Đổi Ý Như Đổi Áo
Hồi thằng Jacob nhà tôi còn nhỏ - chừng hai, ba tuổi - nó đổi ý như chong chóng. Chỉ có một chuyện tối nay ngủ ở đâu, với ai, mà cũng cứ quay lòng vòng, hết ngủ với bà, lại đổi ý muốn ngủ với bố mẹ. Bố mẹ nó mắng rằng, không được đi ra đi vào làm mất giấc ngủ của bà. Nhưng mà, tối nào nó cũng muốn ngủ với bà trước hết, nhưng chỉ vài giờ sau là nó lại nhớ bố mẹ, lại muốn trở về.
Mỗi khi bị mắng, nó lại ân hận về tội làm mất giấc ngủ của bà, nhưng nó không thể chừa được cái tật đổi ý hoài hoài. Một buổi sáng, nó buồn bã hỏi tôi, con thay đổi ý kiến như vậy có phải là con hư không bà? Tôi an ủi nó, con không hư, con là một đứa bé rất ngoan, bà yêu con lắm. Mặt nó hơi tươi lên một chút. Nó hỏi tiếp: tại sao con lại thay đổi ý kiến hoài như vậy? Tôi trấn an nó, tại vì con có nhiều ý kiến nên con hay thay đổi. Chỉ những đứa trẻ thông minh mới có nhiều ý kiến.
Thế sao mẹ lại la con? Tại vì mẹ sợ con đi ra đi vào nhiều làm bà mất ngủ. Nhưng mà bà không mất ngủ. Người già không cần ngủ nhiều. Khi nào con ngủ yên chỗ lúc đó bà mới ngủ. Con đừng lo. Nó rất hài lòng vì cái câu, chỉ có người thông minh mới có nhiều ý kiến để thay đổi, chứ người không thông minh, thì không làm gì có ý kiến để thay đổi cả. Từ đó, mỗi khi mẹ nó mắng nó là thay đổi ý kiến làm bà mất ngủ là nó lại lôi cái câu an ủi của tôi ra làm bằng cớ, để cho mẹ nó không có lý do để la nó nữa.
Hình như cái bệnh thay đổi ý kiến thuộc về cái gene của tôi. Ông Xã Xệ, hồi trẻ cũng vò đầu bứt tai, than trời như bọng về cái tật thay đổi ý kiến xoành xoạch của tôi. Ở nhà tôi quyết đi một nơi, sau khi lên xe tôi lại đổi ý, không đi chỗ đó mà đi chỗ khác. Đi được một quãng, tôi lại đổi ý muốn đi tới một chỗ thứ ba. Mỗi lần như thế, ông Xã Xệ la hét như một người điên trên xe. Nhưng tôi không dám cãi ông bằng luận điệu tôi dùng để an ủi thằng cháu nội rất đáng yêu của tôi. Tôi khó có thể thuyết phục ông Xã Xệ bằng cái sự thông minh của tôi, vì ông ấy đã dư hiểu, để thấy rằng, ông đã lấy phải một con mụ dở hơi, dở hám, dở người. Cho nên ông đành ngậm miệng chịu đựng, nín thở qua cầu để trả cho xong cái món nợ mà kiếp trước ông đã vay tôi, cho nên kiếp này ông phải trả cả vốn lẫn lời.
Thằng Jacob chỉ thay đổi ý kiến về duy nhất một chuyện là ngủ ở đâu, ngủ với ai mỗi khi bà lên chơi ở với nó. Nhưng cái tật này không kéo dài. Khi nó lớn hơn một chút, nó quyết định rõ rằng. Nó đã biết thích nghi với hoàn cảnh, biết chia chác tình thương của nó cho mọi người một cách đồng đều. Tối nay nó ngủ với bà thì tối mai nó ngủ với bố mẹ. Nó không cần phải tranh đấu nội tâm về cái chuyện ngủ ở đâu và ngủ với ai. Chỉ hơn ba tuổi một chút là nó đã tự giải quyết được cái vấn nạn hay thay đổi ý kiến của nó. Nó đã biết rõ ràng nó muốn gì.
Còn tôi thì không. Hiện nay, gần tới lúc đi về, hay là nói rõ hơn đang đi trên đường về, mà cũng cũng vẫn chất chưởng, lúc muốn cái này, lúc thích thế khác, vẫn chưa làm chủ được cái thích của mình. Tôi thay đổi ý kiến từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ việc nấu ăn, ngủ nghỉ, cho tới chuyện cao xa là sáng tác văn chương. Cụ đã từng biết những sự biến hóa của mấy cuốn sách của tôi, cuốn nào cũng phải trải qua một thời gian ngâm tôm rất dài, trước khi được in thành sách. Không phải vì tôi cần thì giờ để chăm chút để tô son vẽ phấn cho chúng được hoàn hảo mà chỉ vì cái tội tôi hay đổi ý. Lúc bắt đầu viết tôi đặt cho nó một cái tên tạm, tên nháp. Khi viết xong tôi lại đổi cho nó một cái tên mà tôi cho là thích hợp hơn. Trong khi sửa chữ, nhặt sạn, nhổ tóc sâu, tôi cứ thay đổi theo từng chương, từng phần. Lúc tôi nghĩ tên này hay hơn, lúc tôi nghĩ tên kia có lý hơn. Một cuốn sách từ lúc được thai nghén, trong thời gian năm trong lòng mẹ để lớn lên, cho tới khi mở mắt chào đời, ít nhất nó phải có từ 15, đến 20 cái tên khác nhau.
Trong trường hợp này, tôi cảm thấy tôi giống thằng Jacob vì người thông minh mới có nhiều ý kiến để thay đổi. Nhưng không dám nói với ai, vì ông Xã Xệ vốn dĩ là một người ăn ở trước sau như một, không biết đến cái sự đối ý như đổi áo. Hai nữa ông là một người không có óc khôi hài, lại càng không phải là một nghệ sĩ sáng tạo cho nên khi đã quyết định làm gì thì trời gầm cũng không nhả. Thành thử giữa tôi là ông có một cái khoảng cách thế hệ khá lớn. Bàn chuyện văn chương, sáng tác với ông thì thà nói chuyện một mình còn vui hơn.
Ba cuốn sách đầu, đã in xong, đã được các cụ đón nhận nồng nhiệt. Tiện đây, xin cám ơn lòng ưu ái của các cụ, nhờ sự ủng hộ của các cụ mà tôi cứ tường bờ, thích thú viết lia viết lịa. Tôi còn nợ cụ một tác phẩm cuối cùng. Nó đã được viết xong, trau chuốt đàng hoàng, có thể coi như sẵn sàng xuất hiện trong chốn giang hồ. Nó là cuốn sách cuối cùng, vì thế cái tên đầu tiên tôi nghĩ tới là Ngày Về. Thế rồi sau đó, tôi cứ ngài ngại không muốn nói tới cái cái ngày Ra Đi, cái Ngày Cuối Cùng, cái Ngày Không Trở Lại ấy, sợ in xong thì nó vận vào người thì nguy. Tôi vẫn thường nói là tôi không phải là người tham sinh, úy tử, nhưng chết lúc này có hơi sớm không hả cụ. Cho nên tôi đặt cho nó biết bao nhiêu là tên khác. Tên nào cũng chỉ tồn tại vài tuần, vài tháng, cái bộ óc phong phú của tôi lại phát hiện ra chẳng những một mà nhiều ý kiến hay ho khác, má ý kiến nào tôi cũng muốn giữ, rồi lại muốn bỏ.
Trong suốt thới gian o bế nó, con bé cháu ngoại, hăm hở hứa sẽ vẽ bìa sách cho bà, nó làm như một danh họa nhà nghề, nó hỏi ý kiến tôi, nó đưa ý kiến của nó, hai bà cháu bàn tới bàn lui, nhưng cho tới giờ này nó cũng chưa hề đặt cọ, pha mầu để vẽ nét đầu tiên. Mỗi lần tôi dục nó, nó lại làm ra chăm chú, băn khoăn miệng nói: I'm thinking! Thằng anh nó mắc bệnh thay đổi ý kiến thì con này mắc phải hội chứng hay suy nghĩ. Chỉ suy nghĩ thôi nhưng không bao giờ nghĩ ra điều gì cả. Hay là nó bị lãnh cái gene Bí của tôi cũng nên. Báo hại, tôi đã viết một bài giới thiệu cuốn sách với cái tên mà tôi đã quyết định đặt cho cuốn sách lúc bấy giờ và ra mẫu cho con Claire, sẽ trình bày bìa trong một ngày không biết bao giờ mới tới.
Bây giờ thì tôi hết tin tưởng vào cái con Ba Xạo này - lại một cái gene nữa của tôi - và tôi cũng chán cái tên này rồi cho nên tôi quyết định, nhất định, nhất quyết, trở về với ý tưởng đầu tiên. Đổi tên sách là Đường Về, Ngày Về, hay là Giang Sơn Cất Gánh, và giao trách nhiệm trình bày cho thắng bố nó cho được việc, vì con nhỏ này bây giờ nó cũng đổi ý rồi. Nó không thích viết sách, làm họa sĩ, làm bác sĩ giải phẫu nó cũng không ham nữa, mà nó đòi làm phim. Viết truyện phim trinh thám, phim đen, phim hãi hùng cơ, sau đó tự nó sẽ làm đạo diễn cho cuốn phim. Nó đâu có thì giờ suy nghĩ để vẽ bìa sách cho tôi.
Trong thời điểm này, tức là tháng 9 năm 2013, tôi nhất quyết trở lại với y định đầu tiên, là viết cuốn sách thứ bốn với cái tên Giang Sơn Cất Gánh, nghe văn chương mà ý nghĩa phải không cụ. Nếu cái tên này mà có vận vào tôi, tôi có cất gánh thì cũng là phải lúc rồi. Tôi vừa ăn đại thọ 80 rồi còn non yểu gì đâu. Mẹ tôi cũng ăn đại thọ năm 80 tuổi thì đến năm 84 cụ cất gánh. Bây giờ cũng cho như tôi giống mẹ tôi, thì trong bốn năm, tôi có đủ thì giờ để sửa soạn ra đi. Thế là cụ yên trí nhé! Chỉ còn phải mua một cuốn sách nữa của tôi thôi. Bởi vì rằng thì là, ông Tản Đà ông ấy bảo rằng: Giang sơn còn nặng gánh tình. Trời chưa cho nghỉ thì mình phải đi. Bao giờ Trời bảo thôi đi. Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi.
Tôi cảm thấy ông Trời đang bảo tôi rằng ông ấy cho phép tôi nghĩ. Ông ấy đang bảo tôi thôi đi. Cho nên đặt tên sách là Giang Sơn Cất gánh là tuyệt cú mèo. Nhưng mà, nếu tôi lại lên cơn đổi ý, chọn tên khác thì âu cũng là cái nghiệp.
Đành phải chịu thôi.
Theo Thời Báo