Chính phủ Mỹ hoạt động ‘tối giản’ trong khi chờ biểu quyết mở cửa lại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.
Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến biểu quyết cho dự luật mở cửa lại chính phủ vào trưa thứ Hai (22/1). Dự luật này sẽ mang lại nguồn tài trợ cho chính phủ Mỹ hoạt động thêm 3 tuần nữa, nhưng không chắc liệu kế hoạch này có giành được đủ số phiều của đảng Dân chủ để được thông qua hay không.
Việc bỏ phiếu đã được dời từ 1 giờ sáng (giờ miền Đông Hoa Kỳ) thứ Hai đến 12 giờ trưa, sau khi có dấu hiệu rõ ràng rằng đảng Dân chủ sẽ ngăn cản dự luật chi tiêu vì những bất đồng trong nhiều vấn đề, nổi bật nhất là DACA (Quyết định hoãn thực thi trục xuất người nhập cư Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em), theo CNN.
Hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ liên bang đã phải nghỉ việc vào sáng thứ Hai, ngày thứ ba kể từ khi chính phủ chính thức đóng cửa vào nửa đêm thứ Sáu.
Chỉ một số nhân viên được chỉ định là “nhân viên thiết yếu” mới đến công sở để đảm bảo một số dịch vụ được xem là thiết yếu của chính phủ không bị đình trệ.
“Điều này quá căng thẳng”, Reuters dẫn lời bà Jessica Klement, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhân viên Liên bang Quốc gia và Hưu Trí, cơ quan đại diện cho hơn 20.000 nhân viên.
“Các nhân viên thiết yếu vẫn phải làm việc mà không biết khi nào họ sẽ được trả lương. Còn các nhân viên không thiết yếu bị buộc phải ở nhà không lương và không biết sau này lương sẽ được bù lại hay không”, bà Klement nói thêm.
Thư viện Quốc hội tại thủ đô Washington thông báo đóng cửa ngày 20/1/2018.
Trong thời gian chính phủ đóng cửa, ngay cả cơ quan Quản lý Nhân sự của chính phủ liên bang cũng đưa ra rất ít chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động trên trang web. Cơ quan này chỉ nói “hoạt động của chính phủ liên bang khác nhau tùy theo cơ quan”.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng công bố một thông báo trên trang web nêu chi tiết về những nhân sự được nhận lương hoặc không nhận lương trong trường hợp chính phủ ngừng hoạt động. Thông báo nói các nhân viên dân sự tạm thời nghỉ việc, ngoại trừ những người cần phải hỗ trợ cho quân đội đang hoạt động.
Trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Vào thời điểm này, các dịch vụ hộ chiếu và thị thực ở Mỹ và tại các cơ sở nước ngoài sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian gián đoạn nếu tình hình cho phép”.
Lần chính phủ Mỹ đóng cửa gần đây nhất là vào năm 2013. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang đã bị tạm nghỉ việc. Nguyên nhân chính cản trở việc thông qua dự luật tài trợ cho chính phủ hoạt động lúc đó là đạo luật chăm sóc sức khỏe của cựu Tổng thống Barack Obama.
Vấn đề của lần đóng cửa này là chính sách nhập cư, mà chủ yếu là việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh chấm dứt chương trình DACA của cựu Tổng thống Obama vào năm ngoái. Chương trình này cho phép trẻ em đến Hoa Kỳ bất hợp pháp trước đây được bảo vệ về mặt pháp lý.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đến Quốc hội trong ngày đầu tiên sau khi chính phủ đóng cửa vì những bất đồng tại Thượng viện.
Năm ngoái, Tổng thống Trump nói ông sẽ kết thúc DACA vào ngày 5/3 và yêu cầu Quốc hội đưa ra những sửa đổi pháp lý trước thời hạn này để ngăn việc trục xuất những trẻ em nhập cư Mỹ bất hợp pháp đã trưởng thành ở Mỹ.
Chính vì DACA mà các đảng viên Dân chủ đã từ chối ủng hộ cho dự luật chi tiêu tạm thời để giữ cho chính phủ tiếp tục mở cửa.
Khi thông báo dời thời gian biểu quyết vào hôm Chủ nhật, lãnh tụ đa số Thượng viện Mitch McConnell cam kết sẽ đưa vấn đề nhập cư ra tranh luận sau ngày 8/2, miễn là chính phủ vẫn mở cửa.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của đảng Dân chủ đã phản đối kế hoạch này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lời cam kết của Thượng nghị sĩ McConnell có đủ để cho Đảng Dân chủ ủng hộ dự luật tài trợ để mở cửa lại chính phủ hay không.
Đảng Cộng hòa kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, nơi đảng này chiếm đa số với tỷ lệ sát sao 51-49.
Hầu hết các đạo luật đòi hỏi phải có 60 phiếu bầu của Thượng viện mới được thông qua, nên đảng Dân chủ có lợi thế về điều này.
Theo VOA