Giáo sư có tiếng của Đại học Harvard, Niall Ferguson, nói hệ thống kinh tế của các nước trên thế giới có thể coi là "lừa đảo". Nhật Bản có mức nợ hơn 230% Tổng Sản phẩm Quốc nộiNgười từng được tạp chí Time chọn là 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất hành tinh dẫn nguồn Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy nợ của Hy Lạp lên tới 153% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP).
Mức nợ của Anh là 88%, Hoa Kỳ 107%, Bồ Đào Nha 112%, Ireland 113%, Ý 123%.
Nhưng nước dẫn đầu thế giới về nợ trên GDP là Nhật Bản ở mức 236%.
Giáo sư Ferguson nói các khoản nợ chính thức này chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ chứ không bao gồm những khoản còn lớn hơn là những chương trình phúc lợi xã hội quốc gia.
Trong bài viết đầu tiên trong loạt bốn bài giảng mang tên người sáng lập BBC Lord Reith, ông Ferguson nhận định:
"Những con số kinh khủng này không phải là điều gì khác ngoài chuyện thế hệ đang nghỉ hưu hay chuẩn bị nghỉ hưu khoác gánh nợ lớn lên vai con và cháu họ, những người bị luật pháp hiện hành buộc phải kiếm ra tiền trong tương lai qua việc chịu mức thuế cao hay việc cắt giảm các khoản chi tiêu công.
"...Hệ thống hiện nay, nói trắng ra, là lừa đảo. Không có các bảng cân đối [tài chính] chính xác được công bố thường xuyên.
"Những khoản nợ khổng lồ bị giấu đi. Không doanh nghiệp hợp pháp nào có thể làm ăn như vậy.
"Tập đoàn cuối cùng công bố những báo cáo tài chính gian dối như thế này là Enron."
'Quan hệ đối tác'Trong bài viết của mình, Giáo sư Ferguson trích 'Những suy nghĩ về Cách mạng Pháp' xuất bản năm 1790 của Edmund Burke trong đó nói rằng hợp đồng xã hội thực sự không phải là giữa nhà nước và nhân dân mà là "quan hệ đối tác" giữa các thế hệ:
"Nhà nước là quan hệ đối tác không phải chỉ giữa những người đang sống, mà giữa những người đang sống, những người đã qua đời, và những người sẽ ra đời."
Giáo sư của Harvard nói sự chuyển giao lớn giữa các thế hệ thể hiện qua chính sách tài chính hiện nay cho thấy sự vi phạm "có lẽ chưa từng có" mối quan hệ đối tác này.
Ông cho rằng thử thách lớn nhất đối với các nền dân chủ lâu đời là phục hồi lại "hợp đồng xã hội giữa các thế hệ" nhưng bình luận:
"Nhưng tôi công nhận rằng những trở ngại để làm được như vậy là rất lớn.
"Trong đó có việc giới trẻ cảm thấy khó có thể tính được lợi ích kinh tế lâu dài của họ.
"Nó dễ dàng tới mức đáng ngạc nhiên để có được sự ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi bằng những chính sách mà về lâu dài sẽ làm mọi chuyện thêm tồi tệ cho chính họ, chẳng hạn giữ lương hưu ở mức định trước cho nhân viên nhà nước."
Giáo sư Ferguson cho rằng để thay đổi hệ thống kinh tế hiện nay là rất khó vì những chính trị gia muốn làm như vậy sẽ thấy rằng họ nhanh chóng mất ghế.
Nhưng cách điều hành kinh tế hiện nay, theo ông, có thể dẫn tới sự vỡ nợ và lạm phát cao hay ít ra cũng là sự trì trệ kinh tế trong hàng chục năm ở phương Tây.
Vấn đề là ở chỗ "[c]húng ta muốn có quy định chặt chẽ hơn nhưng không phải cho thế hệ chúng ta," vị Giáo sư nhận định.
Source: BBC