Chủ tịch Trương Tấn Sang muốn người Mỹ gốc Việt làm ‘cầu nối’ Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Việt Kiều tại MỹTại Tòa Bạch Ốc hôm 25/7, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Việt Kiều tại Mỹ trong mối quan hệ song phương.
Ông Obama nói cộng đồng này là ‘một trong những nguồn sức mạnh lớn giữa hai nước’ và là ‘chất keo dính bền chặt cho quan hệ của bất kỳ hai quốc gia nào’.
Đáp lại, ông Sang cũng ngỏ lời cảm tạ chính phủ Hoa Kỳ về ‘sự chăm sóc hết sức chu đáo’ đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm qua.
Trong khi hai nhà lãnh đạo phát biểu, bên ngoài Tòa Bạch Ốc, hàng trăm người gốc Việt hô to các khẩu hiệu phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền ở trong nước -- một vấn đề ông Sang thừa nhận rằng Hà Nội và Washington vẫn còn nhiều điểm khác biệt.
Sau cuộc hội đàm với ông Obama, nhà lãnh đạo Việt Nam đã có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington.
Trong phần hỏi đáp, trả lời câu hỏi từ Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ về vai trò của người Mỹ gốc Việt đối với quá trình củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Chủ tịch Sang đáp rằng ‘hết sức quan trọng’.
Ông nói: "[Tôi] tin chắc chắn rằng bà con của chúng tôi, với tư cách là những người Việt Nam cùng chung máu mủ sẽ làm chiếc cầu vững chắc, sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác về nhiều mặt, nhất là trong khuôn khổ đối tác toàn diện lần này. [Khi] đưa quan hệ lên một bước phát triển mới, thì người Việt, người Mỹ gốc Việt sẽ có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này".
Nguyên thủ Việt Nam cũng cho rằng nhiều Việt Kiều ‘làm ăn ở Hoa Kỳ hết sức thành đạt, kể cả trong hoạt động chính trị’.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang đã nêu bật tầm quan trọng của việc trao đổi giữa người dân hai nước, sự thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và sự đóng góp quan trọng của họ đối với sự phát triển của quan hệ song phương.
Ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên của Đảng Việt Tân – một tổ chức ở hải ngoại bị cấm hoạt động trong nước – nói với VOA Việt Ngữ rằng các Việt kiều ở Mỹ ‘có tiềm năng đóng góp cho tiến trình phát triển đất nước’.
Ông Duy nói: “Cái đó tôi nghĩ ai cũng thấy rồi. Nhưng vấn đề hiện nay là, liệu hoàn cảnh của đất nước nó có cho phép Việt kiều, người Việt sống ở nước ngoài thực sự đóng góp cho sự thay đổi hay không. Tôi nghĩ nếu không có thay đổi về mặt chính trị, thì rất khó cho những người đã quen sống trong môi trường tự do có thể đóng góp một cách bền vững tại Việt Nam".
Nhà hoạt động này nói thêm: "Tất cả những người Việt Nam rất là gắn bó với đất nước, gắn bó với dân tộc Việt Nam. Cái điều chúng ta không chấp nhận là cái bối cảnh độc tài thôi. Cái đó phải thay đổi để chúng tôi thấy thoải mái, làm sao để đóng góp tại Việt Nam”.
Một số nhà quan sát cho rằng việc đưa vấn đề người Mỹ gốc Việt ra bàn thảo giữa hai nguyên thủ cho thấy cộng đồng này ngày càng có tác động tới chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.
Người gốc Việt cũng thường vận động các dân biểu đại diện cho các địa hạt họ sinh sống mạnh mẽ lên tiếng về các quan ngại của mình.
Trước chuyến thăm của ông Sang, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thúc giục ông Obama đặt nhân quyền lên cao trong nghị trình thảo luận với giới chức Việt Nam.
Bà Nguyễn Thể Bình, Cựu Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Á châu của Thống đốc tiểu bang Virginia, cho rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt ‘có một tiếng nói rất mạnh mẽ’.
Bà nói: “Các cử tri của người Việt đi bầu, ủng hộ các dân biểu, thượng nghị sĩ, thống đốc cho tới tổng thống. Những lá phiếu đó có một sức mạnh. Vì thế cho nên Tổng thống Obama đã nhắc khéo rằng là cái sức mạnh của lá phiếu đó có thể ảnh hưởng tới chính quyền Mỹ và cũng đặt ra áp lực với vừa với Quốc hội vừa với Bộ Ngoại giao Mỹ trong vấn đề nhân quyền, đòi hỏi cho nhân quyền ở Việt Nam”.
Sau Chiến tranh Việt Nam, hàng trăm nghìn cư dân Việt rời bỏ tổ quốc đi tị nạn, và nhiều người trong số đó cuối cùng đã tới Hoa Kỳ.
Khi được hỏi liệu các nhận xét mà giới quan sát cho là nồng ấm của ông Sang có phải là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẵn lòng muốn hòa giải, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học George Mason, cho rằng ‘lời nói cần phải đi đôi với hành động’.
“Nói là một chuyện còn làm thì phải có những hành động cụ thể thì mới có thể mang họ [Việt Kiều] làm cái bắc cầu được. Có nhiều việc cần phải làm lắm, chẳng hạn tôi thấy có chuyện Việt Nam đang xúc tiến về nghĩa trang Biên Hòa ở Bình Dương. Đó là một biểu tượng rất là quan trọng", ông Hùng nói.
"Ngoài ra, giữa cộng đồng hải ngoại với phía Việt Nam vẫn có quan điểm khác nhau. Cùng nói về nhân quyền, cùng nói về dân chủ nhưng hai bên có những quan niệm khác nhau, những định nghĩa khác nhau về cái đó. Hai cái đó chưa sát lại với nhau”.
Hiện có hàng triệu người Việt sinh sống tại Hoa Kỳ, và là cộng đồng người Việt lớn nhất trên thế giới ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian qua, các đại diện ngoại giao của Mỹ cũng thường tiếp xúc với cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ trước khi lên đường sang Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ.
Trong nhiệm kỳ của mình, các nhà ngoại giao của Mỹ cùng thường trở lại Hoa Kỳ, ghé thăm cộng đồng người Mỹ gốc Việt để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ đối với quê nhà.
Hồi đầu tháng Bảy, Tân Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn Rena Bitter đã tới gặp Bác sỹ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch tổ chức có tên gọi ‘Tập hợp vì nền dân chủ’ trước khi tới Sài Gòn công tác.
Trước đó một tháng, Đại sứ Mỹ David Shear đã gặp cộng đồng người Việt tại California với tuyên bố rằng nhân quyền là một trong những mục tiêu hàng đầu trong mối quan hệ với Việt Nam.
Source: VOA