Trích Đoạn Ba Tác Phẩm: Ru, Vi & Mãn Của Kim ThúyTheo phần giới thiệu ngắn kèm theo tác phẩm đầu tay “Ru”, Kim Thuý đã từng là thợ may, thông dịch viên, luật sư, chủ tiệm ăn, hiện nay sống ở Montreal và dành toàn thời gian để viết. Chi tiết hơn, Kim Thúy sinh năm 1968 ở phần đất có thể gọi đúng nhất là Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1978, chị cùng gia đình vượt biên và vượt biển đến Malaysia rồi từ đó đến vùng Quebec, Canada, định cư ở Montreal. biên và vượt biển đến Malaysia rồi từ đó đến Quebec, Canada, định cư ở Montreal. Chị theo học trường Đại học Montreal, lấy bằng cử nhân ngôn ngữ học và thông dịch rồi sau đó là bằng luật sư. Nhờ hai văn bằng này, chị có dịp về Việt Nam cùng một đoàn chuyên gia người Canada vào giữa thập niên 1990 với vai trò cố vấn chính quyền Việt Nam trong những bước chập chững đầu tiên hướng đến chủ nghĩa tư bản. Sau hơn hai năm ở Bangkok, Thái Lan, nơi chị sanh hai con trai, gia đình chị về lại Montreal. Kim Thúy mở một tiệm ăn, việc sau này chị gọi là điên rồ, và sau năm năm theo lời khuyên của chồng tạm nghỉ ngơi. “Ru” hình thành rất nhanh sau đó, thoạt tiên như một việc tiêu khiển, rồi trở thành tác phẩm đầu tay của chị vào năm 2009, rồi đoạt giải Toàn Quyền (Quebec) cho văn chương Pháp ngữ vào năm 2010. Bản dịch tiếng Anh của “Ru” bởi Sheila Fischman phát hành vào năm 2012 được vào vòng chung kết giải Scotiabank Giller năm 2012 và Tác phẩm đầu tay của Amazon Canada năm 2013, rồi đoạt giải Canada Reads năm 2015. "Ru" đã được phát hành ở hai mươi quốc gia.
Cho đến nay, tác phẩm của Kim Thúy gồm có: Ru (2009); À toi (2011) (Gửi người), viết cùng Pascal Janovjak; Mãn (2013); Vi (2016) Le secret des Vietnamiennes (Bí quyết của phụ nữ Việt) (2017).
Nhìn chung, lượng tác phẩm của Kim Thúy chưa nhiều, nhưng đề tài viết của chị về những câu chuyện mang bản sắc riêng tư của người tỵ nạn/di dân Việt, trong lối viết rất thơ với nhiều hình tượng, đã đủ để mang chị vào vòng chung kết của giải New Academy Prize in Literature năm 2018 (1). Trả lời phỏng vấn về sự đề cử này, Kim Thúy cho rằng cơ hội thắng giải của chị hầu như là con số không. Đây dường như không phải là sự khiêm nhường làm dáng, cho phải phép, của một người tranh giải, vì theo một bài của John Barber viết năm 2012 và cập nhật năm 2018, Kim Thúy ngần ngại không muốn tự nhận là "nhà văn", vì chị không nghĩ "viết" đồng nghĩa với "làm việc".
Vẫn còn yêu và gắn bó với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, trừ một tác phẩm viết chung với Pascal Janovjak, ba tiểu thuyết riêng của chị có đề tựa ngắn theo tinh thần "cô đọng" Đông phương, đến mức không còn ngắn hơn được nữa: Ru, Mãn, Vi. Cũng rất Đông phương là hình tượng trong những đề tựa này. "Ru" gợi lên rất nhiều điều khác nhau từ lời hát, âm thanh, hình ảnh, tâm trạng trong tiếng Việt, còn trong tiếng Pháp cổ, “ru” có nghĩa là "một dòng nước nhỏ", rất có thể là ý tưởng và hình tượng của chính Kim Thúy và những người Việt lưu lạc nơi xứ người, vì trước khi "Ru" ra đời, Kim Thúy đã mở một nhà hàng ở Montreal mang tên "Ru de Nam" (Dòng chảy Việt Nam). "Mãn", theo lời Kim Thúy, là một chữ rất đẹp vì nó gợi lên nhiều hình tượng. "Vi" là tên nhân vật chính trong truyện, nhưng theo Kim Thúy cũng có thể hiểu là "vie", hay “cuộc đời” trong tiếng Pháp.
Tuy không tự nhận là nhà văn, Kim Thúy minh định văn chương của chị là "văn chương người tỵ nạn" không phải "văn chương di dân".
Sau đây là ba đoạn trích trong ba tác phẩm của Kim Thúy từ ba cuốn sách Ru, Vi và Mãn.
1. RUTôi sinh ra dưới bầu trời trang hoàng với pháo bông, những vòng ánh sáng, bắn lỗ chỗ đạn pháo. Mục đích chào đời của tôi là thay vào những cuộc sống đã bị mất đi. Bổn phận cuộc đời tôi là nối tiếp cuộc đời của mẹ tôi.
Tôi tên Nguyễn An Tịnh, mẹ tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chỉ là một biến hoá của tên bà, vì dấu nặng dưới chữ i đã phân chia, dị biệt, tách rời tôi với bà. Tôi là phần nối kết của bà, ngay cả trong tên tiếng Việt của tôi, tên bà có nghĩa "không gian an bình" và tên tôi có nghĩa "nội tại an bình". Với hai cái tên gần như có thể hoán đổi, mẹ tôi minh định rằng tôi là phần nối tiếp của bà, rằng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của bà.
Lịch sử Việt Nam, với chữ lịch sử viết hoa, phá hỏng những dự định của mẹ tôi. Lịch sử quăng dấu nặng dấu ngã trong tên chúng tôi xuống nước khi đưa chúng tôi qua Vịnh Xiêm la ba mươi năm trước. Lịch sử Việt Nam cũng tước bỏ ý nghĩa của tên chúng tôi, rút cạn chúng thành những âm lạ tai, nhất là lạ với tiếng Pháp. Quan trọng hơn cả là, khi tôi mười tuổi, Lịch sử Việt Nam chấm dứt vai trò của tôi là phần nối tiếp của mẹ tôi.
Vì chúng tôi tha hương, con tôi không hề là phần nối tiếp của tôi, của lịch sử đời tôi. Tên chúng là Pascal và Henri, và chúng nhìn không giống tôi. Tóc chúng nhạt hơn tóc tôi, da trắng, lông mi dầy. Tôi không cảm thấy những cảm xúc mẫu tử tự nhiên tôi chờ đợi khi tôi ghì chúng vào ngực vào giữa đêm lúc ba giờ sáng. Bản năng người mẹ đến với tôi rất lâu sau đó, qua những đêm mất ngủ, những chiếc tã dơ, những nụ cười không ngờ, những niềm vui bất chợt.
Chỉ đến khi ấy tôi mới hiểu tình thương của bà mẹ ngồi đối diện tôi trong lòng tàu, đầu đứa con nhỏ trong tay bà đầy ghẻ lở hôi hám. Hình ảnh ấy ở trước mắt tôi trong nhiều ngày và có lẽ nhiều đêm. Ngọn đèn nhỏ treo trên sợi dây kim loại nối với một cái đinh han rỉ tỏa ra một ánh sáng yếu ớt không đổi. Sâu trong lòng tàu, ngày và đêm cũng như nhau. Nguồn ánh sáng thường trực che chở chúng tôi khỏi biển trời mênh mông chung quanh. Những người ngồi trên boong tàu bảo chúng tôi không có ranh giới giữa màu xanh của trời và màu xanh của biển. Không ai biết chúng tôi đang đi đến thiên đường hay rơi vào lòng biển sâu. Thiên đường và địa ngục ôm ấp nhau trong lòng tàu. Thiên đường hứa hẹn một bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi, một tương lai mới, một lịch sử mới. Còn địa ngục phơi bày những nỗi sợ của chúng tôi: sợ cướp biển, sợ đói, sợ bị ngộ độc vì những chiếc bánh quy tẩm dầu máy, sợ hết nước, sợ không đứng lên nổi, sợ phải đi tiểu vào cái hũ màu đỏ chuyền từ tay này sang tay khác, sợ ghẻ lở trên đầu đứa bé dễ lây, sợ không bao giờ đặt chân lên đất liền nữa, sợ không bao giờ còn nhìn thấy mặt cha mẹ chúng tôi đang ngồi trong bóng tối giữa hai trăm người khác.
Trước khi tàu nhổ neo trên bờ biển Rạch Giá vào giữa đêm, đa số hành khách chỉ có một nỗi sợ: sợ Cộng sản, lý do khiến họ trốn chạy. Nhưng lúc con tàu bị bao quanh, vây bọc bởi đường chân trời cùng một màu xanh, nỗi sợ hoá thành quái thú trăm mặt cưa cụt chân chúng tôi và khiến chúng tôi không còn cảm thấy sự tê cứng trong những bắp thịt không cử động của mình. Chúng tôi đông cứng trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không còn nhắm mắt khi nước tiểu của đứa bé trai ghẻ lở bắn vào chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi vì người bên cạnh nôn mửa. Chúng tôi tê dại, trong vòng giam giữ của vai người này, chân người kia, nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.
Chuyện một cô bé đi ven thành tàu bị mất thăng bằng và chìm vào biển truyền đi trong lòng tàu hôi hám như thuốc mê hoặc thuốc tê, biến ngọn đèn độc nhất thành ngôi sao bắc đẩu và những cái bánh tẩm dầu máy thành bánh quy bơ. Vị dầu máy trong cổ họng chúng tôi, trên lưỡi chúng tôi, trong trí chúng tôi đưa chúng tôi vào giấc ngủ như bài hát ru người đàn bà bên cạnh tôi hát.
Cha tôi đã dự tính, nếu gia đình tôi bị Cộng sản hay cướp biển bắt, sẽ đưa chúng tôi vào giấc ngủ miên viễn, như nàng Công chúa ngủ trong rừng, với những viên cyanide. Trong một thời gian rất lâu, tôi muốn hỏi ông tại sao ông không nghĩ đến việc cho chúng tôi lựa chọn, tại sao ông muốn tước đi khả năng chúng tôi có thể sống sót. Tôi không tự hỏi mình câu hỏi ấy nữa khi tôi làm mẹ, khi bác sĩ Vinh, một bác sĩ giải phẫu có tiếng ở Sài Gòn, kể cho tôi nghe ông đã lần lượt đưa năm người con của ông, từ cậu con trai mười hai tuổi đến cô con gái năm tuổi, một mình đi trên năm chiếc tàu khác nhau, trong năm lần khác nhau, ra biển cả, xa rời những cáo buộc của chính quyền Cộng sản vẫn lơ lửng trên đầu ông. Ông đã chắc ông sẽ chết trong trại giam vì ông đã bị buộc tội giết chết vài đồng chí Cộng sản khi ông giải phẫu cho họ, dù họ chưa từng đặt chân đến bệnh viện của ông. Ông hy vọng cứu được một hai người con bằng cách gửi họ ra biển như thế. Tôi gặp bác sĩ Vinh trên mấy bậc thềm nhà thờ, những bậc thềm ông dọn tuyết trong mùa đông và quét sạch trong mùa hè để cám ơn vị tu sĩ Ki-tô giáo đã đóng vai người cha cho các con ông, lần lượt nuôi cả năm người cho đến lớn, cho đến khi ông ra tù.
Tôi không khóc, cũng không cười, khi tôi nghe rằng con trai Henri của tôi là tù nhân trong thế giới riêng của nó, khi người ta xác nhận nó là một trong những đứa trẻ không nghe thấy chúng ta, không nói với chúng ta, dù chúng không câm không điếc. Nó cũng là một trong những đứa trẻ chúng ta phải yêu thương qua khoảng cách, không đụng chạm chúng, không hôn hít chúng, không cười với chúng vì tất cả cảm quan của chúng sẽ bị bạo hành với mùi da thịt của chúng ta, cường độ giọng nói của chúng ta, kết cấu những sợi tóc của chúng ta, nhịp đập trái tim của chúng ta. Có lẽ nó sẽ không bao giờ âu yếm gọi tôi là maman (2), dù nó có thể phát âm từ poire (3) với tất cả sự tròn trịa và gợi cảm của âm oi (4). Nó sẽ không bao giờ hiểu tại sao tôi khóc lần đầu tiên nó cười. Nó sẽ không biết, nhờ nó, mỗi tia sáng của niềm vui đã trở thành ơn phước, và tôi sẽ luôn tranh đấu với căn bệnh tự kỷ, dù tôi đã biết không thắng nổi nó. Tôi đã bại trận, bị lột trần, đánh gục.
(1) Giải mới được lập ra thay thế giải Nobel Văn chương 2018 bị hủy bỏ vì những lùm xùm trong đoàn giám khảo. Người đoạt giải là Maryse Condé, xuất thân từ vùng Guadeloupe thuộc Pháp, quần đảo Leeward ở Carribean, học giả và giáo sư đại học văn chương Pháp, đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Bà đã viết hơn mười tiểu thuyết, thường với chủ đề nô lệ, chế độ thuộc địa và sự bóc lột.
(2) Tiếng gọi mẹ trong tiếng Pháp
(3) Trái lê trong tiếng Pháp
(4) Một âm trong tiếng Pháp
2. VIKhi tôi tám tuổi, căn nhà bị ném vào im lặng.
Dưới cái quạt phụ gắn trên tường màu ngà của phòng ăn, một miếng giấy bồi cứng màu đỏ tươi mang một khối ba trăm sáu mươi lăm tờ giấy. Trên mỗi tờ ghi tháng, thứ trong tuần, và hai ngày: một theo dương lịch, một theo âm lịch. Ngay khi tôi có thể trèo lên một cái ghế, tôi được dành niềm vui xé một trang khi tôi thức dậy. Tôi là người canh giữ thời gian. Đặc quyền ấy bị lấy đi khi hai anh tôi, Long và Lộc, mười bảy tuổi. Bắt đầu vào ngày sinh nhật ấy, ngày chúng tôi không ăn mừng, mẹ tôi khóc mỗi sáng trước cuốn lịch. Tôi có cảm tưởng bà đang tự xé chính mình cùng lúc bà xé tờ lịch của ngày hôm ấy. Tiếng tíc tắc của đồng hồ thường khi ru ngủ chúng tôi vào giờ chợp mắt buổi trưa bỗng nghe như một quả bom nổ chậm.
Tôi là con út trong nhà, cô em gái duy nhất của ba người anh, được mọi người bảo vệ như những lọ nước hoa quý sau tủ kính bày hàng. Mặc dù tôi không được biết nỗi bận tâm của gia đình do còn nhỏ tuổi, tôi biết hai người con trai lớn sẽ phải đi vào trận mạc ngày họ mười tám tuổi. Dù họ được gửi đi Cam Bốt đánh Pol Pot hay ra biên giới Trung Quốc, cả hai điểm đến sằn dành cho họ cùng một số phận, cùng một cái chết.
Ông nội tôi đã tốt nghiệp ban Luật ở trường Đại học Hà Nội, với diện học sinh bản xứ. Pháp quốc phụ trách việc đào tạo thần dân của mình nhưng không ban cùng giá trị cho những bằng cấp phát ở những thuộc địa. Có thể Pháp đã đúng khi làm thế vì thực tế đời sống ở Đông dương hoàn toàn không giống thực tế đời sống ở Pháp. Mặt khác, yêu cầu của trường và những câu hỏi bài thi thì giống nhau. Ông nội tôi thường kể cho chúng tôi nghe rằng sau những kỳ thi viết là một chuỗi kỳ thi vấn đáp để lấy được mảnh bằng. Trong lớp Pháp văn, ông phải phiên dịch trước mặt các giáo sư một bài thơ tiếng Việt sang tiếng Pháp và một bài khác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Những bài toán cũng phải được giải miệng. Thử thách cuối cùng là đương đầu với sự thù địch của những người sắp quyết định số phận của ông mà không bị mất bình tĩnh.
Sự khe khắt của những ông thầy không làm các trò ngạc nhiên vì thứ bậc xã hội đặt những người trí thức trên đỉnh kim tự tháp. Họ ngồi đó làm những nhà thông thái và sau khi được lên chức sẽ mang danh vị “giáo sư” trọn đời. Không ai dám nghĩ đến việc hạch hỏi những điều họ nói vì họ sở hữu sự thật hiển nhiên. Đó là lý do ông nội tôi không hề phản đối khi các thầy của ông cho ông một cái tên Pháp. Vì thiếu kiến thức, hay để chống đối, cha mẹ ông đã không làm thế. Vậy nên, trong những lớp học, năm này qua năm khác, ông có cái tên mới. Henri Lê Văn An, Philippe Lê Văn An, Pascal Lê Văn An...Trong những cái tên này, ông giữ lại tên Antoine và biến Lê Văn An thành tên họ.
Trở về lại Sài Gòn, ông nội tôi trở thành một thẩm phán được kính nể và một chủ điền giàu khó ngờ. Ông bày tỏ niềm kiêu hãnh vì đã cùng một lúc tạo dựng cơ ngơi và danh tiếng, bằng cách cho con cái mang tên ông. Therese Lê Văn An, Jeanne Lê Văn An, Marie Lê Văn An...và cha tôi, Jean Lê Văn An. Ngược với tôi, ba tôi là con trai duy nhất, trong một gia đình có sáu người con gái. Cũng như tôi, ba tôi đến cuối cùng, khi mọi người đã hết hy vọng có con cháu nối dòng. Sự ra đời của ba tôi biến đổi cuộc đời của bà tôi, cho đến khi ấy phải ngày ngày chịu đựng những lời ác mó vì không thể sinh con nối dõi. Bà đã bị giằng xé giữa ước muốn làm vợ duy nhất của ba tôi và bổn phận của ông phải chọn vợ lẽ. May mắn cho bà, chồng bà là một trong những người theo mô hình chồng một vợ một của Pháp. Hoặc có thể đơn giản chỉ là ông rất yêu bà, một người phụ nữ nổi tiếng khắp Nam phần vì sắc đẹp thanh lịch và sự gợi cảm.
Bà nội tôi gặp ông nội lần đầu vào một buổi sáng tinh mơ ở chợ nổi Cái Bè, một quận nửa đất nửa nước trên một nhánh sông Cửu Long. Mỗi ngày từ năm 1732, thương lái đã mang rau quả thu được đến vùng châu thổ ấy để bán cho những nhà buôn sỉ. Từ xa, màu gỗ hoà lẫn với màu nâu của làn nước đất sét tạo cảm giác rằng những trái dưa, trái thơm, trái bưởi, trái bí đang tự mình trôi đến những người đàn ông đã đợi trên bến từ bình minh để chờ chụp bắt chúng. Cho đến ngày hôm nay, họ chuyền rau quả bằng tay, như thể chúng được trao gửi chứ không phải là bán cho họ. Bà nội tôi đứng trên bến phà mê say nhìn những cử động trùng lặp nhịp nhàng này khi ông nội tôi chú ý đến bà. Thoạt tiên ông bị mặt trời chói mắt, rồi sững sờ vì cô gái với những đường cong đầy đặn nổi bật lên trong chiếc áo dài Việt Nam không dung thứ bất kỳ chuyển động thừa thãi nào và trên hết, bất kỳ ý định sỗ sàng nào. Những nút bấm dọc theo bên phải thân hình khép lại chiếc áo nhưng không bao giờ thực sự cài chặt. Kết quả là, một chuyển động đột ngột hoặc giang rộng sẽ khiến chiếc áo mở tung ra. Vì lý do này, những nữ sinh phải mặc áo lót để tránh sự lộ liễu bất ngờ. Mặt khác, không điều gì có thể ngăn hai tà áo dài vờn theo hơi thở của làn gió và chiếm lấy những trái tim khó cưỡng lại vẻ đẹp.
Ông nội tôi rơi vào cái bẫy ấy. Lóa mắt vì chuyển động dịu dàng, lắt lay của hai tà áo, ông nói với người đồng sự rằng ông sẽ không rời Cái Bè mà không có người phụ nữ ấy. Ông phải làm xấu mặt một cô gái trẻ khác đã hứa hôn cho ông và khiến bậc trưởng thượng trong gia đình ghét bỏ trước khi ông có thể chạm vào bàn tay của bà nội tôi. Một số người tin rằng ông yêu đôi mắt mi dài hình hạnh nhân của bà, những người khác cho là đôi môi mọng của bà, và những người khác nữa chắc mẩm rằng ông bị phần hông đầy đặn của bà quyến rũ. Không ai chú ý đến những ngón tay thuôn dài ép một cuốn tập vào ngực ngoại trừ ông nội tôi, người tả chúng mãi suốt mấy mươi năm. Ông tiếp tục gợi nhớ chúng rất lâu sau khi tuổi tác đã biến những ngón tay thuôn nuột nà ấy thành một huyền thoại không tưởng, hoặc ít nhất cũng là chuyện kể của tình nhân.
Trích đoạn Vi (2016) của Kim Thúy
Hồ Như chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Sheila Fischman và tham khảo bản chính tiếng Pháp
3. MÃNMaman và tôi nhìn không giống nhau. Bà thấp người, tôi cao. Da bà nâu, da tôi như da con búp bê Pháp. Bà có một lỗ hổng ở bắp chân và tôi có một lỗ hổng trong tim.
Người mẹ đầu tiên của tôi, người cưu mang và sinh ra tôi, có một lỗ hổng ở đầu. Bà lúc ấy còn trẻ hoặc có lẽ còn bé, vì không có người phụ nữ Việt Nam nào dám mang thai trừ phi người ấy có một chiếc nhẫn trên ngón tay.
Người mẹ thứ nhì của tôi, người nhặt lấy tôi từ một vườn rau giữa những cây đậu bắp, có một lỗ hổng trong niềm tin. Bà không còn tin con người, nhất là khi họ nói. Và như thế bà ẩn cư trong một túp lều tranh, xa những nhánh sông Cửu Long mạnh mẽ để tụng kinh bằng tiếng Phạn.
Người mẹ thứ ba của tôi, người dõi theo những bước đầu tập đi của tôi, trở thành Maman, Maman của tôi. Buổi sáng hôm ấy, bà muốn mở vòng tay trở lại. Và thế là bà mở những khung cửa chớp trong phòng ngủ của bà vẫn luôn đóng kín trước đó. Xa xa, trong ánh sáng ấm áp, bà nhìn thấy tôi, và tôi trở thành con gái của bà. Bà cho tôi lần sinh ra thứ nhì bằng cách mang tôi đến một thành phố lớn, một chốn khác vô danh, phía sau một sân trường, chung quanh là những trẻ nhỏ ganh tỵ với tôi vì tôi có người mẹ dạy ở trường và bán chuối lạnh.
Mỗi sáng lúc còn rất sớm, trước khi lớp học bắt đầu, chúng tôi đi chợ, Chúng tôi khởi đi từ người đàn bà bán dừa già, cùi dầy nước ít. Người đàn bà nạo nửa trái dừa đầu tiên với một nắp chai nước ngọt đóng đinh vào đầu một khúc gậy dẹt. Những sợi dừa dài rơi xuống xoắn vòng xinh xắn, như những dây ruy băng, lên lớp lá chuối trải trên sạp. Bà hàng nói không ngớt miệng và hỏi mãi Maman cùng một câu hỏi: "Bà cho con bé ăn cái gì mà môi nó đỏ thế?" Để tránh câu hỏi ấy, tôi tập thói quen mím môi, nhưng tôi quá mê mải vì bà nạo nửa quả dừa thứ nhì đến nỗi tôi cứ há miệng theo dõi. Bà đặt một chân lên thanh kim loại dài màu đen nằm một phần trên một chiếc ghế gỗ nhỏ. Không nhìn những chiếc răng nhọn ở đầu tròn của thanh kim loại, bà nạo vụn cùi dừa nhanh như máy.
Những mảnh dừa bào rơi qua lỗ tròn của thanh kim loại chắc hẳn giống cảnh tuyết rơi ở xứ ông già Noel, Maman vẫn nói thế, thực ra là điều mẹ của bà vẫn nói. Bà nói những lời của mẹ để nghe giọng mẹ lần nữa. Và khi nào bà nhìn thấy lũ con trai chơi đá banh với một lon rỗng, bà không thể không thì thầm “londi” như mẹ bà.
Đó là từ tiếng Pháp đầu tiên của tôi: “londi”. Trong tiếng Việt, lon có nghĩa là "cái lon" và đi là "đi khỏi". Trong tiếng Pháp, hai âm này cùng nhau tạo thành “lundi” trong tai của người phụ nữ Việt. Theo ví dụ của mẹ bà, bà dạy tôi từ tiếng Pháp ấy bằng cách bảo tôi chỉ cái lon rồi vừa đá nó, vừa nói “londi” cho lundi. Ngày thứ hai của tuần lễ là ngày đẹp nhất vì mẹ bà đã qua đời trước khi dạy bà cách phát âm những ngày khác. Chỉ có lundi gắn liền với một hình ảnh rõ nét không thể nào quên. Sáu ngày còn lại không có sự liên tưởng nào, vì thế giống nhau hết. Đó là lý do mẹ tôi thường lẫn lộn mardi (1) với jeudi (2) và đôi khi đảo ngược samedi (3) và mercredi (4).
Tuy thế, trước khi mẹ của bà qua đời, bà đã có đủ thời gian để học cách làm nước cốt dừa bằng cách ép những mảnh dừa nạo đẫm nước. Những bà mẹ dạy con gái nấu nướng nói nhỏ giọng, thì thầm để láng giềng không thể trộm những công thức nấu nướng rồi có thể sẽ rù quến chồng họ cũng bằng những món ấy. Những truyền thống nấu nướng được truyền lại trong bí mật, như những trò ảo thuật giữa thầy và trò, mỗi lần một cử động, theo nhịp của từng ngày. Theo quy luật tự nhiên, các cô gái học cách đo mực nước nấu cơm với đốt đầu tiên của ngón tay trỏ, cắt ớt hiểm với mũi dao để biến chúng thành những đóa hoa vô hại, gọt vỏ xoài từ cuống đến ngọn để không đi ngược sớ xơ...
Đó là cách tôi học từ mẹ rằng trong hàng chục giống chuối bán ngoài chợ, chỉ có chuối xiêm có thể được ép mỏng mà không bị nát và có thể để đông lạnh mà không bị thâm. Khi tôi mới đến Montréal, tôi làm món ấy cho chồng tôi, người đã không ăn nó hai mươi năm. Tôi muốn anh nếm lại cuộc phối ngẫu điển hình của đậu phọng và dừa, hai nguyên liệu ở miền nam Việt Nam có mặt trong món tráng miệng cũng nhiều như món điểm tâm, Tôi hy vọng có thể phục vụ và bầu bạn chồng tôi mà không quấy động bất cứ điều gì, hơi giống những mùi vị hầu như không được nhận biết vì chúng luôn luôn hiện diện.
Mẹ gửi gấm tôi cho người đàn ông này vì tình mẫu tử, cũng như sư cô, người mẹ thứ nhì của tôi, đã trao tôi cho bà vì nghĩ đến tương lai của tôi. Vì Maman đang chuẩn bị cho cái chết của bà, bà tìm cho tôi một người chồng có những phẩm chất của người cha. Một trong những người bạn của bà, đóng vai bà mối, mang anh đến thăm chúng tôi vào một buổi chiều. Maman sai tôi mời trà, chỉ có thế. Tôi không nhìn khuôn mặt của người đàn ông ngay cả khi tôi đặt chiếc tách xuống trước mặt anh. Cái nhìn của tôi không cần thiết, quan trọng là cái nhìn của anh.
Anh đã đến từ xa và không có nhiều thời gian. Nhiều gia đình đang đợi để giới thiệu anh cho con gái mình. Anh là người Sài Gòn nhưng đã rời Việt Nam năm hai mươi tuổi, bằng tàu, trong số những boat people (5). Anh đã sống nhiều năm trong một trại tỵ nạn ở Thái Lan trước khi đến Montreal, nơi anh tìm được việc làm nhưng không phải là đất nước. Anh là một trong những người đã sống quá lâu ở Việt Nam nên không thể trở thành người Canada. Và ngược lại, người đã ở quá lâu ở Canada nên không thể trở lại là người Việt.
Trích đoạn Mãn (2013) của Kim Thúy
Hồ Như chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Sheila Fischman và tham khảo bản chính tiếng Pháp
Theo Việt Báo
__________________
(1) Mardi: ngày thứ Ba
(2) Jeudi: ngày thứ Năm
(3) Samedi: ngày thứ Bảy
(4) Mercredi: ngày thứ Tư
(5) Boat people: thuyền nhân tỵ nạn Việt
Sửa bởi người viết 24/04/2024 lúc 11:31:59(UTC)
| Lý do: Chưa rõ