Cuộc gặp mặt giữa đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ với các tổ chức XHDSVNTrợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách dân chủ- nhân quyền và lao động, ông Tom Malinowski trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 26 tháng 10, 2014. AFP
Công an cản trởSáng 6/5/2015, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp giữa đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ với các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Có 14 đại diện các tổ chức Xã hội dân sự nhận được lời mời đã đến tham dự. Một số không có mặt được vì bị cản trở.
Đại diện các tổ chức XHDS Việt Nam gồm có: Ls Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Tam, Ls Lê Thị Công Nhân, Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, Ts Nguyễn Quang A, các nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hà Thị Vân, Ngô Duy Quyền, Nguyễn Lê Hùng, Bùi Quang Viễn, Trần Thị Nga, Nguyễn Đình Hà, Võ Trường Thiện, Lê Công Vĩnh.
Phái đoàn Mỹ đông hơn, một số thành viên phải ngồi ghế phụ. Đoàn Mỹ gồm các quan chức đại diện cho Nhà trắng, Cơ quan Hợp tác phát triển, đại diện Quyền con người và Lao động.
Dẫn đầu phái đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ trong buổi gặp gỡ là ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Mục đích của cuộc gặp này là do Đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ muốn tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự trước khi diễn ra cuộc đối thoại về nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ 19 vào ngày 7/5.
Ông Tom Malinowski cho biết, ngày mai 7/5 dẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ. Đây là tiêu điểm trong quá trình thúc đẩy về vấn đề Nhân quyền. Hiện nay, phía Việt Nam muốn hợp tác với Hoa Kỳ trên các mặt: thương mại, quốc phòng, mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai nước.
Tuy nhiên, ông nói: quan hệ giữa hai nước phải gắn với vấn đề nhân quyền. Trong nội bộ Ban lãnh đạo Việt Nam, cũng đã có những cá nhân nhận thức được vấn đề này. Ông cho biết cuộc đàm phán với Việt Nam về TTP đã đến lúc kết thúc chứ không kéo dài mãi. 435 dân biểu Mỹ sẽ biểu quyết về vấn đề này.
Ông Tom nhận xét, trong vài tháng qua, phía Việt Nam cũng đã có những chỉ dấu tiến bộ. Mặc dù vậy, còn nhiều vấn đề trong đó có việc hợp tác giữa các tổ chức Xã hội Dân sự với chính quyền Việt Nam.
Ông nói: Chúng tôi đánh giá cao những việc Xã hội Dân sự làm được trong thời gian qua. Ông cho biết vừa qua đã nhận được bức thư các tổ chức XHDS gửi tới Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết bức thư này đã có trên 30 nghìn chữ ký. Một số người ký bức thư ấy bị gặp rắc rối từ phía chính quyền).
Lên án chính quyền VN đàn áp nhân quyềnThời gian chủ yếu được dành để Phái đoàn Hoa Kỳ lắng nghe ý kiến của các tổ chức XHDS. Các ý kiến xoay quanh việc, ở Việt Nam, tình trạng vi phạm nhân quyền còn rất nghiêm trọng. Những người hoạt động nhân quyền bị đánh đập. Quyền tự do đi lại bị vi phạm trắng trợn. Các quyền con người khác như, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt chính kiến đều bị hạn chế, cản trở. Nhiều điều luật của Việt Nam đi ngược lại với các công ước quốc tế mà Việt nam đã ký kết. Chính quyền tạo cớ để bắt bỏ tù bất kể những ai họ muốn bắt.
Công an đánh đập bắt bớ người một cách tuỳ tiện. Điều đặc biệt lo ngại là việc người dân bị chết khi làm việc với công an. Trong 3 năm gần đây đã có 200 trường hợp chết trong đồn công an, hầu hết đều bị đổ cho là tự tử.
Về Bản Dự luật Tín ngưỡng Tôn giáo, nhiều ý kiến cho rằng, Dự luật này đã đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 Đây là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004.
Trả lời câu hỏi của ông Tom Malinowski về thắc mắc tại sao những người hoạt động, có người bị đàn áp nhiều, người bị ít, người không bị, Luật sư Lê Thị Công Nhân nói luôn: “Những hành động đàn áp, bắt bớ của chính quyền nó như là cướp. Thích cướp ai thì người đó chịu chứ không có nguyên tắc, tiêu chí hay qui định nào.
Có một điều khá thú vị: khi ông Tom đặt ra câu hỏi tham khảo: Tới đây, 435 dân biểu Mỹ sẽ biểu quyết về việc có ký kết TPP với Việt Nam hay không trong tình trạng Nhân Quyền ở Việt Nam như hiện nay. Chúng tôi muốn tham khảo ý kiến quí vị, các vị hãy trả lời ngắn gọn Yes hay No, thì có một vài ý kiến trả lời Yes còn hầu hết trả lời No.
Cuộc gặp mặt kết thúc, nhiều ý kiến chưa nói ra được vì thời gian quá ngắn chỉ diễn ra trong 1 giờ 20 phút, từ 10 h15 đến 12 h 05. Mặt khác, một số ý kiến có phần lan man, thiếu tập trung, trùng lặp nên những người còn lại không có cơ hội nêu lên ý kiến của mình.
Cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ - Việt Nam lần thứ 19 sẽ được tổ chức vào ngày 7/5/2015 tại Hà Nội. Phía Hoa Kỳ có ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tom Malinowski, Trợ lý ngoại trưởng đặc trách Dân Chủ, Quyền Con Người và Lao Động dẫn đầu. Phía Việt Nam là ông Vũ Quang Anh, Vụ Trưởng Vụ các Tổ chức Quốc Tế, Bộ Ngoại Giao.
6/5/2015
Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội (RFA)