logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 06/06/2023 lúc 08:54:23(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn.
Năm 14 tuổi, con bé Uyên được bà ngoại dẫn đi thăm Thủ Đô Sài Gòn lần đầu tiên. Ngoại có sạp vải lớn ở ngôi chợ chính trong quận, nên bà thường vào Sài Gòn lấy hàng, nhân tiện thăm cậu Út. Cậu Út của Uyên sau khi thi đậu Tú Tài, nhờ giỏi Anh Văn nên cậu được một công ty xăng dầu Mỹ thuê làm tại Sài Gòn với mức lương thật cao, thế là cậu đi làm chứ không lên đại học. Ông ngoại Uyên đã giận và buồn cậu hết một thời gian vì chuyện này.
Ba mất khi Uyên mới lên 5, mẹ đem Uyên về cất nhà ở gần bên ông bà ngoại, nên con bé được các cậu thương yêu thật nhiều, bù đắp cho sự thiếu vắng của Ba. Ngoại con đông, mười người cả dì lẫn cậu. Nhưng Uyên gần gũi nhất với cậu Út, vì cậu chỉ hơn Uyên 8 tuổi, còn các cậu khác thì tuổi cách rất xa. Ông bà ngoại và người trong nhà nói vì hạp tuổi nên hai cậu cháu mới thân nhau như vậy.
Uyên thường theo chơi với cậu Út và đám bạn cậu trong làng. Con bé tham gia cùng cậu những trò chơi con trai, như bắn bi, đánh vụ, bắn ná cao su, tạt lon, và đặc biệt là cũng rất mê coi đá banh như cậu Út. Chiều chiều sau khi tan học, cậu thường ôm banh ra ngả ba hàng tre phía sau nhà ngoại rồi kêu bọn con trai trong xóm đá cùng.
Thời đó, vào khoảng thập niên 60s, phong trào chơi bóng tròn, thường gọi là đá banh, ở Việt Nam thịnh lắm. Từ thành thị đến thôn quê, từ trường học đến nhà dân, đâu đâu trẻ con cũng nô nức chơi đùa với trái banh. Người dân khắp miền Nam đều say mê theo dõi mỗi khi có những trận đấu bóng tròn, còn gọi là túc cầu, (chứ không gọi bóng đá như hiện tại) dù là trận đấu giữa các đội tuyển trong nước hay quốc tế.
Mỗi lần trận túc cầu quan trọng diễn ra, nhà ông ngoại luôn có bà con trong làng tới ngồi đầy sân. Các cậu mở Radio lên, mọi người xúm quanh nghe ký giả tường thuật viên “huyền thoại” Huyền Vũ của Đài Phát Thanh Sài Gòn, trực tiếp truyền thanh tại chỗ. Ông tường thuật hầu hết những trận đá banh lớn quốc gia và các trận thi đấu quốc tế. Mỗi khi tiếng của Huyền Vũ la lên, “Dzô! Dzô!” càng to thì tiếng la hét, tiếng vỗ tay, tiếng gõ thùng thiếc, của các cậu Uyên và những thanh thiếu niên trong làng càng lớn, càng ầm ỹ. Nhưng nếu Huyền Vũ hét lên, “... Không dzô!” thì họ quăng thùng, đá ghế, vò đầu, bứt tai... Có lần, cậu Út hắt nguyên một thau bắp rang trộn mắm nêm với ớt của bà ngoại ra vườn chuối, khi đội cậu ủng hộ để thua một quả phạt đền cho một đội nào đó Uyên không còn nhớ.
Người ta mê thích đá banh đến nỗi ngay cả trẻ con cũng nhớ tên các danh thủ như Tam Lang, Văn Rạng, Thới Vinh, và những cầu thủ khác... vì tường thuật viên Huyền Vũ nhắc đi nhắc lại thật sôi nổi, hào hứng, và hấp dẫn vô cùng từng đường banh đẹp, cú sút tóe lửa, ánh mắt lanh lẹ, cái bặm môi quyết liệt, đến cú xoay mình, móc chân cướp banh thật tuyệt vời của từng cầu thủ trong những trận đấu. Trẻ con hầu như thuộc nằm lòng những câu hò hét thật và to rộn ràng của Huyền Vũ như, “Sút! Sút!” “Dzô! Dzô!... . Không Dzô!” và chúng cũng bắt chước hét to lên như thế mỗi khi chơi đá banh với nhau ở làng bằng những trái banh nhựa.
Nhưng có được một trái banh nhựa cũng là ước mơ to lớn của những “ông nhóc” ở làng quê Uyên ngày đó. Nhờ ngoại thường đi lấy hàng, ra vô Sài gòn liên tục, nên cậu Út mới có trái banh nhựa cùng kích cùng cỡ với trái banh da để chơi với bạn bè. Nhiều đứa trẻ không có banh chơi, chúng tự làm những trái banh bằng cách cuộn những tàu lá chuối khô, rồi quấn dây xung quanh cho tròn lại, làm thành trái banh để đá. Uyên khi ấy chỉ là một con nhóc nên dù cũng bắt chước thích banh như ông cậu nhưng đâu biết đá, biết luật lệ chơi banh là gì. Khi đám “cậu người lớn” chơi, con bé chỉ đứng ngoài chầu rìa để coi cùng mấy tụi nhóc khác, và vỗ tay reo hò mỗi lần banh lọt vào cái lưới làm bằng mấy tàu lá chuối căng trên những sợi dây chuối cột ngang qua từ hai cây tre bên này qua bên kia đường.
Bé Uyên được “ưu tiên” phân công đi lượm banh, điều mà những đứa trẻ khác rất mong làm, nhưng không ai cho, vì banh của cậu Út thì cậu toàn quyền chỉ định ai đi nhặt. Khi nào cậu Út hay mấy anh lớn đá banh ra ngoài thì Uyên chạy đi lượm về. Mỗi lần chạy lượm banh bé thích lắm, vừa hào hứng nhảy loi choi, vừa đá vừa dẫn banh về phía cậu Út. Khổ nhất là những khi banh văng xa, lọt thỏm vào chòm tre gai, là loại tre cây nhỏ thân đầy gai, nhưng rất dẻo dai và bền chắc. Tre gai thường được người dân quê dùng làm những thanh sườn vách khi cất nhà, và chẻ lạt để cột trước khi trét đất sét trộn rơm lên, cho nên mới gọi là “nhà tranh vách đất” và người ta còn chẻ vót nan tre gai để đan rổ, đan thúng. Bụi tre gai sau nhà ngoại gần chỗ nhóm cậu Út chơi banh chi chít gai là gai rậm rịt, nhưng Uyên không bao giờ chịu thua, mỗi lần banh lọt vô đó thì cố chui đầu vào để khều ra, có khi bị gai cào trầy sướt cả mặt mũi. Vậy mà con nhóc hãnh diện lắm, vênh vênh cái mặt với nước mũi nước dãi lòng thòng, tóc tai bù xù lên khi mang được trái banh về cho cậu. Cứ vậy Uyên lớn lên tính cách lúc nào cũng sôi động như con trai.
Nhưng từ ngày cậu Út đi Sài Gòn học và thi Tú Tài rồi ở luôn trong đó làm việc, Uyên thiếu người để đi theo “phò tá” chơi chung và kèm học. Nhất là những khi có bài toán hóc búa không người chỉ giúp, nhưng lại không dám nhờ mấy cậu lớn, Uyên nhớ cậu Út vô cùng. Mấy năm trôi qua, con bé lớn thêm với khá nhiều hiểu biết, tính tình thay đổi thùy mị hơn, nhờ được đọc rất nhiều sách trong dãy tủ sách to đùng của ông cậu lớn. Mảnh tâm hồn bé con lúc này đã bắt đầu biết cảm xúc, biết mơ mộng con gái, và còn biết làm những câu thơ mực tím. Nên khi bà ngoại hứa cho đi Sài Gòn chơi thăm cậu Út - đúng ra là ngoại đi “coi mắt” vợ tương lai của cậu Út - thì Uyên mừng vui đến mấy đêm liền không ngủ.
Đó là lần đầu tiên con bé nhà quê được rời làng và tận hưởng cái thú đi tàu lửa. Lên tàu, trong khi ngoại và những người xung quanh lim dim ngủ gà ngủ gật, Uyên cứ ngoái cổ giương mắt ngắm nhìn cảnh vật hai bên. Tiếng động cơ xình xịch, xoành xoạch, trong khi con tàu lướt vùn vụt qua những cánh đồng lúa xanh kịn mượt mà vùng Phú Lâm dọc theo Quốc Lộ I, rồi băng ngang dòng sông Bàn Thạch êm đềm, đến những cái hầm tối đen xuyên qua núi trên đèo Cả, đèo Rù Rì, những đám ruộng muối trắng ngần vùng Phan Rang Phan Thiết, và rồi tới những vườn cây ăn trái um tùm khi tàu vào Biên Hòa, gần đến Sài Gòn.
Uyên thích nhất là mỗi khi tàu tới trạm. Tàu vừa ngừng, từng đoàn người bán hàng rong lớn nhỏ chen nhau lên tàu, lấn lướt cả hành khách lên xuống. Một tay túm lấy trụ cửa thành tàu, tay kia bưng thúng, rổ, họ phóng nhanh chuyên nghiệp như những con sóc, lên tàu mời mọc râm rang. Thức ăn, bánh kẹo, trái cây... tùy theo vùng nào thức nấy. Đã hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng những tiếng rao lanh lảnh giữa goong tàu đông nghẹt người như còn vang vọng bên tai Uyên. Nem chua Ninh Hòa, bánh mì chả lụa Nha Trang, trứng gà luộc, bánh rán Cam Ranh, ghẹ luộc cua luộc Phan Rang, Phan Thiết... đặc biệt là những trái bưởi Biên Hòa được lột vỏ, khoe mình tròn trĩnh từng xâu màu hồng ửng, nhìn bắt mắt vô cùng.
Đó là những năm tháng hiếm hoi người dân miền Trung của Uyên còn được hưởng sự an lạc thái bình, vì sau đó thì chiến tranh sôi động, tràn lan khắp các miền quê. Và đó cũng là lần cuối cùng Uyên được thong thả đi chơi xa, xuất phát từ nơi chôn nhau cắt rốn.
Khi tàu đến nơi, cậu Út đón ngoại và Uyên tại nhà ga Sài Gòn gần chợ Bến Thành. Giờ Uyên mới chứng kiến tận mắt, “Sài Gòn hoa lệ” là đây, “Hòn Ngọc Viễn Đông” là đây, “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là thế đó. Nhà cậu Út thuê ở Quận 1 nên phố xá sầm uất náo nhiệt cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần đi băng qua đường Uyên nắm chặt tay cậu mà vẫn run như cầy sấy, vì dòng xe cộ ào ào lại qua như mắc cửi. Cậu Út rất vui mừng vì lần này ngoại dắt bé Uyên theo. Ký đầu Uyên mấy cái, cậu nói đã xin nghỉ thêm vài ngày, cộng với mấy ngày cuối tuần để đưa ngoại và Uyên đi chơi cho biết hết Sài Gòn trước khi xuống Cần Thơ thăm nhà cô Kim Nhung bạn gái cậu theo như lời hẹn.
Uyên cũng ríu rít kể cậu Út nghe, “sân banh” sau ngả ba hàng tre nhà ngoại lâu rồi vắng hoe vì không còn ai chơi đá banh nữa. Những ông bạn của cậu cũng đi đâu mất tiêu hết, còn bạn cháu toàn con gái nên chỉ chơi đá kiện, nhảy dây, mà thôi. Cậu cười nói, chuyện thời trẻ nhỏ xưa rồi, bây giờ ở trong này cậu coi thi đấu đá banh thường xuyên vì em của bạn cậu là một cầu thủ, nên trận nào cậu cũng đều biết và đi coi cùng bạn cậu. Cậu Út còn hứa cuối tuần cậu sẽ dẫn Uyên đi xem trận đấu tập dợt giữa hai đội tuyển để chuẩn bị thi đấu trước khi về. Uyên nghe mà mừng quýnh đến nhảy cẩn lên, thích thú vô cùng.
Những ngày sau đó, cậu Út đưa Uyên và ngoại đi chơi, thăm viếng khắp nơi ăn uống xả láng mà không hề sợ tốn kém. Chỉ trong mấy năm xa nhà, ông cậu trẻ gốc chân quê của Uyên nhờ làm lương cao mà lại tiết kiệm ít xài, nên có khá tiền dư. Cậu đem đi mua vàng hết, vì thời đó giá vàng rất rẻ. Ngoại đã giật mình tròn mắt khi cậu Út đưa cho ngoại coi cái hộp bánh bích quy, trong đó sắp đầy kín những thẻ vàng lá 24 cara. “Con mua vàng này để dành mai mốt cưới vợ cho má khỏi tốn kém” - Cậu nói với ngoại kèm theo nụ cười toét miệng trong ngày đưa bà cháu Uyên về - “vì nhà mẹ Nhung thuộc loại khá giả, mình không nên để họ xem thường.” Thì ra cậu tiết kiệm là để cưới cô Nhung. Uyên nghĩ thầm, mãnh lực tình yêu của cậu cũng lớn quá. Thế là ngày trên đường về ngoại ôm khư khư cái hộp bánh trong lòng, ngụy trang bên ngoài bằng cái giỏ lát cũ mèm của ngoại. Và khi về lại nhà, nhân lúc ông đi ra ruộng coi người gieo lúa, ngoại đem chiếc ghế thật cao cho Uyên trèo lên trên đầu cái tủ đứng lớn, cao tận nóc nhà, rồi bảo Uyên nhét hộp vàng vào sát bên trong cái mái chái lợp ngói. Và ngoại dặn Uyên đừng nói cho bất cứ ai hay, kể cả ông ngoại. Uyên đã vâng lời bà ngoại giữ mãi cái bí mật này, cả mẹ Uyên cũng không nói, rồi quên luôn. Mãi cho đến sau khi bà ngoại mất, cậu Út đã có mấy đứa con Uyên mới nhớ lại và kể cho mẹ nghe chuyện cái hộp vàng của cậu ngày trước.
Khi cậu Út dẫn đi thăm Vườn Tao Đàn Sài Gòn, Uyên có cảm giác như lạc vào cõi thiên thai. Công viên mênh mông với hoa lá cỏ cây xinh đẹp, cùng những trò chơi, dụng cụ thể dục, xích đu, cho trẻ con. Tại Sở Thú, con bé chăm chú quan sát từ cái chuồng cọp cho tới đàn voi, hưu nai, đám khỉ, rồi bầy chim đủ loại... Cậu cho Uyên hơn nửa ngày, đưa bé đi dạo khắp các “hang cùng ngõ hẻm” trong sở thú. Lần đầu tiên nhà quê lên tỉnh, nói đúng hơn là về Thủ Đô, Uyên theo cậu và ngoại đi dạo mua sắm trên đường Tự Do sầm uất, toàn là nhà lầu cao, cửa hàng lớn, đồ đẹp. Uyên đã ngước cổ ngắm đến vẹo cả ót ngôi nhà thờ Đức Bà với tháp chuông uy nghi. Khi đến chơi chỗ tháp nước Hồ Con Rùa trên đường Duy Tân thì càng tỏ ra vô cùng thích thú và đòi cậu kêu người thợ chụp hình dạo chụp cho bé một tấm hình. Nhà cậu Út gần chợ Bến Thành, chỉ đi bộ một hồi là tới. Trước khi mua thức ăn về nấu cho cả nhà, Uyên và ngoại còn ngồi ăn hàng ở chợ Bến Thành. Đó là điều tuyệt vời nhất mà Uyên nhớ mãi về sau khi lớn lên, nhất là mỗi lần Uyên đi Sài Gòn. Những sạp hàng bún, hàng bánh, hàng cháo, vì ăn nhiều lần, nhiều thứ quá nên Uyên không còn nhớ rõ khi đó ngoại cho ăn những món gì, chỉ nhớ thức ăn bán ở chợ Bến Thành ngon ơi là ngon.
Tuy là sau 1975 Uyên cũng thường ra vô Sài Gòn và trở lại nhiều lần dạo chợ Bến Thành, nhưng chỉ còn là nỗi nhớ vì ngoại đã mất trước khi miền Nam lọt vào tay miền Bắc. Vì người buồn thì cảnh có vui đâu, nên Uyên không còn cái cảm giác thích thú ngưỡng mộ như là lần đầu tiên đến Thủ Đô. Cũng có lẽ vì sự thay chủ đổi ngôi của những sạp hàng, những cửa hiệu, và sự lạ lẫm của những cái tên đường, những địa danh quen thuộc, kể cả tên Thủ Đô Sài Gòn cũng đã bị thay đổi. Cho đến ngày Uyên đi Mỹ định cư thì Thành Phố Sài Gòn xưa chỉ còn trong ký ức. Nhớ lại thật buồn, cái giây phút dẫn mấy đứa con lên tàu từ biệt quê hương, vĩnh viễn rời xa miền đất Tổ mến yêu, mà lúc máy bay cất cánh Uyên lại có cái cảm giác như mình vừa cất đi một gánh nặng nghìn cân trên đôi vai bé nhỏ...
Sau khi đi chơi khắp những danh lam thắng cảnh của Sài Gòn, cậu Út đưa ngoại và Uyên xuống Cần Thơ thăm nhà cô Kim Nhung để giới thiệu bà ngoại với gia đình cô ấy. Trên đường xuống Cần Thơ, Uyên lại càng ngạc nhiên, càng lạ lẫm, lẫn thú vị. Xe đò từ Sài Gòn chạy đến bắc Mỹ Thuận thì ngừng, mọi hành khách đều phải xuống xe đi bộ lên phà. Xe cũng chạy xuống phà để được chở qua bên kia sông, và mọi người lại leo lên cho xe chạy tiếp. Trên đường đi còn một cái bắc nữa phải qua, là bắc Cần Thơ. Đến bây giờ, Uyên chỉ còn nhớ mang máng chứ không thể hình dung ra bắc Cần Thơ có những gì, nhưng bắc Mỹ Thuận thì Uyên nhớ rất rõ, vì sự đông đảo, vì có nhiều người buôn kẻ bán đủ thứ hàng ở hai đầu bến bắc. Nhiều nhất là trái cây được bán nơi bắc Mỹ Thuận. Uyên còn nhớ khi đó ngoại vì mãi mê chọn lựa mua vú sữa nên xém chút bị trễ phà. Ngoại thấy vú sữa trái lớn, màu sắc tím tươi đẹp nên mua thêm để đem tặng cho nhà cô Kim Nhung, dù cậu Út đã mua những hộp bánh Tây và rượu ngoại để mang theo.
Lại còn một điều mới mẻ cho Uyên, khá bất ngờ khi đến Cần Thơ được đi xe lôi. Con bé có cảm giác mắc cười khi ngồi chông chênh trên “cái hộp” đàng sau và để chiếc xe mô tô đời cũ kỹ máy nổ ầm ầm “lôi” chạy ào ào. Nhiều khi xe chạy nhanh quá làm cả người hành khách muốn bật ngửa ra đàng sau. Nếu tài xế thắng gấp thì mọi người bị chúi mũi xuống, nên mới đầu Uyên phải bám thật chặt vào thành xe, những lần sau quen dần mới dám thả lỏng tay. Đi xe lôi cũng thật là thú vị, nhưng Uyên thấy so với ở Sài Gòn đi xích lô máy thì dễ chịu hơn nhiều.
Khi cậu Út và Uyên khệ nệ mang các thứ vào nhà, mẹ cô Kim Nhung ra tận cửa chào đón. Bà dáng người hơi phốp pháp, nhìn rất hiền thục và quý phái trong chiếc áo bà ba màu mỡ gà quần trắng. Nhìn thấy giỏ vú sữa thì bà cười xởi lởi nói với ngoại và cậu Út:
“Mèn ơi! dzườn nhà có gất nhiều dzú sữa, chị dzà cháo mua mần chi mang đi cho cực dzì nè!”
Lần đầu tiên Uyên nghe giọng nói miền Tây thiệt là lạ lẫm nên cứ giương mắt lên mà nhìn. Cô Kim Nhung đẹp lắm, da trắng, tóc dài, mắt to, và dáng cô rất cao, thật xứng đôi với cậu Út đẹp trai của Uyên. Cô mặc chiếc áo đầm hoa màu hồng phấn, để lộ đôi chân trắng hồng trên đôi dép mỏng nhìn thật dễ thương. Uyên để ý thấy cậu Út cứ len lén nhìn cô Nhung và cười, còn cô luôn ửng hồng đôi má. Thấy thế nhớ lại chuyện của ông ngoại ở ngoài nhà, Uyên thương họ vô cùng.
Chuyện tình của cô Kim Nhung và cậu Út đến được bước này họ đã trải qua rất nhiều trở ngại. Ông ngoại Uyên ngày trước làm Hương Chức, nên ông còn giữ máu “quan quyền” trong nhà, ông rất nghiêm và dữ. Mỗi khi ông “phán” điều gì là con cháu phải răm rắp nghe theo. Các cậu dì dù lớn, nếu không nghe lời ông bắt nằm xuống quất bằng roi mây. Con cháu ai cũng sợ ông một phép, chỉ có bà ngoại là hiền từ thương con thương cháu hết lòng. Với suy nghĩ môn đăng hộ đối, ông đã ngắm nghé một chỗ cho cậu ở quê, là con gái của một dòng tộc cân xứng với ông. Cô gái đó cũng xinh xắn và ông bắt buột cậu phải về quê cưới vợ. Tuy ông chưa hề gặp mặt và biết người thương của cậu ở nơi nào trong miền Nam, nhưng nghe nói ở Thành Phố Cần Thơ thì ông phản đối. Ông nói con gái thành phố chỉ biết ăn chơi, không đảm đang như con gái quê mình, làm sao mà trông nom ruộng vườn nhà cửa chứ. Nên ông nhất quyết không chịu và cậu Út thì cũng nhất quyết không về quê cưới vợ. Bà ngoại can gián ông không được bèn tính kế làm liều.
Chuyến đi “coi mắt” con dâu này của bà ngoại không được sự đồng ý của ông. Bà ngoại rất hiền nhưng là một nhà buôn đi đó đi đây nên bà cũng cương quyết lắm. Thương cậu Út, ngoại nói để bà vào gặp cô ấy xem sao, nếu thấy được bà sẽ đến Cần Thơ lần nữa để chứng hôn cho cậu cưới vợ rồi ở luôn trong Sài Gòn, khỏi cần về quê thì ông làm sao nói được. Mấy ngày ở nhà cậu, Uyên thấy trên bàn cậu có mấy lá thư cô Kim Nhung từ Cần Thơ gửi lên, thư đã mở nên Uyên tò mò lén đọc. Cô viết cho cậu những lời lẽ tràn đầy yêu thương, nhưng cũng đau khổ đầy nước mắt, như là nếu không cưới nhau được thì cô sẽ... nhảy xuống bến Ninh Kiều. Bên cạnh hai chữ “Yêu anh” cuối thư là dấu in của vết môi son đỏ chót. Vẫn còn là con nít, nhưng không hiểu sao Uyên bị lá thư tình lâm ly đó làm cho cảm động, và chợt nảy ra ý định muốn giúp cho hai người. Nhân một lần cậu đi ra ngoài con bé bèn lấy thư cô Kim Nhung đọc cho ngoại nghe, bà thương cô đến rơi nước mắt, nên nói nhất định bà phải cưới cô cho cậu.
Mẹ cô Kim Nhung có vẻ không hay biết gì về chuyện này. Hình như cô không nói cho mẹ biết là ông ngoại Uyên từ khước mối nhân duyên ấy. Cho nên bà mẹ rất vui vẻ, niềm nỡ tiếp đón khách bằng cả tấm chân tình và với sự hiếu khách của người miền Tây chơn chất.
Nhà cô Kim Nhung thuộc diện rất khá giả, nhà lớn nên có nhiều phòng cho khách. Sau khi xong việc chào hỏi, mọi người được hướng dẫn vào phòng ngủ cất đồ đạt, rồi đi rửa mặt, thay hết quần áo bụi đường. Cô Kim Nhung đưa cậu và Uyên ra vườn hái thêm trái cây để ăn tráng miệng, còn hai bà mẹ ngồi lại nói chuyện với nhau.
Đúng là vườn nhà cô Nhung đủ loại cây trái sum suê, xoài, mít, cam, nhất là những cây vú sữa trái màu tím mọng còn to hơn vú sữa ngoại mua nữa. Uyên thích nhất là cây chùm ruột ngọt, trái sai líu đíu chùm chùm dày đặt cả cây. Con bé mãi mê bứt xuống rất nhiều chùm trái mọng chín vàng, trong khi cô Kim Nhung tíu tít cùng cậu Út bên cây cam chỉ trỏ nhau hái những trái chín. Hai người trông thật hạnh phúc.
song  
#2 Đã gửi : 06/06/2023 lúc 08:55:40(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bữa cơm chiều hôm ấy đúng là ngon nhớ đời, làm Uyên nhớ tới bây giờ. Trên bàn toàn là những món ăn miền sông nước mà Uyên chưa bao giờ được nghe nói tới chứ đừng nói chi ăn. Canh chua cá kho tộ mặn mòi, cá lóc nướng trui thơm lừng, ốc nướng tiêu ăn trúng hột tiêu xanh cay muốn sặc, và đặc biệt có món bánh cống ngon và đậm đà vô cùng.
Tuy chỉ ở chơi hai ngày, cô Kim Nhung đã đưa cả nhà đi viếng nhiều thắng cảnh rất thú vị. Nhưng Uyên nhớ nhất là Bến Ninh Kiều nằm dọc bờ sông cùng một dãy dài công viên với lối kiến trúc xinh đẹp, có lối đi bộ kiểu cách, hoa cỏ mượt mà, và nhiều băng đá cho khách ngồi hóng mát. Buổi chiều du khách có thể đến đây ngồi ngắm ánh hoàng hôn dần buông xuống, hưởng bầu không khí trong lành, đón những làn gió mát rười rượi từ sông đưa vào. Và đêm đến khi phố xá lên đèn, thì Bến Ninh Kiều rực rỡ ánh đèn màu, phản chiếu xuống nước lấp lánh đẹp như cảnh thần tiên.
Một nơi mà Uyên cũng rất tâm đắc là Chợ Nổi Cái Răng. Khu chợ nổi với hàng trăm chiếc thuyền lênh đênh, người ta bán đủ loại hàng hóa. Quần áo, vải vóc, đồ gia dụng, thức ăn, cá thịt, nhiều ghe bán cá đồng và những thau ốc, nhưng nhiều nhất vẫn là trái cây, những ghe trái cây rực rỡ sắc màu. Có ghe bán thức ăn nóng như bún, bánh xèo, hủ tiếu... với những nồi nước lèo bốc lên nghi ngút khói, mùi thơm làm cho người ta chảy nước miếng. Món hàng nào cũng hấp dẫn cả, duy chỉ có một thứ thịt họ đựng trong thau mà Uyên nhìn thấy giật cả mình, cổ nhờn nhợn và ruột gan cồn cào vì chưa hề nhìn thấy trước đây. Hỏi ra mới biết đó là thịt chuột đồng. Những con chuột bị chặt đầu chặt đuôi mổ bụng lột da nhìn đỏ tươi, nằm ngổn ngang trong những cái thau lớn. Cô Kim Nhung nói với cậu Út là món chuột đồng này ướp nướng thì thịt thơm ngon ghê lắm, mấy ông có thể “nhậu tới bến.” Uyên nghe nói mà lắc đầu le lưỡi. Ở ngoài quê Uyên chuột đồng nhiều vô số kể, bọn chúng thường cắn phá mùa màng mỗi khi lúa bắt đầu trỗ đòng đòng. Nhà nông người ta bẩy chuột cả rọ, nhưng không thấy ai ăn thịt chúng, mà họ chỉ đem về đốt lửa thui cháy rụi hết lông rồi bỏ vào hầm cháo cùng với các loại rau mọc dại cho heo ăn. Vậy mà heo lớn phổng lớn phao.
Sáng sớm, mọi người từ giã Cần Thơ ra về trong lưu luyến. Cậu Út muốn đi chuyến xe sớm nhất để về Sài Gòn kịp đi coi đá banh. Thấy cô Kim Nhung đứng ngoài cửa nhìn theo, mắt cô như rưng rưng lệ nhìn cậu Út mà Uyên thương cô vô cùng, thầm ước mong cậu Út và cô Nhung nhanh chóng đám cưới để Uyên được... gánh cặp quả đỏ đựng rượu trà trầu cau theo ông bà ngoại đi rước dâu đúng phong tục miền quê của Uyên, như con bé từng được nhờ gánh quả cho mấy người thanh niên bà con trước đó.
Nhưng ở đời mấy khi mơ ước là được toại nguyện. Cuối cùng rồi vì cái câu... . “Áo mặc không qua khỏi đầu” mà, đau xót thay, chính Uyên lại là đứa bé ông ngoại bắt gánh cặp quả đỏ theo ông đi hỏi vợ cho cậu Út. Dưới áp lực của ông, cho tới giờ Uyên vẫn không biết đó là gì, cậu Út cuối cùng vẫn phải quay về cưới người vợ thôn quê do ông chọn và hứa hôn từ trước. Nhìn cậu mặt mày buồn xo trong ngày cưới, mặc áo dài the đen, đội khăn đóng xếp, mang guốc gỗ, bước thấp bước cao theo sau ông trên đường làng đi đến nhà gái mà Uyên muốn khóc. Cặp quả đỏ trên vai Uyên như nặng oằn thêm. Và trong một thời gian dài Uyên cảm thấy mình rất có lỗi với cô Kim Nhung. Năm đó đám cưới xong cậu Út bỏ vào lại Sài Gòn ngay, và rất ít khi cậu về. Bà mợ mới cũng xinh và hiền lắm, nhưng phải tội mợ ghen kinh khủng. Mỗi lần mợ vào Sài Gòn thăm cậu, hễ ai là phụ nữ tiếp xúc với cậu là mợ làm dữ, gần như muốn đánh ghen luôn. Cho nên Uyên không bao giờ dám hé môi - kể cả với người trong gia đình - về cái chuyện cậu Út có người yêu ở Cần Thơ khi trước. Về sau chiến tranh sôi động, mợ lấy cớ dẫn mấy đứa con theo cậu vào ở luôn trong Sài Gòn.
Đó là bí mật của cậu Út, bà ngoại, và Uyên. Mợ mất khi cậu Út cũng chưa già lắm, nhưng cậu vẫn ở vậy nuôi con. Hiện giờ cậu đang ở quê, đã già rồi, tuổi cũng đã vào hàng bát thập. Nhưng câu chuyện về “cố nhân Kim Nhung” của cậu Uyên vẫn chưa một lần kể cho ai trong gia đình nghe. Sau 1975, nhiều lần Uyên định hỏi cậu Út về chuyện ngày trước, vì Uyên vẫn luôn mang canh cánh trong lòng với bao nhiêu câu hỏi không có lời giải đáp. Vì lý do nào mà cậu chịu vâng lời ông về quê cưới vợ dù trước đó cậu quyết liệt chống đối. Chuyện tình của cậu với cô Kim Nhung cuối cùng rồi tới đâu. Về sau có bao giờ cậu gặp lại cô ấy... Nhưng rồi định mệnh đẩy đưa, đẩy Uyên từ phố thị lên vùng rừng núi, rồi đẩy luôn tới cách xa quê hương nửa vòng trái đất, nên mãi cho đến bây giờ, những câu hỏi và chuyện cô Kim Nhung vẫn còn nằm trong bí mật, bí mật của Uyên và cậu Út, vì bà ngoại không còn.
Hôm ấy từ Cần Thơ về lại Sài Gòn là đã quá buổi chiều. Chưa kịp ăn uống gì, cậu Út dẫn Uyên đi ngay vô sân vận động Cộng Hòa coi trận đấu giao hữu giữa hai đội banh giỏi của Thủ Đô Sài Gòn, họ rèn luyện để chuẩn bị thi đấu giành giải Quân Khu vào dịp cuối năm giáp Tết.
Sân vận động chiều hôm ấy đông nghẹt người. Vì đến trễ, cậu Út lật đật kéo Uyên chen vào dòng người và đưa vé vô cổng, không kịp mua thức ăn đồ uống mang theo. Uyên níu áo cậu Út len lỏi vào giữa những hàng người ngồi dày kín xung quanh sân vận động. Khi hai cậu cháu tìm được chỗ ngồi thì trận đấu cũng sắp bắt đầu. Hai đội tuyển áo trắng và áo vàng với giày vớ tươm tất trông thật oai phong lẫm liệt, đứng hai đầu sân nhún nhảy, làm những động tác khởi động. Thật là một ngạc nhiên đầy thú vị cho Uyên, khi lần đầu tiên cô bé được xem trực tiếp trận đá banh trên sân cỏ chứ không phải nghe qua Radio như trước giờ, và xem những trận đấu banh nhựa của cậu Út và bạn bè cậu ở quê nhà. Người ta la hét, vỗ tay, cổ võ ầm ỹ thật là náo nhiệt, làm Uyên cũng ‘hăng tiết” xúm vỗ tay la hét theo mỗi khi có những pha hấp dẫn.
Hai đội bóng đều giỏi ngang nhau, hết công tới thủ, các đội hình sắp xếp thật hoàn hảo, hai màu áo gần như kèm sát nhau từng bước chân, vì lơi ra một tý là mất bóng về phía đối thủ. Quần nhau một hồi lâu mà chưa có bên nào phá được lưới bên nào, nếu nói theo cách nói “độc nhất vô nhị” của tường thuật viên “ngọc quý” Huyền Vũ thời VNCH bấy giờ, thì “Tới giờ phút này, hai bên màn lưới vẫn còn... trinh bạch!” Đáng tiếc là hôm ấy không phải Huyền Vũ tường thuật trận đấu.
Trời Sài Gòn buổi chiều nóng hầm hập, như có thể đổ mưa xuống bất cứ lúc nào. Uyên
rảo mắt nhìn quanh sân vận động. Những tấm băng rôn quảng cáo kem đánh răng “HYNOS” Anh Bảy Chà với hình người đàn ông da đen cười toe, khoe hàm răng trắng ởn, và nhiều bảng quảng cáo khác rực rỡ đủ màu sắc treo quanh sân vận động làm cho người ta thêm cảm giác nóng nực, bít bùng. Uyên quay qua cậu Út kêu khát nước. Cậu đang mê trận đấu nên dỗ dành Uyên, ráng chịu thêm một hồi, lát nữa cậu sẽ đi mua nước mía cho mà uống. Tiếp theo là một pha phá bóng hấp dẫn của đội áo trắng, cả sân vận động reo hò lên vang dội làm cho Uyên quên đi sự khát nước, quay trở lại chăm chú tiếp tục xem.
Trận đấu vẫn đang sôi nổi. Thủ môn bên áo trắng có vẻ giỏi trội hơn, đã cứu quân mình nhiều “bàn thua trông thấy.” Cho nên đội áo vàng đã bị lỡ một dịp may làm bàn, khi cú phạt đền 11 mét “rất dễ ăn tiền” lại bị thủ môn bên áo trắng đấm tạt một cú thật đẹp làm cho banh bay ra ngoài lề.
Khán giả ủng hộ viên của bên áo vàng ồ lên la hét, tiếc nuối, còn khán giả bên phe áo trắng cũng hò reo vì mừng vui, vì... hú hồn. Uyên không theo phe nào vì đâu biết ai là ai, nhưng cũng kêu lên vì tiếc cho đội áo vàng. Và rồi cả sân vận động chợt lặng im, như nín thở chăm chú nhìn hai đội lao nhao chuẩn bị cho quả phạt góc của bên áo vàng.
Trong khi cầu thủ áo vàng ở góc sân vừa đặt quả banh dưới chân vừa nhảy loi choi ngắm hướng, các cầu thủ áo trắng vội vã kéo thêm về nhà, người khòm lưng cong gối, kẻ ngưởng cổ khuỳnh tay để phòng thủ, và các cầu thủ áo vàng cũng xúm xít thủ thế chờ chực trước khung thành bên địch, đợi vận may có thể chộp được banh. Thủ môn đội áo trắng đứng thủ thế, dạng chân, mắt láo liên nhìn trước mặt rồi căng mắt nhìn chăm chăm về góc trái. Riêng Uyên, cô bé chỉ lơ đãng nhìn, vì đến giờ này cô đã hiểu, quả phạt góc xảy ra thường xuyên trong suốt mấy chục phút của trận đấu, nhưng chưa một lần có đội nào thành công.
Tiếng còi trọng tài bỗng thổi lên. “Roét!” Cầu thủ áo vàng lập tức lùi ra rồi vung chân đá mạnh một phát, đưa trái banh bay vút về phía đội áo vàng trước khung thành. Các cầu thủ áo trắng vội vàng bung lên “cứu chúa” để dẫn ngược banh về phía bên kia. Các cầu thủ áo vàng cũng lao nhao phóng lên để cướp banh.
Bỗng trong nháy mắt, một cầu thủ áo vàng từ đâu bay tới như sao xẹt, phóng lên, và dùng đầu đón lấy quả banh, ũi mạnh một phát thật ngoạn mục.
Quả banh bay cái vèo, thẳng đường tung ngược vào lưới đối phương rồi lăn nhẹ nhàng xuống đất, trước sự sững sờ há hốc của thủ môn, và cả cầu thủ của hai đội.
“DZÔ! DZÔ! DZÔ!”
Cả sân vận động vỡ òa.
Tiếng la hét, tiếng hò reo, người ta vỗ tay, người ta đập gõ bất cứ thứ gì có được. Âm thanh hỗn loạn huyên náo cả một vùng trời, bốc lên tận mây xanh. Uyên cũng quá sức phấn khích. Cô bé cùng la lên theo mọi người, bàn tay trái đập đập lên đùi mình, còn bàn tay phải liên tục vỗ mạnh lên đùi cậu Út, hét lớn, “Hay quá! Hay quá!”
Bỗng bàn tay cậu Út khẻ khàng nắm lấy bàn tay Uyên từ trên đùi cậu và bóp nhè nhẹ. Bàn tay cậu Út thật là ấm áp, dễ chịu vô cùng. Cô bé thích chí, vì cậu đồng tình với mình nên càng cầm chặt bàn tay cậu hơn và vừa tiếp tục la hét vừa vung lên vung xuống theo những tiếng hô đồng thanh của khán giả. “1-0! 1-0! Ít nhất cũng phải vậy chứ!”
Và sự im lặng được trả lại cho trận đấu. Uyên cảm thấy hơi mệt vì la hét gần khản giọng, một phần vì khát nước. Cô bé ngã đầu vào vai cậu Út, nhỏng thẻo muốn đòi cậu đi mua nước mía. Bỗng Uyên khám phá ra, người cậu Út hôm nay có mùi hương gì đặc biệt quá, kèm theo cái cảm giác ấm áp, như một luồng điện từ bàn tay cậu chuyền qua làm nóng ran khắp người. Vừa ngước lên nhìn, Uyên vừa hỏi cậu xem hôm nay cậu tắm xà bông gì mà thơm thế.
“C... â... ”
Tiếng “cậu” chưa kịp phát ra đã tắt ngay trong cổ họng. Uyên giật vội tay về, mặt mày nóng ran, bừng bừng như có hàng trăm con kiến đang bò, chắc là đỏ ửng khó coi lắm. Cô bé nghĩ thầm, và ước gì lúc này có thể chui xuống đất. Người bên cạnh Uyên không phải cậu Út, mà là một thanh niên khác. Người này khoảng chừng nhỏ hơn cậu Út vài ba tuổi.
Đúng lúc cậu Út cũng vừa bước lại cùng với hai ổ bánh mì thịt gói giấy báo và hai bịch nước mía cột dây cao su đung đưa tòng teng trên tay.
Thì ra trong lúc chờ quả phạt góc không mấy hấp dẫn, cậu Út đã ra ngoài mua nước mía và thức ăn tối. Người kia đến trễ, thấy chỗ trống bên cạnh Uyên nên mới ngồi vào.
Tuy nhiên vẫn còn may, người ấy cũng không phải hoàn toàn xa lạ, mà là một người ở cùng xã, tuy cách xa thôn. Cậu Út và anh ta chào hỏi nhau xong, anh chàng trả chỗ lại cho cậu và bỏ đi tìm nơi khác, trước khi để lại cho Uyên một ánh mắt thật nồng nàn và nụ cười đầy hóm hỉnh. Chuyện chỉ đơn giản có vậy, mà làm cho Uyên bận tâm suốt buổi. Mỗi lần nghĩ tới ánh mắt của anh ta là cô bé lại thấy tim đập mạnh, mặt mày nóng ran. Cái cảm giác ấm áp từ bàn tay xa lạ và cái mùi hương dễ chịu ấy cứ lảng vảng trong đầu. May mà cậu Út không bắt gặp Uyên nắm tay người ta, nếu cậu thấy thì mắc cỡ chết! Từ đó cho đến hết trận đấu, cô bé không còn chú ý gì đến việc hai đội banh thắng bại ra sao nữa.
Rồi chiến tranh bắt đầu lan rộng khắp miền Trung. Cả thôn làng, cả xã, của Uyên đều bị những trận chiến giữa hai bên làm cho tan nát. Người dân sống giữa hai lằn đạn thật khổ sở vô cùng. Ban đêm thì “người trên núi,” hay cộng sản, lẻn về làng kiếm lương thực thuốc men, bắt giết những người làm việc cho chính phủ Việt Nam Công Hòa; ban ngày thì quân đội VNCH đến giữ làng và truy tìm tung tích cộng sản nằm vùng, bắt giam những ai tiếp tế cho người trên núi. Ông bà ngoại Uyên bỏ hết nhà cửa, tài sản, chạy tản cư ra Thị Xã, cất nhà ở chung với các cậu mợ. Uyên đi học lại được một thời gian ngắn, thì tình hình chiến sự leo thang tồi tệ hơn, nên cô bỏ trường và đi học nghề “Tá Viên Điều Dưỡng.” Công việc bận rộn, và rồi theo thời gian Uyên cũng quên đi cái chuyện thật đáng mắc cỡ, là tự nhiên đi nắm tay người khách lạ năm nào.
Khi ra trường, Uyên đã là một cô y tá xinh xắn, và được nhận vào làm trong bệnh viện lớn ở tỉnh. Hàng này, ngoài những người bệnh, cô phải chăm sóc và điều trị cho rất nhiều người dân bị thương do bom đạn chiến tranh gây ra, từ khắp các nơi chuyển về. Thỉnh thoảng cũng có các quân nhân QLVNCH bị thương ở mấy vùng gần đó chuyển đến cấp cứu trước khi đưa vào nhà thương quân đội hay các trạm xá của Mỹ.
Một lần gần dịp Tết, chuyến tàu lửa từ Sài Gòn ra Trung bị cộng sản giật mìn. Hai toa tàu đứt ra lật nhào, hành khách lớp chết lớp bị thương. Những người bị thương liên tục được xe Lambretta chở vào bệnh viện. Uyên và các đội ngũ y bác sĩ làm việc cật lực để cấp cứu.
Trong lúc Uyên đang băng bó cái đầu gối bị thương của một người đàn ông quần áo lấm lem, mặt mày nhem nhuốc đầy cát đất lẫn dầu mỡ, anh ta bất chợt vói tay cầm lấy tay Uyên.
Uyên giật mình, rụt tay lại định hét lên, thì anh ta nói nhỏ nhẹ:
“Bộ... không nhận ra anh sao, cô bé?” Vừa nói anh ta vừa cười cười, vừa nheo nheo đôi mắt lém lỉnh trên khuôn mặt lọ lem ấy nhìn Uyên chăm chú.
Uyên run bắn người lên. Đây rồi. Đúng là ánh mắt năm nào đã hớp hồn cô bé mười bốn tuổi. Ánh mắt ấy đã theo Uyên suốt những năm qua.
Thì ra ngày ấy “Chàng” vào Sài Gòn để nhờ người anh bà con cùng quê là một sĩ quan Không Quân giúp làm thủ tục đăng vào binh chủng Không Quân. Và buổi chiều định mệnh ấy, chàng đi xem đá banh trễ cùng người anh tại sân vận động Cộng Hòa, nên mới có chuyện hai người tẻ ra đi kiếm chỗ ngồi. Và cái nắm tay “cầm nhầm” một cách rất tình cờ ấy cũng đã làm cho chàng mất ăn mất ngủ, tìm kiếm cô bé khắp nơi. Làng cũ không còn, vì đã là vùng bị chiếm, thì bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm. Lần này chàng Không Quân trẻ mặc thường phục về phép thăm nhà nhân ngày giỗ mẹ, không ngờ tàu bị giật mìn mà gặp lại cô bé ngày xưa.
Cuối năm đó, Uyên theo chàng về làm dâu cho... Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang.
Cho đến tháng Tư 1975, Uyên đã là bà mẹ trẻ của ba đứa con. Rồi sau một thời gian ngậm cay nuốt đắng, Uyên lo cho chồng và một đứa con trai vượt biên, trốn thoát khỏi đất nước mình mà... không phải của mình!
Sau khi đoàn tụ theo chồng qua sinh sống ở đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc, Uyên đã rất vất vả, vừa phải đi làm nuôi con phụ với chồng, vừa đi học lại, nên không còn chút thì giờ nào để coi hết những trận đấu bóng tròn hay, trận đấu thế giới hay đấu trong nước Mỹ, dù Uyên rất yêu thích đội tuyển nữ Hoa Kỳ với sự dẫn dắt tuyệt vời của đội trưởng Becky Sauerbrunn, cô gái Mỹ Trắng rất xinh đẹp và đầy tài năng.
Chỉ thỉnh thoảng, hiếm hoi lắm, Uyên mới theo dõi được vài trận đấu ly kỳ, như đội tuyển Nữ USA đánh bại Nhật Bản 5-2 trong trận Chung Kết Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới 2015, và trở thành đội nữ đầu tiên trong lịch sử giành được ba chức vô địch trong Giải Vô Địch bóng tròn nữ thế giới, Carli Lloyd đã lập thành tích “hat-trick” điêu luyện nhất từ trận đấu bắt đầu trong lịch sử World Cup, và Abby Wambach đã được hoan nghênh nhiệt liệt trong trận đấu World Cup cuối cùng của cô. Sau chiến thắng lớn ở World Cup 2015, đội tuyển Nữ Hoa Kỳ đã được nước Mỹ vinh danh bằng một cuộc diễu hành ở New York, là cuộc diễu hành đầu tiên dành cho một đội thể thao nữ quốc gia, và đội cũng đã được Tổng Thống Barack Obama đón tiếp, vinh danh tại Tòa Bạch Cung (Wikipedia).
Những tháng ngày đi dạy học cho tụi con nít Mỹ, tôi thường chơi chung những trái banh nhựa với chúng, và khi đi làm thêm công việc dạy thể dục cho người già tại một Viện Dưỡng Lão, tôi cũng thích chơi ném banh nhựa với họ. Vì đó là lúc hồn tôi mơ về dĩ vãng, mơ về thời thơ ấu ở quê nhà, để rồi nhớ ơi là nhớ những lần theo cậu Út chơi banh nhựa cùng bạn cậu sau lũy tre nhà ngoại vào những buổi chiều hè.
Và hôm nay, ngày 18 tháng 12, 2022, “Con bé lượm banh nhựa” cho cậu Út ở quê ngày nào, đã là bà nội của bốn bầy cháu, đang cùng chàng cựu Không Quân ngồi trên xứ Cờ Hoa, xem trận đấu chung kết “FIFA World Cup Quatar 2022,” vừa vỗ tay, đập bàn, giậm chân, la hét vang nhà vì tức tối, khi nhìn đội tuyển Pháp ưa thích rất tài giỏi từng giật hai lần Cúp Quán Quân đã bị đội Argentina cướp mất chiếc cúp vô địch thế giới 2022!
Nhưng tức hơn nữa, đau hơn nữa, là đã thua cá độ chàng một chầu phở... nấu tại nhà, vì chàng bắt độ Argentina thắng!

Phương Hoa
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.208 giây.