Sau tám tháng đến Hoa Kỳ và làm việc tại Viện Quốc Gia Phát Triển Dân Chủ (National Endownment for Democracy viết tắt là NED) ở thủ đô Washington với tư cách một nhà nghiên cứu, vào ngày 11-12-2014 vừa qua, Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã thuyết trình về đề tài “Thực hiện nhân quyền để dân chủ hóa Việt Nam” (Implementing Human Rights as a Path to Democracy in Vietnam).
TS Cù Huy Hà Vũ nhận xét rằng Đảng CSVN, giống như những chế độ độc tài khác, để duy trì quyền lực phải đàn áp nhân quyền. Nếu nhân quyền được tôn trọng sẽ không có độc tài và ngược lại. Theo ông, dân chủ là một phương tiện để chấm dứt những vi phạm nhân quyền và những tổ chức xã hội dân sự (XHDS). Cộng đồng quốc tế cần áp lực chính quyền Việt Nam chấm dứt những vi phạm nhân quyền và việc bảo vệ quyền của con người cần phải được hiến pháp và luật pháp bảo đảm.
Ông Vũ nhắc lại rằng vào ngày 30-4-1975, Đảng CSVN đã áp đặt chế độ độc tài trên toàn cõi Việt Nam và một năm sau họ đã thiết lập nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam theo mô hình độc tài tuyệt đối của Liên Xô. Theo Ông Vũ, Hiến Pháp 1992 và 2013 nhắc đến nhân quyền chỉ để lừa bịp những quốc gia dân chủ Tây phương hầu xin viện trợ kinh tế và quân sự, giảm bớt sự căm phấn của nhân dân Việt Nam, và cứu nguy nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
TS Vũ nhấn mạnh rằng “Đảng CSVN chỉ có thể tồn tại nhờ sự đàn áp nhân quyền.”
TS Cù Huy Hà Vũ nhận định rằng chính quyền Cộng Sản biến những hoạt động dân chủ Hiến Pháp công nhận thành những tội hình sự dựa trên ba điều khoản của luật hình sự: Điều 79: “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” Điều 88: “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” và Điều 258: “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Ông Vũ tố cáo Đảng CSVN dùng những tù nhân chính trị như những món hàng để đổi chác lấy sự trợ giúp kinh tế và quân sự của Tây phương.
Từ ngày sang Mỹ, TS Vũ đã vận động mạnh mẽ và liên tục để Hoa Kỳ chú trọng về hai vấn đề vừa kể. Kết quả là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã có một chính sách rõ rệt trong lãnh vực này với chính quyền Việt Nam. Đặc biệt trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 vừa qua của Trợ Lý Ngoại Trưởng Tom Malinowski, ông đã trao đổi với các viên chức Việt Nam rằng “những gì Việt Nam chung cuộc muốn gặt hái trong mối quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không thể có được đơn giản bằng cách phóng thích tù nhân lương tâm, nhất là trong khi họ vẫn tiếp tục bắt giữ những người khác … Hà Nội cứ thả vài người rồi bắt thêm vài người khác, họ sẽ không lấy điểm được với Hoa Kỳ và việc này dĩ nhiên sẽ không mang lại cho họ TPP.” Ông Malinowsky nói thêm: “Hoa Kỳ muốn nhìn thấy là tiến bộ trong việc cải cách luật lệ, đặc biệt là các điều luật về an ninh quốc gia trong Bộ Luật Hình Sự được Việt Nam dùng để sách nhiễu, bắt giam, và cầm tù công dân chỉ vì những hoạt động ôn hòa.”
Ông Vũ kết luận rằng hủy bỏ những điều luật ức chế kể trên là một phương cách hòa bình để dân chủ hóa Việt Nam. Trước đây những điều khoản hình sự phản dân chủ đã bị lên án nhiều lần, nhưng xem ra TS Vũ là người đầu tiên đã quy mô hóa vấn đề này thành một chiến lược kể từ khi ông đến Hoa Kỳ. Mới đây ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trong thông cáo báo chí đề ngày 10-12-2014 nói: “Hiếm có một điều luật nào lại quái gở hơn quy định hình sự hóa hành vi ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước’, những cáo buộc đó còn phi lý hơn, khi xuất phát từ một chính quyền phi dân chủ và không tôn trọng quyền tự do cá nhân.”
Theo TS Cù Huy Hà Vũ, xã hội dân sự sẽ đóng một vài trò quan trọng trong việc xây dựng dân chủ tại Việt Nam. Những phong trào dân chủ thông thường phát khởi từ những tổ chức XHDS đòi hỏi quyền con người. Tại Việt Nam, theo Ô. Vũ, tình trạng trái ngược là phong trào dân chủ phát sinh ra xã hội dân sự.
Những tổ chức XHDS giả tạo nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) đều do các đảng viên CSVN cầm đầu nhằm thay thế những tổ chức XHDS thực sự. MTTQ là một công cụ của Đảng CSVN nhắm vào việc kiểm soát nhân dân. TS Vũ cho biết Việt Nam không có luật về hội là một bằng chứng nữa cho thấy chế độ CSVN không muốn xã hội dân sự tồn tại ở Việt Nam.
Phong trào dân chủ phát triển ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau theo TS Vũ: (1) Những cá nhân bất đồng chính kiến chỉ trích sự lãnh đạo của Đảng CSVN; (2) Những người bất đồng chính kiến tập họp thành những diễn đàn hay tổ chức và công bố những tuyên bố chung; (3) Những người biểu tình ở những nơi công cộng để chống tham nhũng, tịch thu đất bất hợp pháp, đối sử bất công với công nhân, đàn áp nhân quyền, và Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam; và sau cùng (4) Những luật sư nhân quyền bảo vệ những nạn nhân của những vi phạm nhân quyền.
Về phần cá nhân hoạt dộng cho phong trào dân chủ, TS Vũ cho biết ông đã làm một số việc sau đây trong thời gian 2005-2010: (1) Kiện Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc cho phép xây cất một trung tâm nghỉ mát tại khu vực di sản văn hóa. (2) Kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc cho phép khai thác bauxite tại Cao Nguyên Trung Phần. (3) Kêu gọi khởi tố Trung Tướng Vũ Hải Triều của Bộ Công An về việc ra lệnh tấn công những mạng nhậy cảm về chính trị. (4) Kiện Thủ Tướng lần thứ hai về việc ra nghị định cấm những kiến nghị tập thề. (5) Đại diện 2,000 giáo dân Cồn Dầu chống lại việc tịch thu tài sản của cả một giáo khu để làm dự án du lịch. (6) Kiến nghị với Quốc Hội Việt Nam không trương cờ búa liềm và biểu trưng khác của Đảng CSVN trong đại lễ kỷ niệm 1,000 năm Thủ Đô Thăng Long – Hà Nội và các lễ, hội khác của quốc gia, dân tộc, cộng đồng.
Những cá nhân và nhóm bất đồng chính kiến đã tập họp để làm một số việc sau đây trong thời gian vừa qua: (1) Kiến nghị đòi chấm dứt dự án bauxite. (2) Kiến nghị đòi trả tự do cho TS Củ Huy Hà Vũ. (3) Kiến nghị 72 lãnh đạo bởi 72 công dân và trí thức đòi sửa đổi Hiến Pháp 1992, thực hiện chế độ đa đảng, nhân quyền và hủy bỏ điều khoản đòi quân đội trung thành với Đảng CSVN. (4) Thư ngỏ 61 đòi hỏi hủy bỏ chế độ CSVN độc tài và chấm dứt đàn áp những tổ chức XHDS và nhũng người bất đồng chính kiến. (5) Kiến nghị 20 đòi ban lãnh đạo CSVN chấm dứt sử dụng quân đội và lực lượng công an để đàn áp nhân dân.
Theo TS Vũ, một số hoạt động trên đây được sự hỗ trợ ngấm ngầm của một số đảng viên CSVN, viên chức nhà nước và quân đội. Ông cũng nhận xét thêm rằng trong năm năm vừa qua, phong trào dân chủ ở trong nước đã phát triển mạnh mẽ. Trên 20 tổ chức XHDS độc lập đã được thành lập, bao gồm Bauxite Việt Nam, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo. Không may là nhà nước tìm mọi cách để triệt hạ những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền bằng cách triệt hạ những nguồn tài chánh và giới hạn hoạt động của họ một cách nghiêm trọng. TS Vũ đề nghị những luật sư và những người hoạt động về pháp luật thành lập những tổ chức bào vệ nhân quyền và những tổ chức XHDS hiện hữu nên liên kết để cùng nhau tổ chức những xưởng học tập, thăm viếng nạn nhân bị nhà nước tịch thu đất đai, và tiếp súc với những phái bộ ngoại giao về vấn đề nhân quyền.
Trở lại vấn đề nhà nước CSVN dùng luật hình sự để truy tố những người hoạt động dân chủ và nhân quyền, TS Cù Huy Hà Vũ cho biết thêm rằng Điều 79 của Luật Hình Sự (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) nhắm triệt hạ những tổ chức hoạt động ôn hòa. Tình trạng này trái với Điều 25 của Hiến Pháp 2013: “Công dân có quyền tự do lập hội,” và Điều 22 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị: “Mọi người có quyền tự do lập hội.” Luật Hình sự Việt Nam đã có ba điều khoản về âm mưu lật đổ nhà nước: (1) Điều 82: Tội bạo loạn. (2) Điều 83: Tội hoạt động phỉ. (3) Điều 84: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
TS Vũ tố cáo rằng Điều 88 (Tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) dùng để cấm đoán tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin. Tình trạng này hoàn toàn mâu thuẫn với Điều 16 của Hiến Pháp 2013: “Mọi người bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” và Điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị: “Mọi người có quyền tự do phát biểu ý kiến.”
Hiến Pháp Việt Nam 2013 không thừa nhận hành vi lạm dụng quyền tự do dân chủ. Do đó, theo Ông Vũ, tất cả những buộc tội căn cứ trên Điều 258 là tuyệt đối không có giá trị. Tuy nhiên qua Điều 14 và Điều 15 của Hiến Pháp, nhà nước đã tùy tiện dùng những lý do như quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia để giới hạn quyền con người và quyền công dân như ta thấy dưới đây:
Điều 14: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Điều 15: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”
TS Cù Huy Hà Vũ đề nghị rằng để thay đổi chế độ CSVN trước hết phải đánh mạnh vào ba điều khoản của Luật Hình Sự 79, 88, và 258, vận động quốc tế và quốc nội để hủy bỏ ba điều luật “quái gở” và trả tự do cho tất cả những tù nhân bị kết tội chiếu theo những điều luật này. Ông Vũ cũng kêu gọi những cựu viên chức cao cấp nhà nước lên tiếng về những vi phạm nhân quyền của chính quyền.
Theo Ông Vũ, những quốc gia dân chủ trong Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) có thể trợ giúp tiến trình dân chủ hóa Việt Nam bằng cách thúc đẩy việc thục hiện Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN và tổ chức những cuộc hội thảo, xưởng học tập dành cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập và những người hoạt động bảo vệ nhân quyền. Trên bình diện quốc tế, các quốc gia dân chủ trên thế giới cần áp lực Việt Nam ban hành những đạo luật bảo vệ nhân quyền được quy định trong Hiến Pháp và thực hiện những cải tổ định chế cho phép bầu cử tự do với sự tham gia của nhiều đảng phái. Những biện pháp quốc tế cụ thể bao gồm:
(1) Những quốc gia dân chủ Tây phương cần đòi hỏi Việt Nam thiết lập một định chế pháp lý cho phép những tổ chức XHDS quốc tế được tự do chọn lựa cộng tác viên địa phương trong những chương trình riêng của họ. Điều này sẽ giúp hạn chế tham nhũng, lạm dụng tiền bạc, và khuyến khích sự tham gia của những tổ chức XHDS địa phương và những cá nhân hoạt động không nằm trong MTTQ;
(2) Cộng đồng quốc tế ban hành những luật và nghị quyết lên án mạnh mẽ những vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam;
(3) Cộng đồng quốc tế sử dụng những khoản tiền cho vay, những dự án đầu tư, thương mại, và viện trợ quân sự để buộc Việt Nam thi hành nhân quyền;
(4) Cộng đồng quốc tế phối hợp chặt chẽ với cộng động người Việt ở nước ngoài và những tổ chức nhân quyền xuyên quốc gia để gây áp lực với Việt Nam;
(5)Truyền thông quốc tế theo rõi sát những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam để khuyến khích những người oạt động nhân quyền trong nước;
(6) Gia tăng tài trợ những người hoạt động dân chủ và nhân quyền bị chính quyền Việt Nam làm kiệt quệ về phương diện tài chánh để buộc họ phải đầu hàng;
(7) Các tòa đại sứ Tây phương có thể giúp phong trào dân chủ Việt Nam nhiều cách như thăm viếng những người bênh vực nhân quyền trong các trại giam, lên tiếng bằng văn bản đòi thả những tù nhân chính trị, công khai lên án những cuộc đàn áp và bắt bớ những người bất đồng chính kiến, và tổ chức những xưởng học tập dành cho những tổ chức XHDS và những người bênh vực nhân quyền.
Theo TS Cù Huy Hà Vũ, áp lực từ cộng đồng dân chủ quốc tế, đặc biệt là chính phủ Hoa Kỳ, có tính cách quyết định trong việc thực hiện nhân quyền tại Việt Nam. Điều này sẽ chuyển tiếp đến dân chủ một cách hòa bình.
GS Zachary Abuza tham luận viên của buổi thuyết trình trước hết rào trước đón sau rằng ông đến đây không để nói về việc lật đổ chính quyền Cộng Sản. Là một công dân Hoa Kỳ, ông theo quyền lợi của nước Hoa Kỳ. Ông muốn Hoa Kỳ làm việc với một chính phủ Việt Nam thành công với một nền kinh tế mạnh và một nước lãnh đạo trong khối ASEAN. Hoa Kỳ và Việt Nam có những quyền lợi chung và sau cùng sẽ chia sẻ những giá trị chung.
GS Abuza, một khoa học gia chính trị làm việc tại Interational War College và Simmons College tại Boston, Massachusetts, phát biểu rằng ông rất lo ngai cho những nhà bất đồng chính kiến, những bloggers, và những người kiến nghị đã đi quá xa như đòi hỏi bỏ điều 4 trong hiến pháp, quân đội phải trung thành với Tổ Quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông tin rằng đây là những vấn đề hết sức nhậy cảm và quan trọng là những người tranh đấu cho dân chủ cần phải chọn những trận đánh có thể thắng. Những mâu thuẫn về luật pháp là một lãnh vực cần được chú ý. Nếu những mâu thuẫn này như sự khác biệt giữa Hiến Pháp và Luật Hình Sự của Việt Nam được giải quyết, nhân quyền sẽ được cải thiện. Nói chung theo GS Abuza lãnh vực pháp lý đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Ông Abuza cam kết hỗ trợ việc phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam cũng như hệ thống Internet. Ở thành phố số người sử dụng Internet chiếm khoảng 60-70% so với khoảng 40% tại nông thôn. Từ những blog cá nhân, ngày nay Việt Nam đã có những mạng có tổ chức và chuyên nghiệp hơn. Ông Abuza nhận xét rằng chính quyền CSVN chú tâm đến những mạng có tổ chức này và những luật sư bênh vực nhân quyền. Trong chính quyền cũng có những người hỗ trợ cải tổ và mong muốn Việt Nam trở thành một xã hội có luật lệ. Những vấn đề hiện nay nhà nước thực sự lo lắng là luật lệ về đất đai, thanh toán các món nợ và giải thể một số cơ sở kinh doanh và đây là một số lãnh vực chung mà hai bên có thể làm việc.
Lập trường của Ông Abuza, một người Mỹ gốc Do Thái chắc phải khác với lập trường của người Mỹ gốc Việt và khác xa với người Việt thuần túy. Dù sao ta cũng nên lắng nghe. Người ngoại cuộc đôi khi ít thành kiến.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Giao, Chủ Tịch Tiếng Nói của Người Mỹ gốc Việt (Voice of Vietnamese Americans), phát biểu rằng một nước Việt Nam dân chủ có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam và thế giới. Chủ nghĩa Cộng Sản đã thất bại. Cô Ngọc Giao ủng hộ lập trường của TS Cù Huy Hà Vũ đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp. Đó là nguyện vọng của hầu hết dân Việt Nam thể hiện trong cuộc chưng cầu ý kiến vào năm 2013. Cô ước mong TS Cù Huy Hà Vũ tiếp tục đấu tranh để thay đổi Việt Nam từ bên trong và đây cũng là trách nhiệm chung của người Việt. Trợ giúp của Hoa Kỳ rất cần thiết nhưng không áp đặt.
Trong phần thảo luận, một người tham dự buổi hội thảo cho rằng Trung Quốc sẽ không để cho Việt Nam dân chủ hóa. Trung Quốc sụp đổ có phãi là một diều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể có những thay đổi ý nghĩa hay không? TS Cù Huy Hà Vũ phản biện rằng Việt Nam có cơ hội dân chủ hóa sớm hơn Trung Quốc vì phong trào dân chủ ở Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài mạnh hơn và kinh tế của Việt Nam yếu. Một yếu tố khác không kém quan trọng là Việt Nam bị Trung Quốc chèn ép ở Biển Đông ngày càng thân thiện hơn với Hoa Kỳ và những quốc gia dân chủ khác. Khoảng 76% dân Việt ưa thích Hoa Kỳ và tỉ lệ của Trung Quốc là 50% theo một điều nghiên của Pew Research Center phổ biến vào đầu năm 2014. TS Vũ lạc quan cho rằng dân chủ hóa Việt Nam khi thành công sẽ tạo ra ảnh hưởng giây truyền (domino effect) đối với những nước Cộng Sản còn lại trên thế giới.
Ông Phương Trần, một tham dự viên khác đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý rằng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có trên 2 triệu người có thể đóng góp rất lớn vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, nếu biết cách làm việc. Đa số những người này có thân nhân còn ở Việt Nam. Giả sử mỗi người ở hải ngoại có 10 bà con thân thuộc ở trong nước. Chúng ta có 20 triệu người quốc nội ủng hộ, chưa kể một số đông không có thân nhân ở nước ngoài. Mỗi năm người Việt gửi về nước 12 tỉ dollars. Đây là một tích sản rất lớn. Người Việt ở hải ngoại nên ngồi lại để kiếm ra một phương thức có thể đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Chúng ta có một lực lượng nhân sự đáng kể. Nếu chúng ta không biết cách tự giúp chúng ta, không ai có thể giúp chúng ta được.
Được hỏi khi nào nhận ra được những sai lầm của CSVN, TS Cù Huy Hà Vũ trả lời rằng khi còn ở trung học, ông đã bị nhồi sọ với chủ thuyết Maxism-Leninism. Vào lớp tuổi 21-22 sau một năm làm việc tại Bộ Ngoại Giao, ông đã thấy những khác biệt quá to lớn giữa lý thuyết và thực tế. Được cử làm một thành viên trong ban lãnh đạo Công Đoàn cơ quan, ông cố gắng bênh vực quyền lợi của đồng nghiệp, nhưng không thành công vì tất cả mọi thứ đều được quyết định từ trên cao. Ông Vũ đã xin ra khỏi Công Đoàn. Ông không hiểu tại sao CSVN lại có thể dối trá được rất lâu như vậy và Ông không bao giờ là một đảng viên của Đảng CSVN.
Chủ Tịch NED Carl Gershman đúc kết hội thảo bằng một nhận định và khuyến khích rằng Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về cả hai lãnh vực kinh tế và chính trị, nhưng theo ông thật là rõ ràng rằng con đường đi tới của Việt Nam còn dài. Những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam dưới sự cai trị của Đảng CSVN vẫn là nguyên nhân tạo ra mối lo ngại. Việt Nam xem ra sẵn sàng tiếp cận với thế giới và sẵn sàng chuyển về hướng hiện đại hóa không những về mặt kinh tế mà cả về chính trị. Nhân dịp này Ông Gershman cám ơn Open Society Foundation đã giúp ngân khoản để tài trợ chương trình nghiên cứu của TS Cù Huy Hà Vũ tại NED với tư cách một Reagan-Fascell Democracy Fellow.
Nguyễn Quốc Khải (Danchimviet)
Sửa bởi người viết 26/12/2014 lúc 11:00:54(UTC)
| Lý do: Chưa rõ