Mới đây, trong ngày 24 tháng 2 năm 2015, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn, “Trong cuộc
trao đổi với báo giới nhân dịp đầu Xuân Ất Mùi, đề cập tới hiện trạng xuất hiện nhiều blog cá nhân đưa thông tin xuyên tạc,
bịa đặt về đảng và nhà nước, bôi nhọ các cá nhân các cấp, gây chia rẽ giữa đảng và nhân dân.”
Ông Tuấn nói rằng, “một giải pháp đối phó, ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên môi trường mạng là cần có những phóng
viên giỏi có khả năng đấu tranh trực diện trên mạng.” [1]
Ông Trương Minh Tuấn cho rằng, những thông tin xấu độc hại đó “nếu không kịp thời ngăn chặn, giải quyết thì sẽ tác động
rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, gây tâm lý hoài nghi trong xã hội.”
Trước đó không lâu, ông Trương Minh Tuấn nhận định rằng, “Có thể gọi chung đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm
pháp luật Việt Nam. Loại tội phạm này có thể bị xếp vào những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất cho đất nước. Như ở Anh
tội phạm này bị xếp ngang hàng tội phạm tấn công khủng bố, thảm họa hạt nhân...” [2]
Rõ ràng, không gian điện tử vô tận đã trở thành vấn đề nhức nhối và nghiêm trọng đối với bộ máy kiểm duyệt của chế độ
Cộng Sản Việt Nam.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng của giới trẻ là sự ám ảnh của nhà cầm quyền trước việc dân chúng
tiếp cận với các nguồn thông tin đa chiều, tạo ra nguy cơ mà họ gọi là “diễn biến hòa bình.”
Các cuộc vận động dân chúng xuống đường tranh đấu qua Facebook, Google, Twiter trong cuộc cách mạng mùa Xuân Ả
Rập năm 2011, hoặc sinh viên Hồng Kông sử dụng mạng FireChat để kết nối trong các cuộc biểu tình năm 2014 là trải
nghiệm lo sợ của các chế độ độc tài.
Thông tin là nền tảng của trí thức. Trước một sự kiện, nếu được cung cấp thông tin từ nhiều phía, con người có thể tổng
hợp, sáng suốt đưa ra nhận định chính xác về nguyên do và bản chất của sự kiện xảy ra.
Thông tin một chiều ngăn chặn sự hiểu biết, là một kiểu xúc tác có điều kiện khiến con người trở nên dễ dãi, phản ứng
giống như những con chó của Pavlov trong thí nghiệm khoa học. Do đó, ngăn chặn tự do tiếp cận thông tin nằm trong
chính sách ngu dân hóa để dễ bề cai trị của nhà cầm quyền CSVN.
Để thực hiện chính sách ấy, ngay khi cướp được chính quyền, ĐCSVN đã không ngừng tăng cường và phát triển mạng
lưới kiểm soát thông tin và in ấn, xuất bản. Đây là một cấu trúc liên đới khổng lồ của các Bộ Công An, Bộ Thông Tin và
Truyền Thông, Bộ Văn Hóa và các ban ngành hữu quan. Người đứng đầu là trưởng Ban Tuyên Giáo của Trung Ương
ĐCSVN, cơ quan tham mưu trực tiếp của ĐCSVN và thường xuyên là Bộ Chính Trị về chính trị, tư tưởng và chính sách
trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo.
Ngoài bộ máy hành chính khổng lồ và các phương tiện kỹ thuật và tài chính to lớn, họ còn huy động 80 ngàn tuyên truyền
viên miệng nhằm mục đích phản biện, khiêu khích, làm nhiễu loạn thông tin. [3]
Nếu quan sát, chúng ta dễ dàng nhận ra những tuyên truyền viên miệng xuất hiện trên mạng đa phần dùng nickname giả.
Kiến thức xã hội của họ rất yếu kém, trong khi đi bảo vệ cái sai, nên lý luận ngây ngô. Trong trường hợp bí bách quá thì họ
thường “lặn” luôn hoặc sử dụng ngôn ngữ dung tục, mất văn hóa, đánh lạc hướng chủ đề hoặc cố ý khiêu khích người đối
thoại. Họ hành xử của họ không khác những tên “côn đồ” ở ngoài đời.
Xem ra đội ngũ 80 ngàn dư luận viên không mang lại hiểu quả mong muốn, trong tháng 3 năm 2013, Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã tuyên bố đầu tư 200 triệu đô la cho Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh xây dựng mạng xã
hội cho giới trẻ.
Chẳng biết dự án của ông Nguyễn Tấn Dũng hiện giờ đi đến đâu, chỉ thấy số người Việt sử dụng Facebook không ngừng
tăng, các trang mạng xã hội khác không có cơ hội sánh kịp. Theo thống kê của Ylinkee đến tháng 5, 2014 tại Việt Nam có
đến 24 triệu người dùng Facebook, trong đó mam giới chiến 55% và nữ giới 45%, độ tuổi sử dụng nhất là 18-30.
Cũng rất có thể dự án của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là cái cớ để rút tiền ngân sách và có cơ hội đục khoét, nhất là khi con trai
của ông ta, Nguyễn Minh Triết, là thành viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Đoàn từ cuối năm 2012.
Nỗ lực đánh phá, ngăn chặn các trang mạng lề dân, triệt hạ các trang mạng ngoài luồng, xây dựng đội ngũ “dư luận viên”
làm “chuyên gia bút chiến,” ra các quy định về biện pháp và trang thiết bị kiểm soát hoạt động Internet ở Việt Nam, quản lý
17 ngàn phóng viên chuyên nghiệp, nhà cầm quyền CSVN đã mở cuộc tổng phản công trên mặt trận không tiếng súng này.
Các nỗ lực kiểm duyệt Internet của nhà cầm quyền đã khiến tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới liên tục đưa Việt Nam
vào danh sách “kẻ thù của Internet.” Các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây phương luôn chỉ trích nhà cầm
quyền Việt Nam bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động mạng. Dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez trong năm 2011 đã đưa ra dự
luật “Kêu Gọi Tự Do Internet ở Việt Nam” vào kêu gọi Việt Nam hủy bỏ Điều 88 và những luật liên quan dùng để giới hạn
Internet.
Những kẻ ủng hộ nhà cầm quyền hoặc dư luận viên thường gán cho những người chỉ trích, phê phán chế độ Cộng Sản
trên mạng là những “anh hùng bàn phím.”
Tôi không lấy cách nói mỉa mai đó làm giận mà thấy rằng, được gọi “anh hùng bàn phím” là một điều không có gì phải tự ái,
thậm chí đáng tự hào.
Xem thông tin là mặt trận, nhà cầm quyền Cộng Sản vận dụng mọi khả năng để hành động. Không cầm súng trực tiếp
chiến đấu với họ, nhưng sử dụng ngòi bút, bàn phím làm vũ khí chống lại họ, mà được cho là “anh hùng” thì quả là hãnh
diện.
Trường Chinh, một lãnh đạo tiền bối của ĐCSVN đã từng ý thức được sức mạnh của ngòi bút. Ông ta chẳng viết, “Dùng
cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền,” đó sao!
Trong các nước dân chủ vì có báo chí tự do nên nhà nước không phải đẻ ra một cơ quan kiểm soát và đối phó với thông
tin. Quyền tự do ngôn luận dường như bất khả xâm phạm. Nếu báo chí phạm tội vu khống, thóa mạ, người bị tổn hại có thể
đưa ra tòa án giải quyết.
Là không khí của xã hội minh bạch, báo chí tự do lành mạnh hóa xã hội, là công cụ đắc lực giúp nhà nước đưa ra công
luận các tệ nạn, đặc biệt là tội lạm dụng quyền hành của các quan chức hay tham nhũng. Báo chí tự do thực sự là quyền
lực thứ tư, nó có thể làm một tổng thống mất chức. Tổng Thống Nixon trong vụ “Watergate” tại Hoa Kỳ năm 1972 là ví dụ
điển hình.
Hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post đã công bố trên mặt báo về cuộc đột nhập văn
phòng của Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate (Washingtn DC). Quốc hội Mỹ đã phải lập ủy ban điều tra. Trước nguy
cơ bị quốc hội phế truất, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon đã tuyên bố từ chức.
Vì bản chất dối trá nên ĐCSVN muốn tiếng nói của họ đối với xã hội phải được định hướng theo cái cách mà họ muốn.
Hàng trăm tờ báo, hàng ngàn đài phát thanh, truyền hình đều được xem là công cụ bảo vệ chế độ.
Trường hợp nếu chẳng may có những thông tin khác ý, bất lợi thì chúng đều nhanh chóng bị loại bỏ và tác giả có thể bị quy
kết chống lại chế độ. Gần đây, báo “Người Cao Tuổi” đụng đến vấn đề tham nhũng ở thượng tầng đã ngay lập tức bị rút
giấy phép và truy tố. Tấm hình về bộ bàn ghế chạm trổ đầu rồng trong tư gia của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã bị
gỡ xuống không một lời thanh minh hay xin lỗi sau khi có phản ứng dữ dội của dư luận. Mạng lưới kiểm duyệt vẫn thường
xuyên tạo ra những trò bất tín, trơ trẽn trong tập quán truyền thông.
Tóm lại, mặt trận thông tin là cuộc chiến một mất một còn giữa cái Thiện và cái Ác, phát triển với quy mô ngày một lớn và
quyết liệt. Làm một chiến sĩ thông tin tự do, một “anh hùng bàn phím” đồng nghĩa với việc góp phần khai dân trí, thổi luồng
gió dân chủ vào xã hội bức bí của Việt Nam.
Lê Diễn Đức
________________
Chú thích:
[1]:
http://infonet.vn/can-co...ren-mang-post158786.info [2]:
http://dantri.com.vn/xa-...nho-nguy-tao-1021133.htm [3]:
http://laodong.com.vn/xa...yen-vien-mieng-99679.bld