Kinh tế học thể chế vẫn còn là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Thể chế và kinh tế học thể chếThể chế (institution), theo định nghĩa của nhà kinh tế học người Mỹ Douglass North, là những ràng buộc do con người tạo ra để dàn xếp hoạt
động tương tác chính trị, kinh tế và xã hội.
Kinh tế học thể chế (institutional economics) bao hàm mối quan hệ hai chiều giữa kinh tế học và các thể chế. Nó quan tâm đến ảnh hưởng của
các thể chế đối với nền kinh tế cũng như cách thức các thể chế ứng phó với một thế giới năng động.
Kinh tế học thể chế bao gồm hai trường phái chính là kinh tế học thể chế cũ (Old Institutional Economics) và kinh tế học thể chế mới (New
Institutional Economics).
Kinh tế học thể chế cũ ra đời ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, với đại diện tiêu biểu là các nhà kinh tế học Thorstein Veblen, John R. Commons, Wesley
Mitchell và Clarence Ayres. Trọng tâm của trào lưu học thuật này là tìm hiểu vai trò của quá trình tiến hóa cũng như vai trò của các thể chế
trong việc định hình hành vi của các chủ thể kinh tế. Giữa hai cuộc đại chiến thế giới, đây là một trong những trào lưu học thuật trung tâm trong
kinh tế học ở Mỹ.
Sau đại chiến thế giới thứ hai, kinh tế học thể chế cũ nhanh chóng suy giảm vị thế và uy tín, trong bối cảnh nó đã bộc lộ những bất cập về mặt
học thuật và cuộc cách mạng Keynes nổi lên đầy ấn tượng. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thập niên 1960, một số khía cạnh của phương pháp tiếp
cận này được quan tâm trở lại và kết hợp với phương pháp tiếp cận chi phí giao dịch của Ronald Coase, Oliver Williamson và Douglass North,
trào lưu học thuật mang tên kinh tế học thể chế mới đã ra đời.
Trong vài ba thập niên qua, kinh tế học thể chế ngày càng giành được vị thế ảnh hưởng trên thế giới. Thậm chí nó còn được ví như một cuộc
cách mạng Copernic trong kinh tế học. Việc nhiều nhà kinh tế học gắn liền với sự ra đời và phát triển của trào lưu học thuật này lần lượt được
trao giải Nobel Kinh tế (Friedrich Hayek [1974], James Buchanan [1986], Ronald Coase [1991], Douglass North [1993], William Vickrey [1996],
Elinor Ostrom [2009] và Oliver Williamson [2009]) cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế cũng như vị thế của nó trên thế giới ngày
càng tăng tiến.
Kinh tế học thể chế ở Việt Nam
Mặc dù là một chuyên ngành khoa học ngày càng giành được ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam kinh tế học thể chế vẫn còn
là một khái niệm mới mẻ. Cho đến nay, hai sự kiện đáng kể nhất gắn với chủ đề này là seminar “Kinh tế học thể chế và sự vận dụng vào các
nền kinh tế chuyển đổi” do Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 20/9/2010 và
seminar “Giới thiệu kinh tế học thể chế mới và tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam” do F-Group tổ chức dưới sự bảo trợ về chuyên môn của Viện
Kinh tế Việt Nam vào ngày 6/12/2012.
Năm 1998, Nhà xuất bản Edward Elgar ở Cheltenham (Anh) và Northampton (Hoa Kỳ) đã công bố tác phẩm Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội
và chính sách công (Institutional Economics: Social Order & Public Policy). Hiện nay, tác phẩm này vẫn được coi là cuốn sách giáo khoa công
phu, bài bản và đầy đủ nhất về chuyên ngành kinh tế học thể chế. Năm 2010, bản dịch tiếng Việt của tác phẩm đã được hoàn chỉnh, nhưng đáng
tiếc là nó đã không thể đến tay độc giả dưới dạng ấn bản thông thường vì một cán bộ công an cao cấp đã đến tận Nhà xuất bản Tri Thức yêu
cầu không được ấn hành tác phẩm.
Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc lại khác hẳn. Chỉ 2 năm sau khi ấn bản thứ nhất của Kinh tế học thể chế: Trật tự xã hội và chính sách công
ra đời, Nhà xuất bản Thương mại ở Bắc Kinh đã công bố bản tiếng Trung của tác phẩm. Và trong lời tựa cho ấn bản thứ hai, xuất bản năm
2012, các tác giả đã viết: “Chúng tôi đặc biệt hài lòng với phản ứng – cũng như với số lượng sách bán ra – của ấn bản tiếng Trung cùng ảnh
hưởng tuyệt vời của nó đến tư duy của giới kinh tế học chuyên nghiệp đang ngày càng lớn mạnh ở đất nước này.”
Sau khi bản tiếng Việt của tác phẩm bị ngăn cấm ở Việt Nam, dịch giả đã công bố bản dịch dưới dạng file PDF trên mạng vào tháng 9/2011, và
nó đã được độc giả đón nhận tích cực. (Một cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hồi âm cho dịch giả về tác phẩm như sau: “Là người làm nghiên cứu về chính sách nông nghiệp, nông
thôn ở Việt Nam, cuốn sách dịch của anh thực sự vô cùng quý báu với tôi. Nó làm tôi không thể yên lòng khi không đặt bút viết những dòng cảm
tạ này tới anh.”)
Kinh tế học thể chế có phạm vi ứng dụng rất rộng, chứ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, như các tác giả đã viết trong Lời tựa cho ấn bản thứ
nhất (1998): “Vì kinh tế học thể chế sẵn sàng tiếp nhận ảnh hưởng tri thức từ một loạt chuyên ngành khoa học xã hội nên cuốn sách này không
chỉ được khuyến nghị cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tăng trưởng, đổi mới, phát triển, các hệ thống kinh tế so sánh và kinh tế chính trị,
mà còn cho cả các sinh viên thuộc các chuyên ngành này.”
Bản thân dịch giả cũng đã viết trong bản dịch tiếng Việt của ấn bản thứ nhất: “Đất nước chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền
kinh tế của một thế giới đang ngày càng ‘phẳng’ hơn và cạnh tranh gay gắt hơn. Ngày nay, cạnh tranh kinh tế không chỉ bó hẹp trong phạm vi
giữa các chủ thể kinh tế như cá nhân hay doanh nghiệp với nhau, mà nó còn diễn ra giữa các chính phủ hay chính xác hơn là giữa các hệ thống
thể chế với nhau. Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế hay cải tổ hệ thống ở Việt Nam hiện đang là đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Hy vọng
cuốn sách sẽ góp phần nhỏ bé để tạo nền tảng lý thuyết cho công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam, mở đường cho sự phát triển bền vững
của nước nhà.”
Hy vọng là mong muốn đầy tâm huyết nói trên sẽ sớm trở thành hiện thực với ấn bản thứ hai của tác phẩm vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Theo Blog của nhà báo Lê Anh Hùng (RFA)