logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
khi  
#1 Đã gửi : 28/04/2020 lúc 08:40:56(UTC)
khi

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 338

Dù tôi đã sống trên đất Mỹ nhiều năm rồi, nhưng thỉnh thoảng, trong giấc ngủ hằng đêm, tôi vẫn gặp ác mộng về những lần trốn chạy kinh hoàng của một người bị săn đuổi. Choàng tỉnh dậy giữa đêm, tôi nhớ lại rất rõ nét những giấc mơ vừa trải qua, mồ hôi toát ra như tắm vì tôi như vẫn còn nghe văn vẳng đâu đây tiếng kẻng báo thức rõ mồn một, tiếng kẻng của các trại giam cộng sản Việt Nam được làm bằng những cái niềng (rim) xe hơi và dùng 1 thanh sắt gõ vào tạo thành 1 âm thanh vang rất xa. Ai từng ở tù hay bị đày ra những trại cưỡng bức lao động, hoặc trại tập trung cải tạo của cộng sản Việt Nam thì không bao giờ quên được tiếng kẻng này.


Vẫn còn bàng hoàng, hoảng hốt, và ngơ ngác hết mấy giây đồng hồ, mới nhận ra mình đang nằm trên chăn êm nệm ấm trong căn nhà của chính mình, tiểu bang Arizona, trên đất nước Hoa Kỳ. Những lần như thế, tôi không tài nào ngủ lại được vì cái cảm giác hoang mang, nửa tỉnh nửa mơ, tôi ngồi dậy, với tay lấy cái áo khoác và đi ra nhà bếp pha 1 ly cà phê “cái lồi ngồi trên cái cốc”. Nhìn từng giọt cà phê đang nhỏ xuống ly thủy tinh, một trời ký ức ùa về, cái kỷ niệm không muốn nhớ mà nó cứ theo tôi dai dẳng hằng chục năm trời nay…


Cánh cửa xe bít bùng mở, chúng tôi bị lùa xuống đất , đứng giữa cánh rừng già, trời tối như bưng, không ai biết đây là chỗ nào.Tiếng quát tháo của mấy tên công an lẫn tiếng đạn lên nòng bắt chúng tôi xếp thành hai hàng điểm danh trước khi vào lán trại. Ai nấy xách theo đồ dùng cá nhân là cái bị cói gồm mền, ít áo quần, và thực phẩm khô. Một tên công an đọc tên người tù với cái đèn pin mờ mờ, người có tên tên phải đáp thật to “báo cáo cán bộ có tôi”, rồi lần lượt đứng qua 1 bên. Sau đó một tên có vẻ là trưởng trại đọc “diễn văn chào mừng” phái đoàn chúng tôi vừa được nhập hộ khẩu Tống Lê Chân Hotel, 1 địa danh nổi tiếng trước 1975 là căn cứ tiểu đoàn Dù VNCH, và sau 1975 là trại tập trung cải tạo Cộng Sản dùng để nhốt tù cải tạo.


Tiếp đến, chúng tôi cứ hai người bước vào 1 cái lán rộng mà trong đó đã có đầy những người tù cũ; vài người trong bọn họ thức giấc, một người có vẻ như trưởng lán đứng lên điểm danh chúng tôi, phân chia chỗ nằm rồi ra lệnh cho mọi người im lặng ngủ để mai sớm còn thức dậy đi lao động. Một bạn tù râu quai nón, cùng chuyến xe, tướng tá vạm vỡ, cao lớn, đẹp trai, mắt sáng, được phân chia nằm kế bên tôi. Anh tên Phương, Văn Hoàng Phương. Chúng tôi trở thành bạn từ đó.

Sáng hôm sau, tiếng kẻng đánh thức cả trại. Ai nấy lo rửa mặt vội vàng rồi ra xếp hàng điểm danh trước khi xuất trại đi lao động. Xếp hàng điểm danh, ăn cơm, nghỉ việc, xếp hàng về trại, hay bất cứ công việc gì cũng được báo bằng tiếng kẻng; vì thế tiếng kẻng theo tù nhân khắp mọi nơi và trở thành 1 bản án thứ hai đeo bám họ nhiều năm sau nữa. Bọn công an trại này bắt mọi tù nhân gọi chúng là “anh đội”. Mỗi lần muốn làm gì, phải hô to “báo cáo anh đội, tôi xin phép đi… trút bầu tâm sự, hay làm một cái gì khác.


Chúng lùa chúng tôi ra khỏi cổng trại, khoảng trên 100 tù nhân, với những nòng súng chĩa thẳng vào người và cảnh cáo ai trốn trại sẽ bắn bỏ. Chúng tôi phải phát quang rừng rậm bằng những con dao, búa, cuốc và phảng mà chúng phát cho và dọn đất để trồng ngũ cốc. Mỗi 2 tiếng được nghỉ 10 phút. Tôi và Phương làm kế bên nhau, vừa làm vừa tâm sự, mới biết ba của P. là thiếu tá quân đội VNCH đã chết trong trại cải tạo; P. nói đã quan sát tôi từ ngày còn bị giam trong trại giam, trước khi bị đưa lên “làm vua đất Tống” này. P. nói nếu tôi có ý định gì thì đừng bỏ nó. Tôi hỏi ông muốn nói ý định gì? Nó nói thật là trốn trại, bằng một giọng thật nhỏ. Tôi cười hỏi sao lại chọn tui? Nó nói tui nhìn người chắc không lầm, vì ông khác với các mấy cha kia. Khác làm sao? Khác là ông hay im lặng và quan sát chứ không nói chuyện tán dóc như mọi người. Thì ra! Tôi nói để từ từ rồi tính, bây giờ hơi sớm.


Sau một tuần lặng lẽ quan sát địa hình, lán trại, và hàng rào chung quanh, cùng lúc theo dõi thời khóa biểu làm việc, nghiên cứu thói quen và giờ giấc của mấy tên đội trại. Tôi khuyên P. nên học cách phá rừng, chặt cây và gặt lúa rẫy mà tôi sẽ là thày dạy nó vì tôi đã từng lên non xuống biển nên rành lắm. Tôi và P., tối nào về cũng được bọn đội tuyên dương là lao động tốt, là gương “anh hùng lao động” cho các trại viên khác noi theo để sớm được nhà nước khoan hồng cho về đoàn tụ với gia đình. Luận điệu cũ rích, nghe chán tai! Ít bữa sau, má P. lên thăm nuôi, tôi đã dặn nó xin tiền mặt và chỉ cần ít đồ ăn thôi. Quan trọng nhất là xin một đôi giày bốt của lính. Tôi cũng làm tương tự và cho má tôi biết ý định sẽ trốn. Thằng em trai khuyên tôi anh phải rất cẩn thận vì tập trung cải tạo, tụi nó có thể bắn anh chết rồi vứt xác lên hàng rào, gán cho anh tội trốn trại. Trong khi đi làm tôi vẫn âm thầm quan sát phương hướng đâu là Tây Ninh, đâu là Phước Long và Bình Dương.


Một tối sau khi đi làm về, ăn tối xong là họp kiểm điểm lao động trong ngày, tên cai tù mà chúng tôi gọi là anh đội Hui, hắn tuyên dương Phương và tôi là hai lao động tiên tiến nhất trong nhóm; hắn nói vì thành tích xuất sắc và lao động tốt, nên chúng tôi được đặc ân đi làm tổ lẻ. Tổ lẻ là tổ lao động tự giác chỉ gồm vài người mà bọn chúng tin là lao động tốt cũng như yên tâm lao động cải tạo chờ ngày về với gia đình. Ở tổ lẻ này, chúng tôi sẽ làm việc mà không bị giám sát thường xuyên, muốn nghỉ lúc nào thì tùy ý, lại được đi “cải thiện” bữa ăn theo ý mình.


Sáng hôm sau, tên Hui đưa chúng tôi ra mảnh đất rẫy riêng của gia đình hắn cùng với 3 cô gái mà hắn mượn được từ một trại thường phạm nữ gần bên; cả 5 đứa chúng tôi cùng 2 tên đội vác súng đi ra khỏi trại đến chỗ làm. Chúng để chúng tôi nhổ đậu phộng trên miếng đất rộng hơn một mẫu. Tôi chỉ Phương cách nhổ đậu phộng sao cho nhanh mà không mệt, không đau lưng, và để tạo niềm tin với mấy tên đội. Đáp lại, chúng cho phép chúng tôi được nấu nướng thêm cải thiện cho bữa ăn nên ai nấy đều vui vẻ. Ngày đi lao động hôm sau, chúng tôi đề nghị đưa tiền nhờ anh đội mua dùm mấy lít rượu và ít mồi nhậu chơi; giữa rừng mà được nhậu không tốn tiền, bọn chúng gật đầu liền. Lần này chúng có thêm 1 tên đội nữa đi theo vì biết sẽ có nhậu nhẹt và gái gú, tổng cộng 3 tên và 5 đứa chúng tôi là 8 người. Vừa đến cái chòi nhỏ hai gian, nơi chúng bắt đầu bầy tiệc rượu và cho phép tất cả chúng tôi cùng ngồi xuống uống với chúng. P. tửu lượng rất mạnh, theo kế hoạch, phải cố ép 3 tên uống để chúng bớt cảnh giác. Ba cô gái bị chúng ép uống để dễ bề cưỡng bức, riêng tôi lấy cớ không uống được rượu nên chúng không ép, nói uống được nhiêu thì uống. Sau chầu nhậu, P. giả bộ say, cả 3 tên cũng ngầy ngật, bọn chúng kêu 3 cô gái vào gian bên trong để “làm ăn” và nói hai đứa bay nghỉ ngơi phòng ngoài, không được vô đây. Hai đứa tôi bọc theo mỗi đứa 1 bịch thuốc rê, cái hộp quẹt dầu lửa bằng nhôm, và 1 lon Guigoz kẹo. Quần áo thì mặc 2 lớp vì thời tiết trong rừng khá lạnh, quần dài, chân mang giầy lính cũ.


Chúng tôi chỉ dám thì thầm với nhau trong khi tai vẫn lắng nghe tiếng cười giỡn của bọn cai tù và 3 cô gái ở buồng bên cạnh. Một hồi sau, tiếng cười im bặt, chỉ còn tiếng thở hổn hển và tiếng chõng tre kêu kẽo kẹt không ngừng. Bên này, chúng tôi hút thuốc liên tục, căng thẳng, hồi hộp, tim đập nhanh vì giờ hành động đã đến gần. Hai đứa nhìn nhau ngầm ra hiệu phải sẵn sàng bất cứ lúc nào. Ống tay áo và ống quần được buộc chặt bằng giây rừng để côn trùng như ve, vắt không thể chui vào được.


Khi lập kế hoạch thì dễ, nhưng khi sẵn sàng để chạy thì thật không dễ dàng chút nào. Gian bên trong, bọn đội vẫn đang hì hục với mấy cô tù nữ, chúng tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng được tiếng mất, chỉ biết bọn chúng đang rất bận rộn và không còn cảnh giác với chúng tôi. Tôi và P. từ từ xê dịch ra gần cửa căn chòi, tay mỗi thằng cầm 1 điếu thuốc rê, vừa hút vừa giả bộ nói chuyện thời tiết và trồng trọt nhưng mắt thì dòm chừng phía trong. Bất ngờ một tên bước ra đi tiểu, chắc để dòm chừng chúng tôi, xong lại đi vào gian trong tiếp tục đú đởn.  


Tôi nói nhỏ vào tai P. chạy đi, tui sẽ theo ông. Nó nói ông chạy trước đi, tui theo ông. Thằng này “nhường” thằng kia chạy trước, nhưng chẳng thằng nào dám. Tôi thầm tính toán từ đây mà chạy thật lẹ đến bìa rừng, nơi có cây cối rậm rạp che chở và che khuất tầm nhìn, khoảng 500 mét. Nếu đến bìa rừng mà chúng mới hay thì sẽ không lo bị bắn trúng. Đẩy qua đẩy lại riết cũng chẳng đi đến đâu, mà cơ hội chỉ đến 1 lần, tôi vụt đứng lên một cách nhẹ nhàng, và như một vận động viên điền kinh, tôi phóng thật nhanh nhắm hướng bìa rừng, P. bám sát tôi từ đằng sau. Hai thằng chạy như bay trên mặt đất được vài trăm mét, đường đất thụt lùi sau lưng thật nhanh, khi gần đến được bìa rừng thì chúng tôi nghe tiếng hét đứng lại, và sau đó là 3 tiếng súng nổ vang, rồi 3 tiếng súng đáp lại từ xa, sau đó thêm nhiều tiếng súng AK tiếp theo rất gần đằng sau lưng. Thú thật lúc đó tôi cũng không biết lằn đạn có xẹt ngang đầu chúng tôi hay không vì tiếng cành lá loạt xoạt trên đầu, bên tai, đập vào mặt mày. Chỉ còn biết tiếp tục chạy ngoằn ngoèo và chạy thục mạng, chạy để kiếm cái sống trong cái chết nên chúng tôi chạy không thua gì vận động viên điền kinh thế vận hội, có khi còn nhanh hơn họ là khác.
Một là chúng bắn dở, hai là Ngọc Hoàng chưa dũ sổ, chẳng viên đạn nào bắn trúng chúng tôi. Quay đầu thật nhanh để ước lượng khoảng cách giữa chúng tôi và bọn đội cai tù, tôi khá yên tâm và chợt nhận ra 1 sự thật bi hài là P. vẫn bám sát và vô tình tấm thân to lớn hộ pháp của nó che chở tấm thân gầy gò của tôi; nói vui nếu bọn kia bắn giỏi thật, sẽ trúng P. trước khi trúng tôi. Chạy trước thế mà hay!  Đúng là tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách: 36 kế thì chạy vẫn là kế sách hay nhất.


Chúng tôi vẫn chạy giữa những lằn đạn xen lẫn tiếng hò hét, chửi thề của bọn đội cai tù sau lưng. Chạy được vào trong rừng, khi cây cối rậm rạp che chở chúng tôi khỏi tầm nhìn bọn chúng, nhưng tiếng đạn nổ và tiếng súng phóng lựu M-79 vẫn nổ rền vang. Không biết chạy được bao xa, trước mắt tôi là một rừng tre gai bạt ngàn, có những bụi tre vì quá cao nên đổ rạp xuống theo 1 chiều có thể dài đến gần 100 mét, hết bụi này lại tới bụi khác theo nhau trải thành 1 cánh rừng tre nghiêng dài như bất tận. Tôi lủi vào 1 bụi tre nghiêng gần sát mặt đất và bò vào thật nhanh như lính trong quân trường. Chúng tôi bò sâu, thật sâu vào bên trong gốc tre cho đến khi không còn bò được nữa mới phải dừng.


Hơi thở dồn dập, tim đập từng hồi nghe như tiếng trống chầu. Tôi thì thầm vào tai P., tim ông đập to quá, ráng nhỏ lại 1 chút được không? P. nói tim ông cũng đập rầm rầm. Thì ra hai thằng nghe chính tiếng tim của mình đập loạn xạ mà cứ ngỡ tiếng tim của bạn mình. Chúng tôi cố điều hòa lại hơi thở để nhịp tim chậm theo trong khi mồ hôi nhỏ ròng ròng xuống mặt đất phủ dày lá tre mục; thằng này lặng lẽ ngó thằng kia, gương mặt vẫn còn tái xanh và ánh mắt nặng trĩu âu lo.


Chợt tóc tai tôi dựng đứng. Trước mặt tôi là hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn những sinh vật ngọ nguậy, nhỏ như cây kim may, tiệp với màu lá tre khô, đang nhảy múa điệu luân vũ mùa Đông và chúng bắt đầu “hồ hởi, phấn khởi” búng mình tung lên cao rồi nhẹ nhàng đáp lên mặt mũi, tay chân mình mẩy cả hai chúng tôi. Nói thì chậm nhưng tốc độ của chúng nhanh như tia chớp, chúng tôi chẳng làm gì được, nằm im chịu trận tại chỗ, không dám gồng mình lên, mà cứ phải nhũn như con chi chi, chịu trận để cho các nàng “vũ nữ thân gầy” tha hồ muốn làm gì thì làm trên “long thể” bất an mà “long sàng” có rệp của chúng tôi. Đôi mắt của P. cũng chuyển hướng và “cùng nhìn về 1 phía”, nó chưa bao giờ thấy cảnh này, hỏi nhỏ, con gì vậy? Con vắt. Nghe xong tóc tai nó cũng dựng đứng, miệng nó lẩm bẩm “tiếng lạ”, có thể thấy sự kinh hoàng hiện lên trong đôi con ngươi đứng tròng của nó.


Nghe tiếng chân bọn đội chạy xa dần theo một hướng khác, chúng tôi vẫn cố nằm im không nhúc nhích và sống chung hòa bình với các nàng “kỳ (cục) nữ” này. Lạ một điều là các nàng đặt môi lên da thịt chúng tôi một cách nhẹ nhàng, êm ái còn hơn người yêu với nụ hôn thuở ban đầu. Chúng tôi không hề thấy đau hay ngứa ngáy gì cả dù trong lòng thừa biết môn “hấp tinh đại pháp” của các nàng đang rút dần mạch máu chúng tôi. Mỗi lần nhúc nhích là bị gai tre đâm vào da thịt đến ứa máu nên hai thằng càng không dám cục cựa mà phải nhắm mắt chịu đựng “thú yêu thương” để mặc cho các nàng làm mưa làm gió trên da thịt, kể cả những vùng “đam mê, nhạy cảm”, không  một lời than van. Chịu đựng không biết là bao lâu, chúng tôi chợt nhận ra được mấy con vắt “yêu” cũng không đến nỗi nào! Mối lo canh cánh bây giờ là gai tre vì bây giờ mới thấy đau rát chỗ bị cào. Cha ông ta có câu: “Nhất chém tre, nhì ve gái”. Quả không sai chút nào!




 Ở Việt Nam có rất nhiều loại tre, nhưng tre gai là loại tre bạn đừng nên đụng đến và càng không nên “dỡn mặt vì cành nó gai góc, những cái gai có thể dài 3, 4 centi mét mà ngày xưa miền Nam mình trồng xung quanh làng thôn, ấp chiến lược. Việt cộng nằm vùng cũngchào thua vì không dám xâm nhập, dại dột bò vào bụi tre “khi vô thì dễ, khi về thì không”. Ngay cả chó cũng ngần ngại khi chui vào bụi tre gai, vì có ra được thì cũng trầy da tróc vảy. Giờ chúng tôi đã lỡ vào, làm sao ra? Có lo cũng chẳng làm gì được, đành phải nằm im tại chỗ, tránh gây tiếng động để khỏi bị bắt rồi tính sau.


Có lẽ bọn cai tù không ngờ chúng tôi gan hơn… chó, dám liều mạng chun vào bụi tre gai, nên chỗ chúng không ngờ nhất lại là chỗ an toàn nhất cho chúng tôi. Nằm một hồi lâu, không hẹn mà cả hai chúng tôi đều thiếp đi lúc nào không hay, có lẽ do mệt lả, căng thẳng, và khiếp sợ. Mở mắt tôi đoán chắc trưa lắm rồi vì ánh nắng trên đỉnh đầu vẫn nhảy múa xuyên qua kẽ lá. Chúng tôi lại trôi vào giấc ngủ không biết bao lâu cho đến khi nghe tiếng kẻng trại vang lên khá gần, tôi mở mắt lần thứ hai, đoán chừng trời đã về chiều, có lẽ kẻng tập họp và cơm chiều. Tôi chợt nghĩ đến lon guigoz kẹo, thì thầm hỏi P., nó nói tưởng ông cầm rồi. Trời ạ, thằng này tưởng thằng kia cầm mới chết chứ, phen này không có kẹo lấy gì sống đây? Nhai thuốc rê chăng?


Trời chạng vạng tối dần, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng thú vật đi ăn đêm sột soạt gần đây càng tăng nỗi sợ hãi cho chúng tôi, nhất là P., vì đời nó chưa bao giờ trải qua cảnh này; riêng tôi dù nằm bờ nằm bụi nhiều cũng vẫn không ngăn được cảm giác bất an. Bên ngoài không còn nghe bất cứ tiếng động hay tiếng nói chuyện, tiếng bước chân gấp rút của bọn cai tù, chúng tôi yên tâm và thầm nghĩ chắc bọn chúng vẫn đang còn lùng sục chúng tôi ở nơi xa xôi nào đó mà không ngờ chúng tôi vẫn còn ở gần bên. Giờ này mà ló đầu ra là bị tóm ngay, vì thế tôi bàn với P. là chờ đến nửa đêm mới chui ra, thôi thì đánh thêm 1 giấc nữa. Nói thì dễ nhưng ngủ không dễ vì lúc này đầu óc tôi đầy những toan tính làm gì, bằng cách nào, sẽ theo hướng nào cho an toàn. Tiếng ngáy nho nhỏ vang lên từ người bạn đồng hành khiến tôi trở về với thực tế. Tôi đánh thức P. dậy và nói nếu chúng ta chui ra thì tuyệt đối không đi vào những đường mòn vì sẽ rơi vào ổ phục kích của bọn cai tù, còn không thì gặp dân đi rừng, họ cũng bắt chúng ta để lãnh 15 ký gạo và vài ký cá khô. Vậy chúng ta chỉ còn cách cắt rừng mà đi, tuy mất thời gian hơn nhiều nhưng chắc ăn.


Đợi thêm rất lâu nữa, tôi đoán cũng gần nửa đêm vì chung quanh yên ắng lắm và chúng tôi cảm nhận được hơi sương ẩm ướt. Chúng tôi bắt đầu bò ngược ra, chân ra trước, đầu theo sau. Thỉnh thoảng tiếng xuýt xoa kêu đau của cả hai đang kềm hãm trong cổ họng vì bị gai cào rách áo, xuyên qua da thịt. Sau cùng, chúng tôi ráng xoay đầu lại và bò ra, cách này nhanh hơn và đỡ bị gai đâm. Không biết là bao lâu, cuối cùng cũng rồi cũng đứng thẳng người lên được sau cả ngày không ăn mà chỉ được nằm. Lạ một điều không thằng nào thấy đói, chỉ cảm giác cổ họng khô và đắng nghét. Có lẽ nỗi sợ khỏa lấp cái bao tử đang cồn cào.


Chúng tôi quyết định đi về hướng Tây Ninh là gần nhất và vì núi Bà Đen sẽ là cột mốc định hướng, là cái GPS chính xác nhất mà không sợ lạc. Hai thằng cứ im lặng mà đi nhưng đôi tai luôn nghe ngóng, mắt nhìn tứ phía trong màn đêm. Người phía trước quan sát hai bên và trước mặt, người phía sau lo hai bên và đằng sau. Cứ như thế chúng tôi đề cao cảnh giác, cắt rừng mà đi, tôi đi trước và P. theo sau; cả hai không nói một câu vì mãi đeo đuổi với nỗi lo riêng tư. Thỉnh thoảng tiếng động của thú rừng đi ăn đêm cũng khiến chúng tôi thót tim, dừng lại, và ngồi thụp xuống nghe ngóng. Cắm cúi đi lâu lắm, chúng tôi thấm mệt rã rời vì phải vừa đi vừa vạch cây lá để đi tới. Hình như cái đói bây giờ mới hỏi thăm, chúng tôi đã không ăn và uống gì từ sáng hôm qua, cổ họng khô đắng, nuốt nước miếng cũng khó khăn.  P. đề nghị ngừng lại nghỉ, tôi nói ráng chút nữa vì ban ngày sẽ tha hồ nghỉ. Cứ thế hai thằng tiếp tục lê đôi chân rã rời với hai cái bao tử lép kẹp cho đến khi chúng tôi nhìn lên thấy bầu trời hừng sáng, bèn kiếm một chỗ thật kín đáo để nghỉ ngơi.
Chỗ núp của chúng tôi là một bụi cây um tùm rất dày đến độ ánh sáng cũng khó lọt vào, tạm yên tâm với chỗ nằm kín đáo và ấm cúng, hai thằng ngả lưng và thở dài khoan khoái, ít ra cho đến lúc này chúng tôi chưa bị bắt lại. P. vừa nằm xuống là cất tiếng ngáy như cối giã gạo làm tôi hết hồn sợ có người đi ngang nghe được thì đúng là “đoạn cuối cuộc tình”. Chúng nó mà bắt được hai đứa thì thật là … thôi, không dám nghĩ đến nữa. Mắt tôi cũng díu lại, mở không lên, tôi chập chờn đi vào giấc ngủ với lỗ tai vễnh lên đề phòng.


Không biết bao lâu cả hai chợt tỉnh giấc, cùng nhìn nhau, và cùng ngồi bật dậy ngơ ngác không biết mình đang ở đâu? Sau vài giây định thần, chúng tôi ý thức được tình cảnh hiện tại, hai đứa đang trên đường chạy trốn. Bây giờ cái đói, cái khát bắt đầu hành hạ chúng tôi. Bước ra khỏi bụi rậm, tôi leo lên một cái cây cao và quan sát, thấy xa xa là một thung lũng xanh rì, bèn leo xuống bàn với P. là chỗ trũng thường có nước. Hai thằng đi về hướng đó, vừa đi vừa chú ý đề phòng. Cuối cùng chúng tôi thấy được 1 giòng nước nhỏ róc rách chảy giữa hai bờ cỏ dại xanh mướt đầy rong rêu, bề ngang khoảng nửa thước. Mừng quá, cả hai vục nước vào lòng bàn tay và uống thật no nê. Nước trong và mát lịm như nước cam lồ. Chúng tôi ước chi có cái lon guigoz để đựng nước thì hạnh phúc biết mấy.


Sau đó kiếm một lùm cây rậm rạp, chúng tôi ngồi xuống vấn thuốc hút. P. cởi áo ra cho đỡ nóng, tôi thấy trên lưng nó những con vắt đã no máu, màu đen tím, to bằng đầu đũa, đeo dính đầy lưng. Tôi lấy đầu thuốc rê đang cháy, dí vào 1 con, nó rơi xuống đất và tiếp tục làm như thế với vài chục con nữa. Xong tôi lấy cành cây đè chúng bẹp dí, chúng bể ra đầy mùi máu tanh. P. cũng làm gỡ dùm rất nhiều con vắt trên lưng tôi. Hai thằng cởi luôn cả quần dài và quần lót mới khám phá ra các nàng “vũ nữ thân gầy” này không chừa một chỗ nào mà các nàng không viếng kể cả những nơi không ngờ nhất trên cơ thể chúng tôi. Tới chỗ khó ăn khó nói này thì mạnh thằng nào lo cho thằng đó không còn màng đến chuyện “thế sự thăng trầm, quân mạc vấn”.


Xong chuyện bắt vắt bắt ve cho nhau, chúng tôi cần một chỗ an toàn để ngủ tiếp, nhưng cái bao tử nó reo lên biểu tình và phát ra tiếng kêu òng ọc; hai thằng đi men theo con suối nhỏ lên đến một dải mô đất cao bên trên um tùm những bụi cây. Thả mình xuống một lùm cây, chúng tôi thấy sâu bên trong có một cái hang hơi tối. Nghĩ rằng chắc người đi rừng đó đào hang để làm chỗ ngủ, chỗ trú ẩn hay chỗ cất đồ cá nhân. Hai thằng bèn bước vô bên trong coi có gì không, may ra có chút khoai mì hay khoai lang khô thì đỡ khổ. Vừa khom lưng đi vào vừa cảnh giác nên chúng tôi đi thật chậm trong cảnh tranh tối tranh sáng, chúng tôi thấy một đống gì lùm sùm ở cuối hang. Đến gần chạm vào nó, thì ra một tấm bạt ny lông gói cái gì bên trong hơi nặng. Hai thằng mừng rỡ chắc phen này có được cái gì đó bỏ bụng, bèn kéo lê cái gói bao nhựa đó ra. Đến cửa hang, có nhiều ánh sáng, hai thằng lui cui tìm cách tháo mấy sợi giây ny lông gói quanh gói hàng. Giây cột đã mục rã bứt cái là đứt. Tôi đoán chắc gói này ở được giấu ở đây lâu rồi. Vội vã và hồi hộp chúng tôi mở tung gói nhựa ra, P. hét lên đầy kinh hãi “Má ơi, má ơi. Phật độ, Phật độ! Nam mô a di đà Phật”. Chẳng khá gì hơn nó, tôi té ngồi xuống đất, miệng cà lăm những lời vô nghĩa. Trong tấm ny lông là một mớ xương người. Phải, đó là xương người, không cần nhìn kỹ cũng biết đó là xương cốt của con người với hai cái đầu lâu không thể lẫn vào đâu được. Tự nhiên tôi cũng lẩm nhẩm đọc kinh theo phản xạ tự nhiên.
khi  
#2 Đã gửi : 28/04/2020 lúc 08:42:16(UTC)
khi

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 338

Khi đã bình tâm trở lại, chúng tôi gói hai bộ xương lại trong bao nhựa và đem trả lại vào hang, sau khi cầu xin vong hồn người chết phù hộ cho chúng tôi trốn trại bình an bằng hai cây nhang thuốc rê, rồi đi kiếm chỗ khác mà ngủ. Cuối cùng cũng có một góc an toàn và yên tĩnh tạm ngã lưng, nhưng cái đói lại cồn cào không ngủ yên được. Tôi nói P. ở đây để tui đi tìm ít lá rừng bỏ bụng. Lần theo bờ suối, tôi kiếm được lá giang, một loại dây leo hoang dã trong rừng có vị chua mà tôi thường hái để nấu canh chua khi đi phá rừng làm rẫy. Còn có cả rau đay rừng mọc hoang rất nhiều, nhưng làm sao nấu canh? Nếu ăn sống thì rất đắng và nhớt; thỉnh thoảng một vài cây ớt rừng, trái nhỏ xíu mà cay thấu trời xanh. Tôi cũng hái tất cả đem về chỗ trú ẩn. Hai thằng nhai lá giang, xong thử qua rau đay thì phải nhổ ra vì đắng còn hơn ký ninh, ớt thì nhấm một chút, cay chảy nước mắt và xốn xang bao tử. Dầu sao cũng có chút rau cỏ trong bao tử, hai thằng còn tếu lâm nói bò ăn cỏ mà mạnh như…bò, thì mình cũng sống mạnh với lá giang. Chúng tôi cũng tìm thấy rất nhiều trái rừng chín đỏ, coi hấp dẫn, khi cắn thử thấy vị ngọt, nhổ ra không dám ăn. Kinh nghiệm đi rừng cho biết trái chua thì ăn, trái ngọt thì đừng. Sau khi no nê toàn lá với lá, chúng tôi ráng dỗ giấc ngủ để lấy sức tối đi tiếp.


Ánh nắng chiều nhạt dần trên cành lá, trời vừa xẩm tối, tôi đánh thức P. dậy, hai đứa lại đi, nhắm hướng núi Bà Đen xa xa mà đi với hai cái bao tử lép kẹp vẫn đang sôi òng ọc, cố tránh các con đường mòn, biết là lâu nhưng an toàn hơn. Chúng tôi bước đi mà như lết; lết là phải vì giờ đây hai thằng gần như lả đi vì đói. Hai thân hình nặng nề dựa trên hai cây gậy loạng choạng dựa vào nhau mà đi. Đêm hôm đó, trăng mờ nhạt, vẫn miệt mài đi cho đến khi ra khỏi khu rừng rậm, chúng tôi đi vào một vạt cỏ tranh dài ngút ngàn, đúng ra là một rừng cỏ tranh cao hơn đầu người. Cỏ tranh là loại cỏ thân dài, mảnh mai mà dân mình dùng để lợp nhà, cạnh rất sắc có thể cắt đứt tay như bị dao lam cắt. Đặc biệt chồi non của nó lúc nhú lên khỏi mặt đất thì nhọn và cứng như đinh có thể đâm lủng dép; ai chân không đi vào đám cỏ tranh thì chỉ có khóc tiếng…lạ, không thể nào mà bước nổi. Nhờ mang giày bốt đờ sô của lính VNCH ngày xưa nên hai thằng không hề hấn gì mà vẫn cứ hiên ngang“đường trường xa ta quyết đi cho tới cùng”.


Đi trong rừng tranh cao ngập đầu có cái khổ là tiếng cọ xát của cỏ tranh tạo nên tiếng xoàn xoạt không ngừng khiến mình không thể nghe tiếng động nào khác; cộng thêm ánh trăng bàng bạc tạo nên 1 cảnh tượng huyền ảo như trong truyện thần tiên. Chân bước mà tâm hồn như đang trong mơ và đầu óc mụ đi, không suy nghĩ gì cả. Chỉ biết là chúng tôi đi lâu lắm, lúc này chúng tôi không còn biết sợ hãi là gì.


Vừa đi vừa vẹt cỏ tranh ra hai bên, tôi chợt nghe, từ phía ngược lại, tiếng cỏ tranh khua động rất mạnh, tiếng cỏ tranh bị bứt đứt nghe bừng bực, và tiếng chân nện thình thịch đang hướng về phía mình, tôi tạt ngang qua phải và ngồi thụp xuống theo phản xạ, P. dạt qua trái và cũng ngồi xuống. Lúc đó tôi bắt đầu sợ, phen này bị bắt lại chắc sẽ bị hành hạ rồi bị bắn chết vất xác lên hàng rào kẽm gai. Nỗi sợ hãi tăng dần theo tiếng cỏ bị giật đứt. Nhưng tôi là “đầu đảng” mà lại hèn thế à? Ghé sát và thì thầm vào tai P.: - “Phải đánh lại dù chết cũng phải đánh nhé, chứ để bị bắt cũng chết thôi”. Hai khuôn mặt đằng đằng sát khí. Hai cặp mắt long lên sáng ngời. Hai đôi tay nắm chặt hai cây gậy “đả cẩu bổng”. Phen này quyết chiến quyết tử với kẻ thù cho dù phải giáp lá cà với bọn chúng. Cũng nên nhớ là cỏ tranh cao hơn đầu người nên chúng tôi không thể nhìn thấy gì ngoài cỏ tranh trước mặt và may ra có thể thấy và áp sát kẻ địch khi chúng đến thật gần mà thôi.


Quyết định rồi, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, hơi thở nhẹ nhàng trở lại, sẵn sàng chờ đợi kẻ địch đang tiến về phía mình. Tiếng cỏ tranh xào xạc càng lớn hơn và tiếng cỏ bị đứt lại càng gấp rút hơn. Tim tôi đập thình thịch. Máu tôi chạy rần rật. Tay tôi mồ hôi lạnh. Tôi hình dung ra bọn chúng đang xiết vòng vây chung quanh và vòng người cứ nhỏ lại dần. Tôi tự hỏi bọn chúng có bao nhiêu đứa? Có súng không? Hay chỉ dao, rựa? Dù sao đi nữa thà chết tự do ngoài vòng rào trại tập trung còn hơn sống hắt hiu ở trong tù. Rồi cái gì tới phải tới, sát lắm rồi! Gần lắm rồi! Phải liều chết thôi! Nhưng sao hơi thở của chúng nghe phì phò to thế? Một cái đầu to lớn hiện ra mờ mờ dưới ánh trăng xen lẫn cỏ tranh, tôi chuẩn bị hét một tiếng thật lớn uy hiếp tinh thần đối thủ và quật một gậy vào đầu nó. Gậy vung lên, miệng và tay dừng lại kịp vì nhận ra không phải đầu người mà là đầu một con… bò, tiếng bừng bực là do cỏ bị đứt vì nó đang nhai. Nó cũng dừng lại một chút vì nhận ra tôi, một con… người, rồi chẳng buồn nhìn coi tôi là ai, nó rẽ qua một bên tiếp tục vừa đi vừa nhai cỏ, theo sau nó là 3 con bò khác với những tiếng cỏ tranh bị đứt còn to hơn trước. Tôi suýt hét lên một tiếng sung sướng vì không gặp phải con người, mà gặp một con bò, nhưng tôi đã kềm lại được vì nhớ ra đang trên đường chạy trốn, nên thôi. Hú hồn! Cảm giác như vừa qua cơn ác mộng, tim vẫn còn đập liên hồi, máu vẫn chạy rần rật trong huyết quản; chúng tôi vui mừng quá đỗi, bèn dạt qua một bên nhường đường cho các “ông lớn” đi qua. Các “ngài” vừa ngoảnh đi là hai thằng cũng lăn ra trên cỏ tranh mà cười ngất. Nếu có bò là có người đi rừng gần đây, họ thả bò đi rông để nó ăn cỏ rồi nó sẽ tự tìm đường về lại với chủ.


Lần này chúng tôi cảnh giác hơn lúc nãy, đi cách xa nhau hơn; khoảng 1 tiếng sau, chúng tôi lại đi vào một khu rừng thưa và thấy xa xa có những đốm lửa của dân đi rừng. Tiến lại gần hơn, có khoảng gần 10 chòi lá rải rác cách nhau khá xa, thấp thoáng ánh lửa bên trong, hình như họ đang nấu cơm chuẩn bị đi rừng, bên ngoài chòi là những chiếc xe bò đậu với hai càng đằng trước được chống bởi 1 thanh cây lớn hình chữ Y.


Quan sát hồi lâu, tôi thấy 1 căn chòi nhỏ nhất bên trái, không có xe bò bên ngoài và có vẻ như xa cách với mấy chòi kia. Chúng tôi đánh bạo bước vào, người đàn bà đang nướng mấy con cá khô, giật mình ngẩng lên nhìn chúng tôi và hỏi: -“ Mấy chú là ai, đi đâu vậy?” –“Thưa dì, tụi con đi kiếm hai con bò lạc mẩy bửa nay mà không thấy, rồi hết lương thực nên ghé đây xin chia 1 chút, tụi con xin gởi tiền lại”. Người đàn bà nói- “Để tui hỏi ba con hai coi ổng chịu hông nghen”. Nói rồi, bà ta bước vào sau bức vách bên trong và thì thầm gì đó. Một người đàn ông hơi gầy, da rám nắng, râu cằm thưa, dáng nhỏ nhắn, có vẻ hiền từ, bước ra chào chúng tôi rồi và mời chúng tôi ngồi chơi uống nước trà. “Mấy chú ở đâu tới, mất bò hả? Mất lâu nay rồi? Hổm rày kiếm ở đâu?”. “Dạ tụi con kiếm 2 bửa nay rồi mà không thấy”. Tôi tránh trả lời câu hỏi từ đâu tới, vì có biết từ đâu? Ông ta lấy cái điếu cày nhôm bằng vỏ đạn trái sáng ra, vê một bi nhét vào cái nõ tre, với tay lấy cái đóm tre mồi lửa hút, kéo môt hơi thật dài như để khói thuốc thấm sâu vào lá phổi rồi mới từ từ nhả khói ra. Khói thuốc hòa lẫn với mùi cơm chín tới và mùi cá khô nướng làm hai thằng tôi thèm chảy nước miếng mà phải ráng ngồi im.


Ông trao điếu cày và mời chúng tôi hút. Đợi hai thằng hết cơn phê thuốc, ông nhìn chúng tôi hồi lâu như quan sát, rồi mới chậm rãi nói: - “Giờ tui hỏi thiệt nghe, mà hai chú phải trả lời thiệt thì tui mói biết đường mà giúp hai chú. Hai hôm nay công an trại giam, tụi nó đi lùng sục tùm lum hết. Tình hình căng lắm, tui nói để hai chú tính”. Hai thằng nổi gai ốc, thằng này liếc thằng kia mà không biết nói gì. Để phá tan bầu không khí nặng nề, sau khi hai thằng nhìn nhau bằng ánh mắt đồng tình và cái đá chân nhẹ của P., tôi lên tiếng: - “Không giấu gì chú, tụi con là tù trốn trại, nhưng không phải là tù hình sự, xin chú thím giúp đở, tụi con mang ơn chú thím nhiều lắm”. “Tui nghe tiếng súng nổ rền sáng hôm kia, biết là tù trốn trại, rồi thấy công an túa đi khắp nơi hỏi tụi tui có thấy hai thằng trốn trại không? Giờ này tụi nó vẫn còn chốt mấy con đường mòn về phía Tây Ninh đó. Mấy chú ra là bị tóm liền. Tụi nó còn treo giải thưởng mười mấy ký gạo, muối với khô cho ai bắt được hai chú là được 30 ký gạo rồi”. Lần này chúng tôi còn run hơn lúc mới chạy trốn, mặt càng xanh như tàu lá chuối, hồi hộp nhìn ông già với đôi mắt van lơn, thầm nghĩ không biết ông bà này sẽ làm gì với mình. Leo lên lưng cọp rồi, muốn xuống cũng không xong.


“Thôi giờ vầy, hai chú đói lắm phải không? Ăn tạm miếng cơm cá khô đi rồi tui giúp cho. Tui nói là tui giữ lời, đừng sợ. Nói thiệt mấy chú, tui trước 75 là chi cục phó chi cuộc cảnh sát quốc gia gần Tây Ninh, sau 75 cải tạo hết mấy năm, giờ dìa làm rừng. Trời xui đất khiến mấy chú vô chòi tui chứ mấy chú mà vô mấy chòi kia là bị bắt rồi. Tụi nó gia đình cách mạng nòi mờ. Thôi yên tâm ăn cho no rồi bả dẫn mấy chú đi tắt ra khỏi rừng này về Dương Minh Châu, đón xe về Sài Gòn”. Không thể nào tả hết niềm vui và xúc động của hai đứa tôi, lần lượt chúng tôi nắm tay chú mà cặp mắt cay xè. Chúng tôi biết chắc rằng chúng tôi an toàn với sự giúp đỡ của chú thím. Trong khi chúng tôi ngấu nghiến ăn, chú kêu: - “ Hai ơi, con ra nấu thêm ít cơm, với mấy con khô, nắm lại cho hai chú đi đường nghen”. Một cô gái khoảng trên 20 bước ra vo gạo rồi trở vô đặt nồi lên bếp lửa, nướng thêm mấy con cá khô, gói lại trong 1 tàu lá thật to. Sau bữa cơm, chú mới đủng đỉnh: - “ Lúc hai chú bước vô tui đã biết mấy chú là ai rồi, khi nghe hai chú thưa gửi lể phép quá xá là tui biết ngay hai chú là người đàng hoàng, có ăn học vì dân ở đây không ai ăn nói như hai chú đâu”. Tôi hỏi: - “Thưa chú, chú tên là gì? Để mai này tụi con sẽ nhờ người nhà đến tạ ơn chú”. “Cứ kêu tui chú Năm là được rồi. Mà ơn với nghỉa gì mấy chú ơi, giúp người cũng như giúp mình, mai mốt con mình sẽ được người giúp lại. Đời có vay có trả, bọn người hung tàn bây giờ sẽ phải trả sau này, mấy chú nhớ điều này đi”. Cái triết lý đơn giản của chú Năm làm chúng tôi sững sờ vì nó quá thật và quá đơn giản mà không mấy ai trong bọn cầm quyền nhìn ra.


Sau khi cơm no, thuốc say, chú Năm còn trang bị cho chúng tôi 1 con rựa đi rừng cho nó “giống với người ta”, rồi dặn dò thím vài câu trước khi khởi hành. Tôi bắt tay chú lần nữa và nhét vào tay chú một số tiền. Chú nghiêm nghị nhìn tôi: - “Chú không giúp cháu vì tiền mà vì tình người với nhau. Cất đi, hai cháu sẽ cần nó trên đường đi”. Sau này tôi mới nghiệm ra sở dĩ chú không nói tên thiệt vì đề phòng lỡ chúng tôi bị bắt lại và bị tra tấn thì chúng tôi sẽ không biết tên ai mà khai. Thím Năm đi trước, chúng tôi theo sau, trời vẫn còn tối, ba người chúng tôi lẳng lặng đi mà không nói chuyện, mỗi người một tâm sự, một suy tư, một nỗi lo; thím Năm lại là người ít nói nên chúng tôi không biết phải bắt đầu ra sao. Dọc đường tôi gợi chuyện, thím năm nói: - “Hai chú yên chí, đường tắt này chỉ chúng tôi, dân đi rừng mới biết, công an, du kích không biết đâu”. Đi cho đến khoảng 10 giờ sáng, thím quay sang: - “Tới chỗ này an toàn rồi, hai chú cứ đi về hướng này khoảng hơn 1 tiếng sẽ gặp 1 ngôi làng kinh tế mới (tôi quên tên), rồi đi đò qua sông là huyện Dương Minh Châu, đón xe đạp ôm cỡ 5 cây số là tới chợ”. Chúng tôi lại năn nỉ thím cầm ít tiền để mua khô mắm đem đi rừng, thím nói chú Năm đã dặn không được lấy tiền của hai chú, nếu lấy thím sẽ bị rầy. P. vội quỳ xuống vái thím Năm, nó năn nỉ: - “Thím làm ơn nhận tiền dùm tụi con vì không biết bao giờ thím cháu mình mới gặp nhau lần nữa, xin thím cứ coi đây là tấm lòng của con cháu mà đừng nghĩ là trả ơn”. Tôi cũng đến và nắm lấy hai bàn tay gầy guộc chai cứng và thêm vào: -“Thím Năm à, đừng cho chú Năm biết, thím cứ coi tụi con như em hai trong nhà, nếu không lấy tiền, tụi con sẽ áy náy cả một đời không yên”. Cuối cùng thím đành phải cầm mà đôi mắt long lanh vì xúc động. Chúng tôi bịn rịn chia tay thím, đi một hồi, quay lại vẫn thấy thím đứng trông theo coi tụi tôi có đi đúng đường không. Những con người chân chất, thật thà, và tốt bụng như chú thím Năm không có nhiều trong 1 xã hội nghèo đói tả tơi của Việt Nam lúc bấy giờ. Tụi cháu xin ghi ơn này và nguyện sẽ không quên. Chú thím Năm ơi! Đến bây giờ cháu cũng chưa tìm lại được để biết chú thím là ai và để nói 1 lời cám ơn với chú thím.


Hai thằng tiếp tục đi thẳng phía trước, thấy một ngôi làng với những mái nhà tranh xơ xác, bụi đỏ bám khắp nơi, cảnh vật thật điêu tàn. Sải bước nhanh trên con đường đất đỏ giữa làng, chúng tôi quan sát thấy nhà nào nhà nấy có vẻ im lặng cam chịu như không còn sức sống, một vài em bé ở truồng, đen nhẻm, dơ dáy, bụng ỏng, mũi dãi lòng thòng đứng trước cửa nhà nhìn chúng tôi với 1 cặp mắt thờ ơ, đâu đây một vài tiếng phụ nữ kêu con về nhà ăn cơm. Ngôi làng toát lên cái nghèo, cái đói, cái cơ cực của những vùng kinh tế mới lúc bấy giờ. Hai thằng ước ao giờ này mà mua được một con gà, luộc lên chấm muối ớt ăn, thì sướng như lên thiên đàng. Nói thì dễ nhưng biết mua của ai và làm cách nào nấu nướng? Bao năm tháng bị giam ở trong tù và 16 ngày trại ở tập trung thêm 2 ngày đói khát trong rừng, mơ miếng thịt gà, nếu cắn được một miếng thì đúng là sướng hơn Tiêu Sơn tráng sĩ Phạm Thái lúc sa cơ, bầu rượu với miếng thịt “nai đồng quê” vừa đi vừa nhậu vừa hát “sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”.
Chúng tôi vẫn đi trên con đường làng đầy bụi đất và nhìn quanh coi có thể mua gà ở đâu, nơi khốn khổ này. Tôi chợt dừng lại ở một ngôi nhà khác hẳn với tất cả những ngôi nhà chung quanh, đó là một ngôi nhà khang trang, to lớn, với những hàng cột to màu vàng đỏ, nền xi măng, mái lợp tôn mới tinh, phần vách phía trước đã hoàn thành chỉ còn hai bên vách là đang dở dang. Giữa một rừng nhà điêu tàn mà có một ngôi nhà khang trang như thế này, giống như trong một đám ăn mày mà có một người mặc quần áo sạch sẽ, áo bỏ trong thùng, tách biệt hẳn ra, rực rỡ như chim công trong đám gà. Chắc mình có thể mua một con gà từ nhà giàu này? Một chị khoảng 30 tuổi, rất đẹp, cái áo lụa trắng và quần sateng đen làm tăng vẻ sang trọng trên nước da trắng hồng của chị, một đứa bé gái bụ bẫm bên hông, một tay chị đang dọn đồ đạc, một tay ẵm con; thấy chị lúng túng tội nghiệp, chúng tôi đến gần cánh cổng cao to nói vọng vô chị ơi, chị có cần giúp đỡ không, tụi em phụ chị một tay. Tụi em đi kiếm bò đi lạc (bổn cũ soạn lại) mà chưa thấy, tính nhờ chị cho nấu nướng một chút, rồi tụi em sẽ giúp chị khiêng đồ vô trong nhà. Chị nhìn ra thấy hai thằng thanh niên khỏe mạnh, tướng tá dễ coi mà có vẻ hiền lành nên gật đầu liền và ra mở cổng cho chúng tôi vô.


Chị lấy nước mời chúng tôi và hỏi thăm mấy con bò; bài học thuộc lòng rồi, nên chúng tôi trả lời trôi chảy là chưa thấy nhưng nghe ai đó méc có bắt được mấy con bò ở vùng này nên chúng tôi đến đây. Chị nói chồng chị là trưởng công an xã này (Trời ạ! Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa?), để chiều về chị hỏi coi ảnh có biết vụ này không, ảnh sẽ giúp hai chú. Không bảo nhau mà hai thằng cùng kín đáo liếc nhau một cái rổi làm tỉnh như dân Ăng Lê. Chúng tôi bắt đầu hỏi chị phải khiêng cái gì trước, cái gì sau? Hai thằng bắt tay làm liền và “lao động rất hồ hởi, phấn khởi”, chẳng mấy chốc đâu vào đó. Trong lúc làm việc, hai thằng thì thầm với nhau sao cái số tụi mình chạy trời không khỏi … cộng sản? Tôi an ủi P. rằng có đọc đâu đó nói đôi khi mình ở trong lòng địch lại là nơi an toàn nhất, thôi thì tương kế tựu kế ráng đừng để lòi đuôi ra trong lúc ăn nói là được. Sau mấy tiếng đồng hồ căn nhà coi khá ngăn nắp, chị cho đứa con gái ngủ trên võng, rồi mời chúng tôi nên ở lại đêm nay, mai lên đường cũng không muộn. Chúng tôi mừng quá. Chị bắt 1 con gà trong chuồng ra làm lông và vừa xào nấu vừa nói chuyện: - “Chút nữa ông xã chị về, hai cưng nhậu với ổng luôn nghe. Ổng làm việc trên xã chuyện gì ổng cũng hay, hổng chừng ổng cũng biết mấy con bò lạc của mấy cưng”. Mấy chị em nói chuyện rất vui và hợp nên câu chuyện rôm rả không lúc nào ngừng. Chị hỏi: - “Mấy cưng ở đâu mà ăn nói có duyên và lịch sự quá”. Bỏ bu rồi, mãi lo tán dóc mà quên mình là dân chăn bò, mà chăn bò thì đâu biết nói năng lịch sự. May mà chị ấy cũng không hỏi tới, nếu không thì thật là rách việc.


Có tiếng người nói xôn xao ngoài cổng vọng vô, nhìn ra thấy ba người đàn ông bước vào, người đi giữa khoảng 35, 40 tuổi đeo cây K-54 bên hông, hai người trẻ hơn mang hai khẩu AK trên vai vừa đi vừa nói cười huyên thuyên. Thấy chúng tôi, người lớn tuổi đưa mắt nhìn về phía chị. “Hai chú này phụ em dọn nhà cả ngày hôm nay đó anh”. Bằng vài câu ngắn ngủi, chị giới thiệu chúng tôi với chồng và nói thêm vụ mất bò. Rồi chị mời hai anh thanh niên trẻ ở lại nhậu luôn cho vui. Thế là bàn tiệc 5 người cười nói huyên thuyên, ly cụng ly, rồi dzô dzô không ngừng, riêng tôi, số khổ vì là “đầu đảng” nên đâu dám uống, cần phải tỉnh táo để tính toán chứ, làm P. phải đỡ dùm; thỉnh thoảng tôi ra hiệu uống nhưng đừng say quá nghen cha nội. Nó hiểu ý nên cũng uống cầm chừng. Anh Ba, người chồng, hứa mai sẽ hỏi thăm bò dùm chúng tôi rồi hỏi nếu có tin thì làm sao liên lạc? Chúng tôi nói sẽ trở lại đây vào hai ngày sau. Đêm đó hai thằng ngủ một giấc ngủ ngon lành không còn giật mình nhưng thoảng đâu đây như còn nghe tiếng kẻng trại tập trung. Cho đến hơn 10 năm sau khi đã ở trên đất Mỹ rồi, nhiều lần trong cơn ác mộng, tôi choàng tỉnh dậy, tai vẫn còn nghe tiếng kẻng trại như còn đang ở quanh đây.
“Hai cưng ơi! Dậy đi hai cưng”. Giọng của chị nhẹ nhàng đánh thức chúng tôi. “Trời sắp hừng đông rồi. Dậy ăn sáng đi, chị đã gói cho hai cưng 1 bọc xôi nếp với chút thịt gà sẳn để hai cưng đem theo ăn dọc đường”. Người ta hay nói “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”, họa không đến 1 lần, nhưng phúc đến chỉ 1 lần. Vậy mà chúng tôi được phúc đến 2 lần. Xem ra trong cái rủi vẫn có cái may, trong nhiều người xấu, vẫn có người tốt, mà tốt đến 2 lần. Cám ơn chị thật nhiều, chị Ba ơi. Bây giờ tôi cũng không biết tên của chị vì tôi chưa từng 1 lần hỏi, mà cũng không cần hỏi, đơn giản vì tình của chị là giữa con người với con người không có lằn ranh cộng sản hay quốc gia.


Đi bộ hơn 1 tiếng, từ xa chúng tôi đã thấy bến đò đông đặc những người và người đang chen nhau xuống thuyền. Ngồi trên quán nước quan sát, thấy bờ bên này không có gì nguy hiểm nhưng bờ bên kia có một chốt chặn của công an áo vàng, họ lục soát tất cả bao bị, hành lý coi có đem hàng “quốc cấm” như ngũ cốc, thịt cá, hay hàng hóa gì không. Để ý thấy bọn chúng chỉ lo lục lọi và tịch thu nông phẩm như đậu xanh, bắp, v…v… mà không hỏi giấy tờ cá nhân nên chúng tôi an tâm xuống bến mua vé sang sông. Con đò là một chiếc ghe khá lớn, chở đầy người, xe đạp và đồ đạc lỉnh kỉnh và chủ đò chống chiếc ghe bằng con sào thật dài qua bên kia sông. Tuy đã chuẩn bị tinh thần, nhưng có tật thì giật mình, nhìn những tên công an áo vàng mà chúng tôi gọi bò vàng, với những cặp mắt láo liên nhìn người dân dò xét bằng những cặp mắt lạnh lùng đáng ghét, chúng tôi vẫn cứ bụng đánh lô tô. Khi đi ngang qua chúng, cả hai làm tỉnh nói chuyện, cười dỡn “tự nhiên như thanh liên Hà Lội”. Vừa lên bờ, mấy chiếc xe đạp ôm trờ tới chào mời, chúng tôi nhảy lên hai chiếc gần nhất đi về chợ huyện Dương Minh Châu. 15 phút sau chúng tôi đã chễm chệ trong 1 quán phở vừa ăn vừa hút thuốc “có cán” vừa bàn tính nên đón xe đò đi đâu. Sau khi dò hỏi bà chủ quán về các trạm công an kinh tế, giả vờ như chúng tôi chở đậu xanh đi bán. Bà ấy cho biết đây về bến xe Tây Ninh khoảng 20 cây số chừng 1 tiếng đồng hồ, không có trạm nào hết. Mừng quá, trả tiền xong, hai thằng nhảy lên 1 chiếc xe đò đang nổ máy đi Tây Ninh. Xuống bến xe, hai thằng ghé uống nước mía và dò hỏi tiếp. Bà chủ nói từ đây dìa Sài Gòn có 3 trạm kinh tế, khó lòng mà đi lọt nếu không đút lót và quen biết. Tôi hỏi tụi nó có xét giấy tùy thân không? Tụi nó chỉ lo đớp thôi chú ơi, chú đi tay không hổng sao đâu. Dù biết vậy, nhưng vẫn lo không biết tụi nó có cho công an trại ra mấy chốt kinh tế kiếm tù trốn trại không? Nó có gởi hình ảnh chúng tôi cho bọn kinh tế không? Nếu có thì sao? Hằng ngàn câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu. Mang thân tù vượt ngục, tâm trạng không lúc nào yên cho tới khi về đến Sài Gòn. Hai thằng quyết định tách ra không ngồi gần nhau tuy đi cùng 1 xe. Thằng ngồi trước, thằng ngồi sau, làm như không quen. Riêng tôi vẫn cầm con rựa và nếu cần thì bổn cũ “mất bò”soạn lại có thêm sửa chữa chút ít như tui đi rừng, giờ về nhà mua thêm mắm muối đem vô rẫy tiếp tục kiếm bò … lạc. (Không được nghĩ bậy nhé).
Qua chốt Trảng Bàng, bọn công an bắt mọi người xuống xe đi bộ qua trạm, hánh lý để lại trong xe để bọn chúng lên lục lọi. P. đi trước qua trạm an toàn, tôi lặng lẽ theo sau hàng người và lên xe sau cùng. Rồi sự lo sợ, hồi hộp cũng qua đi khi xe về đến bến Bà Quẹo. Lòng tôi rộn ràng mừng vui không tả xiết. Tôi dẫn thằng bạn đồng cam cộng khổ bước vào quán hủ tíu Lãng Du của vợ chồng anh chị bà con, quán đang đông khách, ông anh họ thấy tôi bước vào, đôi mắt anh tròn xoe, miệng há ra ngạc nhiên, xong anh định thần, tỉnh bơ hỏi: - “Hai tô lớn đặc biệt nhé?”. Không đợi trả lời, anh quay vào và một lát sau bưng ra 2 tô hủ tíu to nhất đang bốc khói và ghé tai nói nhỏ: - “Hai em ăn xong, về nhà anh mà nghỉ, chiều về anh em mình nói chuyện”. Ăn xong chúng tôi đón xích lô về nhà ông anh họ và làm lễ “tẩy trần” ở đó. P. từ giã tôi để về Khánh Hội nơi má nó có một sạp làm ăn buôn bán. Tôi dặn đi dặn lại là chớ bao giờ trở về nhà ở Củ Chi, vì bọn công an đang chờ; riêng tôi là kẻ không nhà, không hộ khẩu, sống vô gia cư, chết vô địa táng, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ về quê nơi ba má tôi đang sống.


Sáng hôm sau, đứng trước gương soi lại coi “dung nhan đó bây giờ ra sao?” Mặc cái quần đùi và cởi trần, tôi cố gắng nhìn thật kỹ coi còn con nào bám vào bộ xương cách trí của tôi hay không? Dơ cả hai cánh tay lên trời, tôi thấy có 1 cái chấm đen to hơn hạt đậu đen ở dưới nách trái. Hỡi ôi, dưới “đôi cánh thiên thần” 1 nàng ve no máu đang say giấc điệp bên bờ “lau sậy um tùm”. Đốt 1 điếu thuốc, dí vào nàng ve, nó rớt xuống đất nghe cái đụi, nói tếu thôi, nó vẫn không chịu rớt và không chịu nhả càng, mấy ngày đeo nhau như sam, nàng chắc ghiền và quen mùi của tôi chăng? Phải dùng đến cái nhíp kéo nàng ra và bật quẹt gas đốt cháy nghe cái sèo, nàng vỡ ra và khét lẹt mới thôi. Đồ ăn …bám!


Mấy tháng sau, má của P. đến tìm tôi với cặp mắt đỏ hoe, bà khóc nghẹn ngào: - “Con ơi thằng P. bị bắt lại rồi, tụi nó đánh thằng nhỏ gần chết, đi không nổi còn bị còng hai chân và tống vào biệt giam ở khám lớn”. Nghe tiếng nấc, lòng tôi xót xa cho thằng bạn không may, chỉ biết nắm tay bà mà không nói được lời nào. Trước khi về, bà dặn tôi đừng bao giờ về thăm ba má con vì thằng P. nó nhớ bác, nó về Củ Chi thăm, hàng xóm báo công an địa phương đến còng tay và dẫn nó đi ngay đêm hôm đó.


Hơn 1 năm sau, tôi may mắn thoát ra khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi “đáng sống thứ 2 trên thế giới” theo tin tức tự sướng của VN, chỉ sau Thụy Sĩ, tôi lại còn “cưỡng ép” được một số người khác trốn đi nước ngoài: đây là tội danh chính quyền cộng sản ghép cho người tổ chức vượt biên, đến cái xứ tư bản giãy hoài mà không chết, nơi mà mọi người yêu tự do và cả những tên cộng sản gộc hằng mong ước gởi con đến du học. Nhiều năm sau, trong giấc ngủ trên xứ người, tôi vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng kẻng báo giờ của trại tập trung.

Nguyễn Văn Tới

Tham khảo: Google Earth
Tống Lê Chân – Tây Ninh: 49.7 Km
Dương Minh Châu – Tây Ninh 17.2 Km.
Tây Ninh – SG: 95.89 Km
Từ Tống Lê Chân đi về phía Bắc là tỉnh Bình Long, phía Nam là Bình Dương, Đông Nam là Đồng Xoài, Tây Nam là về Tây Ninh (phải đi ngang hồ Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu.)
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.303 giây.