“Người Việt Nam có Hồ Chí Minh thì người Singapore có Lý Quang Diệu”. Cả Hồ Chí Minh và Lý Quang Diệu đều là người khai sinh ra dân tộc, đều là những là lãnh tụ vĩ đại. Một người đưa dân tộc nhỏ bé thắng người khổng lồ Mỹ, một người đưa đảo quốc tý hon không tài nguyên thành cường quốc kinh tế.
Nếu phải so sánh, trước đây có lẽ không ít người sẽ chọn Việt Nam và Hồ Chí Minh là hình ảnh vĩ đại hơn, vì phát triển kinh tế thì nhiều nước có thể làm được, còn thắng Mỹ "duy nhất có Việt Nam".
Nhưng mọi việc gần đây đã có sự thay đổi, người ta thấy rằng Việt Nam tuy lập được chiến công hiển hách như thế nhưng sau 40 vẫn không phát triển hơn được bao nhiêu và không biết đến bao giờ mới bằng được Singapore, đất nước mà trước đây chính lãnh tụ của nó mong một ngày được như Sài Gòn của Việt Nam.
Hóa ra phát triển kinh tế không dễ như thế. Đánh giặc cũng khó, nhưng làm kinh tế cũng khó không kém. Mỗi lĩnh vực có một đặc thù riêng mà nếu không hiểu thì không thể thành công.
Mỗi thời đại cần một anh hùngViệt Nam thành công trong chiến tranh là nhờ có Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng Hồ Chí Minh là tiêu biểu cho kiểu anh hùng thời chiến, người có thể kêu gọi toàn thể dân tộc hy sinh tất cả cho sự nghiệp kháng chiến.
Cách mạng của Đảng Cộng sản lấy tầng lớp nhân dân lao động là Công nhân và Nông dân làm nòng cốt, vì những người này nghèo khổ nhất, có ý chí căm thù giặc sâu sắc nhất, có thể chịu gian nan khổ cực, bất chấp tính mạng để chiến đấu.
Đảng Cộng sản đã phát huy một cách cao độ khả năng của những tầng lớp không được học cao hiểu rộng này, vì trong chiến đấu, ý chí mới là thứ quan trọng nhất. Cho dù có khỏe mạnh được trang bị vũ khí đến mấy cũng khó có thể địch lại mười người lao vào đòi chết. Không sợ hy sinh gian khổ mới là yếu tố quyết định thắng lợi trong chiến tranh.
Nhưng trong thời bình thì khác hẳn, làm kinh tế không phải cứ liều chết mà thành. Chủ nghĩa Cộng sản đã chiến thắng Chủ nghĩa Tư bản trong chiến tranh ở thế kỷ 20 và trên khí thế đó, ai cũng nghĩ rằng Kinh tế bao cấp của các nước Xã hội Chủ nghĩa sẽ tiếp tục làm được điều tương tự trước Kinh tế thị trường của các nước Tư bản. Kết quả đã rõ. Tất cả đều phải quay lại Kinh tế thị trường như một sự thừa nhận: muốn giàu có thì đó là con đường tất yếu.
Đến lạ là sau khi làm được những điều thần kỳ như thế trong chiến tranh, các nước Xã hội Chủ nghĩa lại chịu thua trong một trận chiến tưởng chừng êm đềm và dễ dàng hơn nhiều. Sự hô hào không còn tác dụng trong thời bình, nó chỉ giúp Công nhân và Nông dân có thêm ý chí chứ không giúp họ có thêm hiểu biết mà làm kinh tế thì cần phải có kiến thức và khoa học.
Nhìn sang những “thần tượng” của Việt Nam hiện tại như Nhật Bản và Singapore thì thấy rằng cuộc cách mạng của họ “bình dị” hơn nhiều, nhưng cách thức thì như nhau. Cách mạng Giải phóng dân tộc là đề cao vị trí của người Nông dân, Công nhân, giúp họ tự tin rằng “châu chấu có thể đá voi lòi ruột”; còn cách mạng về kinh tế thì gần như ngược lại: phải tìm ra những điểm yếu, những cái dốt nát kém cỏi của dân tộc mình để mà sửa chữa.
Như vậy, anh hùng thời chiến và anh hùng thời bình về căn bản có sự khác nhau. Làm người ta tự tin lên đã khó, nhưng làm người ta chịu thừa nhận rằng mình kém cỏi có lẽ còn khó hơn.
Bài học Nhật BảnĐối với những dân tộc nhỏ bé, không có con đường nào khác ngoài học tập.
Sự học của người Nhật có được nhắc tới trong tác phẩm Tôtem Sói của Khương Nhung: “Nhật Bản học Trung Quốc hơn ngàn năm Nho học mà không thấy có tiếng vang gì trên thế giới, vậy mà học phương Tây mới hơn ba mươi năm mà đã cất cánh bay cao”.
Nhật Bản bắt đầu học theo phương Tây từ thời Tokugawa, họ đã làm nên một cuộc dịch thuật vĩ đại trong hai thế kỷ để tiếp thu mọi trí thức từ nền văn minh xa lạ này. Bác sỹ Sugita Genpaku - người đã khởi đầu cho phong trào Lan học (Học tập Hà Lan) cuối thế kỷ 18 đã nói: “Chúng ta cảm thấy xấu hổ làm sao khi khám phá ra sự ngu dốt của mình”.
Ngược lại, ở Trung Quốc cũng có một cuộc dịch thuật nhưng do các nhà truyền giáo thực hiện nên không trung thực và càng không có kết quả do sự tự mãn của văn hóa Trung Hoa.
Đáng nói là hai trăm năm dịch thuật ở thời Tokugawa chính là thời gian mà ở châu Âu bùng nổ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật công nghiệp tạo ra sự khác biệt to lớn giữa các nền văn minh dẫn tới những thay đổi chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Nhờ vậy, Nhật Bản đã không bị bỏ xa và họ nhanh chóng trở thành cường quốc đi xâm chiếm lại chính ông thầy Trung Quốc của mình ngày xưa.
Có thể nói, nguồn gốc của sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trước đây chính là cách tự nhìn nhận chính dân tộc mình: Một tự hào về bản thân và một tự nhận mình là kém cỏi.
Ngay cả trong thời kỳ phát triển vũ bão sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản cũng phải học từng ly từng tý phương Tây, thậm chí có lúc bị chỉ trích là sao chép, ăn cắp bản quyền như trong cuốn “Những bài học từ sự thành công của nền Kinh tế Nhật Bản” của Martin Wolf. Đó đơn giản là những thứ mà người Nhật biết rằng nếu họ không học thì không thể tự làm ra được.
Bài học SingaporeBiết rằng tự thân cái làng chài nhỏ bé thì khó có thể làm nên trò trống gì, mọi thứ đều phải có căn bản, nên giữa lúc các nước đang phát triển dè bỉu các đế quốc kinh tế thì Lý Quang Diệu lại trải thảm đỏ mời các “tên đế quốc” đó vào Singapore. Nếu ở thời điểm đó hành động này có thể xem như một bước lùi. Đến nay chúng ta đã biết “bước lùi” đó đem lại bước tiến như thế nào.
Lý Quang Diệu cũng cho phép mở sòng bạc tại Singapore vì “Thế giới đã thay đổi, nếu không có những khu nghỉ dưỡng kết hợp kiểu như ở Las Vegas, chúng tôi sẽ thua” và “Tôi nghĩ chúng tôi phải đi theo bất kỳ hướng nào theo tiếng gọi của tình hình thế giới nếu chúng tôi muốn tồn tại và là một phần của thế giới hiện đại này. Nếu chúng tôi không kết nối với thế giới hiện đại, chúng tôi chết. Chúng tôi sẽ quay trở lại cái làng chài trước đây.”
Toàn là những quyết định mà nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì đều là “chịu thua trước thế giới tư bản” cả, nhưng bây giờ Singapore đã thắng nhiều nước tư bản khác.
Một điểm chung nữa của Singapore và Nhật Bản là đặt giáo dục lên hàng đầu.
Nhật Bản bắt đầu bùng nổ giáo dục ngay từ thời Tokugawa. Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân, phát triển đất nước cần những người có học. Như học giả Khổng giáo Dazai Jun (1686-1747) viết: “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học”.
Còn Lý Quang Diệu cũng đã nói với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.
Singapore treo cờ rủ để quốc tang ông Lý Quang Diệu
Nhớ đến Phan Châu TrinhSự khác biệt của Phan Châu Trinh với những nhà yêu nước ở Việt Nam cùng thời là không mị dân, không nhắm mắt ca ngợi dân tộc mình một cách mù quáng, không nâng cao đồng bào bằng những tự hào hão và đặc biệt, không chửi bới tất cả những thứ thuộc về ngoại bang. Ông dám lớn tiếng nói: Dân tộc ta thua vì dân tộc ta đã quá kém cỏi, mà là kém ở tận gốc, ở văn hóa.
Ông xác định nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất nước là sự thua kém của xã hội ta so với phương Tây và con đường giải thoát là phải rút ngắn khoảng cách, đưa dân tộc mình ngang tầm thời đại với đối thủ.
Chính vì vậy, ông chủ trương đấu tranh bất bạo động: “Nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấy”.
Phan Châu Trinh cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.
Phan Châu Trinh cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập.
Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước.
Chính vì thế ông đã đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tinh lân cận để vận động cuộc Duy tân nhằm phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây, cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu gọi cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay…
Như chúng ta đã biết thì Phan Châu Trinh đã thất bại do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt so với phương pháp đấu tranh của Đảng Cộng sản thì không hiệu quả bằng, ít nhất là trong thời điểm ấy, trong hoàn cảnh lịch sử và trong điều kiện của nước Việt Nam hồi ấy. Nhưng sẽ không ít người phải giật mình nếu tình cờ đọc “Tỉnh hồn quốc ca” của ông vì sự đúng đắn và thời sự của nó cho đến tận ngày hôm nay.
Phan Châu Trinh có lẽ đã sinh ra nhầm thời rồi, ông là kiểu anh hùng trong thời bình chứ không phải trong thời chiến. Ông đặt vấn đề Phát triển dân tộc để Giải phóng dân tộc, nhưng hoàn cảnh lúc đó không giúp ông thực hiện thành công nhiệm vụ này. Cuộc cách mạng của ông rất giống với cuộc cách mạng của người Nhật và người Singapore, nhưng Nhật Bản và Singapore lúc đó không có chiến tranh như Việt Nam.
Dù thế, chúng ta không được phép quên Phan Châu Trinh, người mà theo nhà sử học Daniel Héméry là: “Khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ 20, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những vấn đề nan giải đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận”.
Ngày này 89 năm trước, ngày 24/3/1926 đã diễn ra một sự kiện lớn chưa từng có trong lịch sự người An Nam lúc bấy giờ, đó là đám tang của Phan Châu Trinh. Việt Nam bây giờ đã quên mất sự kiện này, không một cơ quan báo đài hay phương tiện truyền thông đại chúng nào kỷ niệm ngày ra đi của ông cả. Đó có lẽ là một thiếu sót lớn nếu thật sự là một dân tộc biết coi trọng lịch sử, biết nhìn thẳng vào sự thật để tiến lên phía trước.
Trần Công Hưng gửi tới BBC từ Hà Nội
Sửa bởi người viết 27/03/2015 lúc 06:27:01(UTC)
| Lý do: Chưa rõ