Người nông dân, tay cầm cây roi dài, đang lùa ngỗng ra thành phố bán; và, thực ra mà nói, ông ta đối xử với bầy ngỗng chẳng tốt đẹp gì cho lắm. Hy vọng kiếm lời nhiều, ông đi vội vàng không nghỉ để cho kịp buổi chợ (muốn được lời thì người và ngỗng đều chịu khổ như nhau). Tôi chẳng trách người nông dân; nhưng bọn ngỗng nói về ông chẳng ra gì, hễ thấy ai đi ngang qua, chúng liền chửi bới ông cho họ nghe với những lời lẽ như thế này:
“Có ai thấy những con ngỗng nào còn khổ hơn ngỗng chúng tôi không? Gã nhà quê này hành hạ chúng tôi thật quá đáng, còn lùa chúng tôi đi như thể chúng tôi là loại ngỗng thường không bằng. Cái gã dốt nát này không biết rằng lẽ ra hắn ta phải tôn kính chúng tôi chứ, vì chúng tôi là con dòng cháu giống cao quý của những con ngỗng mà La Mã từng mang ơn cứu mạng, và ở đấy họ còn đặt ra những ngày lễ vinh danh loài ngỗng chúng tôi nữa kìa.”
“Vì thế các bạn muốn được mọi người tôn vinh chứ gì?” một người qua đường hỏi bọn ngỗng.
“Coi, tổ tiên chúng tôi...”
“Tôi biết điều ấy rồi... Tôi đọc hết tất cả về chuyện ấy; nhưng tôi muốn biết điều này - chính các bạn có làm được chuyện gì hữu ích chăng?”
“Coi, tổ tiên chúng tôi đã cứu La Mã!”
“Đúng thôi; nhưng riêng các bạn đã làm được gì?”
“Chúng tôi? Không được gì.”
“Vậy ở các bạn còn có giá trị gì? Hãy để tổ tiên các bạn an giấc ngàn thu - họ đã nhận phần thưởng danh dự rất xứng đáng; nhưng các bạn chỉ đáng để cho người ta quay thôi!”
Truyện ngụ ngôn này tôi có thể dễ dàng viết lại cho dễ hiểu hơn, nhưng tôi sợ làm bọn ngỗng khó chịu.
Ivan Krylov
Trần Quốc Việt dịch
Ivan Andreevich Krylov (1769-1844) là nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất ở Nga.
____________
Nguồn:
Dịch từ tác phẩm “Krilof and his fables” của W.R.S. Ralston, nhà xuất bản Cassel & Company, Limited, London, 1883, trang 67-68.
https://ia802205.us.arch...fhisfables00kryluoft.pdf