Phản ứng ngay sau phiên giám đốc thẩm y án tử hình anh Hồ Duy Hải!Phiên giám đốc thẩm y án tử hình anh Hồ Duy Hải.
Screen Capture of CAND
Vụ giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra hồi ngày 13 tháng 1 năm 2008. Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên bản thân anh Hồ Duy Hải nói với bà mẹ trong một lần gặp là phải kêu oan cho anh vì anh không phạm tội. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh cùng những người thân trong gia đình, suốt hơn chục năm qua kêu cứu khắp nơi. Luật sư cũng nêu ra những khuất tất của quá trình điều tra vụ án.
Khi bác kháng nghị của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và y án tử hình đối với anh Hồ Duy Hải, Hội Đồng Thẩm Phán ngày 8 tháng 5 cho rằng vào những thời điểm quan trọng, anh Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Hội đồng này kết luận cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai. Tội giết người bị xử tử hình và tội cướp tài sản bị tuyên 5 năm tù là đúng pháp luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.
Trao đổi với RFA vào tối 8/5, bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hồ Duy Hải bày tỏ thất vọng với nền công lý nước nhà:
“Gia đình rất bức xúc, không còn tin rằng ở Việt Nam còn công bằng, công lý, nhân quyền gì hết. Con người ta oan mà cái gì cũng không quan trọng. Vụ án giết người dấu vân tay không rtùng lắp cũng không quan trọng, không thấy Hồ Duy Hải cũng không quan trọng vậy cái gì đối với mấy ông mới quan trọng? Mấy người điều tra viên làm sai cũng cho là không quan trọng, sai nghiêm trọng luật tố tụng hình sự họ cũng cho là không quan trọng thì cái gì mới quan trọng? Họ cho Hồ Duy Hải là vật tế thần cho con cháu quan chức cao cấp để họ được quyền. Ở Việt Nam dân giám sát nói một đằng làm một nẻo, cô tiếc cô là người Việt Nam.”
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Rưỡi, gia đình bà đã có dự báo phiên tòa giám đốc thẩm lần này sẽ không thay đổi gì nhiều nhưng vẫn nuôi hy vọng nên giờ đây phải gánh chịu thất vọng:
“Ông Nguyễn Hòa Bình bác kháng nghị năm 2011 giờ ông ngồi chủ tọa là gia đình cô ngán ngẩm trước phiên tòa 6/5 rồi, chứ đừng nói tới giờ phút chót tuyên (án). Cô thấy ngao ngán, giống như bày ra trò hề cho có mô hình, cơ cấu để báo cáo với lãnh đạo, với đảng chứ biết nói gì hơn. Tội này ‘trời không dung, đất không tha’. Mạng người dân Việt Nam mình dễ nuốt quá không biết.”
Trước đó, báo trong nước vào ngày 28/4 đưa tin cho biết phiên giám đốc thẩm xét xử vụ án ‘giết người, cướp tài sản’ đối với bị can Hồ Duy Hải sẽ do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao làm chủ tọa phiên tòa.
Ông Nguyễn Hòa Bình vào ngày 24 tháng 10 năm 2011 trong cương vị Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối Cao đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải với lý do không có tình tiết mới.
Vì vậy, nhiều người đã lo ngại về vấn đề công tâm trong phiên xét xử lần này và kết quả phiên xử giám đốc thẩm hôm 8/5 đã thật sự khiến nhiều người bất bình, như lời Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn:
“Một vụ án hình sự trong đó hồ sơ vụ án rất nhiều điều phi lý và khuất tất. Nếu như tòa án vẫn kiên quyết xét xử một công dân với mức án cao nhất là tử hình thì điều đó không hề thỏa đáng. Qua kết quả như vậy anh không những buồn mà rất lo lắng cho sinh hoạt pháp đình của nhà nước trong giai đoạn thế này.”
Không chỉ trong nước, mà dư luận quốc tế cũng bày tỏ sự thất vọng đối với việc tòa tuyên giữ nguyên hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International cho rằng phiên tòa giám đốc thẩm xử Hồ Duy Hải bất chấp luật pháp và đạo lý.
“Bất chấp luật pháp là bởi vì chúng ta thấy các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin rất đầy đủ là bản thân Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ ra rõ ràng quá trình điều tra và xét xử Hồ Duy Hải mắc phải nhiều sai phạm rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu việc xét xử một người mắc phải nhiều sai phạm như vậy chí ít phải điều tra lại và khi điều tra lại phải điều tra cả người xét xử trước đây xem liệu người ta có ý đồ gì làm sai thế nào. Hoặc tốt hơn là khi đã làm sai phải khắc phục hậu quả là phải trả tự do cho nạn nhân vì rõ ràng họ bị cầm tù là hệ quả của việc xét xử sai lầm. Thế nhưng trái với nguyện vọng của hầu hết mọi người cũng như ý hiểu thông thường của luật pháp, Tòa án tối cao đã ra quyết định giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải. Tôi cho rằng trái với tinh thần luật pháp, đạo lý và cả lòng người. Phải nói đây là một kết luận đáng thất vọng.”
Với kinh nghiệm đã từng đọc qua hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải từ người nhà phạm nhân, Luật sư Phạm Công Út thuộc Công ty Luật Phạm Nghiêm cho biết ông không ngạc nhiên với kết quả phiên tòa. Ông đưa ra ba luận điểm của ông về phiên xử giám đốc thẩm Hồ Duy Hải như sau:
“Thứ nhất, tôi cho rằng đây là một kịch bản hoàn hảo giữa Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Toàn án Nhân dân Tối cao bởi vì 3 kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời trước Hội đồng toàn thể Thẩm phán yếu ớt và đưa ra những tình tiết mang tính khách quan chứ không phải chủ quan. Những lời khai mang yếu tố chủ quan, còn những vết máu, những vết vân tay, hung khí là khách quan thì Viện Kiểm sát không đưa ra được để chứng minh Hồ Duy Hải có chứng cứ ngoại phạm hay không mà chỉ đưa ra đoạn đường 7,5 km rồi chứng minh yếu ớt Hồ Duy Hải không đủ thời gian vượt qua đoạn đường đó để gây án. Nhưng những lý lẽ yếu ớt đó trong phần hỏi của Hội đồng xét xử phản bác được ngay. Trong phần trả lời đó không có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Hồ Duy Hải. Như vậy đây là một vở kịch các vai diễn với nhau và không cho người phá bĩnh là luật sư tham dự, sau khi bước qua giai đoạn gay cấn làm rõ tình tiết vụ án thì Luật sư Trần Hồng Phong mới được mời tới nghe tuyên án. Người ta đã loại trừ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tử tù kêu oan trong khi từ tù kêu oan không có mặt tại phiên tòa.”
Vẫn theo Luật sư Phạm Công Út, phiên tòa lần này được tính toán rất kỹ khi cố tình đưa một số phóng viên báo chí vào tác nghiệp. Ông cho rằng đây là hành động cố tình bởi vì kịch bản để các phóng viên báo chí phải tâm phục khẩu phục đối với bản án giám đốc thẩm hôm nay.
“Dưới góc độ nghề nghiệp, tôi thấy rằng phía tòa chiếu lên màn hình hoặc hỏi những câu hỏi những người tiến hành tố tụng trước đó kết tội Hồ Duy Hải đọc những bản khai Hồ Duy Hải hành vi giết người thế nào và có sửa chữa trong đó là không làm thay đổi bản chất vụ án. Như vậy thì báo chí mới nghĩ Hồ Duy Hải là hung thủ giết người cướp tài sản. Quay đi quay lại thì vẫn là lời khai mà lời khai là chứng cứ phi vật chất. Lời khai này tôi tin rằng không phải do Hồ Duy Hải khai ra mà không có bất kì một áp lực nào khác. Như vậy phiên tòa này người ta đưa báo chí vào để hợp thức hóa cáo buộc của một người kêu oan bằng lời khai chứ không phải bằng chứng cứ. Nếu bằng chứng cứ phải giải thích được những dấu vân tay đó là của ai? Nguyễn Văn Nghị có dấu vân tay trong hiện trường đó không? Đó là chứng cứ không thể chối cãi nhưng người ta lại không đưa ra.”
Ngoài ra, Luật sư Phạm Công Út cũng chỉ ra rằng do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã không hoàn thành trách nhiệm của mình khi đưa ra những chứng cứ yếu ớt để từ đó khiến Hội đồng thẩm phán đặt lại câu hỏi về tính hợp pháp của kháng nghị mà Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra.
Hồi cuối tháng 11 năm 2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó đối với tử tù Hồ Duy Hải để điều tra lại.
Trong khi đó, quyết định bác đơn xin ân xá của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng nằm trong văn bản tố tụng hình phạt đã có hiệu lực pháp luật trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị.
Do đó, Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết 17/17 rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao không hợp lệ.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út nhận định rằng kết quả phiên tòa này cần được hủy bỏ vì đã vi phạm điều cơ bản về cơ cấu Hội đồng thẩm phán:
“Theo quy định của pháp luật, 17 vị này không được phép ngồi trong phiên tòa giám đốc thẩm này bởi vì phiên tòa giám đốc thẩm này chỉ có 5 thẩm phán mà thôi. Và 5 thẩm phán đó là ai trong số 17 vị, không hề có quyết định nào phân công. Do đó 17 người không được phân công mà số lượng không phù hợp với Luật Hình sự tố tụng thì phiên tòa hôm nay dù xử đúng hay xử sai, minh oan hay không minh oan, có chấp nhận quyết định kháng nghị hay không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đều là vô giá trị dưới góc nhìn của tôi.”
Trước phán quyết giữ nguyên bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải trong phiên giám đốc thẩm hôm 8/5, bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết gia đình vẫn sẽ tiếp tục kêu oan cho Hải trong thời gian tới và sẽ không ngừng lên tiếng cho đến khi Hồ Duy Hải được minh oan và thả tự do:
“Gia đình cô đã qua tới Thái Lan để kêu gọi Liên Hiệp Quốc rồi, chắc bản cũ làm lại chứ công lý Việt Nam còn gì để nói nữa bây giờ.”
Không chỉ riêng gia đình tử tù Hồ Duy Hải, mà các cá nhân, tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước cũng cho biết sẽ tiếp tục lên tiếng cho Hải, như lời ông Nguyễn Trường Sơn của Tổ chức Ân xá Quốc tế:
“Chắc chắn Ân xá Quốc tế sẽ không thể dừng lại công việc của mình trong việc bảo vệ tính mạng Hồ Duy Hải cũng như yêu cầu công lý cho anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để kêu gọi chính quyền Việt Nam phải xem xét lại quyết định hôm nay của Tòa án Tối cao. Những công việc cụ thể mà chúng tôi làm sắp tới bây giờ tôi chưa thể nói ra nhưng tôi có thể khẳng định Ân xá Quốc tế sẽ không bao giờ bỏ cuộc.”
Theo RFA