AP: Cơn giận của ông Trump châm ngòi cuộc tấn công vào nền dân chủ MỹNgười ủng hộ TT Trump tuần hành tới Điện Capitol ở Washington DC ngày 6/1/2021. (Photo by Joseph Prezioso / AFP)
Hôm 6/1, đám đông bạo loạn chiếm đóng Điện Capitol, trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Đó là hậu quả của những lực phá hoại mà Tổng thống Donald Trump đã khơi dậy từ lâu, mà đỉnh điểm là nỗ lực làm gián đoạn một tiến trình dân chủ sẽ chính thức kết thúc cố gắng vi hiến của ông nhằm duy trì quyền lực, hãng tin AP bình luận.
Cảnh tượng diễn ra hôm thứ Tư với những đám đông chọc thủng tuyến phòng thủ của cảnh sát, đập vỡ cửa kính, chiếm đóng tòa nhà quốc hội Mỹ, biểu tượng của quyền lực, là cảnh tượng mà thông thường người Mỹ chỉ được chứng kiến từ xa, xảy ra tại những nước theo chế độ độc tài toàn trị.
Nhưng vụ bạo động, kể cả tiếng súng nổ bên trong Điện Capitol, khiến một người chết, và một cuộc chiếm đóng vũ trang ngay tại diễn đàn Thượng viện, bắt nguồn từ nhân vật đã tuyên thệ bảo vệ các truyền thống dân chủ mà những kẻ biểu tình bạo loạn tìm cách chà đạp, nhân danh chính ông ta.
Đám động bạo loạn chủ ý xông vào Điện Capitol, tòa nhà được coi là một thành trì của dân chủ, gợi nhớ lại sự cuồng nộ và cảnh máu đổ của thời nội chiến. Duy lần này, người khiêu khích sự cuồng nộ và cảnh đổ máu là một Tổng thống dân cử nhất mực không tôn trọng khái niệm nền tảng của dân chủ, là một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.
“Đây là một âm mưu lật đổ chính phủ do chính Tổng thống Hoa Kỳ sách động”, sử gia chuyên về các đời tổng thống Mỹ Michael Beschloss nhận định. “Chúng ta đang ở tại một thời điểm vô tiền khoáng hậu khi mà một tổng thống sẵn sàng toa rập với các đám động bạo loạn để lật đổ chính phủ của chính ông. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý niệm dân chủ mà đất nước này đã chiến đấu để bảo vệ trong hơn 2 thế kỷ”.
Tiến trình xác nhận kết quả cuộc biểu quyết của Đại cử tri đoàn, chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden, là một thủ tục lễ nghi được ghi trong hiến pháp, nhằm nêu bật sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, đã bị gián đoạn vài giờ sau khi ông Trump kêu gọi những người ủng hộ ông hãy hành động trong một bài phát biểu kêu gọi các ủng hộ viên hãy “chiến đấu để chặn việc bầu cử bị cướp”, và hãy tuần hành tới Điện Capitol.
Giữa lúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông đang bước vào những ngày cuối cùng, bài phát biểu của ông Trump được AP coi là bài diễn văn đầy giận dữ, khích động những người coi phát biểu của ông là một lời kêu gọi nổi loạn. Đám đông bạo loạn áp đảo các lực lượng an ninh bảo vệ quốc hội Mỹ, đập vỡ nhiều cửa kính, đánh cắp những vật lưu niệm, và châm biếm định chế dân chủ với những bức ảnh chụp họ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực tại Quốc hội Mỹ.
Nhưng các điều kiện dẫn tới bạo động đã có từ lâu trước cuộc biểu tình bạo động ngày 6/1, kể cả lời kêu gọi của luật sư riêng của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani, kêu gọi những người ủng hộ ông Trump hãy “chiến đấu” để giải quyết các cáo buộc về gian lận bầu cử.
Ông Trump từ lâu vẫn tránh, không cam kết sẽ tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Trong hầu hết năm qua, ông liên tục tố cáo bầu cử bị dàn dựng, và tung ra những cáo buộc vô căn cứ là có gian lận bầu cử rộng khắp, điều mà vô số các tòa án liên bang, và chính cựu Bộ trưởng Tư pháp của Tổng thống Trump cũng khẳng định là không hề xảy ra.
Ngay cả khi đã rõ ràng là ông đã thất cử, ông Trump vẫn chối bỏ sự thật, liên tục khẳng định ông đã “thắng cử với đa số áp đảo”. Thực tế là ông đã bị ông Biden đánh bại, thua ông Biden tới 7 triệu phiếu.
Lần trước Điện Capitol bị xâm nhập xảy ra vào năm 1814 khi tòa nhà quốc hội Mỹ bị người Anh phóng hỏa trong Chiến tranh năm 1812, theo Hội Lịch sử Điện Capitol.
Cuộc xung đột nội bộ do Tổng thống Trump khích động, “gợi lại cuộc nội chiến”, sử gia chuyên về các đời tổng thống Julian Zelizer,
giảng dạy tại Đại học Princeton, nói: “Đây là một cuộc tấn công vào hệ thống chính quyền.”
Theo VOA