Ba người dân quê ghé vào làng để qua đêm. Họ đã hành nghề phu xe ở Petersburg; lúc làm lúc chơi; và bây giờ trở về quê cũ. Vì người dân quê thường không thích để bụng đói đi ngủ nên bọn họ hỏi xin thức ăn. Nhưng dân làng chẳng có mấy thức ăn. Họ bày ra trên bàn trước mặt bọn khách lỡ đường đói bụng chỉ một bát xúp bắp cải, ít bánh mì, và bát cháo thừa. Thức ăn tuy chẳng bằng ở chốn kinh thành, nhưng than van cũng chẳng ích gì; dù gì nữa cũng còn hơn là để bụng đói đi ngủ. Vì vậy họ làm dấu thánh, và ngồi xuống bàn. Rồi kẻ khôn ngoan nhất trong bọn thấy chừng đấy thức ăn chẳng bõ bèn gì cho cả ba người liền nghĩ cách thủ lợi. Khi vũ lực không thể thắng được thì phải dùng đến kế mọn.
“Các bác này,” y nói to, “các bác biết Thomas, chắc nó dính trong đợt trưng binh này.”
“Trưng binh gì?”
“À, có tin chiến tranh với Trung Hoa. Đức vua ta đã ra lệnh cho người Tàu triều cống trà.”
Nghe thế hai kẻ kia bắt đầu cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng vấn đề (không may họ đều biết đọc, và đã theo dõi báo chí và tin đồn), về cách tiến hành chiến tranh và ai nên chỉ huy. Hai người bắt đầu bàn bạc, phỏng đoán, giải thích, tranh cãi như thường lệ. Kẻ bịp bợm chẳng còn mong muốn gì hơn. Trong lúc họ đang hiến mưu bày kế, sắp đặt việc quân, bày binh bố trận thì gã lẳng lặng chén sạch súp và cháo.
Ivan Krylov
Trần Quốc Việt dịch
____________
Ivan Andreevich Krylov (1769-1844) là nhà văn viết truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất ở Nga.
Nguồn:
Dịch từ tác phẩm “Krilof and his fables” của W.R.S. Ralston, nhà xuất bản Cassel & Company, Limited, London, 1883.
https://books.google.com...ee%20moujiks&f=false