TS. Nguyễn Xuân Thu: “... Dù có đi đâu rồi tôi cũng sẽ trở về”TS. Nguyễn Xuân Thu (bên trái) tại buổi hội thảo về nguồn nhân lực do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chứcHơn 30 năm trước, người thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Thu rời mảnh đất Bình Định để tiếp tục cuộc hành trình trang bị tri thức. Nay, tên tuổi của thầy được nhắc đến khá nhiều tại các hội thảo khoa học quốc tế; ở những trường đại học nổi tiếng của Mỹ hoặc trên lĩnh vực kinh doanh. Thầy đã bỏ lại tất cả ở Mỹ để trở về Việt Nam chỉ với lý do “nơi đó là quê hương tôi”.
Quê hương là chùm khế ngọt
Gặp thầy lần đầu tiên trong buổi hội thảo về nguồn nhân lực do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức mới đây, tôi hỏi: “Thầy thấy thế nào khi trở về Việt Nam?”. Thầy cười thật tươi, thật sảng khoái: “Đó là khoảng thời gian vui nhất, hạnh phúc nhất!”. Rồi thầy nói: “Có một bài hát: Quê hương là chùm khế ngọt… quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. Bài hát đó thật chính xác. Vì có ở trên đất Mỹ được xem là tráng lệ, xa hoa, tôi cũng chỉ là kẻ lẻ loi, bên lề giữa dòng người tấp nập ngược xuôi”.
Đang nói, thầy bỗng dừng lại để trở về với những ký ức cách đây hơn 30 năm, những tháng ngày đầu tiên thầy đặt chân đến đất Mỹ. Ngày đó, hành trang của thầy mang theo là một bằng cử nhân luật, một bằng cao học kinh tế, một bằng cao học hành chính tại Việt Nam và với vốn tiếng Anh, tiếng Pháp thông thạo nhưng cũng chỉ giúp thầy có được một công việc làm anh nhân viên tập sự. Bởi theo thầy, ngày ấy ở Mỹ chưa công nhận bằng cấp của các trường ở Việt Nam. Họ chỉ tuyển vào làm việc dựa trên năng lực thực tế. Chân ướt chân ráo vào công ty làm việc hết mình để chứng tỏ năng lực, nhưng một lần trò chuyện với một nhân viên đã có nhiều năm làm việc ở đây, thầy biết được mức lương cũng chỉ có vài ngàn USD/tháng và điều đặc biệt là tương lai mờ mịt. Với đồng lương và công việc như vậy đã không giữ chân nổi người thanh niên đã trót ôm hoài bão vượt nửa vòng trái đất từ Việt Nam đến Mỹ lập nghiệp. Và mấy ngày sau trên bàn của ban giám đốc công ty có tờ đơn xin nghỉ việc của người thanh niên này.
Đến bây giờ thầy cho đó là thời gian khó khăn nhất của đời mình. Làm sao để lập nghiệp được trên đất Mỹ, là câu hỏi luôn xuất hiện trong đầu người thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Thu. Rồi những đồng tiền cuối cùng trong túi cứ cạn dần, xung quanh toàn những người xa lạ, khác nhau về văn hóa. Thế rồi một ý định lóe lên trong đầu thầy là phải học. Để nuôi ước mơ được tiếp tục học thầy xin được “chân” bảo vệ tại một công ty. Và thầy lại có thời gian đi học. Sau nửa năm cố gắng, nhờ vượt qua những môn thi theo quy định, thầy được tuyển thẳng vào học thạc sĩ kinh tế của Trường Đại học Old Dominion (bang Virginia) mà không cần phải thi lại đại học. Tiếp tục khẳng định mình với những thành tích học tập xuất sắc, thầy lại tiếp tục nhận được học bổng học tiến sĩ tại Đại học Maryland (bang Maryland).
Khi hoàn tất chương trình tiến sĩ, thầy được GS. hướng dẫn luận văn ở Đại học Maryland (lúc đó là cố vấn cao cấp cho Ngân hàng Thế giới) tuyển vào làm việc. Đây là công việc mà nhiều trí thức trẻ ở Mỹ mơ ước lúc bấy giờ, nhưng một lần nữa thầy lại “bỏ cuộc chơi” để theo đuổi nghề giáo. Nhờ mấy năm làm việc ở Ngân hàng Thế giới có kinh nghiệm từ thực tế, khi chuyển sang giảng dạy ở Đại học Towson State thầy không bị chút trở ngại nào. Song song đó, thầy còn làm việc cho Bộ Lao động Mỹ và bắt đầu kinh doanh. Thầy nói vui, lúc ấy, “thương hiệu” Nguyễn Xuân Thu được biết đến ở một số siêu thị lớn như Sweet Water Shopping Plaza và chuỗi 3 nhà hàng Việt House tại bang Miami.
Bận nhiều việc cùng lúc, nhưng thầy luôn biết sắp xếp để hoàn thành nó một cách tốt nhất. “Tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, lại sống giữa quê người, ngoài phấn đấu học tập và làm việc ra tôi ít quan tâm đến chuyện gì khác”, thầy Thu tâm sự. Tôi hỏi. “Vậy công việc nhiều có làm ảnh hưởng đến chất lượng?”. Thầy cười: “Nếu để bị ảnh hưởng có lẽ tôi đã không làm được cho đến bây giờ”. Rồi thầy tiếp lời: “Có lẽ tôi là người may mắn, bởi mọi công việc đều diễn ra như những gì tôi mong muốn. Vừa được giảng dạy ở trường đại học theo niềm đam mê, vừa có cuộc sống thoải mái nhờ kinh doanh”. Nhưng rồi cuối cùng tình yêu quê hương đã khiến thầy dừng lại tất cả, để lại gia đình ở bên Mỹ, thầy trở về Việt Nam. “Chim có tổ, người có tông. Dù ở Mỹ hưởng cuộc sống sung sướng về vật chất nhưng làm sao bằng được ở Việt Nam sống giữa quê hương, đồng bào mình. Được cống hiến cho đất nước dù là nhỏ bé tôi cũng thấy mình hạnh phúc. Bởi Việt Nam là nơi tôi sinh ra, lớn lên, nơi mà cha mẹ tôi còn nằm ở đó và nơi tôi đã được tắm mát trong nền văn hóa Việt. Ngày ra đi tôi đã hứa với lòng mình dù có đi đâu rồi tôi cũng sẽ trở về”, thầy Xuân Thu tâm sự.
Và những dự án tại quê nhà
Tại các hội thảo về đào tạo nhân lực, các trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước không còn xa lạ hình ảnh TS. Nguyễn Xuân Thu với những bài thuyết trình say sưa về những vấn đề liên quan tới giáo dục, đào tạo. Thầy có mặt tại nhiều quốc gia để tham gia hội thảo, thuyết trình nhưng vui nhất, hạnh phúc nhất với thầy là được trao đổi kinh nghiệm mình học được ở nước ngoài mang về Việt Nam. Không phải khi thành danh thầy mới nghĩ về quê hương mà từ khi đặt chân đến Mỹ, thầy đã mang theo khát khao được cống hiến cho quê hương.
Thầy Nguyễn Xuân Thu trở về Việt Nam lần đầu năm 1997, trong hành trang trở về ngày ấy của thầy còn có một dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều bạn bè bảo thầy không thức thời, cổ hũ vì đang có một sự nghiệp lớn ở Mỹ lại bỏ hết, về Việt Nam làm lại từ đầu. Thầy chỉ mỉm cười: “Đó là mong ước của cả đời tôi. Tôi về Việt Nam không chỉ vì kinh doanh mà hơn hết là tôi lại được “sống” trong môi trường giáo dục tại quê nhà”. Thầy bảo những ngày mới tạo dựng ở Việt Nam, do Chính phủ chưa có nhiều chính sách cho Việt kiều nên thầy không thể làm được nhiều. Lúc đầu thầy phối hợp với Trường Đại học Văn Lang mở Trung tâm Đào tạo quốc tế chuyên dạy các khóa quản trị. Năm 1999, Chính phủ cho phép Việt kiều mở công ty riêng, thầy đã cho ra đời Công ty TNHH Xuân Vinh, chuyên đào tạo nhân lực quản lý. Trong những năm qua công ty của thầy đã đào tạo nhân viên cho nhiều khách sạn lớn như: Equatorial, Movenpic, Sofitel, Carvenlle. Bên cạnh việc đào tạo nhân lực thầy còn mở trường đào tạo Anh ngữ và thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển giáo dục Viễn Đông…
Tuy mở trường, mở công ty và điều hành một “ê kíp” thầy cô giáo, nhân viên nhưng thầy vẫn dành nhiều thời gian đứng lớp. Bởi với thầy không có niềm vui nào bằng niềm vui là được làm thầy. Rồi thầy lấy ví dụ: “Không ít học sinh, sinh viên gặp tôi ở đâu đó vẫn cúi đầu chào thầy. Nghe nó ấm lòng lắm, tự hào về nghề giáo ghê lắm! Những niềm vui đó có tiền cũng không mua được”. Ngoài những công việc đó ra, thầy còn tham gia tư vấn miễn phí cho học sinh, sinh viên kỹ năng kiếm việc làm và xin học bổng. Đến bây giờ trải qua hơn nửa đời người thầy Xuân Thu vẫn khẳng định với nhiều người rằng: “Cả cuộc đời bôn ba, phấn đấu chỉ đổi lấy hai thứ: tiền và tri thức. Tiền để lo cuộc sống và đóng góp cho xã hội; còn tri thức để truyền lại cho thế hệ trẻ sau này”.
Được nói chuyện, trao đổi với thầy, tôi thấy thầy còn nhiều dự định lắm; có những dự định đã được thầy cụ thể hóa thành hành động, nhưng có nhiều dự định còn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nhìn mái tóc thầy đã có sợi bạc. Tôi thưa, vậy đến bao giờ thì thầy mới có ý định khép lại cuộc hành trình? Thầy cười lớn: “Tôi còn nhiều dự định lắm và trên hết là tâm sức của tôi với giáo dục quê nhà. Chắc có lẽ khi chết tôi mới có thể dừng lại cuộc hành trình mang tâm huyết của cả đời mình”.
Văn Mạnh
Theo Giáo dục Online