Từ nghìn xưa, sách sử Trung Quốc từng ghi nhận về trận đánh của lão tướng thời danh Mã Viện ở Giao Chỉ nước ta, và Hòang Đế Quang Vũ của giặc Tàu (Đại Đông Hán) đã tấn phong cho ông là Phục Ba Đại Tướng Quân. Riêng cuốn sách “Mã Viện Truyện” đã trang trọng ghi chép rằng: “Đại Lão Tướng Phục Ba dẫn hơn hai vạn kỵ binh và hai ngàn chiến thuyền, tiến đến đánh chiếm phương Nam. Sau chiến thắng ông đã cho dựng một cột đồng với lời nguyền ‘Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt’” (Cột đồng này mà gãy đổ, thì toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ bị tiêu diệt!)
Nhưng qua thời gian, đã trải hơn hai ngàn năm câu chuyện đồng trụ và lời nguyền của Mã Viện có giá trị gì chăng? Có công dụng gì chăng? Có lẽ cũng phải có nguyên nhân nào quan trọng lắm để khiến cho vị lão tướng thời danh Trung Quốc thốt lên lời thề độc này? Mặt khác, cũng trong suốt hai ngàn năm trải qua bao nhiêu triều đại, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu biến cố lịch sử, cũng biết bao nhiêu sử gia Đại Hán xử dụng phương pháp chép sử bất lương với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, đánh phá Văn Hóa Việt – Bởi vì Văn Hóa Việt chính là “đồng trụ” nâng đỡ cho xã hội “đồng bào” và cho dân chúng Việt Nam; mất văn hóa Việt là mất dân tộc Việt, mất đất nước Việt Nam! Đó là điều mà lão tướng thời danh Trung Quốc đã thức thời mà nhận ra.
Tiếp đến các sự kiện hãng xưởng và các doanh nhân đầu tư Trung Quốc tới Việt Nam, đổ tiền đổ bạc để mua chuộc các quan lại tham nhũng Việt Cộng mà khai thác tài nguyên thiên nhiên, khóang sản, mỏ quặng, mở nhà máy, dựng công ty xí nghiệp, thành lập các đặc khu kinh tế, mở phi trường, hải cảng trong chương trình Một Vành Đai - Một Con Đường như hiện nay cũng là lời cảnh báo “Đồng Trụ chiết, Giao Chỉ diệt!”
I. Văn Hóa Việt Và Chánh Thuyết Tiên Rồng
Từ ngày dựng nước, Dân Tộc Việt được gọi là dòng giống Tiên Rồng, Con Cháu Tiên Rồng, và căn cứ vào nguồn gốc mà cảm thấy mình khác biệt hay trổi vượt hơn các dân tộc khác. Trong suốt dòng lịch sử, Chánh Thuyết Tiên Rồng trở thành nền tảng tâm linh sâu vững nhất trong tư tưởng, trong huyết quản, trong đời sống của mọi người Việt chúng ta, qua danh xưng “Đồng Bào” là anh em ruột thịt từ “Bọc Mẹ Trăm Con” mà ra.
Nhưng đang khi Đại Chúng Việt hãnh diện và phát huy Sinh Thức Hệ Tiên Rồng của Tổ Tiên, thì những lớp người Trí Thức Việt, được gọi là người có ăn có học, nghiên cứu tài liệu sách vở Chữ Nho, sách Thánh Hiền của giặc Tàu lại tỏ ra lúng túng trong việc giải thích về nguồn gốc/ về truyền thuyết của dân tộc mình? Tại sao? Nhiều người còn ngổ nghịch, phủ nhận, và mạt sát truyền thuyết của ta không tiếc lời! Phải chăng đã tới thời điểm “đồng trụ chiết, giao chỉ diệt” nếu như chúng ta không ý thức?
Theo tài liệu sách vở hiện tại, truyện tích Con Cháu Tiên Rồng mà mọi người đang biết tới, đó là do “Truyện Hồng Bàng, trong sách Lĩnh Nam Chích Quái” của nhà văn Trần Thế Pháp viết vào những năm 1370 – 1400. Câu truyện của “nhà văn” này để lộ âm mưu đồng hóa Dân Tộc Việt, của Trung Quốc. Tác giả đã khéo léo gán ghép truyền thuyết “Con Cháu Tiên Rồng” của Tổ Tiên Việt thành ra “tổ tiên Hoa” – Tiên Rồng là hai biểu tượng linh thiêng của tộc Việt, tượng trưng cho Ông Bà Khởi Tổ/ Tộc Tổ – để mang dụng ý viết sai lạc truyền thuyết của dân tộc ta, nhằm thực hiện “đồng hóa Nguồn Gốc Tộc Việt” vào dòng giống và sử học của Tộc Hoa. Câu truyện rõ ràng như thế, mà bao trăm năm có mấy ai nhận diện ra giặc!
II. Truyện Hồng Bàng
“Truyện Hồng Bàng” đề cao người đẹp họ Âu (Âu Cơ), thành ra tên “bà tổ” của tộc Việt. Theo khảo cổ học, vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên (2300 năm), sắc dân Âu Việt tràn vào vùng đất Lạc Việt và thành lập ra nước Âu Lạc. Bởi thế, câu truyện này đã chơi chữ bằng cách gán ghép hai họ của hai sắc dân, Lạc Việt và Âu Việt, thành ra tên của hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ.
- Câu truyện cũng ghi lại địa giới rộng lớn của Tộc Việt, nhưng tác giả lại cho đó là thuộc quyền cai trị của vua người Hoa, đã có từ mấy ngàn năm trước đấy. Đã gán ghép nguồn gốc người Hoa cho “thành tổ” của tộc Việt, của sắc dân Bách Việt, rồi ông Trần Thế Pháp quái ác này đã “đánh lận” vùng đất ngàn năm của người Việt, thành ra đất của người Hoa.
- Sùng Lãm gốc Hoa, nhưng lại là người gian manh háo sắc vô tâm. Sùng Lãm đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt vợ của người anh chú bác ruột, rồi khi có gia đình vợ con, thì hắn lại bỏ bê trách nhiệm. Mặt khác, Âu Cơ cũng thế, tuy là dân Hoa, nhưng lại lăng loàn mất nết và trốn chồng đi theo trai!
- Và toàn thể trăm con Việt, lại đều nhận biết mình thuộc dòng dõi tộc Hoa, muốn theo mẹ Âu Cơ đi về Bắc Quốc. Nhưng về không được, nên mới ở lại Nước Nam. Đang khi vua Nước Nam lại đã nhẫm tâm mà bỏ nước, về thủy phủ, và phó mặc cho mẹ con nàng Âu chia nhau cai trị dân tộc người Nam này!
Như thế, khi chúng ta đọc truyện này, chẳng những Truyện Hồng Bàng ẩn chứa mưu đồ đồng hóa nguồn gốc dân tộc Việt, nhằm thực hiện câu thần chú “Giao Chỉ diệt” của Mã Viện, thì tác giả Trần Thế Pháp đã xuyên tạc: Truyền thuyết Tộc Việt, cướp đất Dân Việt, và còn nặng lời nhục mạ Giống Việt. Đây chính là nhát búa đã bổ vào đầu chúng ta, mỗi khi đọc Truyện Hồng Bàng.
Bởi thế, chúng ta bình tâm tìm hiểu tường tận, đích xác và đúng thực về nguồn gốc của dân tộc mình. Những sự kiện liên quan giữa dân Việt với các sắc dân khác, đặc biệt với người Tộc Hoa. Nhằm loại bỏ âm mưu “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” vốn có từ ngày Mã Viện tới nay. Nhất là chúng ta đang bị ông Trần Thế Pháp dùng bút chép sử mà “nối giáo cho giặc” đã đâm trúng tim của người Việt chúng ta! Vậy có nỗi đau thương nào hơn câu truyện này? Đây cũng là một nhát dao trung tim còn rỉ máu?
1. Xáo Trộn Nguồn Gốc
Vua Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế, đi thăm dân vùng Ngũ Lĩnh, lấy Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục được Đế Minh cho làm vua vùng đất đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Hồ Động Đình, nam đến nước Hồ Tôn Tinh.
Lộc Tục lấy con vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm thay cha làm vua, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Sùng Lãm cướp vợ yêu của Đế Lai tên là Âu Cơ, nhưng nhiều tác gỉa thời sau, nhu Học gỉa Trần Trọng Kim sửa đổi Âu Cơ con Đế Lai, thay vì như sách chép là vợ của Đế Lai.
Âu Cơ sinh cái bọc chứa 100 trứng, nở ra trăm con trai. Sùng Lãm đi vắng, Âu Cơ dẫn bầy con về Bắc quốc, nhưng về không được, đành trở lại. Sùng Lãm liền chia con làm hai, 50 đứa theo Sùng Lãm xuống thủy phủ, 50 đứa theo Âu Cơ ở lại trên đất để cai trị dân… Một trăm đứa con trai đó là những vị tổ đầu tiên của Bách Việt.
2. Những Điểm Chính Yếu
- Sùng Lãm và Âu Cơ sinh 100 con trai, và họ là thủy tổ của Bách Việt, tức là Tộc Tổ của toàn thể Tộc Việt.
- Bà nội của Sùng Lãm tên là Vụ Tiên, ở vùng núi Ngũ Lĩnh.
- Mẹ của Sùng Lãm tên là Long Nữ (Long Nữ theo Hán văn có nghĩa là nàng họ Long), và là con của vua Động Đình, ở thủy phủ.
- Ông nội, ông cố, ông tổ của Sùng Lãm đều là người phàm, dòng vua, và đều là người Hoa.
- Sùng Lãm nối ngôi cha, lấy hiệu là Lạc Long Quân.
- Âu Cơ là người Hoa, vợ của Đế Lai. Nhưng nhiều tác giả thời sau ghi lại Âu Cơ là con của Đế Lai thay vì là vợ – Âu Cơ có nghĩa là người đẹp họ Âu. Bà dẫn con về Bắc quốc, mà không được nên phải ở lại.
- Trong 100 con trai, 50 đứa theo Sùng Lãm về ở thủy phủ, 50 đứa kia theo Âu Cơ ở lại nước Nam và chia nước này mà cai trị.
- Dưới quyền cai trị của dòng họ đó là đám dân đen, nghèo đói đang phục vụ cho họ, và đang bị họ quấy nhiễu ma thanh dan oan!
- Địa phận vùng đất của Tộc Việt là vùng phía nam sông Dương Tử và nam Ngũ Lĩnh.
- Vùng đất này thuộc quyền vua người Hoa, nhưng sau chia lại cho Lộc Tục, nên mới thành đất của Tộc Việt.
3. Những Điểm Xác Định
a. Truyện Hồng Bàng ghi lại nhiều chi tiết của truyền thuyết Con Cháu Tiên Rồng đang lưu truyền phổ quát trong toàn thể dân Việt từ nhiều ngàn năm trước.
- Từ ngàn xưa, dân ta xưng mình là Con Cháu Tiên Rồng. Truyện Hồng Bàng đã xác nhận điểm này, nhưng lại cho là do bà nội và mẹ của Sùng Lãm. Bà nội của Sùng Lãm cũng có tên với chữ tiên, là Vụ Tiên, và mẹ của Sùng Lãm có họ là Long – Long Nữ. Chữ long là do chữ rồng đọc theo giọng người Hoa mà phát âm ra long.
- Từ ngàn xưa, dân ta biết chắc chắn là mình phát xuất ở vùng Ngũ Lĩnh, Hồ Động Đình. Truyện Hồng Bàng của ông Trần Thế Pháp cũng xác nhận bằng cách cho đó là quê hương của Vụ Tiên và Long Nữ.
- Từ ngàn xưa, dân ta tự xưng là họ Lạc, Lạc Việt. Truyện Hồng Bàng của ông Trần Thế Pháp cũng giải thích là phát xuất do tên hiệu của Lạc Long Quân.
- Câu Cha Rồng nói với Mẹ Tiên: “Ta là giống Rồng, nàng thuộc dòng Tiên” đích thực là của truyền thuyết Lạc Việt từ ngàn xưa. Dầu ra ngoài văn mạch, Truyện Hồng Bàng cũng phải lập lại nguyên văn. Nếu theo đúng văn mạch của Truyện Hồng Bàng, thì Sùng Lãm phải nói với Âu Cơ rằng “Ta hiệu là Lạc Long Quân, có bà nội tên tục là Tiên, có bà mẹ họ là Long, còn nàng là người phàm…” Cũng theo Truyện Hồng Bàng thì chồng của Âu Cơ là Đế Lai, “Nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp tiên nữ…” nên Đế Lai cũng đi, và như vậy Âu Cơ đã không thể là tiên.
- Từ ngàn xưa, dân ta quan niệm biểu tượng Rồng là Cha, ở dưới nước, thiên biến vạn hóa, và Tiên là Mẹ, ở trên đất dưỡng nuôi bảo bọc. Truyện Hồng Bàng cũng làm nổi bật những đặc tính này nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ.
- Biểu tượng 50 con theo Mẹ, 50 con theo Cha là truyền thuyết Việt. Tuy nhiên, Truyện Hồng Bàng lại cho rằng 50 đứa theo cha về luôn thủy phủ, giao quyền cai trị dân Việt trong tay 50 đứa theo bà mẹ người Hoa. Như vậy thì làm sao vẫn còn đủ 100 để làm tổ cho Bách Việt.
- Câu Cha Rồng dặn: “Khi cần thì gọi, ta về ngay” cũng là xác định nền tảng của truyền thuyết Việt. Truyện Hồng Bàng lặp lại ba lần trong ba trường hợp khác nhau.
- Truyện Hồng Bàng xác định địa vực của Bách Việt là toàn thể vùng Nam Dương Tử và Nam Ngũ Lĩnh. Dầu trái với tham vọng quyền lực của người Hoa, Truyện Hồng Bàng cũng phải ghi lại tỉ mỉ biên cương của Tộc Việt, và như thế, chắc chắn, đây là sự kiện hiển nhiên đương thời mà ông Trần Thế Pháp phải thừa nhận chớ không thể bịa đặt.
- Truyền thuyết mọi người dân đều có cùng nguồn gốc Tiên Rồng, đều từ Một Bọc Trăm Con, là của dân ta. Dầu trong suốt bài, Truyện Hồng Bàng chỉ quanh quẩn với dòng họ một triều vua, thì câu cuối lại phải liên kết Bọc Mẹ Trăm Con với Bách Việt: “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”
- Và như thế Truyện Hồng Bàng mặc nhiên xác nhận là đã có hai tộc dân Việt và Hoa khác nhau, với hai nền văn hóa khác nhau, và đã sinh sống trên hai vùng đất khác nhau.
- Đặc biệt về phương diện lãnh thổ, Truyện Hồng Bàng xác nhận truyền thuyết Tộc Việt phát xuất từ vùng Hồ Động Đình, sau đó phát triển trên một vùng rộng lớn, bao gồm từ Nam Dương Tử xuống tới Bắc Trung Phần Việt Nam ngày nay.
- Với việc đồng hóa nguồn gốc Bách Việt thành con cháu của Lạc Long Quân, Truyện Hồng Bàng đã phải xác nhận ảnh hưởng lớn mạnh của Lạc Việt thời ấy.
b. Sách sử nước ngòai
- Trong cuốn “Portraits of China,” Lunda H. Gill nói rằng:
“Trong việc thành hình nền văn hóa Trung Hoa, thiết tưởng ảnh hưởng của những sắc dân thiểu số đã to lớn hơn là nhờ sử gia truyền thống người Hoa công nhận. Sử gia Trung Hoa đã có khuynh hướng lạm nhận rằng dân Hoa đã khởi nguồn từ thung lũng Hoàng Hà, vùng Trung Nguyên, rồi tỏa lan và hấp thụ các dân ‘mọi rợ’ bằng việc ban phát cho họ những hồng ân của nền văn minh Hoa.
[Tuy nhiên,] thay vì ước định có một sắc dân chủ yếu tỏa lan và hấp thụ các sắc dân khác, có lẽ ta nên nhìn thấy những ảnh hưởng văn hóa hỗ tương đưa đến dị biệt trong nền văn minh Trung Hoa. Tại một số nơi, nền văn minh này mang dấu vết địa phương và của những sắc dân đã bị đồng hóa vào dân Trung Hoa,” (Lunda H. Gill, nhà xuất bản University of Hawaii Press, Honolulu 1960, trang 2).
- Trong cuốn “The Chinese Mosaic,” Leo J. Moser nhận định, “Sắc dân, mà ngày nay tự nhận là dân Hoa, đã có nguồn gốc từ thượng lưu Hoàng Hà trong khoảng từ 3000 tới 4000 năm trước, đang khi, tác giả khác lại cho rằng đã có từ 7000 đến 8000 năm trước đây,” (Leo J. Moser, nhà xuất bản Westview Press, London 1985, trang 10).
- Theo tác giả Bodo Weithoff, trong sách “Introduction to Chinese History” của nhà xuất bản Thames and Hudson, London 1975, trang 38 viết, “Vùng lịch sử xưa nhất của Trung Hoa là Trung Nguyên, ở khoảng giữa lưu vực Hoàng Hà, gồm một phần của các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, và Sơn Tây hiện nay. Đó là lãnh vực của các nhà vua Thương, mà sau này, thời Châu xưng là Trung Quốc.”
- Ngoài ra, theo hai tác giả Arthur Cotterell và David Morgan viết trong “China, an Intergrated Study” của nhà xuất bản Harrap, London 1975, trang 62 và trang bản đố:
“Đang khi người Hoa phát triển ở vùng Trung Nguyên, thì ở vùng Hồ Nam đã có Tộc Việt. Tộc Việt phát khởi từ vùng Hồ Động Đình, ở phía nam trung lưu Sông Dương Tử, rồi phát triển và tạo thành ba nhánh chính, là Thái, Dao, và Việt.
Nhánh Thái và Dao của Tộc Việt di chuyển dọc theo các thung lũng, xuống miền nam, đến các vùng Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam, Ai Lao, Miến Điện, và Thái Lan ngày nay.
Nhánh Việt thì xuôi theo Sông Dương Tử tiến ra biển, rồi dọc theo bờ biển tiến về phương nam. Cách đây năm sáu ngàn năm, người nhánh Việt đã có mặt khắp vùng này là Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Bắc Việt, và Bắc Trung Việt.
Theo thời gian và điều kiện sinh sống địa phương, Tộc Việt lại chia thành nhiều nhánh nhỏ. Mỗi nhánh mang một tên riêng, nhưng đã gọi chung là Bách Việt.”
- Tham khảo những sách sử trên, chúng ta nhận ra rằng, mấy ngàn năm trước khi tiếp xúc với Tộc Hoa, chẳng những dân tộc Việt Nam chúng ta đã phát triển mạnh chẳng những về dân số mà còn mở rộng địa bàn sinh sống, đặc biệt tiến triển về nếp sống xã hội nông nghiệp và ngư nghiệp. Chớ nào cần Truyện Hồng Bàng dẫn giải nguồn gốc, hay Truyện Sĩ Nhiếp quan lại Trung Quốc sang đô hộ và dạy dỗ dân ta làm nông nghiệp?
Sự trổi vượt về Nếp Sống Việt và Văn Hóa Việt còn được ghi nhận và lưu truyền qua kỹ thuật tinh xảo về đồ đồng. Cả đến thời nay, đỉnh đồng và trống đồng từ thời xa xưa, tới nay vẫn là những tuyệt tác vô song! Huống chi truyền thuyết Tiên Rồng, một hệ thống tư tưởng chỉ đạo sống động hiện thực, là sinh thức hệ dân tộc hay là một tiến trình dài, dài như giòng lịch sử của cả một dân tộc đang sống, và đã trải qua bao ngàn năm tiếp diễn cao siêu hiện thực… đang là một đặc điểm của dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay.
4. Xuyên Tạc Truyền Thuyết
Truyện Hồng Bàng đã có nhiều điểm khác biệt nhằm xuyên tạc truyền thuyết và lịch sử của dân tộc Việt Nam:
- Theo truyền khẩu phổ quát trong toàn dân, thì Tộc Việt do Bọc Mẹ Trăm Con, có Mẹ là Tiên có Cha là Rồng.
Thì trong Truyện Hồng Bàng, tác gỉa Trần Thế Pháp lại chép rằng: cha là Sùng Lãm mẹ là Âu Cơ. Bên dòng họ nội của nhân vật Sùng Lãm chỉ là phàm tục. Phía Âu Cơ cũng hoàn toàn là người phàm.
Và 100 đứa con trai, chỉ có bà nội mang họ Long – Long Nữ – đang khi bà bà cố nội có tên Tiên (Vụ Tiên). Như vậy thì không đúng với truyền thuyết Mẹ Tiên Cha Rồng.
Bởi vì biết dân Việt chú trọng phía họ mẹ (mẫu hệ), thì Truyện Hồng Bàng thêu dệt rằng, bà nội và bà cố nội có tên Tiên họ Rồng, rồi để tạo ra điều trớ trêu, chính mẹ Âu Cơ lại là người Hoa, là hoàn toàn phàm tục.
Truyện Hồng Bàng lại chú trọng phía họ cha (phụ hệ), gom cả Tiên lẫn Rồng vào một dòng máu, vào một biệt hiệu Lạc Long Quân của người cha; đang khi, mẹ Âu Cơ lại không dính dáng gì với truyền thuyết Tiên Rồng.
- Theo truyền thuyết của dân tộc ta, thì toàn thể mọi người trong nước là đồng bào, là anh em ruột thịt với nhau – đồng là cùng, bào là bọc – cùng do Một Bọc Trăm Con, Cha Rồng Mẹ Tiên sinh ra.
Thì Truyện Hồng Bàng, một trăm đứa con của Sùng Lãm lại thuộc về dòng dõi mấy đời cha ông nối nhau mà làm vua, và chính họ cũng “chia nước mà cai trị.” Đây chính là biểu trưng của nhóm đặc quyền trong đảng phái chính trị, chớ đâu phải là “tinh thần đồng bào” như ghi trong Truyền Thuyết Việt?
- Truyện Hồng Bàng dù kết thúc bằng câu “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt,” thì cũng chính là câu truyện này ghi rằng, quanh Sùng Lãm đã có dân chúng Tộc Việt đông đúc và đã sống thành một nước rộng lớn.
Như thế, thì làm sao 100 đứa con của Sùng Lãm, lại có thể là thủy tổ của những người đang sống trước họ, hoặc đang sống dưới quyền cai trị của họ. Cũng theo chính tác giả Trần Thế Pháp, thì đã có 50 con theo Sùng Lãm về ở dưới thủy phủ, và chỉ còn 50 đứa ở lại trên mặt đất. Vậy làm sao còn đủ 100 con để gọi là tổ cho Bách Việt hay Trăm Việt?
- Từ khởi thủy cho tới thời điểm hai ngàn năm cách nay, xã hội Việt thiên về mẫu hệ, con cháu dòng họ đều lấy bên họ mẹ làm chính. Không ai có thể chối cãi sự kiện dân Việt Thời Hùng sống trong chế độ mẫu hệ, cũng như cuộc sống xã hội nằm trong ảnh hưởng của mẫu quyền.
Trong sách “Hậu Hán Thư” của Trung Quốc cũng ghi lại nhiều đặc điểm mẫu hệ sâu đậm trong xã hội Việt vào thời đầu dương lịch. Gần 250 năm sau Thời Hùng, năm 39 sau Công Nguyên, trong số các vị anh hùng lật đổ ách đô hộ, có nhiều Nữ Tướng và đội nữ binh; điển hình Hai Bà Trưng... rồi tới năm 544, sau gần 300 năm của thời Triệu Nữ Vương, mới được ghi nhận dân Việt có nam nhân làm thủ lãnh, Lý Nam Đế.
Trái lại, Truyện Hồng Bàng kể dòng họ của cha là chính. Tất cả dòng bên nội được ghi chép tỉ mỉ, với cả tên riêng, tên hiệu từng người. Đang khi đó, Truyện Hồng Bàng không hề đề cập đến ông bà ngoại, dòng họ bên ngoại, cũng không có tên riêng của mẹ. Tác giả Trần Thế Pháp nghĩ sao?
Theo mẫu hệ thì gái là chính, nhưng Truyện Hồng Bàng chú trọng phía con trai, từ Đế Minh tới Lộc Tục, rồi Sùng Lãm, và 100 con trai. Vậy Truyện Hồng Bàng thuộc ảnh hưởng của văn hóa “phụ hệ” của người Hoa, và đi ngược với truyền thống ‘mẫu hệ” đương thời của dân Việt.
- Về phần tên của tộc dân, dân ta tự xưng là Lạc Việt. Ví du: vua, quan, dân, ruộng… ghi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân, Lạc điền… Vì vậy, theo quan niệm mẫu hệ, tên Lạc phải là biểu hiệu của Bà Tổ. Họ Lạc nhắc nhớ hình ảnh của Tiên, của chim Lạc trên Trống Đồng Ngọc Lũ. Bởi thế, đúng đắn nhất chúng ta có thể gọi Hai Vị Khởi Tổ với danh xưng Lạc Cơ và Long Quân, cơ là văn quân là võ, hay đơn giản hơn là Mẹ Tiên Cha Rồng.
Nhưng trong Truyện Hồng Bàng lại ghi họ Lạc thành một phần trong biệt hiệu của người cha Sùng Lãm là Lạc Long Quân. Sau khi đã lấy chữ Lạc gắn thành hiệu của cha, tác giả lại cho dân Lạc Việt một họ mẹ mới, họ Âu, nhằm thuộc về họ người Hoa thuần chủng, Âu Cơ!
5. Xuyên Tạc Đất Tổ
Chẳng những đã xuyên tạc nguồn gốc, tác giả Trần Thế Pháp của Truyện Hồng Bàng lại còn manh nha xuyên tạc về vùng Đất Tổ, dân Lạc Việt xác quyết mình là tộc dân của miền Hồ Động Đình và Ngũ Lĩnh, thì tác giả cho đó là quê hương của Vụ Tiên và Long Nữ.
Nhưng trong Truyện Hồng Bàng, ngoài bà cố nội Vụ Tiên, và bà nội Long Nữ có tên và quê hương liên hệ tới truyền thuyết Việt, thì tất cả dòng họ nội và ngoại của 100 đứa con trai đều là người Hoa.
Vậy mà theo chủ trương phụ hệ của người Hoa, thì thân thế và xuất xứ của người nữ đã chẳng những không còn quan trọng, mà cũng chẳng còn có giá trị xác định nào. Bởi vì, Truyện Hồng Bàng đã chỉ chú trọng tới nguồn gốc Hoa, và chủ trương phụ hệ của người Hoa.
Sự hoán chuyển của tác giả Trần Thế Pháp rất là thâm độc. Vì không chấp nhận mẹ mang họ Âu, dân Lạc Việt cũng sẽ lần lượt bớt chú tâm tới “yếu tố mẹ” mà xa nguồn mất gốc!
Thứ đến, vì chữ Lạc đã mang âm hưởng thiêng liêng ngàn năm, cho nên, dầu nay thành hiệu của cha, thì dân Việt cũng thấy còn quen thuộc, và từ đó, dần dà là chấp nhận phụ hệ. Tác giả đã thực hành lời thề “Giao Chỉ diệt” một cách êm ái lạ thường!