Bạo động và hỗn loạn: Nước Mỹ vì sao nên nỗi ?Tuần hành ỏ Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ, ngày 30/05/2020, để phản đối bạo lực cảnh sát, sau cái chết của Goerge Floyd ở Minneapolis. REUTERS - JONATHAN DRAKE
Làn sóng căm phẫn chống cảnh sát bạo hành, 5 ngày sau vụ một người Mỹ da đen chết trong lúc bị một cảnh sát viên da trắng bắt giữ. Donald Trump chọn chiến tranh lạnh với Bắc Kinh. Mỹ tái chinh phục không gian với sáng kiến tư nhân là những thời sự nổi bật trên báo chí ngày lễ Ngũ Tuần của đạo Thiên Chúa.
Le Figaro với hai tựa lớn về nước Mỹ: Phi thuyền SpaceX thành công trong phi vụ đầu tiên có phi hành gia và từ Minneapolis, bạo loạn lan khắp nước Mỹ
Và bài xã luận "Mơ và ác mộng". Ở mũi Canaveral, tổng thống Donald Trump ngẩng mặt lên trời tuyên bố: Hoa Kỳ không thể là số một trên trái đất nếu chỉ là số hai trên không gian. Về lại Nhà Trắng, ông cúi mặt nhìn màn ảnh TV những người biểu tình mang biểu ngữ "tôi không thở được". Hai hình ảnh của nước Mỹ: một khuôn mặt luôn ước mơ lên cao và một khuôn mặt chìm trong bất công xã hội và kỳ thị, phải nổi dậy mà thôi.
Cội nguồn lửa dậyLe Monde, qua bài xã luận "Cội nguồn lửa dậy" nêu lên bốn lý do làm cho cơn giận của người Mỹ gốc Phi châu lan ra hàng chục thành phố. Trước hết là bốn cảnh sát da trắng ở Minneapolis uy hiếp một người da đen George Floyd. Lý do thứ hai là sáu năm trước tại New York, cũng xảy ra một vụ tương tự, nạn nhân là Eric Garner, bán thuốc lá trên vỉa hè, cũng nói một câu tương tự trước khi chết "tôi không thở được" cho dù viên cảnh sát trong vụ thứ hai đã bị truy tố. Thứ ba, George Floyd và Eric Garner không phải là những nạn nhân da đen duy nhất khi nhỡ phải "tao ngộ không suôn sẻ " với cảnh sát tại một nước mà đeo súng là chuyện bình thường còn kỳ thị là chuyện khỏi bàn.
Các bà mẹ da đen dậy con từ tuổi thiếu niên phải ăn mặc, cư xử ra sao để không bị cảnh sát để ý. Thanh niên da đen cũng ý thức là lúc chạy bộ, nếu trùm mũ ni bịt tai, đeo dụng cụ nghe nhạc, không nghe tiếng cảnh sát kêu lại là có thể mất mạng như chơi. Tình trạng bất công này đã quá dài, bám rễ trong tiềm thức người Mỹ da đen.
Nhưng bây giờ phương tiện thông tin thời đại, với video và mạng xã hội, giúp mọi người hay biết nhanh chóng. Các biện pháp cải cách cũng được thi hành, xe cảnh sát có máy quay phim ghi lại các vụ xét hỏi.
Cách tuyển dụng nhân viên an ninh cũng được cải thiện cho công bình giữa các cộng đồng. Người dân Mỹ cũng đã hai lần dồn phiếu cho một ứng cử viên tổng thống da đen, Barack Obama. Nhưng bấy nhiêu tiến bộ đó chưa đủ. Bởi còn một nguyên nhân cơ bản làm lòng căm giận không nguôi: Đó là tỷ lệ nạn nhân người Mỹ da đen trong đại dịch Covid-19 lên đến 70% so với cộng đồng da trắng, châu Á và châu Mỹ Latinh. Họ bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì... đồng minh của tử thần mà cốt lõi là "tội nghèo". Hình ảnh bất công xã hội đập vào mắt. Từ nay, tổng thống Donald Trump không thể không biết.
Lòng căm hờn và quyền lực đường phốCũng với tựa "Cái chết của George Floyd làm nước Mỹ bốc lửa", bài phóng sự dài của Libération ở Minneapolis cho biết vì sao "lòng căm hờn biến thành hành động" ? Derek Chauvin, viên cảnh sát làm chết George Floyd là người có tiếng hung bạo: 19 năm trong nghề, 17 lần bị kiện nhưng được cấp trên bao che, chỉ bị khiển trách. Lần này, Derek Chauvin có nguy cơ lãnh án 25 năm tù.
Vấn đề là giọt nước đã làm tràn ly như một thanh niên tên Rachael, nhìn cảnh cửa hàng bị tấn công, cướp phá, bốc lửa, bình luận: Chúng tôi đã đi biểu tình từ bao nhiêu năm nay, có thay đổi gì đâu ? Không lẽ im lặng nhìn một cuộc đời tắt lịm ? Nếu không lên tiếng mạnh mẽ, bất công sẽ kéo dài triền miên.
Tại sao khu phố chúng tôi bốc lửa ? Như một lời cảnh báo nhân lễ Ngũ Tuần, một mục sư tên Albert kêu gọi lý trí hai bên da trắng da đen : Anh bị căm thù vì anh trấn áp người ta quá lâu dài mà không có giải pháp hạ nhiệt. Còn các bạn (da đen), hôm nay, các bạn đã nắm được quyền lực. Thế giới đang nhìn các bạn. Giờ đây tất cả tùy thuộc vào cách mà các bạn sử dụng quyền lực này.
Theo RFI