Kỳ vọng có những triết gia tầm cỡ thế giới nhưng vẫn trung thành với triết học Mác - Lê Nin?Ảnh minh họa: Cảnh sát có vũ trang đứng gác bên cạnh chân dung của cố chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo cộng sản Nga Vladimir Lenin tại Hà Nội. AFP
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khi tham dự Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/9, dù nhìn nhận nền triết học Việt Nam không thể sánh bằng các nền triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu... nhưng ông Thưởng vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ có những triết gia tầm cỡ thế giới.
Thực tếTrong khi đó gần một thế kỷ qua cho đến nay, đảng cộng sản Việt Nam luôn rêu rao họ trung thành với triết học Mác - Lê Nin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản truyền bá ở Việt Nam, thì liệu Việt Nam có thể có những triết gia tầm cỡ thế giới?
Khi trao đổi với RFA hôm 21/9 từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một nhà báo có niềm đam mê với triết học, trước hết đưa ra một giải thích dễ hiểu nhất về triết học:
“Triết học không phải là nghiên cứu cái gì, mà triết học giúp con người nghiên cứu. Có nghĩa là triết học là môn khoa học trừu tượng, không phải môn khoa học cụ thể, nó là nền tảng cho các môn khoa học khác, nó ứng dụng vào mọi lĩnh vực từ tự nhiên như vũ trụ học, thiên văn học, cho tới con người như chính trị học, luật học, y học... Cái quan trọng của triết học là phải có tính vận động, thứ hai là tác động đa chiều của mọi hiện tượng sự vật xung quanh.”
Khi họ đã trung thành với Triết học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì tức là họ đã phạm vào tính vận động, tức là đứng yên rồi. Thứ hai, họ cũng phạm vào tính tác động đa chiều, bởi vì có một đảng thì làm gì có sự tác động.
-Nguyễn Ngọc GiàQuay trở lại với ý kiến của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Khi họ đã trung thành với Triết học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì tức là họ đã phạm vào tính vận động, tức là đứng yên rồi. Thứ hai, họ cũng phạm vào tính tác động đa chiều, bởi vì có một đảng thì làm gì có sự tác động. Đó là hai tính quan trọng nhất của triết học, triết học không có tính độc tôn vì vậy khi họ độc đảng thì rõ ràng họ đã phạm tính không có độc tôn. Triết học cũng không có sự trung thành, nếu trung thành thì triết học chỉ trung thành với thực tế mà thôi. Chúng ta cũng thấy một cái dễ nhận biết của triết học ứng điều, đó là nơi nào có sáng tạo và phát minh đó là là điểm dễ nhận thấy của một nền triết học lành mạnh.”
Vì vậy theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là đối với ông Võ Văn Thưởng, một Thạc sĩ triết học và là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thì ông cho rằng có lẽ ông Thưởng nên nghiên cứu lại từ đầu về nhập môn về triết học.
Với một chính đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam, trung thành triết học Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc kỳ vọng có một triết gia tầm cỡ, cho dù chỉ là triết gia Mác - Lê Nin cũng vẫn là ẩn số.
Ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết Việt, khi trao đổi với RFA hôm 21/9, nhận định:
“Ông Thưởng mong ước có những Triết gia Mác - Lê Nin tầm cỡ, nhưng cái giống đó đã tuyệt chủng ở Việt Nam rồi, nó chấm dứt sau khi Trần Đức Thảo chết ở Pháp, do ngược đãi của đảng cộng sản. Bởi vì Trần Đức Thảo là một triết gia thật sự, là một trí thức, và trong tư cách triết gia thật sự, họ có tinh thần hoài nghi khoa học cũng như tinh thần tự do tư tưởng. Và tất cả những điều ấy trái với Hồ Chí Minh, trái với triết học Mác - Lê Nin. Vậy Mác - Lê Nin có chân lý hay không, cái này mù mờ... Đa số đều cho rằng không có chân lý vì là một mớ tư duy lộn xộn... mâu thuẫn lẫn nhau... và cơ sở phương pháp luận của họ thì quá lạc hậu.”
Một cảnh sát đứng trước một tấm áp phích kỷ niệm 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 2 năm 2020. AFP
Theo giám đốc Trung tâm Minh triết Việt, Nguyễn Khắc Mai, điều Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói, chỉ là mơ tưởng thôi, chứ thực tế thì sẽ không bao giờ có, vì nền tư tưởng chính trị tại Việt Nam càng ngày càng xuống cấp, thì lấy đâu ra những nhà tư tưởng Mác - Lê Nin? Ông nói tiếp:
“Và thứ hai, kể cả là triết gia Mác - Lê Nin, thì nó phải có một bầu khí để cho nó sống. Bầu khí đó không có gì khác là tinh thần tự do học thuật, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, và điều này chủ nghĩa Mác - Lê Nin không có. Mà không có bầu không khí đấy thì lấy đâu ra con người triết nhân tử tế, mà còn mong ước phải có những người vĩ đại. Cái vĩ đại này có nghĩ là đuôi to thôi, chứ không có nghĩa là lớn lao. Theo tôi, cách nghĩ của anh Thưởng cũng là chỉ nói cho vui, chứ trong thực tế thì không có được, mà rõ ràng mấy chục năm nay thực tế đã chứng minh.”
“Nền giáo dục không có triết học”Từ nhiều chục năm nay, chính phủ Việt Nam coi việc giảng dạy các môn như Triết học Mác - Lê Nin, lịch sử Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh là bắt buộc tại các trường học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích của việc đưa các bộ môn học này vào trong chương trình giảng dạy được nhấn mạnh là ‘để cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... xây dựng cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan khoa học... Thế nhưng, thực sự các bạn trẻ ở Việt Nam coi những môn học này như thế nào?
Một bạn trẻ ở Hà Nội khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:
“Em thấy những môn đấy là mô típ xã hội chủ nghĩa... cứng, khó học. Các môn như kinh tế chính trị, triết học, lịch sử đảng em thấy các ngôn ngữ, quan điểm của nó rất trừu tượng. Có một bộ phận sinh viên không yêu thích, cũng như em thôi, thì học mang tính đối phó.”
Tôi cho rằng có lẽ nhà cầm quyền cộng sản đã phủ một lớp bụi quá dầy theo thời gian, nên giới trẻ hiện nay trong nhà trường họ không biết đến những triết gia như vậy, đó là điều rất đáng buồn.
-Nguyễn Ngọc GiàVì sao, những môn học như triết học Mác - Lê Nin, không thể thu hút giới trẻ? Theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng Văn học So sánh Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, về mặt lý luận thì triết học Mác - Lê Nin cần phải tương thích với thời đại ngày nay và phải thuyết phục được cả về mặt khoa học. Ông giải thích:
“Vì nếu coi Chủ nghĩa Mác - Lê Nin là một khoa học thì phải thuyết phục theo kiểu khoa học chứ không thể nói theo kiểu nói lấy được. Về thực tiễn chúng ta thấy từ năm 1991 tới giờ Liên Xô sụp đổ, hệ thống Xã hội chủ nghĩa không còn thì thực tiễn đó ở Việt Nam đi bên trong mô hình, là chủ nghĩa xã hội, kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.”Phải làm rõ những cái đó so với thực tiễn, bây giờ rõ ràng có những mặt không phù hợp, lạc hậu.”
Cũng tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, ở Việt Nam ngoài triết học Mác - Lê Nin, các triết học khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến, trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giảng dạy và nghiên cứu triết học chưa đạt chất lượng cao. Do đó hiện nay Việt Nam chưa có nhà triết học Việt Nam nào đủ nổi tiếng hoặc đạt đến trình độ chuyên gia.
Tuy nhiên ông Võ Văn Thưởng lại không hề nêu lên thực tế tại Việt Nam, liệu các giáo viên có thể tự do giảng dạy những kiến thức tinh hoa từ các nền triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, triết học Ấn Độ sâu sắc, triết học Trung Hoa thâm thúy, hay từ triết học duy lý của Tây Âu... ?
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nhận định tiếp:
“Vì triết học ứng dụng vào mọi lĩnh vực mà, nên ở đây có thể ông Võ Văn Thưởng và có lẽ là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói chung, họ lầm triết học là một khoa học cụ thể, nên giáo dục của họ không có triết học, nên họ mất phương hướng. Nếu đúc kết một câu ngắn gọn ‘triết lý của giáo dục là gì’? Họ không có, họ chỉ dẫn những câu rất mông lung, ví dụ như của Hồ Chí Minh, của Lê Nin... chứ họ không có một triết lý gì cả. Vì vậy giáo dục của Việt Nam hiện nay là một nền giáo dục không có móng. Còn về chính trị, vì nó không có tính vận động và tác động đa chiều nên họ cứ khư khư độc đảng mấy chục năm qua. Mà độc đảng nói cho nhẹ thì họ không hiểu triết học là gì? Nói nặng thì họ đã phản bội triết học, đó là tính vận động, nó không chịu sự tác động.”
Tóm lại theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ chính trị học cho tới giáo dục, văn hóa nghệ thuật và các lãnh vực khác, thì rõ ràng hiện nay Việt Nam đang lầm đường lạc lối vì không có triết học. Ông nói tiếp:
“Vì vậy chúng ta thấy Việt Nam có những người bị khuất lấp bởi thời gian. Ví dụ như là Linh mục Lương Kim Định, hay Triết gia Trần Đức Thảo... và những tư tưởng của những triết gia đó đã bị mai một.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, có lẽ nhà cầm quyền cộng sản đã phủ một lớp bụi quá dầy theo thời gian, nên giới trẻ hiện nay trong nhà trường, họ không biết đến những triết gia như vậy, đó là điều rất đáng buồn cho giáo dục Việt Nam hiện nay.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 21/09/2020 lúc 02:08:06(UTC)
| Lý do: Chưa rõ