Bài này, có lẽ chỉ là một sự tiếp nối của cái bài trước. Kể ra thì hai cái ông Mỹ đại gia kia, khi các ông cấy
chê con người chỉ là những bản nháp, tôi thấy các ông ấy hơi quá khắt khe. Ở đời cũng có nhiều người
không giống ai chứ. Như tôi là một đây này. Vì thế tôi thấy, đã thú tội thì phải nói cho rõ ràng hơn, chứ nói
tượng trưng, đại khái như bài hôm qua thì chưa đầy đủ để cho con cháu tôi chúng thấy tôi không giống ai
ở chỗ nào.
Ngay như các cụ, những người bạn của tôi, các cụ vẫn theo dõi cuộc đời ái tình sự nghiệp của tôi, các
cụ cũng chỉ nhìn thấy cái bề ngoài không giống ai của tôi mà thôi, còn cái triết lý sống của tôi, cụ chỉ thấy
đoạn kết mà cụ chưa hiểu đầu đuôi vì sao mà tôi lại trở thành một con người cái gì cũng coi làm thường
như thế này.
Bắt đầu có lẽ là tại bố mẹ tôi. Tôi là một đứa con cưng mẹ tôi chiều còn bố tôi thì đội tôi lên đầu, đặt vào
tôi rất nhiều hoài vọng. Nói cho ngay, tôi là một đứa trẻ sinh ra là bố mẹ nào cũng hãnh diện vì tôi rất
khỏe mạnh chẳng hề đau ốm bao giờ mà lại có rất nhiều tự tin. Điều này cũng tại bố mẹ tôi, cứ nghĩ rằng
tôi thông minh, mai mốt sẽ làm nên sự nghiệp lớn cho bố mẹ nở mặt nở mày. Nhưng đó là một điều sai
lầm của tất cả các bố mẹ.
Kể ra thì tôi cũng có một tí tị thông minh, nhờ vào cái trí nhớ phi thường của tôi. Có những chuyện xảy ra
từ lúc tôi còn bé tí, tôi đã nghi nhớ trong lòng. Ký ức của tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian từ khi tôi mới
5 tuổi. Nhưng hồi nhỏ tôi rất lười học, không dùng trí thông minh trời cho vào việc học mà lại cứ dùng
vào những chuyện lăng nhăng, chẳng bổ ích gì. Chẳng hạn những tờ báo người lớn như báo Phong
Hóa, Ngày Nay, tôi đọc rồi ghi nhớ đủ cả mọi chuyện. Sách báo trẻ con như Cậu Ấm, Cô Chiêu tôi thuộc
lòng rất nhiều bài.
Hiện nay cũng vẫn còn nhớ. Tôi đọc cả báo Nam Phong thì cụ đủ thấy, tôi chẳng chừa một cái gì.
Chuyện tôi hiểu cũng như chuyện tôi không hiểu. Cái gì đã qua mắt và vào đầu tôi là ở lại luôn. Thế rồi từ
từ theo tuổi tác, tôi bắt đầu hiểu nhưng điều tôi chứa chất trong đầu. Đi học, tôi chẳng nhất lớp bao giờ
nhưng các thầy cô đều kinh ngạc vì sự trưởng thành trước tuổi của tôi. Từ tiểu học, tôi đã là bà cụ non,
khi lên đến trung học, tôi bắt đầu là bà cụ già và luôn đứng thứ nhất về môn học nhân văn, còn khoa học
thực nghiệm thì chuyên môn bét. Không phải vì tôi dốt, nhưng vì tôi không thích cho nên không học.
Những chuyện này, tôi kể đi kể lại nhiều lần rồi. Cuộc đời tôi bắt đầu gian nan khi tôi mới 10 tuổi, gia đình
tan nát, bố tôi mất, tôi tự ý đứng lên hứa với mẹ là sẽ che chở và cưu mang mẹ và các em thay bố.
Thành thử tôi khôn từ nhỏ là vì vậy. Tuy nhiên tôi vừa khôn lại vừa dại, cho nên cuộc đời tôi ba chìm bảy
nổi giống như khi người ta luộc bánh trôi bánh chay. Khổ một nỗi, cái sự nuông chiều thái và đề cao thái
quá của bố mẹ tôi làm tôi mắc một cái bệnh bất trị là kiêu ngạo và tự tin quá lố. Cái gì tôi cũng một mình
quyết định từ khi mới nứt mắt ra. Cái gì cũng tự cho là mình biết. Những cái tật đó làm cho tôi thất bại
đều đều. Mẹ tôi, suốt một đời không, bao giờ cần dạy bảo tôi một điều gì. Tôi đương nhiên làm chủ gia
đình từ khi mồ côi bố năm 13 tuổi.
Tất cả những gia cảnh éo le, và cái cách giáo dục nửa vời của bố mẹ tôi làm cho tôi tin rằng mình biết
nhiều, mình đủ sức làm những chuyện ngoài khả năng của mình giống như một anh lực sĩ cử tạ, chỉ có
sức nâng cao một quả tạ 100 cân thì lại gồng mình, đi nâng hai quả tạ cả vài trăm cân cho nên bị rớt
xuống người, xẹp lép như con tép. Từ đấy, tôi mới từ từ nằm dưỡng bệnh và suy nghĩ lại. Và tự tôi đã
tìm ra cho tôi một hướng đi mới, một triết lý mới để sống còn, để sống lại, Từ đấy tôi mới mở mắt ra để
thấy rằng, những cái mình tưởng là mình biết, hóa ra mình chẳng biết tí gì. Những cái mình tự cho là
mình hay, mình giỏi có khi lại là những cái mình rất ngu dốt. Điển hình là tôi đây.
Tôi thú thật với cụ, thật ra thì tôi cũng hơi biết phục thiện một tí, cho nên mỗi khi bị tạ rớt vào người, tôi lại
có thì giờ dưỡng thương và suy ngẫm về lý do tại sao mình luôn luôn bị tạ đè? và tôi đã tìm ra sự thật.
Mỗi lần tôi tìm ra một tí, mỗi thất bại lại đưa đến cho tôi một phương thuốc. Lâu dần tôi mới biết cách
sống. Nhưng tôi vẫn không chịu bắt chước ai và suy nghĩ như những người khác. Tôi suy nghĩ theo cách
của tôi và từ từ tự chữa bệnh cho mình, bằng những phương thuốc do chính mình tìm ra. Nhờ thế tôi đã
nhìn ra những cái sai trái của tôi, và nhờ Trời tôi cũng biết điều, nên bắt đầu lo tu sửa mọi bề.
Tôi tự nhủ, nếu muốn sống còn, việc đầu tiên cần phải thay đổi tính tình và con người của mình. Cái tật
đầu tiên phải bỏ là cái tánh tự kiêu. Sức lực trời cho mình chỉ có thể mang tạ cân thì cứ 100 cân mà
mang, mang thêm cho dù một, hai cân nữa thôi cũng đủ tự mình giết mình rồi, huống chi mang đến 500
cân. Trong khi có những người khác, họ to con hơn mình khỏe mạnh hơn mình người ta có khả năng vác
cả 1,000 cân như chơi, nhưng người đó không phải là mình. Đừng ganh đua, lo hơn lo kém mà chết mất
mạng. Phải chịu nhận là trên đời còn có rất nhiều người hơn mình về đủ mọi phương diện. Cần nhìn
người bằng đôi mắt thán phục, và nhìn mình bằng đôi mắt khiêm nhường. Bài học đầu tiên tôi tìm ra là
khiêm nhường. Trời cho bao nhiêu thì dùng bao nhiêu, không bao giờ nên cố gắng quá sức. Cho dù
mình có tài, thì thiên hạ còn cả thiên ức vạn tải người tài giỏi hơn mình. Không so bì, không tị nạnh. Bằng
lòng với cái mình có và luôn phải Cảm Tạ Ơn Trên về những cái mình có. Từ khi tôi biết sống khiêm
nhường như thế, tôi thấy Trời bớt ghét tôi hơn, nhưng mà mọi người cũng vẫn chẳng ưa gì tôi.
Kế đến, tôi thấy rằng nếu không muốn mọi người chú ý đến mình và ganh ghét với mình, thì dù mình có
ít hay có nhiều, thì cũng không nên khoe ra mà còn phải giấu bớt đi. Cái mà thiên hạ ghét nhất là khi thấy
người khác hơn mình. Cụ muốn mọi người mầm thịt cụ thì cụ cứ việc khoe ra những cái hay cái tốt, cái
giầu sang, phú quí của cụ ra. Cụ sẽ biết liền cái thái độ thiên hạ đối với cụ như thế nào. Mọi người nhìn
cụ ra sao, sẽ đối xử với cụ như thế nào. Họ sẽ nhìn cụ với đôi mắt thèm muốn, họ sẽ giả dối, nịnh bợ
trong khi trong lòng họ chỉ cầu mong cho cụ té bò lê bò càng, cho ông Trời uýnh cụ tơi bời cho cụ biết
thân. Cụ hơn người ta nhiều quá không bao giờ cụ có bạn thật, mà xung quanh cụ chỉ toàn có bè lũ mưu
toan hãm hại, mong cho cụ khốn khổ hoặc là lợi dụng cụ.
Nên tôn trọng tất cả mọi người, mọi ý kiến của mọi người. Cụ có ý kiến này hay thì cụ kia có y kiến khác
cũng hay, có khi lại còn hay hơn nữa. Không tranh giành, không cãi cọ, nếu mọi người thích ý kiến của cụ
thì tốt, nếu họ thích ý kiến của cụ khác thì mình phải nghe theo. Mình liều mạng, liều chết để có được
quyền tụ do phát biểu, tuy nhiên vẫn phải tuân theo đa số, làm sao cứ nghĩ chỉ có một mình mình là
đúng. Về già, tôi nhận mình là Ba Phải mà nhiều khi cũng vẫn chưa chiều lòng được hết cả mọi người.
Tôi sống khiêm nhường như thế, sống kín đáo như thế, nhường nhịn mọi người như thế, mà vẫn chưa
được mọi người đồng ý. Vẫn có kẻ thù, người ghét. Tôi biết, nhưng không coi làm trọng, vì thời gian còn
lại của tôi không nhiều. Tôi không còn gì để cần phải chứng minh. Tôi không còn gì để phải trưng bày.
Tôi muốn được ra đi nhẹ nhàng, thanh thoát. Còn vấn đề yêu ghét thì đã quá muộn rồi. Yêu tôi thì tôi
cũng sắp ra ma, mà ghét tôi thì tôi cũng sắp vào lò. Cho nên tôi chỉ mong rằng mọi người hãy quên tôi đi,
không cần ganh đua với tôi làm gì cho mất thì giờ của các cụ ra. Tôi chỉ cầu xin có thế.
Mà chẳng biết có được không?
Bà Ba Phải
Theo báo Viễn Đông