Một số người đã biểu tình phản đối ông Bùi TínCựu Đại tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín mới đây qua Mỹ tham dự sinh hoạt Họp mặt Dân chủ, tổ chức tại Đại học Long Beach ở miền nam California và sau đó được mời đến San Jose nói chuyện.Sự việc mời ông đến thủ phủ của người Việt ở miền bắc California đã gây ra một luồng tranh cãi trong sinh hoạt cộng đồng.
Sáng thứ Bảy 23/6/2012 ông Bùi Tín có buổi nói chuyện công khai với cộng đồng người Việt San Jose.
Hai ngày trước khi ông xuất hiện thì có tranh luận giữa những người trong cộng đồng về việc có nên mời ông hay không. Cùng lúc, địa điểm dự định tổ chức tại Eastside High School District bị hủy bỏ hợp đồng và hai ủy viên giáo dục của học khu là Lân Nguyễn và Vân Lê ra thông báo nói họ không dính dáng gì với ban tổ chức buổi nói chuyện.
Mời hay không mờiTranh luận về việc có nên mời ông Bùi Tín được tổ chức tại trụ sở báo Calitoday. Muốn mời là các ông Nguyễn Tường Tâm, Trương Bổn Tài và Trần Mạnh Quỳnh. Phản đối gồm các ông Nguyễn Tâm và Trần Trung Chính.
Những người đứng mời cho rằng ông Tín đã thực sự phản tỉnh, qua những việc làm và nhiều bài viết cho thấy ông muốn có một nước Việt Nam tự do dân chủ. Phía phản đối nói không có gì phải nghe một cựu sĩ quan bộ đội cộng sản nói về tình hình Việt Nam, không cần phải đề cao Bùi Tín vì lập trường của ông thay đổi như mầu da tắc kè và sự ra đi của ông là vì cộng sản tranh giành quyền lợi với nhau, ông bị thất sủng mới bỏ đi chứ thực tâm không phải là con người vì lí tưởng tự do dân chủ.
Sáng thứ Bảy, buổi nói chuyện của ông Bùi Tín đã diễn ra tại địa điểm mới là Thư viện Martin Luther King ở trung tâm thành phố San Jose.
Từ sáng sớm, người biểu tình mang cờ vàng và biểu ngữ dựng trước thư viện để dàn chào. Lúc đông, khoảng 50 người đã lớn tiếng đả đảo, xỉ vả ban tổ chức và người đến dự. Có những lúc căng thẳng, nhưng đã không có sự cố nào.
Trong phòng hội, chừng một trăm người tham dự. Nghi thức khai mạc với chào quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hoà, phút mặc niệm cho những người đã chết vì cải cách ruộng đất, chết năm Mậu Thân, chết vào mùa hè đỏ lửa 1972, chết dịp 30-4-1975, chết để bảo vệ đất nước và vì tự do dân chủ.
Người điều khiển chương trình sau đó yêu cầu mọi người hô to ba lần đả đảo cộng sản Việt Nam. Ông Bùi Tín cùng nhiều người trong phòng vung tay cao.
Liền sau, ông Võ Tư Đản hô đả đảo Hồ Chí Minh, đả đảo Bùi Tín nhưng không được đáp ứng. Một người trong ban tổ chức mời ông Đản rời phòng hội khiến ông Trương Bổn Tài phải can thiệp và để ông được ngồi yên trên hàng ghế đầu. Ông Đản lấy hình Bùi Tín, hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ đặt xuống sàn, dẫm chân lên.
Ngỏ lời khai mạc, ông Trần Mạnh Quỳnh thừa nhận biểu tình là quyền của mọi người tại một đất nước dân chủ, tự do; nhưng không phải trong phòng họp này. Ông phản đối những ai nhân danh chống cộng để mạ lị người khác
Ông Bùi Tín đã có phần trả lời câu hỏi từ người tham dựÝ ông nhắc đến những âm vang thô lỗ bên ngoài thư viện vài phút trước đó. Nói về khách mời, qua những gì ông Bùi Tín làm, viết ra trong nhiều năm qua, ông Quỳnh tin ông Tín đã thật sự phản tỉnh, từ bỏ cộng sản. Ông nói Hà Nội chống Bùi Tín là điều dễ hiểu còn người chống cộng mà phản đối thì không hiểu tri thức của họ đâu.
Ông Nguyễn Tường Tâm điều hợp chương trình cho biết buổi nói chuyện gồm ba phần, với ông Bùi Tín là diễn giả. Phần đầu nói về hiện tình Việt Nam. Phần hai dành cho những ai muốn tìm hiểu về tiểu sử ông Bùi Tín. Phần ba là làm sao để giải thể chế độ cộng sản, dân chủ hóa Việt Nam.
Hai phần sau rất khác với đề tài ban tổ chức đưa ra ban đầu là “Thế và lực của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong khi đó tờ giấy ghi sinh hoạt trong ngày của thư viện thì chủ đề lại là “Human Rights in Vietnam” được dán ở lối vào thư viện và trước cửa phòng họp số 225.
Về cách thức thảo luận, sau khi diễn giả nói chuyện mỗi người có hai phút để nêu câu hỏi. Muốn hỏi, người tham dự viết tên và 4 số cuối của điện thoại rồi ban tổ chức bốc thăm. Ông Nguyễn Tường Tâm giải thích cách làm như thế để khỏi thiên vị. Riêng hai ông Liên Thành và Võ Tư Đản mỗi người sẽ được 5 phút để phát biểu.
Ông Bùi Tín đăng đàn. Mở đầu với lời chúc cho bà con ta được thành công trong công việc, con cái học hành tốt, cộng đồng phát triển, đóng góp vào việc vận động thế giới yểm trợ người dân trong nước trong cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ thực sự.
Ông phân tích tình hình quê nhà với nhận định xã hội Việt Nam ngày nay trông bên ngoài có vẻ hấp dẫn, nhà cửa mọc lên nhiều, đời sống dân chúng có khá lên, quang cảnh nông thôn thay đổi và người dân ngày nay có dễ thở hơn. Bề ngoài như thế, nhưng ông thấy Việt Nam cũng đầy những khủng khoảng nghiêm trọng. Kinh tế lạm phát, thất nghiệp cao. Xã hội đầy sự vũ phu, cướp giựt, hối lộ, đạo đức suy sụp. Nguyên nhân là do du nhập chủ thuyết ngoại lai, thế mà lãnh đạo vẫn chưa tỉnh.
Nếu đã đọc những bài ông viết trên Blog VOA trong vài năm qua, hay thường xuyên theo dõi tin tức bên nhà thì những nhận xét, phân tích của ông không có gì mới lạ.
Hội họp bát nháoSau bài phân tích tình hình chừng 30 phút, phòng hội nhiều lúc trở nên bát nháo mà người điều hợp cũng không kiểm soát được.
Ông Nguyễn Phước Đáng lên phát biểu nhưng người nghe không hiểu được điều ông muốn nói. Ông đi qua, đi lại trước cử toạ. Hình như ông chỉ muốn cho mọi người biết ông có mặt để phản đối.
Ông Võ Tư Đản muốn kéo ông Bùi Tín về phiá mình, hay bày tỏ quan điểm của riêng ông, nên có lúc ông trao cho ông Tín lá cờ vàng, lúc ông đưa tờ giấy một bên là hình Hồ Chí Minh, bên là cờ đỏ đã bị gạch xéo.
Khi ông Đản phát biểu, ông tố cáo ông Tín giết cha ông ở Quảng Trị vào tháng 3-1947. Ông kể khi ông cụ thân sinh của ông bị Bùi Tín bắt đem đi giết, Bùi Tín đã xưng: “Tao là Bùi Bằng Tín, con của Bùi Bằng Đoàn.” Ông Đản nói ông còn nhớ như in các chi tiết trong ngày đó.
Trong phần trả lời, ông Tín cho rằng những điều trên về ông không đúng vì không bao giờ ông xưng là Bùi Bằng Tín, vì tên lót Bằng chỉ dành cho bậc cha chú. Hơn nữa trong lúc đó ông Tín là đại đội trưởng, có bí danh Lê Thành chứ không dùng tên Bùi Tín. Nhiều chi tiết khác ông Võ Tư Đản kể cũng bị ông Tín bác bỏ.
Phần ông Liên Thành, cựu thiếu tá phó trưởng ty cảnh sát đặc biệt ở Huế khi Mậu Thân xảy ra, ông lên tiếng nhân danh oan hồn của hơn 5000 nạn nhân đã bị cộng sản giết hại vào tết Mậu Thân 1968. Là chủ tịch Ủy ban Truy tố Tội ác Đảng Cộng sản Việt Nam, ông phản bác lại những điều ông Tín đã viết về cuộc thảm sát này, như là nhiều người chết là do bom đạn của Mỹ bắn vào.
Ông Liên Thành nói bom đạn nào đã giết những người khi họ bị trói tay, bị đánh vỡ sọ.
Ông Bùi Tín thường gặp phản đối trong cộng đồng người Việt một phần cũng vì nhận định của ông về thảm sát Mậu Thân. Trong cuốn “Mặt thật” ông viết như sau:
“Tôi nghĩ con số 5000, 6000 người bị giết là con số cố tình thổi phồng lên quá đáng. Con số 3000 cũng là con số có thể cao hơn thực tế, nếu chỉ kể số thường dân bị giết. Sau này cần nắm cho chắc xem thực tế là bao nhiêu...”
Ông Tín cũng ghi nhận rằng sau khi bộ đội miền Bắc chiếm Huế ngày 4-2-1968 thì “đã có tới 5 ngàn sĩ quan, quân nhân đủ loại ra trình diện.”
Ông Liên Thành cực lực phản đối những điều trên và thách thức ông Bùi Tín tranh luận ngay lúc này, ngay trong phòng hội này hay ở ngoài sân. Ông muốn ông Bùi Tín cho một câu trả lời là “YES hay NO” mà thôi.
Chuyện tranh luận giữa ông Liên Thành và ông Bùi Tín không diễn ra. Tuy nhiên ông Bùi Tín trách ông Liên Thành là chủ tịch một ủy ban điều tra về tội ác cộng sản mà đã không tỏ ra khách quan từ đầu.
Trong lúc đang sôi nổi lại có sự việc giáo sư Nguyễn Châu bị đuổi khỏi phòng, dù ông chẳng gây ồn ào mà chỉ lên xuống chụp hình. Nhiều người phản đối nên ban tổ chức đã phải xin lỗi.
Ngoài những căng thẳng với phát biểu của hai ông Võ Tư Đản và Liên Thành, một số câu hỏi, nhận định khác đã được đặt ra cho diễn giả. Như vai trò của trí thức hiện nay mà ông Bùi Tín có nhắc đến, theo nhận định của một khách dự thì không thể nào có người trí thức cộng sản.
Về nhận định của ông Bùi Tín cho rằng ngày xưa có những cán bộ tốt, đi xe đạp, sống gần dân còn bây giờ cán bộ tha hoá đi xe hơi, ở nhà lầu xa rời dân. Anh thanh niên nói giọng miền nam đã phản bác rằng ngày xưa Việt Nam nghèo, dân không có gì thì cán bộ đã có xe, đài như thế là giầu hơn bao người rồi. Anh nói thời trước cán bộ cộng sản cũng tham ô, giàu có hơn dân chứ không phải chỉ bây giờ.
Đề tài thứ ba của buổi nói chuyện là làm sao giải thể chế độ cộng sản không được bàn nhiều. Một vài câu hỏi nêu lên, cho rằng diễn giả không đưa ra được kế hoạch cụ thể.
Ông Bùi Tín nói cần yểm trợ trí thức, những người dân chủ trong nước, liên kết với những người phản tỉnh; cần có những cuộc xuống đường rầm rộ, đứng lên đòi quyền lợi cho nông dân, công nhân, dùng những khẩu hiệu mà công an không có lí do để bắt bớ.
Hỏi về ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Tín nói Bộ Chính trị đã ngả về phiá Trung Quốc hết rồi.
Ông Liên Thành hỏi ông Bùi Tín có chấp nhận tranh luận về vụ thảm sát Tết Mậu Thân hay không Buổi nói chuyện chấm dứt ở đó, sau ba giờ căng thẳng cho ban tổ chức.
Ra khỏi thư viện lại vang vang những tiếng đả đảo. Có hai phụ nữ đuổi theo người đến dự qua tận bên kia đường, một bà nhổ nước bọt vào mặt cô Võ Ngọc Trang, biên tập viên của báo mạng Đàn chim Việt.
Cảnh sát tra vấn, nói làm thế là phạm luật. Bà nói bà không biết điều đó. Cảnh sát hỏi cô Trang có muốn đưa vụ việc ra toà hay không. Cô từ chối.
Về ông Bùi TínKhi ông Bùi Tín qua Pháp dự hội nghị năm 1991 rồi quyết định không trở về Việt Nam, từ đó ông đã đến Mỹ nhiều lần theo lời mời của các dân cử, các đại học, trung tâm nghiên cứu vì ông là sĩ quan bộ đội cao cấp nhất có mặt tại Dinh Độc lập khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà đầu hàng ngày 30-4-1975.
Ông cũng là sĩ quan cao cấp duy nhất đã rời bỏ hàng ngũ cộng sản đi tị nạn ở nước ngoài.
Đến Mỹ ông gặp sự chống đối của một số người Việt vì cho rằng sự phản tỉnh của ông mang tính cuội, vì ông vẫn ca ngợi Hồ Chí Minh và vì những nhận định của ông về vụ thảm sát Mậu Thân.
Ông cũng bị một số người Mỹ chất vấn liên quan đến việc tìm kiếm tù binh và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW-MIA). Họ phản đối và không tin những điều ông phát biểu về vấn đề này.
Tại vùng Vịnh San Francisco, trong quá khứ ông Tín đã có nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng chỉ giới hạn tại nhà người quen. Như cuộc tiếp xúc do bác sĩ Bùi Duy Tâm tổ chức vào tháng 10-1991 hay họp mặt tại nhà bà Quản Mỹ Lan cách đây một thập niên.
© Nhà báo tự do Bùi Văn Phú