn do trại bỏ tiền mua (họ đâu dám để chúng tôi mua, tai tiếng ra ngoài thì chết!). Chúng tôi đã được xem những hình ảnh tuyệt vời của Olympic Mùa Đông Hàn Quốc, rồi đội tuyển U23 VN của ông Park thắng rực rỡ trên đất Trung Quốc, trong khi nước này vừa thất bại, lại vừa bị chỉ trích vì chơi xấu.
+ Trợ giúp bạn tù: Trong nội quy trại nêu rõ, phạm nhân được trợ giúp vật chất cho bạn tù.
Được biết các phạm nhân hình sự, mỗi buồng 50-70 người nhưng chỉ có ba chiếc quạt (thường là quạt lồng nhỏ, may thì có quạt trần). Mùa hè, đêm ngủ họ không dám mắc màn. Khi ở Trại B14, chúng tôi còn không có quạt máy, nhưng vẫn không thể khổ bằng họ. Tôi đề nghị được mua ủng hộ cho mỗi buồng một quạt trần.
Cả phân trại có đến hơn ngàn phạm nhân, nhưng chỉ có một máy điện thoại để liên lạc với gia đình, đường dây lại luôn trục trặc. Tôi đề nghị được dùng tiền riêng mua ủng hộ một máy loại vô tuyến, đỡ bị sự cố đường dây.
Nhưng suốt cả năm trời, sau nhiều lần thúc giục, trại vẫn lờ đi không trả lời hai đề nghị đó - có cho phép hay không, nếu không thì tại sao. Tôi biết, đằng sau hiện tượng kỳ lạ đó vẫn là một nỗi lo sợ mơ hồ (cũng tựa như chuyện tôi đề nghị dạy máy tính nói ở trên), rằng dư luận xã hội sẽ biết một nghịch lý – chế độ lao tù quá khắc nghiệt, còn một tên tù chính trị “phản động” lại có được hành động tử tế (hơn chế độ).
+ Thăm gặp đặc biệt: Trong Luật Thi hành án và văn bản dưới luật có quy định rõ, ngoài tiêu chuẩn thăm gặp hàng tháng, một tiếng đồng hồ, dưới sự giám sát của cán bộ, phạm nhân cũng có thể được gặp vợ hoặc chồng qua đêm, tại buồng riêng. Tù hình sự, cải tạo tốt, được xét, vẫn được tiêu chuẩn này, thế nhưng tù chính trị thì không, và trại cũng lờ đi, coi như không có. Tôi đã liên tục đề nghị điều này, nhưng trại cũng vẫn đối phó bằng cách khất lần, nói là đã báo cáo cấp trên xem xét.
+ Giảm án: Đây thực sự là vấn đề quan trọng nhất trong đời tù, vì nếu được giảm án đều đặn, bản án được tòa phán quyết có thể được giảm tổng cộng khoảng một phần ba. Nhưng hầu như chuyện giảm án chỉ với những tù nhân chịu nhận mình có tội, còn nếu kêu oan, không nhận tội thì chớ có mơ. Vấn đề là các cơ quan tư pháp đã có dấu hiệu vi phạm luật một cách tinh vi.
Việc xét giảm án hàng năm, mỗi kỳ đặc xá chủ yếu phải dựa vào bình xét xếp loại phạm nhân hàng tháng. Phải liên tục được xếp loại khá, tốt thì mới được xét giảm án.
Ban đầu, tôi chỉ thấy cuối mỗi tháng, cán bộ vào thông báo anh A xếp loại tốt, anh B xếp loại trung bình, thế thôi.
Đọc Luật Thi hành án, các nghị định, thông tư liên quan về xếp loại phạm nhân, tôi thấy trại đang vi phạm nặng quá. Trước tiên là phải có họp phạm nhân, bình xét đàng hoàng, ghi biên bản, nhưng họ đã bỏ qua. Tôi yêu cầu phải thực hiện, họ đành chấp nhận.
Thế nhưng, những ai khi ra tòa, rồi sau đó thi hành án mà vẫn khăng khăng mình bị oan, vô tội, là đều mặc nhiên bị cán bộ xếp loại kém (kể cả có nghiêm chỉnh mọi mặt đến đâu, tất cả phạm nhân trong đội đều bỏ phiếu cho loại tốt), dù trong khi văn bản pháp luật không nêu rõ như vậy.
Tôi đã viết một bản kiến nghị rất chi tiết, gửi đến lãnh đạo trại, Viện kiểm sát, Tòa án, cả Chủ tịch nước để phân tích về những cái sai này, nó khiến cho nhiều năm qua đã có hàng ngàn người phải “thêm tù oan” do không được giảm án một cách trái luật pháp, nhưng các đơn không được hồi âm. Tôi nói rõ, thời gian ở tù còn lại của tôi không nhiều, nên tôi không cần giảm án, nhưng còn rất nhiều người án quá nặng, quá khó khăn, họ phải được đối xử công minh. Cán bộ phụ trách giáo dục cũng không thể tranh luận được với ý lẽ của tôi.
Tôi hiểu điều đơn giản phía sau hiện tượng này là người ta muốn tạo sức ép buộc mọi tù nhân đều phải công nhận sự phán quyết của hệ thống tư pháp này đều công minh, đúng đắn cả, không có chuyện “án bỏ túi”. Nó khiến cho những người tử tù kêu oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, … đều dễ nhụt chí.
Dù sao, việc được họp hàng tuần để bình xét tiêu chuẩn phạm nhân cũng là một biến chuyển rất có ý nghĩa. Vì trong cuộc họp đó, chúng tôi tha hồ “nổ”, chất vấn cán bộ, chê trách tình trạng giam giữ, nói chuyện chính trị trong ngoài nước. Cán bộ chỉ có im lặng, ngồi nghe, đôi khi ham vui, cũng góp chuyện.
Một lần, nhân bàn chuyện tâm linh, tôi đưa ra ví dụ cảnh báo về lối ăn ở của con người sao cho đừng có phải nhận quả báo. Theo tôi, không cơ quan nào bị tình trạng như Bộ Công an, là đã có hàng loạt các lãnh đạo bộ qua nhiều thời kỳ bị chết sớm, kể cả sau khi rời đi, lên đến tột đỉnh quyền lực cũng chết, có khi quá bí ẩn. Tôi còn kể chi tiết từng trường hợp. Có những người bản thân không bị thì người thân cũng bị chuyện tai ương. Trung tá H. chỉ ngồi im nghe. Sau đó mươi ngày, một hôm H. đi xe máy trong trại, không đụng ai mà tự ngã lăn quay, gãy tay, phải bó bột ở nhà cả tháng, mất cả Tết. Nghe tin, một cậu bạn tù cười, nhấm nháy với tôi: “Anh giai nói thiêng thế! Chắc là ông Trời nhắc nhở đấy”.
Cũng phải nói cho công bằng, trong tất cả những điều tôi đánh giá về chế độ lao tù cộng sản, có thứ thuộc chính sách của toàn ngành công an, có thứ do mỗi trại áp dụng mỗi kiểu, hoặc từng lãnh đạo trại mỗi thời kỳ khác nhau, lại còn tùy từng cán bộ trực tiếp với phạm nhân cũng khác nhau.
Ví như các trưởng phó phân trại nơi tôi ở, nói chung khá ôn hòa, chịu lắng nghe. Hoặc so sánh giữa các trại, theo tôi biết qua bạn tù, thường trại ở miền Nam đời sống dễ chịu hơn miền Bắc. Có thể giải thích được một chút lý do: chính các cán bộ trại chịu ảnh hưởng môi trường xã hội miền Nam, rộng lượng hơn người miền Bắc, ít tiêu cực hơn, do bản tính vùng miền cộng với ít chịu ảnh hưởng bởi chế độ cộng sản hơn. Như trại Xuân Lộc, tù chính trị biệt giam mỗi sáng vẫn được ra sân chơi, chiều vào; được hút thuốc lá thuốc lào.
Cám ơn & Nuối tiếc
Hôm Trại 5 tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, tôi cứ nghĩ bụng và buồn cười, là biết đâu đó, chính cha tôi đã tham gia, chỉ đạo thành lập cái trại này, lúc ông đang làm Giám đốc Sở Công an Liên khu Bốn (gồm 6 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình-Trị-Thiên), để rồi ngót bảy chục năm sau, nó lại giam chính thằng con út của mình.
Còn hôm nay, tôi thầm cảm ơn ông đã viết cuốn sách tố cáo chế độ lao tù dã man của bọn thực dân Pháp, nhưng lại vô tình cho tôi biết là chế độ đó, về nhiều mặt có lẽ còn khá hơn thứ mà tôi và bao người đã phải chịu đựng ngày nay.
Nhưng tôi lại thầm tiếc, giá như cha còn sống, tôi có thể kể với ông về những gì tôi đã trải, hỏi thêm ông nhiều chi tiết về thời của ông ở Nhà đày thực dân, để góp thêm phần súc tích cho bài viết này.
Đặc biệt, sẽ hỏi ông là thử tưởng tượng, thời đó ở Nhà đày, nếu như bị giam giữ hoàn toàn theo kiểu “biệt giam” hiện nay của chúng tôi, liệu ông và các đồng chí cộng sản có thể thỏa sức tụ họp, thành lập tổ chức, tranh đấu đủ kiểu hay không? Tưởng tượng rộng hơn, xa hơn, rằng nếu bọn thực dân Pháp khi đó học được người cộng sản thời nay cách cai trị người dân Việt Nam, thì liệu cuộc cách mạng của ông cùng các đồng chí có thành công hay không? Rồi lại có câu hỏi ở góc độ khác, là liệu có phải nay người cộng sản còn giữ được chính quyền là vì đã rút được bài học xương máu của bọn thực dân, bị cướp mất chính quyền phần nào đó là do đã trao cho dân Việt quá nhiều quyền tự do (nào là báo chí tư nhân, luận bàn chính trị, hội họp, biểu tình, đình công, lập ra các loại hội đoàn, …)?
Muốn nói với ông, thời cha có thuận lợi là có “chi bộ Đảng” trong lao tù, hội họp bàn bạc tranh đấu. Nay tôi không được vậy, nhưng lại có một thứ “chi bộ” khác tuy ở bên ngoài, nhưng đông gấp ngàn lần, là gia đình, bạn bè, độc giả, người cùng chí hướng khắp cả nước, trên thế giới. Họ đã gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước một bản Kiến nghị gồm hơn 2.000 chữ ký yêu cầu trả tự do cho tôi (6). Đám tang mẹ tôi khi tôi còn trong lao tù, họ có bao nhiêu đoàn đến viếng, đông đảo còn hơn các đồng chí của ông.
 Nguyễn Hữu Vinh (RFA)
_____________________
(1) Nhân quyền Việt Nam 2022: Không cải thiện, vi phạm nhân quyền leo thang
(2) Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (Nguyễn Hữu Khiếu, NXB Chính trị quốc gia, 2006).
(3) Thông tư 36/2011/TT-BCA, ngày 26 tháng 5 năm 2011
(4) 3694. Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”
(5) THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, ĐỒ VẬT VÀ LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN
(6) Diễn biến vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (liên tục cập nhật)
  

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.288 giây.