Có tồn tại báo lá cải ở Việt Nam?Chính vì sự nhập nhằng ở cả ba mặt: chính trị, người làm báo và công chúng nên dẫn đến sự nhập nhằng trong việc tiếp nhận thông tin.Báo lá cải ‘kiểu Việt Nam’Vào cuối tháng 5 vừa qua, hai tờ báo lớn tại Việt Nam là Sài Gòn Giải Phóng và Phụ nữ TP.HCM đã đồng loạt đăng bài kêu gọi siết chặt quản lý trước tình trạng “một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở báo lá cải”.
Ngay sau đó, báo Đời sống & Pháp luật, vốn bị Sài Gòn Giải Phóng gắn nhãn “hãi hùng nhất” trong việc “trồng cải”, đã phản kích lại với ngôn ngữ nặng nề không kém.
Sự kiện này đã làm dấy lên những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề ‘báo lá cải’ ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn đã phát biểu trên các phương tiện truyền thông Việt Nam rằng: “Ở nước ta không có báo gọi là báo ‘lá cải’. Tất cả cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Báo nào có sai phạm, đi lệch tôn chỉ, mục đích thì phải xem xét xử lý”.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ thì khẳng định: “Chúng ta chưa thể cho báo lá cải tồn tại”.
Thế nhưng, liệu ‘báo lá cải’ có thật sự tồn tại ở Việt Nam?
Anh Đức - Giảng viên Khoa Báo chí Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Truyền thông tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận xét nền báo chí ở Việt Nam trên các văn bản của nhà nước cũng như sách vở giảng dạy ở nhà trường luôn được khẳng định là một nền báo chí cách mạng, vì thế nên không thể chấp nhận sự tồn tại của báo lá cải. Thế nhưng, trên thực tế, báo lá cải đang tồn tại và thậm chí là tồn tại rất khỏe trên rất nhiều tờ báo ở Việt Nam.
“Chúng ta không thừa nhận một điều tất yếu là báo lá cải thật sự tồn tại trong xã hội do sự quan tâm của độc giả, những lý do kinh tế và văn hóa”.
“Xét về khía cạnh kinh tế, báo lá cải nuôi sống một lực lượng đông những người làm báo, kích thích những ngành khác phát triển như quảng cáo, những mặt hàng tiêu dùng được lồng ghép vào những tờ báo như vậy. Còn về văn hóa, mỗi nhóm văn hóa trong xã hội có những cách diễn ngôn về thế giới và xã hội xung quanh theo góc nhìn của họ, do vậy không thể áp đặt góc nhìn của nhóm văn hóa cao (high culture) cho nhóm văn hóa thấp (low culture)”, Anh Đức nói.
Theo Anh Đức, cả báo chí nước ngoài và Việt Nam luôn có một ranh giới mong manh về chuyện báo chí được đưa tin và không được đưa tin tới đâu. Tuy nhiên, về mặt thượng tầng, ở nước ngoài có sự phân biệt rõ ràng vì báo chí của họ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, quan niệm và chế độ xã hội dân chủ cũng khác với Việt Nam nên họ thừa nhận có báo lá cải tồn tại cũng như có 2 hệ thống trong nền báo chí.
Nhu cầu bạn đọcVề cơ bản, dân trí của Việt Nam là có cải thiện nhưng vẫn thấp so với một số nước khác trên thế giới. Chính vì vậy mà chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa các nhóm đối tượng bạn đọc.
“Những độc giả trí thức và bình dân cùng xem một tờ báo, những tầng lớp trí thức cũng bị ngả nghiêng và say sưa với những tin tức lá cải như thường”, Anh Đức nói.
Trong khi đó, ở phương Tây, ví dụ như ở Úc, có sự phân rõ trong đối tượng khán giả. Những người thích tin thời sự nghiêm túc thì tìm đến các tờ báo chính thống hoặc kênh truyền hình nghiêm túc, còn những người thích xem những tin scandal hoặc có xu hướng lá cải thì cũng có những tờ báo phù hợp. Ngoài ra, tự bản thân những người thích đọc tin tức trí thức cũng nhận thấy những tin tức đó hấp dẫn, do đó báo chí chính thống vẫn tồn tại, phát triển được và thậm chí là tồn tại khỏe.
Tuy nhiên, Anh Đức cho rằng bản thân những người làm báo chính thống ở Việt Nam cũng chưa biết cách khiến những thông tin của mình hấp dẫn với những đối tượng bạn đọc loại tin này.
Khủng hoảng thông tin - lũng đoạn báo chíNhạc sĩ Tuấn Khanh, đã có nhiều năm làm báo chuyên nghiệp, hiện đang là một người viết báo tự do, viết blog, trong cuộc phỏng vấn với Radio Australia đã từng nhận xét về báo chí Việt Nam như sau: “Báo chí tại đất nước này đang giống như một trái bong bóng được thổi căng rồi bóp lại. Phần phì ra của quả bóng giống như báo chí lá cải, khai thác các khía cạnh của đời sống như: tình dục, ma quỷ, tôn giáo, bí ẩn... nở rộ. Đây là điều cấm kỵ đối với văn hóa xã hội chủ nghĩa trước đây. Còn phần về chính trị, xã hội đang bị bót nghẹt lại”.
Anh Đức nhận xét: “Dù gì đi chăng nữa thì chúng ta chưa có một nền báo chí thật sự cởi mở và dân chủ nhằm tạo ra một không gian công để mọi người có thể tiếp xúc, trao đổi với nhau về bất kỳ đề tài nào mà không bị kiểm soát, kiểm duyệt”.
Tuy nhiên, Anh Đức cho rằng có một thực tế là nếu báo chí không được kiểm soát dựa trên những nguyên tắc về mặt đạo đức nghề nghiệp, xã hội thì rất dễ dẫn đến khả năng lũng đoạn của báo chí.
Ở nước ngoài hay Úc, dù có là báo chính thống hay lá cải đi chăng nữa thì vẫn phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt về mặt đạo đức nghề nghiệp. Có thể có những quốc gia không có luật báo chí nhưng vấn đề đạo đức được quy định rất chặt chẽ trong cương lĩnh hoạt động của tổ chức truyền thông, trong đó có những điều khoản như không được khêu gợi những quan hệ tính dục một cách lộ liễu, vi phạm đời tư của người khác hay dựng lên những thông tin không có thật. Phàn nàn của công chúng về thông tin cũng được xem trọng. Đó là chưa kể đến khả năng kiện báo chí để đòi bồi thường khi bị xúc phạm hay thiệt hại. (*)
Nếu tìm thông tin trên mạng mà chỉ toàn thông tin lá cải, ngay cả báo chính thống cũng kèm tin lá cải thì khi đó công chúng không còn sự lựa chọn nào khác.
Ngay cả những độc giả của báo lá cải cũng bị bủa vây bởi những thông tin này. Ban đầu thì họ thấy hấp dẫn, nhưng về tác động lâu dài thì họ sẽ không có khả năng thoát khỏi những thông tin đó và nhìn nhận những câu chuyện khác ngoài cướp, hiếp, giết, hết chuyện vụ án này đến vụ án kia với mức độ ngày càng leo thang.
Đối với những người bị lệ thuộc nặng nề vào những thông tin loại này thì theo Anh Đức, nó sẽ “tước đoạt cách nhìn về xã hội, thế giới xung quanh một cách hài hòa và bình thản hơn”.
“Khi đó, bức tranh chung của xã hội như nhiều người lo ngại sẽ bị méo mó đi. Truyền thông bị lũng đoạn sẽ làm méo mó hiện trạng của đời sống. Và sự nhập nhằng càng khiến báo chí có nguy cơ bị lũng đoạn”, Anh Đức kết luận.
Source: ABC Australia