Phúc trình của Freedom House về tự do thế giới 2013 cho thấy Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia tồi tệ vì thiếu tự do nhưng vẫn theo đuổi chính sách hà khắc về nhân quyền.
AFP photo. Ảnh minh họa về sự thiếu quyền tự do. Không khoan nhượng đối lậpViệt Nam không nằm trong danh sách những quốc gia hay vùng lãnh thổ thiếu tự do một cách trầm trọng như Bắc Hàn, Syria, Somalia, Sudan, Ả rập Xê Út, Eritra, Turkmenistan, Uzbekistan, Tây Tạng, Tây Sahara, cũng không phải là điểm nóng dễ gây nội chiến như những cuộc nổi dậy dành tự do ở một số nước Trung Đông, nhưng
Việt Nam cũng là một quốc gia thiếu tự do về nhiều mặt trong đó quan trọng nhất là tự do dân sự tức những quyền căn bản của người công dân mà một chính phủ có bổn phận phải tôn trọng và phải bảo vệ.
Đó là lời bà Sara Cook, chuyên gia nghiên cứu Châu Á trong Freedom House, phần phúc trình về Việt Nam.
Theo bà Sara Cook, những gì đã và đang diễn ra ở Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt tính từ lúc Việt Nam gia nhập WTO Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới năm 2007, thì ngoài một vài lãnh vực có vẻ thông thoáng cởi mở hơn, còn lại vẫn là sự tiếp tục của một chính sách không khoan nhượng đối lập, cấm đoán những tiếng nói dân chủ, bắt bớ giam cầm và xét xử một cách bất công những người bất đồng chính kiến.
Bà Sara Cook nhấn mạnh tất cả những hành động ấy khiến Việt Nam bị chỉ trích, lên án là thiếu tự do và không có dân chủ.
Những tiêu cực diễn ra trong năm 2012 mà nổi bật là kiểm soát các nhà hoạt động dân chủ trên Internet, canh chừng, dò la và tìm cách đánh sập các trang mạng xã hội, trong đó có những trang mạng bày tỏ ý kiến về tệ trạng tham nhũng và những hệ lụy phát sinh từ tệ nạn tham ô cửa quyền, sự bao che móc ngoặc giữa những người có quyền thế và các tập đoàn quốc doanh.
Đặc biệt trong đó phải kể đến chuyện Việt Nam luôn tìm mọi cách để đe dọa sách nhiễu các bloggers dám tung những bài viết tố cáo sự thông đồng, tiếp tay giữa vị thủ tướng đương thời với các tập đoàn quốc doanh đã ngốn không biết bao nhiêu công quĩ và tài sản quốc gia do người dân đóng góp.
Về hành động đàn áp các bloggers và các trang mạng xã hội ở Việt Nam, người chuyên trách Châu Á của Freedom House cũng lưu ý trường hợp điển hình của ba bloggers Điều Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba Saigon, đang bị cầm tù và bị phán quyết nhiều năm tù giam quá nặng so với tội mà họ bị cáo buộc.
Đó chỉ là một phần trong toàn thể chính sách không khoan nhượng đối lập, không chấp nhận cũng như không cho phép tự do bày tỏ ý kiến, thể hiện qua một luật năm 2012 nhằm kiểm soát và giới hạn điều Việt Nam gọi là lạm dụng Internet để truyền bá tư tưởng xấu hoặc lợi dụng tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá hoặc âm mưu lật đổ chính phủ.
Freedom House cũng nhắc trong báo cáo rằng Việt Nam, hệt như Trung Quốc, đã đào tạo những chuyên viên vi tính cực giỏi chỉ để làm một công việc là chận các trang mạng, gây nghẽn các mạch liên lạc trao đổi tin tức trên mạng, chưa kể việc nhận dạng để bắt giữ các cư dân mạng mà họ nghĩ là nguy hiểm cho chế độ.
Một nhà sư đang tụng kinh trong chùa. AFP photoBất dung tôn giáoBất dung tôn giáo cũng là một khía cạnh khác của sự thiếu vắng tự do ở Việt Nam. Freedom House nêu trong phúc trình về tình trạng đàn áp tôn giáo có hệ thống trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Việt Nam.
Dưới mắt chuyên gia Sara Cook, tình trạng thiếu tự do tín ngưỡng ở Việt Nam phản ảnh qua qui định là các nhóm tôn giáo muốn hoạt động thờ phượng thì phải đăng ký với chính quyền và phải được nhà nước công nhận. Điều đáng nói là dù các tổ chức tôn giáo đó đã có mặt và có tầm hoạt động ở Việt Nam từ hai thập kỷ qua nhưng thực tế vẫn gặp phải sự đố kỵ và phân biệt đối xử từ phía nhà nước.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục bằng cách này hay cách khác can thiệp vào tôn giáo, vào tín ngưỡng tâm linh của người dân, Việt Nam muốn rằng nhà nước phải kiểm soát được nội bộ các tôn giáo, bà Sara Cook kết luận.
Đó là phúc trình thường niên về tự do thế giới của Freedom House phần đề cập tới Việt Nam. Nhìn một cách tổng quát, sự trỗi dậy của các phong trào đòi hỏi cải cách là động lực thúc đẩy quan trọng cho những thành quả tại khu vực Trung Đông năm vừa qua. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tự do tại một số khu vực khác lại có chiều hướng thụt lùi do giới chức cầm quyền gia tăng trấn áp và có nhiều biện pháp chống trả khôn khéo hơn.
Theo kết quả, số các quốc gia được xếp hạng Tự Do trong năm 2012 là 90, bổ sung thêm 3 quốc gia vào danh sách này. Tuy vậy, vẫn có đến 27 quốc gia được đánh giá là tự do bị suy giảm, trong lúc 16 quốc gia khác được xem là có cải thiện.
Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Freedom House cho thấy mức tự do ở các quốc gia trên thế giới bị giảm đi hơn là tăng lên. Đồng thời, báo cáo cũng cho thấy các chiến dịch đàn áp của giới độc tài nhắm vào các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông độc lập tăng lên mạnh mẽ.
Source; RFA