50 năm Cách Mạng Mùa Xuân, Nga không còn là kẻ thù chính của CH SécXe tăng Liên Xô bị đốt cháy trên đường phố Praha trong cuộc xâm chiếm Tiệp Khắc ngày 21/08/2018. CC/CIA
Hôm nay, 21/08/2018, cộng hòa Séc kỷ niệm 50 năm cuộc « Cách mạng Mùa xuân Praha ». Báo Le Figaro nhắc lại sự kiện 1968 bi thương này và có những nhận xét sâu sắc trong cách nhìn của người dân Séc ngày nay về « kẻ thù » bên ngoài.
« Ngày 21 tháng Tám năm 1968 : Chiến xa của Liên Xô tại Praha », Le Figaro đề tựa. Trên thực tế, vào ngày 20/08/1968, sau nửa đêm, một đội quân hùng hậu gồm 450.000 binh sĩ – Liên Xô, Ba Lan, Hungary và Đông Đức –, cùng với 6.300 xe tăng, 800 chiến đấu cơ và một số lượng đại bác nhiều vô kể đã tràn vào xâm chiếm Tiệp Khắc 15 triệu dân.
Sáng sớm ngày 21/08 người dân thủ đô Praha ngỡ ngàng phát hiện thủ đô của mình tràn đầy xe tăng Nga đến « giải phóng » người dân Tiệp khỏi quân « phát xít ». Già và trẻ Praha, giận dữ và tuyệt vọng đến giải thích với những đạo quân đó rằng chẳng có một « tên phát xít » nào ở đây cả và yêu cầu họ trở về Matxcơva. Vài vụ va chạm đã diễn ra và súng đã nổ, hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có nhiều người bị xe tăng nghiền nát.
Cuộc tiến công này được tiến hành theo lệnh của Leonid Brejnev (một người cộng sản gốc Ukraina lúc ấy là chủ nhân điện Kremlin) nhằm dập tắt làn gió tự do Mùa xuân Praha. Nhân dịp đó, ông Brejnev đã cho phát triển học thuyết của mình về « chủ quyền có giới hạn » tại các nước Đông Âu, các đồng minh chủ yếu của Liên Xô nằm trong khối Hiệp ước Vacxava.
Với nhà báo Renaud Girard, trong tiềm thức của người dân Tiệp Khắc suốt nửa cuối thế kỷ XX, kẻ thù chính của họ chính là Matxcơva. Đối với họ, năm 1948 và 1968 là hai năm đầy chấn động bi thương. Bởi vì trước đó 20 năm, vào tháng 2/1948, Staline đã ra lệnh cho đảng Cộng sản tàn phá chính phủ liên minh dân tộc hậu chiến và chiếm lấy quyền lực bằng sức mạnh, buộc ngoại trưởng Tiệp Khắc thời bấy giờ là ông Jan Masaryk, thân phương Tây nhảy cửa sổ tự sát.
Thế nhưng, theo nhà báo Renaud Girard, có một sự khác biệt lớn giữa hai sự kiện. Năm 1948, một bộ phận không nhỏ trí thức Tiệp đã thấm nhuần tư tưởng cộng sản Matxcơva. Ngược lại, năm 1968, hầu hết giới trí thức Tiệp Khắc đều ủng hộ phong trào Mùa Xuân Praha. Và họ đã phải trả giá đắt cho sự nhiệt tình đó ngay sau đợt xâm chiếm.
Giống như năm 1948, những ai chọn không chạy tị nạn, đều bị tước mất việc giảng dậy, nghiên cứu, biên tập, điện ảnh hay phóng viên và buộc phải làm những công việc lao động hạ cấp. Đó cũng là những gì diễn ra cho ông Milos Zeman, tổng thống cộng hòa Séc ngày nay.
Kinh tế gia trẻ tuổi thời ấy, mang tư tưởng cải cách đã bị mất việc và khai trừ đảng năm 1970 do chống đối hành động xâm chiếm đất nước của các nước anh em. Rồi cuộc Cách Mạng Nhung 1989 nổ ra. Thời thế thay đổi. Ông lãnh đạo đảng Xã hội – Dân chủ, để rồi từng bước nắm giữ các vị trí trong chính phủ : Thủ tướng (1998-2001) và tổng thống kể từ năm 2013.
Nhưng điều thu hút sự chú ý của nhà báo Girard chính là quan điểm về « kẻ thù » của người dân Séc. Năm mươi năm sau, « đối với cộng hòa Séc, Nga không còn là kẻ thù chính nữa ». Bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraina với sự can dự của Nga, tổng thống Zeman từ chối chống Nga một cách có hệ thống.
Trước những lời chỉ trích bất kể là từ Mỹ, ông khẳng khái nhắc lại vai trò quyết định của Nga trong cuộc chiến chống phát xít Đức cũng như quyền tự quyết của dân tộc. Năm 2017, tổng thống Séc thực hiện chuyến viếng thăm nhà nước đến Matxcơva. Trước chủ nhân điện Kremlin, ông Milos Zeman tuyên bố « tương lai của Liên Hiệp Châu Âu ngự trị trong mối quan hệ hữu hảo với Nga ».
Bất chấp những lời chỉ trích về thái độ thân Nga, Milos Zeman vẫn tái đắc cử tổng thống vào tháng Giêng năm 2018. Làm thế nào giải thích một sự quay ngoắc chiến lược như thế trong lòng người dân Séc, vốn dĩ rất bám chặt vào Liên Hiệp Châu Âu ?
Nhà báo Renaud Girard khẳng định đó là vì người dân Séc không còn xem nước Nga như là kẻ thù chính của họ nữa. Năm 2011, ông Milos Zeman đã từng phát biểu : « Kẻ thù, chính là sự chống lại nền văn minh, đang lan rộng từ Bắc Phi đến Indonesia. Ở đó, có hai tỷ người dân sinh sống và hành động chống lại nền văn minh đó được tài trợ một phần nhờ vào bán dầu hỏa, và một phần từ buôn thuốc phiện ».
Cũng như những nước láng giền thân cận nằm trong nhóm Visegrad, người dân Séc hoảng sợ trước những vấn đề mà châu Âu phương Tây đã gây ra cùng với di dân Hồi giáo. Chưa bao giờ họ nghĩ rằng một vụ thảm sát như vụ Bataclan lại có thể xảy ra ở Paris.
Do vậy họ từ chối tiếp nhận những người di dân mà Pháp và Đức đang đề nghị. Tương tự cho những người tị nạn từ Cận Đông, họ chỉ chấp nhận những người Kito giáo. Trong vòng 50 năm, từ 1968 – 2018, cảm nhận về mối đe dọa đến từ bên ngoài đã hoàn toàn thay đổi ngay trong lòng người dân Séc.
Theo RFI