Báo cáo thường niên của RSF: Việt Nam đứng thứ tư thế giới về bỏ tù nhà báo Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về bỏ tù nhà báo, theo báo cáo của RSF, 14/12/2022.
Việt Nam đứng thứ tư thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm qua, theo một bản báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) được công bố cách đây ít ngày.
Bản báo cáo có tên “Tổng kết 2022 - Các nhà báo bị giam cầm, giết hại, giữ làm con tin và mất tích” được tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, đưa ra hôm 14/12. Trong phần nói về các nhà báo bị giam cầm, báo cáo cho biết có 39 nhà báo đang phải ngồi tù ở Việt Nam, con số này đặt đất nước có chính quyền cộng sản ở vị trí số 4 trong số các nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất.
Đứng số 1 trong danh sách nêu trên là Trung Quốc, cũng là một nước cộng sản, với 110 nhà báo bị cầm tù; tiếp theo là Myanmar, 62 nhà báo; và thứ ba là Iran, 47 nhà báo. Đứng thứ năm, dưới Việt Nam, là Belarus, nơi có 31 nhà báo bị bỏ tù. RSF nói rằng 5 nước nêu trên chiếm 54% số các nhà báo bị chính quyền giam cầm.s
RSF nhận xét rằng ở Việt Nam và Belarus, mặc dù số nhà báo bị bắt giam giảm xuống một chút trong năm 2022, song hai chính quyền chuyên chế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Lukashenko vẫn tiếp tục các nỗ lực dẹp tan truyền thông độc lập.
Nhìn rộng hơn, trong 5 năm trở lại đây, số nhà báo bị bỏ tù ở Việt Nam đã tăng gấp đôi so với khoảng thời gian tương tự trước đó, báo cáo của RSF cho hay.
Một trong những khuôn mặt nhà báo nữ bị bỏ tù được nêu bật trong báo cáo là bà Phạm Đoan Trang. RSF cho biết bà Trang hiện đang thụ án tù 9 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước” do bà viết các bài chỉ trích chính phủ.
Nữ nhà báo từng được trao giải Tầm ảnh hưởng của RSF hồi năm 2019 hiện bị giam trong một nhà tù ở miền nam cách nhà 1.000 kilomet, bị RSF xem là một chiêu trò của nhà chức trách để bịt thông tin về tình trạng sức khỏe của tù nhân. Có 3 nhà báo nữ khác ở Việt Nam cũng đang chịu cảnh tương tự.
Theo quan sát của VOA, Hà Nội chưa có phản ứng gì về bản báo cáo của RSF. VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ về vấn đề này nhưng không nhận được hồi đáp.
Các đại diện của chính quyền và Bộ Ngoại giao Việt Nam lâu nay vẫn thường tuyên bố rằng đất nước này tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và các quyền tự do hợp pháp khác của người dân; không ai bị bỏ tù vì thực hiện các quyền đó và những người bị chính quyền kết án tù là do vi phạm luật hình sự.
Bất chấp các tuyên bố như vậy từ phía Hà Nội, Mỹ, một số nước phương Tây và các tổ chức về nhân quyền, tự do báo chí không ít lần kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền và trả tự do cho những người bị bỏ tù chỉ vì họ lên tiếng một cách ôn hòa.
Bên cạnh lời báo động về tổng cộng 533 nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới, bản báo cáo hôm 14/12 của RSF nhắc nhở mọi người về sự mất mát đau buồn là trong năm qua có tới 57 nhà báo đã thiệt mạng hoặc bị giết hại.
Ba nước bị xem là nguy hiểm nhất đối với báo giới trong năm 2022, theo RSF, là Mexico với 11 nhà báo thiệt mạng; Ukraine, với 8 trường hợp tử vong; và Haiti, có 6 vụ nhà báo bị chết.
Theo VOA