Liệu Hong Kong có là một Thiên An Môn thứ hai?Liệu Hong Kong có là một Thiên An Môn thứ hai?
Hong Kong được trả lại cho Trung Hoa năm 1997, sau hơn 150 năm dưới quyền người Anh. Hai bên Anh-Trung, đồng ý Hong Kong sẽ có quy chế đặc biệt trong 50 năm: “One country – two systems – Một quốc gia, hai quy chế”. Vì vậy Hong kong vẫn giữ tư pháp theo kiểu Anh, tự do hội hợp và tự do ăn nói.
Trong mấy tuần lễ qua, nhiều triệu người đã xuống đường phản đối, gây áp lực lên chính quyền Hong Kong và lục địa.
Tại sao dân chúng, nhất là giới trẻ, xuống đường? Tại sao họ bất mãn? Trung Hoa lục địa đe dọa và nhắc lại Thiên An Môn. Vậy Hong Kong có trở thành một Thiên An Môn thứ hai?
Dân Hong Kong bất bình Trong quá khứ dân Hong Kong (HK) càng ngày càng bất bình vì họ cho là lục địa cố gắng làm mất tính cách đặc biệt của HK. Các khác biệt gồm việc HK có quyền tự do ngôn luận nhưng 5 nhà xuất bản HK, bán ra nhiều sách không mấy đẹp về Tập Cẩn Bình, bị bắt cóc, mang về lục địa xử. Có nhiều cố gắng của lục địa muốn thay đổi sách vở, quy trình giáo dục của HK bằng cách thay đổi, ca ngợi chính thể CS Trung Quốc (CSTQ).
HK được hứa có quyền bầu lãnh đạo của họ nhưng đến nay các lãnh đạo của HK chỉ được bầu bởi “1,200 người đại diện” chứ không có tự do đầu phiếu chọn đại diện cho HK.
Tại sao họ xuống đường?Dân HK đã biểu tình bất bạo động vào tháng 3, 2019 khi chính phủ HK muốn thông qua luật dẫn độ về lục địa. Dân HK cho là khi có luật dẫn độ về lục địa, dân HK sẽ nằm dưới một hệ thống tư pháp không “chí công vô tư” mà do đảng CSTQ kiểm soát. Nếu bị dẫn độ, TQ sẽ ảnh hưởng đến luật pháp – tự do của HK.
Tại HK, việc xuống đường chỉ là phong trào tiếp tục của phong trào “dù vàng” năm 2014 trong đó trên 100,000 người đã ngồi “ăn vạ.” Họ đòi bầu cử trực tiếp, có quyền chọn lãnh đạo trực tiếp của họ.
Các cuộc xuống đường ngày càng lớn vào tháng 6 khi trên 2 triệu người HK phản đối dự luật dẫn độ. Bà Carrie Lâm đã phải “gác bỏ” dự luật này.
Việc này làm dân HK tức giận vì họ muốn bỏ luôn dự luật này chứ không phải cách chính quyền hay làm là “gác sang một bên”, khiến càng nhiều người xuống đường đụng độ với cảnh sát. Cảnh sát bắn đạn hơi cay, đạn cao su, trong khi một số người biểu tình phá tòa nhà Lập Pháp HK và một số bót cảnh sát vì họ cho là cảnh sát dùng võ lực quá trớn. Hơn 750 người bị bắt.
Đa số muốn giữ “một nước hai quy chế” trong khi một số nhỏ muốn độc lập. Nhưng nay, các cuộc xuống đường đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi tự do đầu phiếu ngày càng mạnh. Họ không muốn mất những gì đã có.
Việc xuống đường của dân HK được cả thế giới chứng kiến và theo dõi nhờ truyền thông quốc tế. Họ xuống đường một cách ôn hòa trừ vài vụ lẻ tẻ giữa dân HK và cảnh sát
Dân HK đòi hỏi những gì?Nhiều thành phần xuống đường: thầy giáo, luật sự đoàn, sinh viên, phụ huynh, dân thường. Các công đoàn giáo viên, các hội luật sự… đều tham gia tích cực. Việc này cho thấy đa số dân trí thức hiểu quyền công dân và ý thức chính trị rất cao – hiểu Dân chủ là gì. Tại HK, dân ở cỡ tuổi 24-35 có trên 70% ở đệ tam cấp - Đại Học, cao hơn nhiều nước Âu châu như Pháp hay nhiều nước khác. Nhờ vậy ý thức chính trị, sự hiểu biết về quyền lợi của họ rất cao.
Một ví dụ cho thấy là sau khi biểu tình, chẳng hạn tại phi trường, nhiều nhóm sinh viên đã thu dọn rác để lại và làm sạch các nơi họ đã qua.
Xuống đường không có lãnh đạo cũng cho thấy là họ mềm dẻo và năng động trong tranh đấu. Không lãnh đạo, không tổ chức rõ ràng, do đó chính quyền khó theo dõi. Việc này cũng là khó khăn cho chính phong trào dân chủ này. Mỗi ngày đều có thay đổi. Họ nói “… chúng tôi biết cảnh sát và chính phủ làm gì, ở đâu và chúng tôi theo đó uyển chuyển hành động…”
Họ học bài học năm 2014 đã làm tê liệt HK trong 2 tháng. Biều tình nhiều chỗ - mang mặt nạ, quần áo cùng màu, tránh bị lộ diện vì mạng điện toán nhận diện của cảnh sát, cùng một lúc, cảnh sát không kịp thay đổi, quá tải, – những bài học du kích biểu tình trong thành phố. Khi gặp kiểu du kích này, cảnh sát cũng mệt mỏi, không biết khi nào người biểu tình tụ họp. Họ dùng các mạng xã hội để thay đổi lịch trình.
Các nhóm lên mạng để báo cho nhau biết chỗ nào có cảnh sát, làm gì nếu bị lựu đạn cay, dập nước như thế nào, làm gì khi bị hơi cay, tên tuổi cảnh sát chìm, các nơi có thể trú, đường rút lui…
Đây là bài học du kích thành phố, du kích để đòi quyền được chọn người đại diện cho mình.
Không phải chi có sinh viên mà người dân, công nhân cũng tham gia. Người thì theo dõi cảnh sát để báo cho người khác…
Cảnh sát cố gài người, cảnh sát TQ cũng cố gài công an chìm, nhưng vì không có lãnh đạo, cho nên khó mà có thể bắt giam những người lãnh đạo như những kỳ biểu tình trước.
Sau 11 tuần xuống đường ‘tương đối ôn hòa’, hơn 2,000 viên lựu đạn cay, trên 750 người bị câu lưu, dân HK đã đi từ chỗ đòi hỏi bỏ dự luật dẫn độ về lục địa tới chỗ đòi hỏi một việc lớn hơn: Đòi “Dân Chủ”.
Bỏ dự luật dẫn độ;
Bỏ từ “riot – “bạo động”;
Trả tự do cho mọi người bị bắt;
Ủy ban độc lập điều tra hành động đàn áp của cảnh sát HK;
Đầu phiếu tự do cho lãnh đạo HK và cơ quan lập pháp HK’;
Truất phế bà Carrie Lâm được coi là bù nhình của Bắc Kinh.
Để nhấn mạnh các đòi hỏi của họ, dân HK tràn ra phi trường gây trở ngại, phi trường phải đóng cửa 2 ngày. Họ mong là khi đưa các đòi hỏi của họ ra phi trường thì sẽ được quốc tế ủng hộ.
Theo các chuyên gia về Dân chủ như ông Larry Diamond, cuộc tranh đấu tại HK là cuộc tranh đấu chống lại các chế độ chuyên chế.
Đã có một số xô xát giữa cảnh sát, dân biểu tình và hành khách sửa soạn lên máy bay. Nên nhắc là phi trường HK là phi trường lớn tại Á châu và thế giới, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế HK.
Ảnh hưởng đến kinh tế HKHậu quả kinh tế của việc dân chúng xuống đường là kinh tế chậm lại. Vào đúng lúc thương chiến Mỹ - Trung, HK bị ảnh hưởng nặng nề. HK là thị trường chứng khoán lớn cho lục địa và nơi các công ty lục địa mua bán trái phiếu hay mượn tiền.
Ngành du lịch, ăn uống… bị ảnh hưởng vì việc xuống đường, các cuộc viếng thăm du lịch đến HK tụt 50%. Các khu bán lẻ cũng bị trì trệ.
Điều quan trọng nhất là HK là trung tâm Tài chính, trung tâm ngân hàng và thị trường chứng khoán. Đây là “cửa ngõ” của lục địa với thế giới bên ngoài. Hiện giờ chưa thấy hậu quả xấu, nhưng trong tương lai, HK có thể bị ảnh hưởng.
Thế giới nói gì? TQ nói là nước Anh không nên dính vào việc HK. Các lãnh đạo Anh, Úc và Canada đã lên tiếng quan ngại về những gì xảy ra ở HK. Đài Loan sẵn sàng đón người phải chạy khỏi HK.
Ngoại Trưởng Anh nói quan ngại khi thấy hình ảnh các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và dân chúng. Ông lên án việc dùng vũ lực dẹp các cuộc biểu tình ôn hòa.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi giảm căng thẳng trong khi Thủ tướng Úc không chấp nhận gọi các cuộc biểu tình ôn hòa là “riot – làm loạn.”
Phản ứng của TT Trump làm mọi người trên thế giới ngạc nhiên vì ông cho là chuyện “nội bộ TQ” – chỉ mong không ai bị thiệt mạng. Ngược lại thì thượng viện Hoa kỳ nói HK sẽ mất cơ chế đặc biệt nếu TQ can thiệp bằng vũ lực dẹp phong trào dân chủ tại đây. Đây là cảnh cáo cho TQ.
Phản ứng Trung Quốc? TQ lện án người biểu tình đối đầu với cảnh sát. Họ gọi là gốc rễ “khủng bố”. Báo chí TQ đi từ chỗ im lặng đến chỗ gọi người biểu tình là “du côn – côn đồ” [trong khi chính những người biểu tình tại HK bị “côn đồ” từ lục địa qua hành hung, còn cảnh sát chỉ đứng nhìn].
TQ đe dọa mang quân đội hay cảnh sát dã chiến đến dẹp “loạn” lập lại trật tự cho HK. Vì sao?
Ngày 1 tháng 10 là kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ nắm chính quyền tại lục địa. Để sửa soạn lễ 70 năm, các cuộc thanh trừng xảy ra tại lục địa và ai cũng nghi là ĐCSTQ sẽ không dễ mà để cho HK bất ổn.
TQ cho thấy các hình ảnh cảnh sát dã chiến dẹp loạn, dùng vòi rồng hay xe bọc sắt dẹp loạn tại Thẩm Quyến (Shenzen) cách HK 7 km. Liệu TQ có mang cảnh sát hay quân đội dẹp dân xuống đường hay không? Liệu HK có thể thành Thiên An Môn thứ 2 hay không?
Đánh giá HK có thể là một Thiên An Môn thứ 2 hay không? Có vài điều khác nhau giữa HK và Thiên An Môn:
HK là trung tâm tài chính quan trọng đối với TQ. HK là ngõ ra ngoài, là thị trường chứng khoán cho các công ty TQ vay vốn phía bên ngoài. Nhờ luật lệ của Anh để lại, HK ký nhiều hiệp ước với nhiều nước. Điều này đã bị QH Hoa Kỳ nhắc lại cho TQ, như một lời cảnh cáo.
Chính quyền HK phải mời cảnh sát hay quân đội TQ thì họ mới có thể vào HK.
Dân chúng gồm: Sinh viên HK quen ngoại quốc, nói tiếng Anh thông thạo – tiếp xúc với bên ngoài dễ dàng do đó TQ khó bịt miệng, khó che dấu các sự kiện.
Ngược với Bắc Kinh, HK có rất nhiều người ngoại quốc sống ở đây, không thể dấu tin tức đước, không thể dùng quân đội như tại Bắc Kinh trước đây.
Hơn nữa cảnh sát HK nói họ đủ sức đối phó.
Cả triệu người đã xuống đường và quân đội hay cảnh sát chống bạo động TQ có thể nào dẹp được số người này trừ khi phải bắn đạn thật, là phải có cuộc đổ máu?
Như vậy một Thiên An Môn thứ 2 không mấy khả thi, ít nhất trong ngắn hạn dù TQ muốn an ninh để ăn mừng kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ. Nếu quân đội TQ hay cảnh sát TQ dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Tập Cận Bình tấn công vào HK thì cả thế giới sẽ quay trở lại chống TQ, sẽ lên án và công thức “Một quốc gia hai hệ thống” sẽ bay theo chiều gió.
Các cuộc biểu tình ôn hòa tại HK là cái gai cho TQ, một thách thức với TQ, với họ Tập. Lãnh đạo TQ cũng còn có thể có giải pháp về HK để hạ nhiệt. Việc cách chức bà Carrie Lâm để giảm cường độ chống đối chính phủ HK, làm nguội dần các cuộc chống đối, là một giải pháp.
Sau 11 tuần biểu tình chưa có giấu hiệu chấm dứt, mặc dù có nhiều dấu hiệu nhiều phe muốn giảm căng thẳng.
Cuộc xuống đường gần 3 tháng có hậu quả, gây chia rẽ các sinh viện TQ đến từ lục địa đang du học tại Úc, Canada, vv., và các sinh viên đến từ HK.
Một việc tốt là cả thế giới đều nhìn, và nghiên cứu bài học HK. Các sinh viên từ Hoa lục thì theo chỉ thị của sứ quán, lên án HK là phản quốc.
Các diễn tiến tại HK sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm tới tại Đài Loan. Dân Đài Loan theo dõi, ủng hộ, tiếp đón những người HK có thể chạy qua đây. Có xác suất cao sẽ ra xa lục địa.
Chưa biết các cuộc xuống đường có sẽ thành cuộc “biểu tình dù vàng năm 2014” đi vào quá khứ, nhưng ngày càng rõ là dân HK muốn bảo về quyền họ đã có và muốn đi tới dân chủ thật sự tại HK. Tự do đầu phiếu cho đại diện của họ trong 25 năm tới?
Theo đánh giá thì TQ chỉ dọa mà thôi, không thể nào, ít nhất trong ngắn hạn mang súng, quân đội vào triệt hạ HK, bắn vào dân HK như thời kỳ Thiên An Môn tại Bắc Kinh.
Đây là bài học cho thế giới, cho Việt Nam. Dù sao đi nữa, HK là cái xương khó nuốt của TQ vì bài học du kích chính trị.
Đây là cuộc đối đầu giữa dân HK muốn dân chủ trong khi các quan chức HK muốn theo toàn trị. Ai thắng ai? David HK hay Goliath TQ?
Đinh Xuân Quân
Đinh Xuân Quân (VOA)