Nhà Thơ, Bầu Trời Đêm và Những Vết Thương MởNhà thơ tại phòng làm việc với khung ảnh Phật Thích Ca trên tường.
Từ Saigon, theo mẹ vào đất Mỹ khi chỉ mới hai tuổi. Hai mươi năm sau, Ocean Vương xuất bản tậïp thơ đầu tay, Burnings (2010), rồi “NO” (2013). Với tập thơ thứ ba, Night Sky With Exit Wounds và giải thưởng thi ca Whiting Award 2016, Ocean Vương, 28 tuổi, là nhà thơ gốc Việt tiêu biểu trong năm tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết của Thắng Đào về cuộc trò truyện với nhà thơ tại New York, dành riêng cho báo xuân Việt Báo.
Rất ít khi tôi thấy mình đồng cảm được với giọng văn-tiếng nói của một người Mỹ gốc Việt ở dòng chính. Thường thì những giọng điệu này nghe có vẻ một chiều, như thể con người Mỹ trong vô thức đã “thuộc địa hóa“ con người Việt trong họ, chỉ để lại phần nào vết tích Việt qua cái hình dạng không thể phủ nhận. Vậy mà chàng nhà thơ trẻ với cái tên gọi Ocean Vuong đã gỡ bỏ hủ lệ này bằng tiếng nói hiếm lạ của anh.
Thơ anh như chính con người anh, diễn đạt một cuộc đấu tranh liên tục, sự phức tạp nội tâm, cũng như những tình cảm từ kinh nghiệm của một người Mỹ gốc Việt sống với những ảnh hưởng, hậu quả từ chiến tranh.
Thơ anh, mặc dù viết bằng tiếng Anh, thể hiện một tâm hồn Việt mãnh liệt và nỗi ám ảnh khôn cùng về quê hương. Giống như nhiều người trong chúng ta, Vương thừa hưởng sự căng thẳng của cả hai thế giới phức tạp khác biệt — vật lộn với cuộc chiến nội tâm của mất mát, thảm họa, và phân tán – đồng thời cố gắng ráp nối lại cái bản sắc đã bị xâu xé, phân mảnh.
Là tác giả của tập thơ đoạt nhiều giải thi ca giá trị “Night Sky With Exit Wounds”, tạm dịch là “Bầu Trời Đêm với Những Vết Thương Mở”, tiếng nói của Ocean Vương như lời tự tình trĩu nặng những tâm tư dọc ngang. Tác giả đã trực diện với sự sống bất ổn trong tác phẩm của mình, qua đó anh tìm đường “về nhà” bằng sự thông cảm và tha thứ cho... thế giới, nhưng quan trọng nhất, là tha thứ cho ...chính mình.
Sinh năm 1988 với tên gọi là Vương Quốc Vinh tại một thành phố biển cách Sài Gòn 58 km về hướng đông, Vương và gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1990. Họ sống trong một căn apartment một phòng ngủ ở Hartford, Connecticut. Mẹ anh quyết định đặt lại tên anh là Ocean để nhắc nhở sự nối liền giữa quê hương của bà và miền đất mới. Gia đình lúc đó gồm bảy người: ba mẹ, bà ngoại, hai người cô, một ông cậu trẻ đã quá vãng. Mất mát và tang thương không là thứ dễ dàng vượt qua. Nhưng từ trong một căn hộ nhỏ hẹp chật chội đó, họ đã cùng nhau tạo dựng lại giấc mơ.
Hôm nay Ocean Vương là một nhà thơ trẻ có 3 tác phẩm đã xuất bản. Thơ anh xuất hiện trên các tờ báo văn học hàng đầu, đoạt nhiều giải thi ca giá trị trong dòng chính. Gần đây nhất, tuyển tập “Bầu Ttrời Đêm với Những Vết Thương Mở” của anh đoạt giải Whiting Award 2016.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh trong dịp cuối năm, nhân cơ hội này tìm hiểu thêm về đời sống và nguồn gốc những dấu đạn tạo vết thương giăng kín bầu trời đêm của anh.
Thắng Đào
TD: Tôi gọi anh là Ocean hay Vinh?
Ocean Vương: Sao cũng được… và nếu muốn, chúng ta có thể nói chuyện bằng tiếng Việt, nhưng xin báo trước, tiếng Việt của mình rất là “hai lúa”...
TD: Haha…Tôi cũng vậy…có lẽ còn tệ hơn anh nữa. Nghe anh nói chuyện, có vẻ anh lớn lên gần một cộng đồng người Việt?
Ocean Vương: Không. Tôi lớn lên giữa một cộng đồng toàn là đàn bà, trong một căn apt một phòng ngủ ở Hartford. Đó là nước Việt Nam nhỏ bé của tôi. Tôi học về ngôn ngữ và lịch sử Việt qua những bài hát và những bài ca dao mẹ và bà ngoại hát cho tôi nghe.
TD: Còn cộng động nào khác ngoài căn hộ này?
Ocean Vương: Thật ra tôi dễ dàng hòa nhập và chấp nhận vào cộng đồng người Mỹ Đen hơn là Mỹ Trắng vì cộng đồng họ đã quá mệt mỏi với người Mỹ Trắng. Và vì tôi không phải là Mỹ Trắng, tôi không gây khó chịu cho họ. Gia đình tôi nghèo và đó là khu vực chúng tôi đến định cư sinh sống. Cộng đồng người Mỹ Đen nuôi dưỡng tôi; nhìn nhận chúng tôi như một thành phần cộng đồng của họ. Đó là nước Mỹ mà tôi lớn lên không cha. Tôi học theo văn hóa và giá trị sống của họ.
TD: Khi đọc thơ anh, tôi thấy hình ảnh không có cha được nhắc đến nhiều lần trong nhiều bài thơ khác nhau, như bài Telemachus, Cha Tôi Viết từ Nhà Tù, và Kẻ Phá Nhà. Xin hỏi Bố Mẹ anh ly dị vào khi nào?
Ocean Vương: Một vài tháng sau khi chúng tôi đến Hartford. À, điều này xảy ra vì ông ta là một kẻ vũ phu, bạo lực… ở Việt Nam thì cảnh sát đến rồi đi khi ông ta dúi cho người ta tiền, nhưng ở Mỹ, cảnh sát đến vì hàng xóm gọi điện thoại và thế là mọi thứ nằm ngoài tầm chủ động.
TD: Anh vẫn còn giữ quan hệ với cha anh chứ, vì tôi thấy trong cuốn thơ ở phần đề tặng cha mẹ, anh để chữ cha trong ngoặc?
Ocean Vương: Phải rồi…trong ngoặc… chỉ để xác định sự khác biệt trong dòng sống của họ, và sự tôn trọng dành cho họ về sự khác biệt này. Nhưng tôi chẳng có quan hệ gì nhiều với Ông... Ông ta còn sống và khỏe mạnh. Ông ta có một gia đình riêng. Thỉnh thoảng chúng tôi viết thăm hỏi nhau, nhưng cũng hiếm khi.
TD: Anh mất cha vì bạo lực gia đình, và người đàn ông còn lại trong gia đình của anh là ông cậu tự tử chết. Anh làm sao để có thể vượt qua?
Ocean Vương: Là sản phẩm của chiến tranh, tất cả chúng ta đều thừa hưởng bi kịch từ những vết thương của cuộc chiến. Cha tôi kế thừa vết thương. Cậu tôi kế thừa vết thương, sống lạc lõng, dằn vặt với những nỗi đau đớn và mất mát. Đây là con đường đã được định sẵn cho cuộc sống người Việt mình. Tôi tin là cậu tôi bị bệnh loạn trí (bi-polar.) Chúng tôi đã không biết cách nào để đối phó với căn bệnh này. Người Việt chúng ta lẽ ra có thể sẽ dễ dàng đối phó hơn nếu chúng ta học hỏi và tìm hiểu về căn bệnh tâm thần. Chúng ta có thói quen đối phó với thảm họa bằng cách đặt những cái tên kinh tởm cho con cái, hy vọng là ma quỷ sẽ bỏ qua thay vì nhận diện căn bệnh và cách đối phó đúng đắn. Đây cũng là một vấn đề chúng ta cần nêu lên trong cộng đồng mình.
TD: Không có hình ảnh cố định của một người đàn ông trong gia đình, anh gặp khó khăn gì trong việc lớn lên là một người đồng tính trong một gia đình toàn là phụ nữ?
Ocean Vương: Hình ảnh một gia đình không có đàn ông cũng như là hình ảnh của một khúc xương... gãy. Nhưng nếu anh hỏi là chúng tôi sống có đủ tình yêu không thì hẳn là đầy đủ vì tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu nhớ cha. Tôi sống và lớn lên với tình yêu thương đầy tràn và sự mạnh mẽ dị thường của những người phụ nữ trong gia đình tôi.
TD: Anh còn có thi ca, còn có “chiếc thang thoát hiểm”. Thật là một biểu tượng ẩn dụ tuyệt đẹp về lối thoát!
Ocean Vương: Phải. Thi ca là bức tường thành trấn thủ hiệu lực nhất của tôi, một nơi tôi có thể sống thật với chính bản thân mình, là một cứu cánh. Tôi vẫn thường tự hỏi liệu thi ca có thể giúp được cậu tôi không, có thể nó sẽ cứu được mạng cậu ta.
TD: Là người Việt, việc nói cho gia đình biết anh là người đồng tính có khó khăn không?
Ocean Vương: Tôi nói với mẹ là tôi cần phải nói chuyện với Bà. Mẹ tưởng tôi sắp có con. Với bản chất con người và nguồn gốc của bà tôi tưởng bà sẽ dễ dàng chấp nhận điều này. (Vậy mà) Bà khóc suốt một ngày và bà tự hỏi liệu khi nào tôi sẽ bắt đầu mặc váy. Rồi mẹ kể cho bà ngoại. Tôi vừa tròn 18 tuổi lúc đó. Tôi luôn để ý thấy mình cuốn hút và yêu thích người cùng giới tính. Lôi cuốn về tình cảm, không phải là tình dục. Tôi cảm thấy như mình tìm ra cội rễ tôi thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn tuổi. Tôi thấy mình khác lạ không giống ai. Tôi tìm giải thích điều này bằng thuyết tái sinh của Phật giáo.
TD: Khi nào thì anh nhận ra cảm xúc dành cho người cùng giới tính?
"Có lẽ bánh pizza đã làm tôi trở thành người đồng tính!"
Ocean Vương: Tôi luôn luôn nhận biết về sự khác biệt của mình. Tôi nhớ khi tôi mới 4 hay 5 tuổi tôi để ý đến cậu bé kia. Anh biết mà... tôi đi học ở một học khu nghèo và đồ ăn miễn phí của nhà trường thật là tởm lắm. Có cậu bé kia tên là Jason và ngày nọ nó đem bánh pizza đi ăn trưa. Nó cho tôi một miếng và tôi cho rằng đây là một món quà ghê gớm nhất trên thế giới. Sau giờ nghỉ tôi đi theo nó. Có lẽ bánh pizza đã làm tôi trở thành người đồng tính!
TD: Tôi có thể nghe anh nói chuyện cả ngày. Tôi yêu cái lối nhìn của anh vào thế giới. Tôi yêu cái hình ảnh mà tựa đề tập thơ của anh vẽ ra. Bầu Trời Đêm với Những Vết Thương Mở nghe như một chút lóe sáng hy vọng trong cái màn ảm đạm của bi kịch của con người và cuộc sống; cũng như những gì mà chúng ta, cộng đồng người Việt lưu vong mang theo, những gì anh và tôi kế thừa từ lịch sử và nguồn gốc của chúng ta. Anh có thể nói chút ít về tựa đề này?
Ocean Vương: Tôi đi dự một buổi tiệc của người bạn ở trên tầng thượng của một tòa nhà ở Brooklyn. Chúng tôi tụ tập vui vầy với nhau... đa số trong bọn là người da trắng. Tất cả chúng tôi đều nhìn lên cùng một bầu trời, đối với họ thì những ngôi sao là những chòm sao Bắc Đẩu, Thái Dương và những cái tên đẹp đẽ nhất trong giải ngân hà... nhưng với tôi thì chúng nhìn như những lỗ đạn... Anh biết mà, chúng ta không đến từ một nơi có những tên gọi hoa mỹ cho những thứ này. Chúng ta không thường nhìn lên bầu trời nghĩ về tên của những vì sao... mà khi nhìn lên màn trời đêm, tôi chỉ nhìn thấy chi chít những vết thương từ những lỗ đạn. Mỗi vết thương vết đạn đều được ghim vào cơ thể chúng ta qua một lối vào... nhưng không hẳn vết thương nào cũng mở được lối ra. Thông thường tốt nhất là khi vết thương của chúng ta mở được lối thoát ra... chúng ta có cơ hội sống còn cao hơn với một “Vết Thương Mở”. Cũng vậy... trong một khoảnh khắc của bạo lực, chúng ta có một lóe hy vọng. Là những người kế thừa hậu quả chiến tranh chúng ta đều cần hy vọng để chữa trị.
TD: Có cái gì đó tan tác nhưng sâu sắc trong lối nhìn của anh vào hy vọng và lịch sử đen tối của chúng ta. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào lối nhìn của anh vào cuộc sống và cách anh kể chuyện qua thi ca. Đây vẫn là một bản chất tự nhiên của anh từ lâu nay?
Ocean Vương: Tôi lớn lên trong một gia đình của thi ca và truyện kể. Bà ngoại của tôi là một người kể truyện thần kỳ và lôi cuốn nhất. Bà kể truyện cho tôi nghe và bù lại tôi sẽ nhổ tóc bạc cho Bà. Anh có bao giờ làm như thế chưa?
TD: Có, chúng ta đều thường làm như thế. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường cho tôi 5 xu cho mỗi một sợi tóc bạc tôi nhổ được. Tôi nghĩ đây là một thói quen của kỷ niệm và sự ấm cúng.
Ocean Vương: Vui là ở chỗ tôi sẽ nhổ tóc bạc cho Bà và Bà sẽ thưởng cho tôi bằng những câu chuyện. Bà có những chuyện ma và những câu chuyện thật là kỳ quái. Tôi thường tưởng tượng mình là một nhân vật trong những câu chuyện của Bà, đôi khi là một nhân chứng trong những câu chuyện này. Đó là những câu chuyện tương tự như Harry Potter và Ghostbusters. Gia đình chúng tôi đến đây từ một ngôi làng nhỏ nơi có tất cả những thứ mê tín dị đoan nhất. Chuyện Bà kể thường có rất nhiều bùa ngải. Có lần Bà và một người bạn của Bà chạy băng qua một cánh đồng lúa. Cả hai bỗng dưng cảm thấy rợn tóc gáy với một cơn gió lạ tạt ngang giữa đêm hè. Họ nhìn lên và thấy một người đàn ông cao to cỡ 7-8 feet chạy tới chạy lui giữa cánh đồng. Bà nói rằng đó là một người lính Cộng hòa hay một người lính Việt Cộng tử trận đang canh giữ cánh đồng.
TD: Rất nhiều bài thơ của anh được đan dệt với những truyền thuyết, lời bài hát, và ca dao. Tôi tò mò muốn biết bà ngoại của anh thường hát hay đọc những bài ca dao nào cho anh nghe, vì hình như những tác phẩm trong những năm đầu của anh mang ảnh hưởng những âm hưởng này rất nhiều.
Ocean Vương: Phải rồi. Thật ra có cả một cuốn sách về những câu cao dao này và tôi không hề biết là những bài cao dao này còn có tựa đề. Ông Bà của chúng ta khi đọc thường chỉ đọc những câu ca dao. Thật ra tôi không biết là chúng có tựa đề cho đến khi tôi tìm thấy một cuốn sách dịch xuất bản từ cùng một nhà xuất bản sách của tôi. Tôi nhớ anh ta tên là John Balaban, anh ta dịch nguyên một cuốn Ca Dao… anh ta thu thập những bài Ca Dao trong cuộc chiến. Anh ta có những cuốn băng ghi âm. Mình có thể nghe một số người trong làng đọc những bài ca dao này với âm thanh tiếng động trong làng. Tôi mở cuốn sách này ra và tìm thấy những câu hò mà Bà Ngoại thường hát. Giọng hát của bà vẫn còn trong đầu tôi rõ nhất.
(Vương hát...)
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
con đi trường học, mẹ đi trường đời...
Ocean Vương: Anh có biết hát bài này không?
TD: Không, nhưng anh hát hay lắm.
Ocean Vương: Bà Ngoại ngoài những bài hát ru, bà còn hay hát những bài hát Khánh Ly thường hát. Bài hát thật buồn mà tôi rất thích khi Bà hát là bài “Hát Trên Những Xác Người*”. Bà cũng hay hát bài Thành Phố Buồn theo Chế Linh. Những bài hát này luôn là một phần đời sống của tôi, từ bé.
TD: Tôi cũng rất yêu những bài hát này. Chúng đến với tôi trễ hơn trong đời, nhưng chúng đem lại cho tôi những ấn tượng lâu dài. Tôi luôn cảm thấy ấm áp và hãnh diện khi gặp những nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt sâu sắc và trung thực trong tác phẩm của họ mà không bị mất đi bản sắc. Cảm ơn anh đã chia xẻ với chúng tôi về con người và công việc của anh, cũng như đã cho phép chúng tôi bước vào thế giới tư tưởng tuyệt đẹp của anh.
Ocean Vương: Cảm ơn bạn về cuộc trò truyện thú vị này.
Tôi thường không tin vào phép lạ, nhưng sau khi đọc tuyển tập Night Sky With Exit Wounds của Ocean Vương, tôi rơi sâu vào thế giới chữ nghĩa mầu nhiệm của Anh.
Anh là một nhà ảo thuật ngôn ngữ, cuốn ta vào cơn lốc của những vần thơ say nghiện. Ở một dòng tĩnh lặng, thơ anh dỗ dành, an ủi, ngay sau đó ném ta vào những biến động bầm dập. Thơ anh nguyên thủy và ngọt ngào, lúc thì tát vào mặt, lúc thì xoa dịu; vừa rà lại những vết thương bằng tất cả sự khiêu khích thô thiển, vừa cố gắng tìm ra những câu trả lời không giải đáp, hòng giúp chúng ta phần nào tự chữa lành chính mình dưới bầu trời đen chằng chịt những vết thương mở, nơi mà biết đâu, một ngày nào đó, sẽ lại lấp lánh.
Thắng Đào
Hòa Bình Lê phỏng dịch
____________
* Ca khúc Trịnh Công Sơn, Huế Tết Mậu Thân 1968.