logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 07/05/2019 lúc 01:15:58(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Văn, thơ, và nhạc có một quan hệ mật thiết. Dễ thấy nhất là chúng đều phải cần đến chữ. Cũng rất thường, ta nghe, rằng văn của người này có thơ, hoặc bài nhạc nọ có lời như thơ. Như vậy, thơ dường như bổ sung cho văn và nhạc để làm nên nghệ thuật. Nhưng những câu thơ nếu đọc như văn nó sẽ là những câu văn hoặc cụt ngủn hoặc dài vô nghĩa, và một bài thơ khi được phổ thành một bài nhạc hay thì nó chẳng còn được nhắc đến trong tự dạng ban đầu – nhạc có thể nâng một bài thơ dở và xóa một bài thơ hay. Xem ra, thơ thiệt thòi nhiều bề: có khi, vừa nên hình dạng đã bị bỏ quên, bị nhạc phanh thây (!), có khi, xuất hiện rồi không tìm được tri âm. Tệ nhất, là khi thơ bị chính thi sĩ phụ phàng.

Khi bước vào thế giới chữ nghĩa, có lẽ Nguyễn Đình Toàn chưa dứt khoát một con đường. Truyện Chị Em Hải ra đời 1961 thì tập thơ Mật Đắng được xuất bản năm 1962. Nhưng rồi NĐT đã quay mặt với thơ mà lao vào văn chương cho đến khi không còn được viết. Những năm tháng sống thầm sau một chín bảy lăm đưa đến những bài thơ cô lẻ thì một lần nữa, nhà thơ lồng âm thanh vào để bức tử chúng. Hơn trăm bài nhạc, nếu Võ Phiến gọi truyện của Hoàng Ngọc Tuấn Thư Về Đường Sơn Cúc là thơ, thì những ai hát nhạc NĐT đều nói ca từ ấy chính là thơ. Có nên không, một lần đọc lại những lời thơ ấy trước khi chúng được tung ra dưới dạng các ca khúc, chỉ được xem như ca từ - các con chữ được chọn lựa để vừa với một âm thanh một khi đã nghe rồi khó gột đi, để thơ được vang lên âm thanh của riêng nó khi đứng trong một bài thơ, là thơ, với nguyên vẹn hình hài.

***

Đi tìm lại những vần thơ, có lẽ ta sẽ hỏi lời thơ của NĐT mang chứa những gì để được gọi là thơ. Những nhà nghiên cứu phê bình văn học có hàng tá tiêu chuẩn để xác định, và người đọc thơ có thể chả cần tiêu chuẩn gì ngoại trừ hai chữ “tôi ưa!” Nhưng ở giữa hai thái cực, người ta có thể đồng ý với nhau ở một số điểm để nhớ đến một bài thơ, để hiểu và cảm thơ của một người. Thơ trao cho ta cái đẹp, cái mỏng manh, cái sâu sắc, cái lãng đãng dật dờ, cái kiêu hùng, cái lãng mạn… Thơ mang cho ta cảm xúc, gợi suy tư, dạy cho ta một điều gì đó, soi rọi/gõ vào hồn ta một nỗi niềm, đưa ta vào một chân trời khác, nhắc cho ta sống… Chỉ cần một trong những gì đã nêu, một câu nói thông thường đã có thể được coi như một câu thơ. Nhưng để là một bài thơ đòi hỏi nhiều hơn – một hình thức tối thiểu, một nội dung trọn vẹn dẫu đơn sơ.




MỘT TIẾNG NÓI TỰ DO


Về hình thức, chúng ta dễ nhớ thơ có vần có nhịp, dễ cảm thơ có nhạc điệu. Hãy đọc Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương. Hãy đọc Hoàng Cầm, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính. Hãy đọc Nguyễn Tất Nhiên, Bùi Giáng…

Ở thuở vào đời, thơ NĐT trong Mật Đắng kết hợp lẫn lộn giữa thơ có vần và thơ xuôi theo một mức độ tương xứng. Nhưng đến sau một chín bảy lăm thì thơ ấy đã nghiêng hẳn sang thơ tự do, đa phần không vần, không nại đến hơi thơ Đường không vịn lục bát, ít sắp xếp bằng trắc, ít lặp âm _ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái lướt song song, hay _ Nắng xuống trời lên sâu chót vót. (Huy Cận, Tràng giang).

Ta gọi “thơ tự do” bởi thơ không theo một khuôn khổ nhất định về nhịp vận. Nhưng không có nghĩa là thơ ấy không âm điệu, chỉ là âm điệu tự do mỗi người có thể tìm ra cho riêng mình khi đọc lên, và cái âm điệu trong thơ tự do của NĐT cũng rất nhỏ nhẹ chứ không kêu ơi ới như Vũ Hoàng Chương:

Nhưng em ơi

Đất trời nghiêng ngửa

Mà trước mắt thành sầu không sụp đổ

Đất trời nghiêng ngửa

Thành sầu không sụp đổ em ơi,

hay hách như Mai Thảo:

Ta thấy tên ta những bảng đường

Đời ta sử chép cả nghìn chương

Sao không hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương,

hoặc hào hùng như Tô Thùy Yên:

Ta hỏi han hề hiu quạnh lớn

Mà hiu quạnh lớn vẫn làm thinh

cũng chẳng ngông như Nguyễn Tất Nhiên:

Chim lớn thôi đành cam rớt lệ

Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh


Thơ NĐT không có giọng kêu réo kể lể hay chia sẻ với ai cả, chỉ là những lời thở than thì thầm với chính mình, những tiếng nói không mạch lạc, những mảng âm thanh rời rạc chán chường thờ ơ: Thịt da hay là đá, Ta hỏi rồi ta nghe... Nguyễn Đình Toàn điềm đạm hết biết:

Ta có râu mày giống cỏ

Mọc lên bên sườn đá

Cũng có khi lòng ta ngất ngư

Như chẳng còn nhớ ra trời đất chi (Ta Có Những Ngày, chưa xuất bản*)

...

Đọc thơ NĐT có lúc cảm như tác giả đã dùng một thứ âm thanh trắng (white noise) để xóa mọi âm thanh chung quanh và buộc ta nghe tiếng hư không, nghe lại chính mình.

Tôi ngồi một mình trên đồi thông vắng

lưng tựa vào gốc một cây già

dưới chân đồi

con suối cát trắng chảy

vào cánh đồng xanh

không gian vàng giấy bóng kính… (Không Dưng, tập Mật Đắng, 1962).


Không gian không chỉ tĩnh mịch mà còn ngột ngạt thê lương:

Có khi đời bỗng như

Chẳng còn hứa chi cho ta

Tháng năm rời rã đi

Bằng từng bước chân u mê

Môi non dường đã khô

Mi xanh chừng cũng nghe

Phôi pha theo những mùa lá

Rơi rớt trong hư vô

Tình chết trên tay tưởng nhớ nhau đây

Đêm đưa thây

Sao vẫn nghe tình thở hơi gọi ai

Ôi tiếng muôn trùng thở quanh mây khói

Hay tiếng phai tàn gõ nhịp lòng tôi … (Có Khi Đời Bỗng Như)


Hoặc tác giã vẽ ra một khúc phim câm:

Khi em trở về

Trời mùa Đông đen

Căn nhà không người

Và mùi ẩm mốc

Khi em trở về

Tay đầy nước mắt

Trên thành cửa bụi

Tuổi thơ đi qua

Khi em trở về

Mộ người yêu đó

Hoa trên phiến đá

Cỏ buồn ngón chân

Và cơn gió rét

Que diêm bật lên

Que diêm bật lên

Nỗi buồn thắp lên

Những mơ ước cũ

Sáng lên một lần

Những hình ảnh cũ

Tắt đi một lần

Khi em trở về

Bàn tay khói hương

Buồn xưa sắp hết

Nói gì đi em… (Nỗi buồn và bàn tay, Mật Đắng)


Không vần nhịp không so chữ đối câu mà để cho nó tự tuôn tràn, thơ NĐT nếu đã thiếu bổng trầm thì có còn gợi cảm? Có lẽ thơ NĐT là thơ chỉ để đọc bằng mắt, đọc một mình, và cũng có lẽ vì thế mà tác giả đã mang nó ngay vào nhạc, vào một âm thanh khác. Nhưng yếu tố thiếu nhạc điệu không làm giảm thi vị mà lại có tác dụng buộc người đọc phải chú ý đến những con chữ với đủ chiều sâu của nó để nhận được cái gì nó (con chữ) gợi nên.

Ta thử đọc Chênh Vênh Hình Bóng:

Ngày như nỗi chết giăng ngang giữa hồn lạ kiếp

Thiên thu trong một hồi chuông lắng ngân

Sương âm u xóa mờ cảnh biếc

Dấu chim bay nào ai biết

Chỉ thấy hồn mỏng thêm

theo vết đen mờ cuối mây

Ôi mây như xác tình trôi

Người xa chưa chắc đã vui

Có phải mưa chỉ là nướcmắt

Cái sầu nhẹ nhất của nhân gian

Con sâu kèn điên trong vòm âm thanh

Bưng tai còn nghe dội vang lời kêu van

Mênh mông mênh mông đêm buồn

Chênh vênh chênh vênh hình bóng

Gió lạnh réo ngoài phên cài

Giật ta trên vách, trên vách lay

Trăng mùa xuân biển sóng dài

Dường như ta nhớ rồi nhớ sai

Xin mời nhau một chén này

Dù chẳng vui uống chia đắng cay

Bao giờ xa thật xa rồi

Mình ta sẽ tính mà đứng ngồi

Bên cạnh cái rầu rầu đơn điệu, cấu trúc của câu thơ cũng thẳng tuột xuôi chiều không quanh co khúc mắc, không cần phải đọc lại mới hiểu ý. Nhưng có thật dễ hiểu không? Đằng sau cái trầm trầm bình thản, lời thơ của NĐT thật không dễ bỏ qua dù thích hay không bởi ý nghĩa sâu xa của những điều ông muốn nói.




MỘT TIẾNG LÒNG AI OÁN


Không còn nhiều thơ nhịp vận với những tình tự trăn trở của riêng mình như xưa, thơ tự do những ngày tháng về sau của NĐT mới trông thì giống thơ tự do của những người trẻ với những cảm nghĩ nhất thời, tại chỗ, những ý niệm vu vơ vụt qua được níu lại; nhưng thực sự, thơ NĐT có nội dung phong phú vì chứa đầy những hình ảnh, những cảm suy về quê hương, thân phận, chữ tình, và bởi ý tưởng và ngôn ngữ mang cả một chiều dài văn hóa (nếu có thể gọi là văn hóa) với nhân sinh quan và dấu vết xã hội mà ông đã trải qua.

Cũng như những người đồng thế hệ, NĐT sống trong lục bát, trong thơ Đường, trong ca dao, trong hiện sinh và chiến tranh. Dù muốn hay không, những gì đã vây quanh và tạo nên một thế hệ đều xuất hiện trên con chữ. Thế hệ của họ là những con tằm ăn lá dâu tẩm mực Tàu, mực Tây, hít thở Kiều, Chinh Phụ Ngâm, ca dao, rồi nhả ra những sợi tơ vàng óng chuốt đầy chất Việt.

Sartre nói “Hell is other people,” Mai Thảo đưa vào thơ ông:

Sao không, tâm thức riêng bờ cõi

Địa ngục ngươi là kẻ khác ơi. (Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền)

Lưu Vũ Tích (thời trung Đường) than:

Đãn sầu hoa hữu ngữ

Bất vị lão nhân khai

(Chỉ e hoa biết nói cười,

Nở ra đâu có vì người già nua. Trần Trọng Kim dịch)

Tô Thùy Yên rằng Cảm ơn hoa đã vì ta nở, thế giới vui từ mỗi lẻ loi (Ta Về)

Nguyễn Đình Toàn ư? Ông nói,

Một cánh hoa bay thôi đủ làm phai

Nhạt bớt sắc xuân trong vườn sớm nay (Một Cánh Hoa Rơi)

(Nhất phiến hoa phi giảm khước Xuân_Đỗ Phủ, Khúc Giang Kỳ)


Tuổi xanh đã qua thì như lá thu vừa chớm vàng

Ngày nào đó sẽ tàn rơi xuống không một tiếng vang (Sương Mai)

(Lạc hoa tương dữ hận

Đáo địa nhất vô thanh _Vi Thừa Khánh, Nam Hành Biệt Đệ)


Chiều đứng trên đồi cao

Ta thở dốc

Ta trông mây đục

Trông người người đen

Cây nôn ra rừng gió độc

Bùn lầy dốc mưa trơn (Mưa Long Giao)

(Sông Thao nước đục người đen, ca dao)

Từ một câu thơ của Bàng Bá Lân được sử dụng nhiều đến nỗi tưởng ca dao

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Nguyễn Đình Toàn nối tiếp:

Giếng khơi nước ngọt cần đưa

Những gầu rách nát múc vừa hồn không (Trưa, Mật Đắng)


Rằng hay thì thật là hay, nhưng nói hay viết đẹp biết nhiều, mọi thứ chỉ là mua vui một phút nếu tác giả không có gì để nói với ta ngoài cái chuyện lập lại người khác. Nếu Tô Thùy Yên không có 10 năm tù bạc tóc suýt mất mạng thì cảm ơn hoa đã vì ta nở chỉ là chuyện lãng xẹt, phải vậy không:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi...

Vậy Nguyễn Đình Toàn nói gì với chúng ta qua thơ của ông? Quê hương, thân phận, chữ tình, cảm suy- chỉ là cái nền đã cũ, đành chịu, bởi chúng ta chả biết gì hơn ngoài trái đất này, và cũng chưa chắc chúng ta đã biết hết, biết sâu sa cái phận của chính mình.


QUÊ HƯƠNG

Quê hương ư _ quê hương của NĐT là đắng cay là nước mắt, NĐT ghi lại một quê hương hết mức khổ đau, một quê hương đầy những tai ương. Phải nói đến quê hương, bởi với NĐT, quê hương là nơi mọi tình cảm nảy sinh, mọi cuộc sống có một ý nghĩa. Mất một quê hương người ta không còn biết mình là ai, không còn biết phải sống làm sao cho dù đời chưa tận, mạng chưa tuyệt. Có một ngày bỗng dưng không ai còn có thể là mình, mọi quan hệ bị phá tan đảo lộn, từng viên gạch sân nhà bị bóc lên, từng hơi thở bị trói chặt, người ta phải sống thế nào? Quê hương trong thơ NĐT trở nên một lời trăn trối.

Tôi muốn nói với em

Về những tháng năm

Tổ Quốc ta nhục nhằn

Người phơi người trên đau thương

Dạy trẻ thơ thù oán

Sợ nhau hơn bão trời cướp biển

Em có biết sao không

Người mong ước ly tan (Tôi Muốn Nói Với Em)



Rừng người cây xanh tươi

Biển người như tay nôi

Ru người sống trong tình yêu người

Xin hãy nhớ quê hương tả tơi đắng cay

Nơi máu đã xây thành đắp núi

Nơi có gươm trong từng tiếng nói

Và lưới đời giăng khắp nơi (Nhìn Lại Em Đi Anh)



Có chăng một ngày

Quê hương ta không còn

Hận ngăn ghét trói

Đớn đau sẽ nguôi

Đói no cũng vui

Biết buông sầu oán vơi

Thương đầy

Nhìn nhau ra người

Cũng một đời thôi

Mà máu xương buồn vấy

Chân em thơ dại

Và trên đường nơi em qua lại

Sao lòng chắc không ai

Đã nằm chết nơi đây

Dưới mặt đất này

Để đừng đạp trên

Mặt người ngủ yên (Nụ Vàng)

Sẽ có người hỏi – có cần thiết không để khơi lại buồn thương, ghi lại điều khổ hận; hãy để lịch sử phán xét. Nhưng cho dẫu phán xét là công việc của lịch sử thì lịch sử mong gì làm được bổn phận của nó nếu đã có vài trang sử bị xé bỏ, bị bôi xóa, bị bóp méo, và chúng ta mong gì tái tạo lại quê hương nếu không nhận với nhau rằng chúng ta đã có một thời oan khiên với mọi rường mối bị chà đạp: phá nghĩa trang cày mộ địa- lũ trẻ, tương lai của dân tộc, qua lại trên đường không hề biết mình đạp lên mặt người đã qua đời, có thể là ông bà tổ tiên, có thể là anh linh của những người đã bỏ mình cho quê hương. Không phải Nguyễn Đình Toàn đắng cay mà là số phận quê hương mình dân tộc mình đắng cay, ai có quyền bảo ai thôi đừng nói.


THÂN PHẬN

Thân phận con người trên quê hương ấy ra sao?

Thuở đoạ đầy

Người chẳng ra người

Ma chẳng ra ma

Vợ con như từng chiếc

Răng rụng rồi quên ta (Mưa Long Giao)

Người ta phải chôn nhau, nếu không chôn thân xác cũng chôn hồn của mình đi để đừng đau đừng buồn đừng khóc hận,

Thôi đất đã chua cành đã chết

Xin lấy dao chia lòng luyến tiếc

Mong chốn xa kia tình sẽ còn (Nhìn Lại Em Đi Anh)


như người vợ khấn chồng tù đã bỏ mình nơi chốn nước độc rừng thiêng:

Thôi Ở Lại Nghe Anh

Thôi ở lại nghe anh

Ở lại nghe anh

Đất sẽ ôm anh

Rừng sẽ ru anh

Từng đêm lạnh

Cuộc hấp hối mười năm

Giờ cũng xong đây nhỉ

Trăm năm đành xa nhé

Có phải hồn anh trong gió kia

Cơn mưa nào giữa chiều

Để hồn em tối tăm mù theo

Khi đi anh là người

Bây giờ anh là đất

Làm sao em tin được

Ôi cát dưới chân em từ nay

Trở thành thịt xương

Mỗi bước đi

Chia đôi lòng nhớ quên

Thôi ở lại nghe anh

Ở lại nghe anh

Có khóc nhau chăng

Còn tiếc thương không

Thì cũng đành

Cỏ có biết gì đâu

Mà nhắn nhau đây nhỉ

Cơn mưa chiều dương thế

Có dột hồn ai dưới đất nghe

Đời sống, mỗi người mỗi phận, nhưng cái cộng nghiệp biến mọi điều riêng thành lẽ chung, khiến nhìn đâu cũng ra phận của mình, khiến nỗi buồn nhân thế thành biển sầu. Số Phận có lẽ đã phải nhỏ lệ tự hỏi mình đâu rồi quyền năng vạn thuở. Nguyễn Đình Toàn đứng giữa cõi người ta ấy sao tránh khỏi điều ai oán:

Ta có những ngày quá buồn

Ngồi nghe quanh trời gió

Ôi tiếng chim nào cũng oán thương

Tiếng động nào

Cũng nghe ra nhịp đưa quan

Hồn ta đinh nào đóng

Trời đất mênh mông

Ta không còn chỗ về

Bóng ta bù rối

Lòng lạnh môi tê

Xương trơ hồn cổ mộ

Thịt da hay là đá

Ta hỏi rồi ta nghe (Ta Có Những Ngày)


...

Trăm năm sau

Trong mưa ngâu

Mong gì chim bắc cầu

Cho duyên đau chia lại gối nghèo

Nhìn xuống quê hương trong vực sâu

Tưởng nghĩa trang xanh ai gửi theo

Thành phố khuyên ta mù bấy lâu

Đêm sân nhà buồn len kẽ rêu

Ta đã bao phen chặt cây khô héo

Trong đáy tim này còn vọng tiếng dao (Dù Có Như)

Nhưng cũng như Tô Thùy Yên, như những người sống sót qua cuộc bể dâu, kẻ hiện sinh chỉ cần biết rằng mình sống là đủ cảm tạ đất trời

Cũng có lúc ta nghe đời đẹp như

Là giấc mơ hoa

Hạnh phúc vô bờ

Một ngày còn

Như ơn riêng ta mang trong trời đất

Dẫu cho lòng nhỏ lệ một đôi khi (Cái Phai Tàn Cái Xa)



TÌNH VÀ CẢM SUY

Gói tất cả quê hương, văn hóa, và thân phận riêng chung vào với nhân sinh quan của riêng mình, NĐT đúc kết nên một chữ TÌNH. Tình là chi, mà nhiều khi chôn được ở lòng ta. Tình là chi, mà nhiều khi chôn lại nở thành hoa (Có Bao Giờ).

Nguyễn Đình Toàn vừa bi quan vừa tha thiết, biết đời mình ngắn ngủi nên yêu từng hạt bụi, yêu cả nỗi buồn yêu cả đau thương, thấy đất trời trong từng hơi gió. Nhưng như thấm ý hiện sinh, Nguyễn Đình Toàn đẩy cái không đến tận cùng không để trở về cái có ngay hiện tại, trong từng phút giây.

Khi em trở về

Mộ người yêu đó

Hoa trên phiến đá

Cỏ buồn ngón chân



Khi em trở về

Bàn tay khói hương

Buồn xưa sắp hết

Nói gì đi em… (Nỗi buồn và bàn tay)

Người đã chết, là hết, hết hồn hết xác, chỉ còn ngọn cỏ sầu ngọ ngoạy ngón chân, chỉ còn quãng không với lặng im vời vợi. Nói gì đi em, bởi tiếng nói của em sẽ làm đầy không gian, sẽ làm chúng ta hiện hữu, dẫu anh và em ta đã xa nhau như trời xa đất… (Em Còn Yêu Anh). Với Nguyễn Đình Toàn, đời sống không gì thực hơn môi hôn, hơn tiếng nói, ngay lúc này, bây giờ, bởi

Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết

Và dấu giày mai sẽ lá sương che. (Khi Em Về)

Những cảm suy từ thuở vào đời trong Mật Đắng với đời sống luôn cận kề cái chết theo mãi với NĐT, khiến chữ Tình không bao giờ trọn vẹn, Khi mới yêu thôi lòng đã biết, Như đóa hoa sai mùa héo non. Tình chỉ là cái cớ để lòng dậy lên chìm xuống, Tình chỉ là phương tiện để người ta biết mình sống_ Yêu cho có vết thương làm nỗi vui. Thật khó biết nếu NĐT có thật yêu ai, nhưng thật dễ biết là NĐT thích yêu, và thích yêu cụ thể (!!!). Nói đến tình, NĐT không ngần ngại nói đến xác thịt, đến cái dịu đọng của dòng tình sau phút bên nhau:

Góp đôi đời gian nan

Chắp môi làm yêu thương

Từng đêm trăng rằm trăng sáng sương nguồn êm lắng (Đêm Trên Sông Trăng)



Đêm như làn da ướt

Ôm ta giữa lòng thơm

Đêm sữa mật ngây ngất

Tuôn trên những cành non

Đêm nồng (Đêm Nồng)


Trịnh Công Sơn còn chờ Về Thu Xếp Lại, còn hẹn kiếp sau

Nằm im giữa trời

Ròn vang tiếng cười

Điệu kèn ai buốt trong tôi

Mùi hương phấn người

Một hôm nhớ lại

Hẹn ngày sau sẽ mua vui

Riêng NĐT dù tình đã không mà lòng vẫn thiết tha

Nhưng mà

Sao lòng ta

Vẫn nhớ không nguôi tới ai

Dù tình như bóng mây tan rồi

Bên thềm

Bao lần

Ngồi chờ nghe tiếng chân êm đềm

Dù tim ta biết không bao giờ

còn đến



Gương hồ

Mơ hồ

Như giấu bóng ai xưa đã soi

Hồn ta như đáy sâu bồi hồi (Hoàng Oanh)

vẫn thèm yêu cả khi đã hết xí quách:

Người chẳng còn mong

Nhiều khi bỗng nghe

Như tình bỗng dưng trở về

Thở một mình hơi tàn phai

Thấy hương phấn người

Lắm khi còn bay (Hoa Trên Muôn Cây)

và vẫn nghe được tiếng gọi của tình trước phút tàn hơi:

Đêm đưa thây

Sao vẫn nghe tình thở hơi gọi ai (Có Khi Đời Bỗng Như)

Yêu kịch liệt như vậy mà hỏi rằng NĐT có thật yêu ai dường như mâu thuẫn, nhưng trên cõi đời này có ai dám nói mình hiểu hết chữ Tình. Và nếu có người nói hiểu, ta có nên tin? Bởi chính NĐT dẫu yêu hết tim óc, yêu dai dẳng một mối tình thơ

Nhưng riêng trong ta nhiều đêm vẫn nghe

Ngân nga dư âm một bài thơ bé

Của thuở nào đó

Yêu ai

Tim ta thành bia (Đêm Trên Sông Trăng)

cũng có phút hỏi lòng Ta yêu người hay tiếc thương riêng những ngày xanh (Đêm Nồng). Hãy chỉ thấy Nguyễn Đình Toàn vẽ cho ta hình ảnh của chính NĐT và của mọi người biết yêu trong cõi tình để có thể mơ hồ cảm nhận cái biến ảo của chữ Tình,

Như con bướm xanh đen

Mang đầy ước mơ

Trong đôi cánh mềm

Bay đi kiếm tơ duyên

Say nắng tơ êm

Trên rừng lá xanh

Rồi lạc vào trong cơn điên

Ngã trên cuộc tình bóng mình

Oán trách thiên đường

Cánh rũ cánh buồn

Giập môi đau thương (Bướm Xanh)

Và có lẽ ta chỉ nên tin rằng NĐT là một người biết quí lòng mình quí tình của mình nên quí chữ Tình, cũng như đi hết một đời người cái nhân sinh quan tồn tại nơi NĐT chỉ còn là một chữ Tình:

Đi qua rồi mới thấy

Tới cuối cuộc vần xoay

Nghe ra

Chỉ ngày tình đáng vui (Hoa Trên Muôn Cây)

Như tất cả mọi người thơ, Nguyễn Đình Toàn gom hết lòng mình để nói, nhưng dẫu người thơ nói bao nhiêu chăng nữa, chúng ta cũng chỉ nghe được nếu người ta biết nói (và chúng ta biết cách để nghe!). Sao để gọi là biết nói. Trên cái nền tảng 300 năm chữ Việt, trên cái kho văn hóa chung vài ngàn năm của nhân loại, ngôn ngữ của chúng ta dường đã cạn. Xã hội biến đổi đưa đến những ngôn từ mới dùng trong xã hội, nhưng trong văn học, ý niệm và chữ dùng dường đã hóa đá. Chúng ta phần nhiều lập lại suy tưởng của nhau, những câu nói cách nào đó đã được sử dụng. Ở Nguyễn Đình Toàn, điều đến được và ở lại được trong lòng chúng ta đứng trên những gì đã nói có lẽ chính là cách NĐT nói.




ĐÂU CHỈ KHÓC CƯỜI

Để có một cách nói, phải biết chính xác mình muốn nói gì, và cũng phải biết chọn lọc lời sao cho vừa ý. Nguyễn Đình Toàn không dễ dãi với chính mình, bắt đầu từ trong suy nghĩ. Ở Nguyễn Đình Toàn, cái chuyện đơn giản nhất cũng được ngó cách khác.

Yêu, nếu trọn vẹn yêu là phải có hai người, cớ sao chỉ một người lưu dấu? Ôi son trên môi còn in dấu người, bởi không chỉ son em in trên áo anh như dấu vết tình ta mà mọi người quen nói, mà chính dấu vết hơi hướm của anh cũng in hằn trên thể xác em – bây giờ, lúc này, không phải trên bộ tàn y.

Duyên tình, phải đành là số phận, nhưng người ta tránh né tình duyên thì NĐT tuyên bố đã trốn thoát qua nhiều phen!! (Dạ Khúc). Nghe ra tình nguy hiểm, nghe ra chuyện đánh ghen, nghe ra cái hóm hỉnh của một con bướm đa tình, nhưng trên hết, nghe ra cái ngán ngẩm của kiếp nhân sinh – chán sợ đến đâu rồi cũng phải vướng vào.

Rồi những điều xảy ra trong cuộc sống, có những điều ta biết mà chẳng gọi được tên chẳng nói được gọn lời. Với NĐT chỉ cần đôi con chữ: Ngày như nỗi chết giăng ngang giữa hồn lạ kiếp. Không phải lộn kiếp, không phải kiếp khác kiếp sau; nó chính là cái kiếp này đây mà trong phút giây chúng ta không chết đã thấy mình xa lạ với kiếp của mình, cuộc đời hôm qua mới vừa qua, còn rất gần mà đã thành quá khứ mịt mờ, đến nỗi xác thân còn lại thấy hồn mỏng đi một ít

Dấu chim bay nào ai biết

Chỉ thấy hồn mỏng thêm

theo vết đen mờ cuối mây (Chênh Vênh Hình Bóng)

Mỏng - không hư hao, không vàng võ, không tả tơi, không vẹo. Thêm, bởi đã từng!!! Từ cái nghĩ khác nhìn khác mới có thể dẫn đến một cách nói khác, hồn mỏng thêm là một cách nói mới cho cụm chữ “lòng đã hao gầy” quen dùng gần thành sáo ngữ. Hồn mỏng thêm đưa mình tới gần hơn cái mình không bao giờ nắm được, cầm được trên tay.

Tỉ mỉ và rạch ròi để đừng giống ai như vậy dễ khiến người ta nói NĐT làm dáng. Nhưng hãy công tâm mà nhìn lại, có ai cầm viết mà không làm dáng, không muốn cái dáng của mình khác người? Nếu chỉ muốn như mọi người thì nói làm gì, người khác nói đã đủ!!! Mà cũng không dễ để làm dáng chữ nghĩa với cái vốn ngôn từ Việt đã hao mòn. Ta hãy nhìn cách dùng chữ của Nguyễn Đình Toàn.

Hình ảnh, màu sắc, âm thanh, và cử chỉ chiếm khá nhiều trong thơ, được phối hợp để vẽ ra những khung cảnh sắc nét và sinh động. Thử đọc:

Trên những lá cây xanh

Sớm mai nắng vàng lên

Bên những luống rau thơm

Xôn xao bầy sẻ non

Bay quanh áo em phơi

Xui lòng ta nhớ

Có nước mắt quê hương

thiết tha trong từng cơn

Có gió mát bay quanh

nón treo trên mộ son

Bên cây súng cô đơn

máu người đã biến ra

rêu xanh buồn

Trên dòng sông khói sương

Giữa đồng khô nước lên



Áo em bay

Áo em bay (Bài Thơ Trên Tay Áo)




Chàng ngồi bên sông xưa lắng nghe

Âm thầm trong nước cuốn

Mặt trời che khăn đưa

Máu ai sáng ngời cuối trời buồn

Tháo đôi giầy

Gỡ khuy cài

Nghe tóc bay

Máu trong người bỗng như ngừng

trong phút giây (Một Ngày Sau Chiến Tranh)

Chỉ một đoạn thơ tưởng nghe được tiếng nước tiếng gió tiếng chim, thấy được cảnh, sắc, và hành động, như đã được xem một một khúc phim. Và cũng chỉ trong vài câu mình cảm được ngay lòng của nhà thơ bởi tác giả đã nối kết những gai góc sắc cạnh bằng những tiếng mềm mỏng gợi cảm: Bay quanh áo em phơi xui lòng ta nhớ, nghe tóc bay; gợi sầu: Bên cây súng cô đơn máu người đã biến ra rêu xanh buồn, Máu trong người bỗng như ngừng trong phút giây…

Bên cạnh cái cách “dựng cảnh” thơ, Nguyễn Đình Toàn còn có những ví von so sánh liên tưởng rất đắt giá, rất mới:

Ôi ta đi qua tuổi xuân đã lâu

Nhưng đôi khi quay nhìn quanh hố sâu

Bông hoa thơm tho cũng đầy sắc máu

Có đêm hồn gióng chuông sầu

Đất đen dường đã

len vào hồn ta

tìm nơi ẩn náu (Đêm Trên Sông Trăng)

Muốn hiểu “Em đẹp em xinh em ngoan hiền rồi em rất ‘máu,’ anh khù khờ anh thật thà anh trung hậu rồi anh cũng ma bùn(!!!)” thì cũng được, mà muốn hiểu “Em ngây thơ thánh thiện giờ lắm đau thương, anh trong sáng đôn hậu rồi cũng thảm sầu” cũng vẫn được. Hoặc cứ hiểu như đã từng hiểu/nói: hồng có gai, lòng tăm tối, thì thơ NĐT vẫn làm những điều cũ kỹ “thơ” hơn, mới hơn.

Điều thú vị là ở cái giọng buồn buồn rầu rĩ chán chường, NĐT thường dùng chữ động:

Nhưng vẫn muốn sáng lên

Như tiếng nói đã quên

Tiếng mẹ tiếng Việt Nam

Rơi xuống mãi đáy tim

Trong những lúc vắng im

Trước một giấc ngủ ngon

Len giữa đám khói hương

Hay lúc nắng mới lên

Soi vàng trên lưng thềm

Chợt reo lên tiếng ngân êm đềm

Giọt nước cũng nhớ nguồn

Lá không quên rừng

Chắc em sẽ còn

Nhớ lại Việt Nam (Tôi Muốn Nói Với Em)



Gió giật ta trên vách, trên vách lay (Chênh Vênh Hình Bóng)

Ở câu thơ vừa trích còn là chuyển động chồng lên nhau tạo hình ảnh ba chiều đưa tới cảnh một người cô đơn đối bóng trong căn nhà nhỏ giữa đêm sâu gió lộng. Còn có thể động hơn không?

“Động” cũng chưa đủ, NĐT còn đẩy việc nhân cách hóa và cụ thể hóa mà các nhà thơ thường làm tới một bước xa hơn:

Cơn mưa chiều dương thế

Có dột hồn ai dưới đất nghe (Thôi Ở Lại Nghe Anh)



Đêm qua mưa bỗng về nửa khuya

Đêm bao la đêm trở mình nghe



Ôi bao nhiêu những lời anh nói

Như kim khâu kín hồn lẻ loi (Mưa Khuya)



Tiếng chim véo von

Tiếng chim héo hon

Đã khâu liền vết thương

Của người vừa qua giấc ngủ

Giấc ngủ mười năm (Nụ Vàng)

Đêm là khoảng không không ánh sáng, chỉ là một ý niệm đối chiếu với ngày; hồn chỉ là niềm tin, là ý niệm về người đã chết. Người ta cho đêm những yếu tính buồn, tai họa, đe dọa, v.v…, cho hồn một hình ảnh tượng trưng, nhưng NĐT cho đêm cho hồn một cơ thể, một chức năng. Âm thanh có tác dụng xoa dịu, nhưng NĐT cho âm thanh chữa lành vết thương lòng.

Nghĩ khác, nhìn khác, nói khác, lãng mạn Nguyễn Đình Toàn cũng khác. Những tình cảm mong manh, những ước muốn mơ hồ, những đau buồn không tên tuổi, đều hiện ra trong dạng đơn sơ cá biệt, bằng những lời chuốt lọc cũng rất lạ lùng

Giếng khơi nước ngọt cần đưa

Những gầu rách nát múc vừa hồn không (Trưa, Mật Đắng)



Đã tắt hết chưa em

nến thiêng trong hồn mơ

Ta muốn viết lên tay áo em

một bài thơ

Cho gối ấm đêm nay

sẽ đầy chim hót

báo tin xuân về (Bài Thơ Trên Tay Áo)



Ô hay đất đá nào rơi lở

Hay tự lòng ta lấp lối về (Dù Có Như)



Ôi em là giọt sương

Long lanh đầu cành mai

Cho tim ta phút vui

ở ngoài cuộc vui (Sương Mai)



Thư em nói với anh

Cây xanh nói với anh

Bằng những lời tha thiết

Muà hè nói với anh

Phượng đỏ nói với anh

Bằng những vết thương (Em Còn Yêu Anh)



Áo em mỏng hơn trăng

Tóc em dài như đêm

Lòng ta khoang thuyền bỏ không

Phai mòn gỗ quí (Đêm Trên Sông Trăng)

Có thể thấy cái tài sử dụng chữ của Nguyễn Đình Toàn chỉ trong một đoạn thơ ngắn:

Gương hồ

Mơ hồ

Như giấu bóng ai xưa đã soi

Hồn ta như đáy sâu bồi hồi (Hoàng Oanh)

“Gương hồ” biến hồ thành diễm ảo, và “mơ hồ” thì mơ hồ! Hai chữ hồ không thực thể nối tiếp nhau tạo cái lung linh của mặt nước, dẫn tới cái ảo ảnh của nhớ thương, rồi cả cái hồ nhớ thương ấy chiếm trọn hồn ta. Mười tám chữ. Bốn câu ngắn. Đáy sâu bồi hồi. Cái lãng mạn không còn mong manh mơ hồ mà mang sức nặng của cả một hồ nước, cái bồi hồi cũng mênh mang rộng ngát như hồ. Nếu có ai nhớ thương mình như vậy thì có xứng không những khổ đau đã qua, sẽ đến của kiếp người?


***

Ai đắp đập, ai phá núi

Cho hồ nước đầy

Là mặt gương soi. **

Với Nguyễn Đình Toàn, một chữ dễ nghe thuận tai không thể thay cho một chữ chính xác:

Buồn xưa sắp hết

Nói gì đi em (Nỗi Buồn và Bàn Tay)

“Sắp” chứ không “sẽ”, bởi sẽ thì không biết đến bao giờ và cũng không chắc xảy ra, nhưng sắp khẳng định cái hiện tại đang có đang phai tàn, và khẳng định kết quả “hết.”

Thơ hay hay dở đẹp hay xấu tùy ở người thưởng thức, nhưng đằng sau giá trị nghệ thuật, chữ của NĐT là một đóng góp cho ngôn từ văn chương Việt. Nguyễn Đình Toàn đã nói với ta một điều khả thể: cho dẫu kho chữ của chúng ta đã cũ, vẫn có thể viết mới, vẫn có thể đi tới. Hơn trăm bài thơ/ca từ, những chữ Nguyễn Đình Toàn đã dùng đều không phải là chữ mới, và cách kết lời cũng rất giản đơn, nhưng NĐT đã buộc ta phải nhìn phải hiểu phải đọc theo một cách khác, trao cho ta một cách viết khác. Tựa như những người xây hồ trên núi đá, Nguyễn Đình Toàn đã phá núi chữ đắp đập cho lời mà tạo nên hồ thơ trong cho người soi bóng.

Hãy soi.



Lưu Na

04232019



* Những bài thơ đã dẫn được trích từ tập Thơ và Ca từ, chưa xuất bản, nhưng có một số bài hát đã được trình bày và thu âm.

** Lời bài hát Hồ Trên Núi
song  
#2 Đã gửi : 07/05/2019 lúc 01:17:01(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
MỘT VÀI BÀI THƠ CŨ MỚI


KHÚC CA PHẠM THÁI



Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như.
Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thừa vận rủi,
Tài sơ sức mỏi, trách với thời cơ.
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.
Hồn đau thương những đêm trường bốc cháy,
Ngựa ngông cuồng khua gót nhớ quan san.
Trời mưa buồn hay nhỏ lệ nhân gian,
Men ứa lạnh trên đầu tay giá buốt.
Chợp năm canh gà chừ tóc hồ điểm bạc,
Thù nhà chưa trả chừ nợ nước vai mang.
Thẹn mặt làm ngơ chừ tủi thân hồ hải,
Gục đầu lên gươm chừ, máu đổ chứa chan.
Ta là sao tinh đẩu,
Cao vút trời cô đơn.
Sáng không đủ soi đường cho người chừ, đêm chưa đành tắt,
Một mình ta với lòng ta chừ, bão táp khôn nguôi.
Biển động bốn phương chừ, sóng đau gào thét,
Giấc mơ thù hận chừ, máu đỏ tay người.
Cơn say dở khóc dở cười,
Thành nghiêng núi lở, đất trời là đâu.
Chuông rung đã lọt tiếng cầu,
Em ơi tỉnh dậy nghe sầu vào thơ.
Ta yêu nàng ư?
Ta giết nàng ư?
Ta thương nàng ư?
Ta khóc rồi ư?
Môi nàng thơm chừ hồn ta ngây ngất,
Mắt nàng là đèn hoa soi đêm tối hồn ta.
Gót hương trầm dáng kiều thơm dịu ngọt,
Xiêm y nồng nàn ngón nhỏ búp tiên nga.
Nàng là thơ ta là ruợu mê hoa,
Trời nâng giấc ban ơn đầy xuân mới.
Ta nhớ nàng điên cuồng lên tiếng gọi,
Quỳnh Như ơi, ai đội mộ nàng lên.
Thơ nàng buồn thành những chiếc gai êm,
Mọc lên giữa linh hồn ta sầu tủi.
Mây ngũ sắc kết lên lầu ngóng đợi,
Sao Ngân Hà mở hội đón em đi,
Thuyền trăng đây ta xin chở em về,
Trong lưng chén long lanh chừ, đau lạnh môi tê...
Ta ôm nàng trong đôi tay sưng húp,
Ta cắn xiêm y nàng, cho vỡ nát chén si mê.
Quỳnh Như ơi,
Hồn ta đây mời em về ngự trị,
Rồi thơ thần, ta giáng bút cho nhau.
Rồi trải thơ làm gấm nệm muôn màu,
Ta sẽ cưới nhau dưới muôn ngàn tinh tú..
Xin đừng bạn bè,
Xin đừng chí cả...
Ta sắp gặp nàng,
Ta sắp gặp nàng đây.
Gió đã mách, nàng đang về trên đài kiêu khai nụ,
Ta nghe bước chân nàng vừa thoắt nở thành hoa.
Rượu còn đầy vò, trăng còn sáng trên thơ,
Xin đừng để ngai hồn ta trống vắng.
Này Tiêu Sơn chuông chùa nào nín lặng,
Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên.
Nàng chết rồi ư?
Ta khóc rồi ư?
Em ơi tám hướng sông hồ,
Mười năm ngang dọc, bây giờ là đây.
Sự đời chừ đã trắng tay,
Ngủ vùi một giấc, cho đầy gối tham.
Ta say hay ta tỉnh?
Nàng buồn hay nàng vui?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười,
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau.
Môi nàng là mật đắng,
Tóc nàng là bão đau.
Mắt nàng thành mộ tối,
Hồn ta là đêm thâu.
Áo bào hiên ngang hề bụi đường mốc thếch,
Chuông kinh cầu nguyện hề, lời đầy tên nàng.
Trời rộng thênh thang hề chim thiêng rã cánh,
Canh khuya mòn mỏi hề đôi bóng sầu tương.
Tinh đẩu lu mờ hề thơ run hồn thép,
Ngựa ghê đá sắc hề xa lắc biên cương
Rát mặt anh hùng hề nàng là gió mát,
Xin tạ tình nàng hề lệ đau một hàng.
Heo may đã nổi lá vàng,
Buồn xưa chừng cũng động ngàn bay xa.
Mộ nàng bao cỏ úa,
Lòng ta bấy xót xa.
Rưng rưng chén nhỏ trào tâm sự,
Ta thương nàng hay ta thương ta?









RU

Ru em lần cuối cùng này

Bằng hơi mát của một ngày sắp qua

Bằng giờ phút sắp chia xa

Rồi thôi, rồi chẳng bao giờ nữa đâu

Giòng kinh năm ngón son cầu

Với môi mặn, với hồn trao nghẹn lời

Với sầu xưa ngút trên vai

Tóc xanh hoa với khuy cài áo thơm

Hàm răng mật, tuổi má tròn

Đường thêu chỉ đã hao mòn đây em

Gió trời xin ngủ bình yên

Coi như giấc mộng ưu phiền đấy thôi

Mày cao với mắt trong vời

Soi nghiêng trán bỏng, quên người tôi đi

KHI ANH VỀ

Khi anh về căn nhà xưa đã mất

Buồn phơi trên từng những bức tường dài

Và cánh tay, và lớp bụi trên vai

Những ngày tháng mỏi mòn che lấy mắt

Bàn tay thô hàng ngón sần ngơ ngác

Mùi lá non trên đường chỉ dở dang

Em xa rồi giếng xưa giờ vẫn mát

Anh cúi đầu vỗ trên lớp da nhăn

Những giọt nước âm thầm đem nỗi vui chợt đến

Như cơn gió hiền chợt nhớ về thăm

Những người lạ nhìn anh, anh cúi đầu nhìn bóng

Thấy mơ hồ những nỗi nhớ run lên

Hình ảnh ấy đã chìm trong dĩ vãng

Đối diện anh bằng một mặt nước trong

Anh nhấc khẽ bàn tay rồi nhắm mắt

Tiếng võ vàng khua động giữa thâm tâm.




ĐÊM NỒNG

Đêm như làn da ướt

Ôm ta giữa lòng thơm

Đêm sữa mật ngây ngất

Tuôn trên những cành non

Đêm nồng

Người ở ngàn phương

Còn nhớ ta chăng

Mà áo phong sương

Vẫn còn xao xuyến

Len trong một hơi gió

Bao nhiêu phấn thừa bay

Sao che mờ cây lá

Bưng ngang mắt người say

Đêm dầy

Này rượu tình phai

Này bóng đơn côi

Chén đau dài xin chia đôi

Có nợ gì đây

Mà cứ mãi theo nhau thế này

Đã thả tình trôi

Còn nghe sóng xa kêu gọi vói

Tiếc gì chiếc diêm soi

Thắp tình cháy cho vui

Cho khói bay khắp tim người

Đêm đưa người quay quắt

đến xâm chiếm lòng ta

Đêm hương trầm gay gắt

đã phai hết

còn lưa duyên hờ

Cầm bằng như khi tỉnh giấc mơ khuya

Chẳng thấy bên ta bóng hình nhau nữa

Ta yêu người hay tiếc thương riêng

những ngày xanh

Đôi khi tình đã tắt

Nhưng hương khói còn lênh đênh buồn

Một nửa hồn ta đã lỡ bay xa

Ta cũng chẳng buồn gọi về




ĐÊM TRÊN SÔNG TRĂNG

Đêm trên sông trăng thuyền ta lướt êm

Trông ra hai bên bờ cây gió lên

Ôi đêm lân tinh đất trời xao xuyến

Những bóng hình thướt tha mềm

Hắt hiu buồn tiếng ai gọi ai

đổi trăng thành nến

Em nghe ra không hồn xa lãng quên

Đang lênh đênh bay về trong khói đen

Khi mây âm u che mờ trăng sáng

Để hồn nhập với ta

Căng như giây tình duyên

Áo em mỏng hơn trăng

Tóc em dài như đêm

Lòng ta khoang thuyền bỏ không

Phai mòn gỗ qúy

Một chiều nào đó rong chơi

Em bước về

Hằn dấu chân trên rêu buồn

Như tuổi trẻ đi qua

Đi qua

Đi qua tim ta rồi không nhớ chi

Nhưng riêng trong ta nhiều đêm vẫn nghe

Ngân nga dư âm một bài thơ bé

Của thuở nào đó

Yêu ai

Tim ta thành bia

Ôi ta đi qua tuổi xuân đã lâu

Nhưng đôi khi quay nhìn quanh hố sâu

Bông hoa thơm tho cũng đầy sắc máu

Có đêm hồn gióng chuông sầu

Đất đen dường đã

len vào hồn ta

tìm nơi ẩn náu


Hư vô vun ta thành cây nấm cao

Quên không ban cho cành chia nỗi đau

Em như chim sâu qua rừng nắng cháy

Động lòng nhìn dáng ngây ngô

Thương nhau ngừng bay

Sớt đôi đời gian nan

Chắp môi làm yêu thương

Từng đêm trăng rằm trăng sáng

Sương nguồn êm lắng

Rồi một ngày bỗng

Nghe ra đời quá buồn

Và nhớ xa muôn trùng

Nên bỏ rừng bay đi

Bay đi

Bay đi mang theo hồn ta ngẩn ngơ

Đêm đen đêm sâu lạnh trong gió mưa

Đôi khi ta trông lên vầng trăng cũ

Tưởng chỉ là bóng trăng xa

Trăng muôn ngàn xưa





CÁI PHAI TÀN CÁI XA

Có khi người bỗng nghe lòng

thiết tha buồn

Vì một làn hương trong gió qua làm nhớ

Ôi ánh trăng của một đêm xa xưa

Em có nghe, có nghe

Nước róc rách trôi về trên lối cỏ

Nửa vầng trăng

Nửa dòng sông bơ vơ

Đời chẳng tiếc

Tiếc chi bài thơ nhỏ

Cứ tha hồ em tàn phá vườn ta

Đã có lúc ta nghe đời buồn như

Là đá xanh khô

Là gỗ đui mù

Một ngày ngồi trông quanh co

Ôi tay ta còn héo

Huống chi tình biền biệt từng năm xa

Cũng có lúc ta nghe đời đẹp như

Là giấc mơ hoa

Hạnh phúc vô bờ

Một ngày còn

Như ơn riêng ta mang trong trời đất

Dẫu cho lòng nhỏ lệ một đôi khi

Có mưa

Có mưa ở hồn ta

Bỗng nghe rờn rợn như

Trời đất mờ xóa

Hư hao từ

Cõi trong ngoài

Giấc mơ già

Cái phai tàn

Cái xa





MỜ MỜ SƯƠNG KHÓI

Có những lúc tình cháy trong ta

Như ngọn lửa mùa đông

Dù tình đã xa hơn lòng thiết tha

Những nỗi nhớ để mà vui

Những tiếc nuối để mà soi lại

bóng nhau thôi

Hỡi em ngày xa xôi

Em như hoa một thời

Nở chốn nao đây

Tàn héo trong tôi

Khi quê hương chỉ còn là dây oan thôi

Trói nhau trong đọa đầy

Người thở một hơi nợ mới

Và sống như loài cỏ cây loay hoay

Vắt tay lắng nghe những đêm dài

Thời quên nhiều tiếng nói

Nhớ một hạt cơm rơi

Cát bụi cũng rã rời

Nhìn trong bóng nước thấy mình đổi thay

Có ngày chết trên da mồi

Có chiều mắt hoa chân rời

Có một điếu thuốc lào say

Cơn nôn nao, thấy lại nhau trong mây dày

Lửng lơ cao bay

Nhẹ như đôi tay co gầy

Mờ mờ sương khói

Mới biết chắc rằng có khi ta

Đang còn thở mà như

Một làn gió qua trên cành lá khô

Những dấu vết của tình xưa

Đã tắt hết chỉ còn lưu lại

chút than tro

Hắt hiu hồi quang xa

Đôi khi ta tình cờ

Nhìn thấy trong đêm hồn

xót xa mưa




MƯA LONG GIAO





Trời đất có điều chi buồn

Mà trời mưa mãi

Phạm Xuân Ninh


Trời đất có điều chi buồn

Mà trời mưa mãi

Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn

Mà chiều nay

Chiều đứng trên đồi cao

Ta thở dốc

Ta trông mây đục

Trông người người đen

Cây nôn ra rừng gió độc

Bùn lầy dốc mưa trơn

Hồn đá có điều chi buồn

Mà hồn xanh ngắt

Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn

Mà chiều nay

Lòng ta nghe gió hắt

Có con phượng nào không

Cho ta cam phần chim nhỏ

Ta uống lệ riêng ta

Nuốt sầu thiên cổ

Mưa Long Giao mưa đỏ hồn ta

Thuở đoạ đầy

Người chẳng ra người

Ma chẳng ra ma

Vợ con như từng chiếc

Răng rụng rồi quên ta

Ta cũng xa quên

Trời đất có điều chi buồn

Mà trời mưa mãi

Lòng ta, ôi lòng ta, có điều chi buồn

Mà chiều nay

Lòng vật vờ điên




TÌNH CA THÁNG TƯ

Trời tháng tư rồi em biết không

Ôi tháng tư đầy nỗi ước mong

Em có nghe hồn căng nhớ thương

Bao kỷ niệm cũ thắp lên

cùng mây xuống thật gần

Thành phố lên đèn cây đứng trông

Những ngã tư đường như bến sông

Đang ngóng mưa về trên áo em

Dừng lại ngoài quán hoa

đầy hương sắc quen

Xin môi em mờ xoá

Những vết thương bao lần

Làm héo tim ta

Như bóng mưa trôi giạt còn nhớ

Còn muốn nhắc bao ngày đã qua

Và bó hoa hồng trên cánh tay

Đêm sẽ dâng mộng trong giấc say

Ta muốn xin một bông ngất ngây

Để đàn từ đó nhớ người trên mỗi dây

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 2.356 giây.