Kiểm soát thông tin qua mạng xã hội
Trong báo cáo trả lời chất vấn gửi Đại biểu Quốc hội hôm thứ Tư, 15 tháng 11, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tính đến ngày 30 tháng 9, hai trang mạng xã hội nước ngoài phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook có khoảng 53 triệu thành viên và YouTube có 35 triệu thành viên, và hiện tại, các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam gần như “không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.”
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo để cạnh tranh với các trang mạng xã hội của nước ngoài như YouTube, Facebook, nhằm “kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hoá, đạo đức.”
Lời kêu gọi của ông Trương Minh Tuấn được đưa ra sau khi Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam, khoản 4, Điều 34 được đề xuất hồi đầu tháng 11, quy định các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng là công dân Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia này.
Thế nhưng, qua phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý thì việc đặt máy chủ quản lý của dịch vụ internet, cung cấp mạng xã hội ở nơi nào không phải là điều quan trọng.
“Về vấn đề kỹ thuật thì đâu cần phải là máy chủ phải đặt ở đâu. Trên thế giới này có 1 góc nào đấy, 1 hòn đảo xa xôi nào đấy cũng được, rừng Targa hay đảo Guam của Mỹ cũng được.”
Điều này được hiểu rằng, những mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thì máy chủ sẽ được đặt ở Việt Nam, dữ liệu người dùng sẽ được quản lý chặt chẽ, thông tin đăng tải được kiểm duyệt sát sao.
Phóng viên Đỗ Cường cho biết những động thái này đang ngày càng xiết chặt quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người Việt Nam trong nước. Hơn thế nữa, theo anh, thu hẹp những quyền này của người dân thì xã hội chẳng khác nào là một xã hội chết.
“Khi quyền biểu đạt của con người trên mạng xã hội như Facebook, Google là những công cụ để người Việt Nam vươn ra ngoài thế giới, nắm bắt thông tin đa chiều hơn, cởi mở hơn thì quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận bị thắt chặt thì tức là Việt Nam đang bị tụt hậu và không thể phát triển được.”
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện Việt Nam có 363 trang mạng xã hội do tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, nhưng theo phản hồi của các độc giả trong nước, rất nhiều người cho biết “Mình không nhớ nổi 1 tên gọi trong số đó”.
Người đứng đầu ngành thông tin của Việt Nam cũng chưa nhắc đến kế hoạch triển khai việc phát triển và quảng bá các trang mạng xã hội của Việt Nam.
Bóp nghẹt thông tin báo chí
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, nội dung thông tin trên mạng được cung cấp bởi hai nguồn, từ các cơ quan báo chí chính thống và từ truyền thông xã hội. Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, bao gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử đều thuộc sự quản lý của nhà nước.
Trước đó chỉ 1 ngày, ngày 14 tháng 11, cũng chính Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định đình bản tạm thời hoạt động chuyên trang Phụ nữ và Đời sống của báo điện tử Người đưa tin, xử phạt 140 triệu đồng và đình bản 3 tháng Tạp chí Người Quản lý với lý do là đưa tin sai sự thật trong bài viết tựa đề ‘Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh chống tham nhũng?’ đăng trên báo này hôm 21/8/2017.
Trao đổi với RFA, từ Sài Gòn, phóng viên Đỗ Cường của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết theo quan điểm của anh, những trang mạng tin tức, báo chí chính thống do Bộ Thông tin quản lý cũng có ưu điểm và khuyết điểm.
“Có những thông tin mà người ta phải chứng minh được việc anh tác nghiệp, cung cấp tài liệu khi làm việc với Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin truyền thông. Nó có những phóng sự, những câu chuyện đưa lên có độ chính xác khá là cao.”
Tuy nhiên, nếu nói về tự do thông tin và tự do báo chí thì theo phóng viên Đỗ Cường, những trang mạng xã hội này không thể đáp ứng vì nội dung nằm trong giới hạn của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông nếu đó là “những thông tin ảnh hưởng đến vận mệnh của dân tộc”
“Những vụ án tôi theo dõi như kiện cáo oan sai hay đất đai, những vụ quan cấp tỉnh,quận, huyện thì tôi làm rất tự do, nhưng khi đụng đến những người như bà Bộ trưởng Y tế vừa rồi, hoặc những người cao hơn như Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì không thể nào tự do tác nghiệp, luôn bị giới hạn bởi Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đấy là nhược điểm.
Thứ 2 nữa là những trang này, thông tin của nó không mang tính cởi mở, không dám tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, chính trị.”
Nhà báo tự do Vũ Bình, người bất đồng chính kiến từng bị nhà nước Việt Nam tuyên án 7 năm tù giam vì cáo buộc tội gián điệp cho RFA biết theo quan điểm của ông thì các trang mạng điện tử của Bộ Thông tin và truyền thông không thể có tính chân thực, khách quan khi truyền tải nội dung. Lý do ông nêu ra:
“Đã gọi là nhà nước cấp phép thì nó có sự kiểm duyệt. Đã là kiểm duyệt thì những thông tin bị sàng lọc rồi, còn đâu là những thông tin chân thực khách quan nữa? Cho nên chất lượng thì không phải bàn, chắc chắn theo định hướng nhà nước.
Cho nên nói thẳng luôn là nó không có ưu điểm gì cả.”
Nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất, chủ trang mạng Một Góc Nhìn Khác cũng có quan điểm đồng thuận khi chia sẻ ý kiến về định hướng của báo chí quốc doanh xưa nay.
“Báo chí Việt Nam lâu nay bị nhốt trong một cái lồng rồi. Hãy thả báo chí ra. Tôi nghĩ trong tình thế này báo chí cũng là một kênh bị tiết chế bởi chính truyền thông.”
Hôm 14 tháng 11, tại tại buổi công bố Bản phúc trình thường niên về “Tự do Internet năm 2017” ở Thủ đô Washington, Freedom House cho Việt Nam điểm số 76 trên thang điểm 100, tức nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do internet.
Theo RFA