Dân Cuba chờ xin visa nhập cảnh Hoa Kỳ, trước văn phòng đại diện Mỹ tại La Havana - REUTERS /Enrique de la Osa
Tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Washington – La Habana nửa năm qua đã có những tiến triển tích cực, tuy nhiên đến giai đoạn chủ chốt là mở sứ quán ở thủ đô hai nước thì lại gặp phải rào cản là quy chế hoạt động cho các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba.
La Habana nghi ngại nhân viên sứ quán Mỹ có thể sẽ trở thành những tác nhân cổ vũ cho phong trào đối kháng với chế độ vẫn muốn giới hạn quản lý hoạt động của các nhà ngoại giao đó.
Vòng đàm phán ngoại giao Mỹ Cuba cuối tháng Năm vừa qua bàn việc mở lại đại sứ quán ở thủ đô của hai bên một lần nữa không đạt được kết quả như mong muốn. Trước khi bước vào vòng họp lần này, đại diện đoàn Cuba đặt ra những vấn đề trọng tâm cần được hai bên giải quyết đó là “ chế độ hoạt động của các nhân viên ngoại giao ” và “ cách ứng xử của họ ”.
Những điểm mà phía Cuba đặc biệt quan tâm này rõ ràng muốn ám chỉ đến những hoạt động “ cổ vũ dân chủ ”, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, của các nhà ngoại giao Mỹ có mặt ở Cuba.
Điều nghi ngại của La Habana không phải là không có căn cứ. Chuyên gia Marc Hanson, thuộc nhóm tư vấn có tên Văn phòng Washington về Mỹ Latin (WOLA) đã nhận định: “ Các đoàn ngoại giao Mỹ vốn đã rất nổi tiếng trong việc can dự hỗ trợ các nhà đấu tranh nhân quyền và dân chủ ” ở nhiều nước. Trong khi mà, theo chuyên gia này, tại Cuba, “các nhà đấu tranh như vậy có xu hướng hoạt động như là những người đối lập với chính quyền ”.
Năm 1961, hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao, nhưng đến năm 1977, theo thỏa thuận giữa Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hai nước đã cho mở văn phòng đại diện ở hai thủ đô. Quy chế hoạt động cho các nhà ngoại giao Cuba cũng như Mỹ bị giới hạn trong vòng kiểm soát rất chặt chẽ.
Tuy vậy, phái đoàn Mỹ vẫn đòi chính quyền Cuba cho lắp đặt mạng internet, mở các lớp đào tạo cho người Cuba ngay tại cơ quan đại diện hay thậm chí nhà riêng của nhân viên ngoại giao. Những đòi hỏi như vậy của phái đoàn ngoại giao Mỹ đã gây không ít phiền toái cho chính quyền trong việc kiểm soát chính trị trong nước.
Giờ đây, khi bước đến giai đoạn nâng cấp từ cơ quan đại diện lên thành đại sứ quán với quy mô và chức năng hoạt động lớn hơn nhiều, mối lo lắng của chính quyền La Habana đối với hoạt động của các nhân viên Mỹ cũng lớn lên theo.
Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã cảnh báo rằng việc sứ quán Mỹ mở lại chỉ có thể diễn ra chừng nào các “ứng xử“ của các nhân viên Mỹ phải được thay đổi. Ông nói: “ Tôi đã giải thích với Tổng thống Obama rằng điều mà tôi lo ngại nhất là họ (các nhân viên ngoại giao Mỹ) tiếp tục có các hoạt động phi pháp”, như đào tạo “ các nhà báo độc lập, khi thì ở cơ quan khi thì ở nhà riêng của nhân viên ngoại giao”.
Theo chuyên gia Hanson, vì lợi ích lớn của bình thường hóa quan hệ, Washington có thể sẽ phải nhượng bộ trước đòi hỏi của La Habana. Nhưng có một điểm mà chính quyền Mỹ không chấp nhận, đó là giới hạn đi lại đối với các nhân viên ngoại giao của họ. Hiện tại các nhân viên Mỹ muốn ra khỏi thủ đô La Habana đều phải xin phép chính quyền Cuba.
Tuần trước, phát ngôn viên Nhà trắng Josh Earnest đã nói rõ quan điểm về vấn đề này rằng “vai trò của các nhà ngoại giao trong tất cả các nước trên thế giới, không cứ gì Cuba, là trao đổi, không chỉ với các quan chức chính quyền mà còn với người dân nước sở tại ”.
Khi giải trình trước Thượng viện về các vòng đàm phán ngoại giao Mỹ-Cuba, trưởng đoàn Mỹ, bà thứ trưởng Ngoại giao Roberta Jacobson đã nhấn mạnh vấn đề nhân quyền và dân chủ vẫn là chướng ngại vật chính của các cuộc đàm phán hiện nay với La Habana.
Washington ban đầu mong muốn tháng Tư mở lại đại sứ nhưng đến nay mục tiêu không đạt được, dù hai bên đã qua lại gặp nhau bốn lần kể từ khi có thông báo lịch sử mở tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương hôm 17/12/2014.
Hơn nửa thế kỷ sống trong hiềm khích, thù hằn đã làm cho lịch sử quan hệ hai nước trở nên phức tạp và việc mở cửa lại cho nhau tất nhiên “không phải là nhiệm vụ dễ dàng”, như nhận định của trưởng đoàn Mỹ sau phiên hội đàm gần đây nhất. Tuy nhiên, trở ngại đó chắc cũng không phải không thể vượt qua.
Theo RFI