logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 28/10/2015 lúc 06:30:34(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Mùa Halloween lại về, đặc biệt tại xã-hội-thương-mại Hoa Kỳ này. Để hòa đồng với bầu khí ma quái, tuần này thân mời quí độc giả tạm đổi ”món ăn chơi,” thay vì ”chuyện đời” thường lệ, xin mời bạn đọc thưởng thức một truyện ngắn với những chi tiết... lạ kỳ. Tôi xác quyết các “sự cố” trong truyện đều hoàn toàn sự thật vốn đã xảy ra ở Na Uy, một xứ sở nhiều rừng núi nhưng lại thiếu ánh nắng - mùa nào thì cũng “chưa cười đã tối.” Tôi chỉ hệ thống hóa lại theo nhu cầu của một truyện ngắn. Cá nhân tôi cũng đã là một trong những nhân chứng.
Trong khi ”lai rai” đọc, xin sử dụng ”đầu óc trinh thám” để ghi nhận từng ”tín hiệu,” quí bạn nhé!
UserPostedImage

Cuối cùng vợ chồng Quí cũng mua được ngôi nhà theo ý muốn. Cuộc đấu giá kéo dài hơn một tuần lễ đặt cả gia đình Quí trong tình trạng căng thẳng. Giá khởi đầu từ một triệu ba lên đến kết cuộc hai triệu cờ-rôn không kể tiền sang tên và các chi phí khác. Sau những phút hỉ hả đắc thắng, Huệ, vợ Quí giật mình, tỉnh ngộ:

- Chết! Tiền bán nhà cũ chưa được một phần ba, còn lại bao nhiêu phải vay ngân hàng hết, rồi sao mình trả nổi cả vốn lẫn lời, anh?

Quí nói một hơi dài vừa để trấn an vừa khích lệ vợ:
- Đời còn dài, mình còn trẻ mà em. Thay vì trả trong vòng ba chục năm, mình xin nhà băng cho kéo thêm năm hay mười năm nữa. Ăn chẳng bao nhiêu, cái ở mới quan trọng. Được trú thân trong căn nhà lý tưởng thì dù có ăn muối mắm đi nữa vẫn thấy ngon như thường. Vả lại, em ạ, nếu không liều lần này thì chẳng biết đến bao giờ mình mới có căn nhà riêng thuộc về mình. Ngoài ra đâu dễ gì tìm được nhà nào vừa đẹp, vừa rộng rãi lại ở một địa điểm thuận lợi như thế này. Không phải kiêu ngạo chứ, chưa chắc căn nhà nào của người Việt ở đây “qua mặt“ nổi nhà mới của mình.

Quả thật ngôi nhà này đẹp lắm, xây chưa đầy chục năm. Sân trước, vườn sau rộng mênh mông. Nhà lại đứng trên ngọn đồi nên cảnh trí bao quanh đầy thơ mộng. Hướng mặt tiền nhìn bao quát cả thành phố mà vào ban đêm rực lên như một vùng biển hồ ánh sáng. Phía sau lưng xanh mướt cây rừng và xa xa biển uốn mình chen vào chân núi. Vào mùa hè nắng dọi vào nhà từ sáng đến chiều tà. Ngôi nhà có hai tầng; tầng nào cũng đầy đủ phòng ốc tiện nghi. Quí chỉ không hoàn toàn vừa ý gian phòng giặt và phơi quần áo ở phía cuối lầu dưới. Quí bàn với vợ trong lần trở lại quan sát ngôi nhà sau khi đã ngã giá:
- Trước khi dọn vào ở, anh muốn lột cái sàn gỗ này đi, rồi bắt dây cáp sưởi bên dưới, trên lát gạch bông cho sạch.
- Tốn nhiều không anh?
- Cao tay chừng... năm, sáu chục ngàn.
Huệ giẫy nẩy:

- Trời! Thôi anh ạ, tiết kiệm được chừng nào hay chừng nấy... Em thấy sàn gỗ này còn mới chán, vứt đi phí của, tội chết.

- Đành thế, nhưng rồi em sẽ là người ở dưới này nhiều hơn ai hết thảy. Hỏi em, em chịu lạnh nổi không? Chẳng thà tốn chút đỉnh bây giờ còn hơn sau này bệnh tật thuốc thang còn mất gấp bội. Đấy là anh chỉ tính nơi em làm việc sao cho ấm áp, thoải mái thôi.
Huệ cắn nhẹ môi, suy tính:

- Hay là đợi đến hè anh nhá. Cũng chẳng bao lâu nữa, bốn tháng chứ mấy. Năm nay gia đình mình không đi du lịch, lấy tiền hè của hai đứa mình cộng với tiền em sẽ hốt hụi... thì chắc đủ, chứ giờ vay nữa, em sợ quá.
Quí nhìn vợ, mỉm cười:
- Ô kê thì... hè nhưng với điều kiện em không được đổi ý đấy.
- Em hứa mà!
Quí tiếp tục sôi nổi:

- À, em có thấy tên chủ cũ có ngu quá không, gian phòng như vầy mà chỉ bắt có hai cửa sổ, lại chiết kính cứng ngắc. Mai mốt nhân khi thay sàn, anh sẽ mở một cửa lớn thông ra sân gạch phía sau để ra vào cho tiện thay vì phải lên xuống cầu thang. Anh tính vậy ổn không em?
Huệ quay ra; giọng nói đã phần nào uể oải:

- Anh tính thế nào thì tính, miễn sao đừng để vợ con chết đói.
- Sức mấy!
- Thôi đi lên, anh. Đứng mãi dưới này em thấy... lạnh người thế nào ấy.
Quí cài vội móc cửa rồi mau chân lên theo vợ:
- Thì anh đã nói...
Một luồng gió bất chợt ào tới, làm tung cánh cửa. Quí càu nhàu nhưng vẫn phải quay xuống cài lại. Huệ nhìn chồng, cười thầm.

Gia đình Quí dọn vào ngôi nhà mới khoảng giữa mùa xuân. Không khí bắt đầu ấm áp trở lại. Nắng đã ngập tràn khắp nơi. Hoa thi nhau nở rộ. Cây cỏ xanh tươi, căng nhựa sống. Vợ chồng Quí tin tưởng thời điểm này báo hiệu sự may mắn. Ba đứa con của Quí dĩ nhiên vui sướng nhất. Chúng tự động chia nhau chiếm phòng ở lầu dưới mặc dù bên trên cũng còn ba phòng bỏ trống. Huệ chỉ tay điểm mặt từng đứa:
- Đừng tưởng... xa bố mẹ rồi muốn làm quỉ gì thì làm đâu. Mẹ sẽ xuống kiểm soát hàng ngày. Chị Dung lớn phải coi chừng hai em cho mẹ, nhớ chưa!

Ba đứa trẻ nháy nhau cười. Quí vui miệng hứa sẽ gắn cho mỗi phòng máy điện thoại riêng, truyền hình và dàn máy nghe nhạc. Huệ trợn mắt, hét lên:

- Anh còn vẽ đường cho hươu chạy!
Bạn bè đến chơi, ai cũng khen nhà đẹp, xứng với giá tiền. Vợ chồng Quí không giấu nổi niềm hãnh diện trên nét mặt dù ngoài miệng vẫn khiêm nhượng:
- Nói vậy chứ, làm sao bì nổi với nhà của các anh chị.
Trong lúc vui chuyện họ đòi tiệc tân gia. Huệ mỉm cười:

- Vâng, chúng em đâu dám quên tình cảm của các anh chị dành cho gia đình chúng em. Chỉ xin cho chúng em khất... ít bữa!
Sau đó Huệ bàn với chồng:

- Mình là con nhà có hồn có xác, thành thử việc quan trọng nhất là phải mời cha làm phép nhà sớm chừng nào tốt chừng nấy, anh ạ. Còn chuyện ăn uống thì thủng thẳng cũng chẳng sao.
Quí gật gù:

- Anh đồng ý. Em điện thoại hỏi cha Long xem cha rảnh ngày nào mình lấy ngày ấy, nhưng nếu được chiều thứ Bảy tuần tới thì tốt nhất. Riêng vụ tân gia, anh tính để sau khi sửa xong gian phòng giặt, mình mừng luôn thể. Lúc đó vào mùa hè, trời nắng tới khuya, cho bà con tha hồ nướng thịt nhậu nhẹt ngoài vườn. Em thấy được không?

- Nhưng hôm làm phép nhà chắc cũng phải mời ít người.

- Những chỗ đặc biệt thôi như anh chị Trọng, anh chị Đỉnh, anh chị Quảng với chú Tư Giang Hồ.
- Để em gọi thử cho cha Long nhá. Giờ này chắc cha không ở văn phòng giáo xứ. Anh có số điện thoại di động của cha Long không?
- Có. Em xem trong cuốn sổ bìa xanh đậm ở trên tủ bàn thờ, lật vần D, kiếm chữ Dragon.
- Ủa, gì mà...
- Dragon nghĩa là con rồng; rồng là long, long là rồng!
- Anh bầy đặt quá sức! Dám trong này có cả mật mã tên các cô!
- Đương nhiên!

Đồng thời Quí phá lên cười, nháy bên mắt nhìn Huệ cách tình tứ.
Trong khi vợ bận điện đàm, Quí ngồi hút thuốc, nghĩ ngợi. Trong thâm tâm, quả thật Quí tiếc đã không thực hiện được điều ao ước. Cứ như Quí, đã ném lao, phải theo lao! Dấn thêm ít tiền, sửa ngay gian phòng giặt, chỉ hơn một tuần lễ là đâu vào đấy rồi mừng tân gia ngay. Những gì đã dự trù mà phải chờ đợi đối với Quí là một gánh nặng. Tuy nhiên công việc gia đình Quí không thể tự quyết định, trái lại cần có ý kiến của vợ. Hơn nữa trong việc mua ngôi nhà mới này, Quí biết Huệ đã nhân nhượng mình nhiều và hẳn từ nay Huệ sẽ ăn không còn ngon, ngủ không an giấc vì số tiền nợ lớn lao canh cánh bên lòng. Quí thương cảm vợ, đành tạm xếp các ý thích riêng tư.

Huệ trở lại ngồi bên chồng, đặt chiếc máy điện thoại lên mặt bàn. Quí dụi điếu thuốc đang cháy dở vào chiếc gạt tàn bằng thủy tinh:

- Sao?
- Chiều thứ bảy tuần tới cha Long không mắc kẹt gì, nhưng cha bảo phải sau giờ làm lễ, khoảng 7 giờ cha tối.
- Mình có phải sửa soạn gì không em?
- Không nghe cha nói. Nước thánh, sách kinh, sách hát với khăn áo lễ thì đương nhiên cha đem theo rồi. Em nghĩ chắc nhà mình chỉ phải dọn một bàn thờ. À, em phải mua thêm vài bình hoa nữa chứ.
- Vậy ngày mai mình tà tà bắt đầu là vừa. Còn vụ mời khách anh hay em lo đây?
- Anh nhá! Em dạo này hay quên lắm.
- Ô kê. Anh sẽ xách về một hai chai rượu mạnh, chừng két bia.
- Tối nay em sẽ viết ra giấy những thứ cần thiết để anh lúc nào tiện ghé tiệm thực phẩm Asia mua giùm em được không?
- Chuyện nhỏ!

Những người được mời tham dự lễ làm phép tân gia đều là chỗ thân tình với vợ chồng Quí. Hầu hết họ đến sớm hơn giờ ấn định để các bà phụ với Huệ nấu nướng. Công việc chuẩn bị vừa xong thì cũng đúng lúc cha Long tới. Thấy phía ngoài không còn chỗ trống nào, cha Long phải chạy xe vào tận cuối sân rồi đậu song song với bức tường của gian phòng giặt. Chỗ này Quí chưa kịp bắt ngọn điện như đã trù tính nên hơi tối. Cha Long vấp phải hòn đá, loạng choạng. Tay cha nắm chặt quai xách của chiếc va li nhỏ đựng lễ phục.

Quí từ trên phòng khách chạy vội xuống đón cha Long. Hai người bắt tay nhau.
- Chúc mừng anh chị có nhà mới.

Quí cũng đon đả:
- Hân hạnh được cha đến thăm! Cha tìm đường có khó không?
Cha Long dừng lại, đảo mắt nhìn quanh khu vực:

- Nhà này thì nhất rồi! À, cũng dễ. Sao anh chị biết chỗ này mà mua?
- Dạ, chúng con tình cờ thấy quảng cáo trên báo. Khi đến xem tận nơi, vợ con chịu liền. Thế là chúng con nhào vào trả giá. Cũng đến cả chục người Na Uy cùng đấu nhưng dần dần bỏ cuộc.
- Đã mấy chủ ở trước rồi?
- Hai. Chủ đầu Na Uy, người sau gốc I răng.
- Iran?
- Dạ. Nghe nói người này được mời về nước giữ chức vụ quan trọng gì đó trong chính quyền, phải đem vội vợ con theo còn nhà thì khoán trắng cho ngân hàng. Thôi mời cha lên nhà kẻo dưới này lạnh.

Vào trong hành lang Quí giúp cha Long cởi áo khoác treo lên móc. Cha Long bắt tay chào hỏi từng người. Vốn bản tính trẻ trung, bặt thiệp cha được tín hữu quí mến. Huệ tỏ ý muốn mời cha Long ly cà phê nhưng cha cười, bảo lo nghi thức đạo đức trước rồi sau tha hồ trà dư tửu hậu.

Chú Tư Giang Hồ xướng kinh cho mọi người cùng bắt theo trong khi cha Long lẩm nhẩm đọc lời nguyện và vẩy nước thánh. Quí đốt thêm một ngọn nến lớn rồi cầm đi trước để hướng dẫn cha Long đến làm phép từng phòng. Tiếng đọc kinh, tiếng hát sốt sắng vang lên trong căn nhà sáng choang ánh điện. Vợ chồng Quí đã xin bạn bè đi theo vị chủ tế như thể một đoàn rước kiệu. Nhờ thế nghi lễ tăng thêm phần long trọng. Phòng giặt là địa điểm cuối cùng nên cha Long dừng lại lâu hơn và đề nghị hát bài “Kinh bình an cho ngôi nhà này.”

Giọng ca của mọi người đang thánh thót bỗng trên lầu nổi lên tiếng loảng xoảng của bát đĩa, ly tách rơi vỡ. Ngọn lửa trên cây nến Quí đang cầm vụt tắt. Huệ với chị Đỉnh hớt hải chạy vội lên. Cha Long hát mạnh hơn để đưa tâm trí mọi người trở lại sự sốt sắng. Anh Trọng bật diêm giúp Quí đốt lại cây nến. Ngọn lửa vừa bừng lên lại tắt.

Ba bốn lần đều như vậy khiến cha Long phải ra hiệu thôi. Khắp nơi đã được làm phép, vẩy nước thánh. Khi trở lên lại phòng khách, mọi người vẫn giữ được vẻ trang nghiêm, tiếp tục đọc kinh. Trọng nhanh chân hơn, đi cạnh Quí, thử đốt nến lần nữa. Ngọn lửa liền cháy sáng cho đến khi xong mọi nghi thức, Quí phải phùng má thổi mạnh mới tắt.

Câu hỏi đồng loạt đầu tiên của mọi người là hậu quả của những chồng bát đĩa và ly tách đổ vỡ. Nhưng ai cũng trợn mắt khi Huệ tươi cười lắc đầu nói như thể đùa giỡn:

- Tạ ơn Chúa, bằng an vô sự!
Chị Đỉnh xác nhận bằng cách chỉ tay về phía nhà bếp và bàn ăn:
- Nhìn thì biết! Không suy suyển tí gì. Có lẽ bên nhà hàng xóm đấy.
Quảng vốn ít nói nghe vậy cũng phải lên tiếng:
- Chắc không đúng, chị Đỉnh ạ. Nhà cửa chung quanh đây cách nhau cả hơn hai trăm thước, giá có tiếng đại bác chắc chúng ta cũng không nghe rõ huống hồ tiếng... dĩa bay!
Tư Giang Hồ chen vào:
- Tiếng gì thì cũng kệ tía nó miễn là đừng bay các món nhậu kia là được rồi!
Ai cũng cười. Thấy bầu không khí cởi mở, cha Long góp chuyện:
- Chắc anh Tư sợ cảnh tô chén bay nên đến bây giờ vẫn chưa chịu dừng bước giang hồ chứ gì?
Cười nữa. Huệ sai đứa con gái lớn đến thì thầm bên tai bố. Quí gật đầu, đứng lên. Mọi người hiểu ý, ra dấu cho nhau im lặng.

- Trước hết chúng con chân thành cám ơn cha đã làm phép cho ngôi nhà này để ơn Chúa mãi mãi hiện diện giữa gia đình chúng con. Cám ơn các anh chị đã bớt thời giờ quí báu đến góp lời cầu nguyện. Nhân đây gọi là chút... ấm lòng, chúng con kính mời cha, mời các anh chị ở lại dùng với gia đình một bữa cơm thanh đạm.

Trong bữa ăn câu chuyện tiếng bát đĩa, ly tách vỡ trên lầu được khơi lại. Thêm có hơi men cuộc tranh cãi trở nên sôi nổi dù chẳng lý lẽ nào giải đáp ổn thỏa. Rồi không hiểu nguyên nhân nào hay do ai đề xướng mà đề tài lại chuyển về sự kiện ngọn nến trên tay Quí không chịu cháy. Tuy nhiên ở điểm này người ta dễ đồng ý với nhau rằng đứng ở dưới phòng giặt ai cũng cảm thấy lạnh mình mẩy. Hẳn có luồng gió ngầm nào đó làm tắt ngọn lửa. Được thể, Quí phân bua:

- Vợ chồng tôi đã nhất trí phải thay cái sàn gỗ bằng sàn xi măng lát gạch bông, bên dưới gắn dây cáp sưởi ấm thường xuyên. Bắt đầu nghỉ hè, chúng tôi khởi công ngay.

Lại hào hứng bàn tán. Nhiều kế hoạch được đưa ra. Hầu hết bạn bè hứa sẽ đến giúp một tay, đỡ phần công thợ. Tiếng cười nói tưởng không bao giờ dứt.

Giữa buổi tiệc, cha Long cáo từ về sớm để soạn bài giảng cho lễ Chủ Nhật ngày mai. Khi tiễn chân, Huệ trao cho cha một túi xách đã được gói ghém cẩn thận:

- Chút quà con biếu cha để đêm cha có đói bụng, khỏi phải bật bếp. Nếu dở, cha cũng cứ khen đại cho con lên tinh thần, cha nhá.
Quí muốn theo cha Long xuống tận xe nhưng bị cản lại:

- Vào tiếp tục vui với anh em. Uống rượu ra ngoài lạnh, nguy hiểm. Xe đậu ngay đây, xa xôi gì.
-À, chỗ đó gần phòng giặt của chúng con đấy cha. Thôi, con kính chào cha lại nhà!



Gió đêm mát rượi. Cha Long cảm thấy nhẹ người. Tuy vậy mùi khói thuốc như vẫn bám chặt nơi quần áo của cha. Trên nền trời lóng lánh một vài chấm sáng lẻ loi. Cha Long đi nhanh chân hơn. Vừa bỏ vào trong xe chiếc va li đựng lễ phục và bịch thức ăn, cha Long bỗng giật nẩy mình. Rõ ràng bên trong gian phòng giặt một cô gái trần truồng đã ngồi từ bao giờ trên chiếc ghế đẩu, quay lưng lại phía ngoài. Cha Long dụi mắt. Vì lái xe, lúc nãy cha đã không dám uống rượu. Đầu óc cha hoàn toàn tỉnh táo. Cha muốn quay đi nhưng không hiểu mãnh lực nào bắt cha tiếp tục nhìn qua khung cửa kính.

Tóc cô gái màu đen xõa xuống bờ vai, nổi bật trên làn da trắng ngần. Vì không thấy mặt cô gái nên cha Long không biết đó là người Việt hay ngoại quốc. Nhưng ai? Cô gái bỗng đứng lên, đi về phía cầu thang. Những bước chân nhẹ nhàng như không chạm mặt sàn gỗ. Lưng cô gái thon lại ở vòng eo để rồi nở rộng nơi cặp mông tròn lẳn. Các mạch máu như cứng lại trong khắp cơ thể của cha Long. Cô gái từ từ biến dạng sau cánh cửa lên lầu. Cha Long vội ngồi thụp vào xe. Bên ngoài vắng tanh. Dẫy cây hàng rào lung lay trong gió. Nhưng trong xe ngột ngạt, thiếu khí thở. Cha Long cố gắng trấn tĩnh lại, đề máy. Cũng khoảng bốn năm lần động cơ mới nổ. Xe đã chạy ra xa lộ, cha Long vẫn cảm thấy khuôn mặt mình còn nóng bừng.

Bữa tiệc trên lầu tiếp tục trong bầu khí rộn rã. Huệ đề nghị vừa ăn uống vừa hát karaoke và được mọi người hưởng ứng. Hết đơn ca lại song ca. Những bài ai cũng biết thì hợp ca vang cả nhà. Chẳng cần giữ gìn hay câu nệ, đến như chú Tư Giang Hồ cũng hăng say biểu diễn “tân cổ giao duyên.” Cuộc vui kéo dài đến gần bốn giờ sáng mới tàn. Nhà rộng dư chỗ cho tất cả ngủ lại. Vừa đặt mình xuống ai cũng chìm ngay vào giấc ngủ say. Tiếng ngáy liền thi nhau vang dội không kém gì tiếng hát hồi nẫy.
Nhưng cũng trong giờ phút này, tại giáo xứ, cha Long vẫn còn thức. Viết rồi lại xóa, bao nhiêu lần mà cha Long vẫn không hoàn thành được bài giảng cho buổi lễ ngày mai. Hình ảnh cô gái lõa thể quẩn quanh trong tâm trí khiến cha mất hết khả năng tập trung suy tưởng. Cuối cùng cha Long đành xếp lại giấy bút, trù tính sáng mai thức giấc sớm hy vọng sẽ làm việc được. Cha quỳ gối cầu nguyện thật lâu. Nhưng khi lên giường cha Long không tài nào chợp mắt nổi. Trăn qua trở lại mãi. Cha như con chim trong bụi gai. Lửa nóng dưới lưng. Lửa đốt trong lồng ngực. Lửa phừng phực giữa các tế bào. Cha vùng bật ngồi dậy. Vào phòng tắm, cha vặn nước thật mạnh. Nước lạnh. Lúc sau bước ra, cha run cầm cập.

Sau khi mặc quần áo ấm áp, cha Long cảm thấy đói bụng. Nhớ lại bữa tiệc hồi tối, cha chảy nước miếng. Cha xuống bếp mở tủ lạnh, lấy chiếc hộp đựng thức ăn mà chị Huệ đã tặng. Nắp hộp vừa bật lên theo tay cha Long, lập tức một mùi thối khủng khiếp cũng òa ra. Cha Long chỉ kịp thấy thoang thoáng bên trong hộp thứ gì đen đen, nhão nhoét. Vội vàng cha ném mạnh chiếc hộp ra bãi cỏ bên ngoài rồi đóng cửa sổ lại. Nhưng mùi khắm như mùi tử thi vẫn nồng nặc trong căn bếp khiến cha Long quằn quại ruột gan. Cha chưa kịp cúi đầu vào bồn cầu thì đã nôn mửa thốc tháo. Lúc sau cha Long lả người, nằm vật sóng soài trên tấm thảm.

Sáng chủ nhật, như thường lệ ông từ Thượng đến giáo xứ sớm để mở cửa nhà thờ, sắp xếp áo lễ và chén thánh. Khi đi ngang bên dưới phòng cha Long, ông Thượng ngạc nhiên thấy ngổn ngang trên đám cỏ xanh khoảng hơn chục chiếc chả giò chiên vàng, những sợi bún trắng phau và những khoanh ớt đỏ tươi. Mùi thơm của mỡ thịt, của nước mắm pha tỏi còn thoang thoảng. Linh tính báo điều bất hạnh, ông Thượng chạy vội lên phòng cha Long. May mắn cửa bên trong không khóa.

Trong khi chân bước dò dẫm, miệng ông Thượng liên tiếp gọi: Con xin phép chào cha! - nhưng không nghe tiếng động nào. Ông Thượng mạnh bạo xông vào các phòng. Cuối cùng ông thấy cha Long nằm bất động bên bồn cầu vệ sinh. Ông báo động ngay. Xe cứu thương được gọi tới, cấp tốc chở cha Long vào bệnh viện. Bác sĩ khám nghiệm cha Long cho biết nếu chậm chừng ít phút nữa, chắc vô phương cứu chữa. Tuy không chuẩn đoán được căn nguyên bệnh tình của cha Long nhưng bác sĩ xác nhận cha sẽ phải tĩnh dưỡng lâu dài. Và cũng từ ngày đó cha Long dường như chẳng nói năng gì nữa. Đôi mắt của cha không còn linh hoạt, sau làn kính cận lại càng lạc thần. Những người lớn tuổi bảo rằng cha Long bị trúng gió độc, cấm khẩu.
xuong  
#2 Đã gửi : 28/10/2015 lúc 06:32:07(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nghe đứa con trai út kể máy cắt cỏ của ông già Per bị hư, Quí nhân cơ hội qua bắt thân với người hàng xóm. Nhờ có chút năng khiếu kỹ thuật, Quí loay hoay sửa được chiếc máy đã quá cũ. Ông già Per hài lòng và tỏ ra phục anh chàng Việt nam nhỏ con nhưng nhanh nhẹn này. Sau đó Quí phụ giúp ông cắt xong cỏ ở mảnh sân vốn chỉ bằng phân nửa sân của nhà Quí. Bà Anne, vợ ông Per làm bánh tổ ong mời Quí cùng ăn và uống cà phê. Qua câu chuyện, Quí được biết ngôi nhà mà ông bà hiện ở là quà cưới do cụ cố ngoại cho bà Anne khi bà thành hôn với ông Per, một công nhân nghèo. Ông bà chỉ sinh được một người con gái. Cô này sau khi tốt nghiệp bác sĩ, đã tình nguyện sang làm việc ở Phi châu trong phái đoàn Hồng thập tự Na Uy. Đáp lại, Quí cũng kể về đất nước và gia đình mình cho ông bà nghe. Chợt ông già Per nói:
- Tao thấy mấy đứa con của mày thường chơi với bạn Na Uy. Không như gia đình trước, chẳng bao giờ!
Bà Anne nhanh nhẩu:
- Đâu có gì lạ, họ là người Trung Đông lại theo đạo Hồi, khắt khe lắm trong việc giáo dục con cái, nhất là với con gái.

Quí nhận ra ở vùng này, tuy hàng xóm sống cách xa nhau, tưởng như biệt lập hẳn nhưng thực tế, họ vẫn quan sát nhau. Dân ngoại quốc càng trở thành đích điểm cho bao cặp mắt tò mò của người bản xứ. Quí hạ dĩa bánh xuống bàn, thong thả giãi bày:
- Theo tôi nghĩ, mấy đứa nhỏ của tôi đều sinh trưởng ở Na Uy, được giáo dục trong học đường Na Uy, chịu ảnh hưởng của văn hóa Na Uy, do đó chúng nó đương nhiên phải có bạn Na Uy.
Ông già Per tự rót thêm cà phê vào ly mình, gật gù:

- Quan niệm như mày thật hữu lý. Ý tao không chủ trương phải quên nguồn gốc, nhưng là cần thích nghi với môi trường. Thôi, tao cứ lấy gia đình chủ cũ của nhà mày làm thí dụ vậy nhá. Đồng ý họ gốc người Iran nhưng cũng đã cư ngụ ở xứ sở này gần hai chục năm chứ ít sao. Vậy mà chẳng có chút gì gọi là ảnh hưởng của văn minh, văn hóa Tây phương cả. Lạ! Đứa con gái lớn khoảng đâu mười bảy, mười tám tuổi, học năm chót cấp ba, cứ thấy về đến nhà lại phải bỏ Âu phục, mặc quốc phục. Còn thằng con trai, tuy có vẻ phóng khoáng hơn, nhưng tuyệt nhiên cũng không thấy bè bạn với thanh niên Na Uy nào. Lạ!
Bà Anne góp chuyện:

- Đúng vậy, trước họ ở nơi khác không biết thế nào, nhưng ba năm về đây mà chẳng bao giờ qua lại với hàng xóm giống như gia đình mày và...
Ông Per cắt ngang:

- Của đáng tội, cũng một lần. Ấy là lần cuối cùng trước mấy ngày dọn đi, ông bố sang đây chào biệt, kể rằng con gái lớn đã về Iran từ tháng trước vì bà ngoại đã tìm được cho nó một hôn phu cùng quê quán và cũng gốc Hồi giáo. Bởi vậy họ phải bán nhà gấp để về nước lo đám cưới cho nó. Nhân dịp này nếu thằng con trai ưng đứa em họ 14 tuổi, con gái của người dì thì cũng cho cưới một thể. Họ tính sẽ không trở lại Na Uy nữa.

Quí ngạc nhiên thấy câu chuyện ông Per kể khác với những gì Quí được biết về gia đình chủ cũ qua người trung gian bán nhà ở ngân hàng. Tuy nhiên Quí không muốn nói ra. Ngồi hàn huyên thêm lúc nữa, Quí cáo từ. Khi Quí vừa bước ra hành lang thì ông già Per gọi lại:
- Quí, mày thắp loại đèn gì ở phòng giặt nhà mày mà kỳ cục quá vậy? Ban đêm tao thấy qua cửa kính cứ hết chớp đỏ lại lóe trắng, hết bật tím lại nhá xanh... như thể đèn mừng lễ Giáng sinh không bằng.
Quí cười:

- Tôi chỉ bắt hai ngọn nê-ông ngắn thôi; ánh sáng vàng cho đỡ chói mắt. Nhưng đêm ai bật đèn làm gì cho tốn điện!
Ông già Per cau mặt:
- Không lý tao quáng gà? Tao mới bảy mươi hai chứ mấy!
Bà Anne từ trong bếp nói vọng ra:
- Đã nhắc ông nhiều lần đi khám mắt lại, thay kính mà cứ khất lần mãi!
Trong bữa cơm chiều, Quí kể lại chuyện này cho vợ con nghe. Cả nhà đều cười, nói ông già Per lẩm cẩm rồi, thấy nhiều ánh đèn mầu là dấu hiệu Chúa sắp gọi về.

Mấy ngày sau trong tai Quí lúc nào cũng lùng bùng những âm thanh lạ. Khi thì văng vẳng tiếng trẻ sơ sinh khóc, lúc lại khàn khàn như lũ vịt đực kêu đàn. Nghe chồng than, Huệ bảo tại Quí hàng ngày nghe tiếng máy móc ở trong sở nên bị ám ảnh. Quí nhún vai:

- Anh làm trong nhà in hơn chục năm nay, đâu phải lính mới mà em giải thích gì... hay quá vậy!
Hiện tượng kéo dài khoảng hai tuần lễ, bực mình quá khiến Quí phải xin gặp bác sĩ chuyên khoa của xí nghiệp. Kết quả khám nghiệm, thính giác của Quí vẫn tốt. Dù khó chịu vô cùng, Quí đành tự nhủ phải tập làm quen với những âm thanh kỳ quái này vậy. Hoặc quên nó đi! Nhưng không dễ, lúc nào những tiếng động hỗn loạn này cũng như nghịch ngợm, phá phách trong tai. Quí muốn điên!

Một đêm Quí nghe rõ ràng có tiếng gõ cửa, lúc đầu có vẻ dè dặt, sau mạnh và gấp rút. Quí muốn đánh thức vợ nhưng sực nhớ câu Huệ vẫn trêu chọc mình, “màng nhĩ của anh thủng rồi,” lại thôi. Quí nhẹ nhàng nâng tấm mền đắp sang cho vợ, rón rén ra mặc áo khoác, tìm đôi giầy ống. Chắc có người bạn nào muốn ngủ hoang, ngại tiếng chuông đánh thức cả nhà? Tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục nổi lên. Âm thanh sắc cạnh trong sự thinh lặng. Quí khẽ vặn chốt khóa, từ từ đẩy cánh cửa. Bàu trời tháng năm nhợt nhạt. Quí bước ra hẳn ngoài, nhìn trước, ngó sau. Tĩnh mịch. Quí không tin mình đã nằm mơ. Chợt nhớ câu chuyện ông già Per kể, Quí đi vòng ra bên ngoài gian phòng giặt, ngước mắt trông lên khung cửa kính. Tối om. Tư tưởng miên man, quay về với buổi lễ làm phép nhà, Quí thấy tội nghiệp cha Long, mới ngày nào khỏe mạnh, tươi trẻ, nay vẫn liệt giường. Gió thổi nhẹ mà buốt tận xương. Quí rùng mình nhiều lần. Khi bước lên bậc thềm hành lang để trở vào nhà, Quí bỗng thấy hai con đom đóm lượn trên nóc nhà để xe. Từ ngày ra ngoại quốc, lần đầu tiên Quí thấy lại loài côn trùng dạ quang này.

Sáng sớm, chuông đồng hồ báo thức đến lần thứ ba Quí mới lồm cồm ra khỏi giường. Huệ đã làm xong thức ăn buổi trưa để Quí đem theo tới sở làm. Thấy đã có sẵn nước sôi, Quí tự pha cà phê theo khẩu vị và châm điếu thuốc:

- Đêm qua anh thấy đom đóm.
Huệ bật cười thành tiếng nhỏ:
- Nếu anh nói gặp thiên thần hiện ra, có lẽ em tin hơn.
- Em nghi anh... xạo?
- Không phải, nhưng thứ nhất anh đi đâu ban đêm mà thấy được; hai nữa, đom đóm thường có vào những đêm thời tiết nóng, khoảng cuối tháng bảy hoặc qua tháng tám. Đàng này mới giữa tháng năm, đến như người ban ngày còn lạnh cóng huống hồ con sâu con bọ.
Quí không nói gì thêm, lẳng lặng cất bao thuốc lá vào túi áo. Huệ giúp chồng bỏ hộp thức ăn vào bịch nhựa:

- Anh nhớ chiều nay mình làm gì không?
- Gì?
- Chúa ôi, nếu em không hỏi thì lỡ công lỡ việc hết rồi. Qua Sotra xem gạch bông hạ giá đẹp đến cỡ nào để rồi còn tính!
- À... à nhớ chứ.
- Đón em ở sở lúc 4 giờ 15. Mới bàn với nhau tối qua, giờ đã quên. Ấy là việc sửa phòng giặt anh vẫn mong hơn mọi người.
- Anh nhớ mà!
- Em thấy anh độ này... sao ấy, lúc nào cũng như mất hồn. Anh thấy trong người thế nào?
- Khỏe! Khỏe như trâu!
- Thật không đấy?
Quí hạ giọng, nói sát bên tai vợ:
- Mỗi tối anh vẫn chứng minh đều đặn, thế không đủ cho em tin à?
Huệ trợn mắt:
- Lại nói bậy! Màng nhĩ đã thủng, bộ còn muốn thụt lưỡi nữa sao đây?
Quí vội lách mình ra khỏi cửa, cười lớn giọng. Tiếng cười thoáng vẻ gượng gạo.
Chiều hôm đó khi đến xem loại gạch bông được sản xuất từ Do Thái, Quí ưng ý liền. Sau khi thuận giá, sẵn tiền Huệ đặt cọc ngay. Tiệm hứa sẽ giao hàng tận nhà vào chiều thứ năm tuần tới. Thấy chồng vui, Huệ mừng. Về đến nhà hơi trễ, vợ chồng Quí thấy phòng của ba đứa con không có ánh đèn, biết chúng nó lại đi chơi cuối tuần. Trong khi Huệ hâm thức ăn, Quí xuống phòng giặt tính đo đạc lại để biết chắc chắn số gạch đặt mua đã đầy đủ. Đèn vừa bật sáng, tim Quí gần như ngừng đập khi Quí thấy cái máy giặt đang nằm giữa phòng. Quí hớt hải chạy lên gọi vợ. Huệ há hốc miệng, chẳng thốt được lời nào. Tuy chưa trao đổi với nhau nhưng trong đầu cả hai người đều không tin ba đứa nhỏ ở nhà đã tự động hợp lực chơi đùa thay đổi nơi đặt máy giặt. Vả lại chúng đi học cả ngày. Quí và Huệ cùng lấy hết sức vận chuyển chiếc máy về chỗ cũ nhưng không nổi. Thử cả chục lần chỉ nhúc nhích được vài phân. Quí nói trong hơi thở dốc:

- Chịu! Để anh cầu cứu chú Tư Giang Hồ.
Quí lấy máy điện thoại di động trong túi quần, bấm số. Không tiếng trả lời. Huệ ngồi trên chiếc ghế đẩu sốt ruột:
- Chắc không có nhà.
Quí kiên nhẫn:
- Hay là cuối tuần cha nội lại qua chầu chực bên chị Ba Giạng rồi. Không ngờ, già mà còn đa tình gớm!
Ít phút sau, từ đầu dây bên kia:
- A lô, Tư nghe đây!
Quí nói như reo:
- Trời! Tưởng đi vắng chứ, sao mãi không bắt máy?
- Kẹt trong toa lét. Có chuyện gì vậy?
- Rảnh không, tới giúp tụi này một tay... Hả?... Nói lớn hơn một chút, nghe không rõ... Ừ thì tai vẫn ù... Khiêng cái máy giặt. Từ nãy tụi này è cổ mà cuối cùng phải đầu hàng. Nặng khủng khiếp. Mà được không đã?
- Mua máy mới à?
- Không, máy cũ... Hả? Hả? À, chuyện dài, cứ tới sẽ biết! Ô kê, tụi này chờ! Chào, lát nữa gặp lại!
Không đầy nửa tiếng sau xe chú Tư Giang Hồ đã đậu cạnh bức tường bên ngoài gian phòng giặt. Nghe Quí kể xong, chú Tư đi tới đi lui, nheo mắt quan sát:
- Chắc tại cái sàn gỗ này nghiêng nên khi máy hoạt động dần dần nó trôi vào chỗ trũng hơn.
Huệ đính chính liền:
- Nhưng mấy bữa nay em đâu bật máy. Hơn nữa nếu...
- Ừa há...!
Tư Giang Hồ cũng bỏ lửng câu nói; tay gãi gãi mái tóc đã có nhiều sợi bạc.
UserPostedImage


Hì hục một lúc lâu ba người mới vần nổi cái máy giặt về chỗ cũ, nơi gắn ổ điện và bình thoát nước. Vợ chồng Quí giữ chú Tư ở lại dùng cơm. Huệ xào đĩa thịt bò và trộn thêm món gỏi tôm. Quí lấy trong tủ chai Hennessy. Huệ chỉ ăn chén cơm, kêu mệt rồi vào giường sớm. Quí và chú Tư tiếp tục đối ẩm. Hai người dường như đã quên chuyện cái máy giặt, chỉ to nhỏ về chị Ba Giang. Tư Giang Hồ vui một cách đặc biệt. Quá khuya Quí định mở chai rượu mới nhưng chú Tư cản lại. Quí lấy chăn đệm ra cùng ngủ ở phòng khách để nghe tiếp tâm sự của người bạn vong niên. Tuy vậy không đầy năm phút sau, tiếng ngáy đã vang dội trong căn phòng.
Quí đang ngon giấc bỗng bị lay dậy. Thoang thoáng thấy bóng đứa con trai út, Quí dụi mắt lè nhè:
- Sáng rồi cơ à?
Thằng bé ngồi sụp xuống, thì thầm:
- Chưa, bố! Nhưng... bác gì... quên tắt máy xe.
Quí tỉnh hẳn:
- Hả? Xe nào?
- Xe đậu ở cuối sân nhà mình, cạnh phòng giặt. Không phải xe của bố.
Vừa lúc đó chú Tư Giang Hồ tung mền, nói như hét:
- Xe tao!
- Cháu dậy đi.... tè, thấy xe bác vẫn còn nổ máy.
Tư đập mạnh tay vào túi quần, gắt giọng:
- Xạo mày! Chìa khóa xe nằm đây mà mày!

Tuy nói vậy Tư Giang Hồ cũng vội cài lại thắt lưng quần và hàng cúc áo. Cả Quí và chú Tư cùng chạy xuống sân, không kịp mặc thêm áo khoác. Quả thật tiếng máy xe đang nổ gầm gào. Khói cuộn lên bao phủ cả một vùng. Hai ngọn đèn pha phóng ra hai đường ánh sáng thẳng mạnh. Chú Tư luýnh quýnh mở cửa xe rồi lập cập mãi mới tra được chìa khóa vào ổ. Chiếc xe rít lên, giãy giụa thêm vài lần rồi mới chịu nằm yên. Quí sờ tay vào nắp đậy máy, vội giật ra ngay. Bỏng rát. Chú Tư quay cửa kính xe xuống, hất hàm hỏi Quí:
- Mày hiểu nổi không?
Quí lắc đầu nhưng cũng đáp liều:
- Chắc mát dây.
- Mày nói chẳng lọt tai tí nào. Chạm điện thì cháy bà nó rồi chứ còn đứng đấy mà nổ máy.
Quí gỡ gạc:
- Dân chôm chỉa xe cũng chỉ cần hai sợi dây máy xẹt vào nhau.
- Vụ đó khác.
- Khác sao?
Tư Giang Hồ nhún vai, lặng lẽ khóa cửa xe. Quí đi bên cạnh cũng không nói gì thêm. Trong tai Quí lại vọng lên tiếng trẻ khóc và giọng vịt đực khàn khàn. Trời đã ngả sáng.

*
Thấm thoát đã vào mùa hè. Vật dụng Quí đã mua sẵn sàng, chỉ chờ khoảng đầu tháng Bảy sẽ khởi công. Chắc chắn có chú Tư Giang Hồ và anh Trọng đến giúp. Quí và Huệ đã sắp xếp để cùng nghỉ hè vào một thời gian. Ba đứa con tham dự trại hè trên miền bắc Na Uy do công xã tổ chức cho những trẻ không có cơ hội du lịch xa.

Đúng ngày hẹn, từ sáng sớm chú Tư và anh Trọng đã lái xe tới. Người nào cũng đem theo bộ đồng phục màu xanh nước biển, thứ quần áo công nhân. Quí chỉ mặc chiếc quần jeans đã cắt cụt hai ống và áo mai ô xám, đội thêm chiếc mũ lưỡi trai. Ba người ngồi trên thảm cỏ uống cà phê. Mặt trời đã lên cao nhưng nắng dịu và gió hây hây. Huệ đem ra rổ bánh mì nhồi thịt với cà rốt bào muối chua nhưng ai cũng nói không quen ăn sáng hoặc chờ đói bụng. Quí nhắc lại công việc sắp thực hiện:
- Đồ đạc tụi này khuân ra hết rồi, trừ cái máy giặt nặng quá thôi. Đầu tiên mình lột sàn ván ra hết, mới cũ gì cũng làm củi đốt lò sưởi. Lớp bên dưới có thể là đất ép hoặc xi măng mỏng, mình cuốc lên rồi đào sâu thêm khoảng...

Chú Tư Giang Hồ cắt ngang:
- Thôi cha, bộ làm hết bữa nay sao mà thuyết minh dữ vậy! Tới đâu, tùy cơ ứng biến đến đó. Bây giờ, nhào dô!

Ba người đàn ông bê bổng cái máy giặt đặt ra hành lang. Sau đó mỗi người cầm một chiếc xà beng để nạy từng miếng ván. Công việc tiến nhanh. Thỉnh thoảng Huệ ghé vào mời các anh nghỉ tay xơi bánh, lại bị đuổi lên nhà. Huệ chỉ cười xòa. Đến khoảng giữa trưa thì sàn gỗ đã được dọn sạch. Bên dưới gồm những tấm gạch to bản xếp khít nhau. Bỗng Quí xây xẩm mặt mày, tai đầy những âm thanh kỳ quái. Anh Trọng chạy lại đỡ Quí, dìu ra ngoài sân. Nắng hè gay gắt nhưng gió mát. Quí tỉnh lại, ngơ ngác không hiểu lý do mình lại ngồi trên thảm cỏ. Trước những câu hỏi chăm sóc của hai người bạn, Quí chỉ cười sằng sặc khiến họ nghĩ vừa rồi Quí đã đóng kịch.

Cơm nước nghỉ ngơi xong ba người tiếp tục phần vụ. Việc gỡ các viên gạch không khó khăn chỉ cần nhẹ tay vì Quí muốn dùng lại để lát lối đi lên vườn. Chợt Quí thấy một đường dây điện bắt từ một ổ cắm được ngụy trang bằng một cái khay đựng bột giặt. Dây điện này nằm trong một ống nhựa màu đen lớn bằng ngón chân cái, chạy ngầm vào lòng đất. Quí gọi:

- Hai ông lại xem này, hình như đã có sẵn hệ thống dây cáp.
Chú Tư Giang Hồ vội đặt chồng gạch xuống dưới chân, lắc đầu:
- Chắc không phải... À thôi rồi, thằng chủ cũ muốn câu điện lậu đây mà. Mánh kiểu này, sức mấy công an điện lực khám phá nổi.
Anh Trọng chùi tay vào hai bên hông quần, cười:
- Coi chừng... mìn đấy, nổ thì bỏ mẹ.
Quí lấy xẻng xúc lớp đá vụn bên trên. Ống nhựa đựng dây điện không nằm ngang nữa mà đâm thẳng xuống. Chú Tư và anh Trọng phụ với Quí. Đất bên dưới tơi, khô chứng tỏ mới được lấp không lâu lắm. Bỗng đầu chiếc cuốc của Trọng đập phải chất gì cứng. Trọng nhường chỗ để Quí dùng xà beng dộng xuống thăm dò. Biết chắc có vật khác lạ bên dưới, ba người ra sức đào xới các lớp đất, mở rộng thành một cái hố sâu. Một lúc sau hiện ra mặt nắp của một chiếc tủ mà chiều dài cũng khoảng thước rưỡi. Quí lấy chân hất mấy cục đất sót lại, nửa đùa nửa thật:
- Kho tàng! Dân đạo Hồi cũng hay giấu của giống như người Tàu. Cầu trời một tủ... vàng thì đời lên hương!
Vẻ hoài nghi hiện trên nét mặt của chú Tư Giang Hồ và anh Trọng. Hai người như nghe rõ nhịp đập của trái tim và hơi thở dồn dập của nhau. Trọng bước tới sát sau lưng Quí:
- Tao đã nói mà, vợ chồng mày mua được căn nhà này là hên vô bờ bến.
Chú Tư tặc lưỡi:
- Thì cứ mở ra! Ơ hay hai thằng này, đứng đấy mà mơ mộng giầu sang!
Rồi cả ba người cùng bấm mấy đầu ngón tay vào thành nắp tủ, bặm môi, nhìn nhau. Quí đếm:
- Một, hai, ba!
Nắp tủ bật mạnh lên. Khí lạnh ùa ra. Bỗng ba người cùng hét lên:
- Trời!
- Ớ!.. ới!
Dường như không ai đứng dậy nổi, cứ lết giật lùi; miệng lắp bắp không thành tiếng. Cả ba bộ mặt xám ngắt.
Làn hơi mỏng bốc lên từ chiếc tủ bay lên, tan loãng. Sau những phút khiếp đảm, Tư Giang Hồ tỉnh hồn lại được trước, cầm chiếc xà beng, cẩn trọng tiến lại. Trong lòng tủ hiện rõ dần một tử thi. Hai cánh tay của xác chết giơ lên giống hai thanh củi với các ngón tay cong lại như đang cào cấu không gian. Khuôn mặt người chết tuy bị đậy dưới lớp băng nhưng vẫn rõ nét. Một người con gái. Làn da dính sát xương mặt xếp thành những nếp không hiểu do sự đông đá hay vì những đớn đau cùng cực khi người này qua đời. Tóc người chết phủ dài xuống tận vai, bệt lại như những nắm rơm. Cặp mắt không khép kín, cố trợn lên. Đầu lưỡi lòi khỏi hai hàm răng trắng mởn mà thịt lợi đã co lên, xám đen. Xác chết được quấn bằng những lớp vải màu sặc sỡ. Đôi ống chân bị gập lại dưới đùi như để cho thân hình vừa vặn với kích thước chiếc tủ.
Tư Giang Hồ giật mình khi có bàn tay đặt trên vai. Trọng và Quí cũng đánh bạo mon men lại.
- Báo... báo... cảnh sát!

Không biết ai đã thúc giục, Quí làm theo một cách máy móc. Tay Quí run run khi cầm máy điện thoại di động, bấm số cấp cứu. 112. Từ đầu dây bên kia giữa những âm thanh ồn ào, tiếng của một người đàn ông cố gắng nói lớn, hỏi thêm một vài chi tiết. Quí nghe rất rõ và trả lời được dù với giọng còn đầy kinh hoàng. Vô tình Quí không để ý tai mình đã hết ù từ lúc nào. Khoảng gần nửa tiếng sau, một đoàn xe cảnh sát hú còi chạy đến. Những sợi dây đỏ liền được giăng ra, cô lập khu vực. Hai nhân viên an ninh mặc thường phục hỏi cung tại chỗ trước hết Quí rồi Trọng và Tư Giang Hồ. Trong cách diễn tả rõ rệt ba người đàn ông Việt Nam này tiếp tục hiện hữu trong cơn chấn động.

Lúc đó chẳng ai quan tâm đến Huệ vẫn ngồi như thân tượng đá trên thềm hành lang.
Các nhật báo hôm sau đều chạy trên trang nhất hàng chữ lớn, đậm nét: Tử thi trong tủ đông lạnh - và đăng hình gian phòng giặt, ngôi nhà với bài tường thuật:

“Trong khi sửa sang sàn phòng giặt, chủ nhân (gốc người Việt) của ngôi nhà cùng với hai người bạn đồng hương vô tình đào thấy một chiếc tủ đông lạnh được chôn sâu trong lòng đất. Xác một cô gái nằm trong tủ này mà theo nhà chức trách đã chết cách nay chưa đầy một năm. Cảnh sát trưởng cho biết có nhiều vết tích trên tử thi khiến khả nghi đây là một vụ án mạng. Sự kiện gây kinh ngạc hơn nữa là nạn nhân đang mang thai. Cũng theo cuộc điều tra sơ khởi, nạn nhân là người Iran, quốc tịch Na Uy, khoảng 17 tuổi, cựu nữ sinh trường trung học cấp 3 thành phố. Bổn báo phóng viên sau khi cố công tìm gặp một số học sinh đồng khóa với cô gái, đã thu thập được thêm chi tiết là thiếu nữ này trong thời gian đi học, đã từng có mối liên hệ tình cảm sâu đậm với một bạn trai Na Uy cùng lớp.

Gia đình nạn nhân gồm cha mẹ và người em trai đã bí mật rời Na Uy từ tháng Giêng năm nay nhưng dư luận không tin họ đã trở về quê quán Iran. Dấu vết cuối cùng của gia đình này trên đất Na Uy mà nhân viên trung gian bán nhà tiết lộ là số trương mục của người cha thuộc về một ngân hàng Thụy sĩ. Chức quyền Na Uy đã nhờ cơ quan hình cảnh quốc tế - Interpol - truy lùng tung tích gia đình nói trên.
Thời gian gần đây đã xảy ra trong giới tín đồ Hồi giáo cư ngụ tại Bắc Âu những vụ hành quyết con cái, vốn được mệnh danh là giết vì danh dự, khi những đứa trẻ này không tuân theo sự cưỡng đặt của gia đình trong vấn đề tình cảm và hôn nhân.
Phải chăng cô gái bị chôn trong tủ đông lạnh này cũng là nạn nhân của một hủ tục cuồng tín?
*
Cha Long hạ tờ báo xuống bàn. Khuôn mặt cha tươi tỉnh và hồng hào trở lại. Chỉ mới hôm qua, sáng nay cha Long đã biến đổi khác hẳn. Cha gọi điện thoại về nhà anh Trọng, nơi nghe nói gia đình Quí đang tạm trú, định hẹn giờ để đến thăm và chia sẻ hoàn cảnh. Không ai trả lời. Cha Long đặt máy xuống; miệng hát nhỏ một điệu nhạc thánh ca.
Trong lúc đó vợ chồng Quí đang ngồi trong ngân hàng, nói chuyện với nhân viên trung gian về việc bán gấp ngôi nhà...

HOÀI MỸ
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.491 giây.