Nhạc sĩ Việt Khang đặt chân đến miền đất tự do LOS ANGELES - Đúng 1 giờ 35 phút trưa thứ Năm, ngày 8 tháng 2, 2018 nhạc sĩ Việt Khang xuất hiện ngay lối cửa ra của phòng nhập cảnh phi trường quốc tế LAX. Anh đi một mình, đẩy theo chiếc xe hành lý gọn nhẹ, không thấy có nhân viên tòa Đại Sứ Mỹ hay Việt Cộng đi theo như trường hợp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trước đây.
Việt Khang dáo dác tìm nhạc sĩ Trúc Hồ. “Anh Trúc Hồ đâu? Anh trúc Hồ đâu?” (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Đón nhạc sĩ Việt Khang tại phi trường LAX có nhạc sĩ Trúc Hồ cùng nhân viên của đài truyền hình SBTN, SET; nhạc sĩ Nam Lộc, vợ chồng nhạc sĩ Xuân Điềm, niên trưởng Phan Kỳ Nhơn và các ông Trần Vệ, Phan Thanh Châu, Nhan Hữu Mai, Lê Quang Dật, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, bà Ngân Nguyễn, cô Ngọc Ân đài Hồn Việt TV và Little Saigon Radio, đài VNA/TV; đài Little Saigon TV; các ca sĩ Nguyên Khang, Mai Thanh Sơn, Quốc Khanh, và phóng viên các nhật báo Việt ngữ cùng một số đồng hương.
Chúng tôi chọn chỗ đứng ngay lối ra nên chụp được tấm hình Việt Khang đang đẩy xe. Chúng tôi hỏi, “Phải anh Việt Khang không?” Việt Khang gật đầu và đẩy xe theo lối ra ngoài.
Phóng viên Viễn Đông là người duy nhất chụp được tấm ảnh lúc Việt Khang vừa ra khỏi máy bay tại phi trường LAX. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Đồng hương đứng đón anh khá đông. Khi nghe chúng tôi hô lớn tiếng, “Việt Khang! Việt Khang!” mọi người xúm lại bao quanh anh mừng rỡ. Việt Khang tỏ dấu xúc động khi thấy đông đảo đồng hương ra đón, nhất là hàng chục máy quay phim, chụp hình chĩa vào chúc mừng và hỏi thăm anh.
Việt Khang luôn miệng hỏi, “Anh Trúc Hồ đâu? Anh Trúc Hồ đâu?”
Nhạc sĩ Trúc Hồ đứng bên ngoài lớp phóng viên dày đặc bao quanh Việt Khang, mãi sau mới tới gần Việt Khang. Hai người ôm chặt nhau nức nở. Việt Khang nói, “Em tới rồi. Em tới rồi anh.”
Vui mừng đón người vừa thoát tù cộng sản
Nhạc sĩ Việt Khang (thứ nhì từ bên phải) đang lắng nghe một câu hỏi từ các phóng viên đài Việt ngữ tại phi trường Los Angeles vào trưa thứ Năm. Đứng bên cạnh anh và mặc cùng một màu áo thun xanh là nhạc sĩ Trúc Hồ. Từ năm 2012, nhạc sĩ Trúc Hồ cùng cố nhạc sĩ Việt Dzũng và đài SBTN đã vận động cho Việt Khang được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do. Việt Khang được biết mình sẽ đi Mỹ khoảng một tuần trước đây. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Sau đó, nhạc sĩ Nam Lộc cũng bước tới và hai người nhạc sĩ trẻ, già ôm chặt lấy nhau nghẹn ngào. Nhiều câu hỏi được các phóng viên nêu ra, trong đó Viễn Đông hỏi, “Anh được nhà cầm quyền cộng sản báo tin anh sẽ được qua Mỹ vào lúc nào?”
Việt Khang trả lời, “Cũng mới đây thôi, khoảng một tuần lễ.”
Ngọc Ân (Little Saigon Radio) hỏi, “Trên chuyến bay từ Việt Nam qua đây, lúc nào Việt Khang cảm thấy bỡ ngỡ nhất?”
Việt Khang đáp, “Lúc này là lúc thấy bỡ ngỡ và xúc động nhất vì được sự đón rước rất là chân tình của quý đồng hương đã dành cho Việt Khang. Nói chung là rất bỡ ngỡ. Cám ơn, cám ơn nhiều lắm.”
Một phóng viên SBTN hỏi, “Trên đường đi, Việt Khang có nghĩ ra được bài hát nào không khi rời khỏi quê hương?”
Việt Khang trả lời, “Câu Việt Khang mới sáng tác gần đây nhất là, Đừng buồn nhá con trai, một ngày không xa ba sẽ trở lại (và anh đã hát trọn câu đó).” Việt Khang nói anh hy vọng một thời gian ngắn anh sẽ gặp lại đứa con yêu của mình.
Nhạc sĩ Trúc Hồ và Việt Khang xúc động nhìn nhau. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Viễn Đông hỏi, “Khi nhà cầm quyền CSVN báo tin họ cho anh qua Mỹ, họ nói gì với anh?”
Việt Khang nói, “ Họ chúc mừng tôi qua đến Mỹ và có cuộc sống ổn định thế thôi.”
Mọi người đứng bao quanh đề nghị Việt Khang hát lại bản nhạc, “Việt Nam tôi đâu?” và anh đứng trong phi trường cùng mọi người hát vang “Việt Nam ơi thời gian quá nửa đời và ta đã tỏ tường rồi, ôi cuộc đời ngày sau vàng lửa khói. Mẹ Việt Nam đâu, từng cơn gió...” làm mọi người có mặt trong phi trường ngạc nhiên. Một số người thuộc các sắc dân khác đưa cell phone chụp hình lia lịa.
Nhạc sĩ Việt Khang được các anh em trong đài SBTN mặc cho chiếc áo có logo của đài và dòng chữ Đáp Lời Sông Núi. Sau đó, ông Nhan Hữu Mai đẩy chiếc xe hành lý của Việt Khang ra ngoài để có chỗ trống trải cho các đồng hương thăm hỏi và cho các phóng viên tiếp tục phỏng vấn.
Một Thông Cáo Báo Chí về việc nhạc sĩ Việt Khang được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp sang định cư tại Hoa Kỳ viết: “Sau 4 năm tù giam và 2 năm quản chế, rồi bị giam lỏng trong hoàn cảnh cô lập kinh tế, và không được tự do sáng tác, nhạc sĩ Việt Khang đã được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để sang Hoa Kỳ vào sáng thứ Năm ngày 8/2/2018. Đây là kết quả áp lực từ các tổ chức nhân quyền quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ; đặc biệt là Thượng Nghị Sĩ John McCain, cũng như từ nỗ lực đấu tranh bền bỉ của người Việt khắp nơi trong nhiều năm qua. Nhạc sĩ Việt Khang là tác giả của những nhạc phẩm làm lay động hàng triệu con tim người Việt khắp nơi như Anh Là Ai? Việt Nam Tôi Đâu? Trả Lại Cho Dân... Các nhạc phẩm của anh luôn được hát vang trong những cuộc đấu tranh đòi công bằng và quyền làm người trong cũng như ngoài nước.
“Vào năm 2012, sau khi Việt Khang bị bắt vì những nhạc phẩm yêu nước của anh, Đài Truyền Hình SBTN đã phát động một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư gởi Tòa Bạch Ốc kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ áp lực, buộc Hà Nội phải thả anh. Chỉ trong vòng vài tuần ngắn ngủi, chiến dịch đã có sự tham gia của hàng trăm ngàn người Việt tại Hoa Kỳ, trở thành một hiện tượng chưa từng có trước đó. Tiếp theo thỉnh nguyện thư, đài truyền hình SBTN đã cùng người Việt khắp nơi tiếp tục đấu tranh không ngừng nghỉ qua những buổi xuống đường, những cuộc vận động quốc tế, những chiến dịch hướng về tù nhân lương tâm... để vận động cho sự tự do của người nhạc sĩ yêu nước này. Đài truyền hình SBTN xin tri ân các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ, các đoàn thể, tất cả những đồng bào người Việt trong và ngoài nước, và đặc biệt TNS John McCain, đã đồng hành cùng chúng tôi trong những chiến dịch vận động cho các tù nhân lương tâm, cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
“Việc nhạc sĩ Việt Khang rời khỏi Việt Nam để có thể tiếp tục sáng tác dòng nhạc thiết tha với vận mạng đất nước là một thành quả không nhỏ, để cùng góp phần vào nỗ lực tố cáo các vi phạm nhân quyền của CSVN trước dư luận quốc tế, đấu tranh cho các tù nhân lương tâm khác còn đang bị giam cầm, và đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do.”
Sau khi rời phi trường, nhạc sĩ Trúc Hồ đã chở nhạc sĩ Việt Khang đến thăm mộ nhạc sĩ Việt Dzũng trước khi về nhà nhạc sĩ Trúc Hồ.
Toàn thể ban giám đốc, nhân viên và độc giả Nhật Báo Viễn Đông chúc mừng nhạc sĩ Việt Khang đã đến bến bờ tự do.
THANH PHONG/Nhật Báo Viễn Đông