Ông Nguyễn Lân Thắng đã trù tính khả năng bị bắt từ hai năm trước Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng
Trong một đoạn nói chuyện được thâu âm, giữa ông Nguyễn Lân Thắng và một người làm truyền thông ở hải ngoại vào năm 2020, trước viễn cảnh có thể bị bắt, ông Thắng nói rằng: “Những video hay những âm thanh, hình ảnh nào đó của tôi, các kiểu, ở trên truyền thông vào lúc tôi bị bắt, thì nó không đại diện cho suy nghĩ, chính kiến, cũng như nguyện vọng của tôi.”
Đoạn thâu âm nói trên được người thâu trao cho VOA, kèm theo lời ông Thắng nói gần đây, rằng ông ấy và các anh chị em như ông ấy “luôn nằm trong danh sách chờ “nhập kho” – tức bị bắt.”
Đoạn nói chuyện được thâu vào ngày 29 tháng Chín, 2020, liên quan đến vụ Phạm Chí Thành. Ông Thắng nói rằng, “Hiện tại, tôi đang ở trong một đợt điều tra thẩm vấn một số những việc liên quan đến vụ ông Phạm Chí Thành. Ngoài những chuyện đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khai thác tôi, hỏi những chuyện gì, và tôi cũng không biết là thực sự sẽ diễn ra bao lâu. Nhưng khi các bạn nghe được âm thanh này thì có thể là tôi đã bị tạm giam hay tạm giữ.”
Bấm vào để nghe xem
https://av.voanews.com/V...42-36be-08da5ec1440e.mp4 Ông Phạm Chí Thành, tức nhà văn Phạm Thành, 70 tuổi, người viết sách chỉ trích Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 7 năm 2021 bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 5 năm quản chế vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Thành, viết blog với tên Bà Đầm Xòe, bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào ngày 21/05/2020.
Ông Thắng, 47 tuổi, bị công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hôm 5/7, với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015, cùng tội danh với ông Thành.
Người trao đoạn thâu âm cho VOA nói rằng, ông Thắng “nhờ trao cho truyền thông khi anh ấy gặp nạn.”
“Tôi muốn nói rằng là, dù có thể sau này, những video hay những âm thanh, hình ảnh nào đó của tôi, các kiểu, ở trên truyền thông vào lúc tôi bị bắt, thì nó không đại diện cho suy nghĩ, chính kiến, cũng như nguyện vọng của tôi, mà có thể tôi bị một cái sự là thẩm vấn gắt gao hay là một sự đe dọa nào đó liên quan đến gia đình, bạn bè, liên quan đến những người thân yêu của tôi.” Đoạn thâu âm có lời ông Thắng.
Ông Thắng còn nói: “Và những lời tôi nói trên truyền thông lúc đó sẽ không có giá trị đại diện cho tất cả những suy nghĩ của tôi. Trước sau như một, tôi luôn luôn mong muốn đất nước Việt Nam sẽ có một nền dân chủ, có cuộc sống tự do, và những ý chí nguyện vọng của nhân dân được cất lên một cách tự do, không bị ràng buộc, không bị áp đặt.”
Người hỏi chuyện ông Thắng có đặt câu hỏi, rằng lúc phát biểu này, ông có “tỉnh táo” không? Và “có ý định tự hại nào đến thân thể?”
Ông Thắng trả lời: “Tôi sẽ không làm gì để tự hại đến thân thể của mình. Nếu tôi có bị thương tật, bị ốm, thậm chí có thể là chết, thì đó không phải là ý chí hay nguyện vọng của tôi.”
Trao đổi với VOA vào tháng 4/2022, ông Nguyễn Lân Thắng bày tỏ sự kỳ vọng vào sự thay đổi tình hình chính trị ở Việt Nam, nhấn mạnh rằng đó sẽ là sự thay đổi đến từ chính người dân.
“Người Việt Nam, sẽ có nhiều người thức tỉnh hơn, người ta hiểu được những vấn đề về chính trị, những vấn đề đang chi phối đất nước, và tại sao mà cuộc sống của người ta lại chưa được như mong đợi.
“Mọi điều bắt đầu từ sự mong ước. Và khi đã mong ước, có sự hiểu biết thì có lẽ đó là cơ hội mới cho đất nước thay đổi. Nó đến từ người dân, chứ không phải phụ thuộc vào người cầm quyền hay một thế lực chính trị nào.”
Một số nhà hoạt động và blogger tại Việt Nam từng dự báo trước khả năng mình có thể bị chính quyền bắt giam và chia sẻ quan điểm cá nhân trước khi bị bắt.
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, hiện đang thụ án tù 9 năm cũng với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, đã chuẩn bị bức thư với tiêu đề “Nếu tôi có đi tù” được công bố ngay sau khi bà bị bắt vào tháng 10/2020, trong đó viết: “Tôi không cần tự do cho riêng mình”, “Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho Việt Nam,” đồng thời kêu gọi vận động cho luật bầu cử mới.
Tương tự, tiên liệu trước việc bị chính quyền bắt giữ khi lên tiếng về các vấn đề được cho là “bất công” ở Việt Nam, như tranh chấp đất đai ở Dương Nội và vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, hai anh em nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư nói trong một video về quá trình hoạt động ôn hòa, bất bạo động của mình. Ông Phương và ông Tư, hiện đang thụ án tù lần lượt 10 năm tù và 8 năm tù sau khi bị bắt từ giữa năm 2020, bày tỏ trong video mong muốn của mình rằng “mọi người dân được đối xử công bằng trước pháp luật”, và “quyền con người được tôn trọng”.
VIDEO Theo VOA