Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016.
AFP PHOTO
Hannah Arendt, trong cuốn “Bản chất của chủ nghĩa toàn trị” có viết câu này: “Bởi vì nếu ta chỉ biết, mà không hiểu [tôi nhấn mạnh – NTTH]
rằng ta đấu tranh chống lại cái gì, thì chúng ta sẽ còn ít biết và ít hiểu hơn nữa rằng ta đấu tranh cho cái gì.” (La nature du totalitarisme,
Payot, 1990, p.43).
Câu này đọc qua dường như khó hiểu. Ý của Arendt là, vào thời điểm bà làm nghiên cứu về chủ nghĩa toàn trị, nó là một hiện tượng rất mới
trong lịch sử, chưa hề có một hình thái chính trị nào giống nó trong quá khứ, nên rất khó để hiểu được nó, bởi vì các công cụ được dùng để
hiểu các hình thức quyền lực của quá khứ không thể áp dụng để hiểu chủ nghĩa toàn trị. Nhưng dù nó khó hiểu như thế, dù chưa hiểu được nó
thì vẫn phải đấu tranh chống lại nó. Vấn đề là ở chỗ: liệu có thể chống lại một thứ mà ta không hiểu hay không? Và vì ta đã không hiểu ta
đang đấu tranh chống lại thứ gì nên lại càng khó mà biết rõ ta đấu tranh để xây dựng cái gì.
Đấy là lí do khiến châu Âu trong đại chiến II đã rơi vào một tình thế mà C.Day Lewis (1904-1972), một nhà thơ Anh diễn tả hết sức đúng khi
nói rằng: “Chúng ta đã từng sống với những giấc mơ cao quý và giờ đây bảo vệ cái ác chống lại cái tồi tệ nhất” (La nature du totalitarisme,
Payot, 1990, p.43). Nghịch lý của nhân loại là như vậy: trong khi mơ một giấc mơ cao quý, và để chống lại cái tồi tệ nhất, thì con người lại
bảo vệ cái ác.
Điều này chẳng phải đã diễn ra ngay chính với lịch sử thế kỷ XX của Việt Nam chúng ta hay sao? Người Việt Nam đã liên tục tiến hành các
cuộc cách mạng, rồi các cuộc chiến tranh, nhưng chúng ta có thực sự hiểu chúng ta chống lại điều gì, và nhất là chúng ta có thực sự hiểu
chúng ta đấu tranh cho cái gì? Câu hỏi được đặt ra, bởi vì sau bao nhiêu hy sinh xương máu, người Việt giờ đây đối diện với rất nhiều thảm
họa, trong đó có thảm họa mất độc lập, thảm họa diệt vong do bị đầu độc và môi trường bị hủy diệt. Sau bao nhiêu hy sinh xương máu để
chống lại thân phận nô lệ, giờ đây người Việt vẫn mang tròng nô lệ, dù rằng nhiều người sẽ không thừa nhận rằng họ đang mang thân phận
nô lệ này.
Hai câu hỏi này : “chúng ta đấu tranh chống lại cái gì?” và “chúng ta đấu tranh vì cái gì?” cũng chính là hai câu hỏi mà giới tranh đấu hiện nay
ở Việt Nam cần đặt ra cho mình, và cần tìm câu trả lời, nếu họ thực sự muốn thành công trong cuộc đấu tranh của họ.
Hơn nữa, nếu những người đang tranh đấu hiện nay không đặt ra cho mình câu hỏi này và không tìm cách trả lời, thì giả định (một giả định
mang tính chất không tưởng ở thời điểm này): trong trường hợp may mắn, họ thành công, thì không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không lặp lại
lịch sử, cái lịch sử vẫn còn là đương đại: Hồ Chí Minh đã dẫn dắt cả dân tộc đấu tranh cho cái mà ông ấy gọi là tự do, nhưng rốt cuộc, thực
tế mà dân tộc phải gánh chịu lại là tình trạng nô lệ. Lộ trình mà Hồ Chí Minh vạch ra cho dân tộc là như vậy: đường đến tự do cũng lại chính
là đường về nô lệ. Lộ trình này, những người đang tranh đấu hiện nay hoàn toàn có thể lặp lại, nếu họ không xác định được họ đấu tranh để
xây dựng cái gì.
24/6/2015
Nguyễn Thị Từ Huy (RFA)