Chính sách của Mỹ với Trung Quốc: Chính phủ mềm dẻo hơn, Quốc Hội cứng rắn hơnTổng thống Mỹ Joe Biden (T) gặp chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (P) và phó tổng thống Kamala Harris trong buổi trình bày ‘‘Thông điệp Liên bang 2022’’ trước Quốc Hội lưỡng viện, điện Capitol, Washington DC, ngày 01/03/2022. © Reuters
Từ hai tuần nay, khả năng lãnh đạo Hạ Viện Mỹ đi Đài Loan treo lơ lửng, Bắc Kinh liên tục đưa ra các đe dọa nhằm gây áp lực buộc bà Pelosi hủy bỏ chuyến đi. Rút cục, chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã đến Đài Bắc tối qua 02/08. ‘‘Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phớt lờ các cảnh báo của Trung Quốc’’ là một hồ sơ trang nhất của Le Figaro. Les Echos chạy tựa ‘‘Đài Loan : Không khí căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington’’. ‘‘Đài Loan: Nancy Pelosi, một chuyến đi trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao cao độ’’, tựa của Liberation. La Croix nhấn mạnh : ‘‘Nancy Pelosy, cơn ác mộng với Trung Quốc’’.
‘‘Vì sao tôi dẫn đầu đoàn dân biểu đến Đài Loan ?’’Le Figaro đặc biệt chú ý đến tuyên bố cứng rắn của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, khẳng định chuyến đi này có mục tiêu ‘‘cam kết không gì lay chuyển nổi của Hoa Kỳ bảo vệ nền dân chủ đầy sức sống của Đài Loan’’. Ngay sau khi bà Pelosi hạ cánh tại Đài Bắc, trang mạng Washington Post đăng tải một bài viết, do chủ tịch Hạ Viện Mỹ ký tên, nhan đề ‘‘Vì sao tôi dẫn đầu đoàn dân biểu đến Đài Loan’’.
Le Figaro coi đây là ‘‘một thách thức bổ sung nhắm vào chính quyền Trung Quốc’’, từ phía Hoa Kỳ. Bà Pelosi nhấn mạnh : ‘‘Nền dân chủ năng động và vững vàng, và thật đáng tự hào, do một phụ nữ, tổng thống Thái Anh Văn lãnh đạo, đang bị đe dọa. (…) Chúng ta không thể thờ ơ, trong lúc đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan và nền dân chủ Đài Loan’’.
Pelosi, ‘‘một đối thủ dai dẳng của Bắc Kinh’’Nhân vật trung tâm trong chuyến đi Đài Loan khiến Bắc Kinh giận dữ là ai ? Nhật báo Công giáo La Croix có bài phác họa ‘‘chân dung’’ chủ tịch Hạ Viện Mỹ, ‘‘một đối thủ dai dẳng của Bắc Kinh’’. La Croix nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên bà Pelosi thách thức chế độ cộng sản Trung Quốc. Năm 1991, dân biểu Pelosi (bang California) từng đến quảng trường Thiên An Môn giương khẩu hiệu tưởng niệm những người tranh đấu vì dân chủ bị chính quyền Trung Quốc thảm sát tại đây hai năm trước. Tranh đấu cho nhân quyền tại Trung Quốc là nỗ lực không ngừng nghỉ của chính trị gia Pelosi. Nhờ nỗ lực của bà, tổng thống Barack Obama đã có cuộc hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ chính trị và tinh thần của người Tây Tạng, mà Bắc Kinh coi như một đối thủ đáng gờm, tại thủ đô Washington năm 2016.
Theo nhà chính trị học, nhà báo Marie-Christine Bonzom, chuyên gia về Hoa Kỳ, chủ tịch Hạ Viện Pelosi là người kiên định chủ trương nâng nhân quyền thành một vấn đề chính trong quan hệ Mỹ - Trung. Chuyến đi Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, và những chỉ trích từ phía Lầu Năm Góc, là vì mục tiêu này.
‘‘Duy trì nguyên trạng’’: Thỏa hiệp Mỹ - Trung ngày một mong manhVề phần mình, Les Echos trong hồ sơ chính ‘‘Chuyến đi của Nancy Pelosi đến Đài Loan khiến chế độ Bắc Kinh giận dữ’’, chú ý đến việc chuyến bay của bà Pelosi đến Đài Loan – được coi là một hành động chọc giận Trung Quốc – đã diễn ra mà không gặp trở ngại gì.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở sự an toàn của chuyến đi, mà là quan hệ Mỹ - Trung, hòa bình của khu vực. Les Echos vạch ra ‘’hai điểm thỏa hiệp về ngoại giao’’ cho phép hòa bình tạm thời được duy trì tại khu vực eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên. Thứ nhất là việc Hoa Kỳ không công nhận chính thức Đài Loan, nhưng hỗ trợ hòn đảo về quân sự. Đây là điều thường được gọi là chính sách ‘‘mập mờ chiến lược’’. Về phần mình, Trung Quốc đặt mục tiêu ‘‘thống nhất hòa bình’’, khi điều kiện thuận lợi. Thỏa hiệp nói trên ‘‘ngày càng trở nên mong manh’’ trong bối cảnh sức mạnh Trung Quốc gia tăng, và cục diện địa chính trị quốc tế ngày càng căng thẳng.
Mỹ ''yếu đuối’’ hay quá đà ?Ý nghĩa của chuyến đi của bà Pelosi, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng nói trên, và chính sách ‘‘mập mờ chiến lược’’ của chính quyền Mỹ về vấn đề Đài Loan, được nhìn nhận rất trái ngược tại Hoa Kỳ, theo Les Echos. Đối với bên chủ trương cần cứng rắn hơn với Trung Quốc, việc tổng thống Joe Biden tuyên bố công khai về việc bà Pelosi không nên đi Đài Loan, theo lời khuyên của bộ Quốc Phòng Mỹ, là ‘‘một dấu hiệu yếu đuối’’.
Bắc Kinh hợp tác mạnh hơn với Nga để ‘‘rửa nhục’’ ?Ngược lại, những người phản đối thì lên án tính chất ‘‘bất cẩn của chuyến đi, vào lúc cuộc chiến tranh tại Ukraina còn chưa chấm dứt’’. Theo quan điểm này, chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi – một hành động vượt qua lằn ranh đỏ với Bắc Kinh – có thể khiến chính quyền Tập Cận Bình thay đổi lập trường (vốn giữ khoảng cách với Matxcơva cho đến nay, để quan hệ làm ăn với phương Tây không bị ảnh hưởng). Bắc Kinh có thể siết chặt hợp tác với nước Nga Putin, để ‘‘rửa nhục’’, sau chuyến đi vỗ mặt của bà Pelosi. Sự hợp tác gia tăng của hai cường quốc hạt nhân, chống lại Mỹ, không báo hiệu điều tốt lành.
Đài Loan: ‘‘Nửa thận trọng, nửa hoan hỉ’’Nhật báo Liberation có hai bài viết đáng chú ý về chuyến đi của bà Pelosi. Bài thứ nhất nói về phản ứng ‘‘nửa thận trọng, nửa hoan hỉ’’ của phía Đài Loan. Thận trọng là điều rõ ràng. Kể từ khi có thông tin về chuyến đi tháng 8 của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, chính quyền Đài Bắc tránh bình luận về vấn đề này, cho đến khi chiếc máy bay của Không lực Hoa Kỳ đưa bà Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn (Shongshan), Đài Bắc, 22 giờ 45 phút ngày thứ Ba, 02/08. Theo nhà nghiên cứu Ho Cheng-hui, chính quyền Đài Loan chọn thái độ im lặng trong hồ sơ này, để tránh bị cộng đồng quốc tế hiểu sai là những nhân tố gây bất ổn xuất phát từ Đài Loan.
Tuy nhiên, giới chính trị Đài Loan không giấu được sự hoan hỉ. Một cựu phát ngôn viên của phủ tổng thống Đài Loan, Kolas Yotaka, nhấn mạnh đến việc chuyến công du của bà Pelosi khiến ‘‘Đài Loan ít bị cô lập hơn’’. Cách đây ít hôm, nghị sĩ thuộc phe đa số Wang Ting-yu, lo lắng với câu hỏi : ‘‘Nếu chuyến đi này bị hủy do các đe dọa từ Trung Quốc, thì điều này có ý nghĩa gì với thế giới ?’’.
Dù sao, trong quan điểm của đông đảo người dân Đài Loan, chuyến đi này chỉ có ý nghĩa thứ yếu. Hiện tại tình hình ven eo biển đã khét mùi thuốc súng. Mỗi chuyến thăm của các chính trị gia nước ngoài đến hòn đảo Trung Hoa dân chủ đều đi kèm với các đe dọa can thiệp của Trung Quốc, các cuộc tập trận đằng đằng sát khí. Áp lực cũng gia tăng với Đài Loan, khi Bắc Kinh quyết định cấm nhập khẩu thực phẩm của hàng trăm doanh nghiệp Đài Loan. Nhiều trừng phạt kinh tế và quân sự khác có thể sẽ tiếp tục được đưa ra. Liberation cũng thuật lại một góc nhìn khác của không ít người dân Đài Loan, lo ngại Trung Quốc có thể theo gương Nga (xâm lăng Ukraina) tấn công Đài Loan. Đài Loan ‘‘chỉ là một con tốt trong cuộc đối địch giữa các đại cường’’ là suy nghĩ của một sinh viên.
Chính phủ xoa dịu, Quốc Hội cứng rắn hơn với Trung QuốcCũng Liberation, trong một bài viết khác, đã nhấn mạnh đến nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm không để chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện châm ngòi cho xung đột Mỹ - Trung bùng phát.
Ngày 01/08/2022, vào lúc bà Pelosi khởi sự vòng công du châu Á, khả năng đến Đài Loan treo lơ lửng, Libération ghi nhận : đô đốc John Kirby, phát ngôn viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC) Hoa Kỳ, được cử ra để trấn an Bắc Kinh, đã thừa nhận là chuyến đi này làm gia tăng ‘‘nguy cơ sai lầm trong tính toán… có thể dẫn đến các hậu quả không mong muốn’’.
Dù sao đây cũng là dịp mà chính phủ Mỹ (cụ thể là trong cuộc điện đàm Biden – Tập Cận Bình) nhắc nhở với Trung Quốc rằng nền dân chủ Mỹ dựa trên nguyên tắc phân quyền, chính phủ không thể quyết định thay Quốc Hội. Tính chất độc lập của các nhánh quyền lực của nền dân chủ Mỹ có thể sẽ còn tiếp tục khiến quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng, bất chấp thái độ có phần hòa dịu của bên hành pháp. Lưỡng đảng trong Quốc Hội Mỹ đang ngày càng hướng đến một thái độ thống nhất cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Sau khi đã thông qua đạo luật về chíp điện tử tuần trước (‘‘Chips and Science Act’’), dự kiến với 280 tỉ đô la đầu tư, sẽ đưa sản xuất chất bán dẫn về lại nước Mỹ, hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đang vận động để đưa ra Thượng Viện dự luật mới về Đài Loan (‘‘Taiwan Act Policy’’). Mục tiêu chính là siết chặt quan hệ quân sự, ngoại giao Mỹ - Đài. Luật có thể buộc chính quyền Biden phải áp đặt các trừng phạt chống lại các giới chức Trung Quốc bị quy trách nhiệm làm căng thẳng gia tăng. Căng thẳng do chuyến bay SPAR19 đưa bà Pelosi đến Đài Bắc chắc chắn sẽ không hạ nhiệt, Libération dự đoán.
Theo RFI