Charlie Hebdo, biến cố làm bàng hoàng nước PhápHai tên khủng bố xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris khiến 12 người thiệt mạng. Hình chụp từ camera an ninh ngày 7 tháng 1 năm 2015.
Nền tảng dân chủ bị đe dọaNgày 7 tháng 1 vừa qua, tại quận 11 Paris, Pháp Quốc, tòa soạn báo Charlie Hebdo bị khủng bố tấn công. Cả nước Pháp bàng hoàng. Thông tín viên Tường An hỏi chuyện một số cư dân tại Pháp về cảm tường của họ.
Vào khoảng 11 giờ 20 ngày 7 tháng 11. Hai tên khủng bố bịt mặt đã tấn công vào tòa soạn tờ báo biếm họa Charlie Hebdo làm 12 người chết và 11 người bị thương. Anh Lê Đức Nghị, cư ngụ tại quận 11 gần tòa soạn báo Charlie Hebdo đã đến hiện trường sau khi đọc được tin trên mạng Twitter. Anh cho biết cảnh tượng lúc đó:
“Khi đến nơi thì thấy cảnh sát và bác sĩ đã đến đó rất đông, mặc dù việc xảy ra mới chưa đầy 1 tiếng. Cảnh sát đưa người bị thương ra và chặn hầu hết những tuyến đường vào nhà đó. Tôi đứng cạnh đó để nghe tường thuật từ đài TF1 và các đài truyền hình khác và người dân đứng đó rất là đông, đứng đo một lúc thì nghe thông báo bao nhiều người chết, bao nhiêu người bị thương. Càng ngày thì số người càng tăng lên.”
Đây vụ tấn công kinh hoàng nhất tại Pháp từ mấy chục năm nay. Tổng thống François Hollande đã gọi ngay đâu là một cuộc tấn công của “khủng bố” và là một hành động “cực kỳ man rợ” Thủ tướng Đức Merkel gọi đó là hành động “kinh tởm”. Tổng thống Mỹ Obama cho đó là một việc “đáng sợ và đồng thời hèn nhát” của tổ chức khủng bố. Các nguyên thủ quốc gia từ khắp thế giới đồng lên tiếng về hành động sát nhân này.
Tại Pháp, nỗi bàng hoàng vẫn chưa lắng xuống trong lòng người dân nước này. Chị Mỹ Dung, một blogger cho biết cảm tưởng:
“Cũng như mọi người, nói chung là tôi thấy sốc, nhưng sau đó tôi thấy đây quả là một hành động man rợ. Cho dù núp dưới lý do, danh nghĩa nào đi chăng nữa thì cũng đáng lên án. Bởi vì đối đãi lại với những cấy bút lại dùng vũ khí, dùng đạn dược thì quả là kinh khủng thật. Chỉ có những chế dộ man rợ, những tổ chức man rợ họ mới làm như thế mà thôi.”
Anh Lê Đức Nghị cũng cho biết:
“Cảm tưởng khá là bàng hoàng vì nước Pháp là một nước phép sử dụng ngòi bút, sử dụng hình ảnh để nói lên suy nghĩ, nói lên tâm tư của người ta. Và những tâm tư, suy nghĩ ấy không phải bị ràng buộc bởi một giới hạn nào cả. Việc dùng súng đạn để chống lại việc bày đạt tự do như thế là một việc không thể tưởng tượng nỗi, rất là kinh khủng ở nước Pháp.”
Ông Nguyễn Quốc Nam thì liên tưởng ngày đến ngày 11 tháng 9, lúc đó ông cũng đang ở bên Mỹ, ông nói:
“Vừa nghe tin này thì tôi nhớ liền đến ngày 11 tháng 9 của nước Mỹ. Mặc dù số người chết không bằng nước Mỹ nhưng sự tàn bạo gây nên chấn động trong nước Pháp.”
Nhà báo Từ Thức, cư ngụ tại Paris cho biết đây không phải chỉ là một cuộc khủng bố tấn công vào sự khác biệt tôn giáo mà còn là một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận của nước Pháp nói riêng và của thế giới nói chung:
“Phải nói là tôi rất sửng sốt vì đó là những ký giả vẽ hí họa mà tôi theo dõi say mê từ nhiều năm nay. Vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo là một biến cố quan trọng của Pháp giống như là ngày 11 tháng 9 ở Mỹ vậy. Đối với người Pháp thì quan trọng hơn biến cố 11/9 vì lần này quân khủng bố không chỉ muốn giết người, họ còn muốn giết cả tư tưởng con người. Những ký giả bị giết là những người vẽ hí họa có tài. Chỉ cần vài nét vẽ là họ có thể nói nhiều hơn những bài bình luận tràn giang đại hải. Họ là những người đấu tranh chống độc tài, chống độc đoán về tư tưởng, chống kỳ thị hơn bất cứ một chính trị gia nào. Người ta không thể nào tưởng tượng ngay trong lòng Paris một ký giả có thể bị giết vì vẽ một tấm tranh hí họa. Ở đây không chỉ có an ninh của người dân mà cả một nền tảng của dân chủ bị đe dọa trầm trọng.”
Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo có trụ sở tại Paris, được thành lập năm 1970, nổi tiếng với những bức biếm họa táo bạo, tờ Charlie Hebdo là 1 trong những tờ báo điển hình cho tinh thần trào phúng của người Pháp, họ diễu cợt bất cứ ai, từ giới cầm quyền cho đến tôn giáo. Do vậy, họ đã bị nhóm Hồi giáo cự đoan hăm dọa từ năm 2011. Các ký giả biếm họa cũng được cảnh sát bảo vệ.
Lên án hành động man rợ?Tối đêm 7 tháng 1, khắp nơi trên nước Pháp người dân tổ chức các cuộc biểu tình tự phát. Tại quảng trường Rébublique gần tòa soạn báo Charlie Hebdo tối hôm 7 tháng 1 đã có hơn 3000 người đến thắp nên tưởng niệm, mỗi người mang các biểu ngữ “Je suis Chaarlie, we are Charlie, 12 morts, 60 miljoen blessés” và giơ lên những cây bút… Họ biểu tình trong im lặng, nến thắp sáng rực một góc trời. Có mặt tại nơi đó, blogger Mỹ Dung cho biết cảm nghĩ:
“Rất là cảm động và tôi có nhiều ấn tượng về cuộc biểu tình này. Không khí ở đó rất là tươi trẻ, hoàn toàn không mang màu sắc u buồn, tăm tối, cũng không mang màu sắc ‘thề phanh thấy uống máu quân thù’ Bao trùm cái không khí mà tôi cảm nhận được là sự tha thứ, sự kêu gọi hòa bình và dĩ nhiên là lên án hành động man rợ đó.”
Và chị nghĩ đến những blogger đang bị cầm tù tại quê nhà cũng chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận:
“Những kẻ hành xử một cách dã man như thế, có thể bên này, họ khủng bố bằng vũ khí, đạn dược. Nhưng kiểu cầm tù lâu dài, quấy rối, gây khó khăn các kiểu trên diện rộng cả nước và với một số lượng những người hoạt động báo chí cũng như muốn cất lên tiếng nói tư do của mình ở trong nước, tôi nghĩ tuy mức độ có thể khác nhau, nhưng mà tính chất nó thì cũng như nhau và cái độ khốc liệt của nó cũng chẳng kém gì.”
Ngày 8/1 vào đúng 12 giờ trưa, các công sở tại toàn nước Pháp đã yên lặng 1 phút để tưởng nhớ nạn nhân khủng bố và sẽ treo cờ rũ 3 ngày. Ông Nguyễn Quốc Nam liên tưởng đến một người đấu tranh cho dân chủ cũng đã hy sinh vào đúng ngày này, 40 năm về trước, ông nói:
“Sự tàn bạo không có biên giới. Sự khủng bố gần kề với tất cả mọi người và điều đó làm cho tôi nhớ là ngày hôm nay 8 tây tháng giêng, cái ngày mà cộng đồng chúng ta đều nhớ đến sự tàn sát người yêu nước 1985 mà trong đó có anh Trần Văn Bá. Điều đó làm chúng ta liên tưởng tới cái tàn bạo của một nhóm người hay là một nhóm lãnh đạo. Điều đó làm cho tôi hết sức xúc động. Nhà tôi treo 2 lá cờ: một lá cờ Pháp, 1 lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trước cửa nhà của chúng tôi.”
Nước Pháp thường có một chính sách khá hòa hoãn với chế dộ nhập cư cũng như với các nhóm Hồi giáo. Sau biến cố này, có lẽ nước Pháp đã thức tỉnh và theo ký giả Từ Thức chính phủ Pháp sẽ phải cứng rắn hơn:
“Trước áp lực của người dân, chắc chắn chính phủ Pháp cũng như chính phủ Âu châu phải có những biện pháp cứng rắn hơn đối với người Hồi giáo quá khích. Có thể nói: Có một nước Pháp trước và sau vụ Chaarlie Hebdo cũng như có một nước Mỹ trước và sau ngày 11 tháng 9.”
Biến cố 7 tháng 1 đã làm người dân Pháp thức tỉnh. Sư đau thương đã kéo họ lại gần nhau. Và, họ đã không sợ hãi trước áp lực của vũ khí. Chị Mỹ Dung chia sẻ:
“Họ không sợ hãi, họ tự nhận rằng chúng tôi là Charlie đây. Giết một Charlie thì còn vài chục triệu Charlie khác Họ nói rất rõ ràng: Tình yêu luôn luôn có sức mạnh nhiều hơn lòng thù hận. Họ hô hào đoàn kết vì giá trị của tự do ngôn luận. Đụng đến tự do ngôn luận, đụng đến đệ tứ quyền của Pháp thì đúng là bọn khủng bố này đã đụng vào ổ kiến lửa thật sự rồi.”
Ông Nguyễn Quốc Nam nói:
“Người dân khi họ ngồi sát bên nhau thì họ không biết sợ hãi nữa. Khủng bố sẽ không đạt được mục tiêu của sự khủng bố vì người dân sẽ phản ứng ngược lại. Tôi thấy rõ ràng rằng người dân Pháp không sợ hãi nữa.”
Anh Lê Đức Nghị khẳng định:
“Thật ra sự sợ hãi này nó không có, bởi vì những người tấn công cực đoan như thế là vì họ đã đi đến chỗ bất lực, cho nên họ phải dùng đến vũ khí để mà chống lại ngòi bút.”
Trong số 12 người tử thương có 2 cảnh sát, 8 ký giả và 2 nhân viên của báo biếm họa Charlie Hebdo. Charb, Cabu, George Wolinski,Tignous et Honoré:những cái tên lớn của các nhà biếm họa hàng đầu của nước Pháp đã ra đi, phần lớn Ban Biên Tập của Charlie Hebdo đã nằm xuống, nhưng hàng triệu Charlie khác sẽ đứng lên, và tờ báo, bình thường chỉ xuất bản vài chục ngàn tờ, tuần sau có thể sẽ ra hơn 1 triệu số. Đó sẽ là câu trả lời đầu tiên cho bạo lực.
Theo RFA