logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 15/07/2024 lúc 11:59:52(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Năm 2015, Milana đã ba mươi tuổi, đang làm việc trong một công ty Network ở California. Mẹ nàng tỏ ra lo lắng tại sao tuổi này mà không chịu lấy chồng, mà cũng ít thấy có bạn trai; bà e rằng phụ nữ sau ba mươi lăm tuổi khó sanh nở. Nhưng nàng có lý do riêng không nói được với ai.
Vào tối ngày 25 tháng 4 năm 2015, khi xem truyền hình tin tức về trận động đất 8.Mw đang xảy ra tại thị trấn Gorka cách tám mươi cây số về phía Bắc thủ đô Kathmandu của Nepal, nàng rùng mình kinh sợ, nước mắt chảy ròng-ròng nhìn cảnh nhà cửa sụp đổ, người chết vùi thây trong đống gạch đá lổn-nhổn, trẻ em tán lạc mẹ cha, loi-ngoi bò lê-lết trên đường phố. Mặc dù trung tâm động đất ở xa nhưng thủ đô cũng bị chấn động; đền đài, dinh thự, chùa tháp ngả nghiêng. Những lời kêu gọi cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới khiến nàng quyết định xin nghỉ việc một thời gian, tình nguyện ghi tên vào Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.
Mặc dù mẹ nàng lo sợ, cản không muốn nàng đi, nhưng bà biết “cái con bé ương ngạnh, càng cấm cản nó càng làm tới, năm nay ba mươi tuổi đầu chẳng chịu lo lập gia đình, bạn trai nào mon-men đến tính chuyện đều bị nó cho là không hợp với nó”.
Bà biết cái con bé hồi trung học giỏi toán lý, luôn luôn điểm A+, không bạn trai nào bằng nó được, nó kiêu ngạo lắm, đến độ những bạn gái cũng ghét nó. Vào độ tuổi mười bảy mười tám, đứa học sinh Mỹ nào chả cặp bồ, thậm chí phải có kinh nghiệm tình dục mới được cho là bình thường. Còn cái con Milana này nó như tượng đá. Mặc dù bà còn cái thành kiến Việt Nam “chữ trinh đáng giá ngàn vàng, món quà trong trắng dâng chàng tân hôn”, nhưng bà vẫn e ngại nó bị bệnh thời đại, bệnh lãnh cảm đối với người khác giới tính. Bà cảm thấy sợ hãi nếu một ngày nào nó cặp bồ với một cô nào! Xã hội sẽ cho nó nhãn hiệu L.
Milana biết hết những ý nghĩ của mẹ cũng như những xi-xào của họ hàng, bạn bè. Nhưng nàng tự biết, mình là một thiếu nữ đẹp nhiều chàng mê, vẫn có những đòi hỏi tình dục nam nữ bình thường, nhưng nàng cảm thấy “ghê-ghê” nếu một chàng trai không hợp ý nàng đụng đến thân thể mình.
Người đàn ông đầu tiên mà nàng thấy không hợp với nàng, chính là ông anh cả của nàng, Tòng, hơn nàng hai tuổi. Tòng tốt nghiệp đại học ngành kinh doanh, mở văn phòng địa ốc kiếm nhiều tiền, lúc nào cũng diện kẻng, vênh váo; về Việt Nam lấy cô vợ trẻ mới đậu tú tài, tên Trang kém nàng hai tuổi. Tòng tỏ ra mãn nguyện với đời sống, nhưng anh ta đâu biết Trang đã tâm sự với nàng : “Mình kém tuổi Milana, nhưng vì là chị dâu, nên phải xưng là chị với cô. Nhà mình không khá nên mong đi Mỹ học ngành gì kiếm ra tiền gởi về giúp gia đình; nào ngờ hai năm sinh hai cháu, tối tăm mặt mũi suốt ngày, tiền anh Tòng đưa chỉ đủ trang trải tối thiểu vật chất hàng tháng, lấy đâu dư giả cho chính bản thân huống hồ cho cha mẹ; nhiều khi muốn mua riêng một vài thứ mà không đủ tiền;mình buồn lắm, nhiều đêm khóc thầm”.
Cơn giận trong Milana bùng lên ; “Chị yên tâm, em sẽ cho anh ấy một trận, đồ ích kỷ”. Trang chưa kịp ngăn cản thì Milana đã bấm phone gọi Tòng ; “Em không cần anh phân bua, anh là một người ích kỷ, chỉ nghĩ đến hưởng thụ bản thân, anh nghĩ anh lấy vợ để làm gì ? để làm ô-sin cho anh hả ? Chị Trang cần được đi học, từ tháng sau, anh phải mướn người về chăm sóc hai đứa trẻ; em sẽ đich thân dẫn chị Trang đi học”.
Nói là làm, Milana lo ngay hồ sơ học đại học cộng đồng cho Trang. Mẹ nói thằng Tòng nó sợ con Milana lắm, không dám hó hé. Milana dằn mặt Tòng :
“Anh mà đối xử không tốt với chị Trang, em sẽ giúp chị ấy làm đơn ly dị anh luôn, chị ấy dư sức lấy một người khá hơn anh”.
Sau năm năm Trang đậu bằng kỹ sư điện toán, làm việc trong công ty của Milana. Trang nói : “ Chị hàm ơn Milana không biết lấy gì trả; anh Tòng cũng biết điều nhiều lắm, có lần còn nói với chị là bây giờ anh ấy mới biết mình xử sự sai với chị “.
Người đàn ông thứ hai mà Milana cũng không hợp ý, là một chuyên viên kỹ thuật số, tên Bennett, da trắng gốc Anh. Bennett có cái kiêu ngạo ngầm của một kẻ học giỏi, lương bổng cao. Khi Milana học ban cao học vật lý, thường cùng Bennett đàm luận nhiều vấn đề. Bennett tự hào về gia tộc Anh mấy trăm năm, con giòng cháu giống, về nền văn minh kỹ thuật siêu đẳng của người da trắng . Đối với hắn, kỹ thuật cao chính là văn minh đích thực của loài người. Có lần hắn quả quyết với nàng, dân tộc nào có kỹ thuật cao sẽ bách chiến bách thắng. Mặc dù hắn giỏi trong ngành của hắn nhưng những lãnh vực khác của đời sống, hắn ngơ-ngơ nhiều khi ngờ-nghệch. Nàng cho là hắn bất bình thường, tâm lý bất quân bình.
Còn một anh chàng tên Darius, học ngành sử, nàng gặp trong thư viện, cũng hay tìm cơ hội gặp nàng, tỏ ra thích nàng. Darius, Mỹ da trắng gốc Đức, tính tình trầm lặng điềm đạm có kiến thức rộng về sử. Có lần hắn hỏi nàng “Bạn là người Việt Nam, bạn có biết nhiều về lịch sử nước bạn không ?”. Nàng bối rối, cảm thấy hơi đỏ mặt, quả thật nàng gần như mù tịt, đành phải thú thật : “Bố mẹ tôi là người Việt , nhưng tôi sanh ra ở Mỹ, theo học ngành toán lý nên ít để ý đến khoa học nhân văn”.
Từ đó nàng để nhiều thì giờ đọc sử Việt, tự nhủ một ngày nào đó sẽ tranh luận với Darius. Nhờ vậy nàng dần dần hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến bố mẹ mình phải vượt biển tìm cái sống trong cái chết. So sánh đối chiếu, nàng thấy suy nghĩ của anh chàng Bennett sai lệch nhiều; nếu kỹ thuật cao là bách chiến bách thắng thì sao nước Mỹ lại thua trận, rút lui trong rối loạn ? Nàng nghĩ sẽ hỏi Darius xem anh ta nghĩ sao về vấn đề này.
Darius miệt mài trong thư viện vì đang viết một tiểu luận gì đó. Nàng tìm gặp và mời anh ta vào quán nước nói chuyện. Nàng nói : “Tôi đã bỏ nửa năm để đọc lại lịch sử nước tôi nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Tất nhiên sao có kiến thức bằng bạn được, nhưng tôi muốn biết bạn nghĩ sao về vấn đề này”.
Sau này nàng nhớ lại buổi nói chuyện hôm đó, nàng thấy Darius có vẻ lúng túng, kết án những thành phần phản chiến hồi những năm 1960 tiếp tay cho phe cộng sản thắng thế. Nàng nghĩ, ngay thành phần trí thức Mỹ cũng mù mờ chối quanh thì nói chi quần chúng Mỹ. Từ đó nàng cũng không tìm Darius nữa.
Không chỉ Darius hỏi nàng về lịch sử Việt. Có những bạn người Nhật, Đại Hàn cũng có lần hỏi nàng : “Tôi là người Đại Hàn, bạn là người Việt Nam, hai dân tộc chúng ta có nhiều điểm giống nhau ở chỗ trong lịch sử thường bị Hán tộc Trung Hoa xâm lăng đô hộ,nhưng bạn còn có những phụ nữ giỏi giang như Hai Bà Trưng, Bà Triệu lãnh đạo chống Tàu; lúc nào bạn tiện thì kể cho chúng tôi nghe chuyện các Bà nhá”. Milana đã từng cảm thấy mắc cỡ vì nàng say mê môn toán lý ít để ý đến sử học. Nàng thấy rõ người bạn Đại Hàn hãnh diện về lịch sử dân tộc, còn nàng hầu như không có gốc rễ gì, sinh ra ở Mỹ, học toàn tiếng Mỹ, nhưng chẳng phải người Mỹ.
Hồi nhỏ đôi khi nghe mẹ kể về quê ngoại Vĩnh Long nằm giữa giòng Tiền Giang và Hậu Giang của sông Cửu Long, về cù lao An Bình êm đềm thơ mộng, nơi bà sinh ra đời; nàng nghe qua rồi quên luôn vì bài vở học hành tràn ngập. Khi đã đi làm thảnh thơi, nhớ lại lời mẹ kể về quê ngoại, tự nhiên nàng ao ước về thăm cù lao An Bình.
Lại một chàng trai khác hình như theo đuổi nàng. Hắn ta tên Liệt, du học sinh Việt Nam ban toán. Hắn có vẻ săn đón nàng. Có lần sau giờ học, hắn mời nàng đi ăn trưa trong một tiệm Mỹ sang trọng. Hắn nói : “Để cho tiện, xin mời bạn lên xe của tôi”. Xe của hắn hiệu BMW mới toanh; nàng nghĩ xe mình hiệu Toyota cà- cộ, đang đi học lấy tiền đâu tậu xe xịn; anh chàng du học sinh này hẳn là con nhà giàu bên Việt Nam. Khi trả biên lai, thay vì thẻ tín dụng, hắn lôi một xấp tiền mặt giấy một trăm mới tinh, gọi cô phục vụ một cách thiếu lịch sự. Sau buổi ăn trưa hôm ấy, nàng thấy rõ hắn muốn khoe của. Tự nhiên nàng cảm thấy chán, không muốn gặp lại hắn nữa; nàng nghĩ chắc xưa kia nhà hắn nghèo khổ, bây giờ làm ăn phất lên được muốn đè bẹp cái mặc cảm thấp kém bằng cách khoe của ? Hắn muốn tán tỉnh nàng bằng cái cách khiếm nhã ấy à? Nàng điên tiết, nghĩ sẽ cho hắn một bài học. Hắn đâu biết ông bà ngoại nàng trước 75 từng là nhà bán vật liệu kiến trúc nổi tiếng ở Sài Gòn, nhà lầu ba tầng chứa đồ không hết. Hơn nữa, hình như hắn không có những tư tưởng của riêng mình; về bất cứ đề tài nào, hắn suy nghĩ nói năng theo một khuôn sáo có sẵn, nghe phát chán.
Một lần sau bữa cơm chiều, mẹ nàng nói : “Con đã xong đại học, có việc làm rồi, cũng nên tìm bạn trai tính chuyện hôn nhân đi chứ”. Nàng cười thầm, bà cụ lại dò hỏi xem mình có mang nhãn hiệu L không? “ Mẹ yên tâm, con nhiều bạn trai lắm, Mỹ cũng có, Việt cũng có , vì con chưa muốn đấy thôi”. Mắt mẹ nàng như sáng lên : “Có bạn trai Việt hả, hôm nào dẫn anh ấy lại chơi”. Nàng biết tỏng, bà cụ khoái rể Việt hơn. Vừa nghĩ đến Liệt là nàng lại muốn nổi nóng, nhưng nhân thấy mẹ vui , nàng nói : “ Anh ta là du học sinh Viêt Nam, đây anh ta có đưa danh thiếp tiệm buôn của nhà anh ta ở Sài Gòn”.
Nàng lục trong ví tấm danh thiếp của Liệt đưa cho mẹ. Bà cầm đọc, bỗng nàng thấy tay bà run lên, mặt bà tái đi, bà buông tấm danh thiếp rơi xuống, hai tay ôm ngực như nghẹt thở. Milana hoảng sợ vuốt lưng mẹ : “Ô mẹ sao thế, để con gọi 911 ngay”, Bà xua tay : “ Không sao con à, mẹ chí xúc động một tí thôi, cho mẹ ly nước ấm”.
Bà nói, trước đây mẹ mới chỉ kể cho con biết ông bà ngoại ngày xưa lao động cần cù, làm ăn buôn bán lương thiện, không cướp giật của ai mà trở nên giàu có, xây căn nhà ba tầng; nhưng chưa kể cho con năm 1975 người cộng sản không lao động gì mà lại vu cáo ông bà bóc lột của người khác, họ cướp nhà, đuổi ông bà xuống góc vườn, chờ xúc đi vùng kinh tế mới ở bờ rừng chân núi không tiện nghi gì. Ông bà uất ức hai năm sau theo nhau qua đời. May là bà ngoại có kinh nghiệm năm 1954, dành giụm một số vàng, giục mẹ tìm đường vượt biển, tìm xứ tự do văn minh mà sống.
Qua Mỹ, mẹ vẫn theo dõi tin nhà; căn nhà đó bây giờ có chủ mới là một cán bộ cao cấp; vừa nhìn địa chỉ trên tấm thiếp là mẹ xây xẩm mặt mày; chính là nhà khi xưa của ông bà ngoại đó. May mà con cho mẹ biết, nếu không thì....
Milana sững-sờ, may mà hắn ta xử sự một cách thô lậu, chứ nếu hắn ta lịch sự tế nhị thì nàng mắc lừa rồi.
Bao năm nay nàng hiểu sai về mẹ, bây giờ mới vỡ lẽ. Hóa ra trong tâm khảm bà u-uẩn một nỗi uất-ức; căn nhà của ông bà ngoại trị giá ít nhất cũng hai triệu đô-la, chưa kể bao nhiêu vật liệu mới tinh, đáng lẽ thuộc về bà. Mấy lượng vàng bà ngoại cho đã chi vào ghe thuyền hết; qua Mỹ gần như tay trắng, mua được căn “townhouse” này cũng may-mắn lắm rồi. Hơn nữa, bà đang học ngành dược khoa thì nửa đường đứt gánh, qua Mỹ phải kiếm sống bằng nghề may vá.
Từ những năm bảy, tám tuổi nàng đã quan sát liên hệ giữa bố mẹ. Nàng luôn nghe mẹ than thở, trách móc, oán hờn đối với bố; một lỗi nhỏ của bố cũng làm mẹ nổi giận, tuồng như bố trách nhiệm về mọi đau khổ đời mẹ. Sau mỗi lần đi dự tiệc hội ái hữu này nọ, mẹ lại than thở “Nhà con X, con Y, con Z gần biển to đẹp, còn nhà mình như cái hộp diêm”.
Nàng thấy thương bố vô cùng; ông chỉ im lặng nhẫn nhịn. Bố và mẹ học chung thời trung học; khi thi xong tú tài, mẹ học dược, bố nhập ngũ sau biến cố Mậu Thân, 75 đeo lon đại úy, phải đi tù cải tạo cộng sản; khoảng 1980 hai người tình cờ gặp nhau tại Mỹ và đi đến hôn nhân, Ông làm hai “job”, quần quật suốt ngày, chưa kể phải đưa đón hai con đi học. Năm nàng mười tuổi, ông muốn cho hai con đi học võ; ông nói học võ để phòng thân thôi, không phải để đánh người ta là phạm pháp; vào trung học dễ bị bắt nạt, các con phải biết tự vệ.
Anh Tòng nhất định không học võ, chỉ thích học nhảy đầm. Còn nàng thì hăng hái học nhu đạo, vài năm lên được đẳng cấp cao, không bạn nào biết. Mẹ nói, con Milana tính như đàn ông. Bố chăm sóc nàng cẩn thận, chở đi học võ ban đêm không hề than thở. Khi ông mất vì bệnh tim, Milana suy sụp tinh thần, ngày đêm thổn thức nhớ bố. Trong cơn đau khổ, nàng nghĩ ông chết sớm vì nỗi buồn không kiếm được nhiều tiền để mua nhà lớn làm hài lòng mẹ. Nàng âm thầm trách mẹ, nghĩ mẹ là nguyên nhân khiến ông buồn chết sớm. Dần dần nàng xa lánh mẹ, xin đi học xa, thuê phòng tự túc. Nàng nhờ chị Trang chăm sóc mẹ, bà không thể nào hiểu được tâm tình con trẻ.
Những đêm thao thức trong phòng trọ một mình, nàng tự hỏi nguyên nhân gì khiến nàng ngại lập gia đình. Có lẽ mẹ nàng và chị dâu là nguyên nhân trực tiếp. Nếu nàng không can thiệp thì Trang sẽ mãi mãi là một thứ ô-sin cho Tòng. Còn mẹ nàng dằn vặt bố nàng khiến ông nhẫn nhịn quá sức không chịu nổi. Nàng nghĩ nếu lấy chồng, mình sẽ có rơi vào vết xe của mẹ không? Nàng tự thấy tính cách mình không thể như chị Trang, không thể như mẹ. Nhưng sau này, khi biết chuyện ông bà ngoại uất ức mà chết vì bị cướp mất nhà thì nàng hiểu và phân tích rõ tâm lý của mẹ.
Vì nỗi uất ức trong tâm khảm của bà không giải tỏa được nên bố nàng là nạn nhân, một thứ thùng rác cho bà trút cơn hận.
Có gì bí mật trong đời sống vợ chồng khiến nhiều cặp tan vỡ nhanh chóng. Có lẽ hai bên mong đợi nhau quá nhiều so với thực tế nên dễ thất vọng. Thường thì một cô gái, nếu trong ấu thời coi bố là thần tượng, khi lấy chồng sẽ phóng chiếu một cách vô thức hình ảnh bố vào người chồng; nếu anh chồng không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn, người vợ dễ sinh lòng bất mãn, làm tan biến tình yêu ban đầu; cái tình yêu mà theo nàng nên gọi là tình mê thì đúng hơn; mê thì mau tàn.
Nàng không muốn dính vào những bi kịch nhỏ-nhặt vô ích ấy. Không lệ thuộc vào ai thì đời sống nhẹ-nhàng, thong-dong.
Có lần, nhớ bố quá, buồn rũ rượi, thì có đám bạn trung học cũ cả trai lẫn gái rủ đi hộp đêm ; nàng không tự chế, uống nhiều; bỗng có một đám thanh niên khác say ngất- ngưởng tự nhiên đến gây chuyện; nhà hàng ra can thiệp không được, họ còn có thái độ sàm sỡ với phái nữ. Men rượu đang bừng-bừng, nàng tung nhu đạo quật ngã từng thằng, cũng may cảnh sát đến kịp. Nhà hàng làm chứng, nên bọn nàng thong thả ra về. Từ đó nàng vang danh với biệt danh “Milana judo”. Có cô bạn nói : “Lão nào mà còn dám lấy con Milana”.
Nàng quyết định âm thầm nộp đơn thi làm phi công, mong hưởng những giờ phút gay cấn trên bầu trời bao la. Nàng luyện nhu đạo hàng ngày giữ cho thể lực ổn định. Cám ơn bố đã cho con học võ để có lòng tự tin trước những nghịch cảnh.
Khám tổng quát tâm lực và thể lực đều tốt, nhưng một sự cố xảy ra. Bác sĩ cho biết Test về đường hô hấp ở một cao độ có vấn đề, dường như nàng thở khó khi lên cao.
Nàng về leo dốc cao dần, quyết tâm luyện tập tự chữa bệnh. Nàng nghĩ ta sẽ qua Nepal gần Hy Mã Lạp Sơn, sống ở độ cao mấy ngàn mét để tập luyện cho buồng phổi quen với không khí trên cao. Nhân vụ động đất đang diễn ra tại đây, nàng quyết định kết hợp hai việc. Khoảng đầu tháng sáu năm 2015 nàng đã theo đoàn HTT bay qua thủ đô Kathmandu. Nàng được phân công làm trong ban lập bản đồ cứu trợ bằng kỹ thuật số gọi là “crisis mapping”, nhưng tùy nhu cầu hiện trường, phải đi phát quần áo, thuốc men, thực phẩm, coi sóc trẻ em lạc cha mẹ...

***

Nàng tỉnh giấc, đảo mắt nhìn chung quanh, trời có lẽ gần trưa; không phải một căn phòng hay một căn nhà, mà là một kiểu nhà tiền chế tạm dựng lên; có chừng ba chục giường đơn xếp thành ba hàng; mỗi giường có một người nằm. A ! hoá ra là một bệnh xá dã chiến. Nàng ngóc đầu tính ngồi dậy; bỗng có bàn tay đỡ lấy vai nàng, một giọng nữ với tiếng Anh khá trôi chảy : “Xin cô vui lòng từ từ ngồi dậy”.
Một phụ nữ gầy-guộc, gương mặt xạm đen, một tay ôm vai nàng, tay kia đỡ sống lưng nâng nàng ngồi trên giường. Nàng ngạc nhiên hỏi : “ Có phải tôi bị thương không” ? “ Không phải, cô đang trong đoàn đi cứu trợ nạn nhân động đất, thì bỗng té ngất xỉu, sốt cao mê man ba ngày rồi, may quá cô đã tỉnh, để em hâm chén cháo nóng cho cô nhé”.
Người phụ nữ chắc khoảng ba mươi, trạc tuổi nàng, mặc đồng phục y tá, đi xuống cuối căn nhà nơi để máy microwave và chén bát. Những bệnh nhân khác, người thì ho, người thì rên. Nàng mắc cỡ, tự trách cái thói kiêu ngạo của mình, dương dương tự đắc đi giúp người ta, mà bây giờ hóa ra người ta lại phải giúp mình.
Nàng nhớ lại khi theo đoàn cứu trợ nạn nhân trên một sườn núi vừa bị một trận tuyết lở cuốn phăng nhà cửa, nàng quên bẵng mình bị bệnh khó thở trên độ cao, thành ra ngất xỉu bất ngờ. Đã thất bại trong ý định làm phi công, bây giờ lại thất bại trong việc đi cứu trợ, không xấu hổ với chính mình sao được ?
Cô y tá người Nepal bưng chén cháo lại, cầm muỗng tính múc cháo cho nàng. Cử chỉ của cô ta dịu dàng làm sao, nàng xúc động đỡ lấy chén cháo, nói : “Cô tên gì? Cám ơn cô đã chăm sóc tôi mấy ngày nay, đây là bệnh xá khẩn cấp phải không? “Em tên Trisha. Phải, bệnh xá cũ bị sụp đổ trong kỳ động đất đầu tiên, bao nhiêu dụng cụ y tế bể nát hết, giường bệnh cũng hư hại” “Chính phủ lập ra bệnh xá dã chiến này phải không?” “Không phải chính phủ, mà một ông Mỹ giàu bỏ tiền giúp dựng nên, may là cũng tạm cho mấy chục bệnh nhân, nhưng còn nhiều nạn nhân khác lắm cô ạ. Em nghe nói ông Mỹ sẽ giúp chính phủ xây lại bệnh xá này”.
Nàng nghĩ, người Mỹ hào phóng. Nàng lại cảm thấy mình bất lực, bao nhiêu kiến thức khoa học lý thuyết của nàng chẳng giúp gì được trong việc này. Tiền, phải có tiền mới mua thêm thuốc, thêm giường, xây lại bệnh xá, tuyển thêm y tá... Trisha nói : “Em không phải y tá, chỉ là y công thôi, những y tá giỏi phải đi các bệnh viện lớn có bệnh nhân nặng. Người ta cho em ở đây chăm sóc bệnh nhẹ, nhưng ngay cả bệnh thông thường cũng thiếu thuốc. Cô bị sốt mấy hôm mà cũng không có đủ liều Tylenol cho cô đấy; ông Mỹ phải bay sang New Delhi mua sắp về tới”.
Nàng thấy lòng bồi-hồi xao-xuyến thầm nghĩ sao có người tận tụy như thế. Ăn chén cháo nóng, nàng cảm thấy khỏe ra, thể lực nàng vốn sung mãn mà. Nàng nói : “Cám ơn em, tôi không sao, khỏe lại rồi, chắc mai đi làm lại”. Trisha rối rít xua tay : “Không được, không được, hôm qua bác sĩ ghé thăm nói cô phải uống ba ngày thuốc nữa, không phải chỉ thuốc sốt mà thuốc về phổi. Chờ mai ông Mỹ mang thuốc về đã”.
“Xin lỗi, em có gia đình chưa?” “Cha mẹ em chết vì bệnh mấy năm nay, chồng em mới chết trên núi trong kỳ động đất đầu tiên, bây giờ chỉ còn hai mẹ con, con gái em mới có mười tuổi”. Nàng bỗng nghẹn ngào, hai giọt nước mắt lăn trên gò má : “Trisha tội nghiệp quá, cho tôi gặp cháu bé được không, mà tên cháu là gì” “Dạ , Kanchan, cháu sắp đi học về tới”.
song  
#2 Đã gửi : 15/07/2024 lúc 12:00:56(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Một bé gái từ ngoài cửa bước vào chào bằng tiếng Nepal, Trisha nói: ‘ Đây là con gái của em, Kanchan, con chào cô đi”. Bé gái ốm tỏng ốm teo, mặt trái soan đẹp nhưng da xanh mét, hai mắt tròn như mắt bồ câu nhưng quầng mắt thâm, hẳn là cháu thiếu ăn. Mịlana bỗng cảm thấy trong đáy sâu hồn mình một bản năng mẫu tử nhú lên; nàng đã ba mươi tuổi mà chưa lập gia đình trong khi bạn bè cùng lớp đứa nào cũng tay bế tay bồng. Nàng xúc động bất giác đưa hai tay : “ Cho cô bế cháu nhá”. Trisha đẩy nhẹ Kanchan lại gần, Milana ôm lấy bé tuồng như ôm con đẻ của mình.
Trisha kể dòng tộc cô thuộc tầng lớp Dalits là tầng đáy cùng xã hội Nepal, bao nhiêu đời ông cố, ông nội, bố cô chỉ làm nghề gánh phân quét cầu tiêu , đói rách, khổ cực , nhục nhã. Mấy chục năm nay, tuy chính phủ có luật bãi bỏ đẳng cấp xã hội, nhưng luật pháp là môt chuyện, còn truyền thống xã hội vẫn mạnh mẽ; tầng lớp Dalits cũng đuọc đi học nhưng chỉ học được đến một cấp nào thôi, không thể học để làm lớn trong xã hội được. Khi Trisha học đến lớp 9 thì cha mẹ cô chết vì nghèo đói bệnh tật, cô phải xin vào bệnh xá làm chân lao công quét dọn cầu tiêu, giặt giũ quần áo bệnh nhân, tấm ra trải giường... được cho ở dưới chân cầu thang. Mỗi tháng cô được trả lương tính ra khoảng một trăm đôla.
Cô thích học lắm, nên dù không đến trường, cô vẫn tự học nên tiếng Anh cũng khá, kín đáo học hỏi nghề y tá, các cách lấy nhiệt độ, đo huyêt áp, cân sức nặng, tên thuốc...Trong bệnh xá, không ai ngờ con bé thông minh, chiụ khó . Một hôm bỗng có phái đoàn y tế Liên Hiệp Quốc đến thăm bệnh xá quận để xét viện trợ, đi thăm mấy bệnh nhân; con bé mười bảy tuổi nhanh nhẩu thông dịch . Từ ngày đó, Trisha được ưu đãi hơn, lương tăng lên hai trăm đô la một tháng, không phải quét cầu tiêu, mà phụ cho các y tá.
Milana nói : “Tôi thích bé Kanchan lắm, nếu tôi nhận cháu làm con nuôi thì em có bằng lòng không?”. Qua một giây sửng -sốt, Trisha quỳ xuống ôm lấy chân nàng : “Xin cảm ơn cô, nếu cô đỡ đầu cho cháu thì em đội ơn cô suốt đời”
“ Vậy khi tôi khỏi bệnh, chúng ta sẽ ra luật sư làm giấy tờ nhá”.
Sáng hôm sau, Trisha báo ông Mỹ bảo trợ sẽ từ New Delhi về vào buổi chiều. Milana cảm thấy xốn-xang trong lòng, ông ta sẽ mang thuốc phổi về cho ta theo toa bác sĩ. Ôi con người hào phóng và tận tụy biết bao.
Buổi chiều, Milana thấy bác sĩ giám đốc đi cùng một thanh niên trạc bốn mươi có Trisha theo sau đến từng giường bệnh thăm hỏi. Thanh niên này không phải là người da trắng, có vẻ như người Á châu; không lẽ anh ta là người sẽ xây tặng chính phủ Nepal một bệnh xá mới ?
Khi ba người đến chỗ nàng, người thanh niên reo lên vui mừng bằng giọng Mỹ chuẩn : “Hay quá, cô Milana đã tỉnh táo rồi, tôi đã mang thuốc sưng phổi từ New Delhi về; theo bác sĩ cho biết, phổi của cô có chút khiếm khuyết bẩm sinh đễ bị mất hơi thở khi lên độ cao; vừa rồi cô lên sườn núi cao, lạnh quá nên sưng phổi khiến lên cơn sốt, uống thuốc vài ngày sẽ hết”.
Nàng lúng túng nói lời cám ơn; Trísha nói : “Thưa cô Milana, đây là ông Alex từ Mỹ qua hứa sẽ xây tặng bệnh xá mới cho dân Nepal đấy”.
Thiệt tình, mấy bữa nay nàng cứ tưởng ông Mỹ hào phóng là một ông già da trắng với khuôn mặt hiền hậu, hóa ra lại là một thanh niên trẻ măng gốc Á. Trisha cứ thấy ai từ Mỹ qua thì gọi là ông Mỹ!

***

Sau khi bình phục, Milana dẫn mẹ con Trisha lên thủ đô Kathmandu gặp luật sư làm giấy tờ nhận con nuôi, mua sắm thực phẩm, quần áo sách vở cho bé Kanchan, vào trường học gặp ông hiệu trưởng và cô giáo cho biết cô là mẹ nuôi của bé. Nàng biết xã hội Nepal từ ngàn xưa phân chia bốn đẳng cấp tùy theo dòng tộc chứ không theo tài năng đức độ. Hai giai cấp Ba-La-Môn và Sát-Đế-Lị nắm những chức vụ cao cấp thống trị; giai cấp Vệ-Xá làm nghề nông, buôn bán; giai cấp Thủ-Đà-La làm đầy tớ hầu hạ ba hạng trên; hạng cuối cùng bị coi như ngoài xã hội gọi là hạng Dalits, chỉ được làm những việc hạ tiện như gánh phân, quét cầu tiêu.
Mặc dù từ năm 2008 nước Cộng Hòa Dân Chủ Liên Bang Nepal đã phế bỏ chế độ quân chủ, ban hành hiến pháp bãi bỏ sự phân chia giai cấp, nhưng trên thực tế, người thuộc dòng tộc hạ tiện bao đời vẫn bị giai cấp trên theo huyết thống khinh rẻ. Milana cố ý vào trường để nâng cao giá trị của hai mẹ con Trisha trước mặt ban giảng huấn và cả lớp học trò, hy vọng bé Kanchan đỡ bị khinh rẻ.
Tuy bận rộn cả tháng trời vừa lo cho hai mẹ con, vừa làm công tác cứu trợ, nhưng trong tâm nàng cứ vơ vẩn hình bóng chàng trai Alex. Nàng cảm thấy Alex có nhân cách khác với những anh chàng mà nàng quen từ xưa.
Việc cứu trợ càng ngày càng khó khăn và phức tạp vì số người chết lên tới cả chục ngàn, bị thương cả hơn hai chục ngàn, thêm những cơn hậu chấn nữa thật vô cùng đáng thương cho dân chúng , nhất là đám con nít mất cha mất mẹ. Bé Kanchan mặc dù bố chết, được may mắn có nàng cưu mang cho ăn uống bồi bổ. Một tháng trôi qua, nàng tới bệnh xá thì Trisha hớn hở dắt Kanchan ra chào; ôi, trông nó đã có da có thịt đẹp đẽ trong bộ quần áo mới, bé nhảy vào lòng nàng ôm chặt lưng nàng gọi mẹ; nàng cảm động rơm-rớm nước mắt, tự nhiên nhớ mẹ mình đang cô đơn lủi thủi trong nhà vắng bố. Nàng đã hết giận bà rồi sau khi hiểu tâm lý mẹ. Nàng nhủ thầm, tối nay phải gọi về cho mẹ.
Hóa ra nàng đã ở Nepal gần ba tháng rồi. Nàng dọ hỏi Trisha : “Em có tin tức gì về ông Mỹ bảo trợ không? “Dạ có, ông vửa báo cho bác sĩ giám đốc là đã chuẩn bị tiền bạc mang qua tiến hành xây bệnh xá mới, em mừng quá cô ạ; mấy tuần nay số bệnh nhân tăng nhiều quá mà không đủ chỗ chứa, thât khổ”
Trí óc nàng xoay chuyển nhạy bén, nàng nghĩ ngay, mình phải giúp chàng một tay xây dựng bệnh xá cho lẹ kịp đáp ứng nhu cầu. Nàng bảo Trisha khi nào ông Mỹ đến thì báo cho nàng ngay.
Quả nhiên, đúng như nàng nghĩ, Alex mừng rỡ chấp nhận ngay đề nghị hỗ trợ của nàng : “Chính tôi đang cần một người thay mặt tôi điều hành việc xây cất, vì công việc của tôi ở Mỹ quá bận; tôi tin tưởng cô lắm ngay từ khi biết cô ở bệnh xá, là thiện nguyện viên của Hồng Thập Tự. Cô sẽ thay tôi quản lý tiền bạc trả lương nhà thầu, kiểm soát đôn đốc công nhân; bản vẽ tôi đã trình ông giám đốc theo phác họa của ông. Ngày mai tôi sẽ làm giấy tờ rõ ràng ủy quyền cho cô làm trưởng công trình”
Chàng nói một hơi giống như một ông tướng phác họa chiến dịch hành quân. Nàng hồi hộp tự nghĩ không hiểu sao chàng lại tin tưởng nàng đến thế dù chưa bao giờ nàng làm công việc này. Nhưng nàng tự nhủ, cưỡi lưng cọp rồi, phải ráng tự học hỏi mọi cái mới, mình thừa sức hoàn thành việc chàng giao phó.
Trưa hôm sau Alex mời ban giám đốc, hai mẹ con Trisha cùng Milana dự bữa ăn trưa tại thủ đô trong một nhà hàng sang trọng. Chàng giới thiệu Milana, từng tốt nghiệp cao học vật lý học, đang làm việc trong một công ty Network Mỹ, nghỉ việc qua Nepal giúp cứu trợ nạn nhân động đất; nàng sẽ thay mặt chàng làm trưởng công trình xây cất bệnh xá. Ban giám đốc đều biết nàng vừa ra khỏi bệnh xá vì ngã bệnh trên sườn núi. Họ vỗ tay chúc mừng nàng, hứa sẽ cộng tác trong việc xây cất cho mau hoàn thành.
Alex mời riêng nàng đến một quán nước, giở bản vẽ bệnh xá chỉ dẫn tổng quát; chàng sẽ trông coi giai đoạn đầu trước khi về Mỹ. Tất nhiên nàng sẽ lãnh lương theo tiêu chuẩn Mỹ.
Milana hỏi : “Anh làm nhà thầu xây cất ở bên Mỹ sao?” “Hơn mười năm nay tôi làm trong một công ty mua bán cơ sở dưỡng lão và dưỡng trí viện. Tôi quen vơi việc sửa chữa nhà cũ, tân trang và bán lại. Hiện công ty của tôi đang quản lý năm cơ sở trong năm tiểu bang, với khoảng chừng năm trăm nhân viên. Tuần nào cũng bay đi bay lại năm tiểu bang điều hành công việc; mỗi cơ sở có chừng trăm giường cho trăm bệnh nhân, với hàng chục y tá, nhân viên linh tinh nên công việc khá phức tạp. Mặc dù tôi đang ở đây nhưng vẫn làm việc với ban quản lý của năm cơ sở để kịp thời giải quyết những sự cố bất ngờ”
“Công việc vất vả thế anh phải có phụ tá chứ? Chàng cười dòn “ Cô rất thông minh, tôi đang tìm phụ tá, là cô đấy”.
Nàng dè dặt nói : “Tôi xin lỗi tò mò, vì thắc mắc lâu nay rồi, có phải anh là người Việt không? “Vậy chắc tôi trông giống Đại Hàn rồi. Tôi sinh năm 1980 tại Mỹ, bố mẹ tôi vượt biển năm 1978 từ Sài gòn, không hiểu sao nhiều người cứ tưởng tôi Nhật hay Đại Hàn, chắc là mắt sắc lắm, nhưng nhìn cô tôi biết ngay là người Việt”.
Bất ngờ, nàng nói tiếng Việt, thấy giọng mình như có vẻ trách móc : “Anh biết vậy, sao không nói tiếng Việt với em, em kém anh đến năm tuổi”.
Hai người cười vui, tưởng như quen nhau từ lâu lắm. Alex đưa nàng đến nhà băng làm thủ tục chung trương mục để nàng chi tiền dễ dàng. Nàng kinh ngạc thấy số tiền mấy trăm ngàn đô-la. Chàng nói bằng tiếng Việt khá rõ : “Anh có ba căn nhà cho thuê, vừa về Mỹ bán đi một căn lấy tiền xây bệnh xá” “Anh chưa biết em nhiều mà để em quản lý nhiều tiền thế, không sợ em tiêu hết sao?” “Anh có mắt thần, nhìn người rõ lắm, em sẽ là phụ tá tốt của anh”
Tự nhiên chàng kể về gia đình mình. Mẹ chàng vốn là cô giáo dạy môn văn chương Việt Nam thường kể cho chàng nghe nhiều chuyện cổ tích; bố chàng lại thiên về môn sử, hay kể truyện Tàu như Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc Chí, Anh Hùng Lương Sơn Bạc... Khi vào thương trường cạnh tranh,giao dịch đối phó với nhiều hạng người, trải qua bao lần vỡ nợ, ngã bệnh vì làm việc quá sức, vì áp lực mạnh của công việc...mới thấy những bài học mà bố chàng kể qua những câu chuyên lịch sử thật là quí giá giúp chàng vươn lên từ những thất bại.
Hấp dẫn nhất là chuyện thực về cụ cố của chàng; cụ sinh năm1890 ở một làng quê Bắc Việt, nhà nghèo, học được ít chữ Nho, không biết chữ Quôc ngữ, lớn lên bị anh em cùng họ khinh bỉ, chịu nhiều sỉ nhục; khi cha mẹ lần lượt qua đời khoảng 1910, cụ bỏ làng đi làm lính trong chiến khu Yên Thế của cụ Hoàng Hoa Thám chống Pháp. Năm 1913 cụ Đề Thám bị Pháp giết, chiến khu tan rã, lính của cụ Đề tản mát mỗi người một phương. Cụ cố lưu lạc về tỉnh Thái Bình, tứ cố vô thân, xin tạm trú trong môt làng ven tỉnh.
Dân làng này có thói quen khinh bỉ người lạ, gọi họ là dân ngụ cư, tức là dân thất cơ lỡ vận đi ở đợ đây đó. Cụ cố phải dựng một túp lều bên ngoài lũy tre làng, gần nghĩa địa. Có vài ba dân làng thuộc loại cùng đinh trong làng tỏ ra thương hại người cùng cảnh ngộ, giúp cụ cố những vật dụng lặt- vặt. Cụ cố sinh sống bằng nghề buôn tạp hóa; hàng tuần gánh đôi bồ bằng đòn gánh lên chợ huyện mua đồ kim chỉ về bán trong chợ làng. Đường lên huyện phải qua một khúc sông mà cái dốc từ bến thuyền lên mặt đê cao lắm; những hôm trời mưa trơn trượt rất vất vả gánh đôi bồ lên. Cụ cố người lùn nhỏ mà rất khỏe, gánh đôi bồ nặng mà leo được; có lẽ nhờ lao động quen và được huấn luyện võ nghệ trong chiến khu.
Cụ buôn bán nhỏ, ba cây kim sợi chỉ, chả ai thèm để ý; nhưng thực ra cụ kiếm lời nhiều lắm; dành giụm nhiều năm để dành đươc một số vốn; tung tiền lấy cảm tình của dân làng; trong vòng mười năm mua được môt khoanh đất trong làng.
Cụ giúp đỡ mọi người thiếu ăn thiếu mặc, trả ơn những dân làng trước kia đã giúp cụ; những dịp giỗ Tết trong làng cụ đều hào phóng đóng góp nhiều tiền. Hai mươi năm qua đi, cụ đã thành một ông địa chủ có tiếng phúc đức, không hề bóc lột của ai để trở nên giàu có. Năm đói Ất Dậu 1945, cụ cầm cố cho những nhà nghèo với giá rất rẻ cho những đồ thờ cúng, tủ bàn, trâu bò.. Khi nạn đói qua đi cụ trả lại hết; dân làng đều hàm ơn cụ. Đến những năm 1953-54, khi xảy ra những cuộc đấu tố địa chủ, chính những thành phần cùng đinh trong làng đã báo cho cụ biết trước để cụ kịp thời trốn lên tỉnh lánh nạn, bỏ lại hết nhà rộng, vườn ruộng di cư vào Nam, cuối đời lại tay trắng.
Alex nói : “Bố anh kể lại cụ cố giỏi võ lắm, hàng đêm đều dùng đòn gánh làm đao kiếm tập luyện, nhưng cụ giấu tông tich, trong mấy chục năm không ai biết là lính của cụ Đề. Cụ cố đã đi từ tay trắng làm nên sự nghiệp do cần cù tiết kiệm khéo léo không ai ghen ghét. Anh coi cụ cố như thần tượng trong đời, đã về Việt Nam thăm ngôi làng nơi cụ sinh trưởng từ thế kỷ trước. Bản thân anh cũng đi từ tay trắng vì cha mẹ anh đến Mỹ có tiền bạc gì đâu”.
Milana tỏ vẻ kinh ngạc : “Anh đã về Việt Nam à? Em thì muốn về thăm quê ngoại ở cù lao An Bình tỉnh Vĩnh Long, nhưng nghe mẹ em kể ngôi nhà ba tầng của ông bà ngoại ở Sài Gòn bị chính quyền cộng sản vu cáo là tư sản bóc lột, cưỡng chiếm mất rồi, còn nhà đâu mà về?.
“Khi nào xong việc, anh sẽ đưa em về thăm quê ngoại nhá”

***

Milana gọi về thăm mẹ. Bà nói : “Nửa năm rồi con không về thăm mẹ, mẹ nhớ con lắm; chị Trang đã kể hết chuyện con rồi; mẹ có lỗi với bố con nhiều, con đừng giận mẹ nữa”. Milana nghĩ đến bé Kanchan; ô, chỉ là con nuôi mà mình còn thương, huống hồ mẹ đẻ, tình mẹ sâu thẳm làm sao đo lường được. Người mình thường nói “nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.
Nàng nghẹn ngào trả lời : “Nhiều đêm suy nghĩ về số phận ông bà ngoại, con đã hiểu và hết giận mẹ lâu rồi, nhưng con đang bận ở Nepal trông coi xây dựng lại một bệnh xá bị tàn phá trong động đất nên chưa về Mỹ được. Khi nào gần xong con sẽ về thăm mẹ, sẽ dành cho mẹ một ngạc nhiên”.
Nàng cũng nhận được email của ba bạn trai, Bennett, Darius, Liệt. Cả ba đều có ý mong gặp nàng vì lâu không thấy nàng liên lạc. Bennett khoe vừa được nhận vào làm tại NASA; Darius báo sắp trình tiểu luận cao học mời nàng tham dự, sẽ bàn tiếp với nàng về đề tài trước kia sau khi nghiên cứu kỹ hơn; còn Liệt xin lỗi nàng về thái độ khiếm nhã.
Nàng trả lời chúc mừng Bennett, hứa với Darius sẽ tham dự, cám ơn Liệt nhưng không hứa gặp lại.
Cho tới lúc này nàng mới nhìn rõ tâm mình kể từ khi nàng gặp Alex.
Quả thật, nàng “lạnh” với ba bạn kia, tuồng như nàng là một người nam như họ; nhưng với Alex, nàng cảm nhận mình là một người nữ.
Trong ba tuần lễ đầu khởi công, chàng và nàng gần như suốt ngày bên nhau; chàng chỉ dẫn cặn kẽ từng việc theo dõi nhà thầu và công nhân. Khi ra phi trường tiễn chàng về Mỹ, hai người từ biệt, ôm nhau theo lối Mỹ give me a hug, nhưng lần đầu tiên trong đời, nàng cảm thấy muốn được chàng ôm siết, ôm mãi.

***

Sau lễ khánh thành bệnh xá mới, Trisha được ban giám đốc chính thức đề cử đi học khóa y tá, cũng một phần do Alex đề nghị. Milana bay về thăm mẹ.
Bà nói : “Con nói sẽ dành cho mẹ một ngạc nhiên, là gì vậy?” “Con đã có đứa con gái”. Thấy mẹ biến sắc mặt, lộ vẻ kinh hoàng : “Cái gì? Có con với ai”? “Dạ, với Ông Trời, mới sinh ra đã lớn phồng thành trẻ mười một tuổi, như Phù Đổng Thiên Vương”. Nàng cười ròn-rã, đưa mẹ coi tấm hình nàng chụp với Trisha và bé Kanchan. Nàng kể lại đầu đuôi sự việc. Bà tươi tỉnh, mừng rỡ nói : “ Vậy con bảo lãnh nó qua Mỹ đi cho mẹ có cháu ngoại vui nhà”.
“Bé phải ở với mẹ nó cho hết bậc trung học rồi con mới bảo lãnh cho nó qua học đại học, nhưng hè sang năm con sẽ cho nó qua du lịch thăm bà ngoại”
Điện thọai reo, tiếng Alex vang lên ; “Chào Milana, em đã về Mỹ rồi hả? Một tháng nữa anh sẽ về Việt Nam làm việc cho công ty; nếu em muốn, anh sẽ dẫn em về thăm quê ngoại Vĩnh Long của em, về cù lao An Bình đó. Cho anh gởi lời hỏi thăm sức khỏe của bác gái”
Nàng mừng rỡ : “Nếu có anh dẫn đi thì em yên tâm, em sẽ sửa soạn hành lý”.
Mẹ ngạc nhiên hỏi Alex là ai mà lại biết cù lao An Bình. Nàng chậm rãi kể cho mẹ nghe mọi chuyện ở Nepal trong năm vừa qua. Nét mặt bà rạng rỡ tươi vui : “Mẹ nhớ thời thơ ấu nơi quê xưa, con về thăm quê thay mẹ thì mẹ cũng được an ủi rồi....Thế...con và anh ấy đến đâu rồi ? ”
Nàng cười thầm, nghĩ “Bà cụ cứ lo mình ế chồng...nhưng vội vàng mà gặp phải anh chàng không hợp ý thì hỏng một đời, thà ở vậy còn hơn”.

***

Milana về quê được ba tuần thì bà nhận được một bì thư Fedex chứa một xấp hình chụp Milana và Alex ở cù lao An Bình và nhiều nơi khác. Một bức thư viết tay của Milana : “Anh Alex đã dẫn con về quê ngoại Vĩnh Long, đã thăm viếng cù lao An Bình suốt ngày, thuê riêng một chiếc thuyền đi vòng quanh cù lao, con thích lắm. Khi về Mỹ, chúng con sẽ trình mẹ là chúng con đã quyết định đi đến hôn nhân, sang năm sẽ tổ chức đám cưới; anh nói con sẽ là phụ tá suốt đời của anh”.
Bà áp bức thư lên ngực, hai dòng nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má nhăn-nheo.

California ngày 27 tháng 5 năm 2024
Đào Ngọc Phong
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.349 giây.