Sinh năm 1940 ở Trà Vinh (Vĩnh Bình), ông Lâm Văn Bé hiện là một nhà biên khảo nghiêm túc trong Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal. Ông là tác giả thường xuyên của những bài viết về cộng đồng, giáo dục, văn hóa và xã hội. Với bút hiệu Lâm Vĩnh Bình, nhà biên khảo Lâm Văn Bé vừa đạt được Giải Văn học 2014 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do. Tác phẩm Giá Tự Do được số điểm cao nhất và giải thưởng được trao tại Melbourne (nên gọi là Giải Melbourne) vào ngày 9 tháng 8 năm 2014. Sau đây là cuộc đàm thoại của Thời Báo với tác giả.
TB: Xin ông cho biết thể loại của tác phẩm Giá Tự Do.
Lâm Văn Bé: Khác hẳn với các giải văn học trước đây của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do, Giải Văn Học 2014 của Hội đưa ra chủ đề: Cộng Đồng người Việt sau 39 năm: chân dung, thành quả và tương lai. Giá Tự Do là một biên khảo về cuộc di cư và cuộc lập cư của người Việt Nam trên thế giới. Đó là quyển biên khảo đầu tiên viết bằng tiếng Việt với các tài liệu khả tín và cập nhật hóa.
TB: Đây là một biên khảo về các cộng đồng người Việt trên thế giới, xin cho biết ông dựa trên những tài liệu khả tín nào để hoàn thành tác phẩm này?
Lâm Văn Bé: Tôi có cơ may được đào tạo trong ngành Sử học và Thư Viện học, có khả năng sưu tầm và thẩm định độ chính xác và khả tín các tài liệu tự tìm được, hay từ các cựu đồng nghiệp, thân hữu ở nhiều quốc gia (Mỹ, Pháp, Anh, Úc) cung cấp. Tuy nhiên, sự sai sót là điều không thể nào tránh được khi phải sử dụng tài liệu cấp 2.
TB: Có nhiều người cho rằng biến cố của người Việt Nam đã xảy ra ba bốn mươi năm rồi, không cần phải nhắc lại, lý do nào khiến ông viết quyển Giá Tự Do?
Lâm Văn Bé: Lịch sử không phải là thời sự. Lịch sử cần được ghi lại trung thực để người Việt trong nước và ngoài nước, người dân trên thế giới biết được một giai đoạn lịch sử cận đại bi hùng của một dân tộc không muốn sống với chế độ cộng sản đồng thời tố cáo với thế giới tội ác của một chế độ độc tài phi nhân.
TB: Như vậy, ông viết cho thế hệ của các ông hay các thế hệ kế thừa?
Lâm Văn Bé: Cả hai, cho người tị nạn và con cháu người tị nạn.
TB: Cho người tị nạn, ông muốn nói điều gì?
Lâm Văn Bé: Viết về người tị nạn, chúng tôi cùng ôn lại một quá khứ dầy đặc khổ đau từ ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, từ lúc người tị nạn đặt chân xuống thuyền vượt biển hay băng rừng lội suối cho đến khi may mắn đến được bến bờ rồi phải tái xây dựng lúc nửa đời người, trong nhục nhằn nhưng đầy quả cảm. Chúng tôi không phải chỉ than khóc, hận thù mà chúng tôi biết trỗi dậy nơi đã ngã, xây dựng nên những cộng đồng người Việt trên các vùng đất lập cư, hòa hợp với cộng đồng đất chủ và các cộng đồng di dân khác. Sự hiện diện của các cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới đã được xác định chỉ sau 3 thập niên, so với các sắc tộc khác có khi phải trải qua hàng thế kỷ.
TB: Bằng cách nào các ông “chinh phục” thế hệ con cháu của các ông?
Lâm Văn Bé: Bằng Giá tự do và quyển sách Giá Tự Do viết đặc biệt cho con cháu người tị nạn. Quyển sách là một văn bản để nói rõ cho con cháu người tị nạn biết tại sao cha ông họ đã ra đi, phải bỏ mạng trên rừng sâu, biển cả, phải bị xuống cấp khi đến những vùng đất mới đi khiêng vác trong hãng xưởng cốt để bằng mọi giá đưa họ vào con đường học vấn để có một ngày mai tươi sáng và tự do trên trường đời. Đó chính là cái Giá tự do mà ông cha họ đã chấp nhận phải trả. Và chúng tôi mong muốn họ, bằng suy tư và hành động mang tự do và dân chủ về xây dựng cho đất mẹ Việt Nam.
TB: Bằng cách nào con cháu của thế hệ các ông có thể biết được điều ông viết khi đa số họ không đọc được tiếng Việt?
Lâm Văn Bé: Đó là nỗi ưu tư lớn nhứt của các tác giả viết bằng tiếng Việt. Chúng tôi có nhiều hi vọng tác phẩm sẽ được dịch ra tiếng Anh bởi người Mỹ đọc được tiếng Việt hay những người thế hệ 1.5, thế hệ 2 am tường văn hóa Việt-Mỹ. Trong khi chờ đợi được dịch ra các ngôn ngữ khác, quyển Giá Tự Do sẽ được giới thiệu như một tác phẩm giá trị trong dòng văn học hải ngoại của người Việt, sẽ có mặt trong các thư viện có sách tiếng Việt và Việt học trên thế giới (qua sự quen biết với các cựu đồng nghiệp trong ngành). Nhưng nghĩ cho cùng, thế hệ chúng tôi chưa chết hết và thế hệ kế thừa cũng chưa mất hết di sản. Chúng tôi sẽ đọc và kể lại cho con cháu nghe, và cho dù họ có trở thành trái chuối (ngoài vàng trong trắng) đi nữa, chắc hẳn họ vẫn có một trái tim để thương yêu và một số neurones để nhớ đến nguồn cội.
TB: Về bản tiếng Việt, ông phổ biến bằng cách nào?
Lâm Văn Bé: Tôi tự xuất bản và phát hành. Tôi sẽ làm lễ ra mắt sách ngày chủ nhật, 21 tháng 9, lúc 13g30 tại Đại Sảnh Cộng Đồng (6767 Côte-des-Neiges) với sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal. Hi vọng độc giả, thân hữu đến ủng hộ chúng tôi đông đảo.
Độc giả có thể liên lạc với chúng tôi qua điện thoại (514-745-0037) hay điện thư (van.lam@videotron.ca) để đặt mua sách. Giá tiền mỗi quyển $CA25 (kể cả cước phí bưu điện) ở Canada và $US30 ở Hoa Kỳ. Ở các nơi khác $US 40.
TB: Cám ơn ông đã dành thì giờ trò chuyện cùng Thời Báo. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều tác phẩm có giá trị như Giá Tự Do để lưu truyền cho hậu thế.
Lâm Văn Bé: Cám ơn Thời Báo.