logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 12/07/2019 lúc 10:10:05(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
1
“Nữ phải không. Chị là Nguyệt đây. Chị nói chuyện với em trên điện thoại bữa trước đó…” Người đàn bà vừa mở hé cánh cổng vừa hỏi han ân cần. “Tìm nhà dễ không em?”
Nữ ngại ngần, liếc nhìn bóng mình đổ dài trên sân cỏ mướt xanh, rồi ngước nhìn thiếu phụ, e ấp một nụ cười làm quen, “Dạ, cũng dễ…”
Chị Nguyệt mở rộng cánh cổng sắt sơn xanh, đứng tránh qua một bên, nhường lối cho Nữ bước vào. Một con chó trắng như cụm bông gòn vừa tung tăng chạy trên con đường rải sỏi vừa sủa tíu tít. Những bàn chân nhỏ bé khuấy động sỏi đá rào rạo, reo vui. Con vật quấn quýt bên chân, làm Nữ lúng túng, chỉ sợ đạp lên nó.
“Không sao đâu em,” Chị Nguyệt trấn an với nụ cười căng đôi môi thoa son đỏ. “Nó nhanh lắm.”
Chờ cho Nữ bước hẳn vào trong sân, chị Nguyệt vừa khép cánh cổng lại, vừa hỏi, “Em đi xe bus lại à?”
“Dạ.” Nữ rụt rè níu quai chiếc túi xách da đeo một bên vai.
Chị Nguyệt nhắc lại câu hỏi ban đầu bằng giọng thân thiện, “Tìm nhà có dễ không em?”
“Dạ, cũng hơi khó. Em không ngờ…”
“Gì em?”
Nữ không biết có nên nói hết ra những điều mình nghĩ, rằng cô không ngờ căn nhà lại đồ sộ đến như vậy. Cô ngỡ những người Việt nam tha hương, chẳng bao giờ ở được trong ngôi biệt thự lớn như một toà lâu đài kín cổng cao tường đến thế. Thành ra cô mỉm cười, tìm lời giải thích, “Em chỉ sợ xe bus làm trễ giờ hẹn…”
“Không sao đâu Nữ ơi. Ở nhà chứ có phải cơ quan chính phủ gì đâu mà ngại. Vào nhà đi em.”
Con chó nhỏ chạy tung tăng quanh chân Nữ. Cô muốn ngồi xuống, vuốt ve lớp lông trắng mịn như bông gòn của nó, nhưng chị Nguyệt đã bước đi như mở đường cho cô trên lối đi lót đầy sỏi xám.
Căn phòng khách làm Nữ choáng váng, ngất ngây. Tất cả đồ đạc trưng bày bên trong đều lạ lẫm đối với Nữ. Cái vẻ sang trọng của chúng làm cô hồi hộp, bứt rứt như sắp sửa phải bước vào ngồi trên ghế bị can của phiên tòa gay go. Bàn ghế trên mặt thảm đỏ dày, lò sưởi đục sâu vào vách tường, tranh sơn mài cẩn vỏ ốc xà cừ lấp lánh ánh bạc trên nền đen treo khắp chung quanh, tượng đồng đứng ngồi rải rác… Tất cả như vây chung quanh Nữ, làm cô hoa cả mắt. Cô rụt rè gỡ đôi giầy cao gót ra khỏi chân, bỏ lại bên khung cửa.
“Ngồi đi em.” Giọng chị Nguyệt ngọt ngào.
Một người đàn bà già nua mặc bộ đồ lụa vàng bóng bẩy và một thiếu phụ mặc áo đầm mầu tím ngồi sẵn quanh bộ sa lông da đen bóng. Nữ gật đầu, líu ríu chào hai người, rồi rụt rè ngồi xuống một góc ghế, chiếc bóp da đặt gọn ghẽ trên lòng.
Nữ cố thu mình lại thật nhỏ, tưởng chừng như khoảng không gian căn phòng khách rộng thênh thang đang loãng dần, và không bao lâu cô cũng sẽ tan, sẽ mòn vẹt đi, như cành mai mảnh khảnh cắm trong chiếc bình vững chãi những chữ tầu kê ở góc phòng.
“Mẹ và chị dâu của chị đấy.” Chị Nguyệt giới thiệu vắn tắt.
Nữ lại gật đầu chào hai người.
“Tôi là Liễu.” Người đàn bà áo tím, tóc uốn quăn nhìn Nữ đăm đăm với nụ cười vén khéo trên môi, “Cô hát cho chúng tôi nghe bài hát Dấu Chân Mùa Hạ được không?”
“Dạ được, nhưng…” Sững người trước câu hỏi đột ngột, Nữ không biết trả lời thế nào, cho dù cô đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời. Cô ngập ngừng mấp máy đôi môi. Khi không hình ảnh những quán nhạc ngập khói thuốc nhập nhòe trong trí. Nữ băn khoăn, “Em không thích đi hát phòng trà…”
“Việc này không liên hệ gì tới phòng trà hết, cô cứ yên tâm.” Người đàn bà trấn an, rồi nói như ra lệnh cho Nữ, “Hát tụi tôi nghe xem sao!”
“Bài gì ạ?”
“Dấu Chân Mùa Hạ!”
Những bài học về cách cư xử khi đi phỏng vấn việc làm Nữ còn nhớ như in trong trí. Cô mím môi lắng nghe máu chạy rần rật trên hai má. Không cần soi gương, cô cũng biết mặt mình đỏ ửng như mầu trái táo chín cây. Cô nhìn đăm đăm bức tượng đồng đen ở góc phòng, nuốt nước miếng, rồi hát từng lời, từng chữ ngọt ngào của bài tình ca Việt nam nổi tiếng.
“Em hát hay đấy chứ!” Chị Nguyệt vui vẻ nói.
“Not bad!” Bà chị dâu của Nguyệt nháy con mắt có hai vệt lông mày kẻ đặm, mảnh và sắc như lá mía.
Nữ ngồi thẳng người, hai tay xoắn lấy nhau trên lòng, “Em cũng không dự tính trở thành ca sĩ karaoke đâu, bác với hai chị làm ơn nói cho em biết em phải làm những việc gì…”
Người mẹ, từ lúc Nữ bước vào nhà, dường như đã cố tình không nhìn đến Nữ, bây giờ đôi mắt mới xoay qua cô, nhám nhúa một tia nhìn. Những vết nhăn trên mặt bà căng lên, rồi chùng xuống.
Qua tia nhìn sắc cạnh của bà, Nữ biết mình đang bị dò xét, tra vấn âm thầm.
“Chúng tôi chỉ nói cho biết sau khi đã quyết định nhận vào làm với chúng tôi.” Người mẹ nói bằng giọng lạnh lùng.
“Thì cứ nói cho cô ấy nghe luôn đi, có chết ai mà sợ!” Người con dâu ngắt lời.
Mẩu đối thoại của ba người đàn bà làm Nữ bối rối. Con chó nhỏ lẩn quẩn quanh Nữ, hít ngửi làm quen. Cô lúng túng đưa bàn tay thừa thãi vuốt ve lớp lông dày mát rượi. Những chữ trong mẫu đăng quảng cáo rao vặt hiện ra rõ mồn một trong trí Nữ. Thiếu nữ, cao khoảng một thước sáu mươi. Biết hát nhạc Việt Nam. Công việc thoải mái, dễ dàng. Thù lao rất cao. Xin liên lạc số điện thoại…
Lúc quyết định điện thoại tới để hỏi thêm về việc làm, Nữ đã thầm mong đây là một cơ sở tuyển lựa ca sĩ hay làm băng nhạc gì đó muốn tìm tài năng mới.
Từ lúc biết mộng mơ, đã không biết bao nhiêu lần Nữ mơ tưởng mình đứng trên sân khấu, đem giọng ca dỗ dành cuộc đời. Nhưng mơ ước rồi cũng vẫn chỉ là ước mơ còi cụt và Nữ vẫn chỉ là cô gái tị nạn được Liên Hiệp Quốc chấp nhận cho đi định cư một ngày trước khi trại đóng cửa. Và hôm nay, Nữ bơ vơ xứ người.
Chị Liễu nhìn xuống con chó, rồi quét tia nhìn lên khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu của Nữ, nói tiếp bằng giọng cay đắng, “Nó tên Lấc-ky đấy. Lấc-ky đâu không thấy, chỉ thấy tốn tiền tốn bạc!”
Nghe chưa quen những lời châm chọc nên Nữ bỡ ngỡ như cô gái quê lạc về thành thị. Những ngón tay thôi vuốt ve lớp lông bông gòn của con chó nhỏ; những ngón tay co rút, xoắn lấy sợi dây đeo của chiếc bóp đặt trong lòng.
“Bao nhiêu tuổi rồi?” Người mẹ hất hàm, hỏi bằng giọng khàn khàn.
Nữ nói tuổi mình rồi hồi hộp lén đưa con mắt rụt rè liếc quanh những khuôn mặt khó đăm đăm vây bọc chung quanh.
“Trẻ hơn con Thúy Uyên quá làm sao mà làm được!” Người mẹ cau có.
“Già hay trẻ thì anh ấy cũng có thấy được đâu mà má lo!” Liễu ngắt lời mẹ, môi dưới trề xuống, khinh mạn.
Nữ như lạc giữa phiên tòa của xứ sở nói không cùng ngôn ngữ. Bàn tay cô lại rời sợi dây đeo bóp, thả xuống rờ rẫm lớp lông trắng mịn của con chó lúc này đã ngoan ngoãn nằm xuống bên chân cô. Hai chữ Thúy Uyên vang động trong trí tưởng Nữ. Cái tên quen thuộc nhưng con người thì lạ lẫm. Thúy Uyên nào vậy. Có phải…
“Chắc được mà mẹ!” Chị Nguyệt dịu dàng.
Người mẹ nhún vai, giận dỗi, “Chúng bay muốn làm sao thì làm, đừng để cho nó biết. Nó cắn lưỡi tự tử thì đừng có hòng mà ăn bảo hiểm!”
“Mẹ à!” Nguyệt gằn giọng.
Nữ muốn đứng dậy, xin phép ra về ngay lúc đó. Hai đầu gối cô nhúc nhích. Trong lớp vớ lưới mỏng, những ngón chân cô bấm xuống nền thảm dày. Cô ngỡ mình là người thiếu nữ đang bị người ta kỳ kèo thêm bớt giá cả trước khi bán cho một gia đình giàu có nào đó, làm nô lệ.
Cố gắng mãi, Nữ mới nhấc nổi thân hình nặng trĩu của mình lên khỏi mặt ghế nệm êm ái, khúm núm gài hai bàn tay vào nhau, nhỏ nhẹ, “Thưa bác, thưa hai chị, em xin phép…”
Chị Nguyệt đứng bật dậy theo Nữ. “Ơ kìa, cô đi đâu thế?”
“Chắc em làm không được…”
Chị Nguyệt vỗ về, “Không có gì cả cô Nữ à. Nữ chỉ cần hát cho anh của chị nghe một lần.”
“Anh của chị? Còn Thúy Uyên là ai? Có phải ca sĩ Thúy Uyên…”
“Ừ ca sĩ Thúy Uyên, chắc em biết mà…”
Người chị dâu lớn tiếng ngắt lời Nguyệt, “Ai mà không biết cô Thúy Uyên, còn phải hỏi.”
Người mẹ xen vào, “Mẹ để mặc hai đứa bay tính toán sao cho gọn thì tính. Tao đi nằm một tí…” Rồi bà chống tay lên đầu gối, run run đứng dậy, lầm lũi bước ra phía sau, và mất hút phía sau cánh cửa kính phản chiếu lung linh bẩy sắc cầu vồng chấp chóa.
Không để ý đến mẹ và bà chị dâu, Chị Nguyệt kiên nhẫn cúi đầu, lẩm bẩm một mình, “Anh tôi, bị bệnh nặng lắm!”
Nữ đăm đăm nhìn người thiếu phụ. Cô thấy rõ trong đôi mắt buồn của chị bao nhiêu là gió mưa, giông tố.
Chị Nguyệt quay qua Nữ, ân cần, “Em ngồi xuống đi đã, chị nói chuyện cho nghe. Anh của chị bệnh nặng lắm. Mơ ước duy nhất của anh ấy là trước khi chết, anh ấy được ca sĩ Thúy Uyên hát cho nghe một lần. Hát live đó em. Anh ấy bệnh nặng lắm rồi…”
“Thì cứ nói thật là sắp chết đi.” Người chị dâu ngắt lời.
Cơn bối rối chụp lấy Nữ như chiếc lưới vây quanh con cá nhỏ. Cô thấy mình vùng vẫy tuyệt vọng. Con cá nhỏ vẩy bạc lấp lánh trong ánh nắng ban mai mặn mòi gió biển. Làm sao bây giờ hở Trời! Cô than thầm trong đầu.
Loay hoay một lát, Nữ đành ngồi xuống theo bàn tay níu kéo của chị Nguyệt.
“Cả đời anh ấy chỉ mê một mình Thúy Uyên.” Chị Nguyệt vẫn rầu rĩ những lời cầu kinh.
Nhưng người chị dâu không để cho Nguyệt yên, đôi môi tím ngắt mầu son xen vào bằng giọng chua chát, “Ông ấy như ông vua vậy, cô ơi. Bây giờ muốn gì là phải có cái ấy liền. Ấy là nằm một chỗ đấy, chứ như còn rục rịch được chắc ông ấy cũng dám đòi lấy vợ bé…”
“Nhiều chuyện quá, bà ơi!” Nguyệt nguýt chị dâu bén ngọt, rồi đứng dậy, “Nữ ngồi đây, chị đi lấy cái này cho xem.”
Chị Nguyệt bước đi, gấu váy đầm mầu đen thêu hoa vàng phất phơ vẽ lên nét đài các của một tiểu thơ kín cổng cao tường. Nữ nhìn theo cho tới khi bóng chị khuất sau khung cửa, đầu óc rần rật mớ hình ảnh hỗn độn về một kiếp đời cao sang, quyền quý.
Người chị dâu của Nguyệt đánh thức Nữ, lôi cô ra khỏi vùng ảo giác mịt mờ bằng giọng chua chát, “Ngoài ba mươi rồi, ế mốc ế meo lên rồi mà còn chỏng lỏn!”
Rồi chị toét miệng cười với Nữ. Nữ ngượng ngập cười theo và ngây ngô hỏi, “Chỏng lỏn là gì hở chị?”
Người đàn bà chưa kịp trả lời thì Nguyệt đã trở lại với một bọc ny lông căng cứng. Chị tháo sợi dây thun buộc quanh, đổ tuột tất cả giấy tờ bên trong bọc ra bàn, “Em coi, đây là xấp thư gửi cho ca sĩ Thúy Uyên. Có đến năm chục lá thư, thấy không. Chị phải photocopy lại, mẹ chị khó khăn, chi li lắm. Đến nỗi sau này – nói cái này em đừng cho mẹ chị biết – chị viết một lá thư rồi photocopy lại nhiều tấm, cứ mỗi tuần gửi đi một tấm. Em thấy không, viết đến như thế này đã là tận cùng của sự van xin rồi phải không. Chỉ có thư đi, không bao giờ có thư về. À có chứ, một đôi lần cũng nhận được vài tấm quảng cáo băng nhạc. Nhưng anh ấy thì vẫn mê mải đợi chờ, đến độ ung thư đã chuyển di khắp nơi. Bây giờ anh ấy bị mù. Chết đến nơi rồi mà anh ấy vẫn chỉ lo không gặp được Thúy Uyên một lần trước khi lìa đời.”
“Mà cái con Thúy Uyên ấy thì có đẹp tốt gì cho cam,” Người chị dâu lại xen vào bằng giọng chì chiết. “Ăn mặc cứ như là…”
Không thèm để ý đến bà chị dâu, Nguyệt vẫn rì rầm kể lể, “Anh ấy nhớ tỉ mỉ từng nét trên khuôn mặt, vóc dáng cô Thúy Uyên. Từ những sợi tóc loăn quăn trên trán đến cái răng khểnh bên phải…”
“Cái răng khểnh thì chĩa ra như răng nanh chó sói.” Bà chị dâu lại chêm vào, “Hai cái vú silicone thì cứ như hai trái bưởi. Người gì đâu mà chỗ cần sửa thì không sửa…”
“Em rán giúp anh ấy một lần,” Nguyệt ngắt lời chị dâu. “Cả nhà này mang ơn em suốt đời. Em có giọng ca hay, em giả làm Thúy Uyên, hát cho anh ấy nghe. Một lần để anh ấy yên tâm nhắm mắt.”
Nữ hoảng hốt co mình lại như con sâu phải lửa, “Em đâu có đẹp bằng Thúy Uyên.”
“Chả sao,” Chị Nguyệt ngắt lời, giọng tẩm đẫm nỗi buồn phiền. “Anh ấy có thấy được đâu mà sợ!”
“Sao vậy? Anh ấy mù hả chị?”
Chị Nguyệt âu sầu gật đầu. Nữ nghe lòng mình quay cuồng réo gọi, Nữ ơi là Nữ, sao mà hỏi làm gì cái câu vô duyên, tàn nhẫn vậy. Cô cuống cuồng chuyển hướng câu chuyện, “Em cũng không hát hay bằng Thúy Uyên. Cho em xin kiếu, em về…”
Nữ lại nhúc nhích hai đầu gối, cố sức nâng mình dậy, nhưng thân thể cô trĩu nặng.

Chị Nguyệt đặt tay lên bàn tay ướt mèm mồ hôi của Nữ. Bàn tay chị nóng ran như miếng vỉ lò sưởi trong vách tường căn phòng chung cư nhỏ bé của Nữ vào mùa đông.
Giọng chị Nguyệt vỡ ra nỗi nghẹn ngào.
“Giúp anh ấy một lần đi em. Chị trả trước em năm trăm đô. Chị đưa em tất cả băng nhạc của Thúy Uyên. Em về nhà tập dợt sao cho thật giống cô ta. Trình diễn xong, chị giao thêm năm trăm nữa.”
Nữ nhìn chị Nguyệt trân trân. Và ngay khi bắt gặp những giọt nước long lanh trên khóe mi của chị, cô vội vã gật đầu.
“Thôi được, em sẽ cố. Em chỉ sợ hát không giống, anh ấy chê…”
Người chị dâu nãy giờ nhấp nhổm trên sa lông, bất chợt đứng dậy, ném vào cuộc đối thoại câu nhận xét lạnh băng, trước khi tất tả bỏ đi, “Cô đừng lo, ông ấy cũng điếc đến nơi rồi, hay dở gì nghe cũng giống nhau thôi!”
Chị Nguyệt nhìn theo người đàn bà đang vặn vẹo những bước đi của một người mẫu giới thiệu thời trang mùa thu với áo thun bó sát thân mình và chiếc váy dài phủ kín bàn chân. Chị nâng cao cái giọng chua chát, “Giá như anh ấy bị thứ bệnh gì mà phải xài máy thở, tôi cũng dám tắt máy đi, để anh ấy chết cho đỡ phiền người ta. Cái đồ đàn bà độc đinh!”
Nữ bỡ ngỡ nhìn chị. Trong đầu óc non dại của cô, không có lời giải thích nào hợp lý về sự đổi thay quá mau trong thái độ con người. Mới mỏng mềm, ngọt ngào nhân nghĩa đó, đã đắng chát, chua cay, độc địa như nọc rắn không ngờ.
Cô bối rối hỏi nhỏ, “Độc đinh là gì hở chị?”
“Độc đinh là cái thứ đàn bà không con ấy mà!”
Nữ lại ngỡ ngàng như lần đầu đối mặt với sự sỗ sàng của đời sống. Lòng thẳng băng như giấy vở học trò, lần đầu xốn xang mở ra cho cuộc đời viết lên nhưng dòng nguyệch ngoạc, tối tăm.
“Em muốn gặp… anh ấy được không chị?”
Nữ nhỏ nhẹ một lời đề nghị. Cô vẫn nhớ những chuyện kể, những phim ảnh mô tả người bệnh điên loạn vì bệnh tật, trở chứng, lên cơn, làm tội làm tình những người thân bên cạnh.
Chị Nguyệt tư lự nhìn vào khoảng không. Đôi mắt có đuôi, mặn mà đường chỉ đen mỏng mượt của chị làm Nữ băn khoăn tự hỏi không hiểu sao một người thiếu phụ mặn mà nhan sắc như thế mà vẫn sống độc thân với mẹ già, với anh trai và chị dâu.
Một lát, chị Nguyệt gật gù, “Để chị hỏi lại mẹ chị, với vợ anh ấy nữa, xem sao. Em ngồi đây nghe.”
Chị bỏ Nữ lại bơ vơ trong gian phòng khách rộng thênh thang như phòng tiếp tân của tư dinh một vị đại sứ.
Một lát, chị trở lại, nụ cười đọng sẵn trên môi.
“Cũng được, nhưng em đừng ho, đừng nói, đừng để anh ấy biết em có mặt ở đây nghe.”
Nữ ngoan ngoãn thanh thản gật đầu mà lòng cô hồi hộp như người dân tị nạn chờ nghe danh sách định cư ở đệ tam quốc gia.
Căn phòng đầy những bích chương có hình Thúy Uyên. Thúy Uyên đứng, ngồi, nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng. Thúy Uyên mơ mộng, Thúy Uyên ỡm ờ trẻ thơ, Thúy Uyên đong đưa gợi tình, Thúy Uyên mời mọc…
Mùi dầu gió văng vẳng không gian. Chai lọ để đầy trên bàn ngủ. Cái ti-vi mầu. Cuốn băng nhạc Thúy Uyên đang chiếu dở dang trên màn ảnh. Chiếc giường gỗ nâu bóng chạm khắc công phu. Và cái hình người khô khốc, xám ngoét cuốn gọn trong chăn nệm trắng tinh. Cánh tay thò ra ngoài, nhùng nhằng những dây nhợ truyền nước biển trong veo.
Người mẹ ngồi hờ hững, bất động như pho tượng bên giường con trai tự lúc nào. Người vợ lẩn quẩn bên cạnh, dáng vẻ băn khoăn, bồn chồn.
Nữ rụt rè đứng nép sau lưng chị Nguyệt. Cô thì thào, “Sao không chỉnh mầu ti-vi lại cho rõ hở chị, tím ngắt thế này làm sao coi!”
Chị Nguyệt xoay lại, ngượng ngùng nói nhỏ vào tai Nữ, “Có mình anh ấy coi, mà anh ấy có thấy trời trăng gì nữa đâu…”
“Oh, sorry!” Nữ sựng lại. Hai tay đưa lên miệng như cố ngăn lại những câu vô tình sắp nói ra.
Cô len lén nhìn người đàn ông hấp háy hai mắt, như đang thả lên khoảng không trên trần nhà tia nhìn dài lê thê, vô hồn, vô nghĩa.
“Khỏe không anh Phong?” Chị Nguyệt thân mật.
Nữ căng mắt nhìn cái hình người khô khốc, cố gắng tìm một dấu vết của sự sống, nhưng không thấy gì ngoài những cái chớp mắt ơ hờ.
“Đêm ngủ được không vậy?” Chị Nguyệt kiên nhẫn hỏi.
Vẫn không một cử chỉ, một âm thanh nào thoát ra từ đống chăn nệm cuốn tròn trên mặt giường trải khăn trắng muốt.
“Anh nhớ uống thuốc cho đều…” Chị Nguyệt tiếp.
Nấp sau lưng chị Nguyệt, Nữ kín đáo nhìn người chị dâu và bà mẹ già của chị. Sự giàu sang không che lấp được nỗi khổ đau pha với tia nhìn, khắc vào nét mặt, tan trong giọng nói. Nỗi khổ đau ấy làm nhòe đi cái lòe loẹt, rực rỡ của những áo quần và đồ trang sức ba người đàn bà đeo trên người. Nhìn họ, Nữ chỉ còn thấy sự chán chường, mệt mỏi, và tủi hờn mênh mang.
“Em liên lạc được với ca sĩ Thúy Uyên rồi đó, anh Phong à!” Giọng chị Nguyệt ngọt ngào.
“Vậy hả, cô ấy… có nói… gì về… tôi không?” Câu hỏi bật ra khỏi cặp môi khô tóp lại của người bệnh.
“Cô ấy sắp… qua bên này.”
“Đi show… phải không?”
“Không.”
Nữ hồi hộp lắng nghe từng câu, từng chữ. Cả người mẹ lẫn bà chị dâu cùng săm soi nhìn chị Nguyệt. Không gian đặc lại, tưởng chừng có thể cắt thành những lát mỏng như thạch đông.
Chị Nguyệt vòng tay ra sau, bấm những móng nhọn vào cổ tay Nữ, ngập ngừng, từng lời, từng chữ, “Chị ấy… chị ấy…”
“Cô ấy đi… thăm ông đó!” Người chị dâu ngắt lời cô em chồng.
Nữ ngỡ mình nhìn lầm trong ánh sáng nhá nhem của căn phòng âm u mùi bệnh tật. Nhưng không. Cô thấy rất rõ từng con sóng ảo mờ đổ theo chiều dài thân thể người đàn ông ốm yếu. Những con sóng xúc động quẫy động thân thể vùi dưới lớp mền dày, đổ xuôi chiều hai cánh tay làm lúc lắc sợi dây truyền nước biển. Tràn lên khuôn mặt, qua chiếc cổ khẳng khiu, những con sóng trào ra thành nước, dàn dụa hai hố mắt sâu.
“Chừng nào… cô ấy đến?” Giọng người đàn ông lạc đi vì xúc động.
Chị Nguyệt lặng thinh. Nữ thấy người chị dâu và bà mẹ già nhìn chị Nguyệt chăm chăm. Như thể bất cứ câu nào chị nói ra cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tương lai của người bệnh.
“Tuần sau.” Chị Nguyệt dịu dàng.
Đôi môi khô bỏng run run mấp máy mất cả phút đồng hồ, rồi cái giọng khàn khàn mới thoát ra, “Nhớ giúp tiền… cho cô ấy… ra băng… nhạc, CDs.”
“Người ta giầu gấp trăm lần ông, ở đó mà giúp!” Người vợ lạnh lùng.
Lòng Nữ chợt nao nao như có ai thả vào đó nỗi buồn phiền da diết.
Ai đó chôn cứng đôi chân Nữ trên nền nhà. Khi không, tình thương giữa con người với con người ứa ra khỏi trái tim cô như máu hồng trào ra ngoài vết cắt. Máu nóng nhân loại ấy sủi bọt, trộn chung với chất mủ tanh tưởi mầu ngà của sự hận thù cũng giữa con người với con người. Nữ thương, Nữ ghét, Nữ bao dung, Nữ hận thù quay cuồng trong căn phòng mênh mang mùi dầu gió làm cay mờ con mắt.
Lúc đưa Nữ ra cổng, chị Nguyệt ngậm ngùi, “Nữ thấy không? Anh ấy không thiết tha đến bất cứ thứ gì. Anh ấy thù ghét, hằn học mọi thứ. Vậy mà khi nhắc đến tên Thúy Uyên, anh ấy vui như không còn bệnh tật gì nữa cả.” Chị bóp chặt bàn tay Nữ. “Chỉ có Nữ là giúp anh ấy được thôi. Nhìn anh ấy, đâu ai ngờ được rằng ngày xưa anh ấy giỏi giang đến bực nào. Hồi xưa, lúc chị còn bé, anh ấy dạy chị học, cốc đầu chị hoài, nhờ vậy mà bây giờ không đến nỗi dốt.” Chị Nguyệt ngưng nói, liếc mắt nhìn vào phía nhà trong, rồi mới lại chua chát, “Nhờ anh ấy dạy học mà bây giờ người ta có nói cạnh, nói khóe mình thì mình cũng hiểu.”
“Nói cạnh, nói khóe là gì hở chị?” Nữ ngây ngô hỏi lúc hai người bước vào phòng khách.
Chị Nguyệt nhìn Nữ, mỉm cười.
song  
#2 Đã gửi : 12/07/2019 lúc 10:13:55(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
2
Lần đầu tiên bước lên sân khấu, Thúy Uyên hẳn cũng xôn xao, hồi hộp và lo âu, nhưng Nữ dám chắc người nữ ca sĩ lừng danh ấy không làm sao có được cái lo âu Nữ đang mang chật cứng hai lồng ngực. Nỗi băn khoăn võng xuống hai chồi ngực con gái no căng, xốn xang như mỗi lần có tháng.
Nữ chưa hát mà môi miệng đã tê, lưỡi đã cùn mằn và cổ họng đã khô rang như chảo không đặt trên bếp nóng.
Không khí căn phòng người bệnh đặc quánh những keo hồ khô hạn, tưởng chừng mỗi bước đi, mỗi cử động đều nặng trĩu bọc hành lý bên mình. Tiếng máy lạnh rù rì đâu đó ở góc tường. Bao nhiêu tranh ảnh Thúy Uyên rải rác chung quanh. Trong thoáng giây, Nữ thấy niềm tủi hổ nào đó giăng ngang cõi lòng như một vẩn mây vướng lại giữa khung trời lặng gió. Thúy Uyên. Tại sao lại là Thúy Uyên mà không phải Nữ. Tại sao không là chị Nguyệt hay chị Liễu. Người đàn ông mơ tưởng viễn vông, thả mồi bắt bóng. Công việc Nữ sắp làm, có phải để tô thêm son, điểm thêm phấn cho một người đàn bà chỉ có giọng ca hốt hồn và một thân hình giông gió; ngoài ra, chẳng có chút lòng nhân nào trong trái tim.
“Thúy Uyên… tới… chưa?” Giọng đàn ông run run hỏi.
“Tới rồi!” Chị Nguyệt vừa trả lời vừa cầm tay Nữ kéo sát đến bên giường người bệnh. Nữ muốn co rúm lại như con sâu để ôm cho chắc, để dấu cho bền cái quặn thắt trong ruột non, ruột già.
“Anh Phong đây Thúy Uyên à!” Chị Nguyệt nói bên tai Nữ. Những ngón tay chị bấm vào cổ tay cô, cho bật ra câu chào hỏi ngượng ngùng.
“Chào anh Phong.”
Lớp da bọc bên ngoài bộ xương chùng lại rồi căng ra trên khuôn mặt rải đầy hang hốc. Hai lỗ mũi phập phòng. Cái miệng há ra nhưng hơi thở bị kềm lại bên dưới lồng ngực nhấp nhô.
“Thúy… Uyên đấy à?”
“Vâng. Em đây…” Nữ thều thào.
“Thúy Uyên đến… lâu chưa?”
Nữ nhìn chăm chú vào khuôn mặt xương xẩu, “Em… mới lại.”
“Đi đường chắc… mệt… Bay từ… Cali qua đây…”
“Cũng không mệt gì mấy, anh…”
“Sao… Thúy Uyên lại… đến thăm… tôi vậy?”
Nữ ngước nhìn chị Nguyệt, dò hỏi. Chị Nguyệt nhướng cao cặp chân mày tô đặm cái hình vòng cung đen nhánh, cố gắng gửi gấm một dặn dò.
Nhưng Nữ không hiểu chị muốn bảo gì. Cô nói đại, “Thúy Uyên nhận thư của anh…”
“Thúy Uyên… tốt quá. Tôi biết… đền ơn… Thúy Uyên cách… nào đây!” Người đàn ông vất vả gỡ từng chữ tẩm đẫm keo, hồ ra khỏi đôi môi khô hạn.
“Không sao, anh…” Nữ nhìn ba người đàn bà đang vây quanh giường bệnh, rồi nhìn xuống đống chăn nệm trắng tinh, nhỏ nhẹ, “Để Nữ… à để Thúy Uyên hát cho anh nghe…”
Có ngón tay nào đó ngắt nhẹ trên trái tim Nữ. Mình lơ đãng quá thôi. Thiếu chút nữa là lỡ lời, làm mất toi buổi trình diễn ra mắt, cuộc thử thách đầu tiên trên sân khấu không có ánh đèn, mà chỉ có tiếng thở dài xót xa của người bệnh ung thư giai đoạn cuối. Và thiếu chút nữa là mất tiêu một ngàn bạc đóng góp thêm vào cái ngân sách èo uột. Nữ cố nén nỗi xôn xao hỗn độn trong lòng, và cố nhớ tên những bài hát mà cô đã tập mòn cả miệng lưỡi.
Môi người đàn ông mấp máy. Như thể chàng đang thì thầm những lời tạ ơn đất trời. Nữ nghiêng đầu lắng nghe. Thời gian ngừng trôi. Những nhịp đập trì trệ của trái tim trong lồng ngực. Máu đông dần trong huyết quản. Nỗi lo âu ràng cứng miệng môi. Tưởng chừng chỉ giây lát nữa thôi mà Nữ không cử động, cô sẽ vĩnh viễn biến thành tượng đá.
Nữ nhìn người bệnh đăm đăm. Giọng cô rạn vỡ nỗi băn khoăn, “Thúy Uyên hát tặng anh vài bài nghe!”
“Cám ơn… Thúy Uyên; cám ơn…”
“Anh thích bài Dấu Chân Mùa Hạ phải không?”
“Sao Thúy Uyên… biết tôi… thích… bài đó?”
“Em… đoán.”
“Thúy Uyên biết cả… ý thích của… tôi nữa, Trời ạ! Nhưng… làm cách nào… Thúy Uyên biết… được?”
Nỗi xúc động của người đàn ông lây qua Nữ, siết lấy cổ họng cô, làm cô mềm như lá xanh, như cỏ non đầu mùa xuân, “Thúy Uyên đọc thư anh…”
“Cám ơn…” Người bệnh thì thào.
“Thúy Uyên hát tặng anh. Có điều không có nhạc đệm theo, chắc không hay…”
Cánh mũi người đàn ông phập phồng, “Không sao, nhạc nào… trên đời này… hay được bằng… giọng… hát Thúy Uyên!”
Nữ ngây người, đắm chìm vào cơn cuồng phong cảm xúc. Kim châm ruột rà, gai móc tim gan. Lời của bài ca đã thấm sâu vào máu thịt sau bao nhiêu lần nghe Thúy Uyên hát trong cuốn băng cát-sét. Âm điệu du dương đã nhập vào xương cốt sau bao nhiêu lần tỉ tê hát một mình. Trong phòng, trên giường ngủ, trong sở làm giữa tiếng máy chạy lịch xịch, ngoài phố xá đông người. Ngôn từ bài hát nghe quen như chính tên tuổi của riêng mình, vậy mà sao uốn lưỡi cả trăm lần những lời tình ngọt ngào vẫn không thoát được khỏi khóe môi.
Nữ mở lớn hai mắt, nhìn đăm đăm mép vải trắng của tấm khăn trải giường. Cô nghe được tiếng thở của tất cả mọi người trong căn phòng phảng phất mùi dầu gió. Người mẹ thở nặng nề như vừa leo những bậc cầu thang chập chùng. Người chị dâu của chị Nguyệt hối thúc nôn nóng qua nhịp thở không đều của một tâm tư không quen chờ đợi. Chỉ tiếng thở của chị Nguyệt làm làm cho Nữ yên lòng. Rán lên đi Nữ, cố lên đi em, giúp anh ấy một lần này… Nữ nghe ra trong tiếng thở của chị những lời thì thầm săn đón.
Bỗng nhiên, chị Nguyệt ngâm nga cái âm hưởng quen thuộc của bài tình ca. Tiếng ngâm của chị lênh đênh trong không gian đặc quánh. Nữ thì thầm hát theo. Cơn sợ hãi rã ra từng giọt thành mồ hôi rịn đầy chân tóc mai. Nữ hát, mê mê, cho đến khi giọng ngâm nga của chị Nguyệt lắng xuống, tan đi trong không gian. Chỉ còn lại giọng hát của người con gái hát thuê lần thứ nhất trong đời.
Nữ vật vã với cảm xúc, quằn quại với những khổ đau mất mát của đời người gài trong lời ca, giắt trong tiếng nhạc. Bài hát phổ thơ. Thi sĩ khóc trăm ngàn lần để những giọt nước mắt kết thành lời thơ óng chuốt. Người nhạc sĩ khóc bao nhiêu lần nữa để nỗi khổ đau đan thành chuỗi âm thanh phù phép. Tới ca sĩ Thúy Uyên, đã bao lần khóc thật thà trên sân khấu khi ngỡ mình là kẻ cô quạnh trên dương gian đi tìm những dấu chân của một mùa hạ đã qua, đã mất. Đến phiên Nữ. Người con gái mới lớn, còn nguyên vẹn những cảm xúc ban đầu cho tình yêu, bỗng dưng thấy mình là kẻ cô đơn nhất cõi đời. Và Nữ run lên với niềm cô đơn, nỗi tuyệt vọng. Nước mắt chan hoà hai bên má. Và khi không giọng hát Nữ khao khao.
Thấy Nữ xúc động, người vợ nhắc chồng cho Nữ nghỉ xả hơi. Chị Nguyệt mang lại cho Nữ ly nước cam mát lạnh. Nữ đón lấy nhưng lại run run đặt xuống chiếc bàn ngủ ở đầu giường.
Nữ lẩn vào nhà vệ sinh, chạy trốn cơn xúc động. Cô nhìn mình tái nhợt trong gương. Mồ hôi nhỏ giọt ở những chân tóc mai. Cô mở hai bàn tay đón dòng nước lạnh ấp lên mặt. Cơn xúc động dịu đi, lắng xuống như thuỷ triều.
Lúc rón rén trở vào, đứng nép bên ngoài khung cửa chữ nhật, để dằn bớt nỗi xôn xao xuống đáy lòng, cô tình cờ nghe mẫu đối thoại rời rạc.
Giọng đàn ông khàn đục, “Cô ấy hát… không còn… hay như… ngày xưa…”
Lòng Nữ chùn lại như con giun bị xéo. Vẫn cái giọng đàn ông ấy vò xé tim cô.
“Không bằng… lúc… thâu băng.”
“Chắc tại thiếu hệ thống âm thanh.” Giọng chị Nguyệt pha đầy nhẫn nhịn.
“Hay tại ông bệnh quá, nghe không còn rõ như trước chứ gì.” Người vợ xen vào cuộc đối thoại bằng giọng chì chiết, khinh miệt.
Nữ rụt rè bước vào phòng. Thúy Uyên huy hoàng bước ra sân khấu. Những con mắt nhìn cô soi mói. Cô nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế gỗ mun bóng kê bên cạnh giường. Nghe tiếng động, người bệnh mò mẫm đưa bàn tay khẳng khiu nắm lấy tay cô, hơi thở hì hục khuân vác giọng nói xôn xao.
“Tôi nhớ… bàn tay thon… của… Thúy Uyên quá, Thúy Uyên… thấy… những poster… tôi treo đầy… trên tường… không? Toàn hình của… Thúy Uyên… Bây giờ không còn… nhìn… thấy… nhưng tôi nhớ… rất rõ cách… Thúy Uyên… diễn tả nỗi… tuyệt vọng trong… tình yêu. Lúc đó… Thúy Uyên hay… đưa bàn tay lên… ngang tầm mắt… Ngón tay trỏ… và ngón tay… cái cong lại… với nhau trông… như người ta… ra dấu… perfect.”
Những ngón tay người bệnh táy máy bàn tay tê bại của Nữ.
“Thúy Uyên hát… lại cho tôi… nghe bài… Dấu Chân… Mùa Hạ… được… không?”
Trong giây lát, Nữ chuyển từ trạng thái tê tái, nhột nhạt, sang cái đăm đắm, mê muội thấy mình thực sự là Thúy Uyên, mình là kẻ đem lại nguồn vui cuối đời cho người bệnh khốn khổ.
Thúy Uyên nhún nhẩy trên sân khấu. Áo mỏng khoe thế gian hai phần ba khuôn ngực trắng hồng. Thúy Uyên thả hồn vào hư không, chập chờn bay trên từng dòng nhạc mê hồn, say đắm của những khúc tình ca ngọt ngào, óng ả. Thúy Uyên váy ngắn lập lờ vùng tối ám, hoang vu, mời gọi. Thúy Uyên đôi chân dài và thon như chân hình nhân trong các cửa tiệm thời trang phụ nữ. Thúy Uyên môi mềm, cong cớn nỗi chờ mong, hờn giận trên nét nhạc u trầm, thống khổ. Thúy Uyên xuất thần trong cơn khoái lạc mê hồn của thịt da vỡ oà cơn cuồng dâm sóng vỗ. Thúy Uyên làm vỡ tan những bức tường kiên cố bao nhiêu nhạc viện xứ người. Thúy Uyên bay về quê hương làm đắm đuối thế gian, làm cau mày đám nhân loại giả hình, dối trá. Nữ là Thúy Uyên; Nữ vĩ đại hơn Thúy Uyên. Nữ làm gió làm mưa trong khoảng không gian chật hẹp bão bùng của căn phòng người đàn ông bệnh hoạn, yếu đuối. Giọng hát vẫn vút cao. Dấu Chân Mùa Hạ; bài tình ca tuyệt vời về một tình yêu dang dở. Thúy Uyên hát cho mình, Thúy Uyên hát cho người.
Nữ dạn dĩ cầm tay người bệnh, đắm chìm vào cơn mê đắm tột cùng. Nữ thấy mình thành danh ca. Nữ vĩ đại hơn Thúy Uyên. Nữ nổi tiếng. Nữ bất tử.
Nữ vuốt ve năm lóng xương khô cong quẹo. Mai mốt người đàn ông này chết đi mang theo giọng ca Nữ. Giọng ca Nữ theo người ái mộ đi vào cõi khác. Không ca sĩ nào làm được chuyện đó. Không một ai làm được chuyện đó; kể cả Thúy Uyên.
Gỡ ra khỏi bàn tay Nữ, cánh tay người đàn ông đưa lên, quờ quạng, cào cấu không gian. Thúy Uyên nghe lòng mình nhói buốt niềm thương cảm đặm đà của một tình yêu nhân loại vô bờ bến. Cô bỏ chiếc ghế, ngồi qua bên mép giường người bệnh. Cô ngồi sát vào người bệnh. Cô muốn nằm xuống, ôm lấy cái thân thể mục ruỗng của người thanh niên. Khoảng nệm êm trũng xuống. Thúy Uyên cầm lấy bàn tay gầy gò, xương xẩu. Bàn tay lạnh khô, còi cọc. Thúy Uyên vẫn vút cao giọng hát đo đếm nỗi buồn phiền của ngày tháng xa vắng người trăm năm hò hẹn. Cái đầu méo mó, xanh mờ chân tóc. Căn bệnh ngặt nghèo đi qua thân thể gầy gò đang trải ra trước mặt cô, để lại dấu vết cùn mằn trên môi miệng khô cháy nứt nẻ những vết nhăn giao nhau trên da. Thúy Uyên không còn e thẹn, ngại ngần, cô miết một bên đùi vào cái thân thể trơ trụi xương khô. Mùi dầu gió xanh phảng phất tỏa ra từ những mảnh xương vụn bọc bởi lớp da nhăn nhúm. Những giọt nước mắt trào ra hai mí. Người đàn ông khóc như mưa dầm. Âm thầm. Lẻ loi. Những ngón tay sôi nổi bóp chặt bàn tay Thúy Uyên. Thúy Uyên như mê đi trong giọng hát của chính mình. Thúy Uyên ru mình, ru người qua cơn đau, qua thống khổ trần gian.
Thúy Uyên nhìn người bệnh, bắt gặp nước trào đầy ắp hai hố mắt nhắm nghiền. Rồi hai con mắt không hồn mở ra. Dòng nước lăn dài xuôi hai gò má xám ngoét, nhăn nheo. Con mắt ném lên trần nhà tia nhìn mang theo thứ ý nghĩa bí hiểm nào đó mà không ngôn ngữ nào trên thế gian có thể dịch cho trọn.
Bài hát ngưng. Không kèn không trống, nhưng tiếng ca rơi xuống vực thẳm, ném lại những vọng âm não nuột. “Cám ơn… Thúy Uyên… Cám ơn Thúy… Uyên…”
Thúy Uyên cúi đầu nhìn khán giả với nụ cười khả ái trên môi. Tiếng vỗ tay đổ vào không gian. Bốn bức tường thiết kế chi li để những tiếng vỗ tay rộn ràng như trống trận và tiếng reo hò bùng vỡ như tiếng đoàn quân thời trung cổ dũng mãnh tràn qua cổng thành một lâu đài thù địch. Thúy Uyên cúi chào khán giả. Thúy Uyên quý phái, duyên dáng chưa kịp quay lưng bước vào hậu trường sân khấu thì bàn tay khô cứng, sần sùi của người bệnh quơ lên mặt Nữ.
Những ngón tay thô chạm môi Nữ. Hai ngón lạnh nhám vén môi cô, rồi những ngón tay kia tìm tòi, chớp nhoáng miết trên hàm răng cô. Nữ bàng hoàng há miệng nhưng từ cổ họng cô không bật ra được tiếng la nào trong cơn á khẩu ngặt nghèo. Ngón tay chạm vào lưỡi Nữ; những ngón tay sần sùi, nhạt thếch, vô vị. Cô hoảng hốt xoay đầu qua một bên, tóc buông rèm che kín khuôn mặt. Cảm giác nhờn nhợn tởm gớm gò thắt cuống họng.
Cái sọ khô thì thào những âm thanh khô hạn, “Thúy Uyên không… còn cái… răng khểnh… ngày… xưa nữa nhỉ… Tôi nhớ cái… răng khểnh thật… dễ thương phía… bên phải… Tôi nằm mơ… thấy Thúy Uyên… cười với tôi, khoe… cái… răng chó… thật dễ thương… ấy… bao nhiêu… lần rồi…”
Người Nữ mọc gai. Tay chân Nữ rụng rời. Thân thể Nữ bại xụi. Bàn tay thô nhám của người bệnh chuồi ngang vai Nữ, đổ xuống trên đồi ngực ăm ắp của người con gái. Những ngón tay miết lên thịt da sần sượng, e ấp bên dưới lớp vải mỏng. Cơn chịu đựng đến hồi bung vỡ, Nữ đứng bật dậy, lảo đảo như người say thuốc. Cô mím môi cắn chặt cái tái tê trên đầu lưỡi. Cô vận dụng đôi chân chống chỏi với cơn quay cuồng chóng mặt của căn phòng mênh mang mùi dầu gió. Ngực con gái mọc gai nhám nhúa. Bao nhiêu năm trời, chưa một lần hình dung được rằng sẽ có một bàn tay sỗ sàng bốc hốt vô tâm.
Khuôn mặt người đàn ông méo xệch đi, vặn vẹo trong cơn đau khổ tột cùng, “Và ngực… Thúy Uyên… bây giờ cũng… không còn như… ngày xưa…”
Bệnh hoạn đến như thế mà những ngón tay xương xẩu vẫn tỉnh táo no căng dục vọng trong phút giây tìm kiếm hung hăng. Rồi bỗng dưng cánh tay ham hố ấy rụng xuống, dán chết trên mặt nệm.
“Chắc… Thúy Uyên… trồng răng giả… chứ gì… Y khoa… bên này… tân tiến… Ngày xưa, ngực… Thúy Uyên… căng như ngực… Thẩm Thúy Hằng… sao bây giờ… Uổng quá!”
Người bừng bừng nóng, Nữ bật khóc. Cô run rẩy dò tìm từng bước chân hụt hẫng. Thân thể nặng nề như tượng đá.
“Mà có phải… cô… là Thúy Uyên… thật… không vậy?” Tiếng thì thầm thoát ra từ đôi môi teo tóp.
Bỗng dưng Nữ bừng tỉnh. Sức lực từ đâu đổ về căng cứng cả tay chân, cô chạy ra phòng khách, quơ vội chiếc bóp, mở bung dây kéo như bão tố, lôi ra những đồng tiền giấy còn sắc cạnh.
“Trả lại tiền mấy người nè. Tôi không quen nói dối, tôi không quen lường gạt…”
Nữ cuống cuồng, nói năng mê sảng. Nữ tất tả đẩy tung cánh cửa, lướt đi như giông gió qua khoảng hành lang rộng thênh thang, con chó nhỏ quấn quýt bên chân làm cô suýt ngã.
Những con mắt sững sờ nhìn theo bóng người con gái hấp tấp bước xuống bậc thềm. Nữ chạy băng băng ra cổng. Những đồng tiền vung vãi trong sân. Con chó tưởng cô đùa giỡn, cũng chạy miết theo.
Trong tiếng gió thổi vù vù bên tai, cô nghe giọng nói bà chị dâu của Nguyệt hoảng hốt dội vào những bức tường thênh thang, “Đem con Lucky vào, không người ta bắt mất bây giờ!”
Và mơ hồ trong tâm tưởng, cô tưởng như nghe được tiếng gọi thảng thốt của người đàn ông nằm co mình trên nệm giường trắng muốt, “Xin lỗi… Thúy Uyên. Tôi nói… năng… bậy bạ… quá… Chắc tại… Thúy Uyên trồng răng… giả nên… hát không còn hay… như dạo… trước đó thôi… Phải không… Thúy Uyên… Thúy Uyên ơi… Thúy Uyên… đâu rồi…”
Hoàng Chính
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.306 giây.