Là một người làm thơ không ngừng nghỉ, và cũng vì trong lòng có lời muốn nói, thi sĩ Lê Giang Trần lại vừa ấn hành thi tập Trái Bôm Tình Yêu.
Hình bìa thi tập “Trái Bôm Tình Yêu” của Lê Giang Trần.
Đây là tập thơ tình, thoạt đọc lướt qua cũng có vẻ như những tập thơ tình trước kia của anh… Nhưng không, tập thơ này đau đớn hơn nhiều. Thi sĩ Lê Giang Trần nhiều lần nói về mối tình 10 năm vừa tan vỡ của anh.
Thi tập này khởi đầu với bài nửa văn xuôi, nửa thơ (có nên gọi theo thể văn xưa là phú?) trong đó minh bạch nói rằng, nơi trang 11:
con đường không thể buồn hơn…
và Lê Giang Trần như dường sẽ vĩnh viễn nhập thất, vì:
ngày nàng vĩnh viễn lìa xa
đời còn chi để bước ra đời thường… (Bông Tím).
Nếu Lê Giang Trần không bước ra đời thường, phải chăng thơ sẽ là nơi an trú của anh, nơi anh có thể lấy chữ thay cơm và nước uống?
Đôi khi Lê Giang Trần cảm động, viết lên những dòng thương nhớ nàng rất mực ca dao, như trang 23:
.
mỗi ngày mình mỗi xa ta
tôi nhìn thấy cả thiên hà rưng rưng
sao Mai mình tới hừng đông
sao Hôm tôi đứng trời trồng phía đêm.
.
một hôm có nắng qua thềm
tò mò tôi lại tìm thêm một lần
bước ra sân đứng tần ngần
hình tôi ở đó, bóng mình ở đâu?
.
Bạn muốn biết thăm thẳm một cõi tình của Lê Giang Trần? Hình như những dòng thơ sau này được viết khi chàng bật khóc, trong bài “ngày em đi” nơi trang 23:
.
ngày em đi đêm mưa rơi tầm tã
mười năm tình những hạt mưa sa
mưa xối xả bàng hoàng tâm sự
mưa bùng lên chất ngất sầu đau
.
Trọn tập thơ Trái Bôm Tình Yêu là những bài thơ tình. Bạn sẽ thấy có đủ buồn, vui, mừng, giận trong thơ tình của thi sĩ. Bạn có thể mở ra bất kỳ trang nào, cũng là những dòng thiết tha trong thơ Lê Giang Trần.
Đặc biệt trong tập này, là nhiều bài từ các văn hữu nhận định về thơ Lê Giang Trần.
Trong đó, thi sĩ Du Tử Lê nhìn thấy qua bài “Từ Vương Kim Vân tới thơ Lê Giang Trần: Bập bùng những hơi thở buồn!” (TBTY, trang 273-286), dẫn lại một bài năm 1991, trích:
“…Tự nào giờ, tôi vẫn cho những kẻ thiết tha, gắn bó với nơi chốn, với cảnh đời y đã đi qua, chính là kẻ thủy chung ở với ta vậy.
“Lê Giang Trần chính là người ở với kỷ niệm, ở với nơi chốn. Cõi thơ của anh, đầy những cánh chim về núi. Cõi thơ của anh, bay trên những dậm trường khuất lấp, chân mây…
“Và, bạn còn muốn đòi hỏi gì khác hơn, những dậm trường tan nát trong thơ người mang tên Lê Giang Trần này?” (Trích Du Tử Lê, tựa “Saigon ở phố lưu vong, 1991)…” (hết trích)
Trong khi đó, nhà thơ Chân Phương qua bài “Đọc Thơ Lê Giang Trần” nơi trang 294-297, trích:
“Trong dòng thơ tha phương hoài cảm, Lê Giang Trần có chỗ đứng vinh dự bên cạnh các thi sĩ Mai Thảo, Nguyễn Tất Nhiên, Du Tử Lê… Thơ ông nặng chất liệu đời sống lưu vong với cuộc mưu sinh vất vả như thơ Cao Tần, Thanh Nam… một dạo, đồng thời siêu thoát như thơ Mai Thảo, Phạm Công Thiện… nhờ tư tưởng nhà Phật và minh triết Á Đông bàng bạc. Sinh trưởng tại Bạc Liêu, thế giới nghệ thuật và tâm tình nhà thơ đậm chất hào phóng giang hồ Nam bộ, buồn vui theo nhịp đàn vọng cổ với vò rượu đệ huynh. Đọc LGT , tôi chợt nhớ Nhung Tay Ngàn, Cao Đông Khánh… - những tiếng thơ tuy thất lạc căn cước lịch sử nhưng vẫn nồng thắm mối tình sông nước quê hương - mà nhà thơ gốc Bạc Liêu đã đặt cho cái tên thống thiết: Hội Chứng NHỚ!” (hết trích)
Trong khi đó, thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Minh qua bài “Lê Giang Trần, và chiếc vòng kim cô nhớ” nơi trang 298-305 viết, trích:
“…Thơ khởi đi từ trái tim, người thơ đã bước ra từ hồn thơ mộng ấy, quá bước vào cõi bụi để trả nợ chút duyên nợ xa xăm. Và. Có ai đó đã nói, Giấc Mơ nào có biên giới, thế thì có phải bao la kia cũng là cõi Giấc Mơ? Đến và Đi, của người thơ Lê Giang Trần. Cho nên âm vọng của người, chỉ còn một thoáng xôn xao…, để mà có chút lay động lãng mạn ấy nơi lòng nhân gian, thì cũng đáng cho những trần ai. Nhà Thơ ơi.
Ừ. Thì trở về con đường cũ lúc ra đi… … Về nhà mình như trở về nôi thai đùm bọc…
Tôi nghe như có tiếng đàn ai, dựa cửa thiền đêm, đàn một bản… một lần nữa, trước lúc chia tay? Và vẳng lại, rất xa tiếng còi một con tàu đang hút vào sương…”(hết trích)
Trong khi đó, Uyên Nguyên qua bài “Thơ Lê Giang Trần, vãng sanh hết những hôn trầm nhân duyên…” nhìn về chàng thi sĩ gốc Bạc Liêu, nơi trang 313-315, trích:
“…Với Lê Giang Trần, Quá Bước Trạm Người cũng chỉ vì một lần té ngã, nhưng cú ngã trượt dài cho hết thân phận bể dâu cuả một quê hương chia lìa, và nghĩa tình bè bạn mới ngày hôm qua, thoắt theo nhau biệt tích. Có thật chăng chẳng một ai vui thú ở trạm Người, nên đến, rồi đi? Người Thơ ở đâu và lúc nào cũng nặng mang niềm trắc ẩn của kẻ lưu vong…
…Trạm Người một lần quá bước, e cũng là đủ! Với Lê Giang Trần đến là nhân duyên,đi là sở nguyện. Và tiếng Thơ là vọng âm của cuộc lữ, dìu người thơ đi qua hết một trận hoang mê nơi cõi tạm.”(hết trích)
Trong khi đó, nhà văn Phan Tấn Hải nhìn về Lê Giang Trần qua bài “Trạm Người Quá Bước: Thi Tập Thơ Mộng Mãnh Liệt” nơi trang 306-312, trích:
“Thơ của Lê Giang Trần là một trận gió "thơ mộng mãnh liệt" -- khi bạn mở trang sách ra, sẽ thấy những dòng chữ được nhà thơ ném lên trời, và rồi biến thành những trận gió lạnh buốt làm cho chàng run rẩy đối mặt với cuộc đời thơ mộng…
Thơ của Lê Giang Trần đa dạng, ngôn ngữ có nơi đùa cợt như khi gặp lại bằng hữu sau nhiều năm xa cách, có nơi bùi ngùi khi nhớ bạn đã bước qua cõi bên kia, có nơi tha thiết với mùi hương của tình nhân chợt nhớ lại...
Sống với những thơ mộng mãnh liệt, nghĩa là trực diện về tính cô đơn của cuộc đời, là thấy rõ những hư vỡ và bất toàn của đời, và cũng là nếm trải vô thường khi từng người tình biến mất -- những ý nghĩa này lại nổi bật khi Lê Giang Trần đưa vào thơ thỉnh thoảng những dòng Kinh Phật.
Và ngay cả khi Lê Giang Trần phải chấp nhận tính vô thường của cuộc đời, trong thơ vẫn ẩn tàng những nét khó hiểu của đau đớn…”(hết trích)
Dù vậy, không ai có thể nói ngắn gọn về thi tập “Trái Bôm Tình Yêu” của Lê Giang Trần… vì qua những bài thơ mới sáng tác này, chàng thi sĩ đã luôn luôn hiện ra mới lạ trong từng bài, từng trang. Ai có thể nói ngắn gọn về một mùi hương gió sớm? Ai có thể nói ngắn gọn về một nỗi đau trong bài thơ rất mực sầu muộn của một đêm mưa sa?
Thơ của Lê Giang Trần luôn luôn là những bước đi rất lạ, đầy những kinh ngạc.
Tác phẩm có thể mua qua mạng Amazon.com, gõ chữ “le giang tran”.
Phan Tấn Hải