Việt Nam thất bại trong việc kiểm soát mạng xã hội như thế nàoHình ảnh chống đường lưỡi bò của Trung Quốc trên một trang Facebook cá nhân. Hà Nội, 2011.
AFP
Gần đây Chủ tịch nước Trần Đại Quang có một bài viết nói rằng phải kiểm soát các thông tin độc hại trên Internet.
Báo chí Việt Nam cũng loan tin chính phủ Hà Nội đề nghị các đại công ty như Facebook và Google hợp tác trong vấn đề ngăn chận thông tin bị gọi là độc hại.
Sau đây là một số ý kiến cho rằng Việt Nam không thành công trong ý định ngăn chận mạng xã hội.
Một ước vọng cũ xưaMột người sử dụng mạng xã hội Facebook rất tích cực tại Sài Gòn là anh Nguyễn Lâm Duy nhận xét về bài viết của Chủ tịch Trần Đại Quang:
“Thực ra việc thắt chặt thông tin trên mạng xã hội, trên internet nói chung thì đảng cộng sản đã thực hiện rất là lâu rồi ở Việt Nam, đặc biệt là thắt chặt thông tin do chính quyền quản lý, đưa ra cái cách họ đưa tin như thế nào. Đã có việc xét xử hay kết án tù rất nặng nề những người phát biểu trên mạng. Bài viết mới đây được cho là của ông Trần Đại Quang về việc thắt chặt những thông tin độc hại trên internet thì không có gì mới.”
Anh nói rằng đối với nhà nước Việt Nam hiện nay thì những tin tức có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đảng cộng sản, hay những lời phê bình chỉ trích nhà cầm quyền cũng được đảng cộng sản Việt Nam xếp vào loại thông tin độc hại.
Một người dùng Facebook tại Hà Nội là anh Nguyễn Chí Tuyến nói thêm là một số người nghi ngờ rằng bài viết của Chủ tịch Trần Đại Quang là một bài viết cũ cách đây vài năm được dùng lại. Anh cũng có nhận xét rằng khuynh hướng kiểm soát tư tưởng con người vốn là một đặc điểm của đảng cộng sản nên họ lúc nào cũng muốn kiểm soát thông tin và quan điểm của mọi người.
Anh Nguyễn Chí Tuyến là một thành viên rất tích cực của một tổ chức xã hội dân sự NoU, hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo, đấu tranh chống sự chèn ép của Trung Quốc trên Biển Đông. Các thành viên nhóm này sử dụng phương tiện mạng xã hội rất tích cực để tổ chức các hoạt động của mình.
Anh Tuyến nhận xét cách mà người Việt Nam hiện nay bày tỏ quan niệm của mình trên mạng xã hội:
“Ở một góc độ nào đó, mạng xã hội ở Việt Nam lại thể hiện thật hơn là cuộc sống thật. Tức là người ta tìm thấy một sự can đảm, một sự cởi mở, hay là một luồng sinh khí tiếp sức cho người ta, làm cho người ta dám bày tỏ quan điểm một cách sòng phẳng, hơn là người ta dám bày tỏ những quan điểm ấy trong các cuộc họp hay là những cái đơn từ, xảy ra trong đời sống thực của người ta.”
Mô hình Trung QuốcTheo một số nguồn tin khác nhau thì hiện Việt Nam có đến hơn 52 triệu tài khoản Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Điều này trái ngược hẳn với Trung Quốc, nước láng giềng có cùng mô hình chính trị do đảng cộng sản độc quyền cai trị. Trung Quốc đã không cho phép các mạng xã hội nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, mà thành lập riêng các mạng xã hội cho riêng mình.
Khi được hỏi liệu mô hình Trung Quốc có được Việt Nam áp dụng hay không, anh Nguyễn Chí Tuyến cho biết:
“Những gì Trung Quốc làm để cai trị người dân, hay quản trị đất nước, tùy theo cách hiểu, thì phía đảng cộng sản Việt Nam đều học hỏi theo họ. Nhưng mà học là một chuyện, còn có đem về thực hiện được trên đất nước Việt Nam trong thời điểm hiện tại hay không lại là một chuyện khác.
Điều đó rất là khó đối với một đất nước như Việt Nam. Có thể là những người cầm quyền Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam cũng muốn làm điều đó, nhưng mà với tiềm lực và vị thế của Việt Nam, cũng như là qui mô dân số, lãnh thổ, thì họ không thế làm giống như Trung Quốc được.”
Anh Nguyễn Lâm Duy đồng ý điều này và nêu một dẫn chứng là cách đây vài năm chính phủ Việt Nam đã nổ lực thành lập một mạng xã hội riêng cho mình có tên gọi Việt Nam Go, nhưng hoàn toàn thất bại.
Ngoài ra vào năm 2013, Việt Nam cũng đưa ra một công cụ tìm kiếm trên internet với sự hợp tác với nước Nga mang tên Cốc Cốc, nhưng cho đến nay vẫn không thấy công cụ này được người Việt Nam sử dụng một cách phổ biến.
Trong thời gian gần đây, có tin từ báo chí Việt Nam nói rằng các công ty lớn từ nước ngoài như Facebook và Google đồng ý hợp tác với Chính phủ Việt Nam để ngăn chận những thông tin độc hại. Từ đó có lo lắng rằng các công ty này sẽ cho chính quyền Việt Nam kiểm soát tài khoản trên mạng xã hội của người dùng Việt Nam.
Anh Nguyễn Lâm Duy nói các công ty đó không nên làm như vậy:
“Những công ty như Facebook hay Google không nên đánh đổi quyền lợi của người tiêu dùng với những lợi nhuận mà họ có thể có bằng cách đạt được thỏa thuận nào đó với chính quyền, làm tổn hại đến quyền tiếp cận thông tin của khách hàng.”
Anh Nguyễn Chí Tuyến cho biết một số nhà báo nước ngoài tại Hà Nội nói với anh rằng các công ty này chưa có một thỏa thuận nào rõ ràng. Trong bài phân tích ngày 30 tháng Tám, hãng tin Reuters cũng cho rằng các áp lực của chính phủ Việt Nam lên hai công ty Facebook và Google chỉ có tác dụng một cách giới hạn, mặc dù hai công ty này từ chối không trả lời hãng tin Anh quốc về vấn đề này.
Anh Nguyễn Chí Tuyến cho rằng:
“Chính phủ Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam chưa đủ tầm để mặc cả với các công ty kia, như là đảng cộng sản Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Quốc. Cho nên họ muốn nhưng không thể thực hiện được.”
Cũng từ Trung Quốc, tin cho hay mới đây Bắc Kinh bắt buộc tất cả những người sử dụng mạng xã hội của Trung Quốc phải công khai danh tính của mình khi ghi tên sử dụng mạng xã hội. Khi được hỏi liệu điều này sẽ được Việt Nam làm theo không, anh Nguyễn Lâm Duy đáp:
“Đó là một cái luật mà Trung Quốc áp đặt lên một công ty do chính quyền kiểm soát. Tôi nghĩ là trong tương lai gần chính quyền Việt Nam có thể bắt tất cả những người dùng Facebook sử dụng tên thật trên trang mạng xã hội này, vì công ty này ở nước ngoài hoạt động trên luật pháp của nơi mà họ đóng công ty. Tôi không nghĩ rằng yêu cầu đó của Việt Nam sẽ được Facebook đáp ứng.”
Bên cạnh những điều mà hai anh Tuyến và Duy cho rằng vượt qua ngoài khả năng của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát hoặc ngăn chận mạng xã hội, Reuters còn cho biết các công ty Việt Nam có nhu cầu sử dụng mạng xã hội rất lớn trong hoạt động thương mại của họ, điều đó dẫn đến việc ngăn chận mạng xã hội tại Việt Nam là không thể được.
Một yếu tố khác nữa là chính các giới chức chính quyền cũng sử dụng mạng xã hội, xem đó như một kênh để thu thập thông tin, như hai nhà báo tại Việt Nam là Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng, và Phạm Chí Dũng tại Sài gòn cho chúng tôi biết.
Anh Nguyễn Chí Tuyến nhận xét:
“Mặc dù họ có thể nói mạng xã hội nó làm một điều gì đó nó không tốt đẹp, hay là tác động xấu, tiêu cực đến cuộc sống con người nọ kia, nhưng họ lại theo dõi rất kỹ, mà nói theo ngôn ngữ đời thường là họ hóng, họ hóng tin tức trên mạng xã hội.”
Anh Nguyễn Lâm Duy cho biết là sau khi dự án xây dựng tượng đài hàng ngàn tỉ đồng tại tỉnh Sơn La bị chỉ trích mạnh mẽ từ mạng xã hội, nhà nước Việt Nam dường như đã dừng lại dự án này.
Theo một số nhà hoạt động xã hội thì để ngăn chận những điều bất lợi cho mình gây ra bởi mạng xã hội, chính quyền Việt nam hiện nay sử dụng biện pháp ngăn chận một cách không thường xuyên, khi có các sự kiện được xem là nhạy cảm chính trị.
Người quản trị trang Facebook mang tên Nhật ký Yêu nước, không muốn nêu danh tánh, thì nói với chúng tôi rằng việc ngăn chận mạng xã hội chỉ tạo điều kiện cho người sử dụng Việt Nam ngày càng thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ vượt tường lửa mà thôi.
Theo RFA