logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 24/04/2024 lúc 10:52:21(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,751

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết


Từ một cô bé 10 tuổi, không biết tiếng Pháp, lạ lẫm trên đất Canada sau chặng đường dài xin tị nạn, Kim Thúy trở thành nhà văn Pháp ngữ với những cuốn sách được đọc tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Bà cũng là một trong 4 nhà văn được đề cử tại giải Tân Hàn Lâm Văn Học - New Academy Prize in Literature (được lập ra năm 2018 thay thế giải Nobel Văn học).

UserPostedImage
Nhà văn Kim Thúy tại Hội sách Paris (Festival du livre Paris 2024), Pháp, ngày 12/04/2024. © RFI/Chi Phuong

UserPostedImage

Năm nay, xứ nói tiếng Pháp tại Canada - Québec là « khách mời danh dự » của Hội Sách Paris (Festival du livre), diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/04, ngay dưới chân tháp Eiffel, tại Grand Palais Ephémère. Kim Thúy là một trong 42 nhà văn thuộc phái đoàn Québec, đến giới thiệu với độc giả tại thủ đô Pháp những tác phẩm xoay quanh các chủ đề « về chiến tranh », về tình yêu, tình người, hay về con đường tị nạn chông gai hay những cố gắng hòa nhập vào một nhịp sống mới nơi xa xứ.

Tác phẩm đầu tay « Ru » được xuất bản năm 2009 là một trong những cuốn truyện làm lên tên tuổi của Kim Thúy, đã được dịch ra hơn 28 thứ tiếng và xuất hiện tại hơn 40 quốc gia. Cuốn sách là những mảng ký ức được lắp ghép, là một cuốn tự sự dưới góc nhìn của một cô bé 10 tuổi sinh ra trong gia đình trung lưu ở Sài Gòn, theo gia đình, lên thuyền rời khỏi Việt Nam sau năm 1975, là những chiêm nghiệm về cuộc đời với vô vàn những đối lập, về số phận thăng trầm của gia đình thuyền nhân “dạt” vào Québec năm 1979.

Hiện sinh sống tại Montréal và dành toàn thời gian cho văn chương, Kim Thúy cũng đã cho ra mắt nhiều cuốn sách khác như Mãn, Vi, À toi, Em…, tất cả đều bằng tiếng Pháp. Nhà văn gốc Việt đã nhận được nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng văn học của Toàn quyền Canada (Prix littéraire du Gouverneur général 2010). Bà cũng được đề cử giải Tân Hàn Lâm Văn Học vào năm 2018. (New Academy Prize in Literature).

Trước khi trở thành nhà văn, Kim Thúy từng trải qua cuộc sống tại những trại tị nạn tạm bợ ở Malaysia, từng lênh đênh trên biển không rõ phương hướng, nhưng bà cũng từng ngồi băng ghế tại trường luật ở Montréal. Bà gia nhập Đoàn luật sư Québec năm 1995, làm việc cho hãng luật Canada Stikeman Elliott và có chuyến công tác dài hạn tại Việt Nam vào những năm 1990. Bà cũng từng làm không ít việc, từ thợ may, đầu bếp, chủ nhà hàng cho đến cố vấn cho Cơ quan hỗ trợ phát triển Canada, và nhân viên lãnh sự Canada ở Sài Gòn.

RFI: Xin cảm ơn bà Kim Thuý đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, trước tiên, xin được hỏi về cuốn sách đầu tay của bà, được xuất bản năm 2009 và cho đến nay vẫn là một trong những cuốn nổi tiếng nhất, với hơn 800 000 đầu sách được bán ra trên khắp thế giới. Lúc đó, bà khoảng hơn 40 tuổi, từng làm nhiều công việc khác nhau, đã có gia đình, và quyết định viết sách. Đâu là động lực khiến bà quyết định cầm bút viết về câu chuyện của mình, khai thác những ký ức của tuổi thơ ?
Kim Thúy : Thực sự là tôi không quyết định viết, mà lúc đó, khi lái xe, dừng trước đèn đỏ, tôi hay ngủ gục, và như vậy dễ bị tai nạn xe, thành ra xe của tôi hay bị đụng với các xe khác. Để không ngủ thì tôi hay viết các danh sách mình làm hôm sau, viết các danh sách mùi hoa, sau đó không còn ý tưởng khác rồi mình cứ viết thôi, mà không biết là mình đang viết sách. Tôi viết và không phải có ý định chính xác từ hồi đầu. Sau đó bạn bè nói là phải viết tiếp đi. Thực sự là tôi không phải là người gửi bản thảo, mà lúc đó chỉ là những ghi chép. Bản thảo do một người bạn mang đến 1 nhà xuất bản và được chấp nhận. Lúc đó, không có tựa, không có tên, không có số trang, mà chỉ là 1 đống giấy. Khi nhà xuất bản chấp nhận thì thành cuốn sách và vì cuốn sách đó mà mình thành nhà văn, chứ không phải vì là nhà văn mà mình viết sách đó.
RFI : Tại sao các cuốn sách của bà, dù đều được viết bằng tiếng Pháp, nhưng tựa đề hầu hết được đặt bằng tiếng Việt, và thường là những từ rất ngắn, như Ru, Mãn, Vi hay Em, ngụ ý của bà là gì ?
Tôi rất thích kể chuyện, bất cứ chuyện gì cũng thích kể, và thứ hai là tôi rất thích những chữ, từ, có những từ rất hay. Tôi hay nghĩ là ai mà ngồi xuống để đặt ra những cái tên này. Ví dụ như “ru” (có nghĩa là con suối nhỏ trong tiếng Pháp), nghe rất đơn giản. Những ai sống ở Việt Nam, chưa bao giờ học một thứ tiếng khác có thể không thấy chữ đó hay. Nhưng khi được có cơ hội trở lại Việt Nam làm việc, tôi thấy chữu“ru” vô cùng ấm áp, trong chữ đó là mình ru con cho đến lúc con mình ngủ, tiếng Pháp không có chữ đó, họ hay nói là “mettre un enfant au lit”, thí dụ vậy, nhưng không có ru con, mình có thể nói “bercer un enfant”, nhưng không phải đến ru đến khi con ngủ. Một từ chỉ có hai chữ nhưng nó đầy ý nghĩa, đó là những tiếng đầu tiên cho đứa con mình, chứa chất cả tình yêu, tình thương trong đó, mà chỉ có hai chữ làm cho trong đầu mình có thể thấy được tất cả hình ảnh đó. Còn với cuốn “Vi”, chữ vi trong tiếng Việt nghĩa là “nhỏ”, nhưng tiếng Pháp, cùng cách phát âm với “vie” - cuộc sống, thì có thể có nghĩa rất lớn. Hay cuốn “Em”, trong tiếng Pháp, gần với từ aime trong từ aimer, theo thể mệnh lệnh. Trong một từ rất nhỏ, 2, 3 chữ thôi có thể nêu được 2 văn hóa, hai văn hóa gặp nhau trong hai chữ đó, hai văn hóa đó đều trong đầu, trong tim mình. Tìm được chữ có 2 văn hóa, nó phản ánh chính bản thân mình được nhận 2 văn hóa Việt Nam và Québec.
RFI : Trong hầu hết các sáng tác của bà, dường như các cuộc chiến tranh ở Việt Nam bao trùm khắp các câu chuyện được kể ?
Kim Thuý : Chiến tranh, tôi sinh trong thời điểm đó, chiến tranh là lúc mà tất cả các cảm xúc thường hàng ngày, vui buồn thường ít hơn so với trong thời điểm khó khăn, buồn nhiều vui nhiều hơn. Ví dụ khi chờ đợi 1 người thân trở về từ chiến trận, cái vui nó lên đến cực điểm, buồn cũng vậy, nó rất sâu đậm. Trong những lúc khó khăn đó, mình có được những cảm xúc, rất rõ ràng, rất đối lập, nên viết rất dễ, không hẳn là dễ nhưng có nhiều chuyện để viết hơn, vừa vui vừa buồn lẫn lộn với nhau, vừa đau vừa sướng, nhiều khi trong những lúc khó khăn đó, ăn được một chén cơm đó là đã cảm thấy hạnh phúc rồi.
Sau 15 năm viết lách, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm để nói lên những vấn đề mà lịch sử sẽ không ghi lại, những chuyện về người vượt biên. Tại Việt Nam, chuyện đó không được ghi trong sách lịch sử. Lúc đó và bây giờ cũng vậy, trang sử đó ở Việt Nam không tồn tại. Ngoài ở Việt Nam, người Việt cũng đã đi rất nhiều xứ nhưng người Việt lại không đủ quan trọng để đi vào lịch sử của những xứ mà người Việt mình định cư. Thành ra là đối với tôi, câu chuyện đó cần được ghi lại. Ba má của tôi cũng lớn tuổi, và một ngày nào đó sẽ mất đi, mình sẽ mất đi những trang sử đó. Tôi hy vọng là nhiều người cùng viết để giữ lại trang sử đó, để giữ lại những câu chuyện về thời điểm của Việt Nam xảy ra ngay lúc đó, vậy thôi, để chia sẻ với nhau. Tại vì lịch sử rất quan trọng để mình hiểu mình từ đâu đến và nhìn vào tương lai, để quyết định là mình tiếp tục như vậy hay là thay đổi. Đối với, Thúy lịch sử là lịch sử thôi đó là những câu chuyện xảy ra lúc đó, không xấu không tốt, vấn đề là nêu ra những chuyện gì đã xảy ra.
RFI : Trong cuốn Ru bà từng nói ngắn gọn về trải nghiệm trở về Việt Nam, “làm việc với những người từng ở phe đối lập”, vậy điều gì khiến bà đưa ra quyết định này ?
Kim Thuý : Khi có dịp trở về Việt Nam làm việc, lúc đó đã mấy chục năm sau chiến tranh, nếu mình tiếp tục nhìn 1 người Việt Nam khác là người đó đã làm cho mình phải khó khăn thì cái đó giống như là mình phải tiếp tục chiến tranh. Tôi cho rằng mình phải chấp nhận là chiến tranh đã chấm dứt và từ đó trở đi mình phải ngồi xuống nói chuyện với nhau. Vì thế khi có dịp trở về Hà Nội, tôi gặp những người mẹ, những người đàn bà, đã góa phụ mất con, mất anh, mất bố, tôi cảm thấy cái đau, y như những người mẹ khác, dù người con đó là theo phe này hay phe kia. Chiều sâu của nỗi đau đó vô cùng sâu, vô cùng buồn, cái buồn đó đều giống nhau. Mình phải quên đi ai là bên phe nào, phần lớn những người trẻ đó không có chọn, không có quyền lựa chọn, tùy nơi mình sinh ra thì mình phía A hay phía B. Đối với tôi, việc ngồi xuống cùng nhau, nói chuyện với nhau, rất quan trọng, để chia sẻ, và từ cái đau buồn đó để mà thương nhau. Thành ra mình phải ngồi xuống với nhau. Có thể là khóc chung vs nhau, cười chung với nhau, gần 50 năm rồi, “il faut pas donner droit à la guerre de continuer, la résistance aujourd’hui, on termine, on ferrme la porte, il faut se concilier, il faut s’aimer pas seulement se concilier” – không được để chiến tranh tiếp tục, hãy kết thúc nó, đóng cánh cửa đó lại. Chúng ta cần phải giảng hoà, không chỉ giảng hoà mà cần phải thương nhau.
Theo RFI

UserPostedImage
Tác giả Kim Thúy, 2011 bên cạnh cuốn Ru

Kim Thúy, tên thật là Nguyễn An Tịnh[1] (sinh năm 1968) là một nhà văn người Canada gốc Việt. Cô đoạt giải văn học Pháp văn Prix du Gouverneur général của Canada năm 2010 với tác phẩm Ru.

Cô sinh ra tại Sài Gòn. Năm 1979 khi lên 10, cô cùng gia đình vượt biên bằng đường biển thoát sang Malaysia tị nạn rồi được định cư ở Canada. Hành trình của cô cũng là đề tài của cuốn tiểu thuyết Ru ngắn 140 trang[1] bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2009. Năm 2010 tác phẩm này thắng giải văn học của Canada.[2][3] Đây là tác phẩm văn học gây dấu ấn đáng kể cho cộng đồng người Canada gốc Việt trên văn đàn Canada.[4] Tác giả cho rằng cuốn Ru cũng gây tranh luận tại Việt Nam vì nhắc đến đề tài thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam sau khi miền Bắc chiến thắng.[5]

Ấn bản tiếng Anh ra mắt năm 2012 do Sheila Fischman chuyển ngữ.[6] Phiên bản này được đề cử tranh giải Scotiabank Giller Prize 2012.[7] Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết này cũng được dịch ra tiếng Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Ý.[1]

Kim Thúy hiện sinh sống tại Longueuil, ngoại ô Montréal.[8] Cô có bằng luật sư và ngữ học tại Université de Montréal.[2]
Chú thích
1 a b c 'Ru,' câu chuyện thuyền nhân được đón nhận ở 20 quốc gia theo Người Việt[liên kết hỏng]
2 a b "From lawyer to novelist: an alumna's amazing journey" Lưu trữ 2013-05-29 tại Wayback Machine. Université de Montréal, ngày 9 tháng 2 năm 2010.
3 "Eight Quebec writers win Governor General's prizes"[liên kết hỏng]. The Gazette, ngày 17 tháng 11 năm 2010.
4 “Kim Thuy's Ru”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2012.
5 Video Kim Thúy Vietnam Refugee
6 "Kim Thuy's novel Ru draws on refugee past". CBC News, ngày 9 tháng 3 năm 2012.
7 "Scotiabank Giller Prize short list announced". Toronto Star, ngày 1 tháng 10 năm 2012.
8 Bartley, Jim (ngày 10 tháng 2 năm 2012). “From riches to rags to riches”. The Globe and Mail. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2012.

Theo Wikipedia

Sửa bởi người viết 24/04/2024 lúc 02:58:34(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#2 Đã gửi : 24/04/2024 lúc 11:03:57(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,751

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Nhà văn Kim Thúy ‘nhìn chữ là thấy thương’

UserPostedImage
Nhà văn Kim Thúy tại Festival America, tháng 9, 2010. (Hình: Camille Gévaudan)

“Không có. Không có.” Kim Thúy cười lớn, khẳng định “không có” chuyện cô sẽ đoạt Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương (the New Prize in Literature), được mệnh danh “giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương 2018.”
Giải thưởng mới “tính theo số người bỏ phiếu.” Kim Thúy nói với VOA, cô ngạc nhiên, và độc giả của cô cũng ngạc nhiên, về việc cô có tên trong số 47 tác giả được đưa ra cho công chúng bình chọn.
“Chẳng hạn, trong 47 người đó, có nhà văn Rowling. Chỉ cần 0.01% độc giả của Rowling bỏ phiếu, thì tôi đã không có tên trong số 4 người [vào vòng trong].” Rồi cô cười lớn, “chắc Rowling không để ý.”
Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định hoãn công bố giải Nobel Văn Chương 2018 do các điều tiếng về scandal liên quan đến giám khảo của giải thưởng danh giá này. Vì lý do ấy, các quản thủ thư viện Thụy Điển cùng thành viên trong cộng đồng văn hóa và nghệ thuật quyết định lập ra một giải thưởng khác, chỉ trong năm nay, để lấp vào khoảng trống của Nobel Văn Chương.
Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy.
Nhà Văn Kim Thúy


Văn bản nói về lý do ra đời của Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương có đoạn: “Trong thời điểm mà giá trị nhân văn ngày càng bị thách thức, thì văn chương trở thành lực đối kháng với sự đàn áp và thái độ vô cảm. Bây giờ là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết giải thưởng văn chương cao quý nhất thế giới phải được trao tặng.”
Các thành viên trong ban tổ chức Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương chọn ra danh sách 47 nhà văn trên toàn thế giới, rồi để công chúng bình chọn. Bốn người có số phiếu cao nhất sẽ được xét chọn bởi ban giám khảo, gồm giáo sư văn chương Lisbeth Larsson, nhà báo kiêm thủ thư Marianne Steinsaphir, nhà phê bình kiêm chủ bút Peter Stenson, và giám đốc thư viện, Gunilla Sandin.
Trả lời tờ báo National Post, Kim Thúy cũng nói xác suất để mình thắng giải thưởng này là “dưới zero phần trăm.” Cô nói về 3 nhà văn trong danh sách được bình chọn (Maryse Condé - the Guadeloupe và Pháp, Haruki Murakami - Nhật Bản; và Neil Gaiman - Anh): “Họ là những biểu tượng văn hóa – những nhà văn dày dạn kinh nghiệm – trong khi tôi chỉ mới bắt đầu hành trình của mình.”
Rồi cô nói đùa: “Có thể gia đình tôi hơi đông người!”
Kim Thúy thật lòng không tin mình sẽ thắng giải, và cô bông đùa thoải mái về giả thuyết sẽ trở thành “khôi nguyên giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương.”
Thế nhưng, con đường đi vào văn chương của tác giả các tác phẩm có tựa đề độc đáo, “Ru,” “Vi,” “Man,” lại mang đậm sự ray rứt về thân phân con người di dân, tị nạn, và lòng yêu mến đến sâu thẳm giá trị văn hóa Việt Nam.
“Tôi hãnh diện về vẻ đẹp của Việt Nam mình. Có những cái nhỏ, nhỏ, nhỏ của Việt Nam mình mà mình không để ý tới. Chẳng hạn chữ “ru,” không ngờ một chữ “ru” mà đẹp đến như vậy. Khi tôi tìm đến tiếng Pháp thì chữ “ru” trong tiếng Pháp rất dài. Ru con ngủ là một cái gì rất là dài, thế mà “ru” chỉ là một chữ thôi. Thành ra tôi thấy nó hay quá đi, và thấy mình phải chia sẻ.” Kim Thúy nói với VOA.
Cách “chia sẻ” của Kim Thúy cũng rất lạ: Cô muốn, qua mỗi tác phẩm của mình, độc giả ngoại quốc lại được học thêm một vài chữ tiếng Việt. Và sự chia sẻ ấy bắt đầu ngay từ tựa đề của sách.
“Chỉ một “sound” đã có ý nghĩa rồi. Chữ “Man,” tức là “Mãn”, đẹp thế nào. Mãn, là mãn nguyện. Nhìn chữ là thấy thương. Hay “ru,” tiếng Pháp cũng có ý nghĩa. “Man,” tiếng Anh cũng có nghĩa. “Vi,” cũng gần như “C’est la Vie” trong tiếng Pháp. Lúc nào cũng có ý nghĩa của 2, 3 ngôn ngữ. Nhưng lúc nào cũng muốn có tiếng Việt Nam. Tôi muốn độc giả thấy chữ viết của tiếng Việt mình. Tức là độc giả của tôi bây giờ biết ít nhất là một chữ tiếng Việt. Còn trong tác phẩm “Man,” gần như mỗi trang đều có một chữ tiếng Việt, để người ta thấy tiếng Việt mình có dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng…”
“Ru”, xuất bản cách đây gần 10 năm, là một trong những tác phẩm thành công nhất của Kim Thúy. Tác phẩm, được viết bằng tiếng Pháp, được dịch sang 27 ngôn ngữ, gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.
Nhưng Kim Thúy “thấy buồn” khi “Ru” đến nay vẫn còn “ăn khách.”
“Có nhiều nước mua và dịch Ru ra tiếng của họ, bây giờ vẫn còn, thành ra tôi thấy Ru cứ còn mới như là một em bé. Nhưng rất buồn là còn phải dùng chữ di dân, tị nạn trong tác phẩm, chỉ mong là một ngày nào không cần dùng chữ này nữa thôi. Nhưng mà rồi chiến tranh hết ở đây rồi ở kia. Thành ra ở phương diện ấy, nếu cuốn sách này còn mới hoài, còn nói về vấn đề của hiện tại bây giờ… Tôi mong là một ngày nào đó, cuốn sách này chỉ nói về một chuyện rất xa xưa trong quá khứ, không ăn nhập gì với thời hiện tại.”
Mặc dầu đã có mặt tại 27 quốc gia khác nhau, "Ru" vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam. Kim Thúy nói có lẽ vì Ru nói về chuyện vượt biển, là chuyện vẫn còn "khó nói" ở trong nước. Và cô cho rằng mình có thể "đợi một tý."
Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ.
Nhà Văn Kim Thúy


Kim Thúy vượt biên năm 1978, lúc mới 10 tuổi, rồi sang định cư tại Canada. Cô tốt nghiệp ngành Luật, đến năm 1998 thì về Việt Nam làm việc 4 năm. Đối với cô, 4 năm này là cơ hội để cô học lại văn hóa Việt Nam, là văn hóa mà cô tưởng mình “đã hiểu”.
“Thật ra thì tôi thấy tôi nhầm cơ. Tưởng là hiểu Việt Nam, mà thật ra trở lại Việt Nam sau 20 năm thì Việt Nam trở thành một xứ khác rồi. Mà ở đâu cũng vậy, luôn luôn có sự thay đổi. Tôi sanh ở Sài Gòn mà khi trở về làm việc là làm ở Hà Nội, lại là một xứ mới (cười lớn). Và như vậy phải học trở lại, và nhờ học trở lại tôi tìm ra cái đẹp đặc sắc của Việt Nam mình. Nếu không trở lại Việt Nam trong 4 năm đó, tôi không nghĩ có thể viết được; sẽ không thể biết làm sao để trân quý vẻ đẹp riêng của Việt Nam. Thành ra nhờ 4 năm ấy, trở về một nơi mình nghĩ mình biết, mà mình không biết, đó là một sự học hỏi phải làm lại từ đầu.”
Kim Thúy luôn khẳng định, rằng cô không chọn văn chương, mà văn chương chọn cô, từ một sự tình cờ nằm ở những đèn xanh, đèn đỏ ở các ngã tư đường tại Montreal.
“Tôi ngủ gục quá nhiều ở các đèn đỏ. Ngủ gục ở đèn đỏ thì rất nguy hiểm, nên lúc đầu tôi ăn hạt dưa. Nhưng ăn hạt dưa riết rồi hư răng. Thành ra đổi lại viết lúc dừng đèn đỏ. Thành ra cuốn sách này (Ru) là do những cái đèn đỏ. Mà tôi thích quá nên hay tìm những cái đèn đỏ lâu nhất, dài nhất ở Montreal để đi. Nhiều khi đi thành một vòng để tìm đèn đỏ dài thiệt dài để mình có thể viết tí xíu.”
“Lúc đầu cũng định thử [viết] một tháng thôi, và vì mình xuất thân là di dân, tị nạn. Rồi một tháng thành hai tháng, rồi năm tháng, rồi một năm, rồi thành một cuốn sách. Và cũng không nghĩ cuốn sách được nhiều người đọc như thế. Bây giờ nếu có ai mời nói về vấn đề di dân thì em cám ơn, vì có cơ hội nói cho những người đó; vì ít khi mình đưa microphone cho một người di dân, một người tị nạn nói. Thành ra, nếu tôi có cơ hội được đứng lên nói cho những người không có cơ hội, những người vượt biển mất tích hoặc chết ở biển, thì tôi nghĩ tôi có trách nhiệm nói giúp cho họ. Và hễ có cơ hội thì cứ nói, nhất là bây giờ có nhiều vấn đề về di dân.”
The CBC, hãng tin Canada, 47 nhà văn được chọn có nhiều lối viết và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết cho thiếu nhi, như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.
Trong khi ấy, Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì nói đúng chuyện vào “đúng lúc, đúng thời.”
“Cuốn sách Ru là do một người bạn của Kim Thúy cầm mang đến một nhà xuất bản chứ bản thân tôi không có liếm tem, bỏ vào bao thơ để gởi. Thế rồi cuốn sách được chấp nhận rất nhanh. Thành ra cuốn sách này là ai chọn tôi chứ cá nhân chỉ là người gởi thông điệp.”
Và vai trò “gởi thông điệp,” theo Kim Thúy, chỉ có tính giai đoạn: “Rồi năm năm sau, vai trò đó lại trao cho người khác rồi tôi đi làm chuyện khác (cười lớn). Người Việt Nam mình hay nói “đúng lúc, đúng thời”, thì tôi chỉ nói cuốn Ru là đúng lúc, đúng thời.”
Lịch sử dân tộc là một cuốn sách dày, và Kim Thúy chỉ e rằng, một trang trong cuốn sách lịch sử ấy sẽ mất đi, hay bị bỏ trống, chỉ vì những chứng nhân của giai đoạn ấy không kịp viết lại những điều đã xảy ra. Viết, và viết đúng sự thật đã xảy ra, là thông điệp mà cô muốn gởi đến độc giả gốc Việt của mình: “Quan trọng là tất cả chúng ta đều viết, không chỉ văn sĩ mới viết. Những gì chúng ta viết là để lại cho thế hệ mới, giống như dây curoa, luôn tiếp tục vận hành. Mình là con cháu của ông bà mình, chứ không chỉ là mình, thành ra, tôi mong lúc nào cũng viết để để lại. Bởi vì “trang” ấy, không có sách lịch sử nào viết lại cả.”
Và mọi câu chuyện của từng người Việt Nam đã sống qua một giai đoạn nào đó, được cho vào một chiếc hộp, để các thế hệ sau có thể trở vô để đọc, từng câu chuyện một.



Theo VOA
song  
#3 Đã gửi : 24/04/2024 lúc 11:18:35(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,751

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Kim Thuý (1968 – ) Nhà Văn Nữ Danh Tiếng Gốc Việt tại Canada

1/ Giải Thưởng Văn Chương Của Hàn Lâm Viện Mới.
Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới (The New Academy Prize in Literature) được thiết lập vào năm 2018 để thay thế cho Giải Thưởng Nobel Văn Chương không được trao tặng bởi vì Ban Giám Khảo của Ủy Ban Văn Chương của Hàn Lâm Viện Stockholm bị tai tiếng do vấn đề bê bối tình dục. Nhà văn thắng giải dự trù được công bố vào ngày 12 tháng 10 năm 2018, nhưng sau đó Giải Thưởng này đã bị hủy bỏ vào đầu tháng 2 năm 2018.

Hàn Lâm Viện Mới (The New Academy) được nhà báo Alexandra Pascalidou sáng lập, sau khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển công bố hủy bỏ Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 2018. Bà Pascalidou cho biết mục đích của Hàn Lâm Viện Mới là “quảng bá văn chương tới những người yêu mến văn chương và chống lại sự bất bình đẳng cùng những điều không phù hợp với đất nước và thời đại của chúng ta”.  

Hàn Lâm Viện Mới này là một tập thể gồm hơn 100 nhà văn, nhà báo, diễn viên… cùng làm nghề liên quan tới Văn Hóa Nghệ Thuật như các vị quản thủ thư viện và Hàn Lâm Viện Mới này được tài trợ do chương trình gây quỹ cộng đồng Kickstarter.

Chương trình chọn lựa của Hàn Lâm Viện Mới gồm 3 vòng, tại vòng 1, các quản thủ thư viện trên lãnh thổ Thụy Điển được mời đề cử các ứng viên. Các ứng viên phải có ít nhất 2 tác phẩm xuất bản trong 10 năm gần nhất. Vòng 1 kết thúc vào ngày 8/7/2018 với danh sách gồm 47 nhà văn, nhà thơ.

Theo hãng CBC của Canada, 47 tác giả này được chọn ra căn cứ vào nhiều lối viết văn và thể loại khác nhau, từ nhà văn hư cấu nổi tiếng Haruki Murakami, Cormac McCarthy, Don DeLillo, Zadie Smith và Elena Ferrante, đến các nhà văn viết truyện cho thiếu nhi như J.K. Rowling và Meg Rosoff, hay nhạc sĩ Patti Smith và nhà văn châm biếm giả tưởng nổi tiếng Neil Gaiman.Trong khi đó Kim Thúy, nhà văn Canada gốc Việt, thì cho rằng mình được chọn chỉ vì “nói đúng chuyện vào đúng lúc, đúng thời.”

Sau khi cứu xét các phiếu bầu công khai về 47 nhà văn và nhà thơ được nhiều nhân sĩ trí thức và các vị quản thủ thư viện Thụy Điển (Swedish librarians) đề nghị, Hàn Lâm Viện Mới (the New Academy) đã công bố 4 nhà văn được chọn vào vòng chung kết cho Giải Thưởng, gồm có:
Maryse Condé, nhà văn nữ người Pháp gốc Guadeloupe.
Neil Gaiman, nhà văn người Anh.
Haruki Murakami, nhà văn người Nhật.
Kim Thúy, nhà văn nữ gốc Việt hiện sinh sống tại Canada.
Vào ngày 17 tháng 9 năm 2018, nhà văn Murakami, người Nhật, đã yêu cầu được rút tên ra khỏi danh sách các nhân vật được đề nghị, nói rằng ông ta muốn “tập trung vào việc viết văn, xa lánh sự chú ý của giới truyền thông” (concentrate on writing, away from media attention).

Nhà văn Neil Gaiman là người Anh, hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông Gaiman là nhà văn xuất sắc của loại văn học kỳ ảo với số lượng độc giả rất lớn thuộc mọi lứa tuổi ở khắp nơi trên thế giới. Vài tác phẩm nổi tiếng của ông Neil Gaiman gồm có Coraline, American Gods, Stardust và The Graveyard Book.

Nhà văn nữ Kim Thúy tên thật là Lý Thành Kim Thúy, sinh năm 1968 tại Saigon, Việt Nam. Khi lên 10 tuổi, cô Kim Thúy theo gia đình vượt biển rồi nhập cư vào Canada. Hành trình đi tìm tự do của cô Kim Thúy đã là đề tài trong cuốn tiểu thuyết Ru, viết bằng tiếng Pháp và xuất bản năm 2009. Ngoài tác phẩm Ru nổi tiếng nhất, còn có các cuốn tiểu thuyết Mãn (2014) và Vi (2018). Hàn Lâm Viện Mới đã nói rằng các tiểu thuyết của nhà văn nữ Kim Thúy đã “vẽ lên những màu sắc, hương thơm và mùi vị của Việt Nam cũng như những hiểm nguy của cuộc hành trình lưu vong và để tìm kiếm bản dạng”.

Kim Thúy là nhà văn nữ gốc Việt tại Canada, với tác phẩm đầu tiên tên là “RU”, đã nhận được Phần Thưởng Năm 2010 của Toàn Quyền (the Gorvernor General’s Award) nhờ tác phẩm kể trên. Đây là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp rồi được cô Sheila Fischman dịch sang tiếng Anh và phổ biến vào năm 2012.

Tác phẩm Ru cũng được đề nghị tham dự Giải Thưởng Scotiabank Giller năm 2012 (The 2012 Scotiabank Giller Prize) và Giải Thưởng Tiểu Thuyết Đầu Tiên Amazon năm 2013 (The 2013 Amazon.ca First Novel Award).

Vào năm 2016, nhà văn Kim Thúy đã cho ra đời tác phẩm thứ ba, tên là “Vi”. Bản dịch sang tiếng Anh cũng do cô Sheila Fischman, được phổ biến vào năm 2018. Tác phẩm này cũng ở trong danh sách đề nghị nhận Giải Thưởng Scotiabank Giller của năm 2018.

2/ Cuộc Đời Và Nghề Nghiệp Của Nhà Văn Kim Thúy.
Vào tuổi lên 10, Kim Thúy cùng với cha mẹ và 2 người anh đã là các thuyền nhân, giống như một triệu người miền Nam vào thời kỳ đó, đã bỏ chạy khỏi chế độ Cộng Sản sau khi chính quyền Miền Nam sụp đổ vào năm 1975.

Gia đình cô Kim Thúy đã tới một trại tỵ nạn tại Mã Lai do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành rồi sau 4 tháng trường ở trong trại tị nạn này, chính quyền Canada đã chấp nhận cho gia đình cô Kim Thúy sang định cư tại xứ sở Canada bởi vì cha mẹ của cô có thể nói lưu loát tiếng Pháp.

Vào cuối năm 1979, gia đình tị nạn này đã tới thị trấn Granby trong vùng Eastern Townships của thành phố Quebec rồi về sau, gia đình Kim Thúy rời sang thành phố Montreal.

Vào năm 1990, cô Kim Thúy đã đậu văn bằng Cử Nhân (Bachelor’s degree) của Đại Học Montreal về môn ngôn ngữ học (linguistics) và phiên dịch (translation) rồi 3 năm sau, lại đậu văn bằng Luật Khoa cũng của trường đại học này.

Cô Kim Thúy sau đó làm nghề phiên dịch (translator) và thông dịch (interpreter) trước khi được tuyển vô làm cho Công Ty Luật Strikeman Elliott đặt trụ sở tại Montreal để giúp vào một dự án liên quan tới Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, cô Kim Thúy đã trở về Việt Nam cùng một số chuyên gia người Canada để cố vấn cho chính quyền Cộng Sản khi họ cần tìm hiểu về chế độ tư bản. Cô Kim Thúy đã gặp người chồng cùng làm việc trong công ty Luật và họ đã có đứa con đầu lòng khi đang công tác tại Việt Nam. Đứa con thứ hai chào đời khi cặp vợ chồng này ở Bangkok vì công việc của người chồng tại Thái Lan.

Sau khi trở về Montreal, cô Kim Thúy mở một nhà hàng ăn có tên là “Ru de Nam”, tại nơi này cô đã giới thiệu các món ăn Việt Nam cho cộng đồng Montreal. Cô Kim Thúy đã hoạt động tại nhà hàng ăn trong 5 năm, sau đó cô dành trọn một năm để viết văn sáng tạo. Hiện nay cô Kim Thúy sinh sống tại Longueuil, ngoại ô của thành phố Montreal.

3/ Về Tác Phẩm Ru Của Nhà Văn Kim Thúy.
“Ru” theo tiếng Việt là Lời Ru còn theo tiếng Pháp là con suối nhỏ. Đây là một từ đã được nhà văn Kim Thúy chọn lựa kỹ càng để đóng khung và bao gồm bên trong các mẩu chuyện được kể lại. Các chủ đề chính của tác phẩm này là chiến tranh và sự di dân, tình mẹ con và gia đình, sự tranh đấu và đổi mới…

Kim Thúy là tác giả hiểu rõ ngôn ngữ học nên đã chọn một từ thật đơn giản làm tên của cuốn tiểu thuyết với ý nghĩa tiềm ẩn bên trong. Nhà văn Kim Thúy đã xác nhận rằng cô đã cố gắng để đạt được một cảm giác yên lặng và nhẹ nhàng trong quá trình viết văn. Và nhà văn này đã mô tả cảnh vượt biển trên một con thuyền nhỏ bồng bềnh: “một ngọn đèn nhỏ treo bằng một sợi dây, buộc vào một cái đinh rỉ sét, đã tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt và không thay đổi. Sâu vào bên trong con thuyền, không có sự phân biệt giữa sáng và tối. Ánh sáng của ngọn đèn đã bao phủ chúng tôi giữa cảnh vô tận của biển cả và bầu trời ở chung quanh. Các người ngồi trên boong thuyền đã kể lại cho chúng tôi biết rằng, không có biên giới giữa màu xanh da trời và màu xanh nước biển. Không ai biết chúng tôi đang hướng về thiên đường hay chìm sâu vào bên trong lòng biển. Thiên đường và địa ngục đều ôm lấy con thuyền”.

(Nguyên văn trong bản Anh ngữ: The small bulb hanging from a wire attached to a rusty nail spread a feeble, unchanging light. Deep inside the boat there was no distinction between day and night. The constant illumination protected us from the vastness of the sea and the sky all around us. The people sitting on deck told us there was no boundary between the blue of the sky and the blue of the sea. No one knew if we were heading for the heavens or plunging into the water’s depths. Heaven and hell embraced in the belly of our boat.)

Qua tác phẩm Ru, nhà văn Kim Thúy đã dùng nhân vật là cô Nguyễn An Tịnh để kể các câu chuyện chiến tranh, di dân và định cư, và hành trình của cô này từ xứ Việt Nam bị tàn phá để tới xứ sở Canada. Trong cuộc hành trình này, người kể chuyện còn đề cập tới bệnh tự kỷ (autism), sự mại dâm, người Mỹ gốc Á châu, tình yêu và sự tha phương, và tác giả đã dùng cách kể chuyện với bản chất là không nói hết ra về trí nhớ và hồi tưởng.

Lời văn của tác giả Kim Thúy thì duyên dáng, câu chuyện thì súc tích, công việc xuất bản tác phẩm này đã là một việc làm lịch sử tại xứ sở Canada bởi vì Ru là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một người Canada gốc Việt. Người kể chuyện giả tưởng trong cuốn truyện đã chia xẻ các chi tiết về đời sống của cô Kim Thúy và tác phẩm có thể được coi là một hồi ký (a memoir) đã đổi tên.

Tác phẩm Ru của nhà văn Kim Thúy đã nằm trong “Nền Văn Chương Canada gốc Việt” (the Vietnamese Canadian literature), đã trình bày các kinh nghiệm của tác giả, đã được phê bình rộng rãi và thành công về thương mại, tất cả là nhờ nghệ thuật đẹp đẽ của cách viết văn giả tưởng (the beautiful art of fiction), cách mô tả day dứt và sâu đậm của tác giả về thân phận con người tị nạn và di dân, cùng với lòng yêu mến chân thành các giá trị văn hóa Việt Nam. Tác phẩm Ru được viết ra bằng tiếng Pháp, đã được dịch sang 27 ngôn ngữ và gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.

4/ Niềm Vui Và Quán Cà Phê Nằm Trong Trái Tim Của Nhà Văn Kim Thúy.
Một nhà văn thành công là do biết diễn tả các cuộc sống chung quanh với mình, cụ thể nhất là gia đình, bạn hữu, thành phố đang cư ngụ, những con đường thường qua lại hàng ngày, các quán xá thân cận và những con người thường hay gặp gỡ, chuyện trò. Nhà văn Kim Thúy đã viết văn, kể chuyện về các thứ thực tế này, thêm vào là các vấn đề cao siêu hơn, bàng bạc và rải rác trong tác phẩm.

Theo lời nhà báo Ian McGillis tường thuật trên tờ báo Montreal Gazette sau lần phỏng vấn nhà văn Kim Thúy, thì “Kim Thúy có một cá tính rất sôi nổi, thường hay phá lên cười một cách lôi cuốn, có vẻ như rất nhanh chóng kết bạn với người mới quen”.

Khi được đề nghị là một trong bốn ứng viên của Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới, nhà văn Kim Thúy đã hứng khởi, nói về quan hệ cá nhân với thành phố mà cô đã nhiều lần gọi là “hometown”, liên tục trong 14 năm kể từ khi cô rời bỏ Việt Nam vào cuối thập niên 1970: “Cái đẹp của Montreal nằm ở khía cạnh nhân văn. Không như New York hay Paris, những thành phố đó tuy xinh đẹp rực rỡ nhưng mình không bao giờ thực sự mang cảm giác có thể nắm bắt được chúng. Với Montreal, mình cảm thấy mình có thể ôm trọn nó vào trong lòng, dù thực sự đó là một thành phố rộng lớn và mang tầm vóc quốc tế. Đó là điều mình có thể làm được.”

Lòng hiếu khách của người dân thành phố Montreal là điều Kim Thúy cảm thấy ngay lập tức khi cô vừa đặt chân đến thành phố này với tư cách của một người mới định cư, với cô, không có thời gian gọi là chuyển tiếp. “Vẻ tử tế, dịu dàng luôn thoát ra từ người dân thành phố, lẫn du khách. Nhà cửa, đường phố, công viên – thật khó để diễn tả chính xác như thế nào – nhưng tất cả đều được xây dựng và sắp xếp để cho mình cảm thấy như đó chính là nơi mình đã từng quen thuộc ngay khi vừa bước vào. Giống như ở New York, nhưng phải là một New York hoàn toàn mang tính cách của Greenwich Village. Cái cách của tôi nhằm diễn tả sự khác biệt khi có người hỏi là so sánh New York như một ngôi sao điện ảnh phóng túng, một Marilyn Monroe, trong khi đó Montreal thì lại có dáng vẻ của một cô nữ sinh trong trang phục mùa hè, tung tăng ngồi trên yên chiếc xe đạp.”

Thành phố Montreal là nơi quen thuộc và yêu dấu của tác giả bởi vì mỗi ngày, nhà văn này thường lái xe từ nhà tại Longueuil, đi qua cây cầu Jacques Cartier, rồi trên con đường Visitation Street, nhà văn đã nhìn thấy ngôi thánh đường vĩ đại Saint Pierre Apôtre. Đây là ngôi giáo đường đã mở cửa cho mọi người trong vùng Hochelaga Maisonneuve để họ đi tìm sự an nhiên tự thân.

Nhà văn Kim Thúy cũng thường hay la cà trong khu chợ hải sản La Mer, tại nơi này các người ưa chuộng đồ biển như Kim Thúy đã được đón chào như những thành viên trong gia đình. “Tất cả là vì chính con người mà thôi. Chợ La Mer – hẳn nhiên chứ, tôi có thể mua cá tươi như thế này ở những nơi khác, nhưng cái làm cho con cá ở đây ngon hơn là nhờ câu chuyện ở đằng sau con cá, ở người bán hàng mời chào mình mua hàng. Hiểu biết được đôi điều về cá từ những người bán hàng có gốc gác từ Nam Mỹ, từ Lebanon, từ khắp nơi trên thế giới sẽ làm mình thay đổi loại cá mình mua, cách mình mua, và cả cách mình nấu món cá ấy”.

Giống như đa số các nhà văn, nhà thơ khác, tác giả Kim Thúy cũng thường hay ngồi trong quán cà phê N. Latte, tọa lạc tại một góc phố gần nhà ở Vieux Longueuil: “Tôi rất hài lòng vì mình có một nơi chốn lui tới như thế này. Tôi đến để ủng hộ quán vì không khí của quán rất quyến rũ. Phần khác, để thưởng thức món cà phê. Dù cho đã cố gắng hết sức, tôi không thể nào pha được một ly cà phê sữa ở nhà ngon như tại quán này”.

Một địa điểm khác mà nhà văn Kim Thúy ưa thích là quán cà phê Espace Pépin Maison nằm trên đường St Paul trong khu Montreal cũ.

Cũng khá gần nhà là một tiệm ăn mà tác giả Kim Thúy thường lui tới. Đó là nhà hàng Dur à Cuire năm trên đường St Jean ở Longueuil. Nhà văn nói về nhà hàng bán thức ăn Pháp: “Đây là một địa điểm xuất sắc về thức ăn, về khung cảnh và cả về lòng nhân hậu. Một hôm tôi đến đó ăn trưa với đứa con trai mắc chứng tự kỷ. Con tôi không thể ăn những thứ có trong thực đơn của nhà hàng. Tôi giải thích với viên đầu bếp. Không lâu sau đó, ông ta bưng ra một đĩa thức ăn ngon nhất, thứ thức ăn mà hai mẹ con tôi có thể cùng ăn với nhau. Dàn nhân viên nhà hàng còn rất trẻ, rất sáng tạo và thông minh. Bếp nấu bày ra trước mắt thực khách, mình có thể nhìn thấy họ đã dồn hết tâm trí vào đĩa thức ăn cho mình như thế nào. Họ là bậc thầy về nghệ thuật nấu nướng. Tôi rất thích vì nhà hàng này chỉ cách nhà tôi độ 7 phút đi bộ.”

Tất cả câu chuyện xoay quanh vấn đề ăn uống này nhắc nhở chúng ta biết rằng, sau khi đã là một luật sư, và trước khi trở thành nhà văn, Kim Thúy đã làm chủ một nhà hàng. “Đúng vậy! Nhưng tôi phải nói ngay điều duy nhất về nó (việc điều hành một nhà hàng ăn) mà tôi còn nhớ đến, là tiếp xúc với khách hàng, chia xsẻ với nhau những câu chuyện hàng ngày cùng những niềm vui nỗi buồn”.

Librairie Alire, một cửa hàng sách độc lập ở Longueuil, đã đáp đúng niềm đam mê của con mọt sách Kim Thúy. “Tiệm sách chỉ cách 10 phút đi bộ từ nhà tôi và các người làm việc tại đó thì tuyệt vời vô cùng. Có lần, tôi vừa bước vào bên trong thì một nhân viên bán sách chạy ra và bảo tôi: Tôi biết bà muốn tìm cái gì. Rồi anh ta đưa cho tôi quyển sách “Kiến Trúc và Thẩm Mỹ” của Alain de Botton. Quả đúng đó là quyển sách tôi đang cần. Như thể anh ta là thầy bói không bằng.”

5/ Các Tác Phẩm Của Nhà Văn Kim Thúy.
Ru (2009)
À toi (2011), cùng viết với  Pascal Janovjak
Mãn (2013)
Vi (2016)
Le secret des Vietnamiennes (2017).
6/ Các Giải Thưởng và Bằng Cấp Danh Dự (Awards and Honours)
Grand Prix RTL-Lire (Ru), Paris Salon du livre (2010)
Grand Prix La Presse, Essay/Practical Books category (Ru), Montreal Salon du livre (2010)
The Governor General’s Literary Award for French-language fiction (Ru) (2010)
Grand prix littéraire Archambault (Ru) (2011)
Mondello Prize for multiculturalism (Premio Modello per la Multiculturalità, Italy) (Ru) (2011)
Paul-Gérin-Lajoie Award for tolerance, Fondation Ensemble (2013)
Canada Reads winner (Ru), Canadian Broadcasting Corporation (CBC) (2015)
Knight of the National Order of Quebec (Ordre national du Québec) (2015)
2017 NordSud International Prize (for Il mio Vietnam, the Italian translation of her novel Vi), Pescarabruzzo Foundation (2017)
Honorary Doctorate, Concordia University (2017).

Phạm Văn Tuấn
song  
#4 Đã gửi : 24/04/2024 lúc 11:28:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,751

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trích Đoạn Ba Tác Phẩm: Ru, Vi & Mãn Của Kim Thúy

UserPostedImage

Theo phần giới thiệu ngắn kèm theo tác phẩm đầu tay “Ru”, Kim Thuý đã từng là thợ may, thông dịch viên, luật sư, chủ tiệm ăn, hiện nay sống ở Montreal và dành toàn thời gian để viết. Chi tiết hơn, Kim Thúy sinh năm 1968 ở phần đất có thể gọi đúng nhất là Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1978, chị cùng gia đình vượt biên và vượt biển đến Malaysia rồi từ đó đến vùng Quebec, Canada, định cư ở Montreal. biên và vượt biển đến Malaysia rồi từ đó đến Quebec, Canada, định cư ở Montreal. Chị theo học trường Đại học Montreal, lấy bằng cử nhân ngôn ngữ học và thông dịch rồi sau đó là bằng luật sư. Nhờ hai văn bằng này, chị có dịp về Việt Nam cùng một đoàn chuyên gia người Canada vào giữa thập niên 1990 với vai trò cố vấn chính quyền Việt Nam trong những bước chập chững đầu tiên hướng đến chủ nghĩa tư bản. Sau hơn hai năm ở Bangkok, Thái Lan, nơi chị sanh hai con trai, gia đình chị về lại Montreal. Kim Thúy mở một tiệm ăn, việc sau này chị gọi là điên rồ, và sau năm năm theo lời khuyên của chồng tạm nghỉ ngơi. “Ru” hình thành rất nhanh sau đó, thoạt tiên như một việc tiêu khiển, rồi trở thành tác phẩm đầu tay của chị vào năm 2009, rồi đoạt giải Toàn Quyền (Quebec) cho văn chương Pháp ngữ vào năm 2010. Bản dịch tiếng Anh của “Ru” bởi Sheila Fischman phát hành vào năm 2012 được vào vòng chung kết giải Scotiabank Giller năm 2012 và Tác phẩm đầu tay của Amazon Canada năm 2013, rồi đoạt giải Canada Reads năm 2015. "Ru" đã được phát hành ở hai mươi quốc gia.

Cho đến nay, tác phẩm của Kim Thúy gồm có: Ru (2009); À toi (2011) (Gửi người), viết cùng Pascal Janovjak; Mãn (2013); Vi (2016) Le secret des Vietnamiennes (Bí quyết của phụ nữ Việt) (2017).

Nhìn chung, lượng tác phẩm của Kim Thúy chưa nhiều, nhưng đề tài viết của chị về những câu chuyện mang bản sắc riêng tư của người tỵ nạn/di dân Việt, trong lối viết rất thơ với nhiều hình tượng, đã đủ để mang chị vào vòng chung kết của giải New Academy Prize in Literature năm 2018 (1). Trả lời phỏng vấn về sự đề cử này, Kim Thúy cho rằng cơ hội thắng giải của chị hầu như là con số không. Đây dường như không phải là sự khiêm nhường làm dáng, cho phải phép, của một người tranh giải, vì theo một bài của John Barber viết năm 2012 và cập nhật năm 2018, Kim Thúy ngần ngại không muốn tự nhận là "nhà văn", vì chị không nghĩ "viết" đồng nghĩa với "làm việc".

Vẫn còn yêu và gắn bó với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, trừ một tác phẩm viết chung với Pascal Janovjak, ba tiểu thuyết riêng của chị có đề tựa ngắn theo tinh thần "cô đọng" Đông phương, đến mức không còn ngắn hơn được nữa: Ru, Mãn, Vi. Cũng rất Đông phương là hình tượng trong những đề tựa này. "Ru" gợi lên rất nhiều điều khác nhau từ lời hát, âm thanh, hình ảnh, tâm trạng trong tiếng Việt, còn trong tiếng Pháp cổ, “ru” có nghĩa là "một dòng nước nhỏ", rất có thể là ý tưởng và hình tượng của chính Kim Thúy và những người Việt lưu lạc nơi xứ người, vì trước khi "Ru" ra đời, Kim Thúy đã mở một nhà hàng ở Montreal mang tên "Ru de Nam" (Dòng chảy Việt Nam). "Mãn", theo lời Kim Thúy, là một chữ rất đẹp vì nó gợi lên nhiều hình tượng. "Vi" là tên nhân vật chính trong truyện, nhưng theo Kim Thúy cũng có thể hiểu là "vie", hay “cuộc đời” trong tiếng Pháp.

Tuy không tự nhận là nhà văn, Kim Thúy minh định văn chương của chị là "văn chương người tỵ nạn" không phải "văn chương di dân".

Sau đây là ba đoạn trích trong ba tác phẩm của Kim Thúy từ ba cuốn sách Ru, Vi và Mãn.

1. RU

Tôi sinh ra dưới bầu trời trang hoàng với pháo bông, những vòng ánh sáng, bắn lỗ chỗ đạn pháo. Mục đích chào đời của tôi là thay vào những cuộc sống đã bị mất đi. Bổn phận cuộc đời tôi là nối tiếp cuộc đời của mẹ tôi.

Tôi tên Nguyễn An Tịnh, mẹ tôi tên Nguyễn An Tĩnh. Tên tôi chỉ là một biến hoá của tên bà, vì dấu nặng dưới chữ i đã phân chia, dị biệt, tách rời tôi với bà. Tôi là phần nối kết của bà, ngay cả trong tên tiếng Việt của tôi, tên bà có nghĩa "không gian an bình" và tên tôi có nghĩa "nội tại an bình". Với hai cái tên gần như có thể hoán đổi, mẹ tôi minh định rằng tôi là phần nối tiếp của bà, rằng tôi sẽ tiếp tục câu chuyện của bà.

Lịch sử Việt Nam, với chữ lịch sử viết hoa, phá hỏng những dự định của mẹ tôi. Lịch sử quăng dấu nặng dấu ngã trong tên chúng tôi xuống nước khi đưa chúng tôi qua Vịnh Xiêm la ba mươi năm trước. Lịch sử Việt Nam cũng tước bỏ ý nghĩa của tên chúng tôi, rút cạn chúng thành những âm lạ tai, nhất là lạ với tiếng Pháp. Quan trọng hơn cả là, khi tôi mười tuổi, Lịch sử Việt Nam chấm dứt vai trò của tôi là phần nối tiếp của mẹ tôi.

Vì chúng tôi tha hương, con tôi không hề là phần nối tiếp của tôi, của lịch sử đời tôi. Tên chúng là Pascal và Henri, và chúng nhìn không giống tôi. Tóc chúng nhạt hơn tóc tôi, da trắng, lông mi dầy. Tôi không cảm thấy những cảm xúc mẫu tử tự nhiên tôi chờ đợi khi tôi ghì chúng vào ngực vào giữa đêm lúc ba giờ sáng. Bản năng người mẹ đến với tôi rất lâu sau đó, qua những đêm mất ngủ, những chiếc tã dơ, những nụ cười không ngờ, những niềm vui bất chợt.

Chỉ đến khi ấy tôi mới hiểu tình thương của bà mẹ ngồi đối diện tôi trong lòng tàu, đầu đứa con nhỏ trong tay bà đầy ghẻ lở hôi hám. Hình ảnh ấy ở trước mắt tôi trong nhiều ngày và có lẽ nhiều đêm. Ngọn đèn nhỏ treo trên sợi dây kim loại nối với một cái đinh han rỉ tỏa ra một ánh sáng yếu ớt không đổi. Sâu trong lòng tàu, ngày và đêm cũng như nhau. Nguồn ánh sáng thường trực che chở chúng tôi khỏi biển trời mênh mông chung quanh. Những người ngồi trên boong tàu bảo chúng tôi không có ranh giới giữa màu xanh của trời và màu xanh của biển. Không ai biết chúng tôi đang đi đến thiên đường hay rơi vào lòng biển sâu. Thiên đường và địa ngục ôm ấp nhau trong lòng tàu. Thiên đường hứa hẹn một bước ngoặt trong cuộc đời chúng tôi, một tương lai mới, một lịch sử mới. Còn địa ngục phơi bày những nỗi sợ của chúng tôi: sợ cướp biển, sợ đói, sợ bị ngộ độc vì những chiếc bánh quy tẩm dầu máy, sợ hết nước, sợ không đứng lên nổi, sợ phải đi tiểu vào cái hũ màu đỏ chuyền từ tay này sang tay khác, sợ ghẻ lở trên đầu đứa bé dễ lây, sợ không bao giờ đặt chân lên đất liền nữa, sợ không bao giờ còn nhìn thấy mặt cha mẹ chúng tôi đang ngồi trong bóng tối giữa hai trăm người khác.

Trước khi tàu nhổ neo trên bờ biển Rạch Giá vào giữa đêm, đa số hành khách chỉ có một nỗi sợ: sợ Cộng sản, lý do khiến họ trốn chạy. Nhưng lúc con tàu bị bao quanh, vây bọc bởi đường chân trời cùng một màu xanh, nỗi sợ hoá thành quái thú trăm mặt cưa cụt chân chúng tôi và khiến chúng tôi không còn cảm thấy sự tê cứng trong những bắp thịt không cử động của mình. Chúng tôi đông cứng trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không còn nhắm mắt khi nước tiểu của đứa bé trai ghẻ lở bắn vào chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi vì người bên cạnh nôn mửa. Chúng tôi tê dại, trong vòng giam giữ của vai người này, chân người kia, nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.

Chuyện một cô bé đi ven thành tàu bị mất thăng bằng và chìm vào biển truyền đi trong lòng tàu hôi hám như thuốc mê hoặc thuốc tê, biến ngọn đèn độc nhất thành ngôi sao bắc đẩu và những cái bánh tẩm dầu máy thành bánh quy bơ. Vị dầu máy trong cổ họng chúng tôi, trên lưỡi chúng tôi, trong trí chúng tôi đưa chúng tôi vào giấc ngủ như bài hát ru người đàn bà bên cạnh tôi hát.

Cha tôi đã dự tính, nếu gia đình tôi bị Cộng sản hay cướp biển bắt, sẽ đưa chúng tôi vào giấc ngủ miên viễn, như nàng Công chúa ngủ trong rừng, với những viên cyanide. Trong một thời gian rất lâu, tôi muốn hỏi ông tại sao ông không nghĩ đến việc cho chúng tôi lựa chọn, tại sao ông muốn tước đi khả năng chúng tôi có thể sống sót. Tôi không tự hỏi mình câu hỏi ấy nữa khi tôi làm mẹ, khi bác sĩ Vinh, một bác sĩ giải phẫu có tiếng ở Sài Gòn, kể cho tôi nghe ông đã lần lượt đưa năm người con của ông, từ cậu con trai mười hai tuổi đến cô con gái năm tuổi, một mình đi trên năm chiếc tàu khác nhau, trong năm lần khác nhau, ra biển cả, xa rời những cáo buộc của chính quyền Cộng sản vẫn lơ lửng trên đầu ông. Ông đã chắc ông sẽ chết trong trại giam vì ông đã bị buộc tội giết chết vài đồng chí Cộng sản khi ông giải phẫu cho họ, dù họ chưa từng đặt chân đến bệnh viện của ông. Ông hy vọng cứu được một hai người con bằng cách gửi họ ra biển như thế. Tôi gặp bác sĩ Vinh trên mấy bậc thềm nhà thờ, những bậc thềm ông dọn tuyết trong mùa đông và quét sạch trong mùa hè để cám ơn vị tu sĩ Ki-tô giáo đã đóng vai người cha cho các con ông, lần lượt nuôi cả năm người cho đến lớn, cho đến khi ông ra tù.

Tôi không khóc, cũng không cười, khi tôi nghe rằng con trai Henri của tôi là tù nhân trong thế giới riêng của nó, khi người ta xác nhận nó là một trong những đứa trẻ không nghe thấy chúng ta, không nói với chúng ta, dù chúng không câm không điếc. Nó cũng là một trong những đứa trẻ chúng ta phải yêu thương qua khoảng cách, không đụng chạm chúng, không hôn hít chúng, không cười với chúng vì tất cả cảm quan của chúng sẽ bị bạo hành với mùi da thịt của chúng ta, cường độ giọng nói của chúng ta, kết cấu những sợi tóc của chúng ta, nhịp đập trái tim của chúng ta. Có lẽ nó sẽ không bao giờ âu yếm gọi tôi là maman (2), dù nó có thể phát âm từ poire (3) với tất cả sự tròn trịa và gợi cảm của âm oi (4). Nó sẽ không bao giờ hiểu tại sao tôi khóc lần đầu tiên nó cười. Nó sẽ không biết, nhờ nó, mỗi tia sáng của niềm vui đã trở thành ơn phước, và tôi sẽ luôn tranh đấu với căn bệnh tự kỷ, dù tôi đã biết không thắng nổi nó. Tôi đã bại trận, bị lột trần, đánh gục.

(1) Giải mới được lập ra thay thế giải Nobel Văn chương 2018 bị hủy bỏ vì những lùm xùm trong đoàn giám khảo. Người đoạt giải là Maryse Condé, xuất thân từ vùng Guadeloupe thuộc Pháp, quần đảo Leeward ở Carribean, học giả và giáo sư đại học văn chương Pháp, đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương. Bà đã viết hơn mười tiểu thuyết, thường với chủ đề nô lệ, chế độ thuộc địa và sự bóc lột.
(2) Tiếng gọi mẹ trong tiếng Pháp
(3) Trái lê trong tiếng Pháp
(4) Một âm trong tiếng Pháp

2. VI

Khi tôi tám tuổi, căn nhà bị ném vào im lặng.

Dưới cái quạt phụ gắn trên tường màu ngà của phòng ăn, một miếng giấy bồi cứng màu đỏ tươi mang một khối ba trăm sáu mươi lăm tờ giấy. Trên mỗi tờ ghi tháng, thứ trong tuần, và hai ngày: một theo dương lịch, một theo âm lịch. Ngay khi tôi có thể trèo lên một cái ghế, tôi được dành niềm vui xé một trang khi tôi thức dậy. Tôi là người canh giữ thời gian. Đặc quyền ấy bị lấy đi khi hai anh tôi, Long và Lộc, mười bảy tuổi. Bắt đầu vào ngày sinh nhật ấy, ngày chúng tôi không ăn mừng, mẹ tôi khóc mỗi sáng trước cuốn lịch. Tôi có cảm tưởng bà đang tự xé chính mình cùng lúc bà xé tờ lịch của ngày hôm ấy. Tiếng tíc tắc của đồng hồ thường khi ru ngủ chúng tôi vào giờ chợp mắt buổi trưa bỗng nghe như một quả bom nổ chậm.

Tôi là con út trong nhà, cô em gái duy nhất của ba người anh, được mọi người bảo vệ như những lọ nước hoa quý sau tủ kính bày hàng. Mặc dù tôi không được biết nỗi bận tâm của gia đình do còn nhỏ tuổi, tôi biết hai người con trai lớn sẽ phải đi vào trận mạc ngày họ mười tám tuổi. Dù họ được gửi đi Cam Bốt đánh Pol Pot hay ra biên giới Trung Quốc, cả hai điểm đến sằn dành cho họ cùng một số phận, cùng một cái chết.

Ông nội tôi đã tốt nghiệp ban Luật ở trường Đại học Hà Nội, với diện học sinh bản xứ. Pháp quốc phụ trách việc đào tạo thần dân của mình nhưng không ban cùng giá trị cho những bằng cấp phát ở những thuộc địa. Có thể Pháp đã đúng khi làm thế vì thực tế đời sống ở Đông dương hoàn toàn không giống thực tế đời sống ở Pháp. Mặt khác, yêu cầu của trường và những câu hỏi bài thi thì giống nhau. Ông nội tôi thường kể cho chúng tôi nghe rằng sau những kỳ thi viết là một chuỗi kỳ thi vấn đáp để lấy được mảnh bằng. Trong lớp Pháp văn, ông phải phiên dịch trước mặt các giáo sư một bài thơ tiếng Việt sang tiếng Pháp và một bài khác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Những bài toán cũng phải được giải miệng. Thử thách cuối cùng là đương đầu với sự thù địch của những người sắp quyết định số phận của ông mà không bị mất bình tĩnh.

Sự khe khắt của những ông thầy không làm các trò ngạc nhiên vì thứ bậc xã hội đặt những người trí thức trên đỉnh kim tự tháp. Họ ngồi đó làm những nhà thông thái và sau khi được lên chức sẽ mang danh vị “giáo sư” trọn đời. Không ai dám nghĩ đến việc hạch hỏi những điều họ nói vì họ sở hữu sự thật hiển nhiên. Đó là lý do ông nội tôi không hề phản đối khi các thầy của ông cho ông một cái tên Pháp. Vì thiếu kiến thức, hay để chống đối, cha mẹ ông đã không làm thế. Vậy nên, trong những lớp học, năm này qua năm khác, ông có cái tên mới. Henri Lê Văn An, Philippe Lê Văn An, Pascal Lê Văn An...Trong những cái tên này, ông giữ lại tên Antoine và biến Lê Văn An thành tên họ.

Trở về lại Sài Gòn, ông nội tôi trở thành một thẩm phán được kính nể và một chủ điền giàu khó ngờ. Ông bày tỏ niềm kiêu hãnh vì đã cùng một lúc tạo dựng cơ ngơi và danh tiếng, bằng cách cho con cái mang tên ông. Therese Lê Văn An, Jeanne Lê Văn An, Marie Lê Văn An...và cha tôi, Jean Lê Văn An. Ngược với tôi, ba tôi là con trai duy nhất, trong một gia đình có sáu người con gái. Cũng như tôi, ba tôi đến cuối cùng, khi mọi người đã hết hy vọng có con cháu nối dòng. Sự ra đời của ba tôi biến đổi cuộc đời của bà tôi, cho đến khi ấy phải ngày ngày chịu đựng những lời ác mó vì không thể sinh con nối dõi. Bà đã bị giằng xé giữa ước muốn làm vợ duy nhất của ba tôi và bổn phận của ông phải chọn vợ lẽ. May mắn cho bà, chồng bà là một trong những người theo mô hình chồng một vợ một của Pháp. Hoặc có thể đơn giản chỉ là ông rất yêu bà, một người phụ nữ nổi tiếng khắp Nam phần vì sắc đẹp thanh lịch và sự gợi cảm.

Bà nội tôi gặp ông nội lần đầu vào một buổi sáng tinh mơ ở chợ nổi Cái Bè, một quận nửa đất nửa nước trên một nhánh sông Cửu Long. Mỗi ngày từ năm 1732, thương lái đã mang rau quả thu được đến vùng châu thổ ấy để bán cho những nhà buôn sỉ. Từ xa, màu gỗ hoà lẫn với màu nâu của làn nước đất sét tạo cảm giác rằng những trái dưa, trái thơm, trái bưởi, trái bí đang tự mình trôi đến những người đàn ông đã đợi trên bến từ bình minh để chờ chụp bắt chúng. Cho đến ngày hôm nay, họ chuyền rau quả bằng tay, như thể chúng được trao gửi chứ không phải là bán cho họ. Bà nội tôi đứng trên bến phà mê say nhìn những cử động trùng lặp nhịp nhàng này khi ông nội tôi chú ý đến bà. Thoạt tiên ông bị mặt trời chói mắt, rồi sững sờ vì cô gái với những đường cong đầy đặn nổi bật lên trong chiếc áo dài Việt Nam không dung thứ bất kỳ chuyển động thừa thãi nào và trên hết, bất kỳ ý định sỗ sàng nào. Những nút bấm dọc theo bên phải thân hình khép lại chiếc áo nhưng không bao giờ thực sự cài chặt. Kết quả là, một chuyển động đột ngột hoặc giang rộng sẽ khiến chiếc áo mở tung ra. Vì lý do này, những nữ sinh phải mặc áo lót để tránh sự lộ liễu bất ngờ. Mặt khác, không điều gì có thể ngăn hai tà áo dài vờn theo hơi thở của làn gió và chiếm lấy những trái tim khó cưỡng lại vẻ đẹp.

Ông nội tôi rơi vào cái bẫy ấy. Lóa mắt vì chuyển động dịu dàng, lắt lay của hai tà áo, ông nói với người đồng sự rằng ông sẽ không rời Cái Bè mà không có người phụ nữ ấy. Ông phải làm xấu mặt một cô gái trẻ khác đã hứa hôn cho ông và khiến bậc trưởng thượng trong gia đình ghét bỏ trước khi ông có thể chạm vào bàn tay của bà nội tôi. Một số người tin rằng ông yêu đôi mắt mi dài hình hạnh nhân của bà, những người khác cho là đôi môi mọng của bà, và những người khác nữa chắc mẩm rằng ông bị phần hông đầy đặn của bà quyến rũ. Không ai chú ý đến những ngón tay thuôn dài ép một cuốn tập vào ngực ngoại trừ ông nội tôi, người tả chúng mãi suốt mấy mươi năm. Ông tiếp tục gợi nhớ chúng rất lâu sau khi tuổi tác đã biến những ngón tay thuôn nuột nà ấy thành một huyền thoại không tưởng, hoặc ít nhất cũng là chuyện kể của tình nhân.

Trích đoạn Vi (2016) của Kim Thúy
Hồ Như chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Sheila Fischman và tham khảo bản chính tiếng Pháp

UserPostedImage

3. MÃN


Maman và tôi nhìn không giống nhau. Bà thấp người, tôi cao. Da bà nâu, da tôi như da con búp bê Pháp. Bà có một lỗ hổng ở bắp chân và tôi có một lỗ hổng trong tim.

Người mẹ đầu tiên của tôi, người cưu mang và sinh ra tôi, có một lỗ hổng ở đầu. Bà lúc ấy còn trẻ hoặc có lẽ còn bé, vì không có người phụ nữ Việt Nam nào dám mang thai trừ phi người ấy có một chiếc nhẫn trên ngón tay.

Người mẹ thứ nhì của tôi, người nhặt lấy tôi từ một vườn rau giữa những cây đậu bắp, có một lỗ hổng trong niềm tin. Bà không còn tin con người, nhất là khi họ nói. Và như thế bà ẩn cư trong một túp lều tranh, xa những nhánh sông Cửu Long mạnh mẽ để tụng kinh bằng tiếng Phạn.

Người mẹ thứ ba của tôi, người dõi theo những bước đầu tập đi của tôi, trở thành Maman, Maman của tôi. Buổi sáng hôm ấy, bà muốn mở vòng tay trở lại. Và thế là bà mở những khung cửa chớp trong phòng ngủ của bà vẫn luôn đóng kín trước đó. Xa xa, trong ánh sáng ấm áp, bà nhìn thấy tôi, và tôi trở thành con gái của bà. Bà cho tôi lần sinh ra thứ nhì bằng cách mang tôi đến một thành phố lớn, một chốn khác vô danh, phía sau một sân trường, chung quanh là những trẻ nhỏ ganh tỵ với tôi vì tôi có người mẹ dạy ở trường và bán chuối lạnh.

Mỗi sáng lúc còn rất sớm, trước khi lớp học bắt đầu, chúng tôi đi chợ, Chúng tôi khởi đi từ người đàn bà bán dừa già, cùi dầy nước ít. Người đàn bà nạo nửa trái dừa đầu tiên với một nắp chai nước ngọt đóng đinh vào đầu một khúc gậy dẹt. Những sợi dừa dài rơi xuống xoắn vòng xinh xắn, như những dây ruy băng, lên lớp lá chuối trải trên sạp. Bà hàng nói không ngớt miệng và hỏi mãi Maman cùng một câu hỏi: "Bà cho con bé ăn cái gì mà môi nó đỏ thế?" Để tránh câu hỏi ấy, tôi tập thói quen mím môi, nhưng tôi quá mê mải vì bà nạo nửa quả dừa thứ nhì đến nỗi tôi cứ há miệng theo dõi. Bà đặt một chân lên thanh kim loại dài màu đen nằm một phần trên một chiếc ghế gỗ nhỏ. Không nhìn những chiếc răng nhọn ở đầu tròn của thanh kim loại, bà nạo vụn cùi dừa nhanh như máy.

Những mảnh dừa bào rơi qua lỗ tròn của thanh kim loại chắc hẳn giống cảnh tuyết rơi ở xứ ông già Noel, Maman vẫn nói thế, thực ra là điều mẹ của bà vẫn nói. Bà nói những lời của mẹ để nghe giọng mẹ lần nữa. Và khi nào bà nhìn thấy lũ con trai chơi đá banh với một lon rỗng, bà không thể không thì thầm “londi” như mẹ bà.

Đó là từ tiếng Pháp đầu tiên của tôi: “londi”. Trong tiếng Việt, lon có nghĩa là "cái lon" và đi là "đi khỏi". Trong tiếng Pháp, hai âm này cùng nhau tạo thành “lundi” trong tai của người phụ nữ Việt. Theo ví dụ của mẹ bà, bà dạy tôi từ tiếng Pháp ấy bằng cách bảo tôi chỉ cái lon rồi vừa đá nó, vừa nói “londi” cho lundi. Ngày thứ hai của tuần lễ là ngày đẹp nhất vì mẹ bà đã qua đời trước khi dạy bà cách phát âm những ngày khác. Chỉ có lundi gắn liền với một hình ảnh rõ nét không thể nào quên. Sáu ngày còn lại không có sự liên tưởng nào, vì thế giống nhau hết. Đó là lý do mẹ tôi thường lẫn lộn mardi (1) với jeudi (2) và đôi khi đảo ngược samedi (3) và mercredi (4).

Tuy thế, trước khi mẹ của bà qua đời, bà đã có đủ thời gian để học cách làm nước cốt dừa bằng cách ép những mảnh dừa nạo đẫm nước. Những bà mẹ dạy con gái nấu nướng nói nhỏ giọng, thì thầm để láng giềng không thể trộm những công thức nấu nướng rồi có thể sẽ rù quến chồng họ cũng bằng những món ấy. Những truyền thống nấu nướng được truyền lại trong bí mật, như những trò ảo thuật giữa thầy và trò, mỗi lần một cử động, theo nhịp của từng ngày. Theo quy luật tự nhiên, các cô gái học cách đo mực nước nấu cơm với đốt đầu tiên của ngón tay trỏ, cắt ớt hiểm với mũi dao để biến chúng thành những đóa hoa vô hại, gọt vỏ xoài từ cuống đến ngọn để không đi ngược sớ xơ...

Đó là cách tôi học từ mẹ rằng trong hàng chục giống chuối bán ngoài chợ, chỉ có chuối xiêm có thể được ép mỏng mà không bị nát và có thể để đông lạnh mà không bị thâm. Khi tôi mới đến Montréal, tôi làm món ấy cho chồng tôi, người đã không ăn nó hai mươi năm. Tôi muốn anh nếm lại cuộc phối ngẫu điển hình của đậu phọng và dừa, hai nguyên liệu ở miền nam Việt Nam có mặt trong món tráng miệng cũng nhiều như món điểm tâm, Tôi hy vọng có thể phục vụ và bầu bạn chồng tôi mà không quấy động bất cứ điều gì, hơi giống những mùi vị hầu như không được nhận biết vì chúng luôn luôn hiện diện.

Mẹ gửi gấm tôi cho người đàn ông này vì tình mẫu tử, cũng như sư cô, người mẹ thứ nhì của tôi, đã trao tôi cho bà vì nghĩ đến tương lai của tôi. Vì Maman đang chuẩn bị cho cái chết của bà, bà tìm cho tôi một người chồng có những phẩm chất của người cha. Một trong những người bạn của bà, đóng vai bà mối, mang anh đến thăm chúng tôi vào một buổi chiều. Maman sai tôi mời trà, chỉ có thế. Tôi không nhìn khuôn mặt của người đàn ông ngay cả khi tôi đặt chiếc tách xuống trước mặt anh. Cái nhìn của tôi không cần thiết, quan trọng là cái nhìn của anh.

Anh đã đến từ xa và không có nhiều thời gian. Nhiều gia đình đang đợi để giới thiệu anh cho con gái mình. Anh là người Sài Gòn nhưng đã rời Việt Nam năm hai mươi tuổi, bằng tàu, trong số những boat people (5). Anh đã sống nhiều năm trong một trại tỵ nạn ở Thái Lan trước khi đến Montreal, nơi anh tìm được việc làm nhưng không phải là đất nước. Anh là một trong những người đã sống quá lâu ở Việt Nam nên không thể trở thành người Canada. Và ngược lại, người đã ở quá lâu ở Canada nên không thể trở lại là người Việt.


Trích đoạn Mãn (2013) của Kim Thúy
Hồ Như chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Sheila Fischman và tham khảo bản chính tiếng Pháp

Theo Việt Báo
__________________
(1) Mardi: ngày thứ Ba
(2) Jeudi: ngày thứ Năm
(3) Samedi: ngày thứ Bảy
(4) Mercredi: ngày thứ Tư
(5) Boat people: thuyền nhân tỵ nạn Việt

Sửa bởi người viết 24/04/2024 lúc 11:31:59(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

song  
#5 Đã gửi : 24/04/2024 lúc 11:39:48(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 23,751

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
HAI NỮ VĂN SĨ CANADA GỐC VIỆT NAM NỔI TIẾNG


 
Canada được mệnh danh là “xứ lạnh tình nồng” vì là nơi dang tay đón tiếp những di dân đến từ những nhiểu nước trên thế giới trong đó có người Việt Nam. Với một xã hội đa văn hoá và một chế độ an sinh xã hội rất tốt, dù thời tiết khắc nghiệt Canada luôn luôn được xếp trong những nước hàng đầu thế giới mà người dân sống hạnh phúc.


Những người di dân đến Canada cũng đã cống hiến tài năng, sức lực của mình trong sự vẻ vang của quê hương thứ hai của mình. Người di dân Việt Nam không thiếu phần đóng góp của mình vào đất nước Canada.


Trong bài này tác giả xin nói về sự đóng góp của hai người phụ nữ Việt Nam từng là hai bé gái khi đặt chân đến Canada, bây giờ là hai nhà văn đem lại một luồng gió mới cho nền văn chương, nghệ thuật Canada. Đó là: Kim Thuý và Caroline Vũ.

T1.  Kim Thuý

UserPostedImage

Vào tuổi lên 10, Kim Thúy cùng với cha mẹ và 2 người anh đã là các thuyền nhân, giống như một triệu người miền Nam vào thời kỳ đó, đã bỏ chạy khỏi chế độ Cộng Sản sau khi chính quyền Miền Nam sụp đổ vào năm 1975.


Gia đình cô Kim Thúy đã tới một trại tỵ nạn tại Mã Lai do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành rồi sau 4 tháng trường ở trong trại tị nạn này, chính quyền Canada đã chấp nhận cho gia đình cô Kim Thúy sang định cư tại xứ sở Canada bởi vì cha mẹ của cô có thể nói lưu loát tiếng Pháp.


Vào cuối năm 1979, gia đình tị nạn này đã tới thị trấn Granby trong vùng Eastern Townships của Quebec rồi về sau, gia đình Kim Thúy rời sang thành phố Montreal.


Vào năm 1990, cô Kim Thúy đã đậu văn bằng Cử Nhân (Bachelor’s degree) của Đại Học Montreal về môn ngôn ngữ học (linguistics) và phiên dịch (translation) rồi 3 năm sau, lại đậu văn bằng Luật Khoa cũng của trường đại học này.


Cô Kim Thúy sau đó làm nghề phiên dịch (translator) và thông dịch (interpreter) trước khi được tuyển vô làm cho Công Ty Luật Strikeman Elliott đặt trụ sở tại Montreal để giúp vào một dự án liên quan tới Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, cô Kim Thúy đã trở về Việt Nam cùng một số chuyên gia người Canada để cố vấn cho chính quyền Cộng Sản khi họ cần tìm hiểu về chế độ tư bản. Cô Kim Thúy đã gặp người chồng cùng làm việc trong công ty Luật và họ đã có đứa con đầu lòng khi đang công tác tại Việt Nam. Đứa con thứ hai chào đời khi cặp vợ chồng này ở Bangkok vì công việc của người chồng tại Thái Lan.
Sau khi  trở về Montreal, cô Kim Thúy mở một nhà hàng ăn có tên là “Ru de Nam”, tại nơi này cô đã giới thiệu các món ăn Việt Nam cho cộng đồng Montreal. Cô Kim Thúy đã hoạt động tại nhà hàng ăn trong 5 năm, sau đó cô dành trọn một năm để viết văn sáng tạo. Hiện nay cô Kim Thúy sinh sống tại Longueuil, ngoại ô của thành phố Montreal.


Hành trình đi tìm tự do của cô Kim Thúy đã là đề tài trong cuốn tiểu thuyết Ru, viết bằng tiếng Pháp và xuất bản năm 2009. Ngoài tác phẩm Ru nổi tiếng nhất, còn có các cuốn tiểu thuyết Mãn (2014) và Vi (2018). Hàn Lâm Viện Mới đã nói rằng các tiểu thuyết của nhà văn nữ Kim Thúy đã “vẽ lên những màu sắc, hương thơm và mùi vị của Việt Nam cũng như những hiểm nguy của cuộc hành trình lưu vong và để tìm kiếm bản dạng”.


Kim Thúy là nhà văn nữ gốc Việt tại Canada, với tác phẩm đầu tiên tên là “RU”, đã nhận được Phần Thưởng Năm 2010 của Toàn Quyền (the Gorvernor General’s Award) nhờ tác phẩm kể trên. Đây là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp rồi được cô Sheila Fischman dịch sang tiếng Anh và phổ biến vào năm 2012.


Tác phẩm Ru cũng được đề nghị tham dự Giải Thưởng Scotiabank Giller năm 2012 (The 2012 Scotiabank Giller Prize) và Giải Thưởng Tiểu Thuyết Đầu Tiên Amazon năm 2013 (The 2013 Amazon.ca First Novel Award).


Vào năm 2016, nhà văn Kim Thúy đã cho ra đời tác phẩm thứ ba, tên là “Vi”. Bản dịch sang tiếng Anh cũng do cô Sheila Fischman, được phổ biến vào năm 2018. Tác phẩm này cũng ở trong danh sách đề nghị nhận Giải Thưởng Scotiabank Giller của năm 2018.


Giải Thưởng Văn Chương của Hàn Lâm Viện Mới (The New Academy Prize in Literature) được thiết lập vào năm 2018 để thay thế cho Giải Thưởng Nobel Văn Chương không được trao tặng bởi vì Ban Giám Khảo của Ủy Ban Văn Chương của Hàn Lâm Viện Stockholm bị tai tiếng do vấn đề bê bối tình dục. Nhà văn thắng giải dự trù được công bố vào ngày 12 tháng 10 năm 2018, nhưng sau đó Giải Thưởng này đã bị hủy bỏ vào đầu tháng 2 năm 2018.
Hàn Lâm Viện Mới (the New Academy) đã công bố 4 nhà văn được chọn vào vòng chung kết cho Giải Thưởng, gồm có:
Maryse Condé, nhà văn nữ người Pháp gốc Guadeloupe.
Neil Gaiman, nhà văn người Anh.
Haruki Murakami, nhà văn người Nhật.
Kim Thúy, nhà văn nữ gốc Việt sinh sống tại Canada.
Tuy không đoạt được giải thưởng này (Maryse Condé được chọn) nhưng Kim Thuý đã đem lại vinh dự cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và tại Canada nói riêng khi cô đã vào được vòng chung kết một giải thưởng văn chương cao quý tương đương giải Nobel văn chương.


“Ru” theo tiếng Việt là Lời Ru còn theo tiếng Pháp là con suối nhỏ. Đây là một từ đã được nhà văn Kim Thúy chọn lựa kỹ càng để đóng khung và bao gồm bên trong các mẩu chuyện được kể lại. Các chủ đề chính của tác phẩm này là chiến tranh và sự di dân, tình mẹ con và gia đình, sự tranh đấu và đổi mới…


Kim Thúy là tác giả hiểu rõ ngôn ngữ học nên đã chọn một từ thật đơn giản làm tên của cuốn tiểu thuyết với ý nghĩa tiềm ẩn bên trong. Nhà văn Kim Thúy đã xác nhận rằng cô đã cố gắng để đạt được một cảm giác yên lặng và nhẹ nhàng trong quá trình viết văn. Và nhà văn này đã mô tả cảnh vượt biển trên một con thuyền nhỏ bồng bềnh: “một ngọn đèn nhỏ treo bằng một sợi dây, buộc vào một cái đinh rỉ sét, đã tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt và không thay đổi. Sâu vào bên trong con thuyền, không có sự phân biệt giữa sáng và tối. Ánh sáng của ngọn đèn đã bao phủ chúng tôi giữa cảnh vô tận của biển cả và bầu trời ở chung quanh. Các người ngồi trên boong thuyền đã kể lại cho chúng tôi biết rằng, không có biên giới giữa màu xanh da trời và màu xanh nước biển. Không ai biết chúng tôi đang hướng về thiên đường hay chìm sâu vào bên trong lòng biển. Thiên đường và địa ngục đều ôm lấy con thuyền”.


Qua tác phẩm Ru, nhà văn Kim Thúy đã dùng nhân vật là cô Nguyễn An Tịnh để kể các câu chuyện chiến tranh, di dân và định cư, và hành trình của cô này từ xứ Việt Nam bị tàn phá để tới xứ sở Canada. Trong cuộc hành trình này, người kể chuyện còn đề cập tới bệnh tự kỷ (autism), sự mại dâm, người Mỹ gốc Á châu, tình yêu và sự tha phương, và tác giả đã dùng cách kể chuyện với bản chất là không nói hết ra về trí nhớ và hồi tưởng.


Lời văn của tác giả Kim Thúy thì duyên dáng, câu chuyện thì súc tích, công việc xuất bản tác phẩm này đã là một việc làm lịch sử tại xứ sở Canada bởi vì Ru là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một người Canada gốc Việt. Người kể chuyện giả tưởng trong cuốn truyện đã chia xẻ các chi tiết về đời sống của cô Kim Thúy và tác phẩm có thể được coi là một hồi ký (a memoir) đã đổi tên.


Tác phẩm Ru của nhà văn Kim Thúy đã nằm trong “Nền Văn Chương Canada gốc Việt” (the Vietnamese Canadian literature), đã trình bày các kinh nghiệm của tác giả, đã được phê bình rộng rãi và thành công về thương mại, tất cả là nhờ nghệ thuật đẹp đẽ của cách viết văn giả tưởng (the beautiful art of fiction), cách mô tả day dứt và sâu đậm của tác giả về thân phận con người tị nạn và di dân, cùng với lòng yêu mến chân thành các giá trị văn hóa Việt Nam. Tác phẩm Ru được viết ra bằng tiếng Pháp, đã được dịch sang 27 ngôn ngữ và gần đây nhất là dịch sang tiếng Ukraine.


Đã từng mở nhà hàng ăn, Kim Thuý có thêm một đam mê khác ngoài việc viết văn, là nấu bếp. Cô đã xuất bản cuốn Le secret des Vietnamiennes, trong đó cô không dấu nghề mà mở toang cánh cửa cho người đọc xem các recettes làm món ăn. Cô cũng thường xuất hiện trên TV trong các chương trình dạy nấu ăn.

UserPostedImage



Năm 2023, tác phẩm Ru của cô đã chuyển thế thành một cuốn phim ăn khách ở Quebec do đạo diễn Charles-Olivier Michaud thực hiện.


2. Caroline Vu  

UserPostedImage

Cô sinh năm 1959 ở Đà Lạt, miền Nam Việt Nam và lớn lên ở Sài Gòn. Lúc 11 tuổi, cô theo mẹ và sang di dân ở tiểu bang Conmecticut, Hoa Kỳ. Sau đó gia đình sang định cư ở Montreal, Quebec, Canada.
Cô đậu bằng Chính Trị học ở đại học McGill, tâm lý học ở đại học Concordia và bác sĩ ở đại học Montreal.
Sau thời gian dài ở Mỹ Châu La Tinh và Âu Châu, cô quay về Montreal hành nghề bác sĩ và sống với hai con gái sau khi chồng cô Mario Laguë là đại sứ của Canada tại Costa Rica, Honduras và Nicaragua qua đời.
Caroline Vu là hội viên của Hiệp Hội nhà văn Quebec.


Các tác phẩm của Caroline Vu:


1) Palawan Story (2014): được giải thưởng Fred Kerner de la Canadian Authors Association.
Truyện kể một bé gái tên Kim được mẹ gởi trên một thuyền đánh cá để vượt biên sang trại Palawan, Phi Luật Tân. Tại đây một nhân viên phái đoàn Mỹ tại trại tỵ nạn nhầm lẫn tên với một bé khác đã được một gia đình bên Mỹ bảo lãnh. Em sang Mỹ với nhân thân đó. Về sau Kim trở thành Bác sĩ và trở lại Palawan giúp đỡ các thuyền nhân ở đó và thu thập các câu chuyện của họ.


2) Un été à Provincetown: bản tiếng Pháp của tác phẩm thứ hai That summer in Princetown được chọn là một trong 15 tác phẩm hay nhứt năm 2015 ở Quebec.
Truyện kể về ba thế hệ trong một gia đình qua các cuộc chiến Đông Dương (1945-1954) và Việt Nam (1954-1975)


3) Catinat Boulevard (2023):
Truyên kể Mai và Mai Ly là hai người bạn gái. Mai là cô gái bán bar ở đường Catinat (Tự Do) lấy một anh lính Mỹ da đen, còn Mai Ly là một nữ du kích Việt cộng. Truyện còn nói về đứa con lai Mỹ của Mai bỏ lại trông một viện mồ côi ở Sài Gòn.


!!/4/2024
Huỳnh Công Ân
____________________
Tài liệu tham khảo:

1) Kim Thuý (1968 – ) Nhà Văn Nữ Danh Tiếng Gốc Việt tại Canada
Phạm Văn Tuấn
https://vietluan.com.au/...eng-goc-viet-tai-canada/
2)Everand
https://www.everand.com/...or/653237305/Caroline-Vu
3)Wikipedia: Caroline Vu
https://en.m.wikipedia.org/wiki/Caroline_Vu
 
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.612 giây.