Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.2) Ảnh minh họa: Một trại giam ở Hải Dương. Reuters
+ Sách báo: Khi mở blog Ba Sàm, tôi đặt tiêu chí KHAI DÂN TRÍ lên hàng đầu, thì với sách báo, đó cũng chính là nguồn vô giá hàng đầu. Với người tù lại quý giá hơn nữa. Những ai ở ngoài chưa có thói quen đọc, vào làm quen dần, một khi say mê thì thời gian trôi đi rất nhanh. Nó mặc nhiên sẽ “vô hiệu hóa” phần nào tình trạng biệt giam hiện tại. Cụ thế với tôi, không sợ biệt giam, thích được ở một mình một buồng là vì vậy. Tôi khuyên mấy anh em trẻ tranh thủ đọc, bằng câu: “Đừng để phí đời tù”.
Người cộng sản thế hệ cha tôi có câu “Nhà tù là trường học” quả rất hay, đúng. Không ít người tù chính trị, ở ngoài là những người tranh đấu cho dân chủ, đôi khi chỉ vì những bất bình chuyện riêng với chính quyền, hoặc kể cả vốn có tư tưởng, nhận thức tiến bộ, nhưng không thể không bị khiếm khuyết về kiến thức mọi mặt, vậy tại sao không tranh thủ thời gian yên tĩnh ở đây để mà tự học?
Một chuyện nhỏ nhưng quan trọng, liên quan điều kiện biệt giam và nhu cầu đọc sách. Thấy sở thích mỗi người mỗi khác trong sinh hoạt, dễ đụng chạm, nhất là xem TV, tôi nhắn gia đình mua cho một số bộ nút tai, chia cho mọi người. Thế là mình nút tai đọc sách, bạn tù xem TV thoải mái, không sinh mâu thuẫn khó chịu.
Từ Trại B14 chuyển đến, tôi đã có khoảng trăm cuốn sách, rất vui nghĩ đến đây chia sẻ với mọi người. Nhưng không, Trại chỉ cho tôi đọc riêng, rồi lại thay đổi, bắt đem ra cất vào tủ của căn phòng cán bộ, muốn đọc cuốn nào thì phải xin.
Tôi không chấp nhận, viết đơn đề nghị cho gia đình được đem giá sách vào, để ở phòng cán bộ, từ nay coi như phòng sinh hoạt chung, phạm nhân ra đó đọc, mượn về phòng, lên danh mục sách, ký tên đàng hoàng. Ai có sách mới, cùng đóng góp vào đó. Trong đơn và phản ánh với gia đình, tôi cũng tranh thủ “tố” thực trạng phân trại không có thư viện, ngoài một phòng làm việc có một giá sách lèo tèo vài cuốn. Đây sẽ có cú tạt nặng với trại nếu lộ ra ngoài.
Thế là, lại sau những bàn bạc, Trại quyết định đóng cho chúng tôi một giá sách, xếp vào tất cả sách của tôi vào, thêm một số của phạm nhân khác. Thư viện nhà tù theo kiểu nhà nước và … tù nhân cùng làm đầu tiên ra đời. Cán bộ, phạm hình sự “tự giác” cũng mượn đọc.
Giáo dân Công giáo đứng bên ngoài phản đối toà án xử những người Công giáo ở Hà Nội hôm 27/3/2009. AP
Vậy mà chưa hết chuyện.
Khi gặp gia đình, tôi nói rõ ý định sẽ thành lập thư viện trong nhà tù. Vì vậy, muốn thông báo với bạn bè, người thân quen xa gần, ai có điều kiện thì gửi cho thật nhiều sách. Sách tôi có sẵn ở nhà, gia đình mua thêm theo yêu cầu, rồi mọi người gửi cho, tặng đọc không kịp. Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức gửi cho hẳn hai thùng sách, đóng dấu kính biếu hẳn hoi.
Nhưng chỉ sau khoảng dăm tháng, hai hiện tượng lạ có vẻ như ngẫu nhiên, nhưng lại rất liên quan vụ thư viện trong nhà tù tôi rắp tâm thực hiện.
Tôi thấy báo đăng, truyền hình liên tục đưa về phong trào lập tủ sách trại giam do các trại phát động. Nhưng tôi hỏi cán bộ giáo dục, rằng Trại 5 này sao không thấy thư viện có thay đổi gì. Cán bộ im lặng.
Và bỗng nhiên, một lần gia đình thăm gặp, đầu năm 2018, chúng tôi được thông báo là Bộ Công an vừa có Thông tư quy định mỗi lần thăm gặp, phạm nhân chỉ được nhận tối đa 5 kg quà thôi (5).
Thật quá đáng! Từ bốn mươi năm trước, đi công tác các trại giam, tôi từng chứng kiến gia đình các tù nhân cải tạo, là cựu sĩ quan công chức chế độ Việt Nam Cộng hòa, mỗi lần vào thăm đem theo cả kiện quà hàng chục cân. Suốt từ đó tới nay, đâu có bao giờ có quy định giới hạn. Trên thực tế, quà gia đình còn cho phép phạm nhân giúp đỡ nhau, người có đỡ đần người không; về phía Trại cũng đỡ lo sức khỏe phạm nhân trong khi điều kiện vật chất nhà nước có hạn. Ngoài đồ ăn, sách báo là món ăn tinh thần, trại đang không có để cung cấp, sao lại ngăn trở phạm nhân tự lo liệu? Họ đưa ra quy định đó nhằm mục đích gì? Ngay cả các cán bộ trại cũng thấy lạ và khó xử. Lúc đầu, họ còn cân kéo, rồi dần cũng lờ đi. Rõ là chẳng ai được lợi trong cái quy định này.
Tôi không thể tin nổi để khẳng định là người ta đã quá sợ cái phong trào lập thư viện trong nhà tù của tôi, nên đã bất chấp tất cả để đưa ra quy định đó. Rồi tưởng tượng, một lãnh đạo Bộ Công an, biết đâu đó sẽ phán: “Nguy quá! Thằng phản động Ba Sàm trong tù, mà câu kết với tay Chu Hảo bỏ Đảng ở ngoài, lại cả bọn Việt kiều phản động nữa, khuấy động phong trào này, khác gì nó bôi tro trát trấu vào mặt chế độ ta? Phải dẹp ngay!”
Mỗi lần được gia đình thăm gặp, cán bộ phải cử một phạm hình sự kéo một chiếc xe cải tiến đi theo tôi, để chở hộ quà gia đình đem lên. Trong đó, nào là cả tháng số báo Tuổi trẻ, nhiều báo chí khác, nào là trên chục cuốn sách đã nặng gần chục cân rồi. Thế mà bây giờ …
Khi sắp mãn án, tôi quyết định để lại toàn bộ sách của mình, gần 400 cuốn, cho riêng khu chính trị phạm. Sợ họ không thể quản lý được, bị tù hình sự hoặc cán bộ “mượn” bớt, tôi còn làm đơn đề nghị tặng riêng một số bạn tù, khuyên họ khi chuyển trại nên tặng lại người khác ở đây, để đảm bảo cho cái thư viện mini đó luôn nhiều sách.
+ Học tập pháp luật: Mới vào ít ngày, tôi được bạn tù cho biết phạm nhân mới là phải học tập pháp luật, nội quy trại. Trong mỗi buồng giam đều có gắn bản nội quy trại ở chỗ trang trọng. Thế mà ở đây lại không có. Tôi biết, cũng như ngoài xã hội thôi, nhà cầm quyền thường có xu hướng không cho dân được tiếp cận những quy định pháp luật, sợ họ biết rồi đấu tranh. Tôi đề nghị hai chế độ đó phải được thực hiện và họ không thể tránh né.
Trong buổi học pháp luật, tôi hỏi: “Thưa cán bộ, trong bản nội quy của Trại (áp dụng chung toàn quốc, ban hành kèm Thông tư của Bộ Công an), lại có câu phạm nhân phải ‘tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ trại giam’(3). Như vậy, nếu cán bộ có bắt phạm nhân làm những việc trái pháp luật, như đánh đập phạm nhân khác chẳng hạn, không lẽ cũng phải nghe theo?”. Cán bộ chịu, chỉ giải thích loanh quanh, rằng chúng tôi không bao giờ ra những mệnh lệnh kiểu đó.
Trong những lần nhà tôi vào thăm, tôi nhờ về lên mạng tìm tất cả các văn bản liên quan thi hành án, ghi lại số, ngày ban hành, cho tôi biết. Thế rồi tôi làm đơn đề nghị trại cung cấp các văn bản đó. Không né được, họ phải thực hiện, đóng thành quyển có bìa cứng đàng hoàng.
Đến thế mà vẫn xảy ra một chuyện nực cười, rất trẻ con. Một phạm nhân phát hiện vài cuốn sách luật của tôi không còn thấy trên giá sách, hỏi không có ai đem về phòng cả. Chúng tôi tiến hành điều tra, thì phát hiện cậu H., phạm “tự giác” đã “thó”, đem về phòng mình giấu, theo lệnh trung tá G. phụ trách trinh sát kiêm quản giáo khu “giam riêng”. Tôi quyết làm lớn chuyện, đòi thay H. bằng người khác. Trung tá G. xuống nước, chấp nhận. Nhưng cuối cùng, họ chọn giải pháp không cử phạm tự giác vào phục vụ chúng tôi nữa, mà để chúng tôi tự lo cho nhau. Quá hay, bớt tai mắt chỉ điểm! Sau đó, G. cũng bị thay thế bằng trung tá H., tỏ ra ôn hòa hơn.
Chính vì được gia đình, rồi trại cung cấp một số văn bản liên quan thi hành án, tôi mới có điều kiện đưa ra những kiến nghị hợp lý, đúng luật, buộc họ phải chấp nhận.
Qua hai vụ việc dẫn đến phải thay đổi cán bộ nói ở trên, tôi lại nghĩ tội nghiệp cho cái trại này, họ thuộc bên cảnh sát, trông coi khu giam riêng này chỉ như việc “làm thêm” cho bên an ninh thôi, trong khi đối tượng chính trị và cách đối phó, với họ là rất xa lạ. Nay thêm loại như tôi nữa, họ túng túng vô cùng, động tí là phải thỉnh thị, hỏi ý kiến, sợ trách nhiệm.
Tù nhân lương tâm Trịnh bá Tư thụ án tại Trại 6, Thanh Chương Nghệ An
+ Học nghề: Trong Luật Thi hành án, cũng như các văn bản dưới luật, đều nêu rõ quyền lợi phạm nhân là được học nghề để khi mãn án có điều kiện hòa nhập xã hội. Thế nhưng trên thực tế, không như tù hình sự, tù chính trị ở đây thì hoàn toàn không có được quyền lợi đó.
Vì vậy, tôi đã kiến nghị cho phép tôi đóng góp máy vi tính, trực tiếp tổ chức dạy sử dụng máy và một số ứng dụng văn phòng cho anh em trong khu giam riêng. Để tránh phía Trại lo ngại về sự an toàn, đề nghị máy tính sẽ do Trại mua bằng tiền ký gửi của tôi, không kết nối Internet, khi dạy có cán bộ giám sát. Sau một thời gian xem xét, trại cử Tổ trưởng Giáo dục xuống làm việc, viện cớ có văn bản nào đó không cho phép. Tôi đề nghị cho biết văn bản nào, nội dung cụ thể, cán bộ hứa sẽ cung cấp, nhưng rồi … mất tăm.
+ TV: Có lần tôi kể với bạn bè, là trong tù, tôi một mình một TV màn hình phẳng SONY 32 inch, mọi người tròn mắt không tin. Nhưng đằng sau nó lại là chuyện khác.
Do Luật Thi hành án quy định mỗi phòng giam phải có một TV, nên phòng to hay nhỏ cũng vậy. Có điều, chẳng luật nào quy định chi tiết về chất lượng hình ảnh cả. Thế là, chúng tôi như được xem phim … âm bản, đến hàng chữ chạy bên dưới mỗi chương trình thời sự cũng không đọc nổi. Tôi nói với cán bộ, “Tôi được xem truyền hình từ trước 1975, nhưng chưa bao giờ thấy hình ảnh tệ như thế. Toét cả mắt! ”. Nên hàng ngày, tôi chỉ coi nó như cái radio, nghe thời sự thôi.
Lý do rất đơn giản cho chất lượng như vậy. Phân trại có tới ba chục buồng giam, phòng làm việc, tức là từng đó cái TV, nhưng chỉ có một ăng ten, vậy làm sao hình ảnh không tệ.
Tôi quyết định đấu tranh, vẫn theo cách nhẹ nhàng mà khó từ chối. Đề nghị cho tôi cùng các phạm nhân trong khu nộp tiền, nhờ trại mua cho riêng một ăng ten. Họ loay hoay đối phó, loay hoay chỉnh sửa ăng ten, vẫn không xong. Thế là lại phải thỏa hiệp, nhưng vẫn do trại bỏ tiền mua (họ đâu dám để chúng tôi mua, tai tiếng ra ngoài thì chết!). Chúng tôi đã được xem những hình ảnh tuyệt vời của Olympic Mùa Đông Hàn Quốc, rồi đội tuyển U23 VN của ông Park thắng rực rỡ trên đất Trung Quốc, trong khi nước này vừa thất bại, lại vừa bị chỉ trích vì chơi xấu.
+ Trợ giúp bạn tù: Trong nội quy trại nêu rõ, phạm nhân được trợ giúp vật chất cho bạn tù.
Được biết các phạm nhân hình sự, mỗi buồng 50-70 người nhưng chỉ có ba chiếc quạt (thường là quạt lồng nhỏ, may thì có quạt trần). Mùa hè, đêm ngủ họ không dám mắc màn. Khi ở Trại B14, chúng tôi còn không có quạt máy, nhưng vẫn không thể khổ bằng họ. Tôi đề nghị được mua ủng hộ cho mỗi buồng một quạt trần.
Cả phân trại có đến hơn ngàn phạm nhân, nhưng chỉ có một máy điện thoại để liên lạc với gia đình, đường dây lại luôn trục trặc. Tôi đề nghị được dùng tiền riêng mua ủng hộ một máy loại vô tuyến, đỡ bị sự cố đường dây.
Nhưng suốt cả năm trời, sau nhiều lần thúc giục, trại vẫn lờ đi không trả lời hai đề nghị đó - có cho phép hay không, nếu không thì tại sao. Tôi biết, đằng sau hiện tượng kỳ lạ đó vẫn là một nỗi lo sợ mơ hồ (cũng tựa như chuyện tôi đề nghị dạy máy tính nói ở trên), rằng dư luận xã hội sẽ biết một nghịch lý – chế độ lao tù quá khắc nghiệt, còn một tên tù chính trị “phản động” lại có được hành động tử tế (hơn chế độ).
+ Thăm gặp đặc biệt: Trong Luật Thi hành án và văn bản dưới luật có quy định rõ, ngoài tiêu chuẩn thăm gặp hàng tháng, một tiếng đồng hồ, dưới sự giám sát của cán bộ, phạm nhân cũng có thể được gặp vợ hoặc chồng qua đêm, tại buồng riêng. Tù hình sự, cải tạo tốt, được xét, vẫn được tiêu chuẩn này, thế nhưng tù chính trị thì không, và trại cũng lờ đi, coi như không có. Tôi đã liên tục đề nghị điều này, nhưng trại cũng vẫn đối phó bằng cách khất lần, nói là đã báo cáo cấp trên xem xét.
+ Giảm án: Đây thực sự là vấn đề quan trọng nhất trong đời tù, vì nếu được giảm án đều đặn, bản án được tòa phán quyết có thể được giảm tổng cộng khoảng một phần ba. Nhưng hầu như chuyện giảm án chỉ với những tù nhân chịu nhận mình có tội, còn nếu kêu oan, không nhận tội thì chớ có mơ. Vấn đề là các cơ quan tư pháp đã có dấu hiệu vi phạm luật một cách tinh vi.
Việc xét giảm án hàng năm, mỗi kỳ đặc xá chủ yếu phải dựa vào bình xét xếp loại phạm nhân hàng tháng. Phải liên tục được xếp loại khá, tốt thì mới được xét giảm án.
Ban đầu, tôi chỉ thấy cuối mỗi tháng, cán bộ vào thông báo anh A xếp loại tốt, anh B xếp loại trung bình, thế thôi.
Đọc Luật Thi hành án, các nghị định, thông tư liên quan về xếp loại phạm nhân, tôi thấy trại đang vi phạm nặng quá. Trước tiên là phải có họp phạm nhân, bình xét đàng hoàng, ghi biên bản, nhưng họ đã bỏ qua. Tôi yêu cầu phải thực hiện, họ đành chấp nhận.
Thế nhưng, những ai khi ra tòa, rồi sau đó thi hành án mà vẫn khăng khăng mình bị oan, vô tội, là đều mặc nhiên bị cán bộ xếp loại kém (kể cả có nghiêm chỉnh mọi mặt đến đâu, tất cả phạm nhân trong đội đều bỏ phiếu cho loại tốt), dù trong khi văn bản pháp luật không nêu rõ như vậy.
Tôi đã viết một bản kiến nghị rất chi tiết, gửi đến lãnh đạo trại, Viện kiểm sát, Tòa án, cả Chủ tịch nước để phân tích về những cái sai này, nó khiến cho nhiều năm qua đã có hàng ngàn người phải “thêm tù oan” do không được giảm án một cách trái luật pháp, nhưng các đơn không được hồi âm. Tôi nói rõ, thời gian ở tù còn lại của tôi không nhiều, nên tôi không cần giảm án, nhưng còn rất nhiều người án quá nặng, quá khó khăn, họ phải được đối xử công minh. Cán bộ phụ trách giáo dục cũng không thể tranh luận được với ý lẽ của tôi.
Tôi hiểu điều đơn giản phía sau hiện tượng này là người ta muốn tạo sức ép buộc mọi tù nhân đều phải công nhận sự phán quyết của hệ thống tư pháp này đều công minh, đúng đắn cả, không có chuyện “án bỏ túi”. Nó khiến cho những người tử tù kêu oan như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hồ Duy Hải, … đều dễ nhụt chí.
Dù sao, việc được họp hàng tuần để bình xét tiêu chuẩn phạm nhân cũng là một biến chuyển rất có ý nghĩa. Vì trong cuộc họp đó, chúng tôi tha hồ “nổ”, chất vấn cán bộ, chê trách tình trạng giam giữ, nói chuyện chính trị trong ngoài nước. Cán bộ chỉ có im lặng, ngồi nghe, đôi khi ham vui, cũng góp chuyện.
Một lần, nhân bàn chuyện tâm linh, tôi đưa ra ví dụ cảnh báo về lối ăn ở của con người sao cho đừng có phải nhận quả báo. Theo tôi, không cơ quan nào bị tình trạng như Bộ Công an, là đã có hàng loạt các lãnh đạo bộ qua nhiều thời kỳ bị chết sớm, kể cả sau khi rời đi, lên đến tột đỉnh quyền lực cũng chết, có khi quá bí ẩn. Tôi còn kể chi tiết từng trường hợp. Có những người bản thân không bị thì người thân cũng bị chuyện tai ương. Trung tá H. chỉ ngồi im nghe. Sau đó mươi ngày, một hôm H. đi xe máy trong trại, không đụng ai mà tự ngã lăn quay, gãy tay, phải bó bột ở nhà cả tháng, mất cả Tết. Nghe tin, một cậu bạn tù cười, nhấm nháy với tôi: “Anh giai nói thiêng thế! Chắc là ông Trời nhắc nhở đấy”.
Cũng phải nói cho công bằng, trong tất cả những điều tôi đánh giá về chế độ lao tù cộng sản, có thứ thuộc chính sách của toàn ngành công an, có thứ do mỗi trại áp dụng mỗi kiểu, hoặc từng lãnh đạo trại mỗi thời kỳ khác nhau, lại còn tùy từng cán bộ trực tiếp với phạm nhân cũng khác nhau.
Ví như các trưởng phó phân trại nơi tôi ở, nói chung khá ôn hòa, chịu lắng nghe. Hoặc so sánh giữa các trại, theo tôi biết qua bạn tù, thường trại ở miền Nam đời sống dễ chịu hơn miền Bắc. Có thể giải thích được một chút lý do: chính các cán bộ trại chịu ảnh hưởng môi trường xã hội miền Nam, rộng lượng hơn người miền Bắc, ít tiêu cực hơn, do bản tính vùng miền cộng với ít chịu ảnh hưởng bởi chế độ cộng sản hơn. Như trại Xuân Lộc, tù chính trị biệt giam mỗi sáng vẫn được ra sân chơi, chiều vào; được hút thuốc lá thuốc lào.
Cám ơn & Nuối tiếcHôm Trại 5 tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, tôi cứ nghĩ bụng và buồn cười, là biết đâu đó, chính cha tôi đã tham gia, chỉ đạo thành lập cái trại này, lúc ông đang làm Giám đốc Sở Công an Liên khu Bốn (gồm 6 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình-Trị-Thiên), để rồi ngót bảy chục năm sau, nó lại giam chính thằng con út của mình.
Còn hôm nay, tôi thầm cảm ơn ông đã viết cuốn sách tố cáo chế độ lao tù dã man của bọn thực dân Pháp, nhưng lại vô tình cho tôi biết là chế độ đó, về nhiều mặt có lẽ còn khá hơn thứ mà tôi và bao người đã phải chịu đựng ngày nay.
Nhưng tôi lại thầm tiếc, giá như cha còn sống, tôi có thể kể với ông về những gì tôi đã trải, hỏi thêm ông nhiều chi tiết về thời của ông ở Nhà đày thực dân, để góp thêm phần súc tích cho bài viết này.
Đặc biệt, sẽ hỏi ông là thử tưởng tượng, thời đó ở Nhà đày, nếu như bị giam giữ hoàn toàn theo kiểu “biệt giam” hiện nay của chúng tôi, liệu ông và các đồng chí cộng sản có thể thỏa sức tụ họp, thành lập tổ chức, tranh đấu đủ kiểu hay không? Tưởng tượng rộng hơn, xa hơn, rằng nếu bọn thực dân Pháp khi đó học được người cộng sản thời nay cách cai trị người dân Việt Nam, thì liệu cuộc cách mạng của ông cùng các đồng chí có thành công hay không? Rồi lại có câu hỏi ở góc độ khác, là liệu có phải nay người cộng sản còn giữ được chính quyền là vì đã rút được bài học xương máu của bọn thực dân, bị cướp mất chính quyền phần nào đó là do đã trao cho dân Việt quá nhiều quyền tự do (nào là báo chí tư nhân, luận bàn chính trị, hội họp, biểu tình, đình công, lập ra các loại hội đoàn, …)?
Muốn nói với ông, thời cha có thuận lợi là có “chi bộ Đảng” trong lao tù, hội họp bàn bạc tranh đấu. Nay tôi không được vậy, nhưng lại có một thứ “chi bộ” khác tuy ở bên ngoài, nhưng đông gấp ngàn lần, là gia đình, bạn bè, độc giả, người cùng chí hướng khắp cả nước, trên thế giới. Họ đã gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước một bản Kiến nghị gồm hơn 2.000 chữ ký yêu cầu trả tự do cho tôi (6). Đám tang mẹ tôi khi tôi còn trong lao tù, họ có bao nhiêu đoàn đến viếng, đông đảo còn hơn các đồng chí của ông.
Nguyễn Hữu Vinh (RFA)
_____________________
(1) Nhân quyền Việt Nam 2022: Không cải thiện, vi phạm nhân quyền leo thang
(2) Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (Nguyễn Hữu Khiếu, NXB Chính trị quốc gia, 2006).
(3) Thông tư 36/2011/TT-BCA, ngày 26 tháng 5 năm 2011
(4) 3694. Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”
(5) THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, ĐỒ VẬT VÀ LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN
(6) Diễn biến vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (liên tục cập nhật)